Từ vựng tiếng Anh theo cấp độ của CEFR và các chủ đề cần biết
Key takeaways
A1 yêu cầu khoảng 500 từ vựng cơ bản.
A2 yêu cầu khoảng 1.000-1.500 từ liên quan đến các lĩnh vực quen thuộc.
B1 cần 2.000-2.500 từ vựng để giao tiếp trong các tình huống quen thuộc và đời sống hàng ngày.
C1 cần khoảng 4.000-4.700 từ vựng để sử dụng ngôn ngữ một cách lưu loát, chính xác.
C2 cần khoảng 4.000-4.700 từ vựng - sử dụng ngôn ngữ như người bản xứ.
Học từ vựng là một phần thiết yếu để thành thạo Tiếng Anh, và số lượng từ cần học thay đổi tùy theo trình độ của người học. Dựa trên Khung tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu (CEFR), người học trải qua sáu cấp độ (A1 đến C2), mỗi cấp độ đòi hỏi số lượng từ vựng nhất định để đạt được sự thành thạo. Bài viết dưới đây ước tính số lượng từ vựng tiếng Anh theo cấp độ của CERF và gợi ý một số chủ đề phù hợp với từng trình độ.
Số lượng từ vựng tiếng Anh theo cấp độ của thang CEFR
Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (CEFR - Common European Framework of Reference for Languages) là tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng để mô tả khả năng ngôn ngữ của người học. CEFR phân chia trình độ ngôn ngữ thành 6 cấp độ từ thấp đến cao: A1, A2 (Sơ cấp), B1, B2 (Trung cấp), C1, C2 (Cao cấp). Hệ thống này giúp đánh giá kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết một cách toàn diện, rõ ràng và chuẩn hóa.
Mỗi cấp bậc của CEFR yêu cầu độ thành thạo về các kỹ năng ngôn ngữ cũng như số lượng từ vựng khác nhau. Dưới đây là ước tính số lượng từ vựng mà người học cần biết theo từng cấp độ [1]:
Cấp độ | Số lượng từ vựng |
---|---|
A1 | 500 từ |
A2 | 1.000-1.500 từ |
B1 | 2.000-2.500 từ |
B2 | 3.000-3.700 từ |
C1 | 4.000-4.700 từ |
C2 | >5000 từ |
Cấp độ A1 (Cơ bản)
Ở cấp độ cơ bản nhất, người học cần nắm khoảng 500 từ vựng cơ bản để hiểu và sử dụng các cụm từ quen thuộc trong các tình huống hàng ngày. Người học có thể giới thiệu bản thân và người khác, hỏi và trả lời các câu hỏi đơn giản về thông tin cá nhân như địa chỉ, nghề nghiệp, và sở thích [2].
Ngoài ra, người học có thể hiểu và sử dụng các mẫu câu ngắn, thường xuyên được lặp lại. Các chủ đề mà người học cần nắm có thể kể đến: gia đình, giới thiệu bản thân, chào hỏi, màu sắc, số đếm, thời tiết, phương tiện,…
Tham khảo thêm: Bộ từ vựng tiếng Anh trình độ A1 thông dụng
Cấp độ A2 (Tiền trung cấp)
Cấp độ A2 đòi hỏi người học mở rộng vốn từ vựng khoảng 1.000 - 1.500 từ, tập trung vào các cụm từ và cấu trúc thường dùng liên quan đến các lĩnh vực quen thuộc. Người học có thể hiểu các câu và biểu đạt ngắn về các chủ đề như du lịch, mua sắm, cảm xúc, sở thích, công việc,… [3]
Với số lượng từ vựng trình độ A2 này, người học cũng có thể giao tiếp đơn giản trong các tình huống quen thuộc như mua hàng, đặt phòng khách sạn, hoặc hỏi đường. Về kỹ năng viết, người học có thể viết các đoạn văn ngắn và sử dụng các thì cơ bản như hiện tại, quá khứ đơn và tương lai gần.
Cấp độ B1 (Trung cấp)
Ở cấp độ này, người học cần nắm khoảng 2.000 - 2.500 từ vựng để giao tiếp hiệu quả hơn trong các tình huống quen thuộc và đời sống hàng ngày. Nhờ đó, người học có thể tham gia vào các cuộc hội thoại dài hơn, bày tỏ ý kiến, mô tả kinh nghiệm, hoặc kể lại một câu chuyện.
Trong kỹ năng viết, người học có đủ lượng từ vựng để viết đoạn văn miêu tả các sự kiện, ước mơ hoặc kế hoạch trong tương lai, sử dụng đa dạng các thì ngữ pháp và cấu trúc câu phức hơn. Một số chủ đề phù hợp với trình độ này là cảm xúc, các hoạt động giải trí, thể thao, sức khoẻ,… [4]
Cấp độ B2 (Trung cấp cao)
Người học ở cấp độ B2 cần thành thạo khoảng 3.000 - 3.700 từ vựng để có thể xử lý các đoạn hội thoại và văn bản phức tạp hơn, cũng như tham gia vào các cuộc thảo luận về học thuật hoặc công việc.
Người học có khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt hơn, có thể hiểu ý chính trong các đoạn văn học thuật hoặc kỹ thuật thuộc lĩnh vực quen thuộc, bày tỏ quan điểm cá nhân một cách rõ ràng và chi tiết. Về kỹ năng viết, người học có khả năng viết bài luận, thư từ hoặc văn bản dài, lập luận logic và thuyết phục. Các chủ đề mà người học có thể tìm hiểu để nâng cao vốn từ là giáo dục, truyền thông, khoa học, môi trường, và các vấn đề xã hội [5].
Cấp độ C1 (Cao cấp)
Ở cấp độ C1, người học cần khoảng 4.000 - 4.700 từ vựng và có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách lưu loát, chính xác trong cả môi trường học thuật lẫn công việc chuyên nghiệp. Người học có thể hiểu các văn bản dài, phức tạp và nhận ra các sắc thái ý nghĩa, đồng thời có thể diễn đạt ý tưởng chi tiết, rõ ràng về các chủ đề phức tạp.
Cấp độ này cũng bao gồm việc sử dụng ngôn ngữ linh hoạt để điều chỉnh giọng điệu, phong cách phù hợp với từng đối tượng giao tiếp. Với kỹ năng viết, người học có thể viết các báo cáo, bài luận học thuật hoặc văn bản chuyên môn một cách chính xác và mạch lạc.
Một vài chủ đề mà người học ở trình độ C1 có thể tham khảo là công nghệ, khoa học, kinh tế, chính trị, các vấn đề thời sự,… [6]
Cấp độ C2 (thành thạo)
Để đạt được cấp độ cao nhất trong hệ thống CEFR, người học cần nắm khoảng trên 5.000 để sử dụng ngôn ngữ như người bản xứ trong các tình huống phức tạp và chuyên sâu. Người học ở cấp độ này có thể hiểu hoàn toàn hầu hết các loại văn bản và hội thoại, kể cả khi có nội dung trừu tượng hoặc ẩn dụ.
Bên cạnh đó, trong cả kỹ năng viết và nói, người học có thể ứng biến linh hoạt và bày tỏ ý tưởng của mình một cách sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh. Các lĩnh vực phù hợp với trình độ C2 có thể kể đến công nghệ thông tin, nghệ thuật, môi trường, tự nhiên và các vấn đề xã hội,… [7]
Phương pháp mở rộng vốn từ vựng
Đọc đa dạng tài liệu
Việc đọc các tài liệu tiếng Anh tạo cơ hội để người học tiếp xúc với từ ngữ trong các ngữ cảnh phong phú và thực tế. Khi đọc sách, báo, truyện, hoặc blog, người học không chỉ học từ mới mà còn hiểu cách sử dụng chúng trong câu và tình huống cụ thể. Ngoài ra, phương pháp này còn hỗ trợ nâng cao khả năng ngữ pháp nhờ học hỏi các cấu trúc câu đa dạng được sử dụng trong văn bản.
Để áp dụng phương pháp này, hãy chọn tài liệu phù hợp với trình độ và sở thích của mình. Trong quá trình đọc, ghi chú lại các từ vựng chưa biết, tra cứu nghĩa và ví dụ sử dụng. Sau đó, hãy tạo câu riêng để luyện tập, để ghi nhớ từ tốt hơn và sử dụng linh hoạt hơn trong giao tiếp.
Xem phim, video ngắn
Người học có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để xem phim hoặc video ngắn bằng tiếng Anh. Thông qua ngữ cảnh trong phim, người học có thể hiểu và biết cách sử dụng từ vựng, đồng thời cải thiện cả kỹ năng nghe và phát âm. Ví dụ, câu thoại "Can I be any more clear?" là một cách biểu đạt cảm xúc mạnh mẽ, thường được dùng để nhấn mạnh hoặc bày tỏ sự khó chịu khi người khác không hiểu ý mình.
Xem thêm: Điều chỉnh chiến lược học từ vựng phù hợp với các ngữ cảnh khác nhau
Nghe podcast
Podcast cung cấp nội dung phong phú về các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, sức khỏe và cuộc sống hàng ngày, giúp người học mở rộng kiến thức một cách linh hoạt. Khi nghe podcast tiếng Anh, bạn nên bắt đầu bằng cách nghe toàn bộ tập để hiểu ý chính, sau đó tập trung vào các chi tiết và ghi lại những từ mới hoặc cụm từ quan trọng nhằm phục vụ cho việc tra cứu sau này.
Sử dụng từ điển đồng nghĩa
Bên cạnh việc sử dụng các từ điển phổ biến như Oxford hay Cambridge Dictionary để tra từ mới, người học cũng có thể sử dụng thêm từ điển đồng nghĩa. Ví dụ, khi tra từ “important”, người học sẽ biết thêm các từ đồng nghĩa khác như “crucial”, “significant”, “essential” cùng với ví dụ và ngữ cảnh sử dụng của chúng. Điều này giúp tạo mối liên kết để người học nhớ từ vựng tốt hơn, đồng thời làm phong phú cách diễn đạt trong cả nói và viết.
Phương pháp nhớ từ vựng hiệu quả
Sử dụng sổ ghi từ vựng
Ghi chép từ mới trong một cuốn sổ hoặc thư mục từ vựng (ví dụ theo chủ đề) giúp người học dễ dàng tra cứu từ và thuận tiện khi ôn tập. Mỗi khi gặp từ mới, hãy ghi nghĩa, cách phát âm, và câu ví dụ minh họa. Để tăng hiệu quả, bạn có thể bổ sung các từ đồng nghĩa, cụm từ thường đi kèm (collocation) hoặc ngữ cảnh sử dụng. Như vậy, khi ôn lại, người học sẽ hiểu cách từ đó được sử dụng trong ngữ cảnh thực tế, thay vì chỉ nhớ định nghĩa khô khan.
Sử dụng flashcard
Đây là cách học từ vựng truyền thống nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Người học có thể tự làm flashcard bằng giấy hoặc sử dụng những ứng dụng như Quizlet hoặc Anki. Mặt trước của flashcard viết từ vựng tiếng Anh, có thể kèm hình ảnh minh họa để dễ nhớ hơn. Mặt sau gồm các mục sau: Nghĩa của từ (tiếng Việt hoặc tiếng Anh), ví dụ câu sử dụng từ đó, các từ đồng nghĩa và trái nghĩa (nếu có).
Áp dụng phương pháp lặp lại ngắt quãng (spaced repetition)
Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng) là một phương pháp ghi nhớ hiệu quả dựa trên việc ôn luyện thông tin theo những khoảng thời gian được tính toán hợp lý. Thay vì học tất cả từ vựng trong một lần, phương pháp này khuyến khích người học ôn lại từ mới ở các mốc thời gian tăng dần.
Để thực hiện, trước tiên hãy chọn số lượng từ vựng phù hợp và phân loại chúng theo chủ đề hoặc mức độ khó. Tiếp theo, lập lịch ôn tập với khoảng cách thời gian hợp lý, chẳng hạn lặp lại từ sau 1 ngày, 3 ngày, 7 ngày. Người cũng có thể linh hoạt kéo dài thời gian ôn dựa trên mức độ nhớ của mình.
Kết nối từ vựng với các tình huống trong cuộc sống
Phương pháp này giúp người nhớ từ nhanh hơn và dễ dàng áp dụng chúng. Chẳng hạn, khi học từ “nervous” (hồi hộp), người có thể liên tưởng đến cảm giác của mình trước một buổi thuyết trình quan trọng. Từ đó, tạo các kịch bản như: “I feel nervous before speaking in front of a large audience”.
Xem thêm: Chiến lược học từ vựng dựa trên yếu tố cá nhân, nhiệm vụ và ngữ cảnh
Ghi nhớ bằng liên tưởng
Phương pháp mnemonics (ghi nhớ bằng liên tưởng) là cách tạo liên kết thú vị để ghi nhớ từ mới. Ví dụ, để nhớ từ gigantic (to lớn), người học có thể liên tưởng đến hình ảnh một người khổng lồ đang "giữ gậy" (giant stick). Những hình ảnh hài hước hoặc câu chuyện liên tưởng sẽ làm từ vựng trở nên sống động và giúp người học nhớ lâu hơn.
Tổng kết
Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc của người học về số lượng từ vựng tiếng Anh theo cấp độ của CEFR. Để có thể mở rộng vốn từ và học từ hiệu quả, người học nên chọn ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân và thực hành thường xuyên. Ngoài ra, nên vận dụng từ vựng trong cả cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm hướng đến phát triển toàn diện khả năng ngôn ngữ.
Ngoài ra, để sử dụng từ vựng linh hoạt trong những ngữ cảnh thực tế, người học có thể luyện Speaking mỗi ngày và nhận phản hồi tức thì với Chu Du Speak. Đây là một Trợ lý ngôn ngữ AI được phát triển bởi ZIM Academy, tích hợp đầy đủ các đặc điểm của văn nói, giúp người học mở rộng vốn từ và cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh với các cuộc hội thoại đa dạng chủ đề trong cuộc sống và công việc.
Nguồn tham khảo
“How Many Words Do You Need to Know to Be Fluent in English?.” Promova, promova.com/blog/how-many-words-do-you-need-to-know-to-be-fluent-in-english. Accessed 20 December 2024.
“A1 Pre-intermediate.” British Council, earnenglish.britishcouncil.org/english-levels/understand-your-english-level/a1-elementary. Accessed 20 December 2024.
“A2 Pre-intermediate.” British Council, learnenglish.britishcouncil.org/english-levels/understand-your-english-level/a2-pre-intermediate. Accessed 20 December 2024.
“Study English level B1.” English Radar, www.englishradar.com/english-levels/english-level-b1/. Accessed 20 December 2024.
“Destination B2.” Macmillan, Accessed 20 December 2024.
“Study English level C1.” English Radar, www.englishradar.com/english-levels/english-level-c1/. Accessed 20 December 2024.
“Study English level C2.” English Radar, www.englishradar.com/english-levels/english-level-c2/. Accessed 20 December 2024.
Bình luận - Hỏi đáp