Làm thế nào để nhận diện từ vựng trong IELTS Listening?

Bài viết này sẽ giới thiệu hai phương pháp để người học cải thiện vấn đề này và nâng cao khả năng nhận diện từ vựng khi nghe tiếng Anh hoặc làm phần IELTS Listening. 
author
ZIM Academy
10/12/2021
lam the nao de nhan dien tu vung trong ielts listening

Nghe hiểu tiếng Anh là quá trình nghe và hiểu ý nghĩa thông tin. Một trong những khó khăn của việc nghe hiểu đối với người mới bắt đầu học chính là vấn đề phân tách từ vựng (word segmentation hay speech segmentation), khi người học không thể nhận diện được các từ vựng trong câu khi nghe. Vấn đề này cũng có thể làm khó người học khi làm bài thi IELTS Listening nếu họ không thể nhận diện và hiểu được từ vựng trong bài. Vậy nên, bài viết này sẽ giới thiệu hai phương pháp để người học cải thiện vấn đề này và cách nâng cao khả năng nhận diện từ vựng khi nghe tiếng Anh hoặc làm phần IELTS Listening. 

Key takeaways

  • Nguyên nhân của vấn đề phân tách từ vựng là do não bộ cần chia nhỏ một câu nói thành từng từ vựng riêng biệt để hiểu được ý nghĩa của từng từ khi nghe. Cơ chế này có thể được cải thiện khi người học nâng cao tần suất lắng nghe tiếng Anh, thông qua phương pháp lắng nghe thụ động, hoặc xem phim tiếng Anh với phụ đề. 

  • Lắng nghe thụ động là khi người học lắng nghe tiếng Anh như âm thanh nền mà không cần hiểu hết nghĩa của những từ vựng được nói. Người học có thể lắng nghe thụ động khi làm việc nhà hoặc tập thể dục, nhưng cần tập trung vào nội dung nghe. 

  • Xem phim tiếng Anh với phụ đề là khi người học xem phim tiếng Anh và bật phụ đề tiếng Anh, để tập nhận diện những từ vựng được nghe. Người học được khuyến khích xem phim hoạt hình và TV show, và dừng phim mỗi 2 đến 3 phút để nghe và lặp lại đoạn hội thoại. 

Vấn đề phân tách từ vựng khi nghe

Giới thiệu vấn đề

Nguyên nhân đằng sau vấn đề phân tách từ vựng khi nghe là do não bộ cần phân tách một câu thành từng từ vựng riêng biệt khi nghe một câu tiếng Anh (Saffran và cộng sự, 607). Vấn đề này chỉ xuất hiện trong quá trình nghe tiếng Anh chứ không xuất hiện trong quá trình đọc tiếng Anh.

Xét ví dụ sau: 

  • Một câu trong bài đọc: “The cat goes meow meow.”

    • Bước 1: Não bộ tiếp nhận và nhận diện từ vựng: “the cat”, “goes”, “meow meow” 

    • Bước 2: Não bộ xử lý ý nghĩa của từng từ vựng để hiểu câu

  • Một câu trong bài nghe: “The cat goes meow meow.”

    • Bước 1: Não bộ tiếp nhận: “Thecatgoesmeowmeow.”

    • Bước 2: Não bộ thêm dấu cách giữa các từ: “The_cat_goes_meow_meow.”

    • Bước 3: Não bộ nhận diện từ vựng: “the cat”, “goes”, “meow meow”

    • Bước 4: Não bộ xử lý ý nghĩa của từng từ vựng để hiểu câu 

lam-the-nao-de-nhan-dien-tu-vung-khi-nghe-vi-du

Thông qua ví dụ trên, có thể thấy rằng, vì ngôn ngữ nói không hề ngưng nghỉ giữa các từ vựng trong câu, não bộ cần thực hiện thêm một quá trình là thêm dấu cách giữa các từ để phân tách chúng ra, trước khi não bộ có thể xử lý ý nghĩa của câu. Chính vì quá trình này, người mới bắt đầu học tiếng Anh có thể gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghe hiểu. 

