Banner background

Ứng dụng Making Mistakes Time (MMT) trong luyện nói tiếng Anh cho người mới bắt đầu

Một trong những rào cản của người bắt đầu luyện nói tiếng Anh là tâm lý ngại nói và sợ mắc lỗi sai khi nói. Tâm lý này cản trở người học rất nhiều trong quá trình học và luyện giao tiếp tiếng Anh. Bài viết đề cập đến một phương pháp luyện nói có tên là “Making Mistakes Time” (thời gian được mắc lỗi), đây là một phương pháp tiếp cận tiếng Anh một cách tự nhiên, xóa bỏ lỗi sợ giao tiếp và giúp người học lấy lại được sự tự tin khi giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai.
ung dung making mistakes time mmt trong luyen noi tieng anh cho nguoi moi bat dau

Key takeaways

  • Khái niệm: Making Mistakes Time là việc người học bỏ qua các lỗi sai khi luyện nói, ưu tiên đến khả năng nói tự nhiên.

  • Ưu điểm của Making Mistakes Time: xóa bỏ nỗi ngại giao tiếp, tăng vốn từ vựng tiếng Anh.

  • Ba cách áp dụng Making Mistakes Time: Sử dụng App luyện nói tiếng Anh, giao tiếp với người bản xứ, và tự luyện nói không có sự hỗ trợ.

Phương pháp Making Mistakes Time là gì?

Theo Simon Harris (2023), một số lỗi người học hay mắc phải khi luyện nói tiếng Anh có thể là:

  • Ảnh hưởng từ ngôn ngữ mẹ đẻ: các quy tắc cấu trúc của tiếng Anh khác với ngôn ngữ đầu tiên

  • Ngữ pháp: người học phải thuộc các quy tắc ngữ pháp

  • Từ vựng: rào cản của việc ghi nhớ từ

  • Phát âm: cách thức phát âm khác với ngôn ngữ mẹ đẻ

Making Mistakes Time là một trong những phương pháp tập trung vào kỹ năng giao tiếp và tiếp xúc với ngôn ngữ trước các quy tắc và ngữ pháp, tương tự như cách bạn học ngôn ngữ đầu tiên. Qua đó, tập trung phát triển khả năng nói một cách tự nhiên của người học và tạm thời không ưu tiên sự chính xác về ngữ pháp và các quy tắc tiếng Anh.

Tại sao cần được mắc lỗi khi bắt đầu luyện nói tiếng Anh?

Mắc lỗi là một phần thiết yếu của việc học một ngôn ngữ, tuy nhiên nhiều người học lại cảm thấy xấu hổ và sợ mắc lỗi khi nói tiếng Anh. Một số học viên không hẳn là nhút nhát mà chỉ đơn giản là không biết phải nói gì hoặc bắt đầu nói từ đâu. Nỗi sợ mắc sai lầm này có thể dẫn đến giảm động lực và giảm sự hứng thú học tập. Điều này dẫn đến việc người học bỏ cuộc sớm và mất thời gian học.

Mặc dù việc được mắc lỗi khi cố gắng thành thạo một ngôn ngữ có vẻ khó tin nhưng việc để người học tự do khi giao tiếp và nhận ra chính là chìa khóa thành công. Một người học giao tiếp nhiều nhưng mắc một vài lỗi có nhiều khả năng phát triển sự tự tin khi xử lý các tình huống thực tế hơn là một người học giao tiếp rất ít vì họ sợ mắc phải lỗi khi nói. (Brandl, 2008).

Tầm quan trọng của quyền tự do mắc lỗi trong việc học ngôn ngữ cũng được hỗ trợ bởi nghiên cứu về tâm lý học, nghiên cứu cho thấy rằng những người luyện tập thử một lý thuyết mà họ chưa hoàn toàn nắm vững sẽ có khả năng ghi nhớ thông tin mới tốt hơn (Kornell và cộng sự, 2009; Moser và cộng sự, 2011). Một thí nghiệm tương tự trong bối cảnh học ngôn ngữ cũng chỉ ra rằng quá trình mắc lỗi sẽ kích hoạt mạng lưới kiến ​​thức liên quan trong não, dẫn đến kết quả học tập vượt trội (Guzmán-Muñoz, 2020).

Cách ứng dụng MMT trong luyện nói tiếng Anh

Cách 1: Sử dụng các App luyện nói tiếng Anh

Hiện nay, có rất nhiều App luyện nói tiếng Anh được ra đời, phục vụ nhu cầu tự học của người học ngôn ngữ thứ hai. Có một số App có dịch vụ chữa lỗi và có một số App không, tuy nhiên với phương pháp MMT, mấu chốt của việc sử dụng là để giúp người học luyện nói nhiều hơn chứ không tập trung vào việc sửa lỗi.

Cách 2: Nói chuyện với người bản xứ

Một phương pháp hữu hiệu là thực hành trò chuyện trực tuyến cũng như trực tiếp với người bản xứ. Việc nói chuyện trực tiếp với người bản ngữ có thể sẽ khó khăn hơn khi người học ở một quốc gia không nói tiếng Anh. Tuy nhiên, vẫn có một số cách để kết nối với người bản xứ.

Ví dụ, HelloTalk là một ứng dụng mà người học có thể kết nối với người bản xứ. Việc nói chuyện với người bản xứ giúp người học tiếp nhận đúng cách phát âm cũng như văn phong nói của họ. Trong một số trường hợp, người bản ngữ sẽ sửa lỗi cho đối phương, điều này giúp người học tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và lưu ý được các lỗi khi nói tiếng Anh. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp MMT trong luyện nói, lưu ý rằng việc sửa lỗi ngữ pháp không pháp là ưu tiên hàng đầu.

Gợi ý: 10 ứng dụng nói chuyện với người nước ngoài.

Cách 3: Tự luyện không có sự hỗ trợ

Đối với những người học ngại giao tiếp và không thích chủ động, việc tự luyện nói không có hỗ trợ sẽ được ưu tiên hơn. Với phương pháp MMT, người học khi mới bắt đầu luyện nói có thể áp dụng một số cách sau:

1. Nói chuyện với chính mình.

Tự nói chuyện bằng tiếng Anh với bản thân bất cứ khi nào có thời gian rảnh. Khuyến khích người học nên nói to, phát ra âm thay vì nói thầm để làm quen với khẩu hình miệng khi nói bằng tiếng Anh.

Ví dụ:

Khi rửa bát, tự mô tả lại hành động mình đang làm tại thời điểm nói.

“I wash the dishes. I wash the bowl. I use water to wash the dish”…

I wash the dishes

Việc luyện nói mọi lúc rảnh như vậy không chỉ giúp người học luyện nói mà còn tăng khả năng sử dụng từ vựng theo chủ đề. Ví dụ, khi mô tả quá trình rửa bát, người học sẽ sử dụng một danh sách từ vựng liên quan đến việc rửa bát như dish, bowl, chopstick, water,…

2. Nhại lại người bản xứ nói tiếng Anh.

Việc nhại lại (shadowing) sẽ giúp người học làm quen với việc phát âm và nhấn nhá của người bản xứ khi nói tiếng Anh. Nhờ đó, đạt được sự tự nhiên khi nói cũng như rèn luyện cơ miệng khi phát âm tiếng Anh.

Tổng kết

Biện pháp MMT (Making Mistakes Time) trong luyện nói tiếng Anh sẽ là bước đầu giúp người học làm quen với tiếng Anh một cách tự nhiên. Tuy nhiên, khi đã nói được tự nhiên hơn và xóa bỏ được rào cản ban đầu, người học cần phải tự soi chiếu lại những lỗi sai khi nói, tránh những lỗi sai cơ bản khi nói tiếng Anh về sau.

Đọc thêm: Lỗi dùng từ phổ biến khi giao tiếp bằng tiếng Anh.


Tài liệu tham khảo

Australian International TESOL, Manual book, Revised 2020.

Maija Kozlova, (May 2021), Mistakes help you learn – freedom to fail in games and language learning, www.cambridgeenglish.org/blog/mistakes-help-you-learn-freedom-to-fail-in-games-and-language-learning/

Simon Harris, (Feb 2023), Don’t Be Afraid of Making Mistakes When Learning English – Mistakes Are Good!, www.linkedin.com/pulse/dont-afraid-making-mistakes-when-learning-english-good-simon-harris/

Tác giả: Nguyễn Hải Anh

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
Giáo viên
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...