Gợi ý 6 cách học ngữ pháp tiếng Anh hiệu quả và áp dụng thực tế
Key takeaways
6 cách học ngữ pháp tiếng Anh hiệu quả:
Hiểu bản chất các cấu trúc ngữ pháp
Làm các bài luyện tập trong các sách ngữ pháp
Sử dụng flashcards để ôn tập quy tắc ngữ pháp
Thực hành nói theo chủ đề với sử dụng ngữ pháp đã học
Sử dụng ứng dụng học tập để rèn luyện thường xuyên
Học ngữ pháp qua việc đọc và nghe có chủ đích
Ngữ pháp đóng vai trò quan trọng trong việc học tiếng Anh, giúp người học xây dựng câu chính xác và truyền đạt ý tưởng rõ ràng. Nắm vững ngữ pháp không chỉ nâng cao khả năng viết và nói, mà còn cải thiện kỹ năng nghe và đọc hiểu. Bài viết này nhằm cung cấp các cách học ngữ pháp tiếng Anh hiệu quả, từ việc hiểu lý thuyết đến áp dụng thực tế, giúp người học tự tin hơn khi sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày và các tình huống học tập, công việc.
Cùng chủ đề: Tổng hợp ngữ pháp tiếng Anh cơ bản từ A-Z đầy đủ nhất
1. Hiểu bản chất các cấu trúc ngữ pháp
Hiểu bản chất các cấu trúc ngữ pháp là nền tảng quan trọng giúp học sinh nắm vững và áp dụng ngữ pháp một cách chính xác và tự nhiên. Việc học ngữ pháp không chỉ là ghi nhớ quy tắc mà cần hiểu cách mỗi thì và cấu trúc ngữ pháp phản ánh ý nghĩa trong ngữ cảnh. Đặc biệt, đối với học sinh trình độ A2-B1, việc phân biệt các thì động từ thường gây khó khăn. Hiểu rõ bản chất từng thì sẽ giúp học sinh sử dụng đúng khi nói và viết.
Ví dụ:
Thì hiện tại đơn dùng để miêu tả sự thật hiển nhiên, thói quen, hoặc hành động lặp lại hàng ngày.
Câu ví dụ: "I go to school every day." (Miêu tả hành động diễn ra đều đặn)
Thì hiện tại tiếp diễn dùng để diễn tả hành động đang diễn ra tại thời điểm nói.
Câu ví dụ: "I am studying English right now." (Miêu tả hành động đang xảy ra tại thời điểm nói)
Hiểu được mục đích và ngữ cảnh sử dụng của các cấu trúc này giúp học sinh tránh nhầm lẫn và dễ dàng ghi nhớ hơn.
Cách thực hành:
Chọn một thì ngữ pháp cụ thể để nghiên cứu:
Mỗi ngày, học sinh chọn một thì hoặc cấu trúc ngữ pháp cụ thể (như hiện tại đơn, hiện tại tiếp diễn, hoặc quá khứ đơn) và học kỹ về ý nghĩa, cách sử dụng và dấu hiệu nhận biết của thì đó.
Ví dụ: Nếu học sinh đang học thì hiện tại đơn, cần hiểu rõ rằng thì này thường đi kèm với các từ chỉ tần suất như "always", "often", "every day",...
Viết câu ví dụ áp dụng đúng thì và cấu trúc:
Sau khi hiểu rõ bản chất, học sinh sẽ đặt 5-10 câu ví dụ sử dụng thì đó để miêu tả các hoạt động hàng ngày hoặc tình huống thường gặp. Điều này giúp học sinh khắc sâu các quy tắc ngữ pháp thông qua việc sử dụng chúng trong ngữ cảnh thực tế.
Ví dụ: Với thì hiện tại đơn, học sinh có thể viết các câu như: "She goes to the market every morning." hoặc "They play football every weekend."

2. Làm các bài luyện tập trong các sách ngữ pháp
Làm bài tập trong các sách ngữ pháp là một cách học ngữ pháp hiệu quả và phổ biến, đặc biệt đối với học sinh Việt Nam. Các bài tập ngữ pháp giúp học sinh củng cố kiến thức, thực hành và kiểm tra khả năng áp dụng các quy tắc ngữ pháp đã học. Thông qua việc làm bài tập, học sinh có thể nhận ra các lỗi sai thường gặp, từ đó cải thiện và sử dụng ngữ pháp chính xác hơn. Các sách ngữ pháp có hệ thống bài tập từ cơ bản đến nâng cao, giúp học sinh nắm chắc kiến thức qua từng bước.
Cách thực hành cụ thể:
Chọn sách ngữ pháp phù hợp:
Học sinh nên chọn sách ngữ pháp có cấu trúc bài học rõ ràng, phù hợp với trình độ hiện tại của mình. Ví dụ, “Giải thích ngữ pháp Tiếng Anh” của cô Mai Lan Hương là một trong những cuốn sách ngữ pháp nổi tiếng và dễ hiểu ở Việt Nam, phù hợp với học sinh trình độ A2-B1. Sách cung cấp giải thích lý thuyết ngắn gọn và bài tập thực hành chi tiết cho từng phần ngữ pháp, từ các thì cơ bản đến cấu trúc phức tạp hơn như câu điều kiện và mệnh đề quan hệ.
Làm bài tập theo từng chủ đề ngữ pháp:
Sau khi học lý thuyết về một chủ đề ngữ pháp (ví dụ: thì hiện tại đơn), học sinh nên làm ngay bài tập thực hành về chủ đề đó để củng cố kiến thức. Trong sách của cô Mai Lan Hương, mỗi bài học đều có phần lý thuyết và bài tập đa dạng, từ điền từ vào chỗ trống, chọn đáp án đúng, cho đến viết lại câu.
Phân tích và tự sửa lỗi:
Sau khi làm bài tập, học sinh nên đối chiếu với đáp án và xem xét kỹ những câu mình làm sai. Quan trọng là phải hiểu được tại sao mình sai và cách sửa đúng như thế nào. Nếu không hiểu, học sinh có thể tìm phần giải thích lý thuyết trong sách để học lại.
Lưu lại: Bài tập ngữ pháp Tiếng Anh có đáp án chi tiết từ cơ bản đến nâng cao
3. Sử dụng flashcards để ôn tập quy tắc ngữ pháp
Flashcards là công cụ đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc ghi nhớ các quy tắc ngữ pháp. Với flashcards, học sinh có thể ôn tập thông tin theo cách thức trực quan và dễ tiếp thu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc ôn lại thông tin qua flashcards giúp tạo ra các liên kết trong não bộ, từ đó tăng khả năng ghi nhớ dài hạn. Việc ôn tập qua flashcards còn giúp học sinh lặp lại kiến thức nhiều lần, từ đó hình thành phản xạ ngôn ngữ tự nhiên khi gặp các cấu trúc ngữ pháp trong thực tế. Flashcards cũng có thể được cá nhân hóa, cho phép học sinh tạo bộ thẻ phù hợp với mục tiêu học tập của mình.
Người học có thể sử dụng flashcards để ôn tập quy tắc ngữ pháp bằng cách: Tạo các bộ flashcards cho từng thì và cấu trúc ngữ pháp. Mỗi thẻ có một mặt ghi quy tắc và mặt kia ghi ví dụ minh họa. Ví dụ, một thẻ có thể ghi “Hiện tại tiếp diễn” và mặt sau là câu “I am studying now.” Học sinh có thể sử dụng ứng dụng Anki hoặc Quizlet để tạo flashcards trực tuyến, ôn tập 10-15 phút mỗi ngày. Điều này giúp ghi nhớ lâu hơn và tự động áp dụng khi nói hoặc viết.
4. Thực hành nói theo chủ đề sử dụng ngữ pháp đã học
Thực hành nói giúp học sinh củng cố kiến thức ngữ pháp qua giao tiếp thực tế. Khi nói, học sinh có thể sử dụng ngay các thì và cấu trúc câu đã học, điều này cải thiện sự tự tin trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Học sinh có thể tự chọn một chủ đề đơn giản mỗi ngày để nói, như “My daily routine” hoặc “Plans for the weekend.” Mỗi chủ đề sẽ liên quan đến các thì khác nhau, như hiện tại đơn cho thói quen hoặc tương lai đơn cho kế hoạch. Học sinh có thể ghi âm lại bài nói và nghe lại để kiểm tra xem mình có sử dụng đúng ngữ pháp không.
Người học có thể sử dụng công cụ Chu Du Speak để luyện nói hàng ngày. Đây là trợ lý ngôn ngữ AI được phát triển bởi ZIM Academy, tích hợp nhiều đặc điểm khác nhau của văn nói. Người học có thể sử dụng Chu Du Speak để cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh thông qua các cuộc hội thoại với đa dạng chủ đề trong đời sống và công việc.

5. Sử dụng ứng dụng học tập để rèn luyện thường xuyên
Các ứng dụng học tập trực tuyến cung cấp môi trường linh hoạt và có cấu trúc, giúp học sinh luyện tập hàng ngày. Ứng dụng như Duolingo, Memrise hay Grammarly không chỉ cung cấp bài tập ngữ pháp mà còn giúp học sinh theo dõi tiến độ học tập của mình.
Mỗi ngày, học sinh nên dành 15-20 phút sử dụng các ứng dụng học tập trực tuyến để hoàn thành các bài tập ngữ pháp. Ví dụ, Duolingo cung cấp các bài học ngắn về ngữ pháp với các thì và cấu trúc câu cơ bản. Sau khi hoàn thành các bài học, học sinh có thể kiểm tra tiến độ và các lỗi đã mắc phải để cải thiện. Điều này giúp học sinh duy trì thói quen học tập hàng ngày mà không cảm thấy quá tải.
6. Học ngữ pháp qua việc đọc và nghe có chủ đích
Học ngữ pháp thông qua các hoạt động đọc và nghe có chủ đích là một cách hiệu quả giúp học sinh nhận diện và hiểu rõ cách sử dụng ngữ pháp trong ngữ cảnh thực tế. Khi đọc hoặc nghe, học sinh sẽ thấy các cấu trúc ngữ pháp xuất hiện một cách tự nhiên, từ đó nắm bắt cách ngôn ngữ được sử dụng trong các tình huống khác nhau. Việc học ngữ pháp qua ngữ cảnh giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ và áp dụng chính xác, bởi họ hiểu được cách ngữ pháp hoạt động chứ không chỉ đơn thuần ghi nhớ lý thuyết.
Chọn tài liệu phù hợp với trình độ:
Học sinh nên bắt đầu với các bài đọc hoặc bài nghe có mức độ phù hợp với trình độ của mình (A2-B1). Các nguồn phù hợp có thể là sách đọc trình độ (graded readers), truyện ngắn, bài báo ngắn, hoặc các đoạn hội thoại đơn giản. Ví dụ, học sinh có thể đọc các mẩu truyện ngắn bằng tiếng Anh hoặc nghe podcast dễ hiểu như ESL Pod, BBC Learning English.
Tập trung vào các cấu trúc ngữ pháp đã học:
Khi đọc hoặc nghe, học sinh cần chú ý nhận diện các thì và cấu trúc ngữ pháp đã học. Ví dụ, khi đọc một câu chuyện, hãy chú ý xem tác giả sử dụng thì quá khứ đơn để miêu tả hành động gì. Tương tự, khi nghe một đoạn hội thoại, học sinh có thể chú ý xem thì hiện tại tiếp diễn được dùng như thế nào để nói về hành động đang diễn ra.
Nguồn tài liệu gợi ý:
Graded Readers (sách đọc trình độ): Nhiều nhà xuất bản lớn như Oxford, Cambridge có bộ sách đọc dành cho học sinh ở các cấp độ khác nhau. Đây là nguồn tài liệu tốt để học sinh tiếp cận ngữ pháp trong các câu chuyện ngắn gọn, dễ hiểu.
BBC Learning English và ESL Pod: Đây là các trang web cung cấp các bài nghe phù hợp với nhiều trình độ khác nhau, giúp học sinh luyện ngữ pháp thông qua việc nghe.
News in Levels: Trang web này cung cấp các bài báo đơn giản theo cấp độ, giúp học sinh thực hành đọc hiểu và nhận diện ngữ pháp trong ngữ cảnh thực tế.
Đọc tiếp: Sự khác biệt giữa ngữ pháp mô tả và ngữ pháp chuẩn mực trong tiếng Anh
Trên đây, tác giả đã gợi ý 6 cách học ngữ pháp tiếng Anh hiệu quả và dễ áp dụng. Hy vọng với thông tin trên, người học có thể ứng dụng linh hoạt trong quá trình ôn luyện của mình.
Sách Understanding English Grammar - Tenses: Giải Thích Ngữ Pháp Tiếng Anh Cơ Bản - Thì Tiếng Anh là tài liệu phù hợp nếu người học mong muốn củng cố nền tảng ngữ pháp tiếng Anh và hiểu rõ cách sử dụng các thì trong câu. Cuốn sách cung cấp hệ thống kiến thức về thì tiếng Anh một cách rõ ràng, kèm theo ví dụ minh họa và bài tập thực hành, giúp người học áp dụng hiệu quả vào giao tiếp và bài thi.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thảo
Bình luận - Hỏi đáp