Banner background

Kĩ thuật bắt chước (Imitation technique) là gì? Cách cải thiện Speaking khi kết hợp Imitation và shadowing

Bài viết xin giới thiệu tới độc giả phương pháp cải thiện kĩ năng Speaking bằng kỹ thuật bắt chước (imitation) và phân biệt kỹ năng này với kỹ thuật nhại lại (shadowing).
 ki thuat bat chuoc imitation technique la gi cach cai thien speaking khi ket hop imitation va shadowing

Kĩ năng nói trong kỳ thi IELTS là một trong những kĩ năng mà người học Tiếng Anh cảm thấy khó khăn và thách thức nhất. Theo nghiên cứu của Lynda Yates và Beth Zielinski, yếu tố liên quan đến phát âm là một trong những nguyên nhân khiến cho việc nói kém hiệu quả. Phát âm được chia ra thành các cấp độ khác nhau. Ở cấp độ âm bao gồm phát âm từng âm (sounds), trọng âm từ vựng và âm tiết (syllable). Ở cấp độ cao hơn là phát âm câu liên quan đến ngữ điệu (intonation), trọng âm trong câu (sentence stress), nhịp điệu (rhythm) trong câu. Để giải quyết được các vấn đề liên quan đến phát âm câu, bài viết xin giới thiệu tới độc giả phương pháp cải thiện kĩ năng Speaking bằng kỹ thuật bắt chước (imitation) và kỹ thuật nhại lại (shadowing).

Key takeaways

1. Kĩ năng nói là một trong những kĩ năng mà người học Tiếng Anh cảm thấy khó khăn và thách thức nhất. Để giải quyết được các vấn đề liên quan đến phát âm câu, bài viết xin giới thiệu tới độc giả phương pháp cải thiện kĩ năng Speaking bằng kỹ thuật bắt chước (imitation) và kỹ thuật nhại lạ (shadowing).

2. Shadowing - Kỹ thuật nhại lại là một kỹ thuật mà người nghe sẽ đồng thời nghe và nói lại nội dung vừa được nghe gần như cùng lúc. Ngược lại đối với Imitation, người nghe sau khi nghe được một đoạn thông tin, có thể tạm dừng (pause) để nhắc lại nội dung vừa nghe được và cố gắng mô phỏng giống nhất có thể điệu bộ, cách phát âm, nhấn trọng âm hay ngữ điệu của người nói.

3. Phương pháp kết hợp Imitation và shadowing thực hiện theo 03 bước:

  • Bước 1: Listen - Nghe

  • Bước 2: Listen and imitate - Nghe và bắt chước

  • Bước 3: Listen and shadowing - Nghe và nhại lại

Kĩ thuật bắt chước - Imitation technique là gì?

Imitation theo định nghĩa của từ điển Cambridge là hành động bắt chước, mô phỏng hay sao chép một người hay vật nào đó. Từ đó, ta có thể suy ra được kĩ thuật bắt chước (imitation) là một kĩ thuật áp dụng kĩ năng bắt chước cách nói, nhấn âm, nhả chữ như một người bản xứ. Cụ thể, khi xem các video có phụ đề (subtitle), người học nghe từng câu nói trong video và cố gắng bắt chước lại cách nói đó một cách giống nhất có thể. Việc luyện tập này giống như cách học ngôn ngữ của một đứa trẻ. Khi một đứa trẻ bắt đầu học ngôn ngữ, việc đầu tiên chúng làm đó là nghe và cố gắng bắt chước lại cách nói của những người gần gũi xung quanh.

Theo Robin Allot, việc học ngôn ngữ và bắt chước có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Hành động bắt chước là một khả năng nhận thức phức tạp và đóng vai trò quan trọng trong việc học tập của con người (Honey, 1987), (Hurley, 2005). Tiếng Anh hay ngoại ngữ là một kĩ năng đòi hỏi người học phải có sự quan sát, phân tích và mô phỏng lại chính xác những đặc điểm phát âm, diễn đạt. Nếu người học có một hình mẫu chuẩn để noi theo trong quá trình học, thì việc học Tiếng anh, cụ thể là cải thiện kĩ năng nói, sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, thông qua phương pháp này, người học Tiếng Anh sẽ giảm được chất giọng địa phương (accent) của ngôn ngữ thứ nhất và các lỗi về phát âm thiếu tự nhiên khi nói Tiếng Anh.

Đọc thêm: Liệu học ngoại ngữ chủ yếu là thông qua việc bắt chước?

Phân biệt Imitation và shadowing?

Shadowing - Kỹ thuật nhại lại là một kỹ thuật mà người nghe sẽ đồng thời nghe và nói lại nội dung vừa được nghe gần như cùng lúc. Có thể hiểu rằng, trong kỹ thuật shadowing người luyện gần như không có thời gian nghỉ giữa bước nhận và đọc lại thông tin. Ưu điểm của phương pháp này giúp tăng tốc độ xử lý và phản xạ của người học. Nhược điểm của kỹ thuật này đó là áp lực thời gian khiến người luyện đôi khi quá tập trung vào việc bắt kịp tốc độ của người nói mà quên đi những mục tiêu về cải thiện phát âm hay diễn đạt tự nhiên.

Ngược lại đối với Imitation, người nghe sau khi nghe được một đoạn thông tin, có thể tạm dừng (pause) để nhắc lại nội dung vừa nghe được và cố gắng mô phỏng giống nhất có thể điệu bộ, cách phát âm, nhấn trọng âm hay ngữ điệu của người nói.

Phương pháp này sẽ tập trung vào chi tiết của phần nói, giúp người luyện có hình dung rõ ràng hơn, buộc phải tập trung để phân tích sâu hơn các đặc điểm phát âm để có thể mô phỏng lại chính xác nội dung vừa nghe theo phong cách của tác giả. Tuy nhiên việc dừng bài nghe liên tục đôi khi sẽ khiến cho người học cảm thấy mất hứng thú với nội dung bài nghe. Dẫn đến việc luyện nói bằng kỹ thuật này bị không hiệu quả như mong muốn.

Phương pháp kết hợp Imitation và shadowing vào luyện kĩ năng speaking

Cả Imitation và shadowing đều có những ưu điểm và nhược điểm trong quá trình luyện tập. Vì vậy, giải pháp bài viết đưa ra đó là phương pháp kết hợp imitation và shadowing vào luyện speaking nhằm giúp người học tận dụng được ưu điểm của cả hai phương pháp. Người học có thể dễ dàng luyện tập kỹ thuật imitation và shadowing ở nhà với sự hỗ trợ của file nghe audio, video và thiết bị âm thanh tốt.

Theo gợi ý của tác giả trang mmmEnglish, người học có thể áp dụng theo 03 bước sau:

Bước 1: Listen - Nghe

ki-thuat-bat-chuoc-imitation-technique-listen

Ở bước này người học chọn một file audio hoặc video có tốc độ nói vừa phải lên và nghe. Đối với người học ở trình độ cơ bản, có thể nghe một lần cả bài nghe, thậm chí có thể bật phụ đề tiếng anh, để nắm được nội dung chính trong lần nghe đầu tiền.

Ví dụ bài nghe Speaking Part 2 có nội dung như sau:

Today, I would like to tell you a time that I helped one of my neighbors. Back in that day, I was driving by in my neighborhood and suddenly I saw an old lady on the sidewalk. She looked freaking out so I pulled over and stopped to ask her what was happening. She told me that her cat was stuck on the tree. I know this sound very cliche. I am sure that you’ve heard a cat stuck on a tree all the time.

Bước 2: Listen and Imitate - Nghe và Bắt chước

Bước tiếp theo, người nghe sẽ nghe lại bài nghe, tạm dừng sau khi nghe khoảng 1-2 câu nội dung và sau đó lặp lại. Chú ý cách người nói phát âm, đánh trọng âm và lên xuống trong câu.

Ví dụ:

Nghe lại: I would like to TELL you A TIME that I HELPED one of my NEIGHBORS. Sau đó tạm dừng và tiến hành bắt chước: I would like to TELL you A TIME that I HELPED one of my NEIGHBORS.

Những từ được in hoa là những từ nội dung mà người nói nhấn vào và vì đây là một câu khẳng định nên người nói sẽ hạ giọng ở cuối câu.

Bước 3: Listen and Shadowing

Ở bước này người học sẽ áp dụng kỹ thuật shadowing vào luyện nói. Nghe lại câu sau đó lặp lại tức thì những nội dung đã nghe được. Lưu ý ở bước này người học sẽ để audio hoặc video chạy liên tục không tạm dừng.

Nghe: I would like to TELL you A TIME that I HELPED one of my NEIGHBORS.

Nói lại: I would like to TELL you A TIME that I HELPED one of my NEIGHBORS.

Tổng kết

Kỹ năng nói luôn là một kỹ năng thách thức cho người học Tiếng anh. Tuy nhiên với sự bền bỉ và kiên trì luyện tập hàng ngày, người học sẽ gặt hái được thành công. Kỹ thuật Imitation và shadowing là hai kỹ thuật đã được nghiên cứu và chứng minh tính hiệu quả trong bởi các nhà ngôn ngữ học trên toàn thế giới. Tuy vẫn còn tồn tại những khó khăn khi áp dụng, việc kết hợp hai phương pháp này phần nào sẽ khắc phục được những khó khăn đó trong quá trình luyện tập.

Chúc độc giả thành công trên hành trình cải thiện kỹ năng Speaking!

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...