Cơ chế để cải thiện kỹ năng nhận diện từ vựng khi nghe

Để cải thiện vấn đề phân tách từ vựng, người học cần tăng tần suất lắng nghe tiếng Anh. Khi nghe tiếng Anh, não bộ sẽ nghe từng âm vị (phoneme) của một từ vựng trước, và sau đó mới ghép chúng lại thành một từ. 

Ví dụ, khi nghe từ “cat”, não bộ sẽ nghe lần lượt ba âm vị là /k/, /æ/, /t/, (hay “c”, “a”, “t). Sau đó, não bộ mới ghép các âm vị lại với nhau để tạo nên từ “cat”. 

Như vậy, khi người học lắng nghe tiếng Anh nhiều hơn, não bộ sẽ dần quen và nhận diện được những âm vị mà thường xuất hiện cùng nhau để tạo nên một từ trong câu (Saffran và cộng sự, 609). Vì vậy, khi gặp những âm vị này ở những lần nghe sau, người học có thể nhận diện được những từ vựng này dễ dàng và nhanh chóng hơn.  

lam-the-nao-de-nhan-dien-tu-vung-khi-nghe-cac-buoc

Giải pháp để tăng khả năng nhận diện từ vựng

Lắng nghe thụ động 

Phương pháp lắng nghe thụ động là khi người học lắng nghe tiếng Anh như âm thanh nền mà không cần hiểu hết nghĩa của những từ vựng được nói. Mục đích của phương pháp này là để giúp cho người học làm quen với nhịp điệu và các âm thanh đặc trưng của tiếng Anh trong ngôn ngữ nói, để từ đó xây dựng một nền tảng các âm vị và từ vựng thường gặp trong ngôn ngữ này. Kiến thức này sẽ giúp người học phát triển kỹ năng nhận diện từ vựng sau này. Một nghiên cứu của Frank và cộng sự (3) đã cho thấy rằng, kể cả khi người học không có thông tin gì về ngôn ngữ được nghe như ngữ cảnh hay ngữ nghĩa của các từ vựng, họ vẫn có thể phân tách và nhận diện được từ vựng nếu lắng nghe đủ nhiều. Phương pháp lắng nghe thụ động sẽ phù hợp với những người mới bắt đầu học tiếng Anh và chưa có nhiều tiếp xúc với ngôn ngữ này (Kurkela và cộng sự, 2019). 

Khi sử dụng phương pháp lắng nghe thụ động, người học có thể lắng nghe tiếng Anh khi đang những việc khác như làm việc nhà hay tập thể dục. Người học cũng có thể ghi chép xuống những từ vựng mà mình có thể nghe được nếu muốn. Điều quan trọng để sử dụng phương pháp này một cách hiệu quả là người học phải giữ một mức độ tập trung nhất định vào nội dung đang nghe, kể cả khi người học đang làm việc khác hoặc khi không hiểu hết nghĩa của từ vựng đang nghe (Toro và cộng sự, 32). Vì vậy, người học chỉ nên làm những hoạt động nhẹ nhàng và không đòi hỏi quá nhiều sự tập trung khi luyện nghe thụ động. Qua thời gian, người học sẽ dần làm quen được với âm điệu và cách phát âm của tiếng Anh, và từ đó, nâng cao khả năng nhận diện từ vựng khi nghe.

Một số bài nghe mà người học có thể sử dụng để lắng nghe thụ động là: 

Video của kênh YouTube I’m Mary 

Truy cập: https://www.youtube.com/playlist?list=PLnGTZv-nqOPqRXxnfi-wEdpLPyWXdxVwX

lam-the-nao-de-nhan-dien-tu-vung-khi-nghe-i-m-marry

Đây là kênh của Mary, một YouTuber học tiếng Anh người Việt Nam. Kênh YouTube này có một playlist Luyện nghe tiếng Anh thụ động, bao gồm 11 bài nghe, với tổng cộng gần 8 giờ nghe. Mỗi video trên kênh này bao gồm nhiều bài nghe nhỏ khoảng 1 đến 3 phút với nhiều chủ đề khác nhau, như nghề nghiệp, phương tiện giao thông, hoặc câu chuyện của những danh nhân thế giới. Mỗi bài nghe đều có sẵn phụ đề nếu người học muốn đọc các từ vựng mình đang nghe. Trong trường hợp bài nghe quá nhanh, người học có thể chỉnh tốc độ của video YouTube thành 0.75 hoặc 0.5 để lắng nghe rõ hơn.   

Video của kênh YouTube Passive English Listening

Truy cập: https://www.youtube.com/channel/UC_RDUXNEgh9S4aogabYVrpA/featured

lam-the-nao-de-nhan-dien-tu-vung-khi-nghe-passive-listening


Kênh YouTube này có ba video luyện nghe thụ động. Mỗi bài được chia thành nhiều đoạn hội thoại nhỏ, dài khoảng 2 đến 3 phút, với tổng cộng hơn 2 giờ nghe. Đặc điểm của kênh này nằm ở việc các bài nghe được đọc bởi nhiều accent khác nhau (giọng đặc trưng của từng vùng miền), chủ yếu là của nước Anh. Vì phần nghe IELTS có thể được đọc bởi nhiều accent, như Anh, Mỹ, hoặc Úc, luyện nghe bằng những video này có thể giúp người học làm quen với âm điệu của accent của người nước Anh. Video cũng có phụ đề để người học có thể nhìn theo các từ vựng được nghe. 

Podcast của kênh Listening Time 

Truy cập: https://listening-time.simplecast.com/

Podcast này bao gồm nhiều bài nghe, mỗi bài kéo dài khoảng 20 đến 30 phút, về nhiều chủ đề khác nhau, như việc thuê nhà, sự sáng tạo, hay thậm chí về khả năng lãnh đạo. Đặc điểm của podcast này nằm ở việc các bài nghe được nói với accent của người Mỹ và sử dụng nhiều từ vựng thường được sử dụng bởi người bản xứ, nhưng được nói với tốc độ chậm rãi và phát âm rõ ràng hơn. Transcript của mỗi bài nghe cũng được đăng trên trang web của podcast này để người nghe tiện tham khảo. Người học có thể nghe podcast này trên nhiều nền tảng streaming như Spotify, Google Podcast, Apple Podcast, YouTube. 
lam-the-nao-de-nhan-dien-tu-vung-khi-nghe-listening-time

Xem phim tiếng Anh với phụ đề 

Một phương pháp khác để người học có thể cải thiện vấn đề phân tách từ vựng là xem phim tiếng Anh với phụ đề tiếng Anh. Một nghiên cứu của Charles và cộng sự (16) đã chỉ ra rằng việc vừa nhìn thấy các từ vựng và vừa nghe được phát âm của từ sẽ giúp người học nâng cao khả năng nhận diện từ vựng khi nghe. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng vừa nghe âm thanh của phim và vừa bật phụ đề thì hiệu quả hơn nhiều so với khi chỉ nghe tiếng phim hoặc khi chỉ bật phụ đề. Phương pháp này phù hợp với người học đã có tiếp xúc và hiểu một số từ vựng tiếng Anh cơ bản nhưng gặp khó khăn trong việc nhận diện từ vựng khi nghe. 

Vì phụ đề tiếng Anh có thể khó theo dõi với người mới bắt đầu học tiếng Anh, người học sử dụng phương pháp này nên chọn những phim ngắn với nội dung đơn giản và sử dụng nhiều từ vựng thông dụng, hoặc dừng phim mỗi 2 đến 3 phút để nghe và hiểu được nội dung của đoạn phim. Người học cũng có thể xem trước phim với phụ đề tiếng Việt để hiểu nội dung phim và xem lại với phụ đề tiếng Anh để nghe và nhận diện các từ vựng được sử dụng trong câu. Trong khi xem phim, khi gặp từ vựng đã học, người học nên chú ý đến cách phát âm và ngữ cảnh mà từ vựng được sử dụng, vì khi hiểu và nhớ nghĩa của một từ thì người học có thể nhận diện được chúng tốt hơn ở những lần nghe sau. Người học cũng có thể dừng phim để lặp lại thoại của nhân vật để hiểu rõ hơn về âm thanh của từng từ vựng.

Một số phim và kênh mà người học có thể dùng để xem phim là:

Phim hoạt hình hoặc TV show trên các nền tảng xem phim trực tuyến

Những thể loại phim phù hợp cho người mới bắt đầu học tiếng Anh là phim hoạt hình hoặc các TV show. Vì nội dung của phim hoạt hình và TV show thường đơn giản và dễ đoán hơn so với các thể loại phim khác, người học có thể nghe và hiểu được từ vựng dễ dàng hơn thông qua ngữ cảnh mà nó được sử dụng. Hơn nữa, những nhân vật trong hai thể loại phim này cũng thường nói chậm và phát âm rõ hơn so với những phim lẻ ở thể loại khác. Khi xem những phim này để nghe tiếng Anh, người học được khuyến khích chủ động dừng phim để nghe và hiểu hết những đoạn không rõ, để học được cách phát âm của nhiều từ nhất có thể. lam-the-nao-de-nhan-dien-tu-vung-khi-nghe-tv-show

Nguồn ảnh: Android Authority

Một số tựa phim hoạt hình mà người học có thể xem là Kungfu Panda, Up, Despicable Me, Soul, hay Coco. Một số tựa TV show thường được xem để học tiếng Anh là Friends, How I met your mother, Brooklyn Nine-Nine, The Big Bang Theory. Người học có thể xem phim trên các nền tảng xem phim trực tuyến như Netflix, Amazon Prime, Disney+, FPT Play, nơi có sẵn phụ đề tiếng Anh. Tuy nhiên, một nhược điểm của phương pháp này là các nền tảng xem phim có phụ đề Anh-Việt thường có phí đăng ký tài khoản.

Video trên kênh YouTube Learning English with TV Series 

Truy cập: https://www.youtube.com/channel/UCKgpamMlm872zkGDcBJHYDg

Kênh YouTube Learning English with TV Series cũng là một lựa chọn để người học có thể luyện nghe tiếng Anh qua phim. Mỗi video trên kênh này dài từ 15 đến 20 phút, bao gồm một đoạn trích khoảng 5 phút của phim cùng phụ đề tiếng Anh. Sau mỗi đoạn trích sẽ có định nghĩa của các từ vựng đã xuất hiện, cùng bài tập cho người xem đọc theo lời của nhân vật trong đoạn trích đó. Kênh YouTube này miễn phí và có sẵn bài tập cho người xem luyện nghe và phát âm tiếng Anh. Hiện tại, rất nhiều video của kênh YouTube này đã có phụ đề tiếng Việt. lam-the-nao-de-nhan-dien-tu-vung-khi-nghe-tv-series

Tổng kết

Bài viết này giới thiệu vấn đề phân tách từ vựng khi nghe đối với người mới bắt đầu học tiếng Anh, cùng cơ chế để người học vượt qua cải thiện kỹ năng nhận diện từ vựng. Dựa trên kiến thức này, tác giả giới thiệu và giải thích cho người học về hai phương pháp lắng nghe thụ động và xem phim tiếng Anh với phụ đề tiếng Anh, để nâng cao kỹ năng nghe. Bài viết bao gồm nhiều ví dụ và hướng dẫn cho người học khi sử dụng hai phương pháp này. 

Những phương pháp đã giới thiệu trong bài phù hợp để giải quyết vấn đề nhận diện từ vựng của những người học có trình độ Listening Basic. Bài viết này chỉ nói về phần “nghe” trong việc nghe hiểu tiếng Anh. Đối với những người học có trình độ Listening cao hơn (i.e., Listening 4.5), người học có thể tham khảo bài viết về decoding để hiểu cách giải nghĩa các thông tin mình nghe được, hoặc bài viết về Listening comprehension để biết cách giải quyết các vấn đề khác trong quá trình nghe hiểu. 

Nguyễn Phúc Quỳnh Chi

Để có lộ trình học tập hiệu quả cho kỳ thi IELTS, tham khảo trung tâm luyện thi IELTS ZIM Academy cung cấp lộ trình học phù hợp với trình độ và mục tiêu của từng học viên.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu