Banner background

Cách tiếp cận các dạng bài trong TOEIC Listening Part 4

Bài viết giới thiệu 2 dạng câu hỏi ngụ ý và câu hỏi với bảng, biểu đồ nhằm tiếp cận dạng bài hiệu quả trong TOEIC Listening Part 4.
cach tiep can cac dang bai trong toeic listening part 4

Phần 4 trong bài thi nghe TOEIC được đánh giá có độ khó cao hơn so với các phần còn lại. Ở phần thi này, thí sinh được nghe 10 bài nói ngắn (short talk) để trả lời tổng số 30/100 câu hỏi trắc nghiệm của kỹ năng nghe. Có nhiều dạng câu hỏi khác nhau mà thí sinh thường gặp phải, và trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ đi sâu hơn vào hai dạng câu hỏi ngụ ý và câu hỏi với bảng, biểu đồ nhằm đưa ra cho thí sinh cách tiếp cận dạng bài hiệu quả trong TOEIC Listening Part 4.

TOEIC Listening Part 4 và những lưu ý

Như đã giới thiệu ở phần trước, trong TOEIC Listening Part 4, thí sinh sẽ được nghe các bài nói ngắn (short talk). Khác với phần 3 (conversation), phần 4 chỉ có một người nói trong xuyên suốt một bài. Thí sinh nghe và trả lời ba câu hỏi trắc nghiệm thuộc mỗi bài, sau đó tìm đáp án phù hợp nhất trong bốn lựa chọn (A) (B) (C) (D) để điền vào tờ đáp án. Phần 4 cũng là phần cuối cùng trong bài thi nghe hiểu, chiếm 30 câu hỏi (từ câu 71 đến 100)

toeic-listening-part-4

(Đề thi mẫu được minh họa bởi ets.org)

Các bài nói này xoay quanh một số chủ đề phổ biến với dạng thức một bài thông báo (announcements); báo cáo (reports); bài quảng cáo (advertisements); tin nhắn ghi âm (recorded messages); các bài nói, thuyết trình ở hội nghị, hội thảo (speeches) hay hướng dẫn du lịch, …

Lưu ý phần thi:

  1. Thí sinh được nghe 1 lần duy nhất và lời thoại bài nói không được in ra trong đề.

  2. Mỗi bài nói kéo dài trong khoảng thời gian từ 30 đến 40 giây. Kết thúc bài nói, các câu hỏi lần lượt được đọc lên với khoảng cách 8 giây nghỉ giữa từng câu.

  3. Thí sinh không được phép ghi chép lên đề bài.

Những thay đổi trong hình thức mới của bài thi TOEIC Listening Part 4: Trên thực tế, số lượng câu hỏi cho phần thi vẫn giữ nguyên, tuy nhiên dạng câu hỏi trở nên đa dạng hơn với 2 hình thức câu hỏi mới có liên quan đến bảng, bản đồ, biểu đồ và câu hỏi về ngụ ý của người nói trong một ngữ cảnh cụ thể. 

Để nắm chắc điểm số cho các dạng thức câu hỏi này, thí sinh cần hiểu rõ yêu cầu và đặc điểm câu hỏi cũng như có phương pháp tiếp cận phù hợp.

Đọc thêm: Cách khắc phục 4 tình huống khó xử lý trong TOEIC Listening

Yêu cầu dạng bài và phương pháp tiếp cận TOEIC Listening Part 4

Câu hỏi ngụ ý

Đây là loại câu hỏi yêu cầu thí sinh xác định ngụ ý, ý định của người nói thông qua một câu thoại nào đó trong bài. Nói đơn giản hơn, thí sinh cần tìm ý nghĩa câu nói này trong ngữ cảnh cụ thể của cuộc hội thoại.

Dạng thức câu hỏi thường gặp:

  1. What does the speaker imply when she says, “it’s a large space”? (Người nói ngụ ý gì khi cô ấy nói, “đó là một không gian rộng lớn”?)

  2. Why does the man say, “I eat it all the time”? (Tại sao người đàn ông nói: “Tôi ăn nó hoài”?)

  3. What does the speaker mean when she says, “This form is only one page, though”? (Người nói có ý gì khi cô ấy nói, “Tuy nhiên, mẫu này lại chỉ có một trang”?)

Phương pháp làm bài:

Đối với dạng câu hỏi ngụ ý trong TOEIC Listening Part 4, để xác định được ý định người nói qua câu thoại được nêu trong đề bài, thí sinh khó để có thể xác định nghĩa chỉ đơn giản bằng việc dịch độc lập câu thoại này mà bên cạnh đó cần liên kết nó với câu thoại trước và sau nhằm nắm rõ ngữ cảnh trò chuyện. Thí sinh có thể tiếp cận bài theo các bước sau đây:

  1. Đọc câu hỏi, chú ý phần lời thoại được đặt trong dấu ngoặc kép để hiểu được nghĩa đen của câu nói.

  2. Đọc lần lượt các lựa chọn A, B, C, D để nắm ý, đồng thời gạch chân từ khóa quan trọng (thông thường là các danh từ, động từ, tính từ có chứa thông tin truyền đạt).

Ở bước này, thí sinh cần chú ý thêm một số động từ (xuất hiện sau các đại từ như He, she hoặc dạng thứ “to- động từ nguyên mẫu”) thể hiện các hành động có thể kèm cảm xúc người nói thông qua đó. Điều này có thể phần nào giúp thí sinh loại trừ hoặc xác định một đáp án bởi khi nghe, câu thoại sẽ có ngữ điệu (intonation) hay cách nhấn nhá giúp người nói thể hiện ý định, ngụ ý của mình.

Ví dụ: To express disappointment (thể hiện sự thất vọng, tông giọng có thể đi xuống); to encourage, to praise (tông giọng đi lên, thể hiện sự hào hứng hơn để tán thưởng, khuyến khích ai đó), to express concern (thể hiện mối lo, bận tâm),…

  1. Liên tưởng ngụ ý câu nói với các lựa chọn đã cho và hình dung các ngữ cảnh có thể xảy ra (trong 1 số trường hợp, nếu xuất hiện một đáp án ít có liên quan nhất hoặc hầu như không có liên kết với câu nói qua một ngữ cảnh nào, thí sinh có thể loại trừ đáp án đó), đồng thời suy nghĩ đến các từ vựng có thể xuất hiện trong bối cảnh đó.

  2. Chú ý lắng nghe và cố gắng nắm bắt ngữ cảnh của bài nói, thí sinh có thể dựa vào các câu hỏi đã hoàn thành ở trước để hiểu phần nào nội dung bài nói. Thí sinh không chờ từ khóa xuất hiện trong câu nói vì thông tin cần tìm nằm ở cả các câu trước và sau.

  3. Loại trừ các đáp án mà không khớp với bối cảnh chung bài nói.

Ứng dụng vào bài luyện tập mẫu và phân tích đáp án

Ví dụ 1:

What does the speaker imply when she says, “it’s a large space“?

(A) There is room to display new merchandise.

(B) High attendance is anticipated.

(C) A venue is too expensive.

(D) There is not enough staff for an event

(Nguồn: ETS TOEIC Test 2019)

Sau khi đọc câu hỏi, thí sinh có thể xác định được câu thoại có chứa ngụ ý là “it’s a large space” (tạm dịch theo nghĩa đen: “Nó là một không gian rộng lớn”).

Phân tích 4 lựa chọn

Các từ khóa được gạch chân gồm có “room”và “display new merchandise” (trưng bày hàng hóa mới) có thể giúp thí sinh liên tưởng đến bối cảnh của một sự kiện hoặc hội chợ bày bán sản phẩm.

Với từ khóa “high attendance” (lượng tham dự cao), người nói có thể ngụ ý rằng địa điểm tổ chức một buổi tiệc, sự kiện nào đó là khá lớn vì dự đoán được trước lượng tham dự sẽ cao.

Từ khóa “Venue” ám chỉ địa điểm của một sự kiện, hội nghị hoặc cuộc họp, “too expensive” là thông tin về giá cả, ngụ ý người nói có thể là một không gian rộng lớn thì giá thuê sẽ quá mắc tiền.

Hai từ khóa “Not enough staff” và “event” giúp thí sinh liên tưởng đến ngụ ý rằng có một sự kiện tổ chức ở không gian rộng lớn và do vậy có thể gặp vấn đề về thiếu nhân viên.

Phân tích lời thoại

Woman: Before we end this meeting, I want to thank everyone for the extra hours you’ve put in getting our new line of camera accessories ready for market. Because of your willingness to work overtime, the new products will be ready in time for the trade show coming up next month in Shanghai. That’s in addition to the accessories we usually display, but it shouldn’t be a problem. We’ve reserved a booth at the front of the exhibition hall this year, and it’s a large space.

Khi lắng nghe bài nói, thí sinh có thể thấy, câu thoại được đưa ra trong đề nằm ở cuối bài. Do vậy việc tập trung vào tìm từ khóa ở câu thoại có thể sẽ làm thí sinh bỏ lỡ thông tin cần tìm nằm ở các câu thoại trước. Sau khi phân tích lời thoại, dựa vào các từ được in đậm, người nghe có thể xác định được nội dung được thảo luận là về việc trưng bày (display) một số sản phẩm mới (new products), cụ thể là một số phụ kiện máy ảnh (camera accessories) ở một hội chợ (market)/ triển lãm thương mại (trade show). Bài nói không đề cập đến thông tin về nhân viên, người tham dự hay giá cả, do vậy B, C, D có thể bị loại trừ.

Xét lựa chọn (A) với từ khóa “display” và từ đồng nghĩa “product” ≈ “ merchandise” xuất hiện trong bài. Ngoài ra ở 2 câu cuối tạm dịch là: các sản phẩm mới để trưng bày vào tháng tới ở Thượng Hải được thêm vào với các phụ kiện thường có, tuy nhiên đó không phải vấn đề vì chúng tôi đã đặt chỗ trước một quầy hàng, và đó là một không gian rộng, ngụ ý các hàng hóa mới sẽ có chỗ để trưng bày. Do vậy A là đáp án phù hợp nhất với.

Câu hỏi với bảng thông tin, bản đồ, biểu đồ (table, graphic)

Đây là dạng bài trong TOEIC Listening Part 4, yêu cầu thí sinh liên kết thông tin được cho trong một bảng, bản đồ hay biểu đồ có sẵn ở đề với thông tin đưa ra trong bài nói để chọn đáp án chính xác.

Dạng thức câu hỏi có thể gặp:

Các câu hỏi thuộc dạng này thông thường bắt đầu bằng cụm “Look at the graphic” (nhìn vào biểu đồ), tương ứng với đó sẽ là một bảng thông tin, biểu đồ, bản đồ, lịch trình,… được in trong đề, như minh họa dưới đây:

toeic-listening-part-4

82. Look at the graphic. Who will be the final presenter?

A. Ms. Carbajal

B. Mr. Buteux

C. Mr. Chambers

D. Ms. Ohta

toeic-listening-part-4

96. Look at the graphic. Which number should James Albertson pay attention to now?

A. WA15

B. B12

C. 7A

D. 1

(Câu hỏi mẫu minh họa bởi ets.org và ETS TOEIC 2019)

Phương pháp làm bài

  1. Đối với dạng câu hỏi này, trước hết thí sinh nhìn nhanh qua biểu đồ để nắm loại thông tin chính được thể hiện

  2. Đọc kỹ câu hỏi để xác định thông tin đề bài yêu cầu và cũng là loại thông tin thí sinh cần nghe trong bài

Ở bước này, thí sinh cần chú ý các từ để hỏi đứng đầu câu như “who” (ai?), “what time” (mấy giờ?), “which number” (con số nào?), “when” (khi nào?), “where” (ở đâu?), “how much/ how many” (bao nhiêu?), “how long?” (bao lâu?), …. Đây là yếu tố quyết định loại thông tin cần nghe sẽ là về người, vật, thời gian, địa điểm hay số lượng.

  1. Đọc qua các lựa chọn và nhanh chóng lướt qua bảng, biểu đồ một lần nữa để xem những thông tin này thể hiện ý nghĩ gì hoặc có liên kết với thông tin nào khác trong bảng hay không

Một lưu ý khi làm dạng bài này đó là bài nói thông thường không đề cập trực tiếp đến các từ, cụm từ xuất hiện trong 4 lựa chọn mà thay vào đó là những thông tin gián tiếp có liên quan nằm trong biểu mẫu. Thí sinh kết hợp việc nghe và đối chiếu với các thông tin trong bảng, biểu mẫu đó để suy ra câu trả lời. Do vậy, nếu có bất kỳ một thông tin hoặc dữ liệu, con số nào xuất hiện trong bốn lựa chọn được nhắc đến trực tiếp trong bài thì thông thường sẽ đều là bẫy để đánh lừa thí sinh.

Ứng dụng vào bài luyện tập mẫu và phân tích đáp án:

Ví dụ 1:

toeic-listening-part-4

Look at the graphic. Which number should James Albertson pay attention to now?

(A) WA15

(B) B12

(C) 7A

(D) 1

(Nguồn: ETS TOEIC Test 2019)

Câu hỏi trong ví dụ trên yêu cầu thí sinh nhìn vào một biểu mẫu thông tin và xác định con số nào James cần chú ý vào lúc này.

Đọc bốn lựa chọn, thí sinh có thể nhanh chóng nhìn thấy các con số này xuất hiện trong biểu mẫu, tương ứng với một loại thông tin cụ thể khác mà nó biểu thị, cụ thể:

  1. WA15 là mã số chuyến bay (flight)

  2. B12 là mã số cổng (gate)

  3. 7A là mã số ghế (seat)

  4. 1 là mã khu vực để lên máy bay (boarding zone)

Như vậy, khi nghe bài nói, thay vì tập trung vào các con số WA15, B12, 7A hay 1, thí sinh sẽ cần lắng nghe các từ khóa “flight”, “gate”, “seat” và “boarding zone” để xác định đâu là cái mà đối tượng James cần chú ý.

Phân tích lời thoại

Man: Attention all passengers on Flight WA15. Due to inclement weather, this flight has been canceled. We’re very sorry for the inconvenience. In order to assist you in making alternative travel arrangements, we’ll be calling passengers up to the counter according to your boarding zone numbers. Please take out your boarding passes and look at the zone number you have been assigned.

Ngay ở mở đầu phần giới thiệu, chuyến bay số hiệu “WA15” được nhắc đến trực tiếp, nhưng không có thông tin nào theo sau cho thấy James cần chú ý đến số này. Vậy đáp án A có thể được loại trừ. Nghe tiếp phần thông tin còn lại, vì số ghế (seat) và mã số cổng (gate) không được đề cập đến trong bài nên đáp án B và C cũng bị loại. Mặt khác, từ khóa “boarding zone” có được nhắc đến 2 lần (ở lần thứ 2 là “zone number”) với yêu cầu đối tượng “look at” (nhìn vào), có thể được hiểu là “pay attention to” (chú ý đến). Sau khi đã nắm được loại thông tin mà James cần chú ý (là boarding zone), thí sinh một lần nữa đối chiếu thông tin này với biểu mẫu, từ đó cho ra con số phù hợp cho đáp án là “1” – đáp án C. Vậy đây là đáp án phù hợp nhất.

Ví dụ 2:toeic-listening-part-4

Look at the graphic. Which category does the speaker request more information about?

(A) Cleanliness

(B) Location

(C) Staff friendliness

(D) Cost

(Nguồn: ETS TOEIC Test 2019)

Câu hỏi yêu cầu thí sinh nhìn vào biểu mẫu thông tin về khảo sát phản hồi khách hàng để xác định hạng mục nào (which category) mà người nói muốn hỏi thêm thông tin.

Đọc qua bốn lựa chọn với 4 hạng mục khác nhau, thí sinh đối chiếu với thông tin có liên quan trong biểu mẫu thông tin và có thể thấy rằng

  1. Cleanliness (độ sạch sẽ) được đánh giá 4 sao

  2. Location (vị trí) được đánh giá 4 sao

  3. Staff friendliness (sự thân thiện của nhân viên) được đánh giá 5 sao

  4. Cost (chi phí) được đánh giá 3 sao

Như vậy, thí sinh có thể dự đoán được rằng, trong bài nghe, người nói sẽ không trực tiếp nêu tên hạng mục là “cleanliness”, “location”, “staff friendliness” hay “cost” mà thay vào đó sẽ mô tả gián tiếp qua việc đề cập đến số sao mà hạng mục đó được đánh giá. Do vậy thông tin cần nghe trong bài để xác định đáp án sẽ được thể hiện dưới dạng hạng mục được đánh giá …(3, 4 hay 5)…sao là cái mà người nói muốn hỏi thêm thông tin.

Phân tích lời thoại

Man: Hello, this is Fred Capo, from Member Relations at Greenwood Gym. I just wanted to thank you for participating in our member survey. Everyone who completed a survey will receive a five dollar voucher, which can be used for any class fees or in our cafe. I’ve already sent it to your email. Also, looking at your feedback, I see that you’ve given very high ratings overall for our gym. Thank you! For the category that you gave five stars to,I’d like to ask you a few more questions. If you have time, please give me a call back at 555-0184.

Phần thông tin cần nghe nằm ở gần cuối bài nói, khi người nói đề cập đến “the category that you gave five stars to” (hạng mục mà bạn đánh giá 5 sao), I’d like to ask you a few more questions (tôi muốn đặt thêm một vài câu hỏi). Vậy sau khi nghe, thí sinh nắm được thông tin hạng mục cần tìm đã được đánh giá 5 sao. Đối chiếu vào biểu mẫu, C sẽ là đáp án chính xác nhất.

Đọc thêm: Các dạng câu hỏi trong Listening TOEIC Part 4 và cách giải quyết

Tổng kết

Như vậy, việc nắm được dạng bài, yêu cầu đề cũng như phương pháp làm bài phù hợp sẽ giúp thí sinh dễ dàng tiếp cận dạng câu hỏi ngụ ý và câu hỏi về bảng, biểu mẫu thông tin. Bài viết trên hy vọng giúp người đọc hiểu rõ hơn về các dạng câu hỏi này trong phần thi TOEIC Listening Part 4. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần luyện tập thường xuyên để cải thiện khả năng nghe hiểu của mình. Thí sinh có thể tham khảo những khóa học TOEIC tại ZIM để nâng cao kiến thức và kĩ năng làm bài TOEIC Listening Part 4.

Đọc thêm: Cách trả lời và ứng dụng câu hỏi Yes/No trong TOEIC Listening Part 2

Trần Thị Ngọc Huyền

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...