Banner background

Focus on Forms vs. Focus on Form: Chiến lược nào phù hợp hơn với người học có động lực học thi?

Bài viết phân tích hai chiến lược giảng dạy ngôn ngữ – Focus on Forms và Focus on Form – và đánh giá chiến lược phù hợp nhất cho người học có động lực thi cử. Dựa trên lý thuyết động lực học tập và thực hành giảng dạy ngôn ngữ, bài viết đề xuất một mô hình tích hợp nhằm tối ưu hóa cả thành tích thi cử lẫn năng lực sử dụng thực tiễn.
focus on forms vs focus on form chien luoc nao phu hop hon voi nguoi hoc co dong luc hoc thi

Key takeaways

  • FoFs: hệ thống, đo lường rõ ràng.

  • FoF: tăng tính linh hoạt, dùng được trong giao tiếp thực tế.

  • Người học thi cử: động lực ngoại tại, ưu tiên điểm số.

  • FoFs phù hợp luyện thi ngắn hạn, FoF phù hợp phát triển dài hạn.

  • FoF cần giáo viên có kỹ năng cao.

  • Chỉ dùng FoFs dễ học vẹt, khó ứng dụng.

  • Phối hợp FoFs + FoF: tối ưu điểm số và năng lực thực tế.

Trong hành trình học ngôn ngữ thứ hai, đặc biệt là trong bối cảnh luyện thi, người học và giáo viên thường đứng trước một câu hỏi quan trọng: nên dạy và học ngữ pháp theo cách nào để vừa đạt điểm cao, vừa sử dụng được ngôn ngữ trong thực tế? Giữa hai chiến lược giảng dạy nổi bật – Focus on FormsFocus on Form – câu trả lời không đơn giản là chọn bên nào, mà nằm ở việc hiểu sâu mục tiêu, động lực, và đặc điểm của người học. Bài viết này khám phá sự khác biệt giữa hai chiến lược, đồng thời phân tích chiến lược nào phù hợp hơn với người học có định hướng thi cử rõ ràng.

Giới thiệu

Trong lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ thứ hai (L2), việc lựa chọn chiến lược tập trung vào hình thức ngôn ngữ phù hợp không chỉ là một quyết định sư phạm, mà còn gắn liền với mục tiêu học tập cụ thể của từng nhóm người học. Một trong những bối cảnh học tập phổ biến hiện nay là học để thi – nơi người học bị thúc đẩy bởi các kỳ thi chuẩn hóa như TOEIC, IELTS hoặc các bài kiểm tra đầu ra.

Với nhóm người học này, yếu tố thời gian và hiệu quả ngắn hạn trở thành ưu tiên hàng đầu. Trong số các chiến lược giảng dạy hình thức ngôn ngữ được áp dụng rộng rãi, Focus on Forms (FoFs) và Focus on Form (FoF) là hai hướng tiếp cận nổi bật, đại diện cho hai triết lý sư phạm khác nhau.

FoFs là cách tiếp cận truyền thống, trong đó các yếu tố hình thức như ngữ pháp, từ vựng hoặc phát âm được dạy một cách tách biệt và có hệ thống, thường thông qua các bài tập điền từ, phân tích cú pháp hoặc luyện tập có kiểm soát.

Ngược lại, FoF gắn liền với phương pháp dạy ngôn ngữ giao tiếp (communicative language teaching), trong đó giáo viên chỉ thu hút sự chú ý của người học đến các yếu tố hình thức của ngôn ngữ khi chúng phát sinh trong quá trình giao tiếp có ý nghĩa (Long, 1991)[1].

Hai chiến lược này không chỉ khác nhau về cách tổ chức bài học, mà còn phản ánh sự khác biệt trong triết lý giảng dạy: FoFs thiên về độ chính xác hình thức (accuracy), trong khi FoF chú trọng đến tính trôi chảy và khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt (fluency).

Học tập chăm chỉ vào ban đêm

Đặc biệt, đối với nhóm người học có động lực học tập gắn liền với mục tiêu thi cử – những người theo đuổi kết quả cụ thể và có thể đo lường được – việc lựa chọn một chiến lược giảng dạy phù hợp trở nên hết sức quan trọng. Theo Dörnyei (2005)[2], động lực định hướng mục tiêu (goal-oriented motivation) có ảnh hưởng trực tiếp đến cách người học lựa chọn chiến lược học tập cũng như cách họ phản ứng với các phương pháp giảng dạy.

Bổ sung cho quan điểm này, Mercer, Ryan và Williams (2012)[3] nhấn mạnh rằng tâm lý học ngôn ngữ học tập hiện đại đã ngày càng chú trọng đến vai trò của bối cảnh và tính phức hợp trong cấu trúc động lực của người học. Điều này cho thấy một chiến lược giảng dạy hiệu quả không thể tách rời khỏi các đặc điểm tâm lý và nhu cầu cụ thể của từng nhóm người học.

Trong bối cảnh áp lực thi cử rõ ràng, việc phân tích một cách hệ thống điểm mạnh và điểm yếu của hai hướng tiếp cận FoFs và FoF – trong mối tương quan với đặc điểm động lực và mục tiêu học tập của người học – là bước đi cần thiết nhằm tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy và hỗ trợ người học đạt được thành công trong các kỳ thi chuẩn hóa.

Xem thêm: Authentic materials: Vai trò trong phát triển kỹ năng nghe hiểu

Focus on Forms và đặc điểm

Ưu nhược điểm của FoFs

Chiến lược Focus on Forms (FoFs) là phương pháp giảng dạy trong đó giáo viên trình bày các yếu tố hình thức của ngôn ngữ – bao gồm cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, và phát âm – theo một trình tự có hệ thống và thường tách biệt hoàn toàn khỏi bối cảnh giao tiếp thực tiễn.

Theo Long (1991)[1], FoFs đặc trưng bởi việc “treating language as an object to be analyzed and practiced,” nghĩa là người học tiếp cận ngôn ngữ như một hệ thống quy tắc cần ghi nhớ và vận dụng chính xác qua các bài tập luyện tập có kiểm soát.

FoFs là cách tiếp cận truyền thống, trong đó các yếu tố hình thức như ngữ pháp, từ vựng hoặc phát âm được dạy một cách tách biệt và có hệ thống, thường thông qua các bài tập điền từ, phân tích cú pháp hoặc luyện tập có kiểm soát.

Cách tiếp cận này chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mô hình cấu trúc (structural syllabus), trong đó ngữ pháp được chia thành các đơn vị nhỏ và giảng dạy tuần tự từ đơn giản đến phức tạp (Richards & Rodgers, 2014[4]). Ví dụ, người học có thể bắt đầu với thì hiện tại đơn (present simple), sau đó học thì hiện tại tiếp diễn (present continuous), rồi đến thì quá khứ đơn (past simple)...

Trong mỗi bài học, cấu trúc ngữ pháp được giới thiệu rõ ràng, sau đó là phần luyện tập với các dạng bài điền từ, viết lại câu, hoặc chọn đáp án đúng.

Một ví dụ điển hình là: “He ______ (go) to school every day.” → học viên chọn đáp án đúng: goes. Các bài tập kiểu này phổ biến trong sách luyện thi như Cambridge Grammar for IELTS hoặc Barron’s TOEFL iBT.

Một trong những ưu điểm lớn của FoFs là khả năng đo lường và chuẩn hóa kiến thức ngôn ngữ. Bởi vì các cấu trúc được dạy một cách riêng lẻ và rõ ràng, người học dễ dàng thấy được tiến bộ thông qua điểm số trong các bài kiểm tra ngữ pháp.

Điều này đặc biệt phù hợp với nhóm người học có mục tiêu học thi – những người cần cải thiện điểm số trong thời gian giới hạn. Spada và Lightbown (2008)[5] ghi nhận rằng FoFs có thể giúp người học phát triển nhanh chóng độ chính xác (accuracy), đặc biệt trong các kỹ năng tiếp nhận như đọc và nghe, vốn là trọng tâm của nhiều kỳ thi chuẩn hóa.

