Banner background

Ứng dụng phương pháp ESA cho từng phong cách học tập theo mô hình VARK

Bài viết này sẽ khám phá chi tiết cách áp dụng phương pháp ESA cho từng phong cách học tập theo mô hình VARK, đồng thời đề xuất các hoạt động và phương pháp giảng dạy phù hợp với từng nhóm, nhằm mục tiêu tối đa hóa hiệu quả học tập và tạo động lực lâu dài cho người học.
ung dung phuong phap esa cho tung phong cach hoc tap theo mo hinh vark

Trong bối cảnh học tập và giáo dục với nhiều phương pháp ngày nay, việc hiểu và áp dụng các phong cách học tập cá nhân một cách chính xác có thể làm tăng đáng kể hiệu quả giáo dục và kết quả học tập của người học.

Bài viết này tiếp cận người học theo mô hình VARK, phát triển bởi Neil Fleming vào những năm 1980, nó chia người học thành bốn phong cách chính: Visual (thị giác), Auditory (thính giác), Read/Write (đọc/viết), và Kinesthetic (vận động). Mỗi phong cách học tập này ưu tiên một kênh thông tin khác nhau, từ hình ảnh và âm thanh đến tương tác vật lý và văn bản, để tối ưu hóa việc tiếp thu và xử lý thông tin.

Hơn nữa, áp dụng phương pháp học từ vựng ESA (Engage, Study, Activate) theo mô hình VARK có thể cải thiện đáng kể cách học và dạy từ vựng, giúp cá nhân hóa trải nghiệm học tập và tăng cường khả năng ghi nhớ từ vựng. Phương pháp ESA là một phương pháp dạy và học từ vựng hiệu quả, bao gồm từ việc khơi gợi hứng thú, hỗ trợ nắm bắt các khía cạnh chính của từ vựng, cho đến kích hoạt khả năng sử dụng từ vựng trong giao tiếp thực tế.

Bài viết này sẽ khám phá chi tiết cách áp dụng phương pháp ESA cho từng phong cách học tập theo mô hình VARK, đồng thời đề xuất các hoạt động và phương pháp giảng dạy phù hợp với từng nhóm, nhằm mục tiêu tối đa hóa hiệu quả học tập và tạo động lực lâu dài cho người học.

Key takeaways

  • Phong cách học VARK: Mô hình VARK chia người học thành bốn phong cách chính - Visual, Auditory, Read/Write, và Kinesthetic - mỗi phong cách có những đặc điểm riêng trong cách tiếp nhận và xử lý thông tin.

  • Cấu trúc ba giai đoạn của phương pháp ESA:

    • Engage: Khơi gợi hứng thú và sự quan tâm của người học, làm tăng khả năng hấp thụ từ vựng mới.

    • Study: Hỗ trợ người học nắm bắt các khía cạnh chính của từ vựng, từ phát âm đến ngữ nghĩa và cách sử dụng trong ngữ cảnh.

    • Activate: Kích hoạt khả năng sử dụng từ vựng một cách tự nhiên và linh hoạt, thúc đẩy khả năng ghi nhớ và ứng dụng từ vựng trong thực tế.

  • Triển khai ESA cho từng phong cách:

    • Visual Learners học tốt nhất qua hình ảnh và video. Cần tập trung vào các tài liệu có tính trực quan cao trong giai đoạn Engage và Study, và sử dụng các dự án thực tế trong giai đoạn Activate.

    • Auditory Learners thu hút thông tin qua thính giác. Hoạt động thảo luận, nghe và phát âm là trọng tâm để khơi gợi hứng thú và củng cố kiến thức.

    • Read/Write Learners hấp thụ thông tin qua đọc và viết. Họ cần tương tác sâu với văn bản và tham gia vào các hoạt động viết lách để ghi nhớ từ vựng hiệu quả.

    • Kinesthetic Learners học qua trải nghiệm và hoạt động thực hành. Việc kết hợp từ vựng với hoạt động thực tế là cách hiệu quả nhất để họ ghi nhớ và sử dụng từ vựng mới.

  • Lợi ích của việc kết hợp VARK và ESA: Áp dụng phương pháp ESA theo mô hình VARK không chỉ giúp cá nhân hóa quá trình học tập mà còn tăng cường hiệu quả học tập, giúp học viên ghi nhớ lâu hơn và sử dụng từ vựng một cách tự tin trong giao tiếp.

Giới thiệu về mô hình VARK

Mô hình VARK, được phát triển bởi Neil Fleming vào những năm 1980, là một công cụ phân loại phong cách học tập dựa trên sự khác biệt về cách thức cá nhân tiếp nhận và xử lý thông tin. VARK là viết tắt của Bốn phong cách học tập chính: Visual (thị giác), Auditory (thính giác), Read/Write (đọc/viết), và Kinesthetic (vận động). Theo Fleming, mỗi người học có thể có xu hướng ưu tiên một hoặc nhiều phong cách học tập khác nhau, và hiểu biết này giúp cá nhân tối ưu hóa quá trình học tập của mình.

  • Visual (Thị giác): Người học thuộc nhóm này tiếp thu thông tin tốt nhất qua hình ảnh, sơ đồ và biểu đồ. Họ thường hình dung thông tin dưới dạng hình ảnh trong đầu để hiểu và nhớ lâu hơn.

  • Auditory (Thính giác): Những người này học tốt nhất khi thông tin được trình bày qua âm thanh và ngôn ngữ. Họ ưu tiên học thông qua thảo luận, giảng giải và nghe giải thích.

  • Read/Write (Đọc/viết): Đây là những người học ưu tiên thông tin dưới dạng từ ngữ, bao gồm việc đọc sách, viết ghi chú và tổng hợp thông tin từ các nguồn văn bản.

  • Kinesthetic (Vận động): Người học kinesthetic học tốt nhất khi họ có thể tương tác trực tiếp với thông tin thông qua các hoạt động thực hành, như thí nghiệm, mô phỏng, hoặc sử dụng các ví dụ thực tế.

Nghiên cứu của Fleming đã chỉ ra rằng việc nhận biết và tận dụng phong cách học tập riêng biệt của mỗi cá nhân có thể cải thiện đáng kể hiệu quả học tập. Các nhà giáo dục có thể áp dụng kiến thức này để thiết kế các chương trình giảng dạy phù hợp, giúp học viên học hiệu quả hơn bằng cách tiếp cận thông tin theo cách mà họ có thể hiểu và ghi nhớ tốt nhất.

Để biết thêm chi tiết về mô hình VARK và các ứng dụng của nó trong giáo dục, bạn có thể tham khảo các công trình nghiên cứu và bài viết của Neil Fleming, hoặc truy cập trực tiếp vào trang web VARK, nơi cung cấp các tài nguyên, bài kiểm tra phong cách học tập, và hướng dẫn chi tiết để sử dụng mô hình này trong môi trường học tập và giáo dục chuyên nghiệp.

Đọc thêm: Cách ứng dụng Mô hình VARK trong việc học IELTS.

image-alt

Góc nhìn khác

Mặc dù mô hình VARK được sử dụng rộng rãi trong giáo dục để giúp cá nhân nhận thức về phong cách học tập ưu tiên của mình, nó cũng không tránh khỏi những ý kiến phản đối và tranh cãi. Các nhà nghiên cứu và giáo dục học đã đưa ra một số lý do để chỉ trích hoặc hoài nghi về hiệu quả thực sự của việc áp dụng các phong cách học tập như VARK:

  1. Thiếu Bằng Chứng Thuyết Phục: Một số nghiên cứu đã không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc sử dụng phong cách học tập ưu tiên và việc cải thiện hiệu quả học tập. Các nhà phê bình cho rằng không có đủ bằng chứng khoa học chắc chắn để chứng minh rằng việc dạy học theo phong cách học tập cá nhân thực sự mang lại lợi ích học tập lâu dài.

  2. Quá Đơn Giản Hóa: Có ý kiến cho rằng mô hình VARK quá đơn giản hóa sự phức tạp của bộ não con người và cách chúng ta học hỏi. Con người có thể học tập hiệu quả thông qua nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh và nội dung, chứ không chỉ dựa trên một phong cách học tập cố định.

  3. Sự Rập Khuôn: Việc gán cho học sinh một phong cách học tập cụ thể có thể tạo ra rào cản tâm lý, khiến họ ngại thử các phương pháp học mới hoặc tin rằng họ chỉ có thể học tập hiệu quả qua một phương pháp nhất định. Điều này có thể hạn chế khả năng thích nghi và học hỏi linh hoạt của học viên.

Mặc dù có những phản hồi trái chiều, mô hình VARK vẫn được nhiều giáo viên và trường học sử dụng như một công cụ để hiểu rõ hơn về nhu cầu và xu hướng học tập của học viên. Việc áp dụng linh hoạt và kết hợp với các phương pháp giảng dạy khác có thể giúp tối ưu hóa quá trình học tập và giảng dạy.

Phương pháp học từ vựng ESA

Phương pháp này nhấn mạnh vào việc học từ vựng theo đủ 3 giai đoạn Engage (Khơi gợi) - Study (Học) - Activate (Sử dụng). Theo đó, việc học từ vựng sẽ gồm ba giai đoạn:

Engage: Gây hứng thú.Trong phương pháp học từ vựng ESA, mục tiêu chính trong giai đoạn đầu tiên là khơi gợi hứng thú, sự tò mò hoặc tạo ra mối liên hệ hoặc cảm xúc cho người học. Người học có thể thực hiện qua việc xem tranh ảnh liên quan đến từ vựng, tạo mối liên hệ của từ vựng với bản thân, hoặc thông qua việc chơi game, nghe audio hay xem video. Khi người học có hứng thú và quan tâm tới từ vựng thì việc dành thời gian học từ vựng mới trở nên thực sự hiệu quả và trở nên tối ưu (về mặt thời gian). 

Study: Học. Mục tiêu của giai đoạn thứ hai là nắm được các khía cạnh chính của từ vựng, từ mặt chữ, phiên âm, loại từ, cho tới những khía cạnh nâng cao hơn như collocations, synonyms/antonyms và sự khác nhau trong nét nghĩa của các từ gần nghĩa. Đối với người học, có nhiều cách để họ học từ vựng, tuy nhiên khi đi học trên các lớp học ngoại ngữ, họ nên học thông qua việc trao đổi với giáo viên, giảng viên để nắm được các khía cạnh từ vựng cần học. Học viên cũng cần làm một số bài tập để thực sự hoàn tất giai đoạn học từ vựng. 

Activate: Kích hoạt. Giai đoạn cuối cùng của phương pháp ESA là học viên kích hoạt/sử dụng từ vựng cần học. Ở giai đoạn này họ cần sử dụng ngôn ngữ đang học (“use the language”), ví dụ như dùng tiếng Anh nói về bất kỳ chủ đề nào và  có sử dụng từ vựng đã học. Không cần quan trọng tính đúng sai của câu nói, điều quan trọng nhất là học viên sử dụng được từ vựng đó. Có thể nhận thấy giai đoạn này, học viên bắt đầu liên kết kiến thức mới (từ vựng vừa học) với kiến thức mà họ đã có từ trước (các từ vựng và ngữ pháp ở ngôn ngữ đích) để tạo thành câu văn và cách họ liên kết chúng lại với nhau nếu đủ mạnh sẽ tạo ra một liên kết bền vững, giúp kết quả học trở nên tốt hơn (Dr Efrat Furst, 2021) và có thể người học sẽ nhớ chúng lâu hơn.

Phương pháp học từ vựng ESA

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính hữu ích của phương pháp ESA, có thể bao gồm một nghiên cứu có tên “Using "Engage, Study, Activate" (ESA) Method in Improving Students' Vocabulary” được xuất bản trên tạp chí Journal of Language Teaching and Learning, Linguistics and Literature. Nó đã xác minh phương pháp ESA là một phương pháp có hiệu quả. Tương tự, Agus Rahmat (2019) đã thực hiện một nghiên cứu với tên gọi “Enriching the Students Vocabulary Mastery in Speaking through Engage, Study, Activate Method” để kiểm chứng tính hữu ích của phương pháp ESA trong bối cảnh kỹ năng Speaking và cũng xác nhận kết quả tương tự.

Tìm hiểu thêm: Phương pháp ESA - Tối ưu quá trình dạy và học từ vựng.

Áp dụng Phương pháp ESA cho từng phong cách học tập theo mô hình VARK

Trong bối cảnh giáo dục cá nhân hoá để tối ưu việc học, việc áp dụng các phương pháp học tập phù hợp với từng cá nhân là rất quan trọng để tối đa hóa hiệu quả giáo dục. Mô hình VARK, với bốn phong cách học tập chính là Visual (thị giác), Auditory (thính giác), Read/Write (đọc/viết) và Kinesthetic (vận động), cung cấp một khung để hiểu và đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân. Kết hợp mô hình này với Phương pháp ESA (Engage, Study, Activate) có thể mang lại lợi ích đáng kể trong việc dạy và học từ vựng sao cho hiệu quả được tối ưu nhất với từng người học.

Bài viết sẽ đề xuất các học theo phương pháp ESA cho từng nhóm người học, xây dựng trên trải nghiệm của tác giả.

A. Visual Learners

Người học thuộc nhóm thị giác thường hấp thụ thông tin hiệu quả nhất thông qua các hình ảnh, biểu đồ và các phương tiện trực quan khác. Đối với những người này, việc nhìn thấy thông tin thường giúp họ hiểu và nhớ lâu hơn.

  1. Engage (Khơi gợi hứng thú):

    • Giới thiệu: Giai đoạn Engage cho người học Visual bao gồm việc sử dụng hình ảnh, video, và các biểu đồ sinh động để thu hút và kích thích sự quan tâm của học viên. Mục tiêu là làm cho học viên cảm thấy hứng thú và tò mò về các từ vựng mới mà họ sắp học.

    • Ví dụ: Trong một bài học về từ vựng liên quan đến khí hậu, giáo viên có thể hiển thị một loạt các hình ảnh về các hiện tượng khí hậu như bão, hạn hán và lũ lụt. Video về các sự kiện thời tiết cực đoan và các biểu đồ thống kê về biến đổi khí hậu sẽ làm nổi bật vẻ nghiêm trọng và tính cấp bách của chủ đề, làm tăng sự tập trung và hứng thú của người học.

  2. Study (Học):

    • Giới thiệu: Trong giai đoạn này, người học Visual cần được cung cấp các tài liệu học tập có tính trực quan cao. Việc này bao gồm các sơ đồ, biểu đồ, và flashcards hình ảnh, giúp họ nắm bắt và ghi nhớ từ vựng một cách rõ ràng.

    • Ví dụ: Sử dụng flashcards với hình ảnh miêu tả từ vựng và định nghĩa của từ đó ở mặt sau. Ví dụ, một flashcard có hình ảnh của bão và từ "cyclone" cùng với phiên âm và định nghĩa. Các ứng dụng học tập như Quizlet cũng có thể hỗ trợ học từ vựng thông qua các trò chơi và bài tập trực quan.

  3. Activate (Kích hoạt):

    • Giới thiệu: Giai đoạn cuối cùng này nhằm mục đích khuyến khích học viên sử dụng từ vựng trong các hoạt động thực tế. Điều quan trọng là cho học viên cơ hội để áp dụng từ vựng vào trong các tình huống gần gũi với đời sống hoặc qua các dự án thực tế.

    • Ví dụ: Tổ chức một buổi trình bày nơi học viên sử dụng từ vựng đã học để mô tả một dự án về tác động của biến đổi khí hậu lên môi trường địa phương. Học viên có thể sử dụng các slide chứa hình ảnh và biểu đồ để minh họa cho các điểm họ đưa ra, từ đó vận dụng từ vựng một cách có hiệu quả.

Qua cách tiếp cận này, Visual Learners không chỉ nhận thức được từ vựng qua các kênh thị giác mà còn có thể gắn kết thông tin đó với các hình ảnh cụ thể, làm tăng khả năng nhớ lâu và hiểu sâu về từ vựng và đạt hiệu quả học từ vựng tối đa.

Đọc thêm: Phương pháp học qua thị giác (Visual Learning) trong quá trình học IELTS.

B. Auditory Learners

Những người học thuộc nhóm thính giác hấp thụ thông tin tốt nhất thông qua nghe. Họ thường có khả năng hiểu và nhớ lâu hơn khi thông tin được truyền đạt qua lời nói hoặc âm thanh. Để tối ưu hóa việc học từ vựng cho Auditory Learners, các hoạt động trong Phương pháp ESA có thể được thiết kế như sau:

  1. Engage (Khơi gợi hứng thú):

    • Giới thiệu: Giai đoạn Engage cho người học Auditory bao gồm việc sử dụng âm thanh, âm nhạc, và các đoạn hội thoại để thu hút sự chú ý và kích thích sự quan tâm của học viên. Mục đích là khơi gợi cảm xúc và sự tò mò thông qua thính giác, giúp học viên liên kết cảm xúc với từ vựng mới.

    • Ví dụ: Giáo viên có thể phát một bản nhạc có lời liên quan đến từ vựng đang học, chẳng hạn như một bài hát nói về các thành phố khác nhau trên thế giới để giới thiệu từ vựng liên quan đến địa lý. Các đoạn podcast về các chủ đề cụ thể cũng có thể được sử dụng để giới thiệu từ mới trong một ngữ cảnh thú vị và hấp dẫn.

  2. Study (Học):

    • Giới thiệu: Trong giai đoạn Study, Auditory Learners cần được cung cấp các tài liệu học tập dựa trên âm thanh, bao gồm các bài giảng âm thanh, sách nói, và các bài tập nghe. Điều này giúp họ nắm bắt từ vựng thông qua việc nghe, một kênh thông tin quen thuộc và hiệu quả đối với họ.

    • Ví dụ: Sử dụng các ứng dụng học ngôn ngữ để nghe cách phát âm chính xác của từ mới và các ví dụ về cách sử dụng từ đó trong câu. Giáo viên cũng có thể tạo các bài kiểm tra nghe, nơi học viên phải xác định từ vựng và ý nghĩa của chúng từ các đoạn thu âm.

  3. Activate (Kích hoạt):

    • Giới thiệu: Giai đoạn cuối cùng nhằm mục đích khuyến khích học viên sử dụng từ vựng trong các hoạt động giao tiếp. Đối với Auditory Learners, việc này bao gồm việc thảo luận, trả lời câu hỏi, và tạo các mẩu chuyện ngắn sử dụng từ vựng đã học.

    • Ví dụ: Tổ chức một phiên bản trò chơi "Jeopardy" trong lớp học, nơi học viên cần sử dụng từ vựng đã học để trả lời các câu hỏi liên quan đến từ đó. Các hoạt động như thảo luận nhóm về một chủ đề cụ thể hoặc thực hiện các cuộc phỏng vấn giả định cũng giúp học viên thực hành và củng cố từ vựng một cách hiệu quả.

Phương pháp ESA, khi được áp dụng phù hợp với phong cách học Auditory, không chỉ giúp học viên hấp thụ từ vựng hiệu quả hơn mà còn giúp họ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi sử dụng ngôn ngữ mới trong các tình huống thực tế. Việc lựa chọn các hoạt động học tập phù hợp với khả năng nghe cũng khuyến khích sự tham gia tích cực và hứng thú lâu dài trong quá trình học tập.

C. Read/Write Learners

Nhóm người học thuộc phong cách Read/Write thường xử lý thông tin tốt nhất khi nó được trình bày dưới dạng từ ngữ viết hoặc đọc. Họ ưu tiên việc sử dụng tài liệu văn bản và thường thấy rằng việc viết ra giúp họ hiểu và nhớ lâu hơn. Để tối ưu hóa việc học từ vựng cho Read/Write Learners thông qua phương pháp ESA, có thể áp dụng các hoạt động sau:

  1. Engage (Khơi gợi hứng thú):

    • Giới thiệu: Giai đoạn Engage đối với Read/Write Learners tập trung vào việc đọc các bài viết hấp dẫn, trích dẫn, hoặc câu chuyện ngắn. Việc này giúp khơi gợi sự quan tâm và tò mò thông qua ngôn ngữ viết, làm nền tảng cho quá trình học từ vựng sâu hơn.

    • Ví dụ: Giáo viên có thể cung cấp một bài báo thú vị về một chủ đề đang được quan tâm, như công nghệ mới hay phát minh khoa học. Trong bài báo, nhấn mạnh vào từ vựng mới và cung cấp ngữ cảnh sử dụng để học viên có thể liên hệ và nhớ lâu hơn.

  2. Study (Học):

    • Giới thiệu: Trong giai đoạn này, Read/Write Learners sẽ tham gia vào việc đọc kỹ lưỡng và viết ghi chú hoặc tóm tắt. Tập trung vào việc phân tích từ vựng, ghi chép cẩn thận và tạo ra các liên kết văn bản giúp họ hiểu sâu và ghi nhớ từ vựng.

    • Ví dụ: Sử dụng các cuốn từ điển trực tuyến hoặc in để khám phá nguồn gốc, cách phát âm, và các ví dụ về cách sử dụng từ. Học viên có thể tạo ra các danh sách từ vựng, viết các câu mẫu sử dụng từ mới, và tham gia vào các diễn đàn trực tuyến để thảo luận về từng từ.

  3. Activate (Kích hoạt):

    • Giới thiệu: Giai đoạn này nhằm mục đích khuyến khích học viên sử dụng từ vựng đã học một cách sáng tạo và thực tiễn. Các hoạt động viết lách như viết bài luận, tạo dự án, hoặc thực hiện các bài trình bày sẽ giúp củng cố từ vựng trong bối cảnh thực tế.

    • Ví dụ: Yêu cầu học viên viết một bài luận ngắn hoặc một câu chuyện ngắn sử dụng từ vựng đã học. Các bài viết có thể được chia sẻ trên blog của lớp hoặc tại các buổi hội thảo, nơi học viên có cơ hội nhận xét và thảo luận về công việc của nhau.

Phương pháp học tập này không chỉ giúp Read/Write Learners tăng cường khả năng từ vựng mà còn phát triển kỹ năng viết và phân tích ngôn ngữ. Qua các hoạt động đọc và viết này, người học Read/Write Learners có thể đạt hiệu quả học tập từ vựng tối ưu nhất qua phong cách tiếp nhận và xử lý thông tin ưa thích của mình.

D. Kinesthetic Learners

Những người học thuộc nhóm kinesthetic thường học tốt nhất thông qua các hoạt động thực hành, vận động, và trải nghiệm thực tế. Họ thích "học bằng tay" và cảm thấy hứng thú khi có thể tương tác trực tiếp với vật liệu học tập. Để tối ưu hóa việc học từ vựng cho Kinesthetic Learners thông qua phương pháp ESA, các hoạt động sau có thể được áp dụng:

  1. Engage (Khơi gợi hứng thú):

    • Giới thiệu: Giai đoạn Engage cho Kinesthetic Learners tập trung vào việc sử dụng các hoạt động tương tác để kích thích sự quan tâm. Mục đích là tạo ra một môi trường học tập động, nơi học viên có thể khám phá và trải nghiệm trực tiếp từ vựng mới thông qua các hoạt động thực hành.

    • Ví dụ: Thực hiện một trò chơi vai trò trong đó học viên phải đóng vai các nhân vật trong một tình huống cụ thể, sử dụng từ vựng liên quan đến chủ đề đang học. Điều này có thể liên quan đến việc giải quyết một vấn đề, thực hiện một nhiệm vụ, hoặc điều hướng qua một mô phỏng.

  2. Study (Học):

    • Giới thiệu: Giai đoạn Study cho Kinesthetic Learners yêu cầu các hoạt động thực hành để củng cố từ vựng. Phương pháp này nhấn mạnh việc sử dụng cơ thể và cảm giác để học, giúp học viên liên kết thông tin với các hoạt động cụ thể.

    • Ví dụ: Sử dụng các mô hình vật lý hoặc các dụng cụ thực hành để mô tả từ vựng. Ví dụ, trong bài học về cơ thể người, học viên có thể sử dụng mô hình cơ thể người để xác định và nhắc lại tên các bộ phận cơ thể bằng tiếng Anh. Các hoạt động như xây dựng một cấu trúc hoặc sử dụng các khối để biểu diễn các từ ngữ cũng rất hiệu quả.

  3. Activate (Kích hoạt):

    • Giới thiệu: Giai đoạn Activate khuyến khích học viên áp dụng từ vựng vào trong các dự án thực tế hoặc các tình huống tương tác. Mục tiêu là cho phép học viên sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên trong khi tham gia vào các hoạt động vật lý hoặc các nhiệm vụ.

    • Ví dụ: Tổ chức một cuộc thi làm vườn cộng đồng nơi học viên phải sử dụng từ vựng về thực vật và công cụ làm vườn để lập kế hoạch, trồng, và bảo trì một khu vườn nhỏ. Các hoạt động như chế biến món ăn từ các công thức nấu ăn bằng tiếng Anh cũng giúp học viên thực hành và nhớ từ vựng liên quan đến thực phẩm và nấu nướng.

Phương pháp học tập này không chỉ giúp Kinesthetic Learners ghi nhớ từ vựng thông qua các hoạt động thực tế mà còn tăng cường sự hào hứng và cam kết học tập bằng cách tham gia trực tiếp vào quá trình học. Việc kết hợp các giác quan và hoạt động vật lý vào quá trình học từ vựng giúp kiến thức trở nên sống động và dễ nhớ hơn.

Lưu ý

Việc ứng dụng các đề xuất trên đòi hỏi một sự linh hoạt từ người thực hiện. Nếu người học tự học thì việc engage sao cho hiệu quả sẽ khác cách mà giáo viên tiến hành trên lớp. Có thể người tự học sẽ tự phải tìm kiếm bài báo hay video để tăng sự tò mò và hứng thú để bắt đầu việc học những từ vựng đó. Giáo viên đứng lớp cũng cần thay đổi và điều chỉnh giai đoạn Activate sao cho phù hợp với bối cảnh lớp học thực tế.

Tổng kết

Khi giáo dục ngày càng chuyển mình để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học viên, việc hiểu và áp dụng hiệu quả các phong cách học tập theo mô hình VARK là điều cần thiết. Kết hợp mô hình này với Phương pháp ESA trong việc dạy và học từ vựng mang lại một khung phương pháp linh hoạt, cá nhân hóa, giúp tối ưu hóa khả năng tiếp thu và sử dụng từ vựng của mỗi cá nhân. Điều quan trọng là các giáo viên (hay chính người học) cần nhận thức được sự khác biệt trong cách học của mỗi học viên (của mình) để thiết kế bài giảng phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đồng thời khuyến khích học viên phát triển khả năng ngôn ngữ toàn diện và bền vững.

Đọc thêm:


Reference

Astiantih, Susi, and Bimas Reskiawan. "Using "Engage, Study, Activate" (ESA) Method in Improving Students' Vocabulary." Journal on English Language Teaching & Learning Linguistics and Literature, vol. 10, no. 2, 2022, ejournal.iainpalopo.ac.id/index.php/ideas/article/view/2814. Accessed 28 Apr. 2024.

Fleming, N., and Baume, D. (2006) Learning Styles Again: VARKing up the right tree!, Educational Developments, SEDA Ltd, Issue 7.4, Nov. 2006, p4-7.

Grabe, W., & Stoller, F. (1997). Reading and Vocabulary Development in a Second Language: A Case Study. In J. Coady, & T. Huckin (Eds.), Second Language Vocabulary Acquisition (pp. 98-122). Cambridge: Cambridge University Press.

Harmer, Jeremy. 2019. The Practice of English Language Teaching (6thEd). New York: Pearson Education Limited.

Harrington-Atkinson, Tracy. "VARK Strengths and Weaknesses." Paving the Way, 19 July 2022, tracyharringtonatkinson.com/vark-strengths-and-weaknesses/.

Furst, Efrat. "The Role of Memory, Knowledge and Understanding in Learning." THE EDUCATION HUB, 2 Mar. 2021, theeducationhub.org.nz/the-role-of-memory-knowledge-and-understanding-in-learning/.

Rahmat, Agus. "Enriching the Students Vocabulary Mastery in Speaking through Engage, Study, Activate Method." METATHESIS: JOURNAL OF ENGLISH LANGUAGE LITERATURE AND TEACHING, vol. 3, no. 1, 2019, pp. 92-110. Accessed 28 Apr. 2024.

Sarita, Mayun, and Esa Amiruddin. "THE USE OF ESA (ENGAGE, STUDY, ACTIVATE) METHOD IN IMPROVING STUDENTS’ VOCABULARY MASTERY OF EIGHT GRADE AT SMP NEGERI 9 BAUBAU." ENGLEH EDUCATION JOURNAL, vol. 7, May 2021, doi.org/10.55340/e2j.v7i1.433. Accessed 28 Apr. 2024.

VARK - Helping You Learn Better, 29 July 2014, vark-learn.com/.

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
GV
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...