5 phương pháp học idiom hiệu quả và ứng dụng trong IELTS Speaking

Bài viết này sẽ giới thiệu một số phương pháp học idiom hiệu quả giúp người học nhớ idiom lâu hơn và cách áp dụng idiom vào phần thi IELTS Speaking. 
author
ZIM Academy
28/12/2021
5 phuong phap hoc idiom hieu qua va ung dung trong ielts speaking

Kiến thức về idioms của người học tiếng Anh thường thấp hơn rất nhiều so với vốn từ tiếng Anh của họ. Tuy vậy, khả năng sử dụng idiom là một kỹ năng quan trọng để ghi điểm trong tiêu chí Lexical Resource cho IELTS Speaking band 7.0 trở lên. Bài viết này sẽ giới thiệu một số phương pháp học idiom hiệu quả giúp người học nhớ idiom lâu hơn và cách áp dụng idiom vào phần thi IELTS Speaking. 

Key takeaways

  • Những yếu tố giúp idiom trở nên dễ hiểu hơn là tính minh bạch, độ quen thuộc, và ngữ cảnh sử dụng của idiom.

  • Để tăng tính minh bạch của idiom, người học có thể ứng dụng hình ảnh của idiom và nguồn gốc của idiom khi học.

  • Để tăng độ quen thuộc của idiom, người học có thể dịch idiom sang thành ngữ tiếng Việt để làm quen với ý nghĩa của idiom.

  • Người học nên học idiom theo ngữ cảnh bằng cách đặt câu với idiom và xem phim tiếng Anh. 

  • Người học nên kết hợp nhiều phương pháp học và sử dụng phương pháp lặp lại ngắt quãng để học idiom hiệu quả nhất.

  • Khi chuẩn bị cho phần thi IELTS Speaking, người học nên liệt kê những idiom liên quan đến chủ đề nói, ghi chú lại một số câu mẫu và những tình huống có thể áp dụng idiom. 

Vì sao nhiều người gặp khó khăn khi học idiom?

Có hai lý do có thể khiến người học gặp khó khăn khi học idiom: 

  • Idiom có một rào cản về ngữ nghĩa, vì người học khó có thể đoán ý nghĩa của idiom chỉ dựa trên nghĩa đen của cụm từ đó. Ví dụ, nghĩa đen của “break a leg” là làm gãy chân, nhưng ý nghĩa của idiom này lại là lời chúc may mắn. Điều này có thể khiến nhiều người học sử dụng phương pháp học thuộc lòng để nhớ ý nghĩa của idiom, nhưng có thể mau chóng quên sau đó.

  • Phần lớn người học tiếp cận tiếng Anh trong môi trường có tính học thuật cao, trong khi idom thường chỉ được sử dụng trong những tình huống thường ngày, mang tính chất thân mật. Vì không thường xuyên tiếp xúc nên người học cần dành nhiều thời gian và công sức để làm quen với ý nghĩa và ngữ cảnh sử dụng idiom.


5-phap-hoc-idiom-hieu-qua-va-ung-dung-trong-ielts-speaking

Phương pháp học để tăng tính minh bạch của idiom

Hiệu quả của việc tăng tính minh bạch của idiom

Tính minh bạch (transparency) của idiom chỉ mối liên hệ giữa nghĩa đen và nghĩa bóng của idiom đó. Một idiom có tính minh bạch cao khi nghĩa đen của cụm từ đó có liên quan mật thiết với ý nghĩa của idiom. 

Ví dụ: 

  • Idiom “judge a book by its cover” có tính minh bạch cao:

    • Nghĩa đen: đánh giá một quyển sách thông qua bìa sách

    • Nghĩa bóng: đánh giá người khác thông qua vẻ bề ngoài. 

  • Ngược lại, idiom “kick the bucket” có tính minh bạch thấp:

    • Nghĩa đen: đá một cái xô

    • Nghĩa bóng: qua đời 

Những idiom có tính minh bạch cao thường sẽ dễ hiểu và dễ nhớ hơn so với những idiom với tính minh bạch thấp. 

Sử dụng hình ảnh để học idiom

Sử dụng hình ảnh để học idiom (pictorial elucidation) là phương pháp mà người học xem hình ảnh, hình dung trong đầu, hoặc vẽ ra tình huống được nói đến trong idiom và liên tưởng tình huống đó với ý nghĩa của idiom. Nghiên cứu của Nippold & Duthie (2003) đã chỉ ra rằng có một mối liên hệ giữa độ chi tiết của bức tranh trong đầu người học về idiom và mức độ hiểu nghĩa của idiom đó.

Phương pháp này phù hợp nhất cho những người thiên về phương pháp học thị giác-không gian, nhưng cũng có thể giúp ích cho người với phong cách học khác. Phương pháp này có thể được sử dụng để học những idiom có ý nghĩa liên quan đến hình ảnh ẩn dụ, ví dụ như “the grass is always greener on the other side”, “butterfly in one’s stomach”, “tip of the iceberg”, “draw the line”, v.v.

Ví dụ 1: Idiom “put your foot in your mouth” 

  • Ý nghĩa: nói một điều không nên nói 

  • Ví dụ hình dung tình huống: một người lỡ nói ra bí mật của người bạn thân cho một người khác và rất xấu hổ về điều này, đến nỗi anh ta tự bỏ chân vào miệng để ngăn cho bản thân không nói nữa.5-phap-hoc-idiom-hieu-qua-va-ung-dung-trong-ielts-speaking-vi-du

Ví dụ 2: Idiom “burn one’s bridges” 

  • Ý nghĩa: chỉ những hành động mà làm một mối quan hệ không thể quay lại lúc ban đầu

  • Ví dụ hình dung tình huống: hai người ở hai đầu cầu, bị ngăn cách bởi một con sông ở giữa, và một trong hai người vì quá giận dữ nên đã đốt cháy cây cầu và  khiến cô ấy không thể gặp người kia nữa. 


idiom-burn-my-bridges

Khi sử dụng phương pháp này, người học nên hình dung tình huống càng chi tiết và cá nhân càng tốt, vì điều này có thể giúp nhớ lâu hơn. Điều quan trọng khi sử dụng phương pháp này là người học phải làm nổi bật mối liên hệ giữa tình huống trong nghĩa đen của idiom và nghĩa bóng của idiom. 

Học về nguồn gốc của idiom

Với một số idiom, học về nguồn gốc của chúng (etymological elaboration) có thể giúp mối liên hệ giữa nghĩa đen và nghĩa bóng của idiom trở nên rõ ràng hơn, và từ đó, nâng cao tính minh bạch của chúng. Không phải idiom nào cũng có một câu chuyện nguồn gốc rõ ràng, nhưng với những idiom có nguồn gốc thú vị, người học có thể tận dụng tính chất này để làm sáng tỏ ý nghĩa của chúng và nhớ lâu hơn.

Ví dụ 1: Idiom “bite the bullet” 

  • Nguồn gốc: Trong thời thuốc gây mê chưa phổ biến, bệnh nhân thường được đưa một viên đạn để cắn trong quá trình phẫu thuật để đỡ đau vì đạn đủ cứng để không bị cắn thủng nhưng cũng đủ dẻo để không làm đau răng. 

  • Ý nghĩa: cắn răng chịu đựng. 

Ví dụ 2: Idiom “can’t hold a candle to” 

  • Nguồn gốc: Vào những năm 1600s, những người mới học việc chưa có kỹ năng thường chỉ được cầm nến để soi cho người thầy khi họ làm việc. 

  • Ý nghĩa: chỉ việc so sánh rằng một người thua xa người khác, đến mức không xứng đáng để cầm nến cho họ 

Vì ngôn ngữ phát triển theo thời gian, nên đôi khi, ngữ cảnh sử dụng gốc của idiom không còn áp dụng cho hiện tại. Vậy nên, khi sử dụng phương pháp này, người học cần nắm chắc ý nghĩa và cách sử dụng idiom, và chỉ sử dụng nguồn gốc của idiom để tham khảo. 

Phương pháp học để tăng độ quen thuộc của idiom

Hiệu quả của việc tăng độ quen thuộc của idiom

Nghiên cứu cho thấy rằng ý nghĩa của những idiom quen thuộc thường sẽ được nắm bắt nhanh hơn và chính xác hơn so với những idiom ít phổ biến hơn. 

Ví dụ: 

  • Idiom “no pain no gain” thường xuyên được sử dụng trong giao tiếp với nghĩa bóng là không có gì có thể đạt được một cách dễ dàng. Vì vậy, khi gặp cụm từ này, ý nghĩa của idiom có thể được tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn so với nghĩa đen của nó.

  • Ngược lại, idiom “when pigs fly” ít được sử dụng trong giao tiếp thường ngày hơn. Vậy nên, khi gặp cụm từ này, người nghe thường sẽ phân tích nghĩa đen (“khi heo cũng bay”) trước khi hiểu được ý nghĩa của idiom là để chỉ một việc không bao giờ xảy ra. 

Như vậy, khi người học quen với ý nghĩa của idiom, người học có thể nhớ idiom đó một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

Dịch idiom sang thành ngữ tiếng Việt 

Với những idiom có ý nghĩa tương đồng với những thành ngữ tiếng Việt, người học có thể dịch những idiom này sang tiếng Việt để tạo cảm giác quen thuộc hơn với một idiom mới. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những idiom có thể dịch sang những thành ngữ tương tự trong ngôn ngữ mẹ đẻ của người học có thể được hiểu dễ dàng và nhanh chóng hơn (Irujo 1986a; Deignan và cộng sự, 1997). Vì vậy, đối với một số idiom, dịch idiom sang tiếng Việt là phương pháp học hiệu quả nhất. 

Ví dụ một số idiom có thể áp dụng phương pháp này là: 

  • Like father like son: Hổ phụ sinh hổ tử 

    • Ý nghĩa: Tư tưởng của người con chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha

  • Stab someone in the back: Đâm sau lưng

    • Ý nghĩa: Bị phản bội bởi người mình tin tưởng

  • Born with a silver spoon in one’s mouth: Ngậm thìa vàng

    • Ý nghĩa: Chỉ người sinh ra trong gia đình có điều kiện 

  • Find a needle in a haystack: Mò kim đáy bể

    • Ý nghĩa: Chỉ việc tìm kiếm khó khăn, ít có hy vọng tìm thấy

Khi sử dụng phương pháp này, người học cần đặc biệt lưu ý rằng chỉ nên sử dụng tiếng Việt trong giai đoạn đầu tiên để làm quen và gợi nhớ ý nghĩa của idiom mà không dựa vào thành ngữ tiếng Việt để hiểu idiom trong giai đoạn sau. Đây là để tránh trường hợp người học dịch nhầm thành ngữ tiếng Việt sang tiếng Anh, ví dụ như dịch thành ngữ “ngậm thìa vàng” thành idiom không chính xác là “born with a golden spoon” thay vì “silver spoon”. 

Áp dụng ngữ cảnh vào việc học idiom

Hiệu quả của việc áp dụng ngữ cảnh khi học idiom 

Idiom xuất hiện trong một ngữ cảnh cụ thể thường được hiểu dễ dàng và chính xác hơn so với idiom xuất hiện riêng lẻ (Liontas, 2002). 

Ví dụ: idiom chew the fat

  • Khi người học tiếp xúc với idiom “chew the fat” mà không có ngữ cảnh sử dụng, họ thường đoán rằng ý nghĩa của idiom này liên quan đến việc ăn kiêng hoặc giảm cân (Skoufaki, 2005) 

  • Khi người học tiếp xúc với idiom này cùng ngữ cảnh trong câu: “Every time they met, they would chew the fat for hours on end, sipping beer and smoking their cigars”, họ sẽ có khả năng đoán đúng ý nghĩa của idiom này cao hơn, đó là quây quần tán dóc (Cieslicka, 2015).

Như vậy, để học idiom một cách hiệu quả và chính xác nhất, người học không nên chỉ ghi nhớ ý nghĩa của từng idiom riêng lẻ mà nên học cả ngữ cảnh sử dụng idiom đó.

Đặt câu với idiom 

Một cách để tối ưu hoá hiệu quả của ngữ cảnh khi học idiom là bằng cách đặt câu với idiom. Nghiên cứu của Škrbić (2011) cho thấy rằng những người học idiom không hiệu quả được cho ngữ cảnh sử dụng của idiom, nhưng họ không sử dụng ngữ cảnh, hoặc chỉ sử dụng mẫu câu ví dụ trong bài mà không đặt thêm những câu mới để mở rộng hoàn cảnh ứng dụng của idiom này. Ngược lại, những người học idiom thành công (có thể nhớ được ý nghĩa của idiom 3 tháng sau lần tiếp xúc và học đầu tiên) không chỉ học idiom theo ngữ cảnh cho sẵn trong bài, mà còn đặt thêm câu với idiom theo nhiều ngữ cảnh khác nhau, dựa trên tình huống giả định hoặc cá nhân. Điều này giúp người học tương tác với ý nghĩa của idiom một cách sâu sắc và biết cách ứng dụng idiom trong nhiều tình huống khác nhau. 

Như vậy, khi tiếp xúc một idiom mới, người học nên đặt từ 3 đến 4 câu với idiom đó trong nhiều ngữ cảnh khác nhau để tối đa hoá khả năng ghi nhớ và hiểu idiom của mình. Khi đặt câu, người học nên đặt đa dạng nhiều loại câu với nội dung càng ấn tượng và rõ ràng càng tốt. Đồng thời, người học cần chú ý đến ngữ pháp để đặt câu chính xác.

Ví dụ 1: Idiom “a piece of cake”

-   Ý nghĩa: thể hiện tính chất rất dễ dàng của một việc

-   Câu để làm sáng tỏ ý nghĩa của idiom: “I thought that learning idioms is difficult, but it turns out to be a piece of cake.”

-   Câu để liên kết với trải nghiệm cá nhân: “I should have known that taking care of a dog is not a piece of cake before I adopted Milu.”

Ví dụ 2: Idiom “go out of one’s way”

-   Ý nghĩa: mô tả việc một người cố gắng, nỗ lực làm điều gì đó, thường là cho người khác, kể cả khi điều đó khó khăn hoặc bất tiện cho họ

-   Câu để làm sáng tỏ ý nghĩa: “Amy is a great teacher as she always go out of her way to make sure that we understand the lesson.”

-   Câu để liên kết với trải nghiệm cá nhân: “I can’t believe that he bad-mouthed me after I went out of my way to make him feel welcomed.”

Xem phim tiếng Anh 

Một trong những khó khăn của việc học idiom là do người học có tiếp xúc hạn chế với idiom khi học tiếng Anh học thuật. Vì vậy, xem phim tiếng Anh là một cách hiệu quả để người học tiếp xúc với idiom theo cách tự nhiên nhất trong ngữ cảnh hàng ngày. Hơn nữa, những tình huống trong phim có thể giúp người học nhớ những idiom này lâu hơn. 

Để áp dụng phương pháp này, người học nên chọn xem TV show như Friends, How I met your mother, Big Bang Theory, vì nhân vật trong những show truyền hình như thế này giao tiếp theo phong cách đời thường và sử dụng idiom theo một cách tự nhiên. Nếu có thể, người học cũng nên ghi chép lại idiom và ngữ cảnh mà nó xuất hiện để ôn luyện thêm sau này. 

Ví dụ: Idiom “call it a day”

  • Ý nghĩa: quyết định dừng lại việc mình đang làm

  • Ngữ cảnh trong phim: How I met your mother season 1 tập 4, Ted Mosby gọi điện cho người yêu để gửi lời nhắn chia tay như sau: “Natalie! Hey, Happy Birthday! Listen... you’re awesome. You really are... awesome. I’m just like super busy right now, so... maybe we should just... call it a day. But you’re awesome.”

Khi xem idiom “call it a day”  trong ngữ cảnh này, người học có thể hiểu thêm ý nghĩa của idiom theo một cách tổng thể hơn, và phạm vi ngữ cảnh phù hợp để sử dụng idiom này. 

Áp dụng phương pháp khi luyện thi IELTS Speaking

Phân loại và học idiom theo từng chủ đề IELTS Speaking 

Nghiên cứu của Boers và cộng sự (2007) đã cho thấy rằng khi học idiom theo từng chủ đề (thematic clustering), người học có thể nhớ idiom một cách dễ dàng hơn, vì học theo một hệ thống phân loại sẽ hiệu quả hơn việc học một danh sách các idiom ngẫu nhiên mà không có liên kết với nhau. Ví dụ một số chủ đề mà các nghiên cứu đã dùng để phân loại và hệ thống idiom là: 

Chủ đề về những người gây phiền nhiễu, bao gồm những idiom:

  • To have a lot of nerve

  • To be fed up

  • To be a party pooper

  • To drive someone crazy 

Chủ đề về thể hiện bản thân, bao gồm những idiom: 

  • To keep silent

  • To be in the know

  • To be a smooth-talker

  • To do a 180

Như vậy, khi học idiom để tăng vốn từ cho IELTS Speaking, người học nên hệ thống các idiom vào từng chủ đề của Speaking, như chủ đề liên quan đến địa điểm, sở thích, hoặc mô tả một người. Qua thời gian, người học nên chia những chủ đề lớn thành những chủ đề nhỏ và cụ thể hơn, để có thể áp dụng idiom tối đa. 

Đọc thêm: Các Idioms phổ biến phân loại theo chủ đề trong IELTS Speaking

Kết hợp nhiều phương pháp học idiom và dùng phương pháp lặp lại ngắt quãng

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người học idiom hiệu quả nhất là những người kết hợp nhiều phương pháp học nhất. Vì vậy, người học nên áp dụng những phương pháp đã được giới thiệu theo một cách linh hoạt, tuỳ theo tính chất của idiom và phong cách học của bản thân.

Phương pháp lặp lại ngắt quãng (Spaced Repetition) là phương pháp gia tăng thời gian nghỉ giữa những lần ôn tập để có thể nhớ lâu nhất, thường được áp dụng cho việc học từ vựng. Phương pháp này đặc biệt hữu dụng để học idiom vì trong mỗi lần ôn tập, người học sẽ được gợi nhớ lại về ý nghĩa của idiom, dần cảm thấy quen thuộc hơn với ý nghĩa và cách sử dụng chúng. Nghiên cứu của Webb (2007) về việc học từ vựng cho thấy rằng khi người học tiếp xúc với một từ vựng mới 10 lần thì khả năng ghi nhớ từ vựng sẽ tăng cao hơn rất nhiều.

Để ứng dụng phương pháp này trong việc học idiom, người học có thể sử dụng flashcard vật lý hoặc phần mềm Anki. Trên mỗi flashcard, người học nên có càng nhiều nguồn thông tin càng tốt về idiom đó ở mặt trước, như hình ảnh minh hoạ, nguồn gốc của idiom, ngữ cảnh sử dụng idiom, một số câu mẫu có ứng dụng idiom đó. Ở mặt sau của flashcard nên có ý nghĩa của idiom và chỗ để người học có thể viết thêm những câu mới. Điều này sẽ giúp não bộ tạo dựng một mạng lưới kiến thức liên quan đến idiom này để nhớ lâu hơn. Đồng thời, người học có thể phân loại các flashcard này theo từng chủ đề Speaking.

Trong mỗi lần ôn tập, người học có thể đặt thêm 2 câu có sử dụng idiom đó và hình dung cách người học có thể áp dụng idiom này vào phần thi Speaking của mình.

Ví dụ: 

Mặt trước của flashcardidiom-burn-my-bridges-flashcard


Mặt sau của flashcardidiom-burn-my-bridges-flashcard-mat-sau

Tổng quan kế hoạch học idiom cho IELTS Speaking

Bước 1: Sử dụng phương pháp S.M.A.R.T để lập mục tiêu học idiom

Trước khi bắt đầu học idiom, người học cần tự đặt một mục tiêu học cụ thể để dễ dàng theo dõi quá trình học của mình. Người học có thể sử dụng phương pháp S.M.A.R.T. (Specific, Measurable, Achieveable, Relevant, Time-based) để thiết kế một mục tiêu cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, liên quan, và có giới hạn thời gian.

Ví dụ, một mục tiêu S.M.A.R.T để học idiom là: học 40 idiom cụ thể cho 4 chủ đề IELTS Speaking trong khoảng thời gian từ 1/12 đến 31/12, với số giờ học ít nhất là 7 giờ/tuần.

Bước 2: Xác định chủ đề Speaking và liệt kê các idiom muốn học cho mỗi chủ đề

Các chủ đề thường gặp trong IELTS Speaking:

  • Task 1 thường bao gồm chủ đề về bản thân, sở thích, gia đình, công việc, v.v.

  • Task 2 có thể bao gồm chủ đề liên quan đến mô tả một địa điểm, một người, một sự kiện, một hoạt động. Mỗi chủ đề có thể được chia thành những chủ đề cụ thể hơn như Shopping hay School.

 Dựa trên những chủ đề mình đã chọn, người học có thể chọn idiom để học dựa trên các nguồn:

  • Những bài viết về idiom của ZIM Academy, bao gồm nhiều chủ đề như Health, Person, Place, Business, và Travel, cùng ý nghĩa, nguồn gốc, ngữ cảnh sử dụng, và một số câu mẫu hoặc câu trả lời IELTS Speaking mẫu sử dụng idiom đó.

  • Website theidioms.com, một từ điển idiom có chức năng phân loại idiom theo từng chủ đề, cùng ý nghĩa, câu mẫu, và nguồn gốc cho mỗi idiom.

  • Website The Free Dictionary cũng là một kho idiom để người học có thể tìm kiếm idiom và tra ý nghĩa của chúng.

  • Quyển từ điển The Oxford Dictionary of English Idioms bao gồm rất nhiều idiom trong tiếng Anh cùng ý nghĩa của chúng.

Bước 3: Áp dụng những phương pháp học idiom

Đối với những idiom với nhiều tính chất khác nhau, người học có thể sử dụng những phương pháp học khác nhau.


ap-dung-phuong-phap-hoc-idioms


Bước 4: Áp dụng phương pháp Spaced Repetition

Sau khi đã chọn được những phương pháp học tối ưu nhất cho từng idiom, người học có thể tự tạo note, flashcard vật lý hoặc sử dụng phần mềm Anki để ghi chú lại những thông tin liên quan đến idiom này.

 Tiếp tục với ví dụ mục tiêu 40 idiom cho 4 chủ đề trong vòng 1 tháng, người học có thể chia nhỏ 40 idiom/tháng thành 10 idiom/tuần, và áp dụng phương pháp lặp lại ngắt quãng theo lịch mẫu như sau:

ap-dung-phuong-phap-hoc-idioms-spaced-repetition

Nguồn ảnh: Etsy của Zaneta - Planning With Me

Người học có thể học 2 idiom mỗi ngày và thêm 2 idiom mới 5 lần trong một tuần, hoặc học 3 idiom mỗi ngày và thêm 3 đến 4 idiom mới 4 lần trong một tuần, v.v., tuỳ thuộc theo thời gian và thói quen học của mỗi người.

Một nhược điểm của việc sử dụng flashcard và tự tính lịch ôn tập là người học cần tính quãng nghỉ giữa những lần ôn tập một cách chính xác nhất để tối ưu hoá kỹ thuật này. Khi số lượng idiom ngày một nhiều hơn thì việc sắp xếp lịch ôn tập cũng trở nên rắc rối hơn. Trong trường hợp này, người học cũng có thể sử dụng phần mềm Anki để tính lịch ôn tập hoặc tạo flashcard online.

Tổng kết

Qua bài viết này, tác giả giới thiệu và giải thích những phương pháp người học có thể sử dụng để học idiom hiệu quả hơn, bao gồm phương pháp ứng dụng hình ảnh, học nguồn gốc của idiom, dịch idiom sang tiếng Việt, đặt câu với idiom, và xem phim tiếng Anh. Tác giả cũng gợi ý cho người học một số chiến lược người học có thể áp dụng để sử dụng những phương pháp học này một cách tối ưu nhất khi chuẩn bị cho IELTS Speaking, là kết hợp nhiều phương pháp học, sử dụng phương pháp lặp lại ngắt quãng, và phân loại idiom theo chủ đề.

Tuy nhiên, người học cũng nên lưu ý rằng idiom chỉ là một cách để diễn đạt ý trong tiếng Anh và không nên bị lạm dụng. Vì vậy, để đạt được kết quả ưng ý nhất cho phần IELTS Speaking, người cũng nên trau dồi vốn từ vựng nói chung và kỹ năng diễn đạt của mình. 

Nguyễn Phúc Quỳnh Chi

Để chinh phục kỳ thi IELTS, tham khảo lớp học IELTS tại ZIM cung cấp môi trường học tập bài bản và hiệu quả cho từng học viên, giúp người học đạt được mục tiêu nhanh chóng.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu