Banner background

Cấu trúc đề thi TOEFL iBT® chi tiết 4 phần thi Listening, Reading, Writing & Speaking

Bài viết phân tích cấu trúc đề thi TOEFL iBT và cập nhật những thay đổi mới nhằm giúp các thí sinh có chiến lược học tập và ôn luyện hiệu quả.
cau truc de thi toefl ibt chi tiet 4 phan thi listening reading writing speaking

Key takeaways

Cấu trúc đề thi TOEFL iBT mới nhất:

  • Thời gian làm bài: khoảng 2 tiếng

  • Tổng quan các phần thi:

    • Reading (Đọc): 35 phút, 20 câu hỏi

    • Listening (Nghe): 36 phút, 28 câu hỏi

    • Speaking (Nói): 16 phút, 4 phần câu hỏi

    • Writing (Viết): 29 phút, 2 phần câu hỏi

  • Thang điểm: 120, mỗi kỹ năng chiếm 30 điểm.

TOEFL (Test of English as a Foreign Language) là một trong những kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh phổ biến và uy tín trên toàn cầu. Trong đó, bài thi TOEFL iBT® (Internet-Based Test) là chứng chỉ được sử dụng rộng rãi trong tuyển sinh đại học, xin học bổng, định cư, hoặc ứng tuyển vào các công ty quốc tế.

Để đạt điểm cao trong bài thi này, việc nắm vững cấu trúc đề thi TOEFL iBT là điều kiện tiên quyết giúp các thí sinh có chiến lược làm bài và ôn luyện hiệu quả. Do đó, bài viết sau đây của ZIM sẽ phân tích chi tiết bốn kỹ năng trong bài thi TOEFL iBT, cập nhật những thay đổi mới và so sánh các hình thức thi nhằm rút ra cái nhìn tổng quan về bài thi TOEFL iBT.

Tổng quan về đề thi TOEFL iBT

Bài thi TOEFL iBT do Viện Khảo Thí Giáo Dục Hoa Kỳ ETS® (Educational Testing Services) phát triển nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của thí sinh trong môi trường học thuật thông qua bốn kỹ năng: Reading (Đọc), Listening (Nghe), Speaking (Nói) và Writing (Viết).

Bài thi kéo dài khoảng 2 tiếng (2.5 tiếng tổng cộng nếu tính thêm 30 phút check in) với thang điểm tối đa là 120, mỗi kỹ năng chiếm 30 điểm. Điểm thi sẽ được nhập trên tài khoản ETS được dùng đăng ký thi từ 4-8 ngày sau ngày thi chính thức.

Cấu trúc bài thi TOEFL iBT

Kỹ năng

Thời gian

Câu hỏi

Mô tả

Reading (Đọc)

35 phút

20 câu hỏi

Đọc các đoạn văn và trả lời câu hỏi.

Listening (Nghe)

36 phút

28 câu hỏi

Trả lời các câu hỏi liên quan đến các đoạn bài giảng ngắn và cuộc thảo luận trong lớp học.

Speaking (Nói)

16 phút

4 phần

Trình bày về một chủ đề quen thuộc và thảo luận dựa trên tư liệu được cung cấp.

Writing (Viết)

29 phút

2 phần

Đọc một đoạn văn, nghe một bài giảng và viết bài viết theo yêu cầu.

Trình bày và lập luận ủng hộ một ý kiến trong cuộc thảo luận lớp học trực tuyến. 

Xem thêm: Kỳ thi TOEFL iBT là gì? Những điều cơ bản thí sinh cần biết

Phiên bản mới nhất

Từ năm 2023, bài thi đã được thay đổi về cấu trúc, thời gian làm bài và cách chấm điểm [3].

  • Loại bỏ các câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.

  • Giảm bớt số lượng đoạn văn của phần thi Reading.

  • Thay thế dạng câu hỏi Independent Writing bằng dạng câu Writing for an Academic Discussion.

  • Phần thi Speaking và Writing sẽ được chấm bởi cả giám khảo và hệ thống AI.

Qua đó, bài thi TOEFL iBT chỉ còn kéo dài khoảng 1 tiếng 56 phút, trở thành bài thi tiếng Anh chuẩn hóa 4 kỹ năng ngắn nhất.

TOEFL iBT

So sánh TOEFL iBT và TOEFL ITP

Ngoài hình thức thi TOEFL iBT phổ biến, bài thi TOEFL còn có hình thức TOEFL ITP (Institutional Testing Program). Hai bài thi này có sự khác biệt về mục đích đánh giá.

  • Bài thi TOEFL iBT được sử dụng rộng rãi để đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trong môi trường học thuật dựa trên 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết, thường được các cơ sở giáo dục lựa chọn làm cơ sở đánh giá khả năng sử dụng tiếng của thí sinh nhằm phục vụ công tác tuyển sinh.

  • Bài thi TOEFL ITP® [4] là dạng bài trắc nghiệm toàn bộ, làm trên giấy và hướng đến kiểm tra khả năng nghe hiểu, đọc hiểu và cấu trúc - diễn đạt của thí sinh, thường được các cơ sở giáo dục dùng để đánh giá sơ bộ đầu vào hoặc sự tiến bộ của các ứng viên, sinh viên và nhân viên.

Do đó, bài thi TOEFL ITP thường không thể thay thế bài thi TOEFL iBT nếu thí sinh muốn nộp điểm bài thi tiếng Anh chuẩn hóa cho các trường đại học hoặc tổ chức quốc tế. Khi các cơ sở yêu cầu cung cấp điểm thi TOEFL mà không nói rõ hình thức nào thì đa phần đây sẽ là điểm của bài thi TOEFL iBT.

Cấu trúc đề thi TOEFL iBT Reading

Cấu trúc đề thi TOEFL iBT Reading

Phần thi TOEFL iBT Reading (Đọc) được thiết kế để đánh giá khả năng đọc hiểu các tài liệu học thuật được viết bằng tiếng Anh. Các tài liệu này thường được trích từ các loại sách giáo khoa ở cấp bậc đại học và trải dài trên đa dạng các lĩnh vực.

  • Yêu cầu: Đọc 2 đoạn văn bản và trả lời câu hỏi, mỗi đoạn dài khoảng 700 từ và gồm 10 câu hỏi. Tổng cộng 20 câu hỏi.

  • Thời gian làm bài: 35 phút.

Các dạng câu hỏi

  1. Factual Information and Negative Actual Information: Tìm kiếm hoặc nhận diện thông tin cụ thể có trong bài hoặc không có trong bài.

  2. Inference and Rhetorical Purpose: Suy luận thông tin không được nêu trực tiếp hoặc xác định mục đích của tác giả khi đề cập đến một đối tượng, ý tưởng nhất định.

  3. Vocabulary: Xác định nghĩa của từ hoặc cụm từ trong ngữ cảnh.

  4. Sentence Simplification: Chọn câu ngắn hơn mang nghĩa tương tự câu gốc của văn bản.

  5. Insert Text Question: Chọn vị trí phù hợp để chèn một câu mới vào đoạn văn.

  6. Prose Summary: Tóm tắt các ý chính của đoạn văn bằng cách chọn 3 câu đúng trong số 6 lựa chọn.

Các dạng câu hỏi TOEFL iBT Reading

Chủ đề phổ biến

Các đoạn văn bản thường xoay quanh một chủ đề học thuật bất kỳ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như:

  • Khoa học tự nhiên: Thiên văn học, địa chất, sinh học, môi trường.

  • Khoa học xã hội: Lịch sử, nhân loại học, tâm lý học, xã hội học.

  • Nghệ thuật và văn học: Kiến trúc, hội họa, âm nhạc.

Cách tính điểm và thang điểm

Điểm phần thi Reading dao động từ 0 đến 30, mỗi câu trả lời đúng có thể có giá trị điểm khác nhau. Điểm số của phần thi này sẽ được chấm tự động bởi máy tính. Từng mức điểm sẽ tương ứng với các cấp độ khác nhau. [5]

  • Advanced: 22 - 30

  • High-Intermediate: 17 - 21

  • Low-Intermediate: 9 - 16

  • Below Low-Intermediate: 0 - 8

Một số thay đổi gần đây

Trong năm 2024, cấu trúc đề thi TOEFL iBT nói chung và phần thi Reading nói riêng có sự thay đổi, có thể kể đến như sau:

  • Bỏ câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.

