Banner background

Lộ trình học TOEFL®: Tổng quan và phương pháp ôn luyện hiệu quả

Bài viết giới thiệu tổng quan về kỳ thi TOEFL®, đồng thời hướng dẫn người học xây dựng lộ trình ôn luyện phù hợp nhằm đạt hiệu quả tối ưu.
lo trinh hoc toefl tong quan va phuong phap on luyen hieu qua

Key takeaways

Gợi ý lộ trình học TOEFL

  • Xác định trình độ hiện tại và mục tiêu mong muốn

  • Xây dựng nền tảng tiếng Anh vững chắc cho TOEFL

  • Luyện các kỹ năng cụ thể theo từng phần thi TOEFL

  • Luyện đề minh họa và làm quen với định dạng bài thi

  • Tự đánh giá sự tiến bộ định kỳ và điều chỉnh kế hoạch học

  • Duy trì động lực học tập xuyên suốt quá trình

TOEFL (Test of English as a Foreign Language) là một trong những kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh phổ biến và uy tín trên toàn cầu. Với những người học đang chuẩn bị cho hành trình du học, xét tuyển cao học hoặc muốn mở rộng cơ hội nghề nghiệp, TOEFL không chỉ đơn thuần là tấm vé thông hành mà còn là minh chứng cho khả năng sử dụng tiếng Anh học thuật một cách toàn diện.

Tuy nhiên, với người mới bắt đầu, việc tiếp cận kỳ thi TOEFL có thể gây áp lực và bối rối do khối lượng kiến thức lớn và thời gian ôn luyện kéo dài. Chính vì vậy, bài viết sau đây của ZIM sẽ hướng dẫn người học xây dựng một lộ trình học TOEFL rõ ràng, phù hợp với trình độ hiện tại nhằm hướng đến mục tiêu điểm số mong muốn.

Tổng quan về kỳ thi TOEFL và yêu cầu đầu ra

TOEFL (Test of English as a Foreign Language) là hệ thống bài kiểm tra năng lực tiếng Anh được thiết kế và phát triển bởi Viện Khảo Thí Giáo Dục Hoa Kỳ - ETS (Educational Testing Service) vào năm 1964 nhằm đánh giá trình độ và khả năng sử dụng tiếng Anh của người học không phải người bản ngữ.

TOEFL (Test of English as a Foreign Language)

Trong số các bài thi của hệ thống dành cho các đối tượng và độ tuổi khác nhau, dạng bài phổ biến và được ưa chuộng hiện nay là TOEFL iBT® (Internet-Based Test) [1] – chứng chỉ được chấp nhận và sử dụng rộng rãi tại hơn 160 quốc gia và 12500 tổ chức trong tuyển sinh đại học, xin học bổng, định cư, hoặc ứng tuyển vào các công ty quốc tế.

Bài thi TOEFL iBT hướng đến việc kiểm tra toàn diện khả năng sử dụng và xử lí thông tin bằng tiếng Anh trong môi trường học thuật và quốc tế thông qua bốn kỹ năng: Nghe (Listening), Nói (Speaking), Đọc (Reading) và Viết (Writing).

Bài thi kéo dài khoảng hai giờ làm bài trên máy tính với tổng điểm tối đa là 120 điểm, chia đều cho bốn kỹ năng. Kết quả thi sẽ được trả về sau 5 - 7 ngày và có hiệu lực trong vòng hai năm. Tùy vào khả năng và nhu cầu cá nhân, người học có thể đặt mục tiêu điểm TOEFL phù hợp với bản thân. Dưới đây là các mốc điểm phổ biến:

Mức điểm TOEFL

Trình độ tương đương (CEFR)

Ý nghĩa đối với
mục tiêu học tập

Ý nghĩa đối với
mục tiêu công việc

~60 điểm

B1 - B2

Mức điểm đủ để xét tuyển thẳng, quy đổi hoặc cộng điểm vào một số trường đại học trong nước hoặc xét tuyển vào một số trường cao đẳng và đại học ở Mỹ.

Có thể đáp ứng yêu cầu cho các công việc trong môi trường sử dụng tiếng Anh cơ bản tại các công ty trong nước.

~80 điểm

B2 - C1

Mức điểm phổ biến để đủ điều kiện tiếng Anh đầu vào cho sinh viên quốc tế muốn theo học đại học chính quy tại các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc và Anh.

Có thể đáp ứng tiêu chuẩn ứng tuyển vào doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện hoặc các công ty đa quốc gia.

~90+ điểm

C1 - C2

Mức điểm dành cho học sinh và sinh viên nhắm đến các trường đại học top đầu (thuộc khối Ivy League hay Top 50 NU), chương trình sau đại học hoặc các học bổng có tỉ lệ cạnh tranh cao.

Có thể đáp ứng yêu cầu đầu vào của nhiều vị trí cấp cao hoặc công việc tại các cơ quan, tổ chức quốc tế lớn về kinh tế và giáo dục.

Đánh giá trình độ hiện tại trước khi bắt đầu

Trước khi xây dựng lộ trình học TOEFL phù hợp, người học có thể xác định năng lực hiện tại của bản thân thông qua bài thi trải nghiệm TOEFL iBT trong vòng 40 phút hoặc bộ đề thi mẫu miễn phí được cung cấp bởi ETS.

Sau khi đánh giá các kỹ năng của bản thân, người học có thể so sánh với các chuẩn đầu ra TOEFL để xác định lộ trình ôn thi.

  • Nếu chưa đạt 45 điểm trong bài thi thử, người học đang ở mức căn bản và cần bắt đầu chuẩn bị từ việc xây dựng nền tảng từ vựng và ngữ pháp vững chắc.

  • Những người học đạt mức điểm từ 45 trở lên có thể chuyển sang các giai đoạn củng cố kiến thức nền, luyện chuyên sâu các kỹ năng và học thêm các chủ điểm nâng cao trước khi luyện đề.

Gợi ý lộ trình học TOEFL

Giai đoạn 1: Xây dựng nền tảng tiếng Anh vững chắc cho TOEFL

Trước khi bắt đầu luyện đề TOEFL, người học cần có nền tảng kiến thức tiếng Anh cơ bản tương đương trình độ A2 - B1. Giai đoạn này đặc biệt quan trọng với những người mới bắt đầu tiếp xúc với kỳ thi.

Mục tiêu chính:

  • Củng cố vốn từ vựng học thuật căn bản.

  • Nắm chắc các cấu trúc câu và ngữ pháp tiếng Anh cơ bản.

  • Làm quen với kỹ năng nghe và đọc các văn bản học thuật đơn giản.

Nội dung cần tập trung:

  • Ngữ pháp cơ bản

Nắm vững các thì trong tiếng Anh và các chủ điểm ngữ pháp phổ biến như câu bị động, mệnh đề quan hệ, câu điều kiện và câu tường thuật. Đây là nền móng để người học luyện viết và hiểu bài đọc chính xác hơn.

  • Từ vựng học thuật cơ bản

Học từ vựng theo các chủ đề quen thuộc như giáo dục, môi trường, khoa học và xã hội. Sau đó, người học có thể tham khảo Academic Word List (AWL) - danh sách 570 từ vựng thông dụng nhất trong các văn bản học thuật tiếng Anh được tổng hợp bởi chuyên gia Averil Coxhead.

  • Kỹ năng nghe - đọc cơ bản

Luyện nghe các đoạn hội thoại, podcast ngắn hoặc xem các video học tiếng Anh dành cho người mới bắt đầu từ các nguồn uy tín như VOA Learning English hoặc BBC Learning English. Bên cạnh đó, người học kết hợp đọc các bản tin ngắn trên Breaking News English hoặc National Geographic Learning.

Gợi ý một số tài liệu học:

  • Barron’s Essential Words for the TOEFL

  • English Grammar in Use

  • Collins Vocabulary And Grammar For The TOEFL Test

Tham khảo thêm:

Giai đoạn 2: Luyện kỹ năng theo từng phần thi TOEFL

Sau khi đã có nền tảng tiếng Anh ổn định, người học có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong lộ trình học TOEFL - luyện chuyên sâu từng kỹ năng cụ thể. Giai đoạn này giúp người học rèn luyện chuyên sâu từng kỹ năng, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ và cải thiện tư duy làm bài. 

Nghe (Listening)

TOEFL Listening đánh giá khả năng nghe hiểu bài giảng và hội thoại học thuật. Để nâng cao hiệu quả luyện nghe, người học cần nghe chủ động, tức là không chỉ nghe để hiểu nội dung chung mà còn tập trung vào chi tiết, cách chuyển ý và thái độ của người nói.

Cách luyện nghe hiệu quả:

  • Chủ động ghi chú lại các thông tin nghe được theo cấu trúc chủ đề, ý chính, giải thích, ví dụ minh họa, mở rộng ý nghĩa hoặc áp dụng phương pháp 5WH để nắm được các nội dung quan trọng như who, what, when, where, why, how.

  • Tự tóm tắt lại nội dung bằng tiếng Anh bằng cách nói hoặc viết dựa trên các ý trong ghi chú.

  • Luyện nghe từ cấp độ dễ đến khó: bắt đầu từ hội thoại trong cuộc sống hằng ngày tới bài giảng về chủ đề học thuật trên TED Talks.

Gợi ý một số tài liệu học:

  • Cơ bản: TOEFL iBT Activator Listening Beginning, TOEFL iBT Navigator: Listening, Building Skills for the TOEFL iBT 3rd edition - Listening.

  • Trung cấp: TOEFL iBT Activator Listening Intermediate, Developing Skills for the TOEFL iBT 3rd edition - Listening.

  • Nâng cao: TOEFL iBT Activator Listening Advanced, TOEFL iBT Activator Listening Expert, Mastering Skills for the TOEFL iBT 3rd edition - Listening.

  • Luyện chuyên sâu kỹ năng nghe và ghi chú: Bộ sách Listening and Notetaking Skills - Level 1, 2, 3.

Đọc (Reading)

Phần thi Reading trong TOEFL yêu cầu việc đọc hiểu các bài văn học thuật dài, thường yêu cầu khả năng hiểu cấu trúc đoạn, nhận diện câu chủ đề, ví dụ, dẫn chứng minh họa và suy luận logic. 

Cách luyện đọc hiệu quả:

  • Sử dụng kỹ thuật skimming (đọc lướt toàn bài) để nắm nội dung chung và xác định được cấu trúc đoạn.

  • Gạch chân từ khóa trong câu chủ đề và câu chuyển ý, sau đó tự tóm tắt nhanh mỗi đoạn bằng một câu duy nhất để đảm bảo bản thân nắm được ý chính của đoạn.

  • Sử dụng kỹ thuật scanning (đọc quét để tìm nhanh chi tiết cụ thể) để xác định vị trí thông tin cần tìm như số liệu hoặc từ khóa.

  • Sử dụng kỹ năng detailed reading (đọc chi tiết) để hiểu sâu, kỹ và rõ nội dung nhằm chọn được đáp án chính xác cho các câu hỏi.

Gợi ý một số tài liệu học:

  • Cơ bản: TOEFL iBT Activator Reading Beginning, TOEFL iBT Navigator: Reading, Building Skills for the TOEFL iBT 3rd edition - Reading.

  • Trung cấp: TOEFL iBT Activator Reading Intermediate, Developing Skills for the TOEFL iBT 3rd edition - Reading.

  • Nâng cao: TOEFL iBT Activator Reading Advanced, TOEFL iBT Activator Reading Expert, Mastering Skills for the TOEFL iBT 3rd edition - Reading.

  • Luyện chuyên sâu kỹ năng đọc hiểu và nâng cao từ vựng học thuật: Bộ sách Active Skills for Reading - Level 1, 2, 3, 4.

Luyện kỹ năng theo từng phần thi TOEFL

Nói (Speaking)

Phần thi Speaking của TOEFL [2] gồm 4 câu hỏi: 1 câu Independent Speaking Task (trả lời câu hỏi bằng cách nêu quan điểm và trải nghiệm cá nhân) và 3 câu Integrated Speaking Task (kết hợp các kỹ năng khác nhau để trả lời câu hỏi về chủ đề được thảo luận).

Người học cần luyện phát âm rõ, diễn đạt mạch lạc, tổ chức ý tưởng chặt chẽ, sử dụng ngôn ngữ tự nhiên và phải có sự kết hợp linh hoạt giữa kỹ năng nghe hiểu - nói và đọc hiểu - nói.

Cách luyện nói hiệu quả:

Luyện nói theo chủ đề là phương pháp phổ biến và hiệu quả để chuẩn bị cho phần Speaking. Phương pháp này giúp người học làm quen với dạng câu hỏi, rèn tư duy phản xạ nhanh và cải thiện khả năng diễn đạt trôi chảy.

  • Bước 1 - Chọn chủ đề phù hợp với trình độ: Bắt đầu với các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày (như sở thích, du lịch, động vật) và nâng cấp lên các chủ đề mang tính học thuật hoặc tranh luận (như giáo dục, môi trường, công nghệ).

  • Bước 2 - Lập dàn ý: Tùy vào chủ đề mà người học có thể lập dàn ý theo các cấu trúc khác nhau, chẳng hạn như trình tự thời gian, phương pháp PEEL hoặc phương pháp WH-question.

  • Bước 3 - Canh thời gian luyện nói: Dùng điện thoại hoặc đồng hồ bấm giờ để trả lời trong giới hạn thời gian, cố gắng nói to, rõ ràng và liền mạch.

  • Bước 4 - Kết hợp kỹ năng: Tập thói quen diễn đạt lại các bài đọc và bài nghe ở đa dạng các chủ đề bằng giọng văn nói của bản thân.

Cách tự đánh giá kỹ năng nói:

  • Ghi âm bài nói của bản thân, sau đó nghe lại để đánh giá các tiêu chí như phát âm, ngữ điệu, từ vựng, ngữ pháp, cách liên kết và phát triển ý tưởng.

  • Có thể sử dụng các công cụ như ELSA Speak hay Speechling để luyện nói và nhận phản hồi từ AI hoặc giáo viên.

Tham khảo thêm: TOEFL® Speaking Topics, Questions & Sample Answers

Viết (Writing)

Trong phần thi Writing của TOEFL [2], người học cần thực hiện hai nhiệm vụ:

  • Integrated Writing Task: Viết bài viết để trả lời câu hỏi về một đoạn hội thoại đã được nghe và một văn bản đã được đọc (khoảng 150 - 225 từ).

  • Academic Discussion Task: Viết bài viết trình bày quan điểm của bản thân về cuộc thảo luận trong lớp học (khoảng 100 từ).

Hướng dẫn viết đoạn văn và bài luận theo cấu trúc chuẩn TOEFL: 

Đối với dạng bài Integrated Writing Task:

  • Mục tiêu chính là tóm tắt thông tin từ bài đọc và bài nghe, chỉ ra sự đối lập hoặc bổ sung giữa hai nguồn. Lưu ý không chèn ý kiến cá nhân vào bài viết.

  • Cấu trúc gợi ý: mở bài gồm 2 câu giới thiệu chung về chủ đề và mục đích của bài viết, thân bài gồm 3 đoạn trình bày cụ thể từng điểm đối lập hoặc bổ sung của bài đọc và bài nghe.

Đối với dạng bài Academic Discussion Task:

  • Mục tiêu chính là trình bày quan điểm cá nhân về một chủ đề quen thuộc như giáo dục, công nghệ hoặc môi trường, đồng thời lý giải và minh họa bằng ví dụ cụ thể.

  • Cấu trúc gợi ý: mở đoạn gồm 2 câu dẫn dắt vào chủ đề và nêu rõ quan điểm, thân đoạn gồm 4 - 5 câu trình bày lí do kèm theo dẫn chứng ví dụ và mở rộng vấn đề, kết đoạn gồm 1 câu tóm tắt lí do và nhấn mạnh lại quan điểm. 

Cách tự luyện viết và cải thiện bài viết:

  • Tập viết đoạn một cách nhuần nhuyễn trước khi viết bài hoàn chỉnh.

  • Nhờ giáo viên hoặc bạn bè có kinh nghiệm chấm sửa hoặc sử dụng các ứng dụng AI (Grammarly, Quillbot, ChatGPT) để đánh giá và gợi ý chỉnh sửa bài viết.

  • Lưu trữ các bài viết để so sánh sự tiến bộ của bản thân theo thời gian.

Các bước rèn luyện kỹ năng TOEFL

Giai đoạn 3: Luyện đề và làm quen với định dạng bài thi

Sau khi đã hoàn thiện nền tảng, người học sẽ bước vào giai đoạn luyện đề tổng hợp. Đây là bước quan trọng giúp kiểm tra mức độ sẵn sàng cho kỳ thi, làm quen với định dạng đề thực tế, nâng cao chiến lược làm bài, và rèn luyện dưới áp lực thời gian thật. Đặc biệt, luyện đề còn giúp người học phát hiện ra điểm yếu để tập trung cải thiện. 

Cách chọn bộ đề TOEFL phù hợp trình độ hiện tại

Nếu người học mới đạt trình độ trung cấp (B1–B2), có thể bắt đầu với các mini practice test trên các trang web mạng hoặc tham khảo các quyển sách như: 

  • Barron's TOEFL iBT: sách gồm 8 đề thi thử, 4 đề thi online kèm theo đa dạng các bài tập bổ trợ từng kĩ năng và lời giải chi tiết. 

