Banner background

Lầm tưởng về ngữ pháp trong bài thi IELTS

Bài viết giải thích và ví dụ rõ về sai lầm trong việc dùng ngữ pháp phức tạp để tăng điểm số IELTS và đề xuất các hướng giải quyết.
lam tuong ve ngu phap trong bai thi ielts

Về lối tư duy “Ngữ pháp càng phức tạp, điểm số càng cao.”

Việc cố gắng sử dụng ngữ pháp phức tạp có thể sẽ làm giám khảo ấn tượng và chấm “mát tay” hơn cho bài viết hay nói. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều thí sinh nhận được điểm số không mong muốn cho dù bài viết hoặc nói được trang bị rất nhiều cấu trúc ngữ pháp phức tạp.

Dưới đây là một ví dụ về câu sử dụng trong bài thi Speaking của một thí sinh 

“I like to connect with my neighbour and to know where is my neighbour country” (band 4) 

  • Thí sinh thực hiện câu nói trên mắc phải lỗi ngữ pháp về trật tự từ trong câu hỏi gián tiếp (where is my neighbour country -> where my neighbour country is), lỗi này có thể khiến người nghe lầm tưởng về việc người nói đang đặt câu hỏi cho mình.

  • Câu hỏi gián tiếp là một điểm ngữ pháp tốt, nhưng việc dùng sai như trong ví dụ trên sẽ khiến điểm số bị ảnh hưởng đáng kể.

Điều này gợi lên câu hỏi: “Việc sử dụng ngữ pháp phức tạp có luôn đồng nghĩa với việc đạt được điểm cao trong bài thi IELTS Writing hoặc Speaking hay không?” (“Nếu không, thí sinh cần thay đổi cách tiếp cận bài viết hoặc nói trong phần thi IELTS ra sao để cải thiện mức điểm số của bản thân?”)

Ngữ pháp phức hay Ngữ pháp phức tạp?

Ngữ pháp phức

Theo Richard Nordquist (2019), câu phức là câu có chứa một mệnh đề độc lập (hoặc mệnh đề chính) và ít nhất một mệnh đề phụ thuộc. Nói cách khác, một câu phức chính là sự kết hợp giữa một mệnh đề chính với một hoặc nhiều mệnh đề phụ, mệnh đề chính và các mệnh đề phụ được nối với nhau bằng một (hoặc nhiều) đại từ hoặc liên từ thích hợp.

Ví dụ: The government should ban advertisements which encourages fast food consumption.

Các thành phần mệnh đề trong câu trên là:

  • Mệnh đề chính là: The government should ban advertisements

  • Mệnh đề phụ là: which encourages fast food consumption

  • Đại từ kiêm chủ ngữ của mệnh đề phụ thuộc là: which 

Ngữ pháp phức tạp

Pienemann (1998) đã đề xuất một thứ tự tiếp thu có thứ bậc (Hierarchy of processing prerequisites) đối với ngữ pháp tiếng Anh, theo đó người học sẽ đi qua 6 giai đoạn tiếp thu ngữ pháp với độ phức tạp tăng dần là:

  1. Các thành phần (đơn lẻ) trong câu

  2. Trật tự từ

  3. Quá trình phân loại từ vựng

  4. Cụm từ dựa vào các từ vựng đã phân loại

  5. Cấu thành của câu đơn

  6. Mối quan hệ giữa mệnh đề chính và phụ

cac-giai-doan-tiep-thu-ngu-phapCác giai đoạn tiếp thu ngữ pháp

Qua hệ thống phân cấp trên, các giai đoạn đầu tiên được xác định bởi việc sử dụng các từ/ cụm từ đơn lẻ hoặc các khối công thức đơn lẻ trong khi việc hiểu biết về sự hoà hợp chủ ngữ – động từ chỉ xuất hiện ở giai đoạn thứ 5, và giai đoạn thứ 6 (giai đoạn cuối) được xác định bởi việc tiếp thu kiến thức về các mệnh đề phụ. 

Các điểm ngữ pháp cơ bản nhất sẽ là các thành phần đơn lẻ trong câu, tiếp đến sẽ là các điểm ngữ pháp ít phức tạp như cụm từ và câu đơn, trong khi các cấu trúc ngữ pháp phức tạp hơn sẽ là các câu phức, câu ghép và câu phức ghép có chứa mệnh đề chính lẫn mệnh đề phụ.

Vì vậy, thí sinh sẽ thường được kỳ vọng thể hiện năng lực ngữ pháp của bản thân trong bài thi IELTS thông qua việc sử dụng thành thạo các câu phức, câu ghép và câu phức ghép có chứa mệnh đề chính lẫn mệnh đề phụ vì đây đa phần sẽ là cấu trúc ngữ pháp phức tạp đem lại thêm điểm số cho thí sinh. 

Ngữ pháp phức tạp có phải là chìa khoá cho điểm số cao? 

Sự cần thiết của việc sử dụng những câu ngữ pháp phức tạp

Tiêu chí chấm điểm Grammatical range and accuracy trong cả 2 kỹ năng Writing và Speaking có đề cập đến sự phân cấp về điểm số trong việc sử dụng các cấu trúc cơ bản hoặc đơn giản (“simple”/ “basic” – ở ngưỡng dưới band 6) so với các cấu trúc phức tạp (“complex” – đối với band 6 trở lên)

Bên cạnh đó trong cuốn sách English Usage: A Guide to First Principles xuất bản năm 1986, Walter Nash đã nói rằng: “Most of the sentences we use in writing or in continuous speech are complex… There is a recurrent need to expound facts or concepts in greater elaboration than the structure of the simple sentence permits.”(Tạm dịch là Hầu hết các câu chúng ta sử dụng trong khi viết hoặc trong bài nói liên tục đều mang tính phức tạp… Vì nhu cầu giải thích liên tục cho các sự kiện hoặc khái niệm một cách chi tiết hơn sẽ vượt xa khả năng của các câu đơn.)  

nen-hoc-ngu-phap-nhu-the-nao-cho-chuanNên học ngữ pháp như thế nào cho chuẩn?

Qua đó, việc sử dụng các cấu trúc phức tạp hơn có ảnh hưởng tích cực nếu thí sinh muốn hướng đến những band điểm cao hơn. Lý do là bởi việc sử dụng được các cấu trúc ngữ pháp phức tạp chứng tỏ thí sinh có khả năng phân tích và giải thích cho các vấn đề được nêu ra trong bài thi IELTS Speaking và Writing.

Ngữ pháp phức tạp – “Cần thiết, nhưng không phải là tất cả!”

Đề thi IELTS thực tế sẽ được chấm điểm dựa trên các khuôn khổ nền tảng sau: độ phức tạp, độ chính xác độ trôi chảy.

Các khuôn khổ trên được nhìn thấy rõ nhất ở các tiêu chí đạt Band 9 của 2 kỹ năng Writing và Speaking trong bài thi IELTS như 2 bảng dưới đây:

Writing band descriptors 

Các tiêu chí

Band 9

Task Achievement 

  • Thoả mãn đầy đủ tất cả các yêu cầu của đề bài 

  • Trình bày rõ ràng một câu trả lời được phát triển đầy đủ và sâu

Coherence and Cohesion

  • Sử dụng các từ ngữ kết nối để thể hiện sự liên kết liên kết theo cách không thu hút sự chú ý

  • Cách chia đoạn một cách khéo léo

Lexical Resource

  • Sử dụng và kiểm soát đa dạng từ vựng một cách tự nhiên và tinh vi; các lỗi nhỏ hiếm gặp và chỉ là lỗi không đáng kể

Grammatical Range and Accuracy

  • Sử dụng đa dạng cấu trúc (cả phức tạp lẫn ít phức tạp) với đầy đủ sự linh hoạtđộ chính xác; các lỗi nhỏ hiếm gặp và chỉ là lỗi không đáng kể

Speaking band descriptors

Các tiêu chí

Band 9

Fluency and coherence 

  • Nói trôi chảy chỉ với một vài lần lặp lại hoặc tự sửa lỗi;

  • Bất kỳ sự ngập ngừng nào đều liên quan đến việc nghĩ nội dung hơn là tìm từ hoặc ngữ pháp 

  • Nói mạch lạc với sự gắn kết thích hợp

  • Phát triển các chủ đề một cách đầy đủ và thích hợp  

Lexical Resource 

  • Sử dụng từ vựng với sự linh hoạt và chính xác cao đối với tất cả các chủ đề 

  • Sử dụng quán ngữ một cách tự nhiên và chính xác  

Grammatical Range and Accuracy

  • Sử dụng đầy đủ đa dạng các cấu trúc (cả phức tạp lẫn ít phức tạp)  một cách tự nhiênthích hợp 

  • Tạo ra tính nhất quán trong việc sử dụng các cấu trúc chính xác với ít các lỗi không đáng kể trong bài nói

Pronunciation

  • Sử dụng đầy đủ các đặc điểm phát âm với sự chính xác và tinh tế 

  • Duy trì việc sử dụng linh hoạt các đặc điểm phát âm xuyên suốt bài nói 

  • Tạo ra sự dễ hiểu cho người nghe

Vì vậy, điểm số của thí sinh sẽ tỉ lệ thuận với khả năng thể hiện được độ phức tạp, độ chính xácđộ trôi chảy trong các phần thi Writing và Speaking của IELTS. Ngôn ngữ được dùng càng đa dạng, càng phức tạp nhưng đồng thời vẫn duy trì được tính chính xác và trôi chảy thì điểm số đạt được càng cao.

Skehan (1998) đã chỉ ra rằng sự đánh đổi (a trade-off) luôn có thể xuất hiện giữa 3 khuôn khổ đánh giá mức độ thành thạo ngôn ngữ đã đề cập ở trên (độ phức tạp, độ chính xácđộ trôi chảy). Ví dụ:

  • Nếu một thí sinh tập trung quá nhiều vào độ mạch lạc và trôi chảy của bài nói hoặc viết, độ chính xác sẽ có thể bị giảm xuống.

  • Tương tự, độ chính xác của ngôn ngữ nói và viết cũng có thể bị ảnh hưởng nếu thí sinh cố gắng sử dụng nhiều các cấu trúc ngữ pháp phức tạp.

Những cấu trúc ngữ pháp phức tạp (mệnh đề quan hệ, câu hỏi gián tiếp, đảo ngữ, câu điều kiện, câu bị đông, …) có khả năng bị sử dụng sai cao hơn vì các cấu trúc trên bao hàm sự biến đổi và kết hợp của nhiều đơn vị ngữ pháp nhỏ hơn. Cố gắng chèn những cấu trúc phức tạp, không quen thuộc để gây ấn tượng với giám khảo có thể khiến bài thi Writing hoặc Speaking của thí sinh bị trừ điểm nhiều hơn bởi khả năng sai ngữ pháp cao. 

Một số lời khuyên và định hướng học tập

Chọn lọc cấu trúc ngữ pháp phù hợp với khả năng và mục tiêu của bản thân

Cấu trúc phức tạp không dành cho mọi trình độ. Vì vậy, người học không nên vội nghĩ tới việc học hay vận dụng ngay những cấu trúc phức tạp sẽ có thể tạo ra lối tắt cho bản thân để đạt được điểm số cao. 

Ví dụ về các câu có chứa ngữ pháp phức tạp nên được ưu tiên luyện tập theo từng trình độ:

  • Band 5: Companies should sponsor popular sports. This may help advertise their brands to more people. 

  • Band 6: Companies should sponsor popular sports as a way to advertise their brands to more people. 

  • Band 7: By sponsoring popular sports, companies can reach larger audiences, and this helps better advertise their brands.

  • Band 8: If companies choose to sponsor sports that remain the most popular, they may be able to advertise their brands to larger audiences.

Tập trung hơn vào độ chính xác 

Phân tích các tiêu chí chấm điểm ngữ pháp trong Band 7 và 8 của IELTS Writing và Speaking:

 

Writing

Speaking

Band 7

Tạo ra các câu thường xuyên không có lỗi

Thường xuyên tạo ra các câu không có lỗi, mặc dù một số lỗi ngữ pháp vẫn tồn tại

Band 8

Phần lớn các câu không có lỗi

Tạo ra phần lớn các câu không có lỗi, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện một số sự không phù hợp hoặc các lỗi cơ bản/ không theo hệ thống

Qua bảng trên, ngữ pháp của một thí sinh band 7 trong Writing hoặc Speaking đều có điểm chung là đảm bảo các câu được viết hoặc nói ra “thường xuyên không có lỗi ngữ pháp”; nhưng để đạt được band 8, thí sinh cần phải cố gắng hạn chế số lỗi ngữ pháp của bản thân đến mức tối đa, dù có lỗi ngữ pháp cũng chỉ là do bất cẩn chứ “không phải là các lỗi sai trải dài xuyên suốt mang tính hệ thống”

Thí sinh hoàn toàn có thể đạt điểm cao với việc có thể viết và nói đa phần các câu không có lỗi sai. Việc cố gắng gây ấn tượng với giám khảo bằng những cấu trúc khó nhưng lại thể hiện các câu luôn có lỗi sai về ngữ pháp sẽ không mang lại bất kỳ hiệu quả nào trong việc nâng cao điểm số. 

Do đó, điều thí sinh nên làm là giữ các câu ở mức đơn giản hết sức có thể, tập trung vào tính đúng đắn của các điểm ngữ pháp được dùng. Ưu tiên việc hạn chế lỗi sai ngữ pháp trong câu nói hoặc viết đến mức tối đa. Đây chính là nền tảng để thí sinh bắt đầu thực hành nói hoặc viết các câu phức với ít lỗi sai hơn, góp phần làm cho quá trình thành thạo cấu trúc ngữ pháp phức tạp tiết kiệm về cả thời gian lẫn công sức.

Có kế hoạch luyện tập đều các khía cạnh khác bên cạnh ngữ pháp

Grammar range and Accuracy là tiêu chí chiếm 25% tổng điểm IELTS Writing hoặc Speaking của thí sinh. Các sĩ tử nên phân bổ thời gian luyện tập và cố gắng thành thạo các khía cạnh khác của ngôn ngữ viết cũng như nói.

dinh-huong-cach-hoc-ngu-phapĐịnh hướng cách học ngữ pháp

  • Đối với Writing, thí sinh nên luyện tập tập cách phân tích đề bài một cách chính xác và đầy đủ (Task Achievement) hoặc luyện tập kỹ năng tra cứu từ vựng để mở rộng vốn từ (Lexical Resources).

  • Đối với Speaking, thí sinh nên luyện tập phát âm chuẩn (Pronunciation) hoặc luyện tập sử dụng từ nối lẫn khả năng duy trì sự mạch lạc trong khi nói (Fluency and Coherence). 

Tổng kết

Việc thành thạo ngữ pháp và có thể sử dụng các điểm ngữ pháp phức tạp thường xuyên trong phần thi IELTS Writing hoặc IELTS Speaking là một tín hiệu tốt trong khả năng sử dụng ngôn ngữ của thí sinh. Tuy vậy, việc sử dụng ngữ phức tạp đòi hỏi khả năng kiểm soát ngữ pháp ở cấp độ cao, điều khó để đạt được khi thí sinh đồng thời cần phải duy trì độ chính xác và trôi chảy của bài viết hoặc nói. Nếu không cẩn thận, việc mắc các lỗi ngữ pháp “phức tạp” có thể gây sự khó hiểu đối với giám khảo và có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến điểm số không được như kỳ vọng. 

Vì vậy, thí sinh không nên quá tập trung vào việc học và dùng các cấu trúc ngữ pháp quá phức tạp. Việc duy trì thể hiện sự đồng đều đối với tất cả các tiêu chí chấm điểm (giảm độ phức tạp của ngữ pháp hoặc chuyển qua dùng linh hoạt đa dạng cấu trúc) sẽ giúp tăng khả năng đạt được điểm số cao hơn trong phần thi IELTS Writing và IELTS Speaking.

Quang Hùng Nguyễn

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...