Tính khách quan (Objectivity) trong Academic Writing

Tính khách quan trong viết học thuật là một trong các tính chất đặc trưng của dạng bài viết này.
tinh khach quan objectivity trong academic writing

Một bài văn, bài nghiên cứu, luận văn tốt nghiệp hay bài đánh giá tài liệu (Literature review) – tất cả những văn bản này đều thuộc phạm trù Academic Writing. Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ các bài viết mang tính học thuật cao. Những bài viết này đều hướng đến mục tiêu hỗ trợ người đọc tăng cường vốn hiểu biết của mình về chủ đề mà bài viết đề cập tới. Với mục đích này, các bài viết học thuật cần phải có mục đích cụ thể được thể hiện xuyên suốt bài viết, cấu trúc rõ ràng, lập luận dựa trên bằng chứng xác thực, và cuối cùng là văn phong trang trọng nhưng đơn giản, không gây cản trở cho khả năng đọc hiểu của người đọc.

Theo UEFAP, một bài viết học thuật sẽ có mười tính chất đặc trưng. Bài viết này sẽ chỉ tập trung phân tích một tính chất duy nhất – Tính khách quan (Objectivity), chia sẻ một số lỗi thiếu sự khách quan thường gặp và cách khắc phục các lỗi đó.

Objectivity trong Academic Writing là gì?

Định nghĩa

Hiểu một cách đơn giản, tính khách quan trong một bài viết học thuật nghĩa là trọng tâm của bài viết sẽ chỉ xoay quanh những thông tin được đưa ra trong bài, những sự thật được bao gồm trong các lập luận, thay vì những thông tin mang tính chủ quan khác như ý kiến cá nhân hoặc các thành kiến (stereotypes) của người viết. Để bảo toàn được tính khách quan này, người viết cần phải phân tách rõ ràng những điều mà họ tin là đúng và những sự thật về chủ đề của bài viết, từ đó đưa ra thông tin từ một vị trí trung lập nhất có thể. Ngôn ngữ và phong cách lập luận là hai phương thức đơn giản nhất được sử dụng để thể hiện và đánh giá tính khách quan.

Dưới đây là một ví dụ thể hiện sự khác biệt giữa thông tin có khách quan và thông tin thiếu sự khách quan:

Thiếu tính khách quan:

‘Every person believes that African Americans contract colorectal cancer more easily than any other group in the world.’

(Tạm dịch: ‘Tất cả mọi người đều tin rằng người Mỹ gốc Phi dễ mắc bệnh ung thư đại trực tràng hơn bất kì chủng tộc nào khác trên thế giới’.)

  • Thông tin này được đưa ra mà không có một nguồn tham chiếu cụ thể nào có tính xác thực. 

  • Người đọc không được cung cấp thêm thông tin nào về việc người Mỹ gốc Phi dễ mắc căn bệnh này hơn như thế nào.

Có tính khách quan:

‘According to the World Economic Forum, African Americans are about 20% more likely to get colorectal cancer than most other groups.’

(Tạm dịch: ‘Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, những người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng 20% cao hơn đa số các chủng tộc khác.’)

  • Thông tin được đưa ra với nguồn tham chiếu là Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

  • Người đọc được cung cấp thêm thông tin về tỷ lệ phần trăm dễ mắc bệnh hơn của người Mỹ gốc Phi so với các chủng tộc khác.

 

Tầm quan trọng của Objectivity trong Academic Writing

Như đã nhắc đến ở phần 1, mục đích của một bài viết học thuật là nâng cao hiểu biết của người đọc bằng cách đưa ra những quan sát và phân tích về một vấn đề cụ thể. Xét từ góc độ của người đọc, mục đích của họ khi tìm đến các bài viết học thuật là để tăng thêm vốn hiểu biết của mình về những sự thật liên quan đến một chủ đề mà họ quan tâm và ý nghĩa của chúng. Để đảm bảo rằng cả hai mục đích này đều đạt được, tính khách quan là nhân tố quan trọng không thể thiếu. Ngoài việc quyết định sự thành công của một bài viết học thuật, tính khách quan còn tạo điều kiện giúp người đọc tự thiết lập nên ý kiến của bản thân mình – đây là một trong những nhiệm vụ mà người viết cần hoàn thành. Một bài viết thiếu đi sự khách quan sẽ không thể giữ được vai trò là một nguồn kiến thức đáng tin cậy bởi trên thực tế, mối quan tâm của người đọc chỉ tập trung vào những thông tin đã được tác giả nghiên cứu chứ không phải những gì mà cá nhân tác giả cho rằng hoặc tin là đúng.

Nói tóm lại, trong một bài viết học thuật, tính khách quan là yếu tố quyết định liệu người viết và người đọc có thực hiện được mục đích cuối cùng của mình hay không.

Các lỗi thường gặp của một bài Academic Writing thiếu Objectivity & cách khắc phục

Khái quát hóa (Generalization)

Khái quát hóa là khi người viết bài áp dụng một khái niệm cụ thể lên một nhóm người. Khi mắc lỗi này, người viết đã không xem xét cẩn thận những đặc điểm khác nhau của nhóm người đó, dẫn đến việc mặc định rằng tất cả những cá nhân trong tập thể được nhắc tới đều có một điểm chung. Trong một số trường hợp, điểm chung này thường đồng nghĩa với thành kiến, từ đó làm mất đi tính khách quan của thông tin trong bài.

Một số biểu hiện thường gặp của lỗi khái quát hóa nằm ở ngôn từ mà người viết sử dụng, bao gồm việc sử dụng những từ như ‘all’, ‘every’, ‘each’, ‘best’, ‘no’, ‘none’.

Cách khắc phục: Tránh sử dụng các từ có tính chất tuyệt đối (extreme) và thay thế bằng các cụm từ như ‘the majority of’, ‘most’, ‘many’, ‘some’, ‘few’, ‘very few’, ‘one of the’.

Dưới đây là một số ví dụ của lỗi khái quát hóa và cách khắc phục:

Ví dụ 1: ‘All politicians are involved in corruption.’

(Tạm dịch: ‘Tất cả những nhà chính trị gia đều dính líu tới tham nhũng.’)

  • Trong ví dụ này, người viết đã không cân nhắc kĩ lưỡng sự khác biệt giữa các chính trị gia, dẫn đến việc đánh đồng họ với nhau và cho rằng bất kì ai làm nghề này cũng đều liên quan tới tham nhũng. Đây là một thành kiến không đúng sự thật.

Cách khắc phục: Many politicians are involved in corruption.’

(Tạm dịch: ‘Có rất nhiều chính trị gia có dính líu tới tham nhũng.’)

  • Cách khắc phục: Đổi ‘all’ thành ‘many’.

  • Trong ví dụ đã sửa này, người viết nhận thức được rằng không phải tất cả các chính trị gia đều giống nhau, và vẫn có một số chính trị gia không hề tham gia vào việc tham nhũng. 

loi-khai-quat-hoa

Ví dụ 2: ‘The best way to solve pollution is to reduce the amount of plastic produced.’

(Tạm dịch: ‘Biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề môi trường là giảm lượng nhựa được sản xuất.’)

  • Đây là một biểu hiện khác của việc người viết đã không xem xét kĩ sự khác biệt giữa các biện pháp bảo vệ môi trường với nhau. Tuy nhiên, thay vì đánh đồng, điều này khiến người viết đưa ra một khẳng định có phần tuyệt đối hóa và chưa hoàn toàn chính xác. 

Cách khắc phục: One of the most effective ways to solve pollution is to reduce the amount of plastic produced.’

(Tạm dịch: ‘Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề môi trường là giảm lượng nhựa được sản xuất.’)

  • Cách khắc phục: Đổi ‘the best way’ thành ‘one of the most effective ways’.

  • Ví dụ này thể hiện rằng người viết đã nhận thức được những điểm ưu việt không giống nhau của các biện pháp bảo vệ môi trường khác nhau, và giảm lượng nhựa chỉ là một biện pháp có tính hiệu quả cao chứ không phải hiệu quả nhất. 

 

Sử dụng chủ ngữ ngôi thứ hai (Second-person point of view)

Ngôi thứ hai (‘you’, ‘your’, ‘you all’, ‘yours’) thường được sử dụng để đề cập tới người đọc, đặc biệt trong các trường hợp khi tác giả đưa ra lời khuyên hoặc giải thích cách làm một việc nào đó. Tuy nhiên, việc đề cập trực tiếp tới người đọc trong bài viết học thuật sẽ làm giảm độ chính xác của thông tin được đưa ra bởi đối tượng mà người viết muốn nhắc tới có thể không phải là bản thân người đang đọc bài viết. Ngoài ra, ngôi thứ hai còn làm mất đi khoảng cách giữa người viết và người đọc. Ngoài việc vi phạm tính trang trọng của bài viết học thuật, vấn đề này thể hiện rằng người viết đang cố gắng tìm kiếm sự đồng cảm từ người đọc, từ đó khiến cho bài viết mang nhiều sự chủ quan hơn là sự khách quan. Nhiệm vụ cung cấp kiến thức nền tảng để người đọc tự thiết lập quan điểm của mình mà không bị ảnh hưởng bởi quan điểm cá nhân của người viết cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cách khắc phục:

  • Tránh sử dụng ngôi thứ hai và thay thế bằng các từ như ‘people’, ‘one’.

  • Thay đổi cấu trúc câu thành câu bị động.

  • Đặt tên cho đối tượng cần được đề cập, có thể bằng cách sử dụng các danh từ chỉ nghề nghiệp.

Dưới đây là một số ví dụ về lỗi sử dụng ngôi thứ hai trong bài viết học thuật và cách khắc phục:

Ví dụ 1: ‘You must have been aware that generalization is not appropriate for academic writing.’ 

(Tạm dịch: ‘Bạn chắc chắn cũng hiểu rằng khái quát hóa là không phù hợp trong một bài viết học thuật.’)

  • Ở ví dụ này, người viết thể hiện rằng mình đang tìm kiếm sự đồng tình từ người đọc bằng cách sử dụng chủ ngữ ngôi thứ hai ‘you’. Đây là một cách viết nhiều rủi ro vì có thể người đọc hoàn toàn không biết thông tin mà người viết đang mặc định là họ biết, ảnh hưởng đến cảm xúc và quan điểm cá nhân của họ khi đọc bài. 

Cách khắc phục: ‘One must have been aware that generalization is not appropriate for academic writing.’

(Tạm dịch: ‘Một người chắc chắn cũng hiểu rằng khái quát hóa là không phù hợp trong một bài viết học thuật.’)

  • Cách khắc phục: Đổi ‘you’ thành ‘one’.

  • Sau khi sửa, câu văn trở nên khách quan hơn vì người viết không cố tình áp đặt quan điểm của mình lên người đọc mà vẫn cho họ không gian để đồng tình hoặc phản đối với ý kiến của mình. 

loi-dung-chu-ngu-ngoi-hai

Ví dụ 2: ‘You should try to apply the proposed method widely.’ 

(Tạm dịch: ‘Bạn nên thử áp dụng rộng rãi phương thức được đề xuất ở trong bài.’)

  • Ở ví dụ này, người viết đang yêu cầu người đọc phải đồng ý với quan điểm của mình. Tuy nhiên, việc áp dụng phương thức được đề xuất đối với người đọc chưa chắc đã hoàn toàn cần thiết. 

Cách khắc phục: ‘The proposed method should be widely applied.’ 

(Tạm dịch: ‘Phương thức được đề xuất ở trong bài nên được áp dụng rộng rãi.’)

  • Cách khắc phục: Đổi thành câu bị động.

  • Sau khi sửa, câu văn trở thành một đề xuất khách quan từ góc độ của người viết. Họ không chỉ đích danh bất kì một đối tượng nào để yêu cầu đối tượng đó phải làm theo đề xuất của mình và vẫn để quyền quyết định thuộc về người đọc.