  • Giảm số lượng đoạn văn và câu hỏi xuống còn 2 đoạn và 20 câu hỏi.

Qua đó, phần thi Reading trở nên ngắn hơn và thời gian làm bài được rút lại còn khoảng 36 phút.

Cấu trúc đề thi TOEFL iBT Listening

TOEFL iBT Listening

Phần thi TOEFL iBT Listening (Nghe) đánh giá khả năng nghe hiểu các bài giảng và đoạn hội thoại trong môi trường học thuật. Chất giọng đến từ người nói tiếng Anh bản địa ở khu vực Bắc Mỹ, Anh, New Zealand hoặc Úc. Thí sinh có thể ghi chú trong quá trình nghe để căn cứ trả lời các câu hỏi.

  • Yêu cầu: Nghe 3 bài giảng (mỗi bài dài 3-5 phút và gồm 6 câu hỏi) và 2 đoạn hội thoại (mỗi đoạn dài khoảng 3 phút và gồm 5 câu hỏi). Tổng cộng 28 câu hỏi.

  • Thời gian làm bài: 36 phút, bao gồm cả thời gian nghe và trả lời câu hỏi. Mỗi bài chỉ được nghe một lần duy nhất và có khoảng thời gian nghỉ giữa các bài nghe.

Các dạng câu hỏi

  • Gist-Content and Gist-Purpose: Xác định ý chính của bài nghe hoặc mục đích chính của người nói.

  • Detail: Nhận diện đúng thông tin cụ thể được đề cập trong bài nghe.

  • Function: Nghe hiểu chức năng của một câu hoặc một ý nhất định của người nói.

  • Attitude: Xác định thái độ của người nói về một vấn đề nhất định.

  • Organization: Nghe hiểu cấu trúc hoặc cách người nói tổ chức các ý trong bài.

  • Connecting Content: Xác định mối quan hệ giữa các ý trong bài, từ đó dự đoán kết quả, rút ra kết luận hoặc nhận biết được mối quan hệ nhân - quả.

  • Inference: Suy luận thông tin không được nêu trực tiếp.

Các dạng câu hỏi TOEFL iBT Listening

Chủ đề phổ biến

Tương tự như phần thi Reading, các bài nghe thường xoay quanh một chủ đề học thuật bất ký trên nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như:

  • Khoa học tự nhiên: Thiên văn học, sinh học, hóa học, môi trường.

  • Nghệ thuật: Lịch sử nghệ thuật, âm nhạc, văn học.

  • Xã hội học: Tâm lý học, giáo dục, kinh tế.

  • Cuộc sống đại học: Đăng ký môn học, thư viện, dịch vụ sinh viên.

Cách tính điểm và thang điểm

Điểm phần thi Listening dao động từ 0 đến 30, mỗi câu trả lời đúng có thể có giá trị điểm khác nhau. Điểm số của phần thi này sẽ được chấm tự động bởi máy tính. Từng mức điểm sẽ tương ứng với các cấp độ khác nhau. [5]

  • Advanced: 22 - 30

  • High-Intermediate: 17 - 21

  • Low-Intermediate: 9 - 16

  • Below Low-Intermediate: 0 - 8

Một số thay đổi gần đây

Tương tự với phần thi Reading, phần thi Listening của bài thi TOEFL iBT cũng có sự thay đổi dù không đáng kể. Hiện nay, ETS đã loại bỏ hoàn toàn các câu hỏi thử nghiệm không tính điểm, nên thí sinh sẽ chỉ nghe và trả lời 28 câu hỏi.

Đọc thêm: Tổng hợp từ vựng TOEFL cần thiết và phương pháp học hiệu quả

Cấu trúc đề thi TOEFL iBT Speaking

TOEFL iBT Speaking

Phần thi Speaking (Nói) đánh giá năng lực nói tiếng Anh một cách hiệu quả trong môi trường học thuật. Các câu hỏi sẽ mô phỏng những tình huống thực tế có thể bắt gặp ở cả trong và ngoài lớp học.

  • Yêu cầu: Trả lời 4 câu hỏi, được chia thành 2 loại chính

    • Independent Speaking Task: 1 câu hỏi yêu cầu trình bày ý kiến cá nhân về một chủ đề quen thuộc.

    • Integrated Speaking Tasks: 3 câu hỏi yêu cầu đọc một đoạn văn bản ngắn, nghe một đoạn hội thoại hoặc bài giảng, sau đó tổng hợp thông tin từ cả hai nguồn để trả lời.

  • Thời gian làm bài: 16 phút, với thời gian quy định riêng cho mỗi câu hỏi.

    • Câu 1: 15 giây chuẩn bị, 45 giây trả lời

    • Câu 2: 30 giây chuẩn bị, 60 giây trả lời

    • Câu 3: 30 giây chuẩn bị, 60 giây trả lời

    • Câu 4: 20 giây chuẩn bị, 60 giây trả lời

Các dạng câu hỏi và chủ đề

  • Câu 1 (Independent Speaking): Chọn một trong hai luồng ý kiến hoặc quan điểm và giải thích cho lựa chọn của bản thân. Chủ đề thường xoay quanh các tình huống trong cuộc sống hằng ngày hoặc các vấn đề xã hội quen thuộc.

  • Câu 2 (Integrated Speaking): Đọc một đoạn văn bản về một vấn đề trong phạm vi trường học và nghe một đoạn hội thoại cùng chủ đề, sau đó thuật lại ý kiến của người nói và chỉ ra mối quan hệ với vấn đề đã được đề cập trong bài đọc.

  • Câu 3 (Integrated Speaking): Đọc một đoạn văn bản về một khái niệm học thuật và nghe bài giảng về cùng chủ đề, sau đó giải thích lại và minh họa bằng ví dụ. 

  • Câu 4 (Integrated Speaking): Nghe một bài giảng về một chủ đề học thuật, sau đó tóm tắt các điểm chính và ví dụ được đưa ra trong bài giảng.

Yêu cầu của TOEFL iBT Speaking

Cách tính điểm và thang điểm

Mỗi câu hỏi của phần thi Speaking được chấm trên thang từ 0 đến 4 điểm. Điểm tổng sẽ được quy đổi ra thang từ 0 đến 30 điểm. Điểm số được đánh giá bởi người chấm đã qua đào tạo và hệ thống trí tuệ nhân tạo của ETS. Từng mức điểm sẽ tương ứng với các cấp độ khác nhau. [5]

  • Advanced: 25 - 30

  • High-Intermediate: 20 - 24

  • Low-Intermediate: 16 - 19

  • Basic: 10 - 15

  • Below Basic: 0 - 9

Hệ thống tiêu chí chấm điểm Speaking của ETS:

  • Delivery (Cách diễn đạt câu trả lời): Mức độ rõ ràng, phát âm, tốc độ nói và ngữ điệu.

  • Language Use (Cách sử dụng ngôn ngữ): Khả năng vận dụng ngữ pháp, từ vựng và cấu trúc câu để diễn đạt ý tưởng.

  • Topic Development (Cách phát triển nội dung): Mức độ đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nội dung của câu hỏi và tính liên kết khi phát triển các ý tưởng trong câu trả lời.

Cấu trúc đề thi TOEFL iBT Writing

TOEFL iBT Writing

Phần thi Writing (Viết) đánh giá khả năng viết tiếng Anh trong môi trường học thuật, bao gồm việc tổng hợp thông tin và trình bày ý kiến cá nhân một cách rõ ràng, mạch lạc. 

  • Yêu cầu: Trả lời hai câu hỏi

    • Integrated Writing Task: Đọc một đoạn văn bản, nghe một bài giảng, sau đó tổng hợp thông tin từ cả hai nguồn để viết một bài luận (thường khoảng 150 - 225 từ). 

    • Writing for an Academic Discussion Task: Trình bày và lập luận ủng hộ cho một ý kiến trong một cuộc thảo luận trực tuyến giả lập (ít nhất 100 từ).

  • Thời gian làm bài: khoảng 30 phút, với thời gian quy định riêng cho mỗi câu hỏi.

    • Câu 1: 20 phút

    • Câu 2: 10 phút

Các dạng câu hỏi và chủ đề

Câu 1 (Integrated Writing):

  • Đọc: Đoạn văn bản (250 - 300 từ) về một chủ đề học thuật.

  • Nghe: Bài giảng (2 - 3 phút) về cùng chủ đề.

  • Viết: Tóm tắt thông tin từ cả hai nguồn, giải thích mối quan hệ giữa bài đọc và bài nghe, thường là nêu ra những điểm đối lập hoặc bổ trợ.

Câu 2 (Writing for an Academic Discussion):

  • Đọc: Cuộc thảo luận trực tuyến về chủ đề học thuật, thường là giữa giáo sư và hai sinh viên khác.

  • Viết: Trình bày ý kiến của riêng mình, đồng thời tương tác hoặc phản hồi ý kiến của những người khác, nêu ra lập luận và ví dụ để hỗ trợ quan điểm của bản thân.

Yêu cầu của TOEFL iBT Writing

Cách tính điểm và thang điểm

Mỗi câu hỏi của phần thi Writing được chấm trên thang từ 0 đến 5 điểm. Điểm tổng sẽ được quy đổi ra thang từ 0 đến 30 điểm. Điểm số được đánh giá bởi người chấm đã qua đào tạo và hệ thống trí tuệ nhân tạo của ETS. Từng mức điểm sẽ tương ứng với các cấp độ khác nhau. [5]

  • Advanced: 24 - 30

  • High-Intermediate: 17 - 23

  • Low-Intermediate: 13 - 16

  • Basic: 7 - 12

  • Below Basic: 0 - 6

Hệ thống tiêu chí chấm điểm Writing của ETS:

Câu 1 (Integrated Writing):

  • Accurate development (Cách phát triển ý tưởng chính xác): Khả năng chọn lọc đầy đủ các thông tin quan trọng và diễn đạt chính xác các ý tưởng.

  • Organization (Cách tổ chức): Khả năng tổ chức bài viết rõ ràng, sử dụng từ nối để tăng tính mạch lạc và viết ngắn gọn, không bị lặp ý.

  • Language Use (Cách sử dụng ngôn ngữ): Khả năng vận dụng đa dạng cấu trúc ngữ pháp và từ vựng với mức độ chính xác cao.

Câu 2 (Writing for an Academic Discussion):

  • Relevant and clearly developed ideas (Ý tưởng được phát triển đầy đủ và có liên quan): Khả năng đưa ra ý kiến có tính đóng góp vào cuộc thảo luận và củng cố quan điểm bằng lập luận.

  • Variety in the use of language (Tính đa dạng trong ngôn ngữ): Khả năng sử dụng đa dạng và tự nhiên các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng.

  • Correct use of language (Tính chính xác trong ngôn ngữ): Mức độ chính xác về ngữ pháp, từ vựng, chính tả, dấu câu, viết hoa đúng tiêu chuẩn.

Một số thay đổi gần đây

Từ năm 2023, cấu trúc đề thi TOEFL iBT đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là ở phần thi Writing khi lược bỏ phần Independent Writing và thay thế bằng phần Writing for an Academic Discussion nhằm kiểm tra khả năng trao đổi ý kiến qua phương thức viết của thí sinh trong môi trường học thuật.

Xem thêm: Thang điểm TOEFL iBT - Cách tính và quy đổi điểm chuẩn nhất 2025

Sự khác biệt về cấu trúc đề thi giữa các phiên bản TOEFL iBT

ETS cung cấp ba phiên bản hay có thể xem là ba hình thức thi TOEFL iBT khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thí sinh:

  • TOEFL iBT truyền thống: Phiên bản phổ biến nhất, được thực hiện tại các trung tâm khảo thí được ETS ủy quyền. Cấu trúc và thời gian làm bài của phiên bản này đã được đề cập chi tiết ở các phần trên.

  • TOEFL iBT Home Edition [6]: Phiên bản cho phép thí sinh làm bài thi tại nhà riêng, dưới sự giám sát trực tuyến của giám thị. Cấu trúc đề thi và thời gian làm bài giống với phiên bản tại trung tâm khảo thí. Sự khác biệt nằm ở môi trường thi và quy trình giám sát.

  • TOEFL iBT Paper Edition [7]: Phiên bản thi TOEFL trên giấy đánh giá 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết. Theo thông tin từ ETS - tổ chức quản lý và phát triển kỳ thi TOEFL, phiên bản này đã bị ngừng cung cấp kể từ tháng 1/2024. 

Ưu và nhược điểm của từng phiên bản

TOEFL iBT truyền thống:

  • Ưu điểm: Môi trường thi chuyên nghiệp, ổn định; giảm thiểu rủi ro về kỹ thuật; được công nhận rộng rãi.

  • Nhược điểm: Yêu cầu di chuyển đến trung tâm khảo thí dựa trên lịch thi cố định; có thể gây căng thẳng do áp lực phòng thi.

TOEFL iBT Home Edition:

  • Ưu điểm: Linh hoạt về thời gian và địa điểm thi; thoải mái hơn khi làm bài tại nhà; phù hợp trong trường hợp khó khăn di chuyển.

  • Nhược điểm: Yêu cầu thiết bị máy tính phù hợp yêu cầu, mạng internet ổn định; tuân thủ nghiêm ngặt quy định giám sát trực tuyến; có thể gặp rủi ro về kỹ thuật.

Những thay đổi cấu trúc đề thi TOEFL iBT qua các năm

Những thay đổi cấu trúc đề thi TOEFL iBT qua các năm

TOEFL iBT đã trải qua nhiều lần thay đổi kể từ khi ra mắt để phù hợp hơn với nhu cầu đánh giá năng lực ngôn ngữ và mang lại trải nghiệm thi tốt hơn cho thí sinh.

  • Năm 2005: Chính thức ra mắt bài thi TOEFL iBT thay thế phiên bản trên giấy (PBT) và máy tính (CBT), bổ sung phần thi Speaking và các dạng bài tích hợp những kỹ năng (Integrated Tasks).​

  • Năm 2011: Cập nhật phần thi Reading, giảm số đoạn văn từ 5 xuống còn 3-4, cho phép thí sinh quản lý và phân bổ thời gian làm bài linh hoạt hơn thay vì bị giới hạn thời gian cho từng đoạn. ​

  • Năm 2019: Giảm tổng thời gian thi từ 3.5 giờ xuống còn 3 giờ; thay đổi số lượng câu hỏi được chấm điểm trong phần thi Reading, Listening và lược bớt hai câu hỏi của phần thi Speaking.

  • Năm 2020: Giới thiệu phiên bản TOEFL iBT Home Edition do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

  • Năm 2023: Tiếp tục cải tiến toàn diện và tinh gọn với những thay đổi đáng kể

    • Tổng thời gian thi giảm còn khoảng 2 tiếng.

    • Phần thi Reading chỉ còn 2 đoạn văn (20 câu hỏi, 35 phút).

    • Loại bỏ hoàn toàn các câu hỏi không tính điểm.

    • Phần Independent Writing được thay thế bằng dạng mới “Writing for an Academic Discussion”, phản ánh đúng hơn môi trường học thuật hiện đại.

    • Giao diện thi và chỉ dẫn được thiết kế trực quan hơn.

Xu hướng phát triển trong tương lai

ETS đang tiếp tục cải tiến bài thi TOEFL iBT để theo kịp sự thay đổi của giáo dục toàn cầu và nhu cầu từ các trường đại học. Một số thay đổi trong tương lai có thể hướng đến [8]:

  • Cải thiện trải nghiệm thi: Đơn giản hóa các quy trình đăng ký, check in, xác minh danh tính, tiến hành kỳ thi và trả kết quả thi (tối đa 72 giờ); đồng thời cung cấp các thiết bị tai nghe hiện đại và nguồn nhân sự sẵn sàng hỗ trợ thí sinh trong quá trình thi.

  • Cá nhân hóa nội dung thi: Thiết kế bài thi Reading và Listening theo dạng Multistage Adaptive Design (bài thi với các câu hỏi được điều chỉnh trong thời gian thực dựa trên năng lực của từng thí sinh) để tăng tính chính xác và công bằng trong quá trình đánh giá.

  • Kết nối với thang điểm CEFR: Bổ sung điểm số TOEFL iBT dựa trên khung tham chiếu châu Âu CEFR song song với thang điểm truyền thống, giúp thí sinh dễ dàng đánh giá và so sánh năng lực với các bài thi khác như IELTS, Cambridge.

Ảnh hưởng của công nghệ đến cấu trúc bài thi

Công nghệ đã và đang định hình lại bài thi TOEFL ở các khía cạnh sau đây:

  • Chuyển từ hình thức thi TOEFL PBT (Paper-Based Test) sang TOEFL iBT (Internet-Based Test).

  • Cung cấp phiên bản TOEFL Home Edition nhằm thể hiện tính linh hoạt và khả năng tận dụng công nghệ để mở rộng phạm vi tiếp cận của bài thi.

  • Phát triển dạng bài Writing for an Academic Discussion xoay quanh cuộc thảo luận trực tuyến giả lập nhằm giúp thí sinh phát triển khả năng giao tiếp thông qua các hình thức trực tuyến, phù hợp với xu thế học tập và làm việc hiện đại.

Lý do đằng sau những thay đổi

Các cải tiến trong cấu trúc TOEFL iBT không chỉ nhằm tối ưu hóa bài thi, mà còn xuất phát từ những lý do chiến lược và thực tiễn như:

  • Phản hồi từ người dùng: ETS thường xuyên thực hiện khảo sát và nghiên cứu ý kiến của thí sinh để làm nguồn dữ liệu điều chỉnh bài thi nhằm tạo ra trải nghiệm thi linh hoạt, hiệu quả và kết nối với các mục tiêu học tập.

  • Nhu cầu của các trường đại học: Các cơ sở giáo dục yêu cầu bài thi phản ánh năng lực tiếng Anh học thuật thực tế, đặc biệt là kỹ năng tư duy phản biện, thảo luận học thuật và diễn đạt ý tưởng.

Đọc tiếp: Cách học TOEFL iBT hiệu quả và kinh nghiệm thực tế

Tổng kết

Bài viết trên đã phân tích chi tiết cấu trúc đề thi TOEFL iBT ở cả bốn kỹ năng, so sánh các hình thức thi khác nhau và giới thiệu những cập nhật trong cấu trúc đề thi TOEFL iBT qua các năm. Hi vọng qua bài viết, thí sinh có thể nắm rõ cấu trúc đề thi TOEFL iBT nhằm đề ra chiến lược học tập và ôn luyện hiệu quả hướng tới mục tiêu điểm số mong muốn.

Nếu người học đang tìm kiếm một lộ trình học tập hiệu quả để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và đạt kết quả cao trong kỳ thi TOEFL iBT, hệ thống đào tạo tại ZIM Academy mang đến giải pháp phù hợp. Với đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, tài liệu giảng dạy cập nhật và phương pháp học tập cá nhân hóa, người học có thể tối ưu hóa quá trình rèn luyện. Liên hệ hotline 1900-2833 nhánh số 1 hoặc chat trực tiếp trên website để được tư vấn chi tiết.


ETS, and TOEFL iBT are registered trademarks of ETS, used in Vietnam under license.

Tham vấn chuyên môn
Ngô Phương ThảoNgô Phương Thảo
GV
Triết lý giáo dục: "Không ai bị bỏ lại phía sau" (Leave no one behind). Mọi học viên đều cần có cơ hội học tập và phát triển phù hợp với mức độ tiếp thu và tốc độ học tập riêng của mình.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...