Các phụ âm môi răng (Labiodentals) và phụ âm khe răng (Interdentals) trong bảng IPA

Bài viết nói về 2 nhóm phụ âm trong bảng IPA, kết hợp với bài nói mẫu thuộc chủ đề Clothes
author
Hồ Hoàng Long
14/06/2022
cac phu am moi rang labiodentals va phu am khe rang interdentals trong bang ipa

Trong bài thi Speaking, tiêu chí Phát âm có thể là một chướng ngại vật lớn đối với thí sinh Việt Nam. Nhiều thí sinh luyện tập thường xuyên vẫn không thể cải thiện được phát âm một cách hoàn chỉnh và chính xác. Một lý do cho việc này nằm ở sự khác biệt giữa các âm trong hai hệ thống âm của hai thứ tiếng, từ đó dẫn đến việc có những cách phát âm còn giống tiếng Việt, chưa đúng phương cách của tiếng Anh. Một cách để giúp tiếp cận phát âm tiếng Anh chính xác hơn là thông qua việc học bảng Phiên âm Quốc tế IPA (IPA - International Phonetics Alphabet), do đây là một bảng tổng hợp tất cả các âm được sử dụng trong tiếng Anh. Chắc hẳn đã có nhiều thí sinh được giới thiệu qua bảng sau nhưng lại chưa biết cách học đúng. Vì thế, chuỗi bài viết sau hướng đến việc giới thiệu về các nhóm âm trong bảng IPA, về cách tạo âm đúng cũng như những sự khác biệt với các âm trong tiếng Việt. Bài đầu tiên của chuỗi bài viết đã nói về các âm môi. Tiếp nối bài viết đấy, nội dung bên dưới sẽ nói về các âm ở hai cột tiếp theo trong bảng - âm môi răng và âm khe răng.

Key takeaways

  • Phụ âm môi răng (Labiodentals) và phụ âm khe răng (Interdentals) là những phụ âm ở cột thứ hai và thứ ba trong bảng IPA

  • Phụ âm môi răng (/f/ và /v/) là phụ âm được tạo ra bằng răng trên và môi dưới

  • Phụ âm khe răng (/ð/ và /θ/) là phụ âm được tạo ra bằng đầu lưỡi và khe giữa hai răng

Khái niệm phụ âm môi răng

Phụ âm môi răng là phụ âm được tạo ra khi miệng khép lại cho răng trên và môi dưới tiếp xúc với nhau, để lại một khoảng nhỏ để thu hẹp luồng hơi đi ra. Lúc này luồng hơi đi ra sẽ bị cản trở một phần. Trong bảng IPA, phụ âm môi răng bao gồm toàn bộ những phụ âm ở cột thứ hai của bảng. Tiếng Anh có hai phụ âm được tạo theo cách trên là âm /f/ và /v/.

Thí sinh có thể tự đọc những từ như “fat” và “vat” để thấy sự khác biệt giữa hai âm. Với âm /f/, luồng hơi thổi ra mạnh, nhiều và liên tục hơn. Trong khi ở âm /v/, luồng hơi ấy bị chặn lại nhiều hơn và có sự thu hẹp hơn.

Một điểm khác biệt nổi bật nữa là ở chỗ âm /f/ là âm vô thanh trong khi âm /v/ là âm hữu thanh. Tương tự như những cách thử tính chất vô thanh - hữu thanh, khi để tay lên cổ họng và phát âm, âm /f/ sẽ không làm các dây thanh quản run lên trong khi âm /v/ thì có.

Âm /f/

Tên đầy đủ của âm /f/ là âm xát môi răng vô thanh, được tạo ra bằng cách khép miệng cho răng trên chạm vào môi dưới và đưa ra một luồng hơi mạnh và đều. Đây là âm có nét tương đồng với phụ âm “ph” trong tiếng Việt. Nên việc phát âm chính xác âm /f/ không phải là một điều quá khó khăn với thí sinh Việt Nam.

Để luyện tập được âm /f/ một cách nhuần nhuyễn, thí sinh có thể thực hành đọc câu “Five frantic frogs fled from fifty fierce fishes.” (Năm con ếch hoảng loạn chạy trốn khỏi năm mươi con cá dữ). Trong một từ thì âm /f/ có thể đứng ở đầu từ như trong “fan”, “foot”, “fear”, có thể kết hợp với /l/ và /r/ như trong “fly”, “fry”, “flip”, có thể đứng ở giữa từ như trong “puffy” (giòn xốp) hay “buffet” (tiệc buffet) và cũng có thể làm phụ âm cuối như trong “calf” (bắp đùi) hay “surf” (lướt sống).

Đối với nhóm phụ âm môi ở bài trước, các âm này được tạo ra trong một từ tại những tổ hợp ký tự giống với ký hiệu của mình. Ví dụ như âm /b/ chỉ xuất hiện trong những từ có chứa ký tự “b” như “best” hay “boy”. Nhưng vói âm /f/, âm này lại có nhiều hơn một cách biểu hiện trong từ. Trong đó bao gồm:

  • Những từ có chứa ký tự -f- hoặc -ff- như trong “fight”, “five”, “offer”, “coffee”

  • Những từ có chứa tổ hợp ký tự -ph-, ví dụ như: “photograph” (/'fəʊtəgrɑ:f/, bức ảnh), “sphere” (/sfiər/, khối cầu), “telephone” (/'telifəʊn/, điện thoại)

  • Một số từ tận cùng bằng tổ hợp ký từ -gh, ví dụ như: “cough” (/kʌf/, cơn ho), “rough” (/rʌf/, thô ráp). Tuy nhiên đây không phải là một quy luật áp dụng chung vì có nhiều từ cũng tận cùng bằng -gh nhưng không phát âm là /f/ như “although” (/ɔ:l'ðəʊ/, “tuy nhiên”, ký tự -gh ở đây là một phụ âm câm) hay “plough” (/plaʊ/, “cày cấy”, ký tự -gh cũng là một nhóm phụ âm câm)

Ngoại trừ hai trường hợp kể trên, ký tự -f- không có những trường hợp câm trong một từ, nên thí sinh không cần quá quan tâm đến việc khi nào không nên phát âm. Cùng nhìn qua cách mà phụ âm /f/ được sử dụng trong bài nói qua đoạn trả lời mẫu What type of clothes do you like to wear? (Bạn thích mặc kiểu quần áo nào?)

Usually I wouldn’t be too interested in fashion to care about what I’m wearing, just a shirt and jeans is comfortable enough for me. Living in a fairly tropical climate, I couldn’t allow myself to put on so many layers of clothing just to sweat profusely at the end of the day. On the other hand, a shirt and jeans that snugly fit can last an entire day without all the fatigue and discomfort.

(Thường thì tôi không quá bận tâm đến thời trang để chú ý đến bộ đồ mình mặc, chỉ cần một cái áo và quần jeans là đủ thoải mái với tôi rồi. Sống trong một khí hậu tương đối nóng, tôi không thể để bản thân phải mặc quá nhiều lớp quần áo để rồi cuối ngày cứ tuôn mồ hôi như mưa. Mặt khác thì có một bộ áo và quần jeans thoải mái có thể giúp tôi đi qua ngày dài mà không thấy mệt mỏi hay khó chịu)

Phụ âm /v/

Phụ âm /v/ được gọi đầy đủ là phụ âm xát môi răng hữu thanh. Tương tự như âm /v/ trong tiếng Việt và âm /f/ kể trên, phụ âm này cũng được tạo ra bằng cách cho răng trên môi dưới tiếp xúc với nhau, nhưng lần này luồng hơi thổi ra bị chặn lại nhiều hơn.

Thí sinh có thể luyện đọc câu “Vivian believes violent, violet bugs have very big value.” (Vivian tin rằng những con bọ hung hăng màu tím có giá trị rất lớn) để thấy được cách âm /v/ xuất hiện trong một câu. Âm /v/ có thể xuất hiện ở đầu một từ như trong “value” (giá trị), “vine” (giàn nho), ở giữa từ như trong “invite” (mời gọi), “oven” (lò nướng) hoặc làm phụ âm cuối của từ như trong “dive” (lặn), “behave” (cư xử). Âm /v/ khác với âm /f/ ở chỗ không thể kết hợp với các phụ âm như /l/ hay /r/.

Một điểm khác biệt nữa giữa hai âm này chính là âm /v/ cũng chỉ có một trường hợp biểu hiện trong từ, đó là khi có ký tự -v-, chỉ trừ trường hợp của từ “of”. Mặc dù tận cùng bằng ký tự -f, từ này lại được phát âm là /əv/. Và khi được nối âm sang những từ bắt đầu bằng nguyên âm như trong cụm “one of a kind” (độc nhất), thí sinh sẽ nối âm /v/ sang âm /ə/ của mạo từ “a”.

Sau cùng, ký tự -v- cũng không có những trường hợp âm câm nào, nên thí sinh sẽ luôn phát âm âm này tương tự như cách viết của nó. Bên dưới là đoạn trả lời mẫu cho câu hỏi What kind of clothes do you dislike? (Bạn không thích kiểu quần áo nào?) và xem cách mà âm /v/ xuất hiện trong đoạn trả lời này.

I would feel vexed at the very first sight of ragged and ripped clothes. It looks as if it has been devoured by some animal, and is not proper clothing anymore. Also, it’s bad enough that these clothes are weirdly designed, they are also priced unreasonably. I understand that some designer wants to divert from the conventional way, but to my mind, clothes are devalued once they lose their most basic forms.

(Tôi sẽ thấy tức tối khi vừa nhìn thấy những bộ đồ nhăn nhúm hoặc bị xé rách vài điểm. Nhìn như thể có một con vật gì vừa mới cấu xé nó, để nó không còn là quần áo bình thường nữa. Ngoài ra, những bộ đồ này được thiết kế như thế này đã tệ rồi, chúng còn bị gắn cái giá quá cao. Tôi hiểu là có nhiều nhà thiết kế muốn thoát khỏi lối thiết kế truyền thống, nhưng với tôi, quần áo đã mất giá trị khi chúng mất đi hình thù cơ bản nhất.)

Phụ âm khe răng

Phụ âm khe răng là phụ âm được tạo ra bằng cách để đầu lưỡi ở giữa răng trên và răng dưới. Khi ấy, luồng hơi đi ra cũng sẽ bị cản trở một phần như âm môi răng. Trong bảng IPA, các âm khe răng là các âm ở cột thứ ba trong bảng, bao gồm hai phụ âm: ð và θ.

Đến đây, nhiều thí sinh Việt Nam sẽ trở nên lúng túng vì đây là hai ký hiệu mới lạ hoàn toàn, không có trong tiếng Việt. Hai âm này đều xuất hiện dưới dạng tổ hợp phụ âm -th- trong một từ, và phụ âm này lại được đọc khác với trong tiếng Việt. Vì thế đây cũng là hai âm gây khó khăn rõ rệt trong việc phát âm chính xác các từ tiếng Anh, nhất là với việc những từ phổ biến như “the”, “month”, “brother” đều có một trong hai âm này.

Để có thể phân biệt hai âm này với nhau, thí sinh cần nhớ /θ/ là một âm vô thanh, còn âm /ð/ là một âm hữu thanh. Ngoài ra, /ð/ thường xuất hiện trong những từ chức năng còn /θ/ thì xuất hiện trong các từ nội dung.

Phụ âm /θ/

Còn được biết với tên gọi phụ âm xát khe răng vô thanh (voiceless interdental fricative). Âm này cũng tuân theo quy tắc trên, với đầu lưỡi ở phần trước hai hàm răng và sau đó đẩy luồng hơi nhanh qua giữa khe răng. Luồng hơi này được đưa ra mạnh và đều, nghĩa là răng sẽ không bám quá chặt vào đầu lưỡi. Âm /θ/ là một âm vô thanh, nghĩa là khi phát âm và đưa tay lên cổ họng sẽ không thấy sự rung động của các dây thanh quản. Ngoài ra, khi để tay trước miệng và đọc âm này, sẽ cảm nhận được một luồng hơi mạnh chạm vào tay.

Một câu nói líu lưỡi (tongue twister) mà thí sinh có thể dùng để luyện tập phát âm âm này chính là “Aunt Beth has thick cheeks, thin lips, three teeth, and thin mouth(Dì Beth có má phúng phính, môi mỏng, ba cái răng và cái miệng mỏng.) Tất cả tổ hợp -th- trong câu này đều được phát âm là /θ/. Âm /θ/ có thể xuất hiện ở đầu một từ như trong “think”, “Thailand”, “theater”, ở giữa từ như trong “monthly” (hàng tháng), “mathematics” (toán học) hoặc làm phụ âm cuối của một từ như ở “bath”, “month”, “tenth”.

Âm /θ/ chỉ có một trường hợp biểu hiện duy nhất trong từ chính là khi có chứa tổ hợp -th- và từ đó là một từ mang nội dung, trong đó bao gồm:

  • Danh từ: “tooth” (răng), “birthday” (sinh nhật)

  • Động từ: “thank” (cảm ơn), “thrive” (vươn lên)

  • Tính từ: các số thứ tự như “fourth”, “fifth”, “sixth”,…; “deathly” (chết người)

Tuy vậy cũng có một số từ nội dung có chứa âm /ð/ và những từ này sẽ được nói đến ở phần sau. Câu hỏi What kind of clothes do people in your country usually wear? (Người dân trong nước bạn thích mặc kiểu quần áo nào?) đã được cung cấp đoạn trả lời mẫu bên dưới, những từ in đậm là những từ có chứa âm /θ/

Living in constant hot weather, the people here have to be wise with their clothing options. Most of the time, they would go for clothes with thin layers to tackle the heat. During daytime, both a T-shirt and jeans or a comfortable dress would be more preferable. When the night comes and the temperature decreases, people can put on thicker clothing for body warmth and formality.

(Sống trong một khí hậu nóng, người dân ở đây phải khôn ngoan khi lựa chọn quần áo. Hầu hết thời gian, họ sẽ mặc những lớp áo mỏng để tránh nhiệt độ cao. Ban ngày thì một cái áo thun quần jeans hay một chiếc đầm thoải mái sẽ được ưa chuộng hơn. Còn khi đêm về và nhiệt độ giảm thì người dân có thể mặc những bộ đồ dày dặn hơn để giữ ấm và tạo sự trang trọng.)

Phụ âm /ð/

Được biết đến với tên là phụ âm xát khe răng hữu thanh (voiced interdental fricative), âm /ð/ có vị trí các bộ phận tương tự như âm /θ/ nhưng được phát âm với luồng hơi bị cản lại nhiều. Khi đặt tay trước miệng sẽ không cảm nhận được luồng hơi chạm vào tay. Ngoài ra, đây còn là một âm hữu thanh, đồng nghĩa với việc dây thanh quản sẽ rung khi phát âm âm /ð/.

Thí sinh có thể luyện tập đọc câu nói “That is my brother from another mother who likes the weather, whether it is hot or cold.” (Đó là người em trai cùng cha khác mẹ với tôi, người thích thời tiết dù cho trời nóng hay lạnh.) Âm /ð/ có thể xuất hiện ở đầu một từ như trong “there”, “then”, ở giữa từ như trong “northern”, hoặc làm phụ âm cuối của một từ như trong “breathe” (hít thở), “bathe” (đi tắm).

Âm /ð/ cũng tương tự như âm /θ/, chỉ xuất hiện dưới dạng tổ hợp phụ âm -th- trong những từ chức năng và một số từ nội dung khác. Cụ thể hơn bao gồm:

  • Từ chỉ định: “this'“, “that”, “these”, “those”

  • Đại từ: “they”, “them”, “their”, “theirs”, “there” (ở đó), “then” (tại thời điểm đó)

  • Liên từ: “though, although” (tuy nhiên), “than” (hơn là)

  • Trạng từ: “therefore, thus” (vì thế)

  • Mạo từ “the”

  • Những từ tận cùng bằng -ther: “father”, “mother”, “weather”, “gather” (thu hoạch), “bother” (làm phiền), “other” (khác), “rather” (thay vì)

  • Một số từ nội dung khác: “smooth” (mượt mà), “worthy” (xứng đáng) “northern” (phía Bắc),…

Ngoài ra, tiếng Anh cũng ghi nhận các từ có chứa tổ hợp -th- câm, nhưng đây là những từ chuyên ngành và không mang độ thường dụng cao, nên sẽ không được nhắc đến ở đây. Tuy vậy, hai âm khe răng chịu ảnh hưởng của hiện tượng đồng hoá âm khi đi sau âm /s/ hoặc /z/. Tại đây hai âm này sẽ bị đồng hoá và biến đổi thành âm /s/ hoặc /z/ đi trước nó.

Vấn đề sau cùng và cũng là lớn nhất với thí sinh Việt Nam đó là làm thế nào để phân biệt hai âm khe răng này với phụ âm “th” trong tiếng Việt. Nếu xét về tên, hai âm khe răng này đều là âm xát, nghĩa là có sự ma sát liên tục giữa luồng hơi và bộ phận trong khoang miệng. Một đặc điểm nữa của âm xát chính là việc âm này có thể kéo dài được lâu. Trong khi đó, âm “th” của tiếng Việt lại là một âm bật, nghĩa là âm chỉ kéo dài trong một cái bật hơi và kết thúc, không có sự liên tục. Thí sinh có thể đặt lưỡi và răng đúng vị trí nhưng khi đọc vẫn bị bật hơi như trong tiếng Việt. Để khắc phục vấn đề trên, thí sinh cần chuyển qua thổi hơi nhẹ và liên tục qua miệng và không dùng lưỡi chặn hơi lại. Cuối cùng, câu hỏi What do you think the clothes we wear say about us? (Bạn nghĩ quần áo chúng ta mặc nói gì về chúng ta?) đã được cung cấp đoạn trả lời mẫu bên dưới, những từ in đậm là những từ có chứa âm /θ/

In my opinion, anything that we put on can be a projection of how we want to be perceived. Whenever we dress formally, we want others to notice us and our clothing options, as the saying goes - “Dress to impress”. The moment we walk out into the streets, whether to meet somebody or just to run errands, we would still run through our wardrobes to find something suitable for the occasion. This comes to show how image-conscious we are, thus expressing ourselves through clothes.)

(Theo tôi thì bất cứ thứ gì chúng ta mặc trên người đều là một sự phản ánh của cách mà ta muốn được nhìn nhận. Mỗi khi ta ăn mặc trang trọng, ta muốn người khác chú ý đến bản thân và phong cách phối đồ của ta, giống như câu nói xưa cũ: “Ăn mặc để gây ấn tượng.” Khoảnh khắc ta bước chân ra đường, dù là để gặp ai đó hoặc chỉ đơn giản là làm việc vặt, ta cũng sẽ lướt qua tủ đồ để tìm thứ gì phù hợp với dịp đấy. Điều này cho thấy chúng ta chú trọng đến hình ảnh như thế nào, và từ đó thể hiện bản thân qua trang phục.)

Phụ âm xát

Điều sau cùng cần lưu ý đó là dựa vào phương thức cấu âm, cả bốn phụ âm trong bài viết đều thuộc nhóm phụ âm xát (fricatives), nghĩa là có sự chặn lại một phần luồng hơi đi ra khỏi miệng. Với âm môi răng, luồng hơi này được chặn lại bằng sự tiếp xúc giữa môi và răng. Còn với âm khe răng thì đó là bằng sự tiếp xúc giữa đầu lưỡi và hai răng. Đây là 4 trong tổng số 9 phụ âm xát sẽ được bàn đến trong chuỗi bài viết này, ngoài ra bảng IPA cũng ghi nhận những phụ âm xát như /s/, /z/, /sh/ và /3/.

Sự biến đổi âm khi biến đổi từ

Trong tiếng Anh, khi một từ bị biến đổi dạng (chẳng hạn từ số ít sang số nhiều), hoặc biến đổi từ loại (chẳng hạn từ danh từ sang động từ), một số trường hợp sẽ đi kèm với hiện tượng biến đổi âm. Trong bài viết này, ta sẽ xét đến những trường hợp biến đổi âm thuộc 4 âm đã bàn luận ở trên:

  1. Biến đổi dạng số ít sang số nhiều của một từ tận cùng bằng âm /f/. Khi đấy, về cách viết, ký tự -f ở cuối từ sẽ được thay bằng -v và thêm -es vào sau. Quy tắc này cũng áp dụng tương tự với những từ tận cùng bằng -fe, lúc này khi sang dạng số nhiều, -fe sẽ thành -ves. Về phát âm, âm /f/ cũng sẽ bị biến đổi thành âm /v/ và theo sau là một âm /z/.

Ví dụ:

a wolf (/wʊlf/, chó sói) → two wolves (/wʊlvz/)

a leaf (/li:f/, cái lá) → two leaves (/li:vz/)

a knife (/naif/, con dao) → two knives (/naifz/)

a life (/laif/, cuộc sống) → two lives (/laivz/)

  1. Biến đổi từ loại của từ tận cùng bằng /θ/ sang từ tận cùng bằng âm /ð/. Với những danh từ tận cùng bằng âm /θ/ và tổ hợp phụ âm -th và có dạng tính từ hoặc động từ phái sinh bằng cách thêm hậu tố vào sau. Lúc này khi biến đổi từ loại cũng sẽ làm thay đổi cách phát âm của tổ hợp -th này

Từ danh từ sang động từ:

  • breath (/breθ/, hơi thở) → breathe (/briːð/, hít thở)

  • bath (/bɑːθ/, việc đi tắm) → bathe (/beɪð/, tắm)

Từ danh từ sang tính từ: worth (/wɜːθ/, giá trị) → worthy (/ˈwɜːði/, xứng đáng)

Từ danh từ sang danh từ: cloth (/klɒθ/, vải) → clothing (/ˈkləʊ.ðɪŋ/, quần áo)

Kết luận

Trong hai nhóm âm răng môi và khe răng, nhóm âm khe răng có thể vẫn còn khá xa lạ với thí sinh Việt Nam. Nhưng khi có thể kết hợp những lý thuyết về âm, những lưu ý về biến đổi âm cũng như thực hành phát âm thường xuyên, thí sinh vẫn có thể làm tốt bài thi Speaking của mình.

Để đạt kết quả cao trong kỳ thi IELTS, việc ôn luyện đúng và hiệu quả là vô cùng quan trọng. Tham khảo khóa học IELTS để đẩy nhanh quá trình học hiệu quả nhất.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu