Research Paper: Cấu trúc và cách viết bài viết nghiên cứu - Phần cuối

Phần cuối của series giới thiệu về cấu trúc của một bài luận nghiên cứu (Research Paper) bằng tiếng Anh, hướng dẫn lên kế hoạch nghiên cứu chi tiết và cách viết một bài luận hoàn chỉnh cho đối tượng sinh viên và nghiên cứu sinh.
research paper cau truc va cach viet bai viet nghien cuu phan cuoi

Mặc dù, cách viết Abstract (Tóm tắt), về bố cục cơ bản, là phần đầu tiên của một bài viết nghiên cứu nhưng các nhà nghiên cứu luôn chọn viết Abstract cuối cùng vì đặc thù của chúng là tổng kết nội dung cho toàn bài viết. Điều này khiến các bạn sinh viên vừa bắt đầu thực hiện nghiên cứu thường mất rất nhiều lỗi sai khi sắp xếp các ý tưởng cho phần này.

Trong bài viết cuối của chuỗi bài viết về Research Paper, người đọc sẽ được hướng dẫn các bước chi tiết để hình thành phần Abstract cũng như những điểm cần lưu ý và các phụ lục nên được đưa vào sau khi hoàn thành phần nội dung của bài viết.

Tham khảo các phần trước:

Key Takeaways

  • Phần Abstract giúp người đọc nằm được nội dung chính của 1 bài nghiên cứu, đảm bảo tóm tắt trực quan được 2 vấn đề: mục tiêu – kết quả nghiên cứu.

  • Để có 1 bản báo cáo nghiên cứu hoàn chỉnh, các nội dung phụ cần được trình bày đi kèm bao gồm: Appendix (Phụ lục), Acknowledgment (Lời cảm ơn) và Reference (Trích dẫn)

Tổng quan về Abstract trong Research Paper

Abstract (tóm tắt) là một đoạn văn ngắn gọn nhắm tóm tắt lại nội dung và các thông tin chính của một bài viết nghiên cứu hoặc một luận văn. Một phần Abstract tiêu chuẩn phải đảm bảo truyền tải được 2 vấn đề chính là mục tiêu và kết quả của nghiên cứu.

Phần này được đặt đầu tiên trong bài viết nghiên cứu nhằm giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về nội dung sơ lược của bài viết.

Thông thường, độ dài của Abstract sẽ nằm trong khoảng từ 150 đến 300 từ. Tuy nhiên, các trường Đại học, tạp chí khoa học khác nhau thường yêu cầu một số lượng từ nhất định cho phần Abstract, vì vậy người viết cần kiểm tra kỹ yêu cầu của trường để viết đúng số từ quy định.

Có hai loại Abstract chính trong viết nghiên cứu, bao gồm:

  • Informative Abstract (Tóm tắt Thông tin): Tóm tắt tất cả các thông tin người đọc cần biết về bài viết như Purpose (Mục đích), Method (phương pháp), Results (kết quả), và Conclusion (Tóm tắt). Hướng sắp xếp thông tin của chúng sẽ tuân theo định dạng của bài viết nghiên cứu.

  • Descriptive Abstract (Tóm tắt Mô tả): Thường tập trung vào tạo sự tò mò cho người đọc vì chỉ tóm tắt những phần mà tác giảm cảm thấy là thú vị trong bài viết. Do tính chất của loại Abstract này không quá tập trung vào nội dung nên độ dài của chúng thường ngắn hơn Informative Abstract (khoảng dưới 100 từ).

Hầu hết các Abstract đều được viết theo dạng Informative vì Descriptive Abstract thường được dùng trong các loại bài viết kém trang trọng hơn.

Phương pháp sắp xếp thông tin trong Abstract

Quá trình sắp xếp thông tin trong Abstract rất quan trọng vì nó giúp người đọc hiểu được trình từ của các phần trong nghiên cứu. Do đó, người viết nên tuân theo một trong hai phương pháp dưới đây khi viết Abstract để tránh làm mất đi tính nhất quán của bài viết.

Cách 1:  Phương pháp sắp xếp theo trình tự trong bài viết nghiên cứu

Bước 1 - Background information (Thông tin tổng quan): Cung cấp cho người đọc thông tin nền về chủ đề của bài viết. Nói một cách đơn giản, người viết sẽ tóm tắt ngắn gọn phần Introduction (Giới thiệu) trừ phần Literature Review (xem xét các nghiên cứu trước)  trong khoảng từ 1 đến 3 câu. Lưu ý, phần Background information được viết ở Present Tenses (Các thì hiện tại).

Bước 2 - Purpose (Mục đích của bài viết): Người viết tóm gọn mục đích làm bài và đối tượng nghiên cứu ở bước này, chú ý sử dụng Past Tenses (các thì quá khứ) hoặc Present Perfect Tense (thì hiện tại hoàn thành).

Bước 3 - Method (Phương pháp nghiên cứu): Tóm tắt phần Method trong khoảng từ 1 đến 3 câu, chú ý chỉ được sử dụng Past Tenses (các thì quá khứ).

Bước 4 - Result (Kết quả): Rút ra kết luận quan trọng nhất dựa trên phần phân tích kết quả được bàn luận ở phần Result. Bước này cũng được viết bằng Past Tenses (các thì quá khứ).

Bước 5 - Conclusions (Tổng kết): Lời kết và đề xuất cho người đọc và các nhà nghiên cứu khác về ứng dụng hoặc hướng giải quyết vấn đề dựa trên bài viết nghiên cứu này. Lưu ý bước này phải được viết bằng Present Tenses (các thì hiện tại).

Cách 2: Phương pháp sắp xếp thông tin rút gọn

Bước 1 - Kết hợp Purpose (Mục đích) và Method (Phương pháp nghiên cứu): Ở cách 2, người viết sẽ không đề cập đến phần Background và kết hợp viết phần Purpose và Method trong cùng một đoạn. Lưu ý sử dụng Past Tenses khi viết bước này.

Bước 2 - Results (Kết quả nghiên cứu): tương tự như cách 1.

Bước 3 - Kết hợp Conclusion (Tổng kết) và Recommendations (Đề xuất): Tương tự như bước 5 trong cách 1.

Nếu bài viết nghiên cứu của người viết sẽ được xuất bản hoặc sử dụng lâu dài trong tương lai. Cuối phần Abstract, người viết cần phải bổ sung thêm các keyword (từ khóa) - những từ khóa chủ đề/vấn đề có liên quan và được nhắc nhiều trong bài viết. Những từ khóa này sẽ hỗ trợ người đọc và các trường Đại học phân loại và sử dụng bài viết nghiên cứu dễ dàng hơn.

Ví dụ:

Sinh viên A viết phần Abstract dựa theo dạng Informative và sử dụng cách sắp xếp thông tin thứ nhất:

Bước 1 - Background: Homeschooling is known as an alternative education model that can be consulted by parents and people who major in education besides traditional public schools in many countries. (Giáo dục tại nhà được biết đến như một mô hình giáo dục thay thế có thể được tham khảo bởi phụ huynh và những người theo học chuyên ngành giáo dục bên cạnh các trường công lập truyền thống ở nhiều quốc gia.)

Bước 2 - Purpose: Nowadays, homeschooling is still unfamiliar to Vietnamese people, therefore, this study will illustrate the benefits and drawbacks of homeschooling as well as give out the possibilities and recommendations of applying home education for elementary learners. (Hiện nay, giáo dục tại nhà vẫn còn xa lạ với người Việt Nam, do đó, nghiên cứu này sẽ minh họa những lợi ích và hạn chế của giáo dục tại nhà cũng như đưa ra các khả năng và khuyến nghị áp dụng giáo dục tại nhà cho học sinh tiểu học.)

Bước 3 - Method: The survey was carried out on the foundation of the literature review. In order to collect ideas towards this new education model, a survey was conducted in two weeks and focused on two main groups: primary students’ parents and people who major in education. Data was collected and analyzed whether this model could be applied in Ho Chi Minh City or not. (Cuộc khảo sát được thực hiện trên cơ sở tổng quan tài liệu. Để thu thập ý kiến về mô hình giáo dục mới này, một cuộc khảo sát đã được thực hiện trong hai tuần và tập trung vào hai nhóm chính: phụ huynh học sinh tiểu học và những người theo học chuyên ngành giáo dục. Dữ liệu được thu thập và phân tích xem mô hình này có thể được áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh hay không.)

Bước 4 - Results: Homeschooling is still a new model in Vietnam, however, it can be seen that people are becoming more and more open to this new teaching method. Therefore, this study would be a useful reference for further studies. (Giáo dục tại nhà vẫn còn là một mô hình mới tại Việt Nam, tuy nhiên, có thể thấy người dân ngày càng cởi mở hơn với phương pháp dạy học mới này. Vì vậy, nghiên cứu này sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các nghiên cứu tiếp theo.)

Bước 5 - Conclusion: In general, both traditional education and homeschooling have significant strengths and weaknesses which parents need to consider carefully before making a final decision for the child. (Nhìn chung, cả giáo dục truyền thống và giáo dục tại nhà đều có những điểm mạnh và điểm yếu đáng kể mà cha mẹ cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cho con.)

Sinh viên A lựa chọn ra 3 từ khóa trọng tâm cho bài viết nghiên cứu:

Keywords: homeschooling, elementary students, educational model (giáo dục tại nhà, học sinh tiểu học, mô hình giáo dục)

Các phần phụ của Research Paper

Appendix

Appendix (phụ lục) là các tài liệu bổ sung cung cấp cho người đọc các thông tin chi tiết hơn về bài viết nghiên cứu, các thông tin này không được đưa vào phần nội dung chính của bài viết vì chúng có thể gây nặng nề, dài dòng không cần thiết.

Một bài viết nghiên cứu có thể có nhiều Appendix, mỗi Appendix sẽ tập trung vào một dữ liệu riêng biệt và được phân loại bằng những đề mục khác nhau. Dưới đây là một số nội dung cần chú ý khi viết Appendix:

  • Appendix thường bao gồm các thông tin chưa được xử lý như biểu mẫu câu hỏi, kết quả của từng thí nghiệm, câu trả lời chi tiết của các ứng viên tham gia khảo sát, …

  • Tất cả các bản biểu, số liệu trong Appendix bắt buộc phải đánh số thứ tự tách biệt với số thứ tự của các bản biểu trong phần chính của bài viết nghiên cứu.

  • Nếu người viết có nhiều hơn 3 Appendix, ở trang đầu tiên của phần Appendix, người viết cần liệt kê tên của 3 Appendix đó trong một trang riêng biệt.

Acknowledgment

Acknowledgement (Lời cảm ơn) trong một bài viết nghiên cứu là phần liệt kê và cảm ơn tất cả những người đã ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ người viết trong quá trình thực hiện nghiên cứu. Tuy đây chỉ là một phần phụ không có liên quan tới nội dung của các phần còn lại trong bài viết nghiên cứu, người viết luôn luôn phải đảm bảo phần này được xuất hiện ở đầu bài viết nghiên cứu để thể hiện lòng biết ơn và tính minh bạch của bài viết. Khi viết Acknowledgement, người viết cần chú ý những vấn đề sau:

  • Sử dụng ngôi thứ nhất “I” nếu tác giả là một người và ngôi “We” nếu tác giả của bài viết từ hai người trở lên.

  • Tên của người/ tổ chức đóng góp cho nghiên cứu cần được viết dưới đầy đủ cả họ và tên, không được viết tắt.

  • Thứ tự xuất hiện của những người/tổ chức đóng góp phải được sắp xếp theo mức độ đóng góp và tầm quan trọng của họ đối với nghiên cứu, người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với nghiên cứu sẽ được xếp đầu tiên.

  • Độ dài của Acknowledgment nên nằm trong khoảng từ 500 từ trở xuống.

Ví dụ:

Sinh viên A có phần Acknowledgment như sau:

First and foremost, I am sincerely thankful to X University School for providing me with the opportunity to write a research paper on the topic “Homeschooling for elementary students in Ho Chi Minh city.” In addition, this paper and the research behind it would not have been possible without the ardor support of my professor,  Ms. Nguyen Thi A. Her knowledge and passion have been an inspiration for me throughout the whole researching process. Furthermore, I would like to express my special gratitude and thanks to the participants for their honest and cooperative responses to all of the questions solicited for this study.  Finally, I will send my thanks and appreciation to all of my peers, who have helped me during the case study of this research paper with their abilities.

(Dịch: Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn Trường Đại học X đã cho tôi cơ hội viết bài nghiên cứu về chủ đề “Giáo dục tại nhà cho học sinh tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Ngoài ra, bài báo này và những nghiên cứu đằng sau nó sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ nhiệt tình của giáo sư của tôi, cô Nguyễn Thị X. Kiến thức và niềm đam mê của cô đã là nguồn cảm hứng cho tôi trong suốt quá trình nghiên cứu. Hơn nữa, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt và cảm ơn những người tham gia đã trả lời trung thực và hợp tác cho tất cả các câu hỏi được đặt ra cho nghiên cứu này. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn và đánh giá cao đến tất cả các đồng nghiệp của tôi, những người đã giúp đỡ tôi trong quá trình nghiên cứu của bài viết này bằng khả năng của họ.)

Reference

Tất cả các loại văn bản học thuật bao gồm Research Paper, khi sử dụng tài liệu của các tác giả khác trong bài viết của mình đều được yêu cầu trích dẫn rõ ràng. Việc trích dẫn tài liệu sẽ giúp người viết tránh các lỗi đạo văn không mong muốn và làm tăng mức độ tin cậy cho bài viết của mình. Có rất phương pháp trích dẫn khác nhau, tuy nhiên trong bài viết này tác giả sẽ gửi đến người đọc cách trích dẫn phổ biến nhất trong viết nghiên cứu là APA Format.

APA là viết tắt của American Psychological Association (Hiệp hội Tâm lý học Mỹ), tổ chức này đã sáng tạo ra phương pháp trích dẫn nội dung theo chuẩn APA, theo đó người viết cần trích dẫn tài liệu theo chỉ dẫn sau:

Sách đã được xuất bản: Họ của tác giả, Tên viết tắt. (Năm xuất bản). Tựa đề của cuốn sách được in nghiêng. Thành phố xuất bản: Nhà xuất bản.

Ví dụ:

Lippincott, L. (2014). The Homeschooling Handbook: How to Make Homeschooling Simple, Affordable, Fun, and Effective. New York: Skyhouse.

Một bài báo trong tạp chí đã được xuất bản: Họ của tác giả, Tên viết tắt. (Năm xuất bản). Tựa đề của bài báo. Tên của tạp chí được in nghiêng, số tập được in nghiêng (số phát hành),  số trang.

Ví dụ:

Wyatte, G. (2014). Reviewed Work: Home Is Where the School Is: The Logic of Homeschooling and the Emotional Labor of Mothering by Jennifer Lois. American Journal of Sociology, 119(5),1481-1483.

Các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ: Họ của tác giả, Tên viết tắt. (Năm xuất bản). Tựa đề của luận văn được in nghiêng. (Doctoral dissertation  - luận văn tiến sĩ /Master’s thesis - luận văn thạc sĩ, Tên của trường Đại học).

Ví dụ:

Coleman, R. E. (2010). Ideologues, Pedagogues, Pragmatics: A Case Study of the Homeschool Community in Delaware County, Indiana. Unpublished master’s thesis, Ball State University.

