Banner background

Ứng dụng mô hình học tập hợp tác để nâng cao kỹ năng Speaking IELTS

Ứng dụng mô hình học tập hợp tác để nâng cao kỹ năng Speaking IELTS hiệu quả qua tương tác, phản hồi và thực hành có định hướng.
ung dung mo hinh hoc tap hop tac de nang cao ky nang speaking ielts

Key takeaways

Học tập hợp tác (Cooperative learning) là một hình thức tổ chức dạy học trong đó người học được phân chia thành các nhóm nhỏ có sự đa dạng về năng lực, và cùng nhau thực hiện nhiệm vụ học tập, giải quyết vấn đề hoặc hoàn tất dự án.

Cách ứng dụng mô hình học tập hợp tác:

  • Three-step Interview

  • Jigsaw task

  • Role-play with peer feedback

  • Think – Pair – Share

  • Mini IELTS speaking test

Trong quá trình ôn luyện IELTS, kỹ năng Speaking thường khiến người học gặp nhiều khó khăn do thiếu môi trường thực hành và phản hồi hiệu quả. Một giải pháp tiềm năng cho vấn đề này là áp dụng mô hình học tập hợp tác – nơi người học cùng làm việc, hỗ trợ và phản biện lẫn nhau để phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Không chỉ tạo động lực học tập, mô hình này còn giúp người học rèn luyện tư duy phản biện, cải thiện sự lưu loát và tự tin khi giao tiếp. Bài viết này sẽ phân tích cách ứng dụng mô hình học tập hợp tác để nâng cao kỹ năng Speaking IELTS.

Sơ lược về bài thi IELTS Speaking

Bài thi IELTS Speaking kéo dài từ 11 đến 14 phút và bao gồm 3 phần:

  • Part 1: Introduction and Interview (4–5 phút) – Giám khảo sẽ hỏi các câu hỏi đơn giản về bản thân thí sinh như công việc, học tập, sở thích, thói quen hằng ngày, v.v.

  • Part 2: Long Turn (3–4 phút) – Thí sinh được phát một đề bài yêu cầu nói về một chủ đề cụ thể. Sau 1 phút chuẩn bị, thí sinh sẽ nói liên tục trong khoảng 2 phút.

  • Part 3: Discussion (4–5 phút) – Giám khảo đặt câu hỏi nâng cao liên quan đến chủ đề ở Part 2, yêu cầu thí sinh phân tích, so sánh, hoặc nêu quan điểm.

Điểm số phần Speaking được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí: fluency and coherence, lexical resource, grammatical range and accuracy, và pronunciation. Để đạt điểm cao, thí sinh không chỉ cần biết nói đúng mà còn phải biết tương tác hiệu quả, ứng biến linh hoạt, và truyền đạt tư duy rõ ràng – những kỹ năng khó đạt được nếu chỉ luyện tập một mình hoặc luyện theo kiểu học thuộc câu trả lời mẫu.

Khó khăn thường gặp trong bài thi IELTS Speaking

Khắc phục khó khăn học ngôn ngữ

Tâm lý sợ sai và hạn chế trong giao tiếp

Một bộ phận lớn người học tiếng Anh – đặc biệt tại các quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngoại ngữ – thường có xu hướng lo ngại khi sử dụng ngôn ngữ này trong giao tiếp. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý sợ mắc lỗi về phát âm, ngữ pháp, hoặc diễn đạt không chính xác.

Tình trạng này dẫn đến việc người học e dè khi phát biểu, phát triển tư duy bằng tiếng Anh một cách thụ động, từ đó ảnh hưởng đến độ trôi chảy và sự tự nhiên trong bài nói. Đây là một rào cản đáng kể đối với việc cải thiện tiêu chí fluency and coherence trong chấm điểm Speaking.

Thiếu phản hồi khách quan và kịp thời

Trong quá trình luyện nói, phản hồi mang tính xây dựng có vai trò quan trọng đối với việc nhận diện và điều chỉnh lỗi ngôn ngữ. Tuy nhiên, nhiều người học luyện tập trong môi trường ít có sự tương tác (ví dụ: tự luyện hoặc học một chiều với giáo viên) nên không thường xuyên nhận được phản hồi kịp thời hoặc từ nhiều góc nhìn.

Điều này khiến người học khó phát hiện và sửa chữa các lỗi sai mang tính hệ thống, đặc biệt là các vấn đề về diễn đạt, tổ chức ý tưởng và sử dụng từ vựng phù hợp ngữ cảnh.

Phản xạ ngôn ngữ chậm và xu hướng học thuộc mẫu câu

Một số người học lựa chọn chiến lược học thuộc các mẫu câu trả lời theo chủ đề phổ biến trong IELTS Speaking. Tuy cách tiếp cận này có thể hỗ trợ trong giai đoạn đầu, nhưng nó không phát triển năng lực phản xạ ngôn ngữ – tức khả năng hình thành câu nói và xử lý ngữ liệu trong thời gian thực.

Khi gặp những chủ đề không quen thuộc hoặc được yêu cầu đưa ra quan điểm mang tính phân tích trong Part 3, người học dễ lúng túng hoặc diễn đạt thiếu chiều sâu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu chí lexical resource và grammatical range trong chấm điểm.

Thiếu động lực và tính duy trì trong luyện tập

Luyện kỹ năng nói là một quá trình liên tục và cần nhiều thời gian để thấy sự tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, với đặc điểm là kỹ năng khó đo lường và ít có điểm số cụ thể trong quá trình luyện tập, người học dễ rơi vào trạng thái thiếu động lực hoặc luyện tập gián đoạn. Việc học tập cá nhân trong thời gian dài cũng có thể tạo cảm giác đơn độc, từ đó ảnh hưởng đến tính kiên trì và hiệu quả của quá trình ôn luyện.

Những hạn chế nêu trên cho thấy rằng việc luyện kỹ năng Speaking hiệu quả không thể tách rời yếu tố môi trường và hình thức học tập. Trong bối cảnh đó, mô hình học tập hợp tác (cooperative learning) – với đặc điểm nổi bật là tính tương tác, trách nhiệm cá nhân và hỗ trợ lẫn nhau – có thể đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết những vấn đề nêu trên.

Xem thêm: Cách tạo động lực cho học viên khi giảng dạy IELTS Speaking

Mô hình học tập hợp tác

Mô hình học tập hợp tác là gì?

Học tập hợp tác (Cooperative learning) là một hình thức tổ chức dạy học trong đó người học được phân chia thành các nhóm nhỏ có sự đa dạng về năng lực, và cùng nhau thực hiện nhiệm vụ học tập, giải quyết vấn đề hoặc hoàn tất dự án. Trong quá trình này, giáo viên đóng vai trò như người định hướng và tạo điều kiện để các thành viên trong nhóm tương tác hiệu quả và đạt được mục tiêu chung [1].

Khái niệm học tập hợp tác được phát triển sâu rộng từ thập niên 1970 bởi hai học giả David W. Johnson và Roger T. Johnson tại Đại học Minnesota. Trong các tác phẩm tiêu biểu Active Learning: Cooperation in the College Classroom [2]Cooperation in the Classroom [3], họ đã xây dựng nền tảng lý thuyết và thực hành cho mô hình này, khẳng định rằng việc học hiệu quả đòi hỏi phải tổ chức hợp tác có cấu trúc giữa người học.

Về mặt lý thuyết, mô hình học tập hợp tác chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ thuyết kiến tạo xã hội (social constructivism), đặc biệt là quan điểm của Vygotsky về vùng phát triển gần (Zone of Proximal Development – ZPD) [4], trong đó người học phát triển nhận thức tốt hơn thông qua tương tác có định hướng với người khác. Điều này đặc biệt phù hợp với việc giảng dạy kỹ năng nói trong ngôn ngữ thứ hai, bởi kỹ năng này cần được xây dựng qua thực hành giao tiếp đa chiều trong môi trường giàu tương tác.

Mô hình học tập hợp tác không đơn thuần là việc phân nhóm người học để làm việc chung, mà là một hệ thống sư phạm có cấu trúc rõ ràng. Theo David W. Johnson và Roger T. Johnson, năm yếu tố sau đây là nền tảng giúp phân biệt học tập hợp tác với hình thức học nhóm thông thường:

Phát triển kỹ năng qua học tập hợp tác

Sự phụ thuộc tích cực (Positive interdependence)

Đây là nguyên lý trung tâm của học tập hợp tác, yêu cầu các thành viên trong nhóm phải gắn bó và dựa vào nhau để cùng đạt được mục tiêu học tập. Thành công của mỗi cá nhân phụ thuộc vào sự thành công của cả nhóm, và ngược lại.

Người học cảm thấy có trách nhiệm hỗ trợ nhau về kiến thức, giải thích, và hướng dẫn – nếu một thành viên thất bại, cả nhóm cũng không thể đạt được kết quả như mong đợi. Điều này khuyến khích sự hợp tác thực chất thay vì cạnh tranh cá nhân.

Trách nhiệm cá nhân (Individual accountability)

Dù học tập trong nhóm nhưng mỗi cá nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về phần việc của mình. Điều này giúp đảm bảo rằng không ai “ăn theo” nỗ lực của người khác.

Người học cần thể hiện sự chủ động không chỉ trong việc tiếp thu kiến thức cho bản thân mà còn trong việc hỗ trợ người khác học tập. Giáo viên cần thiết kế nhiệm vụ sao cho có thể đánh giá được sự đóng góp của từng cá nhân trong tiến trình chung.

Tương tác thúc đẩy (Promotive interaction)

Yếu tố này đề cập đến việc khuyến khích giao tiếp trực tiếp giữa các thành viên nhằm cùng giải quyết nhiệm vụ học tập. Người học cần nói chuyện, trao đổi, hướng dẫn lẫn nhau, đặt câu hỏi và cung cấp phản hồi mang tính xây dựng.

Quá trình này không chỉ nâng cao kỹ năng làm việc nhóm mà còn giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ và tư duy phản biện – đặc biệt hữu ích trong việc phát triển kỹ năng nói tiếng Anh.

Kỹ năng xã hội và giao tiếp nhóm (Interpersonal and social skills)

Hiệu quả của mô hình học tập hợp tác phụ thuộc vào mức độ thành thạo của người học trong các kỹ năng mềm như lắng nghe, diễn đạt rõ ràng, đưa ra phản hồi mang tính xây dựng, giải quyết xung đột và đưa ra quyết định chung.

Vì không phải người học nào cũng đã có sẵn các kỹ năng này, giáo viên cần hướng dẫn cụ thể trước khi triển khai hoạt động nhóm. Vai trò của giáo viên lúc này là người điều phối, hướng dẫn và hỗ trợ, thay vì chỉ đơn thuần là người đánh giá kết quả đầu ra.

Quá trình vận hành nhóm (Group processing)

Yếu tố cuối cùng liên quan đến việc nhóm cùng nhau xem xét lại hiệu quả làm việc sau mỗi hoạt động. Các thành viên được khuyến khích phản ánh về những điều đã làm tốt, những điểm cần cải thiện, và cách phát triển kỹ năng cho tương lai.

Đây không phải là quá trình chỉ trích, mà là một cơ hội để nâng cao nhận thức về cách học và làm việc nhóm. Giáo viên có thể hỗ trợ bằng cách quan sát, đưa ra phản hồi, hoặc tổ chức các phiên đánh giá mang tính xây dựng.

So sánh học tập hợp tác với các mô hình học tập khác

Học cá nhân

Áp lực học tập trước kỳ thi cuối kỳ

Hình thức này có ưu điểm về tính linh hoạt, phù hợp với người học có khả năng tự định hướng tốt. Tuy nhiên, đối với kỹ năng nói – vốn đòi hỏi sự tương tác và phản xạ trong thời gian thực – học cá nhân bộc lộ nhiều hạn chế.

Cụ thể, người học khó nhận biết lỗi sai trong phát âm, ngữ pháp hay cách tổ chức câu trả lời nếu không có phản hồi từ bên ngoài. Bên cạnh đó, việc luyện tập một mình dễ dẫn đến cảm giác nhàm chán, thiếu động lực và không duy trì được tần suất luyện nói đều đặn.

Trong khi đó, mô hình học tập hợp tác tạo ra môi trường giao tiếp tự nhiên, khuyến khích người học sử dụng tiếng Anh một cách chủ động và liên tục, từ đó góp phần hình thành phản xạ ngôn ngữ và nâng cao sự tự tin trong giao tiếp.

Học theo nhóm thông thường

Mâu thuẫn trong giao tiếp nhóm làm việc

Mặc dù có sự tương tác nhất định, hình thức này thường thiếu tính tổ chức và phân công rõ ràng, dẫn đến sự chênh lệch về mức độ tham gia giữa các thành viên. Một số người có thể chiếm ưu thế trong quá trình thảo luận, trong khi những người khác lại tham gia một cách thụ động, dẫn đến hiệu quả không đồng đều.

Ngược lại, mô hình học tập hợp tác hướng tới tối ưu hóa hiệu suất học tập của từng cá nhân trong môi trường nhóm, thông qua các chiến lược sư phạm được thiết kế nhằm bảo đảm sự tham gia tích cực, công bằng và hiệu quả.

Đặc biệt, mô hình này thường được triển khai dưới dạng nhiệm vụ cụ thể có cấu trúc – chẳng hạn như luyện nói theo cặp với luân phiên vai trò, phản biện có kiểm soát, hoặc đóng vai tình huống – qua đó tạo điều kiện cho mọi thành viên rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ, tư duy phản biện và diễn đạt mạch lạc trong ngữ cảnh.

Nhờ cấu trúc này, mô hình học tập hợp tác giúp người học vừa phát triển kỹ năng ngôn ngữ, vừa nâng cao kỹ năng làm việc nhóm – một lợi thế không chỉ trong kỳ thi mà còn trong môi trường học thuật và nghề nghiệp sau này.

Công dụng của mô hình học tập hợp tác

Công dụng của học tập hợp tác

Tác động tích cực đến các thành phần của kỹ năng nói

Một trong những đóng góp rõ rệt nhất của học tập hợp tác là khả năng cải thiện các thành phần cốt lõi của kỹ năng nói [1,5,6], bao gồm:

  • Sự lưu loát (fluency): Người học được luyện tập thường xuyên trong môi trường có kiểm soát, từ đó hình thành phản xạ ngôn ngữ tự nhiên hơn.

  • Độ chính xác ngữ pháp (grammatical accuracy)vốn từ vựng (vocabulary): Qua các hoạt động nhóm có tổ chức như tái tạo hội thoại, đóng vai tình huống, người học có cơ hội sửa lỗi và mở rộng ngôn ngữ đầu ra.

  • Phát âm (pronunciation): Việc thường xuyên thực hành giao tiếp giúp người học điều chỉnh ngữ âm thông qua phản hồi từ bạn học.

  • Giao tiếp tương tác (interactive communication): Mô hình học tập hợp tác nhấn mạnh đến sự trao đổi hai chiều, giúp người học rèn luyện kỹ năng ngắt lời, đặt câu hỏi, duy trì hội thoại – những tiêu chí được đánh giá trực tiếp trong IELTS Speaking.

Thúc đẩy sự tích cực và tự tin

Học tập hợp tác có tác động tích cực đến động lực nội tại và sự tự tin [1,5,6]. Khi người học cảm thấy được kết nối với nhóm, có quyền làm chủ quá trình học và nhận được phản hồi tích cực, họ sẽ cảm thấy hứng thú hơn với việc luyện nói.

Việc được giao nhiệm vụ rõ ràng trong bối cảnh hợp tác, thay vì cạnh tranh, cũng giúp giảm đáng kể sự lo âu khi giao tiếp bằng ngoại ngữ, từ đó tăng sự sẵn sàng tham gia và thử thách bản thân trong các nhiệm vụ nói.

Sự phát triển về mặt động lực và niềm tin vào năng lực bản thân này đóng vai trò then chốt trong quá trình chuẩn bị cho bài thi IELTS Speaking – nơi mà tâm lý ổn định và khả năng ứng khẩu tự nhiên thường ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bài nói.

Tạo dựng môi trường học tập thân thiện và hỗ trợ

Trong mô hình học tập hợp tác, người học là trung tâm của quá trình kiến tạo tri thức, còn giáo viên đóng vai trò hướng dẫn và điều phối. Cách tiếp cận này giúp tạo ra một không gian học tập thân thiện, ít áp lực, khuyến khích sự cộng tác và tôn trọng lẫn nhau. Việc học tập trong bầu không khí an toàn về tâm lý khiến người học cảm thấy thoải mái hơn khi nói tiếng Anh, kể cả khi chưa hoàn thiện về ngôn ngữ [1,5].

Giải quyết vấn đề thiếu tương tác trong lớp học truyền thống

Một trong những hạn chế lớn nhất của phương pháp dạy học truyền thống là sự thiếu tương tác thực chất giữa các người học. Mô hình học tập hợp tác được xem là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này khi thiết kế hoạt động buộc các người học phải tương tác để hoàn thành mục tiêu chung.

Việc thường xuyên trao đổi, đặt câu hỏi, phản hồi và xây dựng ý tưởng giúp lớp học trở nên năng động hơn, đồng thời tạo điều kiện cho việc phát triển năng lực diễn đạt và thuyết trình bằng tiếng Anh [6].

Xem thêm: Tận dụng Neuroplasticity để nâng cao khả năng học ngôn ngữ trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi IELTS

Ứng dụng mô hình học tập hợp tác để nâng cao kỹ năng Speaking IELTS

Mô hình học tập hợp tác trong Speaking
Ứng dụng mô hình học tập hợp tác trong Speaking

Three-step interview – Rèn luyện phản xạ và cấu trúc trả lời Speaking Part 1

Three-Step interview là một hoạt động kinh điển trong học tập hợp tác, phù hợp để luyện tập các câu hỏi ngắn và cá nhân trong IELTS Speaking Part 1. Mỗi người học được ghép cặp và trải qua ba bước: (1) phỏng vấn bạn mình, (2) đổi vai để được phỏng vấn lại, và (3) chia sẻ với người khác nội dung câu trả lời của bạn mình. Quá trình này không chỉ giúp người học luyện tập diễn đạt bản thân mà còn phát triển kỹ năng lắng nghe chủ động và ghi nhớ thông tin.

Với cấu trúc rõ ràng và luân phiên vai trò, hoạt động này tạo điều kiện cho tất cả người học được nói và lắng nghe. Điều này đặc biệt hữu ích với người học còn rụt rè hoặc thiếu tự tin khi phát biểu trong lớp. Thêm vào đó, việc diễn đạt lại câu trả lời của người khác bằng ngôn ngữ của chính mình giúp củng cố vốn từ và ngữ pháp ở cấp độ thực hành giao tiếp.

Giáo viên có thể sử dụng các câu hỏi mẫu tương tự đề thi thật như “What do you usually do at the weekend?” hoặc “Do you like going to the cinema?” để tạo tính mô phỏng. Sau ba bước phỏng vấn, người học phải giới thiệu bạn mình trước nhóm lớn bằng ngôn ngữ của chính họ, qua đó củng cố khả năng diễn đạt.

Jigsaw task – Nâng cao kỹ năng tổ chức và phát triển ý tưởng trong Speaking Part 2

Speaking Part 2 yêu cầu nói liên tục trong vòng 1–2 phút về một chủ đề cho sẵn. Đây là phần gây áp lực cho nhiều người học vì yêu cầu tổ chức ý tưởng mạch lạc trong thời gian ngắn. Hoạt động Jigsaw trong học tập hợp tác giúp người học phát triển kỹ năng này bằng cách chia nhỏ chủ đề thành các phần cụ thể, sau đó mỗi thành viên trong nhóm phụ trách một phần nội dung trước khi ghép lại thành bài nói hoàn chỉnh.

Ví dụ, với chủ đề “Describe a place you would like to visit”, người học A có thể trình bày về địa điểm và lý do muốn đến, người học B nói về những điều có thể làm ở đó, và người học C miêu tả cảm xúc mong đợi. Sau khi chuẩn bị cá nhân, các người học hợp tác để ghép các phần lại và hỗ trợ nhau hoàn chỉnh bài nói. Cách làm này không chỉ rèn luyện kỹ năng trình bày theo cấu trúc mà còn xây dựng tinh thần phụ thuộc tích cực – một trong năm nguyên lý cốt lõi của mô hình học tập hợp tác. người học thấy mình đóng vai trò thiết yếu trong việc đóng góp vào sản phẩm chung, từ đó nâng cao trách nhiệm và sự tham gia chủ động.

 Role-play with peer feedback – Thực hành tranh luận và lập luận trong Speaking Part 3

Ở Part 3, người học cần thể hiện tư duy phản biện, đưa ra và bảo vệ quan điểm của mình, so sánh các quan điểm xã hội và lý giải. Hoạt động đóng vai (role-play) trong nhóm học tập hợp tác có thể mô phỏng tình huống này bằng cách phân vai: một người ủng hộ, một người phản đối và một người đóng vai trò giám sát hoặc trọng tài. Sau mỗi lượt thảo luận, các thành viên trong nhóm cung cấp phản hồi về nội dung và hình thức, dựa trên tiêu chí IELTS.

Lợi ích của hoạt động này là giúp người học rèn luyện tư duy logic và cách triển khai ý tưởng một cách rõ ràng, đồng thời phát triển năng lực phản hồi bằng ngôn ngữ học thuật.

Ví dụ, với chủ đề “Do you think governments should invest more in public transport?”, người học không chỉ nêu ý kiến đơn lẻ mà còn học cách sử dụng các cụm từ diễn đạt quan điểm như “From my perspective”, “One possible reason is that…”, “In contrast…”, giúp nâng cao chất lượng ngôn ngữ học thuật và tính tương tác. Ngoài ra, hoạt động còn khuyến khích phản hồi mang tính xây dựng, góp phần tạo ra môi trường học tập hỗ trợ.

Think – Pair – Share – Hỗ trợ người học ít tự tin và phát triển lập luận

Think – Pair – Share là một kỹ thuật học tập hợp tác rất hiệu quả với người học còn thiếu tự tin khi nói. Quy trình gồm ba bước: suy nghĩ cá nhân, trao đổi với bạn, rồi chia sẻ trước nhóm hoặc lớp. Điều này giúp người học có thời gian chuẩn bị ý tưởng và từ vựng, đồng thời luyện tập ở quy mô nhỏ trước khi phát biểu công khai. Hoạt động này cũng giúp giáo viên đánh giá được mức độ hiểu bài và khả năng triển khai ý tưởng của từng người học.

Ví dụ, giáo viên đưa ra câu hỏi mở như “What do you think are the advantages of studying abroad?”. Người học trước tiên ghi lại các ý tưởng chính, sau đó chia sẻ với bạn cùng nhóm để làm rõ thêm ý, bổ sung từ vựng, hoặc điều chỉnh logic. Cuối cùng, họ trình bày ý tưởng đó với cả lớp. Quá trình này không chỉ giảm áp lực tâm lý mà còn nâng cao chất lượng nội dung nhờ vào sự hợp tác và tinh chỉnh trước khi nói.

Mini IELTS speaking test – Mô phỏng thực tiễn, phát triển chiến lược và sự tự nhận thức

Mô hình mini test giúp người học mô phỏng trọn vẹn quy trình thi thật, từ đó cải thiện chiến lược thi và khả năng ứng biến. Trong mô hình học tập hợp tác, người học chia nhóm và luân phiên làm thí sinh, giám khảo và người quan sát. Giám khảo sử dụng bộ tiêu chí IELTS chính thức để chấm điểm và phản hồi, người quan sát ghi chú về cách sử dụng từ vựng, ngữ pháp, phát âm, và sự trôi chảy.

Hoạt động này giúp phát triển kỹ năng tự đánh giá và phản ánh, từ đó điều chỉnh cách học cá nhân. người học được tiếp cận với tiêu chí chấm điểm thực tế, hiểu rõ điểm mạnh và điểm cần cải thiện của mình. Đồng thời, khi đóng vai giám khảo, họ cũng học được cách nhìn nhận một bài nói hiệu quả, góp phần phát triển nhận thức ngôn ngữ

Ứng dụng mô hình học tập hợp tác để nâng cao kỹ năng Speaking IELTS không chỉ mang lại lợi ích về mặt ngôn ngữ mà còn giúp người học phát triển kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện và sự tự tin trong giao tiếp. Khi được triển khai một cách có hệ thống và phù hợp với trình độ người học, mô hình này có thể tạo ra môi trường học tập tích cực, thúc đẩy sự tiến bộ rõ rệt trong kỹ năng nói. Trong bối cảnh IELTS ngày càng đóng vai trò quan trọng, việc áp dụng chiến lược học tập hiệu quả như trên là điều cần thiết và đáng được khuyến khích.

Tham vấn chuyên môn
Ngô Phương ThảoNgô Phương Thảo
GV
Triết lý giáo dục: "Không ai bị bỏ lại phía sau" (Leave no one behind). Mọi học viên đều cần có cơ hội học tập và phát triển phù hợp với mức độ tiếp thu và tốc độ học tập riêng của mình.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...