Banner background

Hesitation là gì? Phân biệt Language-related hesitation & Content-related hesitation

Bài viết này sẽ tóm tắt sơ lược thế nào là ngập ngừng (hesitation) khi giao tiếp tiếng Anh, định nghĩa hai loại hesitation và so sánh sự khác biệt về nguyên nhân và ảnh hưởng của hai loại ngập ngừng trên. Học viên sẽ tìm hiểu năm phương pháp điển hình giúp cải thiện khả năng nói tiếng Anh lưu loát và mạch lạc hơn.
hesitation la gi phan biet language related hesitation content related hesitation

Một trong những vấn đề phổ biến mà học viên hay gặp phải khi thi nói IELTS là vấn đề ngập ngừng và ấp úp khi trả lời câu hỏi. Ấp úng ngập ngừng khi nói là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp cũng như điểm số của học viên. Có hai loại chính, đó là “language-related hesitation” và “content-related hesitation” và trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu thế nào là hesitation, và sự khác nhau về nguyên nhân, dấu hiệu cũng như ảnh hưởng của hai loại hesitation. Qua đó, học viên có thể áp dụng một số phương pháp điển hình để có thể giao tiếp hiệu quả và lưu loát hơn.

Key takeaways

Hesitation là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến khả năng nói trôi chảy và mạch lạc của học viên, bao gồm 2 loại: language-related hesitation và content-related hesitation 

Language-related hesitation xảy ra khi học viên ngập ngừng vì từ vựng, phát âm và ngữ pháp trong khi content-related hesitation xảy ra khi bị ảnh hưởng bởi nội dung câu nói. Phần lớn language-related hesitation ảnh hưởng xấu đến điểm của học viên nhiều hơn so với content-related.

Một số phương pháp điển hình giúp cải thiện:

  • Sử dụng từ nối (linking words)

  • Chuẩn bị ý tưởng và ngôn ngữ cần thiết trước khi nói

  • Chiến lược giao tiếp (strategic competence)

  • Tập trung cải thiện khả năng nói lưu loát trước khi cải thiện việc sử dụng ngôn ngữ

  • Luyện tập nói IELTS theo công thức 4/3/2

Hesitation là gì?

Theo bảng mô tả tiêu chí chấm điểm của kĩ năng nói bài thi IELTS, Fluency (độ lưu loát) là một trong những TIÊU CHÍ quan trọng giúp đánh giá khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của học viên. Giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh là khả năng nói trôi chảy và linh hoạt mà học viên không cần cố gắng quá sức để truyền đạt ý tưởng một cách liền mạch với tốc độ nói vừa phải. Tuy nhiên, “hesitation” (sự ngập ngừng) lại hoàn toàn đối lập với “fluency” khi học viên do dự, nói chậm, hoặc ấp úng khi trả lời câu hỏi. Vì vậy, “hesitation” là một trong những vấn đề nan giải mà học viên hay gặp phải khi luyện tập và thi nói tiếng Anh.

Có hai loại ngập ngừng thường gặp, “language-related hesitation” và “content-related hesitation”.

image-altHình 1

Language-related hesitation

Language-related hesitation (ngập ngừng vì ngôn ngữ) xảy ra khi học viên nói tiếng Anh một cách do dự và ấp úng vì từ vựng, phát âm, và ngữ pháp. Học viên thường thiếu, quên, hoặc sử dụng chưa thành thạo từ vựng, ngữ pháp, và phát âm tiếng Anh. Học viên sẽ thường ậm ờ khi đang nói dang dở, nói chậm hơn so với bình thường, thay đổi từ vựng và ngữ pháp, nói lắp bắp, lặp đi lặp lại cùng một từ vựng hoặc một âm tiết nhiều lần liên tiếp. Học viên cũng thường bỏ ngang từ vựng hoặc thành phần ngữ pháp khiến câu nói chưa hoàn chỉnh.

Ví dụ:

Teacher: Do you love travelling?

Learner: oh yeah, I really ….uhm…oh …(1) keen on travelling because … because … cause… (2) going on a trip … uhm… uh…  are …. is (3) very exciting and relaxing to me.

Trong ví dụ trên, học viên không thể giao tiếp lưu loát vì gặp nhiều khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ. Cụ thể trong trường hợp (1), người học muốn sử dụng cụm từ đồng nghĩa “be keen on” thay cho từ “love” nhưng lại ngập ngừng và “uhm, oh” nhiều trước khi sử dụng. Đây là trường hợp điển hình của language-related hesitation khi học viên có từ vựng nhưng chưa thể sử dụng thành thạo và hiệu quả.

Tương tự, trường hợp (2) xảy ra khi học viên tìm và sử dụng chưa tốt cụm từ đồng nghĩa của “travelling” là “going on a trip”. Tuy nhiên, học viên không ngập ngừng và “uhm, oh” như trước nhưng lại nói chậm, ngắt quãng và lập lại nhiều từ trước đó “because”.

Trong trường hợp (3), học viên ấp úng vì ngữ pháp. Học viên vẫn ngập ngừng ngắt quãng nhưng lại gặp khó khăn khi chọn và chia động từ sao cho phù hợp với chủ từ của mệnh đề “because”. Lí do điển hình là vì học viên chưa thể sử dụng quen cụm từ “going on a trip” cũng như chưa chia động từ một cách thành thạo và tự nhiên nên người học sẽ ngập ngừng khi chia động từ. Vì thế, trong trường hợp này, người học chia sai động từ, nhận biết lỗi sai và sửa từ “are” thành “is”.

Content-related hesitation

Content-related hesitation (ngập ngừng vì ý tưởng nội dung) xảy ra khi học viên ngập ngừng vì nội dung của câu trả lời. Khác với dạng trên, học viên sẽ thường ậm ờ một chút trước khi bắt đầu trả lời câu hỏi chứ không gặp nhiều khó khăn về từ vựng và ngữ pháp khi trả lời dang dở.

Ví dụ:

Teacher: Do you love travelling?

Learner: uhm….(1) How shall I put it clearly… uh …(2) to be honest, I like going on a trip but I’m not really an avid traveler since, uhm… (3), I’m very busy and usually snowed under with my work and study and I’m also somewhat introvert, so yeah, I’m not really keen on travelling but still, I’m fond of exploring and getting to know new places and people.

Trong các trường hợp (1), (2), và (3) trên, học viên thường “uhm, uh” trước khi trả lời. Sự khác biệt giữa content-related và language-related hesitation là người học sẽ ngập ngừng vì ý tưởng chứ không vì từ vựng hay ngữ pháp. Trong trường hợp trên, người trả lời ngập ngừng trước mỗi lần phát triển ý tưởng dài bởi vì người học cần tìm ý tưởng và cách phát triển ý tưởng sao cho phù hợp. Và vì thế, người học thường có thể sử dụng ngôn ngữ thành thạo và linh hoạt như trong ví dụ trên.

Tuy nhiên, học viên cũng có thể bí ý, ngập ngừng lâu hơn, nói chậm, lang mang hoặc thậm chí phát triển ý tưởng quá phức tạp hoặc nội dung không đúng trọng tâm của câu hỏi.

Ví dụ:

Câu hỏi part 2: Describe a story or novel you have read that you found interesting.

You should say:

  • When you read it

  • What the story or novel was about

  • Who wrote it

And explain why you read it

Với dạng câu hỏi trên, nếu người học không có sở thích đọc sách cũng như chưa chuẩn bị ý tưởng trước và không hề có kiến thức nào về sách truyện, học viên sẽ gặp nhiều khó khăn khi trả lời và phát triển ý tưởng cho câu hỏi trên trong hai phút. Từ đó, người học có thể bí ý, nói chậm, ngập ngừng, phát triển ý lang mang, hoặc thậm chính không thể trả lời câu hỏi.

image-alt

So sánh nguyên nhân và ảnh hưởng của hai dạng Hesitation

Language-related hesitation

Content-related hesitation

A. Nguyên nhân phổ biến:

- Thiếu hoặc sử dụng chưa thạo từ vựng, ngữ pháp, và cách phát âm.

- Suy nghĩ, dịch nghĩa từ Việt sang Anh hoặc ngược lại.

- Quá tập trung vào độ chính xác và cách sử dụng ngôn từ mà bỏ qua sự lưu loát và truyền đạt ý tưởng mạch lạc.

- Thiếu hoặc suy nghĩ để tìm ý tưởng để trả lời câu hỏi. 


- Chưa có nhiều kiến thức, thông tin và kinh nghiệm để phát triển ý tưởng cho câu hỏi và chủ đề.

B. Ảnh hưởng:

- Không thể diễn đạt ý tưởng trọn vẹn, rõ ràng, gây khó hiểu.

- Ảnh hưởng xấu đến tâm lý thi của học viên.

- Ảnh hưởng các điểm thành phần như từ vựng, ngữ pháp, phát âm, đặc biệt là độ lưu loát và mạch lạc (hình 2).

- Không ảnh hưởng nhiều đến các thành phần nếu chỉ ngập ngừng ít và vẫn trả lời tốt các câu hỏi (hình 3).

- Có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý và điểm nếu học viên bí ý và không thể phát triển ý tưởng cho câu trả lời.

image-altHình 2: học viên chỉ đạt khoảng từ 3 đến 5 điểm cho fluency vì language-related hesitation

image-altHình 3: học viên vẫn có thể đạt được 9 điểm dù vẫn ngập ngừng vì nội dung và ý tưởng

Một số giải pháp điển hình

Có rất nhiều giải pháp khác nhau có thể hỗ trợ học viên cải thiện vấn đề ấp úng vì ngôn ngữ và vì ý tưởng. Mỗi giải pháp sẽ có ưu và nhược điểm cũng như độ hiệu quả cũng không giống nhau, vì thế học viên có thể tham khảo và áp dụng nhiều giải pháp cùng lúc hoặc thay đổi phương pháp để phù hợp với trường hợp cụ thể của bản thân. Sau đây là một số phương pháp điển hình và hiệu quả mà học viên có thể tham khảo.

Giải pháp cải thiện vấn đề ngập ngừng vì ngôn ngữ

Chiến lược giao tiếp (strategic competence)

Một trong những phương pháp hiệu quả giúp cải thiện khả năng giao tiếp linh hoạt và hạn chế ngập ngừng vì ngôn ngữ là giao tiếp có chiến lược. Khi còn ấp úng vì từ vựng và ngữ pháp, học viên nên phát triển ý tưởng ngắn gọn và xúc tích, đơn giản và dễ hiểu hơn, cũng như dễ dàng phát triển nội dung hơn với vốn từ vựng có sẵn của bản thân. Từ đó học viên sẽ ít ngập ngừng hơn và tập trung cải thiện tốc độ nói và giao tiếp mượt mà hơn thay vì tập trung quá nhiều để xây dựng ý tưởng phức tạp. Ngoài ra, học viên còn có thể sử dụng từ vựng và ngữ pháp đơn giản và dễ áp dụng hơn thay vì sử dụng ngôn ngữ phức tạp. Ví dụ:

  • Ngôn ngữ pháp tạp: though it was pouring down really hard, I still tried to go to class.

  • Ngôn từ đơn giản: It was raining hard but I still tried to go to class.

Trong ví dụ trên, cùng thể hiện một ý tưởng, học viên sẽ ít ngập ngừng hơn khi áp dụng ngôn ngữ đơn giản để giao tiếp.

Tập trung cải thiện khả năng nói lưu loát trước khi cải thiện việc sử dụng ngôn ngữ

Người học thường gặp nhiều khó khăn khi cải thiện khả năng nói lưu loát vì họ thường ôm đồm và giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc. Người học cần tập trung giao tiếp lưu loát những ý tưởng cơ bản với ngôn từ dễ hiểu trước (fluency) rồi mới cải thiện khả năng sử dụng từ vựng và ngữ pháp một cách chính xác sau (accuracy). Khi cải thiện fluency, học viên chỉ cần tập trung phát triển và truyền đạt ý tưởng cơ bản một cách mạch lạc và dễ hiểu thay vì quá lo lắng về lỗi sai khi sử dụng ngôn từ, từ đó tốc độ nói và độ linh hoạt của học viên sẽ được cải thiện rõ rệt.

Giải pháp chung giúp cải thiện vấn đề ngập ngừng

Sử dụng từ nối (linking words) 

Linking words là những từ vựng, cụm từ, hoặc mệnh đề có sẵn được sử dụng để liên kết ý tưởng giữa các câu. Hơn nữa, linking words là một trong những giải pháp hiệu quả giúp học viên nói tiếng Anh nhanh, mượt, linh hoạt và ít ngập ngừng hơn vì những cụm từ nối này là những cụm có sẵn (prefabricated chunk) dùng để thể hiện một số ý tưởng nhất định. Từ đó, học viên có thể dễ dàng nhớ và sử dụng cụm từ thành thạo hơn thay vì phải ghép từng từ vựng và cấu trúc ngữ pháp, đồng thời giúp người học ít ngập ngừng vì từ vựng hơn cũng như có nhiều thời gian hơn khi tìm ý tưởng để trả lời câu hỏi.

Chuẩn bị ý tưởng và ngôn ngữ cần thiết trước khi nói

Một trong những giải pháp cơ bản và hiệu quả nhất là chuẩn bị ý tưởng, từ vựng và ngữ pháp. Vì phần lớn học viên ngập ngừng vì bí ý tưởng, không biết phát triển nội dung cũng như thiếu từ vựng và ngữ pháp phù hợp để triển khai ý, việc chuẩn bị từ vựng và ngữ pháp cũng như xây dựng ý tưởng giúp học viên tập trung và cải thiện khả năng nói lưu loát một cách hiệu quả. Ngoài ra, học viên nên tham khảo ý tưởng và tiếp thu từ vựng/ngữ pháp từ nhiều nguồn tài liệu tiếng Anh của người bản địa. Học viên có thể tham khảo nhiều nguồn tiếng Anh về những chủ đề quen thuộc trong đời sống hằng ngày có trong video, blog, báo chính thống nước ngoài,... thay vì quá tập trung vào sách hoặc những từ vựng khô khan. Người học sẽ dễ dàng tiếp thu, gợi nhớ và áp dụng ngôn ngữ hơn khi học cách sử dụng tiếng Anh trong tình huống thực tế hằng ngày của người bản địa cũng như tiếp thu những thông tin bổ ích để xây dựng ý tưởng cho phần trả lời của mình sau này.

Xem thêm: Xây dựng ý tưởng và chuẩn bị từ vựng, ngữ pháp:

Luyện tập nói IELTS theo công thức 4/3/2 

Công thức 4/3/2 yêu cầu người học luyện tập giao tiếp với nhiều người khác, tuy nhiên bài viết này chỉ tập trung cách áp dụng cơ bản phương pháp 4/3/2 để luyện tập với ít người hoặc một mình tại nhà.

  • Bước 1: chuẩn bị ý tưởng và ngôn ngữ cơ bản trong thời gian ngắn (khoảng 5 phút). Học viên có thể viết xuống giấy nội dung cốt lõi và từ vựng quan trọng.

  • Bước 2:  Học viên trả lời câu hỏi và truyền đạt ý tưởng một cách tự nhiên trong vòng 4 phút. 

  • Bước 3: Học viên tiếp tục trả lời và truyền đạt lại một lần nữa trong vòng 3 phút sao cho ý tưởng cốt lõi vẫn không thay đổi. Có thể có khoảng nghỉ giữa các lần nói.

  • Bước 4: Học viên lặp lại bước 3 nhưng chỉ trong vòng 2 phút.

Học viên sẽ cảm thấy ít căng thẳng hơn khi được chuẩn bị trước cũng như chỉ cần giao tiếp lặp đi lặp lại các ý tưởng nhiều lần, từ đó giúp hạn chế ngập ngừng. Ngoài ra, việc giảm thời gian sau mỗi lần sẽ giúp học viên tăng tốc độ nói và kiểm soát mạch ý tưởng hiệu quả hơn khi phải truyền đạt lại những ý tưởng quen thuộc trong thời gian ngắn hơn.

Tất cả những giải pháp được nêu bên trên đã được phân loại và sắp xếp theo thứ tự cơ bản. Tuy nhiên, các giải pháp ít nhiều đều cải thiện vấn đề ấp úng ngập ngừng của học viên cũng như có thể bổ trợ lẫn nhau. Vì vậy, học viên có thể áp dụng bất kì giải pháp nào được nêu bên trên hoặc có thể kết hợp nhiều cách khác nhau để cải thiện khả năng nói mạch lạc và linh hoạt một cách phù hợp và hiệu quả nhất.

Ôn tập

Hoàn thành bảng với những từ vựng sau đây

image-altTừ vựng phần A:

  • từ vựng, phát âm và ngữ pháp

  • ý tưởng và nội dung câu nói

  • nhiều

  • trước khi

  • trong khi 

  • ít

Từ vựng phần B:

  • theo cụm

  • chuẩn bị trước

  • liên kết

  • dễ dàng và lưu loát

  • đơn giản và dễ hiểu

  • đơn giản

  • phức tạp

  • thêm thời gian

Từ vựng phần C:

  • ngôn ngữ

  • ý tưởng cốt lõi x2

  • 4 phút

  • phát triển và truyền đạt ý tưởng cơ bản

  • ngôn từ cần thiết

Đáp án:

Phần A: 

  1. từ vựng, phát âm và ngữ pháp

  2. trong khi 

  3. nhiều

  4. ý tưởng và nội dung câu nói

  5. trước khi

  6. ít

Phần B: 

  1. liên kết

  2. theo cụm

  3. dễ dàng và lưu loát

  4. thêm thời gian

  5. chuẩn bị trước

  6. đơn giản và dễ hiểu

  7. đơn giản

  8. phức tạp

Phần C: 

  1. phát triển và truyền đạt ý tưởng cơ bản

  2. ngôn ngữ

  3. ý tưởng cốt lõi

  4. ngôn từ cần thiết

  5. 4 phút

  6. ý tưởng cốt lõi

Tổng kết

Trong bài viết trên, học viên đã tìm hiểu thế nào là language-related hesitation và content-related hesitation khi nói tiếng Anh, biết được nguyên nhân cũng như ảnh hưởng xấu của vấn đề này. Từ đó, học viên nắm được những phương pháp cơ bản nhằm cải thiện khả năng giao tiếp linh hoạt và mạch lạc hơn, bao gồm:

  • Sử dụng từ nối (linking words)

  • Chuẩn bị ý tưởng và ngôn ngữ cần thiết trước khi nói

  • Chiến lược giao tiếp (strategic competence)

  • Tập trung cải thiện khả năng nói lưu loát trước khi cải thiện việc sử dụng ngôn ngữ

  • Luyện tập nói IELTS theo công thức 4/3/2

Bài viết này chỉ hướng dẫn cơ bản một số phương pháp điển hình mà chưa đề cập đến nhiều phương pháp khác nhau cũng như chưa hướng dẫn từng bước chi tiết để giúp học viên áp dụng hiệu quả và dễ dàng. Vì vậy, người học cần tham khảo thêm từ nhiều nguồn khác nhau và áp dụng những giải pháp trên một cách hiệu quả và linh hoạt sao cho phù hợp với bản thân để giúp người học cải thiện khả năng giao tiếp lưu loát và hiệu quả.

References

Blankenship, Jane, and Christian Kay. “Hesitation Phenomena in English Speech: A Study in Distribution.” WORD, vol. 20, no. 3, 1964, pp. 360–372., https://doi.org/10.1080/00437956.1964.11659828.

Brown, Henry Douglas, and Heekyeong Lee. Teaching by Principles: An Interactive Approach to Language Pedagogy. Pearson Education, 2020.

Harmer, Jeremy. How to Teach English. Pearson Longman, 2007.

Hedge, Tricia. Teaching and Learning in the Language Classroom. Oxford University Press, 2019.

“IELTS Speaking: Two Types of Hesitation.” IELTS Simon, https://www.ielts-simon.com/ielts-help-and-english-pr/2020/01/ielts-speaking-two-types-of-hesitation.html.

Maclay, Howard, and Charles E. Osgood. “Hesitation Phenomena in Spontaneous English Speech.” WORD, vol. 15, no. 1, 1959, pp. 19–44., https://doi.org/10.1080/00437956.1959.11659682.

Nunan, David. Teaching English to Speakers of Other Languages: An Introduction. Routledge, 2015.

Oda, Naruha. “My Hesitation to Speak English.” TESOL Journal, vol. 6, no. 4, 2015, pp. 790–791., https://doi.org/10.1002/tesj.224.

Rumlus, Grediana. “The Way to Overcome Students’ Hesitation in Speaking English at the 10 Th Grade of Senior High School in Bekasi.” Syntax Literate ; Jurnal Ilmiah Indonesia, vol. 5, no. 7, 2020, p. 283., https://doi.org/10.36418/syntax-literate.v5i7.1460.

Speaking: Band Descriptors (Public Version). https://www.ielts.org/-/media/pdfs/speaking-band-descriptors.ashx?la=en.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
GV
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...