Critical reading - Ý nghĩa, hướng dẫn và ứng dụng trong IELTS Reading

Rèn luyện khả năng đọc trong IELTS Reading đòi hỏi người học nắm nhiều kỹ năng khác, trong đó có đọc phản biện (critical reading). Bài viết này hướng dẫn cách người học phát triển và áp dụng kỹ năng quan trọng này trong IELTS Reading.
author
Đinh Anh Đức
31/05/2023
critical reading y nghia huong dan va ung dung trong ielts reading

Key takeaways

  • Critical reading căn bản là khám phá “bên dưới bề mặt” của văn bản nào đó, không chỉ dừng ở việc hiểu một cách khái quát, chung chung ở bề mặt. Kỹ năng này còn bao gồm việc chất vất ngôn từ trong bài đọc, hình dung ngữ cảnh bài viết, ngẫm về mối liên hệ giữa ý định của tác giả và hiểu biết từ bài viết của tác giả ấy với tư cách là một độc giả.

  • Critical reading không phải là một kỹ năng đơn lẻ, đây là kỹ năng có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều kỹ năng khác.

  • Để phát triển kỹ năng này, người học cần chủ động đặt ra nghi vấn với văn bản, đưa ra giả định, đánh giá giả định và so sánh, đối chiếu chúng liên tục.

  • Critical reading không dừng lại ở khả năng đọc hiểu, mà còn hướng đến việc mở mang kiến thức và nhìn nhận chính sự hiểu biết mình có.

  • Critical reading đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bài thi IELTS Reading, bởi vì người học không gói gọn mình trong việc giải đề mà còn chủ động tương tác, học từ các bài đọc liên tục từ đó nâng cao khả năng đọc hiểu cũng như có được cơ hội đạt được điểm số cao hơn.

  • Người học rất cần ứng dụng kỹ năng này trong bài thi IELTS Reading để có thể phân tích, chắt lọc, đánh giá thông tin trong bài đọc cũng như sự đọc hiểu của mình. Từ đó người học có thể tránh được nhiều cạm bây trong bài thi và chọn được đáp án chính xác nhất.

image-alt

Định nghĩa “Critical reading”

Trước tiên, bạn đọc lưu ý rằng đọc phải biện (critical reading) không đơn thuần chỉ nằm ở việc chúng ta phê bình hay thậm chí chỉ trích những quan điểm, lập luận trong bài đọc vì các “hạt sạn” bên trong. Thay vào đó, critical reading thực ra hướng đến việc người đọc chủ động, tập trung vừa đọc vừa suy nghĩ, đưa ra câu hỏi để nâng cao khả năng đọc hiểu (reading comprehension) của mình như "Tác giả đang thực sự muốn đề cập ý gì?" hay "Đâu mới là luận điểm chính của tác giả?".

Như vậy, critical reading căn bản là khám phá “bên dưới bề mặt” của văn bản nào đó, không chỉ dừng ở việc hiểu nghĩa đen của các từ và hiểu khái quát, chung chung ở bề mặt. Kỹ năng này bao gồm việc chất vất ngôn từ trong bài đọc, hình dung ngữ cảnh bài viết, ngẫm về mối liên hệ giữa ý định của tác giả và hiểu biết từ bài viết của tác giả ấy với tư cách là một độc giả.

Dan Kurland cho rằng người đọc phản biện không những nắm rõ văn bản truyền đạt thông tin gì mà còn nhận ra văn bản đó miêu tả chủ đề như thế nào, họ cố gắng chiêm nghiệm góc nhìn, lựa chọn về cơ sở lập luận của tác giả để củng cố kiến thức của mình (Kurland). Do đó, thực hành critical reading còn nhằm để mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết, không ngừng ở việc hiểu chung chung mà khép lại việc học hỏi của bản thân.

Đọc thêm: An introduction to Critical Thinking and Creativity: Think More, Think Better – nền tảng xây dựng tư duy phản biện và sáng tạo

critical-1

Kỹ năng cần thiết cho Critical reading

Không ít người nhìn nhận critical reading như là một kỹ năng đơn lẻ, cô lập. Thực tế, để có thể liên tục cải thiện và phát huy kỹ năng này, người học rất cần quan tâm và luyện tập nhiều kỹ năng khác. Dưới đây là một số kỹ năng chính để phát triển kỹ năng đọc phản biện trích từ cuốn sách “Critical Reading in Higher Education: Academic Goals and Social Engagement”:

critical-2

Critical reading - Đặt câu hỏi phản biện như thế nào?

Vừa rồi một số kỹ năng để phát triển critical reading đã được đề cập, nhưng để có thể phân tích, đánh giá, nhận xét cũng như suy luận các khía cạnh của văn bản người học rất cần đặt câu hỏi phản biện liên tục. Việc chủ động và liên tục đặt câu hỏi và đối chiếu với văn bản sẽ giúp người học rất nhiều trong việc tự định hướng mình tiến sâu hơn vào việc hiểu bài đọc sâu sắc và hình thành góc nhìn đa chiều, thiết thực với nó.

Dựa theo cuốn sách “The Holt Handbook” của Laurie G. Kirszner và Stephen R. Mandell”, sau đây là một số câu hỏi bạn đọc có thể tận dụng:

  • “Ý chính chính của văn bản là gì?”

  • “Ý phụ được đưa ra như thế nào?”

  • “Các luận điểm của tác giả có được hỗ trợ bởi bằng chứng không?”

  • “Người viết trình bày một sự thật hiển nhiên hay quan điểm cá nhân?”

  • “Người viết đang thực sự muốn trình bày ý gì?”

  • “Bạn đã biết gì về chủ đề hay vấn đề người viết đang trình bày?”

  • “Phản ứng của bạn với bài viết như thế nào?”

  • “Văn bản có tác động đến các niềm tin và giả định của riêng bạn không?”

  • “Những thành kiến, hiểu biết trước đó của riêng bạn có ảnh hưởng đến phản ứng của bạn đối với văn bản không?”

Như vậy, kết hợp các kỹ năng cần thiết như đã đề cập ở trên và việc liên tục đặt ra nghi vấn để từ đó có góc nhìn khách quan, đa chiều, nắm rõ được lượng thông tin có trong văn bản.

critical-3

Critical reading và bài thi IELTS Reading

Trước tiên, bạn đọc nên lưu tâm rằng luyện tập kỹ năng reading trong IELTS không dừng lại ở việc giải đề, cải thiện kỹ năng skimming hay scanning. Thực ra, để có thể thực sự phát triển khả năng đọc nói chung và đạt kết quả khả quan trong kỳ thi, người học rất cần thực hành critical reading nhiều lần các bài đọc của IELTS để vừa hiểu sâu ý nghĩa của nó vừa nâng cao hiểu biết của mình. Cụ thể, sau khi làm một đề thi ôn tập IELTS Reading, người học nên đọc lại các bài đọc trong có trong đề. Điều này cực kỳ hữu ích bởi vì không chỉ nâng cao, củng cố vốn từ, hiểu biết mà người học còn có thể nắm rõ hơn cách các bài đọc được diễn đạt theo trình tự, logic nào, các ý trong bài được liên kết ra làm sao.

Do đó, người học nên hình thành thói quen đọc thường xuyên, đặc biệt về mặt đọc phản biện, cũng như tìm thấy niềm vui, hứng thú khi tương tác, phân tích các bài đọc trong khi luyện tập khả năng đọc nói chung và ôn tập IELTS Reading nói riêng.

critical-4Critical reading có thể được áp dụng ở hầu hết các loại câu hỏi trong IELTS Reading như dạng bài True – False – Not given và Yes – No – Not given. Người học cần hiểu rõ ý nghĩa của câu hỏi cũng như của bài đọc, từ đó phân tích, đối chiếu, đặt ra nghi vấn, hiểu rõ bản chất của vấn đề trước khi đưa ra được đáp án chính xác, phù hợp nhất.

Đặc biệt, việc đọc phản biện không gói gọn lại chỉ trong lúc làm bài, và người học cần thoát khỏi lối mòn tư duy khi kiểm tra lại đáp án. Khi đối chiếu lại đáp án đã chọn với văn bản, người học nên ngẫm lại mình đã thực sự hiểu sâu rõ câu hỏi và bài đọc chưa, mình đã đọc đủ hết các ý liên quan đến câu hỏi hay chưa, hay liệu rằng mình còn đáp án nào phù hợp hơn không.

Ứng dụng Critical reading trong bài thi IELTS Reading

Trong phần này, người đọc sẽ được tham khảo và định hướng cách tận dụng kỹ năng đọc phản biện với dạng Multiple-choice questions trong IELTS Reading.

Trước tiên, bạn đọc cần nắm sơ lược các bước xử lý dạng câu hỏi này:

critical-5Sau đây là bài đọc và câu hỏi được trích từ cuốn sách “Mindset for IELTS 2” trong Unit 2: Leisure and Recreation:

A BRIEF HISTORY OF FOOTBALL

There is no clear evidence stating where and when football was actually invented, but most historians agree that some type of ball game had been played centuries before the modern game developed in England. Football has a long and interesting history and origins of the game are present in sports played thousands of years ago in China, Egypt, Japan and Greece. Aspects of the game can be traced as early as the second and third centuries BC in China. Their game, originally named 'Tsu Chu', involved kicking a leather ball into a small hole.

Choose the correct letter, A, B or C.

1. Where can the first traces of football be found?

A. Egypt

B. China

C. England

Thực hiện các bước làm bài dạng Multiple-choice questions, ta có thể vừa bám sát chiến thuật làm bài vừa luyện tập critical reading như sau:

Bước 1: Phân tích và hiểu rõ câu hỏi

Câu hỏi là “Where can the first traces of football be found?”, người học cần xác định được các từ khóa bao gồm “where”, “first traces”, “football”, “found” sau đó phân tích chúng rằng các từ khóa nào khó thay thế, dễ thay thế hay có thể “chìm”. Từ đó người học phân tích rằng “where” ám chỉ vị trí, có thể là một đất nước hoặc một vùng đất cụ thể nào đó, do đó có thể được thay thế bằng tên các địa danh. Từ “football” có thể được giữ nguyên, cũng có thể được thay thế bằng từ bao hàm nó như “sports” hay các từ cụ thể liên quan như “match”, “game”. Đối với cụm danh từ “first traces”, liệu chúng có thể được diễn đạt bằng cấu trúc khác như danh động từ không, liệu “trace” còn có thể là động từ hay được thay thế bởi từ đồng nghĩa nào khác, “evidence” chẳng hạn? Cuối cùng “found” có thể có những từ đồng nghĩa phù hợp với ngữ cảnh như “discovered”.

Do đó, ta cần tìm vùng thông tin chứa địa điểm liên quan đến các bằng chứng về các dấu vết đầu tiên của môn bóng đá, hiểu rõ và ghi nhớ ý nghĩa của câu hỏi từ việc phân tích.

Bước 2: Đọc các đáp án và thu hẹp phạm vi của hàm ý

Đáp án đề cập đến ba nước và đều đều cập đến một vấn đề của câu hỏi như đã đề cập ở trên. Mặc dù chỉ để tên của các nước và ngụ ý khá rộng nhưng người đọc cần suy luận rằng cần kiếm mẫu thông tin nào đề cập đến dấu vết được cho đầu tiên hoặc sớm nhất liên quan đến bóng đá, và bằng chứng được đề cập chỉ liên quan đến một nước, các vấn đề không liên quan cần loại bỏ.

Từ đó, ta có thể tiên đoán những dấu vết đấy có thể là gì, liệu họ có tư liệu liên quan đến việc người xưa ở nước đấy chơi thể thao như thế nào để hình thành nên bóng đá, họ gọi tên hoạt động này theo văn hóa họ là gì, và người học còn có thể đặt nghi vấn khác về mối quan hệ của các dấu vết với các nước ngày xưa.

Bước 3: Đọc đoạn văn chứa các thông tin liên quan và tự đưa ra câu trả lời mang tính giả định

Sau khi phân tích, suy luận câu hỏi và các đáp án cho sẵn ở trên, người học bắt đầu làm việc với bài đọc và đi sâu hơn với Critical reading song hành với việc đối chiếu với phạm vi hàm ý của câu hỏi đã rút ra từ bước ở trên.

Đầu tiên, câu hỏi đầu tiên hỏi về dấu vết trong lịch sử của bóng đá, do đó ta có thể đặt câu hỏi giả định như:

  • “Liệu đoạn văn đầu tiên có liên quan đến lịch sử của bóng đá không?”

Sau đó, ta có thể đối chiếu với câu đầu tiên của đoạn đầu: “There is no clear evidence stating where and when football was actually invented” (Tạm dịch: “Không có bằng chứng rõ ràng cho thấy bóng đá thực sự được phát minh ở đâu và khi nào”). Từ đây, người học có thể suy luận rằng đoạn đầu này có thể liên quan đến câu hỏi vì có thể nó sẽ bàn về lịch sử của bóng đá, tác giả có thể chỉ ra một số bằng chứng về dấu vết đầu tiên của bóng đá ở một địa điểm ở một cột mốc thời gian nào đó.

Tiếp theo, người học có thể đặt ra câu hỏi giả định như:

  • “Mặt khác của vấn đề mình đang đọc là gì?”

Khi đọc tiếp đến đoạn “…but most historians agree that some type of ball game had been played centuries before the modern game developed in England” (Tạm dịch: “…nhưng hầu hết các nhà sử học đều đồng ý rằng một số loại trò chơi bóng đã được chơi nhiều thế kỷ trước khi bóng đá hiện đại được phát triển ở Anh”). Ở đây đang bàn về quan điểm của các nhà sử học về lịch sử của bóng đá rằng bộ môn này đã được chơi rất lâu trước khi phiên bản hiện đại của nó trở nên phổ biến ở Anh. Do đó người học có thể đặt câu hỏi như trên là lật ngược mặt khác của vấn đề là bóng đá không phải mới được phát minh gần đây, và cũng có thể không phải được hình thành ở Anh.

Một vài câu hỏi khác người học có thể đưa ra và chủ động suy luận như:

  • “Các thông tin trong bài được liên kết, khai triển như thế nào?”

  • “Đâu mới là điều tác giả thực sự muốn trình bày?”

  • “Ý khái quát của cả đoạn là gì?”

Việc đặt câu hỏi và chủ động đưa ra giả định sẽ giúp người học chắt lọc thông tin một cách hiệu quả, tránh được những cạm bẫy của những đáp án không đúng. Từ đây, người học vừa có thể nâng cao sự đọc hiểu và tăng độ chính xác cho việc chọn câu trả lời.

Tiếp theo, người đọc có thể hình dung ra được rằng các câu sau sẽ bàn chi tiết hơn về lịch sử bóng đá. Trong đó có hai câu: “Football has a long and interesting history and origins of the game are present in sports played thousands of years ago in China, Egypt, Japan and Greece. Aspects of the game can be traced as early as the second and third centuries BC in China”

(Tạm dịch: “Bóng đá có lịch sử lâu dài và thú vị và nguồn gốc của bộ môn có mặt trong các môn thể thao được chơi hàng ngàn năm trước ở Trung Quốc, Ai Cập, Nhật Bản và Hy Lạp. Các khía cạnh của trò chơi có thể được bắt nguồn từ thế kỷ thứ hai và thứ ba trước Công nguyên ở Trung Quốc”)

Từ đây, người học có thể đưa ra giả thuyết dựa trên hai câu văn này như: “Bóng đá xuất hiện ở rất nhiều nước từ rất lâu, nhưng mà những dấu tích sớm nhất của nó thì xuất hiện ở Trung Quốc”.

Bước 4: Nghiên cứu và so sánh với các đáp án

Ở bước này, người học cần đối chiếu các đáp án cho sẵn với những giả định, giả thuyết mình đưa ra. Cụ thể như sau:

Đáp án A là Egypt, đây là đáp án được loại bỏ dễ dàng vì ở trên Ai Cập được nhắc đến khi đang được liệt kê về nguồn gốc và sự xuất hiện của bóng đá ở một số nước. Hơn nữa đáp án này đối nghịch với giả thuyết được đưa ra ở trên, do đó người học có thể loại đáp án này.

Đáp án B China có thể chính xác nhất bởi vì theo giả thuyết được đưa ra, dấu tích sớm nhất được cho rằng là ở Trung Quốc. Tuy nhiên, người học cần xem xét đáp án tiếp theo để không những củng cổ được tính chắc chắn khi chọn đáp án mà còn hình thành thói quen critical reading.

Đáp án cuối cùng là England, ở đây người học chỉ dừng lại ở vế sau của câu đầu tiên mà không phân tích, đưa ra suy luận thì có thể bị mắc bẫy. Nước Anh đúng là được đề cập liên quan đến lịch sử nhưng ở đó tác giả chỉ đưa ra quan điểm của nhà sử học rằng bóng đã đã xuất hiện trước bóng đá hiện đại ở Anh, và hoàn toàn không đề cập đến bằng chứng về sự tồn tại của môn thể thao này ở nước Anh. Như vậy, giống như đáp án A, đáp án C không được đề cập trong bài.

Bước 5: Kiểm tra đáp án đã chọn dựa vào thông tin trong bài

Đến đây, người học cần đối chiếu lại câu hỏi, đáp án đã chọn với thông tin trong bài đọc. Người học sẽ đánh giá độ trùng khớp và liên quan giữa chúng.

Câu hỏi: Những dấu tích đầu tiên có thể được tìm thấy ở đâu?

Đáp án B: Trung Quốc

Thông tin trong đoạn văn: “Các khía cạnh của trò chơi có thể được bắt nguồn từ thế kỷ thứ hai và thứ ba trước Công nguyênTrung Quốc

Đoạn văn đã khẳng định dấu vết lịch sửa của bóng đá xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc, trong khi các đoạn khác không đề cập ý tương tự hoàn toàn. Như vậy, đáp án B là khả thi nhất.

image-alt

Tổng kết

Critical reading là kỹ năng vô cùng cần thiết không những trong việc đọc các văn bản tiếng Anh nói chung mà còn trong bài thi IELTS Reading nói riêng. Với kỹ năng này, người học đọc các bài văn một cách chủ động, bên cạnh đó còn tiếp thu thêm được kiến thức cho bản thân.

Do đó, người học rất cần thực hành critical reading thường xuyên, không đơn thuần thực hành với nhiều bài mà nên thực hành một bài nhiều lần, kể cả sau khi giải đề. Điều này tuy đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực lớn nhưng chắc chắn rằng sẽ rất giúp ích cho tư duy cũng như kỹ năng đọc của người học.

Tham khảo

Archer, Greg, et al. Mindset for IELTS 2 - An Official Cambridge IELTS Course - Student’s Book. Cambridge University Press, 2017.

Kirszner, Laurie  G., and Stephen  R. Mandell. The Hold Handbook. 6th ed., Wadsworth Publishing, 2001.

Kurland, Dan. “What Is Critical Reading?” www.criticalreading.com, 2000, www.criticalreading.com/critical_reading.htm.

Manarin, Karen, et al. Critical Reading in Higher Education: Academic Goals and Social Engagement. Indiana University Press, 2015. JSTOR, http://www.jstor.org/stable/j.ctt18crz3s.

Để có lộ trình học tập hiệu quả cho kỳ thi IELTS, tham khảo trung tâm luyện thi IELTS ZIM Academy cung cấp lộ trình học phù hợp với trình độ và mục tiêu của từng học viên.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu