Cách cải thiện kỹ năng nhận diện từ vựng trong IELTS Listening hiệu quả
Trong quá trình luyện IELTS Listening, một trong những khó khăn phổ biến mà thí sinh Pre-Intermediate gặp phải là không thể nhận diện và phân tách từ vựng từ một chuỗi âm thanh. Điều này dẫn đến việc bỏ lỡ nhiều thông tin trong bài nghe, ảnh hưởng đến hiệu quả nghe-hiểu. Những vấn đề như vậy nhìn chung liên quan đến khả năng decoding - “giải mã” các đơn vị thông tin trong bài nghe (như các âm vị, từ và câu) để xây dựng ý nghĩa thông điệp. Bài viết này sẽ phân tích nguồn gốc của vấn đề và gợi ý một số giải pháp trong kỹ năng nhận diện từ vựng để thí sinh cải thiện khả năng nghe-hiểu.
Key Takeaways
Kỹ năng nhận diện từ vựng: khả năng kết nối dạng âm thanh và dạng chữ viết (chính tả) của một từ. Những vấn đề về khả năng này phát sinh từ thói quen chỉ học nghĩa của từ mà không chú ý đến phát âm.
Giải pháp: học phát âm chuẩn ngay từ đầu, luyện nghe bằng phương pháp nghe-chép chính tả, phương pháp nghe kết hợp đọc transcript, phụ đề.
Khả năng phân tách từ vựng: phân tách một chuỗi âm thanh thành các từ riêng lẻ. Những vấn đề liên quan đến khả năng này là do thí sinh chưa biết, chưa nghe được cách các phát âm đặc biệt trong tiếng Anh.
Giải pháp: Nhận biết các cách phát âm đặc biệt trong tiếng Anh như biến âm, nối âm, nuốt âm, âm câm, đồng hóa âm...
Kỹ năng nhận diện từ vựng trong quá trình “giải mã” thông tin (Decoding) trong bài nghe
Theo Field (2008), nghe hiểu là quá trình “giải mã” thông tin trong đó người nghe phân tách những âm thanh trong bài nói, liên kết chúng với “kho” từ vựng và ngữ pháp trong trí nhớ, từ đó xây dựng ý nghĩa của câu nói. Field phân chia quá trình “giải mã” thành sáu cấp độ từ các âm riêng lẻ tới các cụm từ: cấp độ âm vị, cấp độ âm tiết, cấp độ từ riêng lẻ, cấp độ phân tích cú pháp, cấp độ ngữ điệu (để nhận diện cụm từ và mệnh đề) và normalization of voices. Việc giải mã hiệu quả ở hai cấp độ đầu tiên (âm vị và âm tiết) sẽ giúp người đọc phân đoạn âm thanh thành các từ riêng lẻ. Sau đó, các từ này lại được nhóm thành các đoạn (chunks) - là các cụm từ hoặc mệnh đề nhờ việc phân tích cú pháp và ngữ điệu.
Đối với học viên trình độ cao, các bước giải mã này thường diễn ra đồng thời ở tốc độ rất nhanh hoặc tự động. Trong khi đó, với học viên ở trình độ thấp hơn như Pre-Intermediate, tốc độ giải mã thông tin thường chậm hơn rất nhiều, hoặc đòi hỏi thí sinh phải lắng nghe có chủ ý.
Ví dụ về quá trình “giải mã” thông tin: “Right, well the eucalyptus tree is an important tree for lots of reasons.”
Trong trường hợp này, để hiểu nghĩa của câu văn, học viên cần nghe được các âm vị và âm tiết, từ đó liên tưởng chúng tới các từ đơn lẻ như: /ˌjuːkəˈlɪptəs/ - eucalyptus (bạch đà), /triː/ - tree (cây), /ɪz/ - is (là), /ɪmˈpɔːtnt/- important (quan trọng)... Sau đó, học viên cần vận dụng kiến thức về cú pháp và ngữ điệu (những đoạn lên giọng, xuống giọng, ngừng nghỉ…) để nhóm các từ này thành các cụm (chunks), ví dụ: the eucalyptus tree (cây bạch đàn), an important tree (một loài cây quan trọng), for lots of reasons (vì nhiều lý do). Từ đó, học viên có thể xây dựng ý nghĩa của câu nói này là "Đúng vậy, cây bạch đàn/ là /một loài cây quan trọng/ vì nhiều lý do."
Giải thích các vấn đề với kỹ năng nhận diện từ vựng và phân tách từ vựng
Học viên trình độ 4.5+ trước hết thường hay gặp vấn đề với việc nhận diện và phân tách từ vựng - chúng nằm ở các cấp độ đầu tiên của quá trì “giải mã” thông tin (cấp độ âm vị, âm tiết và các từ đơn lẻ).
Vấn đề nhận diện từ vựng (word recognition) và gợi ý giải pháp:
Trong quá trình nghe, đôi khi thí sinh có thể không nhận ra những từ mình đã biết, hoặc nghe được từ nhưng không nhớ cách viết như thế nào. Điều này xảy ra do thí sinh không liên kết được âm thanh đã nghe với một từ cụ thể. Ví dụ, khi nghe âm /tʃek/ /ɪn/ (check-in) trong câu “After check-in, please proceed to gate 26.”, thí sinh có thể không nhận ra từ này, hoặc liên kết nhầm với từ “chicken”.
Một nguyên nhân phổ biến của vấn đề này là khi học từ mới, một số học viên chỉ tập trung ghi nhớ cách viết (chính tả) và ý nghĩa của từ mà bỏ qua cách phát âm của nó. Vì vậy, mối liên kết giữa cách phát âm với hình thái chữ viết của một từ không được củng cố trong trí nhớ, do đó không nhận diện được từ.
Hướng giải quyết vấn đề:
Để có thể nhanh chóng nhận ra từ khi nghe và nhớ được ngay cách viết của nó, học viên có thể ứng dụng một số phương pháp sau:
Một trong những cách ngăn ngừa vấn đề từ gốc rễ đó là, khi học từ mới, học viên cần học cách phát âm chính xác từ đó. Lưu ý, để tra cứu cách phát âm, học viên nên truy cập những từ Anh - Anh đáng tin cậy như Oxford’s Learner Dictionary, từ điển Cambridge,... Sau đó, người học có thể luyện phát âm chuẩn ngay từ đầu bằng cách bắt chước cách đọc trong từ điển. Phát âm chuẩn ở đây không chỉ là đọc đúng phiên âm của từ đó, mà còn cần để ý trọng âm của nó.
Phương pháp nghe-chép chính tả (Dictation):
Phương pháp nghe-chép chính tả đã được áp dụng từ những năm… và có nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính hiệu quả của nó. Về cơ bản, khi thực hiện phương pháp này, người học sẽ được nghe một đoạn audio và ghi chép lại những từ mình nghe được. Từ đó, mối liên kết trí nhớ giữa cách phát âm và cách viết của một từ được tăng cường, người học được luyện trí nhớ ngắn hạn để ghi nhớ âm thanh trước khi chép nó xuống.
Phương pháp nghe-chép này có thể được chia ra làm ba mức độ, tương ứng với trình độ nghe-hiểu từ thấp đến cao như sau:
Thứ nhất, nghe-chép các âm đơn lẻ trong bảng phiên âm IPA: cách nghe này phù hợp với học viên mới làm quen với các âm trong tiếng Anh và đang tập đọc phiên âm của từng từ. Phương pháp này sẽ giúp người học tránh áp đặt cách phát âm tiếng mẹ đẻ lên tiếng Anh, từ đó tăng kỹ năng nhận diện từ vựng
Thứ hai, nghe-chép các từ riêng lẻ: người học sẽ nghe một từ và sau đó chép lại từ đó.
Thứ ba, nghe-chép một đoạn văn: đây là phương pháp rất quan trọng, người học có thể bật một đoạn audio ngắn, sau đó dừng lại sau một vài cụm từ hoặc một câu để chép nó xuống.
Người học trình độ Pre-Intermediate (4.5+) có thể bắt đầu với phương pháp Partial Dictation (nghe-chép chính tả một phần) - trong đó người học sẽ nghe và điền các từ còn thiếu vào văn bản cho trước. Cách nghe-chép này yêu cầu học viên tập trung vào các từ cần phải điền, phù hợp với người mới luyện nghe khi khả năng “giải mã” thông tin còn chậm.
Nghiên cứu của Goh (2000) và Tsai (2004) trên các học sinh Đài Loan cho thấy, khả năng nghe tiếng Anh có thể được cải thiện thông qua các hoạt động kêt hợp nghe-đọc đồng thời. Ví dụ, việc nghe một đoạn băng kết hợp với đọc phụ đề sẽ củng cố mối liên hệ giữa dạng âm thanh và chữ viết của từ đó. Cách học này cũng có ưu điểm bởi nó khá thú vị, không gây nhàm chán cho người học.
Để có thể áp dụng phương pháp nghe-đọc đồng thời hiệu quả, trước hết người học cần lựa chọn nguồn nghe phù hợp với trình độ của mình. Người học có thể cân nhắc các yếu tố như: tốc độ nói từ chậm đến nhanh dần, chủ đề từ vựng từ đơn giản tới phức tạp - phù hợp với phần Listening cần cải thiện, thời lượng nghe vừa phải để giữ sự tập trung,... Để lên kế hoạch luyện nghe hiệu quả, người đọc có thể tìm hiểu thêm về phương pháp này tại Học tiếng anh qua phim như thế nào cho hiệu quả.
Về cơ bản, các hoạt động nghe-đọc có thể tiến hành theo 2 bước.
Lần thứ nhất, người học tập trung nghe mà chưa nhìn phụ đề/ transcript, cố gắng nắm bắt một số từ khóa và nội dung chính của đoạn.
Sau đó, người đọc có thể nghe từng đoạn hội thoại ngắn và trong khi đọc phụ đề, transcript.
Vấn đề phân tách từ vựng (word segmentation) và gợi ý giải pháp
Vấn đề thứ hai xảy ra khi thí sinh không phân tách được một nhóm âm thanh liên tiếp thành các từ riêng lẻ, do học viên không nhận diện được các đặc điểm ngữ âm phức tạp trong tiếng Anh như biến âm, nối âm, nuốt âm, đồng hóa các âm… Ví dụ, học viên không phân tách được các âm bị đồng hóa thành hai từ riêng biệt như: /wʊdʒu:/ -> /wʊd/ /ju:/ -> would you.
Hướng dẫn giải quyết vấn đề:
Trước hết, học viên có thể chủ động tìm hiểu các đặc điểm phát âm đặc biệt trong tiếng Anh như sự biến âm, âm câm, nối âm, nuốt âm và đồng hóa âm.Cụ thể:
Biến âm: là hiện tượng các nguyên âm không chứa trọng âm trong một từ bị rút ngắn lại khi nói. Cụ thể, các từ có nguyên âm a, e, o, u thường được biến thành âm /ə/; các từ có nguyên âm e, i thường được biến thành âm /ɪ/.
Ví dụ: entertainment: /ɛntəˈteɪnmənt/, enjoyment /ɪnˈdʒɔɪmənt/, target /ˈtɑːɡɪt/.
Âm câm: là âm không được phát ra thành tiếng trong từ. Hai âm câm thông dụng nhất được đại diện bởi chữ cái h và e.
Ví dụ: vehicle /ˈviːəkl/, hour /ˈaʊə(r)/, honest /ˈɒnɪst/, vegetable /ˈvedʒtəbl/, comb /kəʊm/, doubt /daʊt/, muscle /ˈmʌsl/, singer /ˈsɪŋə(r)/, knife /naɪf/,...
Nối âm (linking sounds): đây là hiện tượng âm cuối cùng của từ đứng trước được nối liền với âm đầu tiên của từ đứng sau (thường là nguyên âm) để giúp nói nhanh và trôi chảy hơn.
Ví dụ: make_up /meɪk ʌp/ được đọc nối thành /meɪ kʌp/; show_up /ʃəʊ ʌp/ đọc nối thành /ʃəʊ wʌp/...
Nuốt âm (elision): là hiện tượng một hoặc nhiều âm tiết (có thể là nguyên âm hay phụ âm) không chứa trọng âm trong một từ bị lược bỏ khi nói.
Ví dụ: potato -> /pəˈteɪ.t̬oʊ/ -> /pˈteɪ.t̬oʊ/; go away -> /ɡəʊ/ /əˈweɪ/ -> /ˈgəʊ ˈweɪ/.
Đồng hóa các âm: là hiện tượng âm thanh của lời nói bị biến đổi để trở nên giống hơn với những âm xung quanh ở một hoặc vài khía cạnh nào đó trong cách phát âm.
Ví dụ: That person /ðæp ˈpɜːsən/; It breaks /Ip breik/.
Sau khi nhận biết được các cách phát âm đặc biệt trong tiếng Anh, người học có thể áp dụng các phương pháp đã biết như nghe-chép chính tả, nghe-đọc kết hợp,... và lưu ý đến các trường hợp phát âm như vậy xuất hiện trong đoạn băng.
Các websites luyện nghe tiếng Anh tại nhà để cải thiện kỹ năng nhận diện từ vựng
Dưới đây là ba websites luyện nghe tiếng anh theo trình độ, có transcript và phụ đề dành cho học viên muốn tự học tiếng Anh tại nhà. Trước khi đi vào từng website, học viên có thể tham khảo gợi ý luyện nghe sau:
Học viên có thể lựa chọn các video trình độ Beginning để luyện nghe. Lần nghe đầu tiên, học viên có thể chưa nhìn transcript/ phụ đề, để tập trung nghe và nắm bắt ý chính của bài nghe. Sau đó, thí sinh có thể tra từ trong transcript, rồi nghe lại 2-3 lần để hiểu được toàn bộ nội dung. Khoảng 1-2 tuần sau đó (hoặc khi học viên không còn nhớ kĩ nội dung trong video), học viên có thể mở video ra nghe lại mà không nhìn phụ đề, thực hành nghe-chép các từ khóa và kiểm tra xem mình có hiểu được hết nội dung trong bài nghe hay không.
Learning English - British Council
Địa chỉ website:
https://learnenglish.britishcouncil.org/skills/listening
Website cung cấp rất nhiều podcast luyện nghe theo các trình độ từ Beginner đến Advanced kèm transcript, và đặc biệt là có các chủ đề tương tự như nội dung bài nghe IELTS (Ví dụ: bài nghe điền thông tin cá nhân trên Business Card, bài nghe điền phiếu đăng kí nơi ở - tương tự như các dạng bài điền từ trong IELTS Listening Section 1). Trang web này còn cung cấp đầy đủ các từ vựng quan trọng, transcript, và các bài tập cho từng bài nghe cụ thể.
Voice of America Learning English
Địa chỉ website:
https://learningenglish.voanews.com
Đây là trang luyện nghe tiếng Anh của đài Voice of America (đài phát thanh nước Mỹ), với kho podcast thuộc vô số chủ đề đa dạng, từ Art and Culture, Scientific and Tecnology, Healthy and Life Style…. Các podcast đều có tốc độ nói khá chậm, giọng Anh-Mỹ, với đầy đủ transcript phù hợp với trình độ nghe của Band 4.5+. Thông qua các podcasts, học viên không chỉ luyện nghe giọng Anh-Mỹ mà còn học thêm được nhiều từ vựng theo chủ đề.
eJoy Go
Trang web có nguồn video đa dạng, được phân chia theo từng trình độ từ Beginner đến Advanced. Người học có thể lọc video phù hợp với trình độ của mình, lựa chọn thời lượng phù hợp,... và thực hành luyện nghe với phụ đề được tách thành từng câu nói. Điểm đặc biệt là trong mỗi video đều có phần thống kê từ vựng, xếp hạng theo mức độ phổ biến và các thành ngữ… phù hợp với việc học từ vựng, và nghe từ vựng trong ngữ cảnh.
Tổng kết
Trong bài viết này, người viết đã giới thiệu với độc giả hai vấn đề thường gặp của việc luyện nghe đối với band 4.5+ trong kỹ năng nhận diện từ vựng, thuộc khả năng “Decoding”- giải mã thông tin trong bài nghe. Thông qua bài viết này, tác giả hi vọng các học viên có thể nhận ra nguyên nhân của vấn đề, từ đó xây dựng thói quen học tập tốt hơn như phát âm chuẩn từ đầu, luyện nghe bằng phương pháp nghe-chép, hoặc nghe-đọc kết hợp.
Tuy nhiên, để nâng cao khả năng “giải mã” (decoding) thông tin trong bài nghe, thí sinh còn cần nắm chắc cấu trúc ngữ pháp, cách phân khúc từ theo cụm (chunking) và đoán ngữ điệu (intonation) để hoàn thiện kĩ năng nghe ở các cấp độ còn lại của “decoding skills”. Bên cạnh đó, học viên cũng có thể tìm hiểu thêm về chiến lược “top-down processing” - đoán trước nội dung bài nghe dựa vào ngữ cảnh, vào các từ xung quanh… để hỗ trợ cho quá trình “giải mã” thông tin trong bài, từ đó đạt kết quả cao khi luyện tập. Tham khảo:
Bình luận - Hỏi đáp