Chiến thuật trả lời các dạng câu hỏi trong SAT Reading (Phần cuối)
Trong cả hai phần thi SAT Reading (đọc) và SAT Writing (viết) của bài SAT, đều có những câu hỏi kết hợp với biểu đồ, bản biểu, đồ thị, … Theo tài liệu chính thức về hướng dẫn tham gia bài thi SAT (the Official SAT Study Guide), định nghĩa loại câu hỏi này trong bối cảnh phần thi SAT Reading là câu hỏi “diễn giải dữ liệu được trình bày dưới dạng đồ hoạ thông tin”.
Xem thêm: Chiến thuật trả lời các dạng câu hỏi trong SAT Reading – Phần 1
Xem thêm: Chiến thuật trả lời các dạng câu hỏi trong SAT Reading – Phần 2
Nhằm mục đích giúp thí sinh nắm được hình thức ra đề, cũng như xử lý câu hỏi dạng này, phần cuối của chuỗi bài viết về Chiến lược trả lời các câu hỏi trong bài thi SAT Reading sẽ xoay quanh hai dạng câu hỏi cuối cùng trong chuỗi 8 dạng câu hỏi của bài thi SAT Reading: Author Techniques (câu hỏi kỹ năng của tác giả) và Data Reasoning Questions (câu hỏi giải thích nội dung trong biểu đồ).
Xem thêm: Phương pháp đọc hiểu dạng bài đọc Paired Passage trong SAT Reading
Dạng câu hỏi Author Techniques trong SAT Reading
Tổng quan về Author Techniques Questions
Dạng bài Author Technique Questions (câu hỏi kỹ năng của tác giả) là một dạng câu hỏi khá ít xuất hiện trong bài thi SAT Reading. Đề bài yêu cầu thí sinh xác định sắc thái từ giọng văn của tác giả, hoặc thái độ của tác giả thông qua cách sử dụng từ ngữ trong bài đọc.
Tuy chúng không xuất hiện nhiều như những loại câu hỏi khác, thí sinh sẽ bắt gặp câu hỏi dạng này ít nhất từ một đến hai lần trong mỗi bài kiểm tra SAT Reading. Dưới đây là một số hình thức câu hỏi của Author Techniques Questions:
The author mentions “sharpener shavings” (line 10) in order to portray a mood of… (Tác giả đề cập đến “đồ mài giũa” (dòng 10) để miêu tả tâm trạng của … )
The author’s overall tone in this passage is best described as one of … (Giọng điệu tổng thể của tác giả trong đoạn văn này được mô tả tốt nhất là … )
The narrator’s tone in the underlined description of “the man on cream-colors” is best described as … (Giọng điệu của người kể chuyện trong phần mô tả được gạch chân về “người đàn ông mặc đồ màu kem” được mô tả tốt nhất là … )
Which of the following is the most obvious demonstration of the narrator’s subjective opinion? (Đáp án nào dưới đây là minh chứng rõ ràng nhất cho ý kiến chủ quan của người kể chuyện?)
The point of view from which the passage is told can best be described as that of … (Quan điểm của đoạn văn có thể được mô tả tốt nhất là … )
Câu hỏi Author Technique là một nhánh nhỏ của dạng câu hỏi Inference (câu hỏi suy luận). Nói một cách khác, thí sinh trước tiên phải hiểu được những thông tin được trình bày trong bài đọc và sau đó đưa ra suy luận về cảm xúc của tác giả đối với chủ đề (dựa vào giọng văn) cho người đọc thông qua tác phẩm của mình.
Mặc dù đáp án của Author Technique Questions không được lấy trực tiếp hay diễn đạt lại từ thông tin trong bài đọc nhưng thí sinh vẫn cần phải tìm được dẫn chứng cho câu trả lời của mình vì câu trả lời đúng được lấy trực tiếp từ nội dung có trong bài đọc.
Xem thêm: Cách làm bài thi SAT Reading: Dạng Author’s Technique
Chiến lược trả lời dạng câu hỏi Author Techniques trong SAT Reading
Hướng tiếp cận
Theo trang PrepScholar, Author Technique Questions trong SAT Reading là một trong số những dạng câu hỏi khó vì chúng đòi hỏi thí sinh nắm được bao quát các thông tin trong bài đọc, vừa phải chú ý cách sử dụng từ ngữ và chọn lọc chi tiết miêu tả của tác giả.
Vì vậy, để xử lý dạng câu hỏi này, thí sinh cần vạch ra chiến lược cụ thể để tránh làm mất thời gian của bản thân trong quá trình làm bài. Thí sinh có thể tham khảo 4 bước trả lời câu hỏi dạng Author Techniques trong SAT Reading dưới đây:
Bước 1: Phân tích câu hỏi
Đầu tiên, thí sinh cần xác định trọng tâm của câu hỏi. Đối với dạng Author Techniques Question, câu hỏi sẽ có một trong hai loại yêu cầu dưới đây:
Câu hỏi yêu cầu xác định giọng điệu, thái độ trong giọng văn của tác giả (tone): đáp án đúng của loại yêu cầu này sẽ mô tả chính xác nhất cảm nhận, thái độ của tác giả đối với chủ đề của bài đọc.
Câu hỏi yêu cầu xác định sắc thái (mood) của một phần trong bài đọc: đáp án đúng của loại yêu cầu này sẽ mô tả chính xác nhất cảm giác, sắc thái mà bài đọc truyền tải đến người đọc trong phần văn bản đó.
Bước 2: Phân tích đáp án
Thí sinh xác định từ khóa (keywords) trong từng đáp án. Những từ khóa này sẽ giúp thí sinh trong quá trình đối chiếu với thông tin trong bài đọc.
Bước 3: Phân tích thông tin trong bài đọc và tìm những từ khóa mô tả (descriptive words) thể hiện giọng điệu (tone) và sắc thái (mood) trong bài đọc.
Thí sinh chỉ khoanh vùng thông tin đề bài yêu cầu. Trong vùng thông tin này luôn có những từ khóa, cụm từ khóa mô tả (descriptive words) như terribly (kinh khủng, tệ hại), truly (chân thành), thankful (biết ơn), honestly (thật ra rằng), seriously (nghiêm trọng), … Những từ khóa này sẽ là điểm mấu chốt để xác định giọng điệu và sắc thái của văn bản.
Bước 4: Loại bỏ những đáp án sai
Từ những thông tin đúc kết được ở 3 bước trên, thí sinh tiến hành loại bỏ đi những đáp án sai. Đáp án đúng có thể là một từ đồng nghĩa của từ khoá mô tả thí sinh đã tìm được ở bước 3.
Lưu ý : Đáp án chỉ đúng khi thí sinh tìm được một dẫn chứng cụ thể để bổ trợ cho đáp án.
Ví dụ minh hoạ
Ví dụ: SAT Practice Test #9 – The College Board
SAT Practice Test #9
Bước 1: Phân tích câu hỏi
Câu hỏi: “Throughout the passage, the narrator is portrayed as someone who is …” (Xuyên suốt bài đọc, người dẫn chuyện được phác hoạ như một người … )
➱ “the narrator” (người dẫn chuyện) ở đây tượng trưng cho góc nhìn của “the author” (tác giả) muốn gửi gắm tới người đọc. Nên thái độ, tính cách “the narrator” thể hiện trong bài đọc sẽ quyết định giọng văn (tone) của toàn bài đọc.
Bước 2: Phân tích đáp án
Phân tích và xác định từ khóa trong từng đáp án:
Đáp án (A): “reserved around unfamiliar people.” (khép mình với những người không quen thuộc.)
Đáp án (B): “attuned to her immediate surroundings.” (hoà hợp với môi trường xung quanh cô ấy.)
Đáp án (C): “sympathetic to the needs of others.” (thông cảm với nhu cầu của người khác.)
Đáp án (D): “anxious about her responsibilities.” (lo lắng về trách nhiệm của cô ấy.)
Bước 3: Tìm những từ khóa mô tả (descriptive words) thể hiện giọng điệu (tone) và sắc thái (mood) trong bài đọc
Từ bước phân tích câu hỏi, thí sinh xác định được vùng cần phân tích là “throughout the passage” (toàn bộ bài đọc). Thí sinh áp dụng phương pháp tìm từ khóa mang tính mô tả để xác định thái độ của người dẫn chuyện.
Ở phần bắt đầu của đoạn văn thứ hai người dẫn chuyện có phát ngôn như sau: “I tried to notice everything so I could later tell GaoLing what I had seen.” (Tôi cố gắng để ý mọi thứ để sau này có thể kể cho GaoLing những gì tôi đã thấy.)
Tiếp theo, cô ấy mô tả “the floors” (các tầng) của “the family’s ink shop” (cửa hiệu bán mực của gia đình), từ những chi tiết như “the walls” (những bức tường), “the display cases’ (lọ mực trưng bày), và một số một số món đồ đang bán khác.
Tiếp đó, ở đoạn văn thứ ba, người dẫn chuyện đã chú ý miêu tả những “inkstick” (cây bút mực) khác nhau rất tỉ mỉ như một cây bút mực có “with a tip shaped like a fairy boat” (có đầu bút như chiếc thuyền tiên), một cây khác có “a bird shape” (hình dáng của một con chim), và một bộ sưu tập “ink cakes” (bánh mực) có “embellished with designs of peonies and bamboo” (được tô điểm bằng các những hình vẽ hoa mẫu đơn và cây tre).
Từ những chi tiết trên, thí sinh rút ra được kết luận rằng người dẫn chuyện có cái nhìn phong phú, rộng mở về môi trường xung quanh.
Bước 4: Loại bỏ đáp án sai và chọn đáp án đúng
Thí sinh tiến hành loại suy từng đáp án:
Loại đáp án (A) vì mặc dù ở đoạn một, người dẫn chuyện tự miêu tả bản thân là một người nhút nhát nhưng những người cô ấy tương tác trong câu chuyện không hề xa lạ mà là những thành viên trong gia đình của cô ấy, cô ấy đã gặp họ từ trước.
Loại đáp án (C) và (D) vì không tìm được bất kì dẫn chứng nào trong bài về hai đáp án này.
Đáp án (B) là đáp án chính xác và phù hợp với kết luận ở bước 3.
Xem thêm: Phương pháp làm bài SAT Reading: Dạng bài đọc kép (Paired Passages)
Dạng câu hỏi Data Reasoning trong SAT Reading
Tổng quan về Data Reasoning Questions
Data Reasoning Questions trong SAT Reading còn được biết với tên gọi khác là Quantitative Questions (câu hỏi định lượng). Theo thống kê từ trang PrepScholar, trung bình một đề thi SAT Reading sẽ có từ 3-6 câu hỏi thuộc dạng Data Reasoning.
Nếu thí sinh nắm bắt được các loại câu hỏi Data Reasoning khác nhau và làm quen với cách dữ liệu được trình bày trong bài thi dưới dạng đồ thị thì thí sinh sẽ dễ dàng xử lý câu hỏi dạng này hơn trong quá trình luyện thi SAT.
Có 3 dạng Data Reasoning Questions chính, bao gồm:
Loại câu hỏi: Câu hỏi dữ liệu (Data Questions)
Đây là loại câu hỏi trực tiếp nhằm mục đích kiểm tra xem thí sinh có đủ khả năng để đọc hiểu những thông tin được trình bay hay không. Có thể nói, Data Questions là loại câu hỏi Data Reasoning trực quan và dễ xử lý nhất.
Điểm mấu chốt để giải quyết loại câu hỏi này là thí sinh phải phân tích thật kỹ đồ thị, nắm được cách thức thông tin biểu hiện trên đồ thị và đối chiếu với yêu cầu của hỏi. Dưới đây là một số ví dụ về hình thức ra đề của Data Questions:
“According to figure 1, in 2017, the cost of which of the following fuels is projected to be closest to the 2009 US average electricity cost shown in figure 2?” (Theo biểu đồ 1, vào năm 2017, chi phí của loại nhiên liệu nào sau đây được dự đoán là gần nhất với chi phí điện trung bình của Hoa Kỳ năm 2009 được trình bày trong biểu đồ 2?)
“According to figure 2, in what year is the average cost of solar photovoltaic power projected to be equal to the 2009 US average electricity cost?” (Theo biểu đồ 2, vào năm nào thì chi phí trung bình của năng lượng quang điện mặt trời sẽ bằng với chi phí điện trung bình của Hoa Kỳ năm 2009?)
“In the graph, which isotherm displays an increase in depth below the surface during the period 19:12 to 20:24?” (Trong biểu đồ, đường đẳng nhiệt nào hiển thị sự gia tăng độ sâu bên dưới bề mặt trong khoảng thời gian từ 19:12 đến 20:24?)
Loại câu hỏi: Câu hỏi giải thích dữ liệu (Interpreting Data Questions)
Những câu hỏi này yêu cầu thí sinh giải thích kết luận được đưa ra dựa trên dữ liệu được thể hiện trong biểu đồ. Khi làm câu hỏi Interpreting Data, thí sinh sẽ dựa vào những đáp án được đưa ra, sau đó đối chiếu với biểu đồ; đáp án nào được biểu thị trên biểu đồ sẽ là đáp án chính xác. Một số ví dụ về hình thức câu hỏi của Interpreting Data Questions:
“Which choice is supported by the data in the first figure?” (Đáp án nào dưới đây được trình bày bởi dữ liệu trong biểu đồ đầu tiên?)
“Which statement is best supported by the information presented in the table?” (Tuyên bố nào được thể hiện tốt nhất bởi thông tin trình bày trong bảng?)
“Which choice offers an accurate interpretation of the data in the graph?” (Đáp án nào dưới đây cung cấp cách giải thích chính xác về dữ liệu biểu đồ?)
Loại câu hỏi: Kết hợp dữ liệu trong đồ thị với thông tin trong bài đọc (Combining Data With Information From the Passage)
Có thể nói đây là loại câu hỏi khó nhất trong 3 loại câu hỏi về Data Reasoning Questions, để xử lý loại câu hỏi này, thí sinh không chỉ cần nắm bắt nội dung của biểu đồ như hai loại câu hỏi trước đó mà còn cần nắm được phần nội dung có liên quan trong bài đọc.
Thông thường, câu hỏi có thể bẫy thí sinh khi đưa ra các đáp án chỉ được thể hiện trong bài đọc hoặc biểu đồ chứ không được thể hiện ở cả hai. Dưới đây là một số ví dụ về hình thức câu hỏi của loại này:
“The 2011 data in the table best serve as evidence of …” (Dữ liệu năm 2011 trong bảng được phục vụ làm dẫn chứng cho … )
“The writer wants the information in the passage to correspond as closely as possible with the information in the map. Given that goal and assuming that the rest of the previous sentence would remain unchanged, in which sequence should the three terms for soft drinks be discussed?” (Người viết muốn thông tin trong đoạn văn tương ứng càng chặt chẽ càng tốt với thông tin trong bản đồ. Với mục tiêu đó và giả sử rằng phần còn lại của câu trước không thay đổi, ba thuật ngữ về nước giải khát nên được thảo luận theo trình tự nào?)
“Which concept is supported by the passage and by the information in the graph?” (Khái niệm nào được hỗ trợ bởi đoạn văn và bởi thông tin trong biểu đồ?)
Chiến lược trả lời dạng câu hỏi Data Reasoning trong SAT Reading
Hướng tiếp cận
Data Reasoning được xem là một loại câu hỏi tương đối dễ vì thí sinh không cần phải mất nhiều thời giân đọc hiểu nội dung bài đọc mà chỉ cần phân tích thật chính xác những thông tin được biểu thị trong biểu đồ. Dưới đây là 4 bước tiếp cận dạng câu hỏi Data Reasoning trong SAT Reading một cách hiệu quả nhất:
Bước 1: Phân tích câu hỏi
Khi phân tích câu hỏi, thí sinh cần xác định được 3 điểm chính sau đây:
Câu hỏi thuộc loại nào trong 3 loại Data Reasoning?
Nội dung nào được đề cập trong câu hỏi?
Có cần thiết phải phân tích phần thông tin có liên quan trong bài đọc hay không?
Bước 2: Phân tích nội dung trong biểu đồ
Đây là bước rất quan trọng, khi phân tích biểu đồ, thí sinh phải xác định được nội dung biểu đồ thể hiện, các đơn vị có trong biểu đồ, dạng biểu đồ, và các số liệu liên quan.
Bước 3: Phân tích từng đáp án
Xác định từ khóa trong từng đáp án và đối chiếu thông tin với biểu đồ. Bước này cần được thực hiện một cách cẩn thận và ghi chú lại trên nháp (nếu cần thiết) sự khác nhau giữa các đáp án.
Bước 4: Loại bỏ đáp án sai và chọn đáp án đúng
Loại bỏ đi những đáp án sai dựa vào các thông tin đã phân tích ở bước 3.
Nếu câu hỏi thuộc loại 3( Combining Data With Information From the Passage) , thí sinh nên xem xét lại đáp án mình chọn một lần nữa sau khi kiểm tra lại thông tin trong bài đọc.
Ví dụ minh hoạ 1
Ví dụ 1: SAT Practice Test#7 – The College Board
SAT Practice Test#7
Bước 1: Phân tích câu hỏi
Câu hỏi: “According to figure 1, which of the following years showed the widest gap between percentages of productivity and employment?” (Theo biểu đồ 1, năm nào sau đây cho thấy khoảng cách chênh lệch phần trăm năng suất và việc làm lớn nhất?)
⇒ Câu hỏi trên thuộc loại Data Questions, thí sinh chỉ cần phân tích thông tin trong biểu đồ mà không cần phân tích bài đọc, và thí sinh cần phải tìm năm(year) có khoảng cách chênh lệch giữa năng suất và việc làm lớn nhất.
Bước 2: Phân tích nội dung trong biểu đồ
Nội dung của biểu đồ là “United States Productivity and Employment” (Năng suất và Việc làm của Hoa Kỳ).
Biểu đồ thuộc dạng biểu đồ đường. Đường liền thể hiện phần trăm năng suất, đường thẳng đứt thể hiện phần trăm việc làm.
Trục tung biểu diễn phần trăm và trục hoành biểu diễn năm.
Bước 3: Phân tích từng đáp án
Các đáp án được đưa ra là số năm thể hiện trên biểu đồ.
Bước 4: Loại bỏ đáp án sai và chọn đáp án đúng
Nhìn vào biểu đồ, thí sinh nhận thấy năm có sự chênh lệch lớn nhất giữa 2 đường là năm 2013.
Do đó, đáp án (D) là đáp án chính xác của câu hỏi này.
Ví dụ minh hoạ 2
SAT Practice Test #8 – The College Board
SAT Practice Test #8
Bước 1: Phân tích câu hỏi
Câu hỏi: “Which of the following statements is supported by the graph?” (Phát biểu nào dưới đây được biểu thị trong đồ thị?)
➱ Câu hỏi trên thuộc loại Interpreting Data, thí sinh không cần đối chiếu với thông tin trong bài đọc để trả lời câu hỏi này, thay vào đó thí sinh sẽ phân tích từng đáp án xem đáp án nào khớp với biểu đồ nhất.
Bước 2: Phân tích nội dung trong biểu đồ
Biểu đồ biểu thị nội dung “Fates of Social Science Studies by Results” (Nhận định của các nghiên cứu về Khoa học Xã hội dựa vào Kết quả) dưới dạng cột.
Trục tung biểu thị phần trăm, trục hoành biểu thị ba mức kết quả – “strong results” (kết quả mạnh), “mixed results” (kết quả hỗn hợp) và “null results” (kết quả không xác định được).
4 màu trong cột biểu thị 4 loại nghiên cứu khác nhau; màu trắng sọc đen biểu thị “published in top journal” (phát hành trong tạp chí uy tín), màu đen biểu thị “published in non-top journal” (phát hành trong tạp chí hạng trung), màu xám đậm biểu thị “unpublished but written” (chưa phát hành nhưng đã hoàn thành), màu xám nhạt biểu thị “unwritten” (chưa hoàn thành).
Bước 3: Phân tích từng đáp án
Phân tích từng đáp án:
Đáp án (A): “Studies with mixed results were just as likely to be published as they were to be left either unpublished or unwritten.” (Các nghiên cứu với các kết quả hỗn hợp có khả năng được xuất bản cũng như không được xuất bản hoặc không được viết.)
Đáp án (B): “Studies with mixed results occurred more frequently than did studies with strong and null results combined.” (Các nghiên cứu có kết quả hỗn hợp xảy ra thường xuyên hơn so với các tổng các nghiên cứu có kết quả mạnh và không xác định.)
Đáp án (C): “Studies with mixed results were more likely to be published in top journals than they were to be published in non-top journals.” (Các nghiên cứu với kết quả hỗn hợp có nhiều khả năng được xuất bản trên các tạp chí hàng đầu hơn là các tạp chí hạng trung.)
Đáp án (D): “Studies with mixed results were the most common type of social science studies.” (Các nghiên cứu có kết quả hỗn hợp là loại nghiên cứu khoa học xã hội phổ biến nhất.)
Bước 4: Loại bỏ đáp án sai và chọn đáp án đúng
Loại đáp án (B) vì biểu đồ chỉ ra rằng 42% các nghiên cứu khoa học xã hội cho “strong results”, 22% cho “null results”. Tổng hai số liệu này bằng 64%, lớn hơn con số 36% của “mixed results”.
Loại đáp án (C) vì biểu đồ cho thấy khoảng 12% nghiên cứu “mixed results” được xuất bản trên các “top journals”, nhỏ hơn con số 38% của “mixed results” trên “non-top journals”
Loại đáp án (D) vì biểu đồ chỉ ra rằng các nghiên cứu có kết quả “strong results” chỉ chiếm 42% tổng số nghiên cứu, trong khi đó những nghiên cứu có kết quả “mixed results” chiếm 36% tổng số nghiên cứu.
Đáp án (A) là đáp án chính xác vì tổng phần trăm những nghiên cứu được xuất bản của “mixed results” bằng 50% và bằng tổng nghiên cứu chưa được xuất bản của chúng.
Xem thêm: Luyện thi SAT – Những điều cơ bản cần biết
Tổng kết
Hai dạng câu hỏi Author Techniques và Data Reasoning xuất hiện với số lượng không nhiều trong bài thi SAT Reading và từ khóa nhận dạng của chúng cũng rõ ràng. Đối với dạng câu hỏi Data Reasoning, kĩ năng quan sát và phân tích đồ thị đóng vai trò quan trọng trong việc chọn câu trả lời chính xác.
Bên cạnh đó, dạng câu hỏi Author Techniques yêu cầu thí sinh vừa phải có cái nhìn tổng quan cho bài đọc và vừa phải hiểu cách tác giả sử dụng từ ngữ một cách chi tiết, rõ ràng. Bài viết trên đã hướng dẫn cách phân tích đề và trả lời 2 nhóm câu hỏi cuối cùng và khép lại chuỗi series chiến thuật trả lời các dạng câu hỏi trong bài thi SAT Reading.
Bùi Hoàng Phương Uyên
Xem thêm: Liên hệ giữa bài thi chuẩn hoá tiếng Anh và tuyển sinh đại học Mỹ
Bình luận - Hỏi đáp