Áp dụng Mind map vào học tiếng Anh như thế nào để hiệu quả? Phần 3: Kỹ năng viết (writing)
IELTS Writing là một trong những kỹ năng khó đối với học sinh Việt Nam, đặc biệt là những học sinh chỉ có cơ hội tiếp cận tiếng Anh qua giáo trình phổ thông. Bởi vì giáo trình này không cho học sinh nhiều cơ hội để luyện tập tự sản xuất ra câu, đoạn văn, bài văn bằng tiếng Anh, việc này dẫn đến khi học sinh bắt đầu học IELTS và phải tự sản xuất và câu từ để viết thì còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm hoặc khó có sự tiến bộ. Bài viết này sẽ giới thiệu những phương pháp học và làm bài viết áp dụng Mind map vào học tiếng Anh để giúp người học có thể cải thiện cách tư duy khi viết nói riêng và các kỹ năng khác liên quan đến viết.
Đọc 2 phần đầu tiên của chuỗi bài qua link:
Áp dụng Mind map vào học tiếng Anh như thế nào để hiệu quả? Phần 1: Học từ vựng và kỹ năng Speaking
Áp dụng Mind map vào học tiếng Anh như thế nào để hiệu quả? Phần 2: Nâng cao khả năng đọc hiểu
Key takeaways
Người học có thể học ý tưởng bằng cách vẽ lại sơ đồ tư duy logic cho bài đọc hay tài liệu bài mẫu để nhớ kỹ nội dung ý tưởng cũng như biết rõ thêm về logic viết bài của tác giả. Người học cũng có thể áp dụng mind map vào việc lên ý tưởng để luyện tập viết tự do.
Người học còn có thể áp dụng sơ đồ tư duy để lên ý tưởng cho bài viết bởi vì cách này giúp người học sử dụng kết hợp giữa câu chữ, hình ảnh, và chuyển động tay, giúp người học lên ý tưởng mới dễ dàng hơn.
Sau khi đọc đề và phân tích đề, người học có thể lập dàn ý cho bài văn hoàn chỉnh của task 2 sử dụng sơ đồ tư duy để giúp đáp ứng những tiêu chí về mạch lạc gắn kết và tiêu chí trả lời câu hỏi đề đưa ra.
Học ý tưởng bằng sơ đồ tư duy
Các kỹ năng khác nhau trong tiếng Anh vẫn có tính liên kết nhất định và cải thiện 1 kỹ năng thường đi kèm với cải thiện 1 hoặc nhiều kỹ năng khác. Ví dụ, nghe nhiều hơn người học sẽ nói tốt hơn, và tương tự, đọc nhiều hơn người học sẽ viết hay hơn. Sau khi đọc xong 1 bài báo, bài văn mẫu, đoạn mô tả, tài liệu, v.v. người học có thể vẽ sơ đồ tư duy để tóm tắt lại bài mình vừa mới đọc. Bằng cách này, người học có thể nhớ thông tin và ý tưởng tài liệu cung cấp tốt hơn, và kiến thức sẽ được sắp xếp và hệ thống. Người học cũng có thể hiểu bài mình mới vừa đọc hơn như đã nêu ra trong phần trước và học được cách lập luận hay logic viết bài của tác giả.
Sử dụng sơ đồ tư duy để brainstorm ý tưởng
Quyển sách Mindset for IELTS bởi nhà xuất bản Cambridge đã đưa ra một trong những cách lên ý tưởng cho task 2 là vẽ một sơ đồ tư duy như sau cho đề bài: Experts believe that, over the next decade, robots will be doing many of the jobs currently done by humans. Discuss the advantages and disadvantages of this (Archer et al. 95-95).
(Nguồn của hình: (Archer et al. 95-95))
Bởi vì sơ đồ tư duy xoay quanh cách sắp xếp thông tin giống với não bộ, nó giúp người học liên tưởng đến nhiều ý tưởng hơn. Mỗi khi não bộ bắt đầu mã hoá một khái niệm hay trải nghiệm hay một thông tin nào đó, nó luôn mã hoá tất cả những khía cạnh liên quan đến thông tin. Ví dụ, khi nhớ về 1 kỉ niệm đáng nhớ như ngày cưới, người ta nhớ về quần áo mình mặc ngày hôm đó, màu sắc của đồ trang trí, tiếng nhạc và tiếng người ta nói chuyện, cảm giác chạm vào nhẫn, vị thức ăn, v.v. Hoặc khi nhớ đến khái niệm đèn giao thông, chúng ta nhớ đến màu sắc xanh đỏ vàng, tiếng còi xe, ngã tư, v.v. Vì vậy, khi chỉ liệt kê ý tưởng một cách thuần tuý mà không vẽ sơ đồ tư duy như trên, người học có thể gặp khó khăn trong việc nghĩ ý tưởng vì cách này không kích thích sự liên kết thông tin trong não bộ mạnh mẽ bằng sơ đồ tư duy. Vẽ sơ đồ tư duy là cách suy nghĩ không chỉ bằng não bộ, mà còn bằng hình ảnh và cử động tay, giúp người học sản xuất ra nhiều ý tưởng hơn liên quan đến những ý tưởng hay khái niệm mình đã có sẵn.
Ngoài ra, khi tự học hay muốn luyện tập viết ở nhà, người học còn có thể áp dụng viết tự do (freewriting) để luyện lên ý tưởng cho nhiều chủ đề và luyện kỹ năng viết câu và đoạn. Sử dụng sơ đồ tư duy và các từ để hỏi, người học có thể ý tưởng trước cho bài mình sẽ viết:
Đọc thêm về viết tự do ở link: 2 cách phát triển ý cho mọi chủ đề IELTS Writing (P.1)
Sử dụng sơ đồ tư duy để lập dàn ý
Một trong những tiêu chí chấm điểm của bài thi viết IELTS là tiêu chí mạch lạc và gắn kết (coherence & cohesion), trong đó để bài viết có thể đạt từ band 7 trở lên, người thi cần:
tổ chức thông tin và ý tưởng một cách hợp lý; có sự tiến triển rõ ràng trong suốt bài văn
sử dụng một loạt các công cụ gắn kết một cách thích hợp mặc dù có thể có một số trong đó được sử dụng chưa đủ hoặc quá mức
trình bày một chủ đề trọng tâm rõ ràng trong mỗi đoạn văn
Khi sử dụng sơ đồ tư duy để lên dàn ý, người học có thể dễ dàng sắp xếp và liên kết ý tưởng để đáp ứng những yêu cầu nói trên về mạch lạc gắn kết. Việc phát triển 1 ý nhỏ hơn từ những ý lớn và từ gốc trọng tâm không chỉ đảm bảo mỗi câu, mỗi ý trong đoạn văn đều có tính liên kết, mà còn đảm bảo người thi không bị lạc đề. Tiêu chí trả lời câu hỏi đề bài/ nhiệm vụ cũng là một tiêu chí quan trọng khác, nếu lạc đề, điểm của người thi sẽ bị ảnh hưởng. Những yêu cầu của tiêu chí Task Response bao gồm trả lời hết đúng trọng tâm các phần của câu hỏi, có luận điểm rõ ràng, và luận điểm được ủng hộ và dẫn chứng rõ ràng. Sử dụng sơ đồ tư duy cộng với các phương pháp phát triển luận điểm có thể người học bám sát tiêu chí này.
(Xem thêm cách lập luận tại: Cấu trúc đoạn văn P.I.E là gì? Ứng dụng vào IELTS Writing Task 2 dạng Discuss both views)
Sơ tư duy hoạt động có lợi vì thiết kế trực quan của chúng cho phép học sinh nhìn thấy mối quan hệ giữa các ý tưởng và khuyến khích người học nhóm các ý tưởng nhất định lại với nhau khi thực hành ( Steele).
Người học có thể sử dụng sơ đồ tư duy để lên dàn ý và sắp xếp ý tưởng như hình dưới đây:
Với sơ đồ này, chủ đề gốc là làm việc từ nhà (working from home) và từ đó bài sẽ có 2 phần chính, những lợi ích và vấn đề của xu hướng này, và sau đó người học có thể phát triển thêm ý phụ để củng cố những luận điểm chính đã liệt kê.
Tuy nhiên, vì thời gian lập dàn ý có hạn khi thi, người học cũng cần lưu ý giữ dàn ý đơn giản và ngắn gọn, và bởi vì đây là phần nháp, người thi không cần chú ý đến chính tả hay ngữ pháp và nên viết từ và cụm từ thay vì câu hoàn chỉnh.
Tổng kết
Khi tự học và luyện tập, mind mapping có thể giúp người học rất nhiều trong việc lưu trữ, phân tích, và hệ thống thông tin giúp việc học viết dễ dàng và thú vị hơn. Khi làm bài, brainstorm ý tưởng hay lập dàn ý hay cả 2 cho bài thi viết góp phần giúp bài viết có bố cục mạch lạc và gắn kết hơn và giúp người học chú ý được những trọng tâm đề bài đưa ra.
Bình luận - Hỏi đáp