VSTEP Reading là gì? Cách ôn thi VSTEP Reading hiệu quả
Key takeaways |
---|
|
Reading VSTEP là gì?
Cũng như hầu hết những bài thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ khác, VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) cũng kiểm tra đánh giá trình độ tiếng Anh của thí sinh qua 4 phần thi: Nghe - Nói - Đọc - Viết (Listening - Speaking - Reading - Writing).
Trong đó, phần Reading bao gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm cho 4 văn bản đọc, kéo dài 60 phút (trong đó tính cả thời gian chép đáp án vào tờ ghi đáp án đã được cung cấp), đánh giá năng lực đọc hiểu tiếng Anh của người làm bài thông qua những câu hỏi yêu cầu nắm rõ nội dung, hoặc hiểu chi tiết, hay suy luận ra ẩn ý trong bài đọc, cũng như một số nhiệm vụ khác.
Cấu trúc bài thi Reading VSTEP
Với 60 phút, thí sinh có nhiệm vụ đọc hiểu 4 văn bản và trả lời 40 câu hỏi trắc nghiệm có nội dung liên quan đến từng văn bản. Mỗi văn bản sẽ là về các chủ đề khác nhau, và độ khó của từng bài thuộc vào phạm vi từ mức độ 3 đến mức độ 5 (tức là trình độ B1 đến C1 dựa trên CEFR) và có dung lượng rơi vào khoảng giữa 1900 và 2500 chữ. 40 câu hỏi được chia đều cho các bài đọc, tức là 10 câu cho 1 bài.
Thí sinh sẽ được cung cấp một tờ ghi đáp án riêng. Mở đầu mỗi phần thi VSTEP Reading sẽ là tóm tắt sơ bộ về định dạng bài cũng như hướng dẫn làm bài gồm một đoạn văn ngắn ví dụ kèm câu hỏi và đáp án minh họa. Có khá nhiều dạng câu hỏi khác nhau, nhưng nhìn chung mục đích của chúng là đánh giá khả năng đọc để tìm và hiểu chi tiết, đọc hiểu ý chính, đọc để hiểu thái độ người viết, suy luận ra ý nghĩa trong bài, và hiểu từ ngữ khi đặt vào ngữ cảnh như trong bài.
Tham khảo thêm: Cấu trúc đề thi VSTEP 4 kỹ năng chi tiết nhất
Các dạng câu hỏi trong bài thi VSTEP Reading
Dạng câu hỏi Main Idea Questions
Đây là dạng câu hỏi yêu cầu người đọc biết khái quát lại nội dung sau khi đọc văn bản đã cho và rút ra kết luận về luận điểm chính của nó. Thông thường với mỗi bài đọc sẽ có một Main Idea Question.
Để làm được những câu hỏi dạng này, thí sinh bắt buộc phải đọc toàn bộ văn bản và phân tích nội dung của nó. Dạng câu hỏi này bao gồm những câu như:
“What is the purpose of this passage?” (Mục đích của trích đoạn trên là gì?)
“Which of the following would be the best title for this passage?” (Tựa đề nào dưới đây sẽ phù hợp nhất cho trích đoạn trên?)
”What is the main idea of …?” (Ý chính của … là gì?), …vv.
Dạng câu hỏi Words-in-context
Dạng câu hỏi này là một dạng câu hỏi tìm và hiểu chi tiết trong văn bản đọc, nhằm kiểm tra vốn từ của người làm bài hoặc đánh giá khả năng hiểu từ vựng khi được đặt trong những ngữ cảnh nhất định. Để hoàn thành được những câu Words-in-context, thí sinh cần xác định câu có chứa từ vựng được đề cập đến cũng như nhận diện ngữ cảnh trong bài để đi đến kết luận về ý nghĩa của nó.
Trong đề thi, không phải bao giờ dạng bài này cũng xuất hiện rõ ràng với câu hỏi “What does “...” mean?” (Từ “...” có nghĩa là gì?), mà nó còn gồm những câu như “The word “...” refers to:” (Từ “...” ý muốn nhắc đến:), “The word “...” is closest in meaning to:” (Từ “...” có nghĩa gần nhất với:), hay “The word “...” is best replaced by:” (Từ “...” có thể được thay thế bằng:), ...vv.
Dạng câu hỏi Inference Questions
Những câu hỏi thuộc dạng này được coi là những câu hỏi khó hơn trong khuôn khổ đề thi VSTEP Reading, bởi chúng đòi hỏi thí sinh vận dụng tư duy logic và suy luận. Trung bình mỗi bài đọc sẽ có 1-3 câu hỏi dạng Inference Questions. Để làm được những câu này, người thi phải đồng thời kết hợp một số kĩ năng đọc hiểu, như xác định ẩn ý từ ngữ cảnh, hoặc sử dụng phương pháp loại trừ.
Trong nhiều trường hợp, chỉ đọc câu văn được đề cập đến trong đề bài là không đủ, mà cần đọc cả đoạn văn chứa nó thì mới tìm ra ý nghĩa. Có thể nhận diện câu Inference Questions qua những từ khóa như “probably mean” hay “most likely mean” (chắc có nghĩa là), hoặc câu hỏi như “Why did the writer mention …” (Vì sao người viết lại nhắc đến …) hoặc “What did the writer mean by …” (Người viết có ý gì ở câu …), …vv.
Dạng câu hỏi Text-Completion
Cuối cùng, những câu thuộc dạng này yêu cầu người làm bài xác định vị trí thích hợp để đặt một câu văn vào bài đọc đã cho, hoặc chọn câu văn thích hợp để hoàn thành một đoạn nào đó trong văn bản. Thông thường, sẽ có 4 vị trí đã được đánh dấu sẵn trong văn bản, tương ứng với 4 đáp án A, B, C, D; hoặc sẽ có 4 câu văn để hoàn thành một đoạn trong bài. Để hoàn thành các câu hỏi Text-Completion, người đọc cần nhận diện những dấu hiệu liên kết giữa các câu văn, có thể là linking word (từ nối) hoặc sự thống nhất về nội dung.
Các câu hỏi dạng Text-Completion có thể xuất hiện với những dấu hiệu như sau “In which space (marked A, B, C, and D in the passage) will the following sentence fit? …” (Chỗ trống nào (đã được đánh dấu A, B, C, và D trong trích đoạn trên) sẽ phù hợp để đặt câu văn sau? …) hoặc “Which of the following sentences will best complete …?” (Câu văn nào trong số những câu dưới đây sẽ phù hợp nhất để hoàn thành đoạn văn …?).
Thang điểm bài thi Reading VSTEP
Theo quy định của Bộ Giáo dục, mỗi bài thi kĩ năng của VSTEP đều được chấm điểm trên thang điểm từ 0 đến 10 và làm tròn đến 0,5. Vì vậy, có thể tính được mỗi câu ở phần Reading sẽ tương đương với 0,25 điểm. Tương tự các bài thi cấp chứng chỉ tiếng Anh phổ biến hiện hành như IELTS, TOEFL, TOEIC, …vv, thì VSTEP cũng là bài thi đánh giá năng lực ngôn ngữ nhằm xác định trình độ của người thi, khác với những bài thi như CAE, CPE,..vv của Cambridge có kết quả đỗ hoặc trượt.
VSTEP đánh giá năng lực tiếng Anh của thí sinh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Điểm trung bình cả 4 kĩ năng của thí sinh phải đạt từ 4,0 trở lên mới được xét theo Khung năng lực:
Điểm từ 4,0 đến 5,5 xác định khả năng tiếng Anh của người thi nằm ở Bậc 3, tương đương B1 (trình độ Intermediate - Trung cấp) theo CEFR
Từ 6,0-8,0 thì khả năng của người thi thuộc Bậc 4, tương đương B2 (trình độ Upper Intermediate - Trung cấp trên)
Từ 8,0-10, thí sinh có năng lực ngoại ngữ tiếng Anh thuộc bậc 5 - tức C1 (trình độ Advanced - Cao cấp) theo CEFR.
Để đạt được trình độ bậc 3 - B1 trở lên, trung bình thí sinh cần làm đúng tối thiểu 16/40 câu trong phần Reading.
Kỹ năng VSTEP Reading cần biết
Với VSTEP Reading, người làm bài có thể tham khảo và trang bị cho mình những kĩ năng cụ thể dưới đây:
Kĩ năng Skimming và Scanning: Đây hẳn đã là hai kĩ năng quen thuộc đối với các sĩ tử luyện thi lấy các chứng chỉ tiếng Anh. Do trong bài thi VSTEP Reading thường xuyên xuất hiện những câu hỏi tìm ý chủ đạo hoặc ý nhỏ trong bài, hay xác định thái độ của tác giả, hoặc những câu hoàn thành đoạn văn, khả năng đọc lướt tìm nội dung chính (Skimming) và tìm chi tiết cụ thể (Scanning) rất quan trọng.
Kĩ năng đọc hiểu bằng keyword (từ khóa): Do dung lượng 4 bài đọc kèm theo 40 câu hỏi cũng như các đáp án A, B, C, D của mỗi câu là khá lớn, thí sinh sẽ không có đủ thời gian đọc và dịch từng từ, từng câu để nắm nội dung của các văn bản đọc và các câu hỏi để trả lời đầy đủ bộ trắc nghiệm. Vì vậy, người đọc cần biết xác định các từ khóa để suy ra ý nghĩa của cả đoạn văn.
Kĩ năng đọc hiểu ngữ cảnh: Luôn luôn cần xác định được ngữ cảnh trong bài, bởi ý nghĩa của từ và cụm từ và một vài yếu tố khác như thái độ, giọng điệu của người viết bài hoàn toàn có thể thay đổi phụ thuộc vào ngữ cảnh. Khả năng hiểu ngữ cảnh sẽ giúp thí sinh xử lý các các câu hỏi dạng Words-in-context và nhận diện thái độ khi viết bài của tác giả.
Cách ôn thi VSTEP Reading hiệu quả
Để có được kết quả như ý muốn trong phần thi VSTEP Reading, các sĩ tử cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi bước vào phòng thi. Dưới đây là một số cách thức ôn thi hiệu quả để độc giả có thể tham khảo và áp dụng:
Làm quen và hiểu rõ định dạng đề: Đây nên là bước đầu tiên khi ôn luyện cho bất cứ kì thi nào. Thí sinh cần tìm hiểu về định dạng đề cũng như các yêu cầu của phần thi bằng cách tìm đọc các bài viết giới thiệu về VSTEP Reading và những đề thi minh họa của các nguồn chính thống. Ngoài ra, người dự thi cũng có thể tham khảo và sưu tầm những đề thi đã ra trong giai đoạn gần ngày thi để thử sức và luyện tập trước khi vào phòng thi.
Tạo thói quen đọc tiếng Anh mỗi ngày: Kĩ năng Reading là một kĩ năng quan trọng, và cũng được nhiều người cho là phần thi “ăn điểm” do tính chất khách quan từ định dạng câu hỏi trắc nghiệm của nó, khác với những phần thi mang tính chủ quan hơn như Speaking hay Writing. Vì vậy, các sĩ tử có thể làm dày hơn bộ kĩ năng đọc của mình qua việc đọc sách báo tiếng Anh mỗi ngày và tự đặt mục tiêu đọc cho bản thân. Độc giả có thể tham khảo những nguồn báo uy tín như The Guardian, The Economist, …vv, để vừa luyện tập khả năng Reading vừa bổ sung thêm kiến thức thường nhật.
Xác định và giải quyết điểm yếu của bản thân: Một sai lầm nhiều người học thường gặp phải là học lan man, không có trọng tâm. Cách để xử lý vấn đề này là nhận diện điểm mạnh và điểm yếu trong quá trình ôn luyện của bản thân, để xây dựng kế hoạch học tập hiệu quả hơn. Ví dụ, nếu thí sinh gặp vấn đề với những câu hỏi Words-in-context và thường xuyên làm sai những câu ở dạng này, thì nên điều chỉnh thời gian để dành cho việc trau dồi vốn từ và bổ sung kĩ năng đọc hiểu ngữ cảnh nhiều hơn.
Tài liệu học VSTEP Reading
Vì là kì thi tương đối mới cũng như chỉ là kì thi dựa trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, nên các nguồn sách luyện thi VSTEP không quá dồi dào như những kì thi cấp chứng chỉ tiếng Anh khác. Người đọc khi tìm tài liệu nên chú ý chọn từ các nhà xuất bản uy tín, và tự mình kiểm chứng chất lượng trước khi chọn mua. Dưới đây là một số đầu sách học VSTEP Reading gợi ý cho độc giả:
Sách 10 Bộ đề thi Đọc hiểu VSTEP, ThS Vũ Thị Lê Vy (chủ biên) - Trần Thị Thu Hương, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
Sách 20 Bộ đề Đọc hiểu Thi Năng lực tiếng Anh Theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam (VSTEP) - Trình độ B1-C1, ThS. Võ Thị Phượng Linh - ThS. Nguyễn Thị Thu Vân, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh
Sách Luyện thi B1 VSTEP 4 Kĩ năng, ThS. Vũ Thị Lê Vy, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
Ôn thi VSTEP ở đâu?
Thí sinh có nhu cầu theo học một khóa về VSTEP cùng giáo viên để định hình lộ trình và cách ôn luyện để chuẩn bị cho kì thi nên cân nhắc và tìm hiểu trước khi đăng kí học. Hiện nay, các cơ sở luyện thi VSTEP không quá nhiều, nhưng các học viên cũng nên có chọn lọc và tìm đến những đơn vị có tên tuổi uy tín. Độc giả tại TP Hà Nội có thể tham khảo EDC - Trung tâm phát triển giáo dục và công nghệ số của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trung tâm hiện tại có những khóa học luyện thi VSTEP theo các trình độ khác nhau đáp ứng nhu cầu của người học, được giảng dạy bởi chính các giảng viên Khoa Tiếng Anh của trường, và trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng là một trong những đơn vị được Bộ Giáo dục cấp phép tổ chức thi VSTEP, nên học viên có thể yên tâm về chất lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, người học có thể chọn Trung tâm Ngoại ngữ của Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, nơi tổ chức các lớp ôn tập VSTEP theo các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, và cũng là trường được cấp phép tổ chức thi VSTEP.
Tổng kết
Chứng chỉ VSTEP đang ngày càng trở nên phổ biến, do nó được chứng chỉ ngoại ngữ được công nhận trong các cơ quan nhà nước cũng như trong các trường đại học trên cả nước. Dù còn tương đối ít tài liệu để ôn thi VSTEP so với những kì thi khác, nhưng người học có thể linh hoạt tận dụng những tài liệu mình có để kết hợp ôn thi với việc trau dồi kĩ năng. Bài viết về VSTEP Reading này hi vọng đã giúp độc giả có một cái nhìn tổng quan hơn về phần thi này cũng như vận dụng để luyện tập, chuẩn bị và đạt được kết quả mong muốn.
Tài liệu tham khảo
“Test Format .” Test Format - VSTEP - Trung Tâm Khảo Thí - ULIS-VNU,Hanoi, 19 Dec. 2022, http://vstep.vnu.edu.vn/test-format/.
“Giới Thiệu Format Đề Thi VSTEP và Tiêu Chí Chấm Bài Thi B2 VSTEP.” Giới Thiệu Format Đề Thi Vstep và Tiêu Chí Chấm Bài Thi B2 VSTEP Trường Quốc Tế - ĐHQG HÀ Nội, 19 Apr. 2022, www.is.vnu.edu.vn/gioi-thieu-mau-de-thi-va-tieu-chi-cham-bai-thi-vstep/
“ĐỀ Thi Mẫu Chứng Chỉ B1, B2, C1 Tiếng Anh Theo Định Dạng VSTEP.” Đề Thi Tiếng Anh B2, B1, C1 Vstep Mẫu Có Đáp Án, vstep.edu.vn/de-thi-mau-chung-chi-b1-b2-c1-tieng-anh-theo-dinh-dang-vstep. Accessed 12 June 2023.
Bình luận - Hỏi đáp