Bài viết được lấy nguồn từ trang web trực tuyến: Tên của tổ chức. (Năm xuất bản). Tựa đề bài viết được in nghiêng. Retrieved from đường dẫn của nơi tìm thấy luận văn này.

Ví dụ:

Washington Homeschool Organization. (n.d.). Why Homeschooling?. Retrieved from https://washhomeschool.org/homeschooling/why-homeschool/

Trích dẫn từ các thảo luận, bài đăng trên các diễn đàn hoặc trang web cá nhân:  Họ của tác giả, Tên viết tắt. (Năm , ngày tháng đăng tải). Tiêu đề của bài đăng [Dạng của bài đăng]. Retrieved from đường dẫn của nơi tìm thấy bài đăng này.

Ví dụ:

Woodhouse, A. (2017, October 27). What is a part-time job? [Web blog post].  KashFlow. Retrieved from https://www.kashflow.com/blog/what-is-a-part-time-job/

Trích dẫn từ văn bản thuyết trình trong các hội nghị được đăng tải trực tuyến: Họ của tác giả, Tên viết tắt. (Năm, tháng đăng tải). Tiêu đề của văn bản được in nghiêng. Paper presented at tên của hội nghị, Địa điểm diễn ra hội nghị. Retrieved from đường dẫn của nơi tìm thấy văn bản này.

Ví dụ:

C. Ngoc Ha, N. Trang Thao and T. Dinh Son. (2016, November). Student - Part-Time Employment: A case study at Ton Duc Thang University in Vietnam. Paper presented at ICERI 2016 Conference, Seville, Spain. Retrieved from https://www.researchgate.net/publication/310843746_STUDENT_PART-TIME_EMPLOYMENT_CASE_STUDY_AT_TON_DUC_THANG_UNIVERSITY_IN_VIETNAM

Trong trường hợp tài liệu bị thiếu một số thông tin, người viết có thể dùng các thuật ngữ sau để thay thế cho các thông tin đó:

Anonymous (ẩn danh): không tìm thấy tên tác giả hoặc tên tác giả bị ẩn.

  • s.l. (viết tắt của từ sine loco trong tiếng Latin): không tìm thấy thành phố xuất bản.

  • s.n. (viết tắt của từ sine nomine trong tiếng Latin): không tìm thấy tên của nhà xuất bản

  • n.d. (viết tắt của no date): không tìm thấy ngày, tháng, năm sản xuất

Ngoài ra, khi trình bày trích dẫn theo phương pháp APA trong phần Reference, người viết cần chú ý những điểm quan trọng khác như sau:

  • Thứ tự các tác phẩm được sắp xếp theo thứ tự của bảng chữ cái dựa trên chữ cái đầu trong họ của các tác giả được trích dẫn.

  • Luôn luôn viết họ của tác giả đầu tiên, theo sau bởi một dấu phẩy, tên và tên lót được viết tắt đi kèm theo sau, không bao giờ được viết rõ ràng tên và họ lót của một tác giả.

  • Nếu có hai tác giả cho cùng một tác phẩm dùng ký hiệu “&” để nối tên của họ lại với nhau thay vì dùng “and”.

  • Năm xuất bản luôn luôn được trình bày trong dấu ngoặc kép ().

Tổng kết

Phần 5 (cách viết Abstract) cũng là cuối cùng của Series Cấu trúc và cách viết Research Paper đã hướng dẫn chi tiết các bước để hoàn thành Giai Đoạn 7 – Abstract (tổng kết mục tiêu và kết quả nghiên cứu) và các thành phần phụ để giúp bài luận chuyên nghiệp và đầy đủ thông tin liên quan. Tác giả hy vọng series này sẽ phần nào giúp người đọc có thể trình bày bản báo cáo nghiên cứu của mình một cách khoa học và chính xác nhất.

Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu