Việc học ngôn ngữ thứ 3 có ảnh hưởng như thế nào lên việc học ngôn ngữ thứ 2 là tiếng Anh?

Bài viết bàn luận về ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ 3 lên việc học tiếng Anh, đồng thời đề xuất giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực.
author
Nguyễn Ngọc Thảo
15/02/2024
viec hoc ngon ngu thu 3 co anh huong nhu the nao len viec hoc ngon ngu thu 2 la tieng anh

Số lượng lớn người học ngôn ngữ ở Việt Nam đang tăng lên và điều đáng chú ý là họ không chỉ học một ngoại ngữ mà còn học nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh tiếng Anh, một ngôn ngữ bắt buộc từ cấp trung học phổ thông, người Việt cũng quan tâm và học thêm những ngôn ngữ đang ngày càng phổ biến như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp, và nhiều ngôn ngữ khác. Hiện tượng này đã đặt ra câu hỏi liệu việc học một ngôn ngữ mới có ảnh hưởng đến việc học tiếng Anh hay không. Việc học nhiều ngôn ngữ có thể gây ra hiện tượng gọi là “ảnh hưởng chéo” giữa các ngôn ngữ, khi kiến thức và cấu trúc ngôn ngữ từ một ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến việc học và sử dụng ngôn ngữ khác. Bài viết sau đây sẽ bàn luận về vấn đề này.

Key takeaways

Ảnh hưởng của Việc học thêm một ngôn ngữ khác lên việc học tiếng Anh: Mức độ ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ ba đối với tiếng Anh sẽ khác nhau tùy thuộc vào mối quan hệ giữa tiếng Anh và ngôn ngữ thứ ba. Thuật ngữ “typological closeness” được sử dụng để phân loại ngôn ngữ dựa trên khu vực địa lý. Nếu người học đang học hai hoặc nhiều ngôn ngữ thuộc cùng một họ ngôn ngữ sẽ chịu tác động chéo từ các ngôn ngữ đó nhiều hơn so với trường hợp ngôn ngữ thứ ba không có sự tương đồng với những ngôn ngữ đã học trước đó.

  • Ảnh hưởng của việc học ngôn ngữ thứ 3 đến việc hình thành câu trong tiếng Anh: người học đa ngôn ngữ đôi khi mắc sai lầm khi vô tình áp dụng cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ thứ ba mà họ đang học vào ngôn ngữ thứ hai. Đối với những người học đa ngôn ngữ, việc hiểu và nhận thức rõ về cấu trúc ngữ pháp của từng ngôn ngữ là rất quan trọng để tránh những sai lầm này và phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác và tự nhiên trong các ngữ cảnh khác nhau.

  • Ảnh hưởng của việc học ngôn ngữ thứ 3 đến cách phát âm tiếng Anh: người học đa ngôn ngữ có thể mắc sai lầm trong việc phát âm khi ngôn ngữ thứ 3 có một số từ mượn của tiếng Anh nhưng cách phát âm khác

Một số phương pháp để tránh sự ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ 3 lên ngôn ngữ thứ 2 (tiếng Anh):

  • Thiết lập ranh giới ngôn ngữ: xác định ngữ cảnh hoặc bối cảnh cụ thể cho từng ngôn ngữ

  • Áp dụng phương pháp Language Immersion với tiếng Anh

  • Tập trung vào việc luyện tập ngôn ngữ mục tiêu: Tập trung vào các khía cạnh cụ thể của tiếng Anh dễ bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ thứ 3 để rèn luyện và cải thiện

Ảnh hưởng của Việc học thêm một ngôn ngữ khác lên việc học tiếng Anh

Mức độ ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ ba đối với tiếng Anh sẽ khác nhau tùy thuộc vào mối quan hệ giữa tiếng Anh và ngôn ngữ thứ ba (L3) đó. Thuật ngữ “typological closeness” được sử dụng để phân loại ngôn ngữ dựa trên khu vực địa lý. Theo Verschick trong nghiên cứu “Emerging Bilingual Speech: From Monolingualism to Code-Copying”, sự tương đồng về loại hình giữa các thành phần hoặc toàn bộ hệ thống của hai ngôn ngữ tăng khả năng sao chép. Điều này có nghĩa là, người học đang học hai hoặc nhiều ngôn ngữ thuộc cùng một họ ngôn ngữ sẽ chịu tác động chéo từ các ngôn ngữ đó nhiều hơn so với trường hợp ngôn ngữ thứ ba không có sự tương đồng với những ngôn ngữ đã học trước đó. Ví dụ, tiếng Đức và tiếng Anh thuộc nhóm ngôn ngữ Indo-Europe, trong khi tiếng Hàn thuộc nhóm ngôn ngữ Altaic. Do đó, người học tiếng Đức như ngôn ngữ thứ ba và đã học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai sẽ chịu tác động chéo ngôn ngữ nhiều hơn so với người học tiếng Hàn như ngôn ngữ thứ ba.

Do vậy để cụ thể hơn, bài viết sẽ so sánh ảnh hưởng của L3 lên việc học tiếng Anh khi L3 là tiếng Đức (cùng một nhóm ngôn ngữ với tiếng Anh) và khi L3 là tiếng Hàn (khác nhóm ngôn ngữ với tiếng Anh).

Ảnh hưởng của việc học ngôn ngữ thứ 3 đến việc hình thành câu trong tiếng Anh

Việc sử dụng kỹ năng nói và viết tiếng Anh có thể bị ảnh hưởng bởi tác động ngôn ngữ chéo, đặc biệt là trong việc sắp xếp từ và cấu trúc ngữ pháp.

Theo nghiên cứu “Tác động chéo của ngôn ngữ thứ ba đối với ngôn ngữ thứ hai trong kỹ năng tạo ngôn ngữ”, tác giả Abril A. Antunez-Aguilar chỉ ra rằng những người học đa ngôn ngữ đôi khi gặp khó khăn trong việc sắp xếp từ thành câu, và có thể mắc sai lầm khi vô tình áp dụng cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ thứ ba mà họ đang học vào ngôn ngữ thứ hai. Điều này cho thấy rằng yếu tố từ ngữ của một ngôn ngữ mới có thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ khác mà người học đã học trước đó, tạo ra tác động chéo giữa các ngôn ngữ trong việc sắp xếp từ trong câu. Wahba, Taha & England cũng cho biết tác động chéo ngôn ngữ thường xảy ra nhiều hơn trong nói, vì học sinh có ít thời gian hơn để suy nghĩ về ý tưởng mà họ muốn truyền đạt và do đó, có thể không tuân thủ một số quy tắc ngữ pháp và cách phát âm chính xác.

Điều quan trọng là nhận thức rằng tác động chéo ngôn ngữ có thể xảy ra trong việc sắp xếp từ trong câu và có thể gây ra sai lầm trong việc sử dụng ngôn ngữ. Đối với những người học đa ngôn ngữ, việc hiểu và nhận thức rõ về cấu trúc ngữ pháp của từng ngôn ngữ là rất quan trọng để tránh những sai lầm này và phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác và tự nhiên trong các ngữ cảnh khác nhau.

Trường hợp 1, khi ngôn ngữ thứ 3 là tiếng Hàn

Nghiên cứu “Crosslinguistic influence of an L3 on an L2 in the productive language skills” đưa ra kết quả rằng hầu hết những lỗi liên qua đến trật tự từ trong câu đều bắt nguồn từ vị trí trạng ngữ. Trong tiếng Hàn, trạng từ đứng sau danh từ và trước động từ chính, và một học sinh đã đặt động từ "is" (là) ở vị trí thứ 3 trong câu, như trong L3: "It sometimes is spicy" (Thỉnh thoảng nó cay).  Một người tham gia nghiên cứu cũng mắc lỗi khi đưa ra câu sau: "And also it's important the culture that the Koreans are very respectful to old people". Lỗi này có thể liên quan đến việc học tiếng Hàn như ngôn ngữ thứ 3, do thứ tự các cụm từ trạng ngữ, thường được đặt trước các cụm từ động ngữ. Ngoài ra, lỗi về vấn đề về sự hòa hợp chủ vị cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ “There's a lot of cultural differences" (Có rất nhiều sự khác biệt văn hóa). Trong tiếng Hàn, các dấu số nhiều thường bị bỏ qua, vì vậy động từ được chia cùng như nhau cho số ít và số nhiều, khác với tiếng Anh, khi động từ phải được chia theo dạng "are" cho ví dụ bên trên khi “differences” là danh từ số nhiều.

Trường hợp 2, khi ngôn ngữ thứ 3 là tiếng Đức

Một trường hợp nhầm lẫn thường gặp đó chính là việc chia động từ tiếng Anh theo tiếng Đức. Động từ "talk" trong câu "This text talk" đã được chia thành "talkt". Trong tiếng Đức, động từ ở ngôi thứ ba số ít được chia với một "t" ở cuối trong thì hiện tại. Động từ "have" đã được chia thành "hast" trong cụm từ "you hast", vì một quy tắc trong tiếng Đức xác định rằng động từ ở ngôi thứ hai số ít được chia với một "st" ở cuối, trong thì hiện tại. Ngoài ra, việc nhầm lẫn từ vựng cũng xuất hiện khi sử dụng các từ trong tiếng Đức như ich (tôi), das (mạo từ xác định cho danh từ giới tính trung tính), groß (to lớn), Das ist alles (đó là tất cả), die Kleidung (quần áo), hast (thì hiện tại đơn của động từ "có" cho ngôi thứ hai số ít), der (mạo từ xác định cho danh từ giới tính nam) vào trong Tiếng Anh.

Ảnh hưởng của việc học ngôn ngữ thứ 3 đến cách phát âm tiếng Anh

Trường hợp 1, khi ngôn ngữ thứ 3 là tiếng Hàn

Kết quả của nghiên cứu “Crosslinguistic influence of an L3 on an L2 in the productive language skills” cho thấy rằng một khía cạnh ngữ âm nổi bật mà tiếng Hàn đã làm ảnh hưởng đến việc phát âm tiếng Anh đó chính là thói quen thêm âm “eu”vào giữ cặp “phụ âm + âm /r/ hoặc /l/.  Ví dụ, từ "produce" bị đọc sai thành "peurodyuseu" (có thể thấy âm “eu” đang xuất hiện giữa âm /p/ và /r/). Ngoài ra, các từ cũng thường xuyên bị phát âm sai là dream, country, crossing, free, important, train, people, streets và burns cho thói quen phát âm trong tiếng Hàn. Ngoài ra, phát âm /f/ thành âm /p/ cũng là lỗi hay gặp trong nhóm này (phones và free). Một lỗi khác cũng hay gặp là việc phát âm âm /ʃ/ trong tiếng Anh thành cặp phụ âm kép "ㅉ" (jj) trong tiếng Hàn (machine và dishes). Sự ảnh hưởng đến phát âm trong trường hợp này có thể liên quan đến cách người Hàn Quốc có cách đọc một số từ tiếng Anh trong hệ thống chữ cái của riêng họ. 

Trường hợp 1, khi ngôn ngữ thứ 3 là tiếng Đức

Theo nghiên cứu “Crosslinguistic influence of an L3 on an L2 in the productive language skills”, Sự nhầm lẫn xảy ra nhiều nhất khi gặp các từ giống nhau (từ tương tự trong cả hai ngôn ngữ nhưng được phát âm khác nhau và có ý nghĩa khác nhau). Ví dụ một số từ như: Euro, European, super, seven và north. Hơn nữa, các thí sinh gặp khó khăn trong việc phát âm các từ có chứa vần kép "eu, ie, ei" vì cách phát âm của chúng hoàn toàn khác giữa tiếng Đức và tiêng Anh. Ngoài ra, lỗi sai cũng gặp phải khi phát âm âm /θ/ và /ð/ như /d/ hoặc /t/ khi chúng xuất hiện ở giữa (ví dụ: clothes) hoặc cuối từ (ví dụ: north. người học dịch tiếng Đức cho từ này là Nord). Có thể kết luận rằng khi học tiếng Đức như L3 sẽ gây ảnh hưởng đến việc phát âm tiếng Anh nhiều hơn do hai ngôn ngữ này có mối quan hệ gần nhau hơn về mặt phát âm so với tiếng Hàn. Có nghĩa là, nguồn gốc của hai ngôn ngữ này là nhóm Indo-Europe, chính là một yếu tố có thể kích thích hiện tượng ảnh hưởng này xảy ra do sự tương đồng về từ vựng và bảng chữ cái.

Tóm lại, sự ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ ba (L3) đối với kỹ năng nói và viết của tiếng Anh (L2) có tác động khác nhau tùy thuộc vào ngôn ngữ thứ ba cụ thể. Tuy nhiên, những người học đồng thời hai ngôn ngữ cần xác định rõ ngôn ngữ được sử dụng trong mỗi tình huống nhằm kiểm soát việc sử dụng ngôn ngữ tốt hơn trong quá trình học.

Đọc thêm: Lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ (Language Acquitision) - Ứng dụng học ngoại ngữ hiệu quả.

Một số phương pháp để tránh sự ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ 3 lên ngôn ngữ thứ 2 (tiếng Anh)

Thiết lập ranh giới ngôn ngữ

Để giảm thiểu sự ảnh hưởng chéo giữa hai ngôn ngữ, việc thiết lập ranh giới rõ ràng giữa ngôn ngữ thứ 3 và ngôn ngữ thứ 2 là rất quan trọng. Một cách hiệu quả để làm điều này là xác định ngữ cảnh hoặc bối cảnh cụ thể cho từng ngôn ngữ. Ví dụ, hãy dành thời gian riêng chỉ để sử dụng ngôn ngữ thứ 3 và tách biệt nó khỏi việc sử dụng tiếng Anh. Bằng cách chia nhỏ các ngôn ngữ như vậy, người học có thể giảm khả năng chuyển tiếp vô thức cấu trúc hoặc từ vựng từ ngôn ngữ thứ 3 vào việc sử dụng tiếng Anh.

Chú ý rằng ranh giới ngôn ngữ nên được duy trì không chỉ trong thời gian và không gian mà còn trong ý thức tâm lý. Phát triển sự nhạy bén cao đối với sự khác biệt giữa các ngôn ngữ và theo dõi chặt chẽ việc sử dụng ngôn ngữ của người học để đảm bảo rằng ngôn ngữ thứ 3 không ảnh hưởng đến việc giao tiếp tiếng Anh của người học.

Giả sử bạn đang học tiếng Nhật là ngôn ngữ thứ 3 và bạn muốn đảm bảo rằng ngôn ngữ Nhật không gây ảnh hưởng lên tiếng Anh của bạn. Dưới đây là một số cách bạn có thể thiết lập ranh giới ngôn ngữ:

  • Lịch trình ngôn ngữ riêng: Thiết lập lịch trình rõ ràng cho việc học và sử dụng ngôn ngữ Nhật và tiếng Anh. Chẳng hạn, bạn có thể quyết định rằng trong khoảng thời gian từ 9h sáng đến 12h trưa hàng ngày, bạn sẽ tập trung hoàn toàn vào việc học tiếng Nhật. Trong khoảng thời gian này, cố gắng hạn chế việc sử dụng tiếng Anh và tập trung hoàn toàn vào việc học và thực hành tiếng Nhật.

  • Môi trường học riêng: Tạo ra một môi trường học tập riêng biệt cho từng ngôn ngữ. Đặt một không gian riêng cho việc học tiếng Nhật và một không gian khác cho việc học tiếng Anh. Ví dụ, bạn có thể dành một phòng riêng hoặc một góc nào đó trong nhà để học tiếng Nhật. Khi bạn ở trong không gian đó, tập trung vào việc học tiếng Nhật và hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng tiếng Anh trong không gian đó.

  • Ngữ cảnh và hoạt động: Xác định các ngữ cảnh hoặc hoạt động cụ thể để sử dụng từng ngôn ngữ. Ví dụ, bạn có thể quyết định rằng khi bạn đọc sách, báo, hoặc xem phim, bạn sẽ chỉ sử dụng tiếng Anh. Khi bạn thực hành giao tiếp hoặc viết, bạn sẽ tập trung vào việc sử dụng tiếng Nhật. Bằng cách liên kết mỗi ngôn ngữ với một ngữ cảnh hoặc hoạt động cụ thể, bạn giúp tạo ra sự phân biệt rõ ràng giữa hai ngôn ngữ.

Áp dụng phương pháp Language Immersion với tiếng Anh

“Đắm mình” trong môi trường nói tiếng Anh là một phương pháp rất hiệu quả để ngăn chặn sự ảnh hưởng chéo giữa các ngôn ngữ. Người học càng tiếp xúc nhiều với thông tin tiếng Anh chính thống, người học sẽ càng được trang bị tốt hơn để phân biệt và nắm vững các cấu trúc ngôn ngữ tiếng Anh. Ví dụ, người học có thể tham gia vào các hoạt động như đọc văn học tiếng Anh, xem phim hoặc chương trình truyền hình tiếng Anh, tham gia cộng đồng người nói tiếng Anh. Thông qua việc này, người học tạo ra một môi trường ngôn ngữ phong phú, giúp phát triển kỹ năng tiếng Anh chính xác và giảm thiểu sự can thiệp từ ngôn ngữ thứ 3.

Tham khảo thêm: Học tiếng Anh theo phương pháp Language Immersion.

Tập trung vào việc luyện tập ngôn ngữ mục tiêu

Luyện tập có chủ định và mục tiêu có thể giúp củng cố kỹ năng tiếng Anh của người học và giảm sự ảnh hưởng chéo giữa các ngôn ngữ. Tập trung vào các khía cạnh cụ thể của tiếng Anh dễ bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ thứ 3. Ví dụ, nếu người học thấy thứ tự từ hoặc thì động từ thường bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ thứ 3, hãy dành các buổi tập riêng để nắm vững những khía cạnh cụ thể này. Sử dụng các tài liệu học ngôn ngữ được thiết kế đặc biệt cho người học tiếng Anh. Các tài liệu này thường cung cấp giải thích, bài tập và ví dụ được thiết kế để giải quyết những thách thức phổ biến mà người học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thường gặp phải. Làm các bài tập ngữ pháp, viết bài luận hoặc truyện tiếng Anh để đảm bảo tính chính xác trong việc sử dụng tiếng Anh và xác định những khía cạnh mà mình cần cải thiện. Cuối cùng, sự kiên nhẫn và mục tiêu trong việc luyện tập ngôn ngữ mục tiêu có thể giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng chéo giữa các ngôn ngữ và nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh của người học.

Bằng cách thực hiện ba gợi ý này, người học có thể xây dựng một nền tảng vững chắc trong ngôn ngữ thứ 2 (tiếng Anh) trong khi giảm thiểu tác động của sự ảnh hưởng chéo từ ngôn ngữ thứ 3. Tuy nhiên, lưu ý rằng phong cách học và sở thích cá nhân có thể khác nhau, vì vậy rất quan trọng để điều chỉnh các chiến lược này để phù hợp với nhu cầu cụ thể và mục tiêu của người học.

Đọc thêm: Học từ vựng bằng phương pháp lặp lại ngắt quãng - Spaced Repetition.

Tổng kết

Bài viết trên đã bàn luận về những ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ 3 lên việc học ngôn ngữ thứ 2 là tiếng Anh, đồng thời đề xuất những giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực. Mong rằng với bài viết trên, người học có thể tận dụng hiệu quả vào trong quá trình học tập của mình.

Tài liệu tham khảo

  1. Antunez Aguilar, Abril Arlet. “Crosslinguistic influence of an L3 on an L2 in the productive language skills.” Revista Lengua y Cultura, vol. 3, no. 6, 2022, pp. 1–9, https://doi.org/10.29057/lc.v3i6.8618. 

  2. Verschik, A. Emerging Bilingual Speech : From Monolingualism to Code-Copying, 2008, https://doi.org/10.5040/9781474212168. 

  3. Griehaber,W., Rehbein,J. & Şimşek, S, Third Language Acquisition. Waxmann Verlag GmbH, 2006, https://books.google.com.mx/books?id=-vEeAHsRsJcC&dq=third+language+acquisition&hl=es&source=gbs_navlinks_s


Học sinh được hỗ trợ giải đáp thắc mắc, chữa bài tập trên diễn đàn ZIM Helper bởi các Giảng viên chuyên môn đang giảng dạy tại ZIM.

Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu