Danh từ hóa là gì và ứng dụng trong IELTS Writing Task 2
Khi viết một bài essay nói chung và essay trong IELTS Writing task 2 nói riêng, người viết được yêu cầu phải sử dụng ngôn ngữ trang trọng (formal language). Để nâng cao tính trang trọng trong bài viết, một kỹ thuật có thể áp dụng đó là Nominalisation – Danh từ hoá. Vậy danh từ hoá là gì, lợi ích của danh từ hoá như thế nào, cách thực hiện danh từ hóa ra sao sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Danh từ hóa là gì?
Các thành phần chính của một câu là danh từ, động từ và tính từ. Danh từ là những từ chỉ người, vật, hiện tượng hay một khái niệm nào đó, ví dụ như teacher, communication, house. Thông thường danh từ sẽ đóng vai trò là Subject (chủ ngữ) hoặc Object (tân ngữ) của câu.
Trong khi đó, động từ là những từ chỉ hành động (ví dụ như go, walk, play) hoặc trạng thái (ví dụ như feel, seem) của chủ ngữ. Tính từ là những từ dùng để chỉ đặc điểm, tính chất của sự việc (ví dụ như beautiful, good, great)
Nomalisation nghĩa là danh từ hoá. Cụ thể, danh từ hoá là việc biến đổi một động từ hoặc tính từ thành danh từ hay cụm danh từ mà không dẫn đến sự thay đổi ngữ nghĩa của chúng. Khi sử dụng danh từ hóa, các đại từ nhân xưng, ví dụ I, We, They,… sẽ được hạn chế sử dụng.
Ví dụ 1:
“Crime is increasing rapidly in this region and the police are becoming concerned” (1)
(Tội phạm đang gia tăng nhanh chóng ở khu vực này và cảnh sát đang trở nên lo ngại)Nomalised sentence: “The rapid increase in crime in this region is causing the concern among the police” (2)
(Sự gia tăng nhanh chóng của tội phạm ở khu vực này đang khiến cảnh sát lo ngại)
Có thể thấy, một số động từ và tính từ trong câu (1) đã được Danh từ hóa khi sang đến câu (2), cụ thể:
Be increasing (verb) → Increase (noun)
Concerned (adj) → Concern (noun)
Ví dụ 2:
“I go to the shopping mall every week” (3) (Tôi đến trung tâm mua sắm mỗi tuần)
Nomalised sentence: “Going to the shopping mall is my weekly habit” (4) (Đến trung tâm mua sắm là thói quen hàng tuần của tôi.
Có thể thấy, đại từ nhân xưng “I” trong câu (3) đã được loại bỏ, thay vào đó là cụm danh từ “Going to the shopping mall” ở câu (4). Từ “go” là động từ trong câu (3) cũng được đổi thành danh từ “going” trong câu (4).
Lợi ích của danh từ hóa (nominalisation) trong IELTS
Một trong những yêu cầu trong các bài viết formal nói chung và các bài viết của IELTS nói riêng là sự trang trọng và khách quan trong bài viết. Do đó, các bài viết này thường được hạn chế sử dụng đại từ nhân xưng, và một trong những cách phổ biến nhất giúp thí sinh truyền tải thông tin mà không cần dùng đến đại từ nhân xưng đó là danh từ hoá. Như vậy, có thể nói danh từ hóa trong IELTS sẽ giúp bài viết chuyên nghiệp và khách quan hơn.
Bên cạnh đó, danh từ hoá còn có thể giúp thí sinh tránh lặp từ và tăng điểm tiêu chí Lexical Resource.
