Banner background

Cải thiện tiêu chí Fluency and Coherence và Pronunciation trong IELTS Speaking band 4.0 - 5.0

Bài viết phân tích về những yêu cầu đặt ra và cách cải thiện tiêu chí Fluency and Coherence và Pronunciation ở hai band điểm là 4.0 và 5.0, từ đó đưa ra những gợi ý thiết thực
cai thien tieu chi fluency and coherence va pronunciation trong ielts speaking band 40 50

Trong bài thi IELTS speaking, có tổng cộng 04 tiêu chí chấm điểm: Fluency and Coherence (Độ trôi chảy và mạch lạc), Grammar Range and Accuracy (Ngữ pháp), Lexical Resources (Từ vựng), và Pronunciation (Phát âm). Bốn tiêu chí này đều có những yêu cầu cụ thể và rõ ràng, quy định những mức độ thông thạo trong việc sử dụng tiếng Anh khác nhau. Bài viết này sẽ phân tích tập trung vào hai tiêu chí Fluency and Coherence và Pronunciation trong IELTS Speaking, hướng đến thí sinh cải thiện IELTS Speaking band 4.0 – 5.0, và sẽ đưa ra cho người đọc một số hướng dẫn giúp cải thiện band điểm.

Keytakeaway

  • Khái quát kỹ năng nói band 4 - 5 ở tiêu chí Fluency and Coherence (Độ trôi chảy và mạch lạc)

  • Khát quát kỹ năng nói band 4 - 5 ở tiêu chí Pronunciation (Phát âm)

  • Hướng cải thiện hai tiêu chí về độ trôi chảy và mạch lạc, và phát âm

Phân tích yêu cầu hai tiêu chí Fluency and Coherence và Pronunciation ở band điểm 4.0

Trước khi vào bài phân tích, người đọc phải nhớ lại khái niệm về band descriptor. Khái niệm này sẽ xuất hiện xuyên suốt bài viết này và cả series phân tích về sau. Đối với những thí sinh lần đầu tiên đọc bài viết này, band descriptor được hiểu một cách khái quát là những yêu cầu mà bài thi IELTS đặt ra cho thí sinh nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của họ. Bảng này xuất hiện ở hai kỹ năng là Speaking (Nói) và Writing (Viết). Mỗi bảng đều có bốn tiêu chí được phân chia rõ ràng, phù hợp với từng kỹ năng.

Tiêu chí Fluency and Coherence ở band 4.0

Band descriptor đưa ra hai yêu cầu về mức độ trôi chảy và mạch lạc trong bài nói của một thí sinh thi IELTS band 4.0 như sau:

  • Cannot respond without noticeable pauses and may speak slowly, with frequent repetition and self-correction (không thể trả lời mà không bị vấp hoặc dừng lại lâu, có thể trả lời với tốc độ chậm, thường xuyên bị lặp từ và tự sửa lỗi bản thân)

  • Links basic sentences but with repetitious use of simple connectives and some breakdowns in coherence (biết cách nối câu đơn nhưng sử dụng những từ nối bị lặp nhiều lần, và có sự lủng củng, thiếu mạch lạc).

Những thí sinh band 4.0 thường trả lời những câu hỏi trong bài thi nói có một cách thiếu tự nhiên và hay bị hiện tương vấp, dừng lâu do nhiều lý do khác nhau (thiếu từ vựng, hoặc suy nghĩ ý để trình bày). Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sự mạch lạc của bài nói, khi mà bài nói thường xuyên bị ngắt quãng. Hơn nữa, tốc độ nói của thí sinh còn khá chậm, chưa thật sự tự nhiên, và hay bị lặp từ do sự hạn chế về mặt từ vựng (như đã phân tích ở bài trước). Ngoài ra, thí sinh cũng thường xuyên tự sửa lỗi. Điều này có nghĩa là trong lúc nói, thí sinh phát hiện ra mình mắc một lỗi nào đó về ngữ pháp, phát âm, hay từ vựng và có gắng sửa lại cho đúng bằng cách nói lại một câu, hoặc lặp lại một cụm từ nào đó. Tuy nhiên, điều này sẽ làm bài nói của thí sinh trở nên rời rạc, thiếu độ mạch lạc, trôi chảy tự nhiên.

Minh họa

Examiner: Why did you choose English as your major? (Dịch: Vì sao bạn chọn Ngôn ngữ Anh là chuyên ngành của bạn?)

Candidate: Well,…….I choose……I chose English because I……I….like it and…hmmmmmm……I want to become a English teacher….oh sorry….an English teacher in the future. (Dịch: À…. Tôi chọn Ngôn ngữ Anh vì tôi thích tiếng Anh và vì tôi muốn trở thành một giáo viên tiếng Anh trong tương lai.)

Trong phần trả lời của mình, thí sinh đã trả lời đúng được vấn đề của câu hỏi và có giải thích được lý do (mở rộng câu trả lời). Tuy nhiên, thí sinh đã thể hiện một cách ngắt quãng (những chỗ có dấu ….) và có những chỗ tự sửa sai. Điều này khiến cho phần trả lời của thí sinh bị lủng củng và bị rời rạc, thiếu đi tính tự nhiên và trôi chảy trong khi nói tiếng Anh. Nhìn chung, những lỗi thí sinh này mắc phải trong phần trả lời của mình như sau:

  • Ngắt quãng trong câu trả lời

  • Tự sửa sai trong khi trả lời

Ngoài ra, tần suất mắc hai lỗi này của thí sinh cũng khá cao, có thể thấy được lặp đi lặp lại xuyên suốt câu trả lời của thí sinh. Những lỗi này tuy không ảnh hưởng đến ý nghĩa của cả câu nhưng lại ảnh hưởng đến mạch trôi chảy của toàn bộ câu trả lời. Điều này làm cho bài nói của thí sinh không thể đạt được band điểm cao hơn.

Tiêu chí Pronunciation ở band 4.0

Ba tiêu chí được đưa ra cho tiêu chí phát âm được ghi rõ trong band descriptor dành cho thí sinh thi nói ở band 4.0 như sau:

  • Uses a limited range of pronunciation features (Sử dụng một cách hạn chế những đặc điểm âm)

  • Attemps to control features but lapses are frequent (Có cố gắng kiểm soát phát âm nhưng bị ngắt quãng, không liên tục)

  • Mispronunciations are frequent and cause some difficulty for the listeners (Thường xuyên mắc lỗi phát âm, và điều này gây khó hiểu cho người nghe).

Ở đây, có một khái niệm mà chúng ta cần phải làm quen, đó chính là pronunciation features (đặc điểm âm). Hiểu một cách khái quát, đặc điểm âm trong tiếng Anh chính là những âm gió, âm đuôi, ngữ điệu, cách phát một âm,…Những điều này cùng nhau tạo nên phần phát âm trong tiếng Anh. Ở band 4, người thi thường bị giới hạn về mức độ hiểu biết về những giới hạn âm, nên họ thường không quan tâm đến điều nay và bỏ qua trong bài thi nói. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp thí sinh có hiểu biết về đặc điểm âm, và họ có cố gắng kiểm soát trong khi nói nhưng sự kiểm soát của họ xuất hiện không đều, và thường xuyên mất kiểm soát ở những câu hỏi đòi hỏi sự tập trung cao độ vào những khía cạnh khác. Thêm vào đó, những thí sinh đạt band 4.0 ở phần thi nói thường xuyên mắc những lỗi phát âm từ cơ bản đến nâng cao. Những lỗi phát âm này có thể gây hiểu lầm cho người nghe về thông điệp của người nói.

Một số lỗi phát âm mà thí sinh band 4.0 hay mắc phải trong phần thi nói của mình:

  • Lỗi phát âm dư hoặc thiếu âm tiết

Ví dụ: Từ restaurant /ˈres.trɒnt/ là một từ hai âm tiết. Tuy nhiên, thí sinh ở band 4.0 thường sẽ phát âm từ này thành ba âm tiết.

Ví dụ: Từ province /ˈprɒv.ɪnts/ là một từ đặt trọng âm ở âm thứ nhất. Tuy nhiên, thí sinh band 4.0 thường sẽ phát âm từ này với âm tiết được đặt ở âm thứ hai.

  • Lỗi phát sai âm

Ví dụ: Từ machine có phiên âm trong tiếng Anh là /məˈʃiːn/. Tuy nhiên, thí sinh band 4.0 thường sẽ phát âm sai âm / ʃ / thành âm / tʃ /.

Phân tích yêu cầu hai tiêu chí Fluency and Coherence và Pronunciation ở band 5.0

Tiêu chí Fluency and Coherence ở bài thi nói band 5.0

Band descriptor đưa ra ba yêu cầu cho tính trôi chảy và mạch lạc của thí sinh ở band 5.0 như sau:

  • Usually maintains flow of speech but uses repetition, self correction and/or slow speech to keep going (giữ được mạch liền lạc của bài nói, tuy nhiên còn bị lặp, có tự sửa lỗi và/hoặc tốc độ nói còn khá chậm)

  • May over-use certain connectives and discourse markers (có thể sử dụng quá nhiều những từ nối hoặc từ dẫn)

  • Produces simple speech fluently, but more complex communication causes fluency problems (Sử dụng câu đơn một cách trôi chảy, tuy nhiên, với những câu phức tạp hơn, thí sinh có thể gặp phải những vấn đề về trôi chảy)

Những phần thi speaking band 5.0 nhìn chung có độ trôi chảy và tính mạch lạc cao hơn những phần thi ở band 4.0 do những thí sinh ở band 5.0 đã biết cách kiểm soát được mạch nói và biết cách duy trì được một mạch nói ổn định hơn so với những thí sinh band 4.0. Hơn thế nữa, những bài nói của thí sinh band 5.0 thường sử dụng những từ nối và từ dẫn nhiều hơn. Điều này giúp cho bài nói trở nên mượt hơn, dễ nắm bắt hơn cho người nghe do người nghe có thể nắm được đâu là ý chính, ý phụ, đâu là chuyển ý. Tuy nhiên, thí sinh band 5.0 thường có xu hướng lạm dụng (over-use) những cụm từ này. Ngoài ra, bài nói của thí sinh band 5.0 vẫn có sự lặp từ, lặp cấu trúc nhất, hoặc lặp ý tưởng nhất định, vẫn có sự sửa lỗi và tốc độ nói chưa thật sự tự nhiên.

Nhìn chung, ở một bài nói của band 5.0, luôn có một sự trôi chảy nhất định với những lỗi lặp từ hoặc lạm dụng từ vựng. Tuy vậy, những lỗi này ở bài nói của band 5.0 không làm cho người nghe hiểu sai ý của người nói (cause misunderstanding) như bài nói của band 4.0. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa hai band điểm ở tiêu chí Fluency and Coherence.

Minh họa

Examiner: What do you do to keep yourself healthy? (Dịch: Bạn thường làm gì để giúp bản thân mình khỏe mạnh?)

Candidate: Well, there are many things that I do to keep myself healthy. I eat healthy food, I exercise everyday, I try to go to bed early and many things else. I mean, there are many more ways, too. For example, drink enough water or giving up smoking, …etc…Yeah, that’s many things that I usually do to keep myself healthy. (Dịch: À, có rất nhiều điều tôi làm để giữ bản thân khỏe mạnh. Tôi ăn đồ ăn lành mạnh, tôi tập thể dục mỗi này, tôi đi ngủ sớm và nhiều điều nữa. Ý tôi là, còn nhiều cách nữa. Ví dụ, uống đủ nước hoặc bỏ hút thuốc. Vậy đó, đó là nhiều thứ mà tôi làm để giữ bản thân khỏe mạnh).

Ở câu trả lời của mình, thí sinh band 5.0 này đã đáp ứng đủ những yêu cầu mà câu hỏi đưa ra, đó là thí sinh đã trả lời được những điều mà mình phải làm để giữ bản thân khỏe mạnh. Tuy nhiên, có nhiều điểm cần phải nhìn kỹ ở đây khi xét về tiêu chí Fluency and Coherence. Đầu tiên đó chính là sự lặp mà thí sinh đưa ra. Ở đây, bài viết không xét về lặp từ hay lặp cấu trúc, mà chính là sự lặp ý tưởng trong phần trả lời của thí sinh. Ở hai câu đầu, thí sinh đã đưa ra được những hành động mà bản thân thường làm để giữ sức khỏe, tuy nhiên, đến câu thứ ba, thí sinh lại một lần nữa lặp lại ý của câu trên là liệt kê thêm một loạt những hành động khác để giữ sức khỏe cho bản thân. Điều này làm cho bố cục của câu trả lời trở nên lủng củng, rời rạc, không thật sự mở rộng được thêm ý cho câu trả lời. Tuy nhiên, một điểm tốt ở đây là tuy bị lủng củng về mặt logic, bài nói lại không gây khó hiểu cho người nghe, vẫn thể hiện được thông điệp mà người nói muốn trình bày. Tóm tắt lại, lỗi sai của thí sinh ở phần trình bày này như sau:

  • Bị lặp ý trong bố cục bài nói, làm cho bài nói trở nên lủng củng, mất tính logic.

Gợi ý cải thiện IELTS Speaking band 4.0 – 5.0 ở tiêu chí Fluency and Coherence

Để cải thiện được tính mạch lạc và độ trôi chảy của bài nói, thí sinh có thể:

  • Hệ thống bài nói rõ ràng trước khi nói trong quá trình luyện tập. Trong quá trình luyện tập, thí sinh có thể sử dụng giấy note hoặc bút nhiều màu để note ra những ý mà mình muốn nói, sắp xếp theo ý chính, ý phụ, ví dụ một cách rõ ràng. Từ đó, thí sinh có thể hình thành lên được một thói quen suy nghĩ logic hơn, hình thành một phản xạ để có thể đưa ra ý tưởng cho bài nói một cách mượt mà hơn.

  • Tìm hiểu về từ nối và từ dẫn cơ bản và học nắm chắc cách sử dụng những từ nối, từ dẫn đó. Những loại từ nối thí sinh có thể hướng đến: liên từ phụ thuộc, liên từ kết hợp, liên từ tương quan.

  • Cố gắng tập sử dụng đúng những cấu trúc cơ bản bao gồm: 06 thì cơ bản (hiện tại đơn, hiện tại tiếp diễn, tương lai đơn, tương lai gần, quá khứ đơn, hiện tại hoàn thành), và một số điểm ngữ pháp như so sánh (comparatives), câu điều kiện (conditional sentences), động từ khiếm khuyết (modal verbs),…

  • Ghi âm bài nói trong quá trình luyện tập và nhờ bạn bè, thầy cô nghe lại và nhận xét về tính trôi chảy, mạch lạc cũng như là độ nắm bắt thông tin của người nghe sau khi hoàn thành luyện tập.

Tiêu chí Pronunciation ở bài thi nói band 5.0

Một yêu cầu được đặt ra cho tiêu chí Pronunciation ở bài thi nói của band 5.0 được mô tả trong band descriptor cụ thể như sau:

  • Shows all the positive features of Band 4 and some, but not all, of the positive features of Band 6 (Thể hiện được hết điểm tốt ở band 4 và một vài điểm tốt ở band 6)

Yêu cầu được đặt ra trong tiêu chí phát âm ở band 5 khá là chung chung khi chỉ được ghi rõ là thể hiện được hết những điểm tốt (positive features) của band 4.0 và một vài tiêu chí tốt của band 6.0. Vì vậy, phần này sẽ tập trung vào phân tích những điểm tốt của band 4.0 và band 6.0.

Những điểm tốt ở band 4.0

Thí sinh ở band 4.0 thường sử dụng được một số những đặc điểm âm một cách tương đối chính xác. Thêm vào đó, thí sinh band 4.0 cũng có thể kiểm soát tương đối về những đặc điểm âm. Hai điều này chính là những điểm tốt (positive features) của một thí sinh band 4.0 có thể đạt được trong bài thi nói của mình ở kỳ thi IELTS.

Những điểm tốt ở band 6.0

Thí sinh ở band 6.0 thường sử dụng được những đặc điểm âm đa dạng hơn và có độ chính xác cao hơn so với những thí sinh ở band 4.0. Thêm vào đó, việc sử dụng những đặc điểm âm của thí sinh ở band 6.0 tỏ ra hiệu quả hơn trong việc truyền tải ý nghĩ của người nói. Ngoài ra, những thí sinh ở band 6.0, phát âm của thí sinh band 6.0 có độ chính xác cao hơn, làm cho người nói dễ hiểu hơn và hạn chế được những sự hiểu lầm nhiều hơn.

Gợi ý cải thiện IELTS Speaking band 4.0 – 5.0 ở tiêu chí Pronunciation

Để cải thiện được phát âm của mình từ 4.0 – 5.0, thí sinh có thể:

  • Để cải thiện được phát âm từ band 4.0 - 5.0, thí sinh chỉ cần tập trung vào cải thiện những điểm cơ bản trong phát âm như: tập trung vào các nguyên âm (vowels), phụ âm chính của các từ (consonants). Đối với những đặc điểm âm khó như ending sounds (âm đuôi/gió), nhấn âm (stresses), và intonation (ngữ điệu), thí sinh có thể tạm thời để sau, để tránh phải tập trung vào quá nhiều thứ khi ôn luyện.

  • Nghe và lặp lại những gì bạn nghe được từ video, hoặc audio nói tiếng Anh của người bản xứ, hoặc người có phát âm tiếng Anh chuẩn. Phương pháp này được gọi là shadowing (nhại lại).

  • Ghi âm lại trong quá trình luyện tập và nhờ thầy cô, hoặc bạn bè chỉnh sửa lỗi phát âm gặp phải.

Thí sinh cần phải lưu ý là quá trình luyện phát âm là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về mặt thời gian và kiên trì. Vì thế, thí sinh nên sắp xếp ưu tiên thứ tự những điểm cần luyện để tận dụng tối đa thời gian chuẩn bị cho kì thi IELTS.

Tổng kết

Ngoài ngữ pháp và từ vựng thì phát âm và sự trôi chảy, mạch lạc cũng là hai nhân tố quyết định cho khả năng sử dụng tiếng Anh của một người. Điều này không chỉ đúng trong bài thi IELTS mà còn đúng ngoài thực tế, khi những người nói tiếng Anh hay thường là được người ta đánh giá qua phát âm và sự trôi chảy, mạch lạc trong khi nói.

Trong tâm của việc cải thiện IELTS Speaking band 4.0 đến 5.0 ở hai tiêu chí Fluency and Coherence và Pronunciation là để giảm thiểu sự hiểu nhầm, hiểu sai ý người nói của giám khảo chấm thi. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh cần phải nắm rõ những yêu cầu ở cả hai band điểm: band điểm hiện tại và band điểm mục tiêu, và ở hai tiêu chí    để có thể tập trung ôn luyện. Ngoài ra, thí sinh cần phải dành nhiều thời gian và công sức vào luyện tập để nâng cao phản xạ cũng như là kỹ năng của mình.

Lê Quốc Tuấn

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...