Giới thiệu mô hình 4Cs – nhóm kỹ năng quan trọng cho người trẻ
Giới thiệu mô hình 4Cs
Nguồn gốc 4Cs
4Cs là nhóm 4 năng lực xử lý các vấn đề phức tạp thuộc Bộ kỹ năng thế kỷ 21 được Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới 2017 nhắc đến như bộ năng lực không thể thiếu của người trẻ. Đây là nhóm kỹ năng đặc biệt được quan tâm trong mô hình 16 kỹ năng được đưa ra. Four Cs of 21st century learning hay 4Cs bao gồm 4 kỹ năng:
Creativity: kỹ năng sáng tạo
Critical Thinking: tư duy phản biện
Collaboration: kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm
Communication: kỹ năng giao tiếp
Các đánh giá liên quan đến 4Cs
Diễn đàn Kinh tế thế giới nhận định Bộ kỹ năng thế kỷ 21 nói chung và 4Cs nói riêng là các năng lực vô cùng quan trọng mà sinh viên và học sinh nên trang bị trong thế kỷ này. Các đúc kết này được rút ra từ các nghiên cứu về các kỹ năng cần thiết được tổ chức giáo dục phi lợi nhuận “Partnership for 21st Century” phối hợp cùng các nhà giáo dục, các trường đại học và các công ty thuộc top Fortune 500 tại Hoa Kỳ đưa ra sau nhiều nghiên cứu kéo dài trong nhiều năm về chủ đề này.
Ngày nay 4Cs được ứng dụng rộng rãi tại nhiều tổ chức giáo dục lớn không chỉ ở phạm vi Hoa Kỳ mà còn trên thế giới. Đến nay, đã có hơn 800 cơ sở giáo dục, 2.000+ chuyên gia đào tạo, 1.300 các tổ chức phi lợi nhuận và hơn 50 quốc gia đã sử dụng 4C Skills để phát triển hoặc làm nền tảng để xây dựng các chương trình giáo dục và đào tạo của mình, cho thấy tầm quan trọng và vai trò của 4Cs là không thể phủ nhận.
Nội dung chính của 4Cs – nhóm năng lực quan trọng hàng đầu của người trẻ thế kỷ 21
Creativity – kỹ năng sáng tạo
Bên trong mỗi con người luôn tìm ẩn một tiềm năng sáng tạo vô cùng to lớn. Kỹ năng sáng tạo được hiểu là khả năng tạo ra một giải pháp (ở mọi hình thức) có tính mới và có lợi ích trong một phạm vi áp dụng cụ thể. Trong bối cảnh thế giới thay đổi liên tục, kỹ năng sáng tạo được đánh giá là vô cùng cần thiết trong việc tạo ra các giải pháp tối ưu hơn để giải quyết các vấn đề nan giải. Do đó, sinh viên và học sinh luôn cần quan tâm đến việc rèn luyện năng lực sáng tạo nhằm tạo ra ưu thế cạnh tranh cho bản thân trong bối cảnh toàn cầu mới.
Critical Thinking: tư duy phản biện
Tư duy phản biện hay là tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm . Dựa vào những nghiên cứu gần đây, các nhà giáo dục đã hoàn toàn tin tưởng rằng trường học nên tập trung hơn vào việc dạy học sinh tư duy phản biện. Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động. Đó có thể tóm tắt là quá trình tư duy tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác để xác định lại tính chính xác của thông tin. (theo wikipedia)
Ngày nay, càng có nhiều nghiên cứu Tư duy phản biện là một năng lực vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Nó kích thích con người phân tích đánh giá vấn đề theo nhiều góc nhìn, xây dựng những hiểu biết về vấn đề một cách chủ động thông qua hoạt động tư duy và tự phân tích. Tư duy phản biện cũng hạn chế những niềm tin cực đoan và sự thụ động trong tiếp thu vấn đề từ đó tạo ra nhiều hiệu quả trong công việc hơn.
Collaboration: kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm
Kỹ năng Hợp tác (Collaboration Skill) là khả năng học tập, làm việc, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong một tập thể. Hợp tác và làm việc nhóm là những kỹ năng vô cùng quan trọng để con người có thể hòa nhập vào các môi trường làm việc và học tập. Hợp tác thúc đẩy cho quá trình làm việc được hiệu quả, tạo ra nhiều thành tựu cho bản thân và tổ chức. Kỹ năng này hỗ trợ mỗi con người đi xa hơn trên con đường sự nghiệp của mình đồng thời hoàn thiện bản thân thông qua việc học tập từ đội nhóm mà mình tham gia. Con người dù làm bất cứ ngành nghề nào đều sẽ luôn phải sinh hoạt và tồn tại trong một đội nhóm nào đó. Do vậy, năng lực hợp tác là điều không thể thiếu trong cả công việc và cuộc sống.
Communication: kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là một trong những kỹ năng cơ bản cần thiết trong cuộc sống con người. Dù là trong công việc hay cuộc sống, con người luôn cần giao tiếp để hoàn thành các mục đích của bản thân mình. Trong môi trường doanh nghiệp giao tiếp không chỉ là khả năng trình bày và truyền đạt mà nó còn đòi hỏi ở người thực hiện khả năng giao tiếp một cách hiệu quả, phù hợp với ngữ cảnh và chính xác vấn đề được đề cập.
Ở một góc nhìn khác, kỹ năng giao tiếp còn là tập hợp những quy tắc, nghệ thuật, cách ứng xử, giúp con người giao tiếp một cách hiệu quả. Giao tiếp không chỉ đơn thuần là nói và nghe, mà còn bao gồm các năng lực về giao tiếp phi ngôn ngữ, khả năng diễn đạt, khả năng lắng nghe, tiếp nhận và xử lý thông tin trong quá trình giao tiếp,…Để có thể làm việc hiệu quả trong thế kỷ này, nhất thiết sinh viên và học sinh luôn cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp của mình.
Lời kết
Như vậy, bài viết đã giới thiệu đến người đọc những hiểu biết cơ bản về 4Cs. Đây chính là định hướng trả lời cho câu hỏi đâu là kỹ năng mà sinh viên cần rèn luyện cho bản thân mình. Hơn hết đây là những kỹ năng tối thiểu cần được chuẩn bị và rèn luyện liên tục nhằm đáp ứng cho mọi thay đổi bất định có thể xảy ra trong tương lai. Quá trình học tập và rèn luyện là một hành trình rất dài và còn có thể sẽ liên tục có những thay đổi tùy theo sự chuyển động không ngừng của thế giới. Hy vọng bài viết phần nào giúp bạn định hướng được những kiến thức và kỹ năng cần có trong hành trình của mình.
Bình luận - Hỏi đáp