  • Longman Preparation course for the TOEFL Test: sách luyện đề với cấp độ được đánh giá dễ hơn đề thi thật, kèm theo chiến lược làm bài cụ thể và lời giải chi tiết.

Khi đã nắm vững kiến thức và muốn thử sức với các dạng đề tổng hợp nâng cao, người học đã đạt trình độ B2 trở lên có thể luyện đề trực tiếp từ các nguồn như:

  • TPO (TOEFL Practice Online): bộ 30 đề thi thật được cung cấp bởi ETS, sát nhất với cấu trúc và độ khó của kỳ thi thực tế.

  • Official TOEFL iBT Tests Vol.1 & Vol.2: sách gồm các đề thi thật do ETS xuất bản, có đáp án và transcript chi tiết.

  • Delta's Key to the Next Generation TOEFL Test - Advanced Skill Practice Book: sách luyện đề từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với ôn thi giai đoạn cuối. 

Luyện đề theo khung thời gian chuẩn

Mỗi kỹ năng đều có giới hạn thời gian riêng khi làm bài, chẳng hạn dưới đây là khoảng thời gian cho từng phần thi của TOEFL iBT [2]:

  • Nghe (Listening): 28 câu hỏi – 36 phút

  • Đọc (Reading): 20 câu hỏi - 35 phút

  • Nói (Speaking): 4 câu hỏi – 16 phút

  • Viết (Writing): 2 câu hỏi – 29 phút

Người học nên đặt đồng hồ bấm giờ, không dừng giữa chừng, không tra cứu trong lúc làm bài. Sau mỗi lần làm đề, hãy dành thời gian phân tích lỗi sai, đọc lại transcript hoặc bài đọc để hiểu rõ và ghi chú lại các lỗi sai thay vì đặt nặng số lượng đề cần làm. 

Chiến lược chuẩn bị thi TOEFL

Đọc thêm: Cách học TOEFL iBT® hiệu quả và kinh nghiệm thực tế

Xây dựng kế hoạch học tập chi tiết 

Đối với người học có lịch trình bận rộn, điều quan trọng là phải duy trì thói quen học tập đều đặn mỗi ngày thay vì học dồn dập dưới áp lực thi cử. Một kế hoạch học tập lý tưởng chỉ chiếm khoảng 45 phút mỗi ngày, nhưng người học cần phân bổ thời gian hợp lý theo từng kỹ năng và giai đoạn.

Gợi ý lịch học hàng tuần (khoảng 45 phút/ngày)

  • Thứ 2 – Listening: 15 phút nghe bài giảng và ghi chú thông tin, 15 phút phân tích nội dung để hiểu sâu và 15 phút học từ vựng - ngữ pháp mới xuất hiện trong bài.

  • Thứ 3 – Reading: 20 phút đọc bài viết học thuật, 10 phút luyện tập phân tích bài và tìm ý chính, 15 phút học từ vựng - ngữ pháp mới xuất hiện trong bài.

  • Thứ 4 – Speaking: 10 phút tìm chủ đề và từ vựng - ngữ pháp liên quan, 7 phút chuẩn bị dàn ý chi tiết, 10 phút luyện nói và ghi âm, 10 phút nghe lại để tự đánh giá và 7 phút luyện nói lại chủ đề.

  • Thứ 5 – Writing: 10 phút tìm chủ đề và từ vựng - ngữ pháp liên quan, 7 phút chuẩn bị dàn ý chi tiết, 20 phút viết đoạn văn hoặc bài luận ngắn và 10 phút xem lại, chỉnh sửa hoặc tham khảo bài viết mẫu.

  • Thứ 6 – Vocabulary & Grammar: 10 phút ôn lại các từ vựng - cấu trúc ngữ pháp đã học trong tuần, 15 phút làm bài tập mở rộng thêm vốn từ vựng học thuật mới và 15 phút luyện tập các dạng cấu trúc ngữ pháp mới.

  • Thứ 7 – Luyện đề: 45 phút làm đề thực tế hoặc đề thi mẫu của TOEFL, kiểm tra đáp án và ghi chú lại lỗi sai, khuyến khích luyện đề một kỹ năng mỗi tuần.

  • Chủ nhật – Nghỉ hoặc ôn tập lại: Đọc sách, xem phim, nghe podcast, xem video tiếng Anh hoặc có thể ôn tập lại kiến thức. 

Cách điều chỉnh lộ trình học TOEFL dựa trên tiến độ thực tế

Sau mỗi 2 - 3 tuần, người học nên tự đánh giá tiến độ bằng cách làm trọn vẹn đề thi mẫu TOEFL bốn kỹ năng trong vòng hai tiếng để làm quen với áp lực phòng thi. Nếu nhận thấy kỹ năng nào còn yếu, hãy tăng thời lượng luyện kỹ năng đó trong tuần kế tiếp.

Bên cạnh đó, người học cần linh hoạt chuyển đổi và kết hợp các hoạt động học tập đa dạng như học nhóm, học qua ứng dụng trên điện thoại hoặc xem video luyện đề để tránh bị quá tải, duy trì động lực lâu dài và tối ưu hóa hiệu quả của lộ trình học TOEFL.

Hướng dẫn tối ưu hóa lập trình học

Một số lưu ý quan trọng khi luyện thi TOEFL cho người mới bắt đầu

Đừng học dồn dập: Việc nhồi nhét kiến thức sẽ khiến người học nhanh chóng kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy phân bổ học đều đặn mỗi ngày với thời lượng phù hợp để tích lũy kiến thức, tăng hiệu quả tiếp thu thông tin và tránh tình trạng “học nước rút”.

Nghỉ ngơi hợp lý: Não bộ cần thời gian phục hồi và thư giãn, vì vậy người học nên đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ và có ít nhất một ngày nghỉ trong tuần.

Tự đánh giá định kỳ: Mỗi 2 - 3 tuần, hãy dành một buổi để làm trọn vẹn đề thi mẫu trong giới hạn thời gian, đánh giá điểm mạnh - yếu của bản thân và điều chỉnh kế hoạch nếu cần. Người học cũng có thể lập bảng Excel để theo dõi điểm số và quá trình tiến bộ của bản thân.

Duy trì động lực: Vì lộ trình học TOEFL yêu cầu nhiều thời gian và sức lực, nên người học có thể treo các mục tiêu nhỏ theo tuần tại góc học tập và tự thưởng nho nhỏ cho bản thân khi hoàn thành mục tiêu. Ngoài ra, người học cũng có thể kết nối với bạn bè để tạo nhóm học và chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau tiến bộ.

Tổng kết

Việc xây dựng một lộ trình học TOEFL bài bản và phù hợp với năng lực cá nhân là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của quá trình ôn luyện. Từ việc xác định trình độ ban đầu và đặt ra mục tiêu đến việc xây dựng nền tảng vững chắc, luyện chuyên sâu từng kỹ năng và luyện đề tổng hợp – mỗi bước đều góp phần giúp người học tiến gần hơn đến mục tiêu điểm số mong muốn.

Hành trình chinh phục TOEFL có thể kéo dài với nhiều thử thách, nên người học cần kiên trì theo sát kế hoạch, điều chỉnh linh hoạt và giữ vững tinh thần chủ động trong học tập. Bên cạnh đó, nếu người học có mong muốn tối ưu hóa lộ trình học TOEFL và nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, hệ thống đào tạo tại ZIM Academy sẽ mang đến một giải pháp phù hợp.

Giải đáp thắc mắc về kiến thức tiếng Anh là nhu cầu thiết yếu của nhiều học viên trong quá trình học tập và ôn thi. ZIM Helper là diễn đàn trực tuyến chuyên nghiệp cung cấp giải đáp về kiến thức tiếng Anh cho người học đang luyện thi IELTS, TOEIC, luyện thi Đại học và các kỳ thi tiếng Anh khác. Diễn đàn được vận hành bởi đội ngũ High Achievers - những người đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi, đảm bảo chất lượng thông tin và hướng dẫn chính xác cho người học. Liên hệ Hotline 1900-2833 (nhánh số 1) để được tư vấn chi tiết.


TOEFL is registered trademarks of ETS. This product is not endorsed or approved by ETS. The Eight-Point logo is a trademark of ETS, used in Vietnam under license.

Tham vấn chuyên môn
Thiều Ái ThiThiều Ái Thi
GV
Việc giảng dạy không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin mà còn khiến chúng trở nên dễ hiểu và khơi dậy sự tò mò ở người học. Bằng cách lấy người học là trung tâm, tôi mong muốn có thể biến những khái niệm phức tạp trở nên đơn giản, và truyền tải kiến thức theo những cách phù hợp với nhiều người học khác nhau.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...