Mối liên hệ giữa IELTS và GPA tại trường đại học
Để tham gia vào các chương trình và khoá học bậc đại học và sau đại học tại các trường giảng dạy bằng tiếng Anh, sinh viên quốc tế ở các nước không nói tiếng Anh được yêu cầu phải có một trình độ thông thạo tiếng Anh tối thiểu nhất định, được chứng minh qua các chứng chỉ quốc tế như IELTS.
Một trong những kỳ thi đánh giá tiêu chuẩn tiếng Anh phổ biến và được sử dụng nhiều nhất là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế (IELTS). Điểm IELTS tối thiểu để sinh viên được nhận vào một trường đại học là 6.0 hoặc tương đương, tuỳ vào từng trường và ngành học. Trong các chương trình cụ thể và các khoá nghiên cứu sau đại học, một số trường sẽ yêu cầu mức điểm cao hơn.
Một số nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu liệu mức điểm tối thiểu 6.0 có thể dùng để đánh giá mức độ thể hiện của sinh viên tại các trường đại học hay không.
Những phân tích về mối liên hệ giữa IELTS và điểm GPA
Trong phạm vi bài viết này, kết quả nghiên cứu của các tác giả Feast (2002); Dorothy A. Yen & Joanne Kuzma (2009) và Tô Thị Thu Hương (2010) chỉ ra rằng: Có mối tương quan thuận giữa điểm GPA và điểm IELTS trong giai đoạn đầu của chương trình học, nghĩa là sinh viên có GPA tốt hơn thường có điểm IELTS cao hơn và ngược lại.
Tuy nhiên, các tác giả cũng đề cập, việc đưa ra các đánh giá liên quan đến khả năng thành công trong học tập của sinh viên cần kể đến nhiều yếu tố hơn ngoài các kỹ năng ngôn ngữ (ví dụ các yếu tố phi ngôn ngữ như kiến thức chuyên môn hoặc kỹ năng thích nghi của từng sinh viên).
Nghiên cứu với 202 sinh viên Việt Nam du học tại Úc của tác giả Tô Thị Thu Hương (2010) cho kết quả: Những sinh viên có số môn học bị trượt ít hơn sẽ có điểm IELTS cao hơn những sinh viên bị trượt nhiều môn hơn. Cụ thể, những sinh viên không bị trượt môn nào hoặc trượt từ 1-2 môn có điểm 7.0 – 7.5 IELTS Overall, những sinh viên đạt được mức điểm IELTS tối thiểu yêu cầu từ 5.5 – 6.5 có GPA thấp hơn, và gặp phải nhiều vấn đề trong quá trình học tập, đặc biệt ở năm học đầu tiên.
Những khó khăn này bao gồm: (1) Khó khăn trong việc nghe và ghi chép bằng tiếng Anh; (2) Khó khăn trong việc đọc, hiểu và tường giải ẩn ý của tác giả, (3) Khó khăn trong việc phê bình, đánh giá và phân biệt các đặc điểm văn phong khác nhau trong các tài liệu học thuật được viết bằng tiếng Anh.
Theo nghiên cứu của Dorothy A. Yen và Joanne Kuzma (2009), điểm IELTS thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến khả năng sinh viên có điểm GPA thấp, đặc biệt là khi họ có kết quả Listening và Writing thấp. Tuy nhiên, hai tác giả cho rằng mối liên hệ giữa điểm IELTS và GPA dần suy yếu theo thời gian. Tuơng tự, tác giả Bayliss & Ingram (2006) cũng cho rằng mối liên hệ này chỉ thể hiện rõ nhất trong sáu tháng đầu tiên trong chương trình học.
Xem thêm: Common Application – Cánh cửa vào trường đại học Mỹ
Một số đề xuất giải quyết các vấn đề của sinh viên Việt Nam khi du học tại trường giảng dạy bằng tiếng Anh
Như đã có đề cập ở phần 2, tuy các tác giả chứng minh được sự tương quan thuận có tồn tại giữa hai yếu tố điểm IELTS và GPA, việc đạt được điểm IELTS cao không đảm bảo toàn bộ thành công cho những sinh viên sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai nói chung, và sinh viên Việt Nam nói riêng tại các trường đại học.
Dựa trên Mô hình năng lực học thuật và hoạt động học thuật của các sinh viên có tiếng Anh không phải là bản ngữ tại các trường đại học dạy bằng tiếng Anh do tác giả Tô Thị Thu Hương (2010) xây dựng, sinh viên cần xét đến các yếu tố ngôn ngữ về kiến thức tiếng Anh và các yếu tố phi ngôn ngữ trong quá trình học tập. Các yếu tố phi ngôn ngữ liên quan đến: kiến thức nền, kiến thức chuyên ngành và các yếu tố thuộc về cá nhân mỗi người như động lực và sự kiên trì.
Để cải thiện yếu tố phi ngôn ngữ, bài viết này giới thiệu 3 chiến lược chính được đề xuất bởi Lijun Shen (2018), gồm:
Chiến lược quản lý thời gian: Cụ thể, trong quá trình du học, sinh viên cần phát triển cho chính mình một thời gian biểu chi tiết. Trong đó, sinh viên sắp xếp thứ tự ưu tiên và kết hợp các công việc hợp lý. Việc quản lý thời gian hiệu qủa sẽ giúp sinh viên kiểm soát được cường độ công việc và giữ được sức khoẻ tốt.
Chiến lược học tập và phong cách học tập: Cụ thể, sinh viên cần tìm hiểu xem mình thuộc loại người học (learner type) nào và các chiến lược học tập tương ứng với từng loại người học khác nhau là gì. Sau đó, sinh viên cần xác định được cách học phù hợp và mang lại kết quả tốt nhất cho bản thân mình.
Năm 1983, nhà tâm lý học Howard Gardner từ đại học Harvard đã chia trí thông minh của con người thành tám loại, được áp dụng để phát triển các chiến lược học tập phù hợp, cụ thể là: (1) Ngôn ngữ, (2) Logic – Toán học, (3) Hình ảnh – không gian, (4) Âm nhạc, (5) Vận động thể chất, (6) Tương tác cá nhân, (7) Nội tâm, (8) Thiên nhiên.
Walter Burke Barbe và các đồng nghiệp (1920) đã đề xuất ba phong cách học chính, đó là: Thị giác – Người học tiếp thu tốt hơn khi kiến thức được trình bày dưới dạng hình ảnh, Thính giác – Người học tiếp thu tốt hơn bằng cách lắng nghe và Vận động – Người học tiếp thu bằng cách thực hành.
Xem thêm: 7 phương pháp học tiếng Anh phổ biến (Phần 1)
Chiến lược phát triển các kỹ năng học thuật: Cụ thể, sinh viên cần tìm hiểu về:
Cách đánh dấu và ghi chú thích trên giảng đường đại học
Cách lập dàn ý, lập bản đồ và tóm tắt
Cách chuẩn bị ghi chú, cách làm bài kiểm tra và tìm hiểu hệ thống tính điểm.
Xem thêm: Mind Maps giúp cải thiện kĩ năng tư duy như thế nào?
Về những yếu tố liên quan đến tiếng Anh, bài viết này giới thiệu 3 chiến lược chính:
Chiến lược nghe hiểu để có thể đảm bảo được việc theo kịp tiến độ bài giảng của giảng viên trên lớp.
(Tham khảo chi tiết tại bài viết “IELTS Listening: Các chiến lược nghe hiểu”).Chiến lược phát triển kỹ năng đọc. Cụ thể, sinh viên cần tìm hiểu về cách
Đọc quét Scanning và đọc lướt Skimming
Đoán từ vựng theo ngữ cảnh
Đọc lấy ý chính và đọc tìm thông tin chi tiết
Nhận biết các bố cục và cách văn bản được trình bày.Chiến lược xây dựng kỹ năng viết: Cụ thể, sinh viên cần tìm hiểu về cách
Xây dựng bố cục
Kiến thức về ngữ pháp
Xem thêm: Lầm tưởng về ngữ pháp trong bài thi IELTS
Tổng kết
Dựa trên những nghiên cứu về mối liên hệ giữa trình độ thông thạo Anh ngữ (được đo lường bằng mức điểm IELTS) và sự thể hiện của sinh viên quốc tế tại những trường đại học sử dụng Tiếng Anh như ngôn ngữ giảng dạy chính thức (được đo lường bằng điểm GPA), cũng như nghiên cứu cụ thể về sinh viên Việt Nam khi du học.
Bài viết thống kê những phân tích về mối liên hệ giữa IELTS và điểm GPA và một số đề xuất giải quyết các vấn đề của sinh viên Việt Nam khi du học tại trường giảng dạy bằng tiếng Anh.
Xem thêm: Tất tần tật những gì bạn cần chuẩn bị trong hành lý du học – Phần 1
Huỳnh Đình Trúc Khuê
Bình luận - Hỏi đáp