Tuy nhiên, nhược điểm của FoFs là nó không nhất thiết giúp người học phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ linh hoạt trong giao tiếp thực tế. Khi các cấu trúc được luyện tập ngoài ngữ cảnh, người học có thể ghi nhớ quy tắc nhưng lại không biết khi nào và làm sao để áp dụng chúng một cách phù hợp trong hội thoại.

Ví dụ, một người học có thể thành thạo việc chia động từ ở thì quá khứ (“He went to the market.”), nhưng khi trò chuyện thực tế lại dùng sai hoặc không kịp phản ứng do thiếu ngữ cảnh hỗ trợ.

Do đó, như Ellis (2001)[6] chỉ ra, FoFs có xu hướng tạo ra “declarative knowledge” (kiến thức dạng ghi nhớ), thay vì “procedural knowledge” (kiến thức dạng vận dụng), và điều này có thể hạn chế khả năng giao tiếp.

Mặc dù tồn tại một số hạn chế, FoFs vẫn được xem là một lựa chọn hiệu quả và phù hợp trong bối cảnh luyện thi, nơi kiến thức cần được củng cố nhanh chóng, có tính hệ thống và dễ dàng kiểm tra.

Việc áp dụng FoFs đúng cách, kết hợp với các hình thức đầu ra mang tính giao tiếp, có thể giúp người học đạt được cả độ chính xác và năng lực sử dụng thực tiễn.

Xem thêm: Phương pháp kiểm soát cảm xúc tiêu cực để tăng tập trung trong lớp Reading

Focus on Form và đặc điểm

Trái ngược với Focus on Forms (FoFs), chiến lược Focus on Form (FoF) không xem ngữ pháp như một hệ thống tách biệt để học thuộc lòng, mà tích hợp việc chú ý đến các yếu tố hình thức ngôn ngữ ngay trong quá trình giao tiếp có ý nghĩa.

Khái niệm này lần đầu tiên được đề xuất bởi Long (1991)[1], người định nghĩa FoF là "drawing learners’ attention to linguistic elements as they arise incidentally in lessons whose overriding focus is on meaning or communication" (thu hút sự chú ý của người học vào các yếu tố ngôn ngữ khi chúng xuất hiện ngẫu nhiên trong các bài học có trọng tâm chính là ý nghĩa hoặc giao tiếp). Điều này có nghĩa rằng việc học ngữ pháp không diễn ra một cách riêng biệt, mà gắn liền với các nhiệm vụ giao tiếp thực tiễn – như thảo luận, viết luận, hay tham gia hoạt động nhóm.

Trong thực hành giảng dạy, FoF thường được triển khai dưới hình thức các hoạt động giao tiếp (ví dụ: mô phỏng tình huống, trò chơi vai, thảo luận nhóm), trong đó giáo viên sẽ can thiệp một cách chiến lược tại thời điểm người học mắc lỗi hoặc khi xuất hiện cơ hội học tập ngôn ngữ.

Ví dụ, trong một buổi thảo luận về du lịch, nếu học viên nói “Yesterday I go to Nha Trang”, giáo viên có thể nhẹ nhàng sửa thành “Oh, you went to Nha Trang?” và giải thích nhanh rằng “go” cần được chia ở quá khứ. Việc sửa lỗi được thực hiện tại chỗ, ngắn gọn và không làm gián đoạn hoạt động giao tiếp chính – đây là đặc trưng nổi bật của FoF.

FoF phản ánh triết lý của phương pháp giao tiếp (Communicative Language Teaching), nhấn mạnh đến tính trôi chảy (fluency), sự phù hợp ngữ dụng (pragmatic appropriacy), và năng lực sử dụng ngôn ngữ như một công cụ thực sự (Richards, 2006[7]; Littlewood, 1981[8]).

Theo Ellis (2001)[6], FoF giúp người học phát triển procedural knowledge – tức là khả năng vận dụng cấu trúc ngữ pháp một cách tự động và linh hoạt trong bối cảnh sử dụng thực tế. Vì vậy, chiến lược này đặc biệt phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ toàn diện, đặc biệt là trong các môi trường học tập lấy giao tiếp làm trung tâm như lớp học tiếng Anh học thuật, tiếng Anh thương mại, hoặc chương trình trao đổi quốc tế.

Tuy nhiên, Focus on Form (FoF) cũng có những giới hạn nhất định, đặc biệt trong bối cảnh luyện thi. Do sự chú ý đến hình thức ngôn ngữ – bao gồm ngữ pháp, từ vựng, và phát âm – diễn ra một cách gián tiếp và không theo trình tự hệ thống, nên người học có thể không được tiếp cận đầy đủ với các điểm ngữ pháp và cấu trúc hình thức thường xuyên xuất hiện trong đề thi.

Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả học tập nếu mục tiêu là đạt điểm cao trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa như TOEFL, IELTS hoặc kỳ thi THPT quốc gia, vốn đòi hỏi người học có khả năng nhận diện và tái hiện chính xác các dạng ngôn ngữ hình thức.

Ví dụ, nếu một lớp học IELTS Speaking chủ yếu sử dụng chiến lược FoF trong các hoạt động mô phỏng giao tiếp mà không có phần luyện tập chuyên biệt về các cấu trúc ngữ pháp nâng cao như câu điều kiện, bị động, hay câu phức chỉ nguyên nhân – những yếu tố thường được đánh giá trong tiêu chí Grammatical Range and Accuracy (Phạm vi ngữ pháp và độ chính xác) (Cambridge English Language Assessment, 2020)[9]. – thì học viên dù giao tiếp lưu loát vẫn có thể bị giới hạn điểm do thiếu độ chính xác hình thức.

Tương tự, một học viên TOEIC có thể nói tiếng Anh khá trôi chảy nhưng không nhận diện được các lỗi sai trong phần đọc hiểu điền từ nếu không được rèn luyện qua các dạng bài tập tập trung vào cấu trúc cụ thể – điều mà FoFs hỗ trợ tốt hơn.

Ngoài ra, hiệu quả của FoF phụ thuộc rất lớn vào năng lực sư phạm và khả năng điều tiết lớp học của giáo viên. Như Spada và Lightbown (2008)[5] chỉ ra, để FoF phát huy hiệu quả, giáo viên cần có kỹ năng phát hiện lỗi ngôn ngữ một cách nhanh nhạy, lựa chọn thời điểm can thiệp hợp lý và đưa ra phản hồi ngôn ngữ chính xác mà không làm gián đoạn quá trình giao tiếp.

Điều này đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm lớp học phong phú – điều mà không phải mọi giáo viên luyện thi đều có điều kiện phát triển trong môi trường giáo dục áp lực thời gian.

Xem thêm: Tác động của Mô hình kiểm soát (Monitor Model) đối với người học có động lực tự thân cao

Đặc điểm của người học tập trung vào mục tiêu thi cử

Chiến lược ôn tập tối ưu

Người học định hướng thi cử thường có động lực học tập mang tính chất ngoại tại (extrinsic motivation), tức là họ học không chỉ vì nhu cầu nội tại như niềm đam mê hay sự thỏa mãn cá nhân, mà chủ yếu nhằm đạt được những mục tiêu bên ngoài như điểm số cao, chứng chỉ ngôn ngữ quốc tế, học bổng, hoặc yêu cầu tuyển dụng.

Dörnyei (2005)[2] phân loại nhóm người học này vào dạng động lực “có định hướng cụ thể về mục tiêu” (goal-oriented motivation), với đặc điểm là có khuynh hướng thiết lập các mục tiêu học tập đo lường được và ưu tiên các chiến lược học tập có thể mang lại kết quả trong thời gian ngắn.

Trong thực tế, nhóm người học này thường lựa chọn các phương pháp học tập có tính lặp lại cao, cấu trúc rõ ràng và dễ kiểm soát tiến độ. Họ quan tâm đến việc hoàn thành số lượng bài tập, kiểm tra thử, hoặc luyện đề sát với cấu trúc bài thi thật.

Ví dụ, một học viên chuẩn bị thi IELTS có thể lựa chọn học các mẫu câu như “It is widely believed that…”, “There are several reasons for this trend…” để sử dụng linh hoạt trong bài viết luận (Writing Task 2), mà không nhất thiết hiểu sâu về từng cấu trúc thành phần.

Việc học của họ do đó trở nên “chiến lược” – tức là nhằm tối đa hóa điểm số với nỗ lực tối ưu, thay vì phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống thực tế.

Một nghiên cứu bởi Oxford và Bolaños-Sánchez (trong New Directions in Language Learning Psychology, 2016)[10] cho thấy rằng trong các môi trường học thuật có áp lực đánh giá cao, như các trung tâm luyện thi quốc tế, người học thường thể hiện hành vi học tập theo định hướng thành tích (performance orientation), trong đó kiến thức ngôn ngữ được coi là công cụ để vượt qua bài kiểm tra, hơn là để giao tiếp hiệu quả.

Họ thường cảm thấy an toàn và yên tâm hơn với các phương pháp học truyền thống – ví dụ như luyện chia động từ, làm bài tập ngữ pháp theo mẫu, học thuộc collocations thường gặp – vì các hình thức này có thể được đo lường và kiểm tra một cách rõ ràng.

Tuy nhiên, sự tập trung quá mức vào các mục tiêu thi cử cũng có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực như hiện tượng “học vẹt” (rote learning) và kiến thức phi ngữ cảnh (decontextualized knowledge), khiến người học gặp khó khăn khi cần vận dụng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp thực tế – chẳng hạn khi tham gia thảo luận, viết báo cáo, hoặc du học.

Điều này đặt ra yêu cầu giảng dạy phải vừa đáp ứng nhu cầu định hướng thi cử, vừa dần mở rộng năng lực sử dụng ngôn ngữ thực tế của người học.

Xem thêm: Cách tự nhận thức của người học đa ngôn ngữ khi tiếp cận ngôn ngữ mới

Chiến lược phù hợp cho người học tập trung vào mục tiêu thi cử

Với những đặc điểm về động lực học tập mang tính đo lường và định hướng kết quả, chiến lược Focus on Forms (FoFs) là lựa chọn phù hợp cho người học thi cử, đặc biệt trong giai đoạn ngắn hạn.

FoFs cung cấp nội dung ngữ pháp một cách hệ thống, tách biệt và theo trình tự từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với kiểu học có cấu trúc chặt chẽ mà người học định hướng điểm số thường tìm kiếm. Hình thức luyện tập như điền từ vào chỗ trống (gap-fill), chia động từ, sửa lỗi ngữ pháp hoặc chọn đáp án đúng là những dạng thức quen thuộc, thường thấy trong các bài thi như TOEFL, IELTS, Cambridge English hoặc các kỳ thi học thuật đầu ra.

Ví dụ, trong một lớp luyện thi TOEIC, giáo viên có thể sử dụng các bài tập luyện thì hiện tại hoàn thành (present perfect) như: “She ______ (work) here since 2018.” → Học viên chọn: has worked.

Dạng bài này không chỉ luyện kỹ năng nhận diện thì, mà còn tăng cường khả năng suy luận về thì theo ngữ cảnh – một yêu cầu phổ biến trong phần Reading hoặc Use of English của các kỳ thi chuẩn hóa.

FoFs có ưu điểm lớn ở khả năng củng cố kiến thức thông qua sự lặp lại và tính hệ thống cao – các yếu tố then chốt trong việc hình thành trí nhớ dài hạn (long-term retention) và khả năng tái hiện chính xác dưới áp lực kiểm tra. Theo Kirschner & Hendrick (2020)[11], việc luyện tập có cấu trúc giúp người học xây dựng nền tảng tri thức vững chắc, từ đó nâng cao khả năng thực hiện tốt trong các điều kiện kiểm tra tiêu chuẩn hóa, nơi yêu cầu chính xác là tối quan trọng.

Học tập hiệu quả cùng sách khoa học

Tuy nhiên, FoFs cũng có giới hạn rõ ràng: người học có thể thuộc quy tắc ngữ pháp nhưng lại gặp khó khăn khi cần vận dụng linh hoạt trong các tình huống giao tiếp, viết học thuật hoặc diễn đạt quan điểm cá nhân – những yêu cầu ngày càng phổ biến trong phần Viết (Writing) và Nói (Speaking) của các kỳ thi học thuật như IELTS hoặc TOEFL iBT.

Khi ngôn ngữ được học trong môi trường phi ngữ cảnh (decontextualized), người học có nguy cơ phát triển kiến thức “học vẹt” nhưng không có khả năng áp dụng.

Vì vậy, một chiến lược giảng dạy hiệu quả trong bối cảnh này nên là sự kết hợp giữa FoFs và Focus on Form (FoF). Cụ thể, FoFs có thể được sử dụng để giới thiệu kiến thức nền – ví dụ, giảng dạy thì quá khứ đơn và luyện tập qua bài tập chia động từ.

Sau đó, FoF được áp dụng thông qua hoạt động viết nhật ký, đóng vai phỏng vấn xin việc, hoặc thảo luận nhóm, nơi người học áp dụng thì quá khứ trong việc thuật lại trải nghiệm cá nhân, và giáo viên sẽ can thiệp khi cần để điều chỉnh lỗi hoặc hướng dẫn sử dụng cấu trúc chính xác trong bối cảnh.

Spada & Lightbown (2008)[5] gọi đây là cách tiếp cận tích hợp (integrated form-focused instruction), vừa đảm bảo kiến thức hình thức, vừa tăng khả năng sử dụng thực tiễn.

Một ví dụ điển hình là bài học về câu điều kiện loại 2. Sau khi học viên được hướng dẫn cấu trúc qua FoFs (“If I were…, I would…”), giáo viên tổ chức hoạt động role-play theo kịch bản “Nếu bạn là thủ tướng…” hoặc “Nếu bạn có 1 triệu đô…”, nơi người học phải áp dụng đúng cấu trúc trong giao tiếp mở rộng, từ đó chuyển hóa kiến thức sang kỹ năng sử dụng linh hoạt.

Kết luận

Việc lựa chọn giữa hai chiến lược Focus on Forms (FoFs) và Focus on Form (FoF) không nên được nhìn nhận như một sự phân định tuyệt đối, mà cần đặt trong mối quan hệ với đặc điểm người học và mục tiêu học tập cụ thể.

Đối với nhóm người học định hướng thi cử – những người mang động lực ngoại tại, đặt nặng kết quả đo lường được và chịu áp lực thời gian – FoFs là một lựa chọn hợp lý nhờ vào tính hệ thống, tính lặp lại và khả năng tái hiện cao trong bối cảnh kiểm tra chuẩn hóa.

Tuy nhiên, điểm mạnh này cũng chính là giới hạn của FoFs nếu nó không được hỗ trợ bởi các yếu tố ngữ cảnh và tính giao tiếp trong sử dụng ngôn ngữ.

Trong dài hạn, để đảm bảo không chỉ đạt được thành tích thi cử mà còn phát triển năng lực ngôn ngữ toàn diện, cần có sự tích hợp chiến lược giữa FoFs và FoF. FoFs nên đóng vai trò xây dựng nền tảng hình thức, trong khi FoF cần được vận dụng trong các hoạt động mang tính giao tiếp và ý nghĩa, giúp người học gắn kết kiến thức ngôn ngữ với khả năng sử dụng thực tiễn.

Sự phối hợp linh hoạt giữa hai chiến lược này không chỉ phù hợp với thực tiễn giảng dạy ngôn ngữ hiện đại mà còn đáp ứng yêu cầu kép: thành tích thi cử và năng lực giao tiếp bền vững.

Cuối cùng, hiệu quả giảng dạy không chỉ đến từ việc lựa chọn đúng chiến lược, mà còn từ khả năng điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người học. Với nhóm người học tập trung vào thi cử, FoFs mang lại nền tảng hình thức vững chắc, trong khi FoF mở rộng khả năng vận dụng ngôn ngữ linh hoạt. Việc kết hợp thông minh hai chiến lược này không chỉ giúp người học vượt qua các bài kiểm tra chuẩn hóa mà còn trang bị cho họ năng lực ngôn ngữ bền vững để sử dụng trong đời sống học thuật, nghề nghiệp và giao tiếp quốc tế.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
GV
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...