Một lợi ích khi sử dụng danh từ hoá đó là có thể thêm nhiều thông tin vào các danh từ, đặc biệt trong IELTS Writing Task 1. Ví dụ như khi sử dụng danh từ “Charts”, thí sinh có thể thêm các tính từ để miêu tả “charts” đó, ví dụ “the two colored charts” hoặc “the two colored bar charts”
(Nguồn: Cambridge English for IELTS)
Lợi ích của nominalisation
Các bước thực hiện Danh từ hóa (Nominalisation) trong IELTS Writing
Để có thể biến đổi một câu nói bằng tiếng Anh sang văn viết mang tính khách quan và chuyên nghiệp, thí sinh có thể ứng dụng Nomalisation. Nomalisation có thể được thực hiện theo từng bước như sau.
Các bước thực hiện Nominalisation
Bước 1: Loại bỏ chủ ngữ là đại từ nhân xưng (nếu có)
Trong tiếng Anh giao tiếp hàng ngày thường sử dụng các đại từ nhân xưng (I, You, He,…) để làm chủ ngữ, nhằm miêu tả hành động hay sự việc nào đó diễn ra với con người hoặc được thực hiện bởi con người. Tuy nhiên, trong văn viết, các đại từ nhân xưng cần bị loại bỏ, nhằm đảm bảo các sự việc hoặc hành động trong câu viết không mang tính cá nhân.
Bước 2: Xác định nội dung cần (có thể) chuyển đổi thành danh từ
Thí sinh cũng cần phải xác định các nội dung trong câu cần thiết hoặc có thể được chuyển đổi thành danh từ, một số nội dung có thể được chuyển đổi là:
Các động từ, tính từ của chủ ngữ mang tính cá nhân (I, We, They, …)
Ví dụ: They reacted very strongly when seeing a spider, and this made people surprised ⇒ Their strong reaction upon seeing a spider surprised people.
Các tính từ, động từ trong câu viết khiến cho câu giống với văn nói
Ví dụ: The building is big, so we can see it from quite a distance → The size of this building makes it visible from afar.
Bước 3: Đổi động từ, tính từ thành danh từ
Thay vì sử dụng động từ để diễn tả các hành động, trong văn viết, thí sinh có thể dùng danh từ hoặc cụm danh từ để diễn tả một hành động.
Nếu muốn tạo ra một cụm danh từ, thí sinh có thể áp dụng một số cách sau:
Thêm -ing vào động từ: Một trong những cách đơn giản nhất đó là thêm -ing vào động từ để biến nó thành một danh động từ.
Ví dụ: “go to school” chuyển thành “going to school”
Thêm hậu tố vào động từ và tính từ: Ngoài ra, thí sinh có thể thêm các hậu tố vào động từ hoặc tính từ để biến chúng thành danh từ. Một số ví dụ như:
Hậu tố | Verb | Adjective | Noun |
-ION | Act, decide |
| Action, decision |
-MENT | Move, agree |
| Movement, agreement |
-NESS |
| Kind, dark | Kindness, darkness |
-ITY |
| Probable, equal | Probability, equality |
(Nguồn tham khảo: IELTS Reading Techniques, ZIM)
Bước 4: Thay đổi chủ ngữ (nếu cần thiết)
Thí sinh có thể sử dụng các danh từ hoặc cụm danh từ đã được biến đổi ở bước hai để làm chủ ngữ trong câu, thay cho các đại từ nhân xưng.
Một cách khác để thay đổi chủ ngữ khách quan hơn đó là sử dụng các danh từ chỉ người. Thí sinh cũng có thể thêm hậu tố vào một số từ để biến chúng thành danh từ chỉ người, ví dụ:
Hậu tố | Verb | Noun |
-ER | Research, photograph | Researcher, photographer |
-OR | Translate, act | Translator, actor |
Ví dụ việc thực hiện Danh từ hóa (Nominalisation) trong IELTS Writing
Question: Nowadays, people waste a lot of food that was bought from shops and restaurants. Why do you think people waste food? What can be done to reduce the amount of food they throw away?
Câu không dùng Danh từ hóa | Câu dùng danh từ hóa |
I think people can have many explanations for the fact that they usually throw away edible foods (1a). (Tôi nghĩ rằng mọi người có thể có nhiều cách giải thích cho việc họ thường vứt bỏ những thực phẩm còn ăn được.) | Many explanations can be given to people’s tendency to throw away edible foods (1b). (Nhiều giải thích có thể được đưa ra về xu hướng vứt bỏ thực phẩm còn ăn được của mọi người) |
Kết luận: So với câu (1a), câu (1b) đã được loại bỏ chủ ngữ là mệnh đề quan hệ “I”. Thay vào đó, cụm danh từ “Many explanations” đã trở thành chủ ngữ. Ngoài ra, các từ “they usually” cũng được biến đổi thành cụm danh từ “people’s tendency”. | |
The first reason is that buyers do not make shopping lists when they do shopping. (2a) (Lý do đầu tiên là người mua không lập danh sách mua sắm khi họ mua sắm) | Firstly, many buyers purchase food without making precise shopping lists. (2b) (Thứ nhất, nhiều người mua thực phẩm mà không lập danh sách mua sắm chính xác.) |
Kết luận: So với câu (2a), ở câu (2b), cụm động từ “do not make” đã được thay bằng “without making”. Như vậy, từ “make” đã được thêm -ing để trở thành một danh động từ. | |
Besides, manufacturers tend to label products ambiguously. (3a) (Bên cạnh đó, các nhà sản xuất có xu hướng ghi nhãn sản phẩm một cách mơ hồ.) | Another reason for food waste is related to manufacturers’ ambiguous labelling system. (3b) (Một lý do khác gây lãng phí thực phẩm là liên quan đến hệ thống ghi nhãn không rõ ràng của các nhà sản xuất.) |
Kết luận: Từ “label” là động từ trong câu (3a) đã được chuyển đổi thành “labelling system” trong câu (3b). | |
To solve this problem, consumers need to plan their food shopping beforehand. (4a) (Để giải quyết vấn đề này, người tiêu dùng cần lên kế hoạch mua sắm thực phẩm từ trước.) | To solve this problem, consumers’ responsibility to plan their food shopping beforehand is important. (4b) (Để giải quyết vấn đề này, việc người tiêu dùng có trách nhiệm lên kế hoạch mua sắm thực phẩm trước đó là một điều quan trọng) |
Kết luận: Trong câu (4a), động từ “need” đã được sử dụng, nhưng ở câu (4b), từ “need” đã được thay thế bởi danh từ “responsibility” và cả cụm “consumers’ responsibility to plan their food shopping beforehand” trở thành chủ ngữ của câu. | |
The government also need to educate people about what labels mean. (5a) (Chính phủ cũng cần giáo dục mọi người về ý nghĩa của nhãn mác) | The government’s effort in educating people about labelling system is also important. (5b) (Nỗ lực của chính phủ trong việc giáo dục mọi người về hệ thống ghi nhãn cũng rất quan trọng.) |
Kết luận: Trong câu (5a), động từ “educate” đã được sử dụng, nhưng ở câu (5b), từ “educate” đã được thay thế bởi danh động từ “educating”. |
Academic writing luôn đòi hỏi sự chuyên nghiệp và khách quan. Qua bài viết này, tác giả mong người đọc có thể áp dụng được biện pháp Nominalisation (Danh từ hóa) trong IELTS cho các bài viết của mình để có thể mang sự chuyên nghiệp đến bài viết của mình. Đặc biệt với các thí sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi IELTS sắp tới, tác giả hy vọng các bạn thí sinh có thể áp dụng kỹ thuật danh từ hóa để tăng điểm bài thi IELTS Writing cho mình.
Xem thêm: Tính khách quan (Objectivity) trong Academic Writing
Huỳnh Nguyễn Thảo Nhung
Người học cần gấp chứng chỉ IELTS để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp hay việc làm. Tham khảo khóa học luyện thi IELTS chinh phục điểm cao IELTS nhanh chóng.
Bình luận - Hỏi đáp