 

Sử dụng những từ ngữ thể hiện cảm xúc

Cảm xúc cá nhân thường được đưa vào một bài viết học thuật qua các từ nhấn mạnh (identifiers) như ‘awfully’, ‘unbelievably’ và ‘extremely’, và các từ thể hiện sự phán xét của người viết như ‘impressive’, ‘heartbreaking’ và ‘outrageous’. Như đã nhắc đến ở phần 1.1, người đọc sẽ không hề quan tâm tới những cảm xúc riêng tư của người viết bởi đây không phải là những thông tin đưa ra cho họ những sự thật cần thiết về vấn đề đang bàn. Những từ ngữ bộc lộ cảm xúc cá nhân của người viết là không cần thiết và sẽ khiến toàn bộ bài viết mất đi tính khách quan.

Cách khắc phục: Tránh sử dụng các từ ngữ thể hiện cảm xúc bên trên.

Dưới đây là một ví dụ về lỗi này và cách khắc phục:

Ví dụ 1: ‘The findings of this paper are unbelievably helpful for the government.’ 

(Tạm dịch: ‘Những phát hiện của báo cáo này hữu ích đến mức khó tin.’)

  • ‘Unbelievably’ là một từ thể hiện cảm xúc cá nhân của người viết và không đem lại ý nghĩa gì mới cho thông tin được đưa ra, thậm chí còn có thể khiến người đọc cảm thấy khó hiểu tại sao những phát hiện đó lại khó tin. 

Cách khắc phục: ‘The findings of this paper are helpful for the government.’ 

(Tạm dịch: ‘Những phát hiện của báo cáo này hữu ích đối với chính phủ.’)

  • Cách khắc phục: Bỏ ‘unbelievably’.

  • Câu văn trở nên khách quan hơn sau khi những thông tin thừa về cảm xúc của người viết được loại bỏ.

loi-dung-tu-ca-nhan

Ví dụ 2: ‘The findings of this paper are so impressive that governments should apply them as soon as possible.’

(Tạm dịch: ‘Những phát hiện của báo cáo này hữu ích ấn tượng đến mức các chính phủ nên áp dụng chúng càng sớm càng tốt.’)

  • Sự đồng tình của người viết với các phát hiện của báo cáo đang được bộc lộ một cách phóng đại trong ví dụ này qua các từ ‘impressive’ và ‘as soon as possible’. Những từ này không có ý nghĩa nào đặc biệt quan trọng trong câu và khiến người viết mất đi vị trí trung lập của mình.

Cách khắc phục: ‘The findings of this paper will offer governments several benefits if applied.’

(Tạm dịch: ‘Những phát hiện của báo cáo sẽ đem lại cho các chính phủ nhiều lợi ích nếu được áp dụng.’)

  • Cách khắc phục: Bỏ ‘impressive’, ‘as soon as possible’ và sắp xếp lại các thành phần trong câu.

  • Người viết khôi phục lại góc nhìn khách quan và trung lập của mình khi đưa ra thông tin.

 

Định nghĩa một người hoặc một nhóm người bằng tình trạng cá nhân của họ

Việc sử dụng các cụm tính từ bắt đầu với mạo từ ‘the’ để chỉ một nhóm người cụ thể (ví dụ: ‘the disabled’, ‘the poor’) thể hiện rằng người viết tập trung nhấn mạnh vào tình trạng cá nhân có thể mang tính tiêu cực của nhóm người đó trước khi nhận thức được tính cá nhân (individuality) của họ. Điều này làm giảm đi sự khách quan của bài viết một cách đáng kể bởi nó thể hiện quan điểm có chút thành kiến của người viết, trong khi mọi góc nhìn của một người viết khách quan cần được giữ ở mức trung lập nhất có thể.

Cách khắc phục: Sử dụng danh từ như một thành phần chính trong cụm từ đó thay cho tính từ, cụ thể:

  • Sử dụng các cụm danh từ để mô tả, ví dụ: ‘people living in poverty’.

  • Sử dụng cụm danh từ được bổ trợ bởi tính từ, ví dụ: ‘poor people’.

Dưới đây là một số ví dụ về lỗi này và cách khắc phục:

Ví dụ 1: ‘the homeless.’ (Tạm dịch: ‘những người vô gia cư.’)

Cách khắc phục: ‘people experiencing homelessness.’

(Tạm dịch: ‘những người mà phải trải qua tình trạng vô gia cư.’)

Ví dụ 2: ‘the blind.’ (Tạm dịch: ‘những người mù’.)

Cách khắc phục: ‘people with vision loss.’

(Tạm dịch: ‘những người mất thị giác.’)

Ở cả hai ví dụ trên, sau khi áp dụng cách khắc phục, tính cá nhân của đối tượng được nhắc đến đã được đề cập và nhấn mạnh trước các tình trạng đặc thù của họ, từ đó thể hiện sự tôn trọng tối thiểu cho những đối tượng này và giúp người viết bảo toàn một quan điểm khách quan nhất có thể.

loi-dung-the-gioi-tu

Thể hiện những thành kiến về giới tính

Tính khách quan đòi hỏi các bài viết học thuật không được thể hiện bất kì thành kiến cá nhân nào. Giới tính là một vấn đề lớn nhạy cảm mà người viết thường bỏ sót, dẫn đến những ngôn từ, dù vô tình hay cố ý, thể hiện sự thiếu thận trọng và thiếu tôn trọng dành cho các đối tượng được nhắc đến.

Biểu hiện của thành kiến về giới tính thường nằm ở ngôn ngữ được sử dụng, ví dụ như các danh từ có hậu tố ‘-man’ bởi chúng thể hiện sự mặc định của người viết rằng một số nghề nghiệp phải là nam và một số khác phải là nữ.

Cách khắc phục:

  • Tránh sử dụng các từ chỉ nghề nghiệp kết thúc bằng hậu tố ‘-man’ (ví dụ: ‘policeman’).

  • Sử dụng các từ trung lập về giới tính như ‘they’, ‘them’, ‘theirs’.

Dưới đây là một số ví dụ về lỗi thể hiện thành kiến về giới tính và cách khắc phục:

Ví dụ 1: ‘Policemen are brave and mostly beloved.’ 

(Tạm dịch: ‘Những người cảnh sát nam rất dũng cảm và thường được quý mến.’)

  • Danh từ ‘policemen’ vô tình đã thể hiện một thành kiến về nghề cảnh sát của người viết khi cho rằng tất cả cảnh sát đều phải mang giới tính nam.

Cách khắc phục:

‘Police officers are brave and mostly beloved.’

(Tạm dịch: ‘Những người cảnh sát (bất kể nam hay nữ) rất dũng cảm và thường được quý mến.’)

  • Cách khắc phục: Đổi ‘policemen’ thành ‘police officers’.

  • Với cách sửa này, người viết đã bao gồm cả những người không mang giới tính nam khi nhắc đến nghề cảnh sát, từ đó tránh được các thành kiến về giới tính và giữ được tính khách quan của thông tin. 

loi-dung-tu-phan-biet-gioi-tinh

Ví dụ 2: ‘One who fails several times knows his limits.’

(Tạm dịch: ‘Một người đã từng thất bại nhiều lần sẽ nhận thức được giới hạn của anh ấy.’)

  • Trong ví dụ này, người viết đã mặc định rằng khi nhắc đến một người bất kì, người đó chắc chắn sẽ là nam. 

Cách khắc phục: ‘One who fails several times knows their limits.’

(Tạm dịch: ‘Một người đã từng thất bại nhiều lần sẽ nhận thức được giới hạn của họ.’)

  • Cách khắc phục: Đổi ‘his’ thành ‘their’.

  • Sau khi sửa, câu văn đã trở nên trung lập hơn khi không áp đặt một giới tính cụ thể nào cho đối tượng đang được đề cập.

 

Chỉ đề cập đến một mặt của vấn đề

Đây là điều tối kỵ trong một bài viết học thuật mang tính khách quan. Nhìn nhận vấn đề chỉ từ một chiều hướng duy nhất khiến người viết mất đi tính thuyết phục trong những lập luận của mình bởi họ vô tình đã bỏ sót những khía cạnh quan trọng khác cũng cần được xem xét của vấn đề đó. Những bài viết gặp phải lỗi này thường không đề cập tới các mặt tiêu cực và chỉ tập trung vào những đặc điểm tích cực.

Cách khắc phục: Soi xét vấn đề từ nhiều khía cạnh, bao gồm cả những yếu tố tiêu cực.

Dưới đây là một ví dụ về lỗi này và cách khắc phục:

Ví dụ 1: ‘This method is suitable for many age groups and exerts little influence on the environment. Therefore, it should be widely implemented.’ 

(Tạm dịch: ‘Phương pháp này vừa phù hợp với nhiều lứa tuổi lại gây ra rất ít ảnh hưởng xấu tới môi trường. Vì vậy, nó nên được áp dụng rộng rãi.’)

  • Ở ví dụ này, người viết đã đưa ra một kết luận vội vàng và mang rủi ro cao do sự thiếu khách quan khi chỉ tập trung phân tích các điểm tích cực của phương pháp.

Cách khắc phục:

‘This method is suitable for many age groups and exerts little influence on the environment. However, it should be implemented with caution due to the high initial costs.’

(Tạm dịch: ‘Phương pháp này vừa phù hợp với nhiều lứa tuổi lại gây ra rất ít ảnh hưởng xấu tới môi trường. Tuy nhiên, quá trình áp dụng phương pháp nên được thực hiện một cách thận trọng bởi chi phí áp dụng ban đầu là rất cao.’)

  • Cách khắc phục: Đề cập tới cả các điểm tiêu cực trước khi đưa ra kết luận.

  • Câu văn này thể hiện rằng người viết đã nhìn nhận vấn đề từ nhiều chiều hướng khác nhau, từ đó tăng tính khách quan và độ chính xác cho kết luận cuối cùng của họ. 

loi-nhin-nhan-theo-mot-chieu

Lập luận thiếu bằng chứng xác thực

Lỗi này xuất hiện khi người viết rút ra một luận điểm lớn từ một trải nghiệm hoàn toàn cá nhân của mình. Vì tính chính xác của trải nghiệm đó không được kiểm chứng rõ ràng với các bằng chứng cụ thể, luận điểm đưa ra sẽ không giữ được tính thuyết phục và khách quan của nó.

Cách khắc phục: Chỉ sử dụng trải nghiệm cá nhân như một vài ví dụ chứng minh và sử dụng các dẫn chứng xác thực để bổ trợ cho một luận điểm lớn trong bài.

Dưới đây là một ví dụ về lỗi này và cách khắc phục:

Ví dụ 1:

‘My younger brother plays video games all day, which suggests that the number of teenagers playing games nowadays has increased compared to 10 years ago.’ 

(Tạm dịch: ‘Em trai tôi chơi trò chơi điện tử suốt ngày. Điều này có nghĩa là số lượng thanh thiếu niên chơi điện tử so với 10 năm về trước đã tăng lên.’)

  • Luận điểm được đưa ra trong câu văn này mang tính chủ quan rất cao bởi đây là một thông tin được đưa ra dựa trên quan sát cá nhân chưa được kiểm chứng cụ thể của người viết.

Cách khắc phục: ‘According to UNICEF, the number of teenagers playing games nowadays has increased by 23% compared to 10 years ago.’ 

(Tạm dịch: ‘Theo UNICEF, số lượng thanh thiếu niên chơi điện tử so với 10 năm về trước đã tăng thêm 23%.’)

  • Cách khắc phục: Thêm nguồn tham chiếu có độ tin cậy cao.

  • Với cách sửa này, ngoài việc thực hiện đúng nhiệm vụ là nghiên cứu và cung cấp thông tin một cách khách quan, người viết còn đảm bảo được tính chính xác của thông tin mà mình đưa ra trong bài viết. 

luan-diem-khong-chat-che

Tổng kết

Bài viết này đã khái lược định nghĩa của Academic Writing và tính khách quan trong bài viết học thuật, đồng thời phân tích tầm quan trọng của đặc trưng này trong Academic Writing. Bài viết cũng đã phân tích 7 lỗi thường gặp cùng với một số ví dụ hình dung mà một người viết bài viết học thuật nên tránh để bảo toàn được sự khách quan của mình xuyên suốt nội dung trong bài.

Nguyễn Hồng Oanh

Tham khảo thêm lớp học IELTS online tại ZIM Academy, giúp người học nâng band điểm IELTS và học tập linh hoạt, chủ động sắp xếp lịch học, đảm bảo kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu