Phân tích và gợi ý hướng cải thiện tiêu chí Lexical Resource từ band 6 lên 7 trong IELTS Speaking

bài viết dưới đây giới thiệu, phân tích tiêu chí Lexical Resource ở hai band điểm cụ thể 6 và 7, đồng thời gợi ý hướng cải thiện giúp người học có thể nâng cao kết quả.
phan tich va goi y huong cai thien tieu chi lexical resource tu band 6 len 7 trong ielts speaking

Trong bài thi chuẩn hóa đánh giá khả năng ngôn ngữ IELTS, từ vựng luôn đóng vai trò quan trọng dù đối với bất kì kỹ năng nào, bởi đây là thành phần cấu thành nên câu và giúp truyền tải ý nghĩa, thông điệp. Riêng với kỹ năng Speaking, vốn từ vựng cũng là một trong bốn tiêu chí đánh giá kết quả của giám khảo.  Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ giới thiệu, phân tích tiêu chí này ở hai band điểm cụ thể 6 và 7, đồng thời gợi ý hướng cải thiện giúp người học có thể nâng cao kết quả.

Giới thiệu tiêu chí Lexical resource

Bài thi IELTS Speaking được đánh giá dựa trên bốn tiêu chí chiếm trọng số tương đương nhau
(25%) trong việc cấu thành band điểm tổng, gồm:

“Lexical” nghĩa là “liên quan đến từ vựng” và “resource” nghĩa là “nguồn cung cấp mà từ đó một lợi
ích được tạo ra”. Như vậy, “lexical resource” ở đây là vốn từ vựng mà một cá nhân sở hữu để phục
vụ cho việc sản xuất ngôn ngữ nói. Trong giới hạn mô tả đánh giá (Band descriptors) của tiêu chí
Lexical resource trong bài thi IELTS Speaking, một số yếu tố chính có thể đúc kết thành bao gồm: độ
đa dạng (range), độ linh hoạt (flexibility), độ chuẩn xác (precision).

Đánh giá tiêu chí Lexical Resource ở band điểm 6 và 7

Dưới đây là mô tả đánh giá của tiêu chí Lexical resource ứng với hai band điểm 6 và 7:

Band

Band descriptors

6

Has a wide enough vocabulary to discuss topics at length and make meaning clear in spite of inappropriacies.

Generally paraphrases successfully.

7

Use vocabulary resource flexibly to discuss a variety of topics.

Use some less common and idomatic vocabulary and shows some awareness of style and collocation, with some inappropriate choices.

Uses paraphrases effectively.

Tạm dịch:

Mức điểm

Mô tả đánh giá

6

Có vốn từ vựng đủ rộng để đưa ra câu trả lời dài, chi tiết khi bàn luận về các chủ đề và ý tưởng được truyền tải rõ ràng, dù tồn tại nhiều từ vựng được sử dụng không phù hợp.

Biết cách sử dụng Paraphrase trong bài nói

7

Sử dụng vốn từ linh hoạt trong việc bàn luận đa dạng các chủ đề.

Sử dụng vài từ ít thông dụng hơn và quán ngữ cũng như thể hiện được nhận thức về văn phong và kết hợp từ, tồn tại một số sự lựa chọn chưa phù hợp.

Paraphrase hiệu quả.

Có thể rút ra:

  • Ở band 6, thí sinh đã có khả năng truyền tải ý tưởng rõ ràng trong nhiều chủ đề. Dù thí sinh vẫn có xu hướng mắc lỗi về yếu tố từ vựng, song điều này không ảnh hưởng tới quá trình nghe-hiểu và từ đó, hiệu quả giao tiếp vẫn được phần nào đảm bảo.

  • Ở band 7, tất cả các yêu cầu ở band 6 đều được nhắc tới nhưng ở mức độ đòi hỏi cao hơn. Không những vậy, ở band điểm này còn xuất hiện những khái niệm hoàn toàn mới: “less common and idiomatic vocabulary” (từ ít thông dụng hơn và quán ngữ) và “style and collocation” (văn phong và kết hợp từ)  – tiêu chí tiên quyết để phân định giữa hai band điểm.

Việc hiểu rõ chi tiết từng band điểm có ảnh hưởng lớn đến phương pháp cải thiện từ vựng từ band 6 lên band 7 của người học. Sau đây, tác giả sẽ làm rõ các yếu tố quan trọng trong tiêu chí Lexical resource và chỉ ra sự khác biệt giữa hai band điểm để người có được cái nhìn sâu và tổng quan hơn.

Các yếu tố chung giữa band 6 và band 7 theo tiêu chí Lexical resource 

Về độ đa dạng

Độ đa dạng của từ vựng được thể hiện qua “topic” (chủ đề). Ở band 6, mô tả đánh giá từ vựng chỉ dừng lại “a wide enough vocabulary” (vốn từ vựng đủ rộng) để “discuss topics” – bàn luận về các chủ đề. Có thể ở band 7, yêu cầu đã nâng cao lên mức “discuss a variety of topics” – bàn luận đa dạng nhiều chủ đề. Dù không có một ước tính chính thức nào về số lượng chủ đề mà người học cần xử lý được để đạt mức “đa dạng”, song nếu có thể bàn luận về hầu hết các chủ đề giám khảo đưa ra ở cả 3 phần đồng thời lồng ghép được cả những chủ đề khác vào việc giải thích, lý giải cho câu trả lời của mình, khả năng cao người học sẽ được đánh giá tích cực về độ đa dạng của từ vựng.

cac-yeu-to-chung-giua-band-6-band-7Các yếu tố chung giữa band 6 và band 7

Về độ linh hoạt

Một điểm quan trọng về độ linh hoạt chính là “paraphrase”. Theo từ điển Oxford, khái niệm này có nghĩa “to express what somebody has said or written using different words, especially in order to make it easier to understand” – tạm dịch: “thay đổi cấu trúc, hình thức diễn đạt nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên (thậm chí làm rõ hơn) ý nghĩa gốc”. Trong bài thi IELTS Speaking, người học có thể paraphrase thông tin trong câu hỏi khi đưa ra câu trả lời của mình. Yêu cầu cho yếu tố này lần lượt là “generally paraphrases successfully” cho band 6 và “uses paraphrases effectively” cho band 7. Có thể thấy, người học nhìn chung phải thể hiện được khả năng paraphrase nếu muốn đạt band 6 và phải đảm bảo thêm yếu tố “hiệu quả” – tức là thông tin được paraphrase phải luôn luôn tường minh, không khó hiểu hơn so với bản gốc. Người học nên lưu ý vận dụng có chọn lọc bởi nếu lạm dụng kĩ thuật này về mặt hình thức mà không quan tâm tới nội dung truyền đạt sẽ có thể gây tác dụng ngược, khiến ngôn ngữ trở nên máy móc.

Về độ chuẩn xác

Yếu tố này không yêu cầu con số tuyệt đối từ người học ở cả 2 band điểm. Với band 6, dù người học có thể “make meaning clear” (truyền tải ý tưởng rõ ràng) nhưng vẫn tồn tại “inappropriacies”. “Appropriacy” là một thuật ngữ trong lĩnh vực ngôn ngữ có ý nghĩa theo Từ điển Oxford như sau: “​the extent to which a word or phrase sounds correct and natural in relation to the situation it is used in” (tạm dịch: mức độ đúng và tự nhiên của một từ hay cụm từ so với ngữ cảnh) và “inappropriacy” là từ trái nghĩa. Đến band 7, dù có một số yếu tố tích cực hoàn toàn mới so với band 6 mà sẽ được phân tích ở mục tiếp theo của bài viết, người học vẫn có “some inappropriate choices”. Lượng từ “some” báo hiệu số lượng lỗi liên quan đến việc lựa chọn từ ngữ ở band 7 đã giảm bớt so với band 6.

Các yếu tố “mới” ở band 7

Như có nhắc tới ở trên, mô tả đánh giá tiêu chí Lexical resource giới thiệu thêm những yếu tố mới bắt đầu từ band 7 trở đi và việc hiểu rõ chúng sẽ vô cùng hữu ích cho người học có mong muốn “nâng cấp” từ band 6 lên band 7. Sau đây, tác giả sẽ phân tích bản chất các khái niệm “mới” này kèm theo ví dụ minh họa để người học có thể làm quen và từ đó, có hướng tiếp cận hợp lý.

Less common and idiomatic vocabulary (Từ ít thông dụng và quán ngữ)

Người học có thể làm quen với hệ thống phân cấp từ vựng theo Khung tham chiếu Ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) ở bài viết tổng quan “Cải thiện điểm tiêu chí Lexical Resource trong IELTS Writing và IELTS Speaking”.  Một trong những quan niệm phổ biến của người học trong việc hiểu tiêu chí “less common vocabulary” chính là “cứ sử dụng các từ lạ, hiếm thấy với mật độ càng dày càng tốt trong câu trả lời sẽ được điểm cao”. Xét ví dụ sau:

Q: “How often do you see your neighbors?”

A: “Not quite ofttimes. The last time I descried my neighbors was months ago. They are perfidious, to be honest.”

Suy ra: Người nói đã sử dụng “ofttimes”, “descry” hay “perfidious” – những từ vựng dù có vẻ lạ nhưng thực chất đã lỗi thời và thường chỉ thấy trong lĩnh vực văn học. Điều này có thể gây khó khăn trong việc hiểu nghĩa câu cũng như tạo cảm giác kỳ quặc, thiếu tự nhiên trong việc giao tiếp.

Phiên bản tự nhiên, dễ hiểu hơn:

Q: “How often do you see your neighbors?”

A: “Not quite often. The last time I suddenly saw them was months ago. They are not reliable, to be honest.”

Người học cần phân biệt rằng, “less common” – “ít thông dụng” không đồng nghĩa với những từ vựng khó, lạ mà ngay cả những người bản ngữ thông thường cũng không bao giờ sử dụng. Thay vào đó, bản chất của “ít thông dụng” ở đây nằm ở chỗ: những từ vựng mang tính chất này truyền tải ý nghĩa vô cùng cụ thể và chỉ phù hợp để sử dụng trong một số ngữ cảnh nhất định, như là khi bàn luận về các vấn đề trừu tượng liên quan tới học thuật, nghiên cứu chuyên sâu. Do vậy, sử dụng được những từ vựng “ít thông dụng” này phần nào minh chứng cho sự linh hoạt, xử lý được nhiều tình huống của người học. Việc chúng không thông dụng trong ngữ cảnh đời sống thường nhật không đồng nghĩa với việc chúng không bao giờ được dùng trong ngôn ngữ giao tiếp.

Xét hai phiên bản trả lời cho câu hỏi ví dụ sau:

Q: “Is it necessary for businesses to do market research?”

A1: “From my perspective, it certainly is. Companies can know what their customers’ shopping habits are from research findings and change their plans accordingly.”

A2: “From my perspective, it certainly is. Companies can deduce what their customers’ shopping habits are from research findings and adjust their plans accordingly.”

vi-du-hai-phien-ban-cau-tra-loiVí dụ về hai phiên bản câu trả lời Band 6 và Band 7

Suy ra: Câu trả lời A2 sử dụng “deduce” thay cho “know” và “adjust” thay cho “change”. Theo từ điển Oxford, động từ “deduce” nghĩa là “​to form an opinion about something based on the information or evidence that is available” – nhấn mạnh điều kiện tồn tại thông tin, minh chứng sẵn có (ở đây chính là “research findings”) và do vậy, ý nghĩa truyền tải cụ thể hơn từ “know”. Tương tự, “adjust” được định nghĩa là “to change something slightly to make it more suitable for a new set of conditions or to make it work better” – nhấn mạnh tác dụng của sự thay đổi kế hoạch là để cải thiện sự thích hợp với điều kiện mới (ở đây chính là “customers’ shopping habits”) để từ đó hoạt động tốt hơn và do vậy, cũng cụ thể hơn từ “change” đơn thuần. Có thể thấy, câu trả lời A2 đã sử dụng hai từ “ít thông dụng” có mức độ chi tiết hơn và lột tả được chuẩn xác ý tưởng của người nói.

Mục tiêu của giao tiếp là truyền đạt thành công ý tưởng, ngôn ngữ chỉ là công cụ giúp đạt được điều này. Người học cần từ bỏ quan niệm sai lầm nêu trên để có hướng tiếp cận đúng đắn, hiệu quả hơn.

Theo Wikipedia, “idiom” được hiểu là những cách diễn đạt mang nghĩa bóng hàm chứa qua hình ảnh thay vì nghĩa đen thể hiện qua mặt chữ. Đây là một thành phần từ vựng rất thông dụng không chỉ trong đời sống thường nhật mà còn được vận dụng vào văn học. Hiện nay, ước tính có khoảng 25.000 quán ngữ (thành ngữ) trong tiếng Anh (Nguồn: Wikipedia). Việc sử dụng các cách diễn đạt quán ngữ thoạt nhìn có vẻ dễ dàng, bởi người học chỉ cần học thuộc những từ/cụm từ cố định đó và vận dụng vào câu. Tuy nhiên, nếu sử dụng mà không nắm chắc ý nghĩa cụ thể và ngữ cảnh kèm theo thì rất có khả năng, ngôn ngữ của người nói sẽ trở nên máy móc, thiếu tự nhiên và gây khó hiểu. Xét ví dụ sau:

Q: “Do you get on well with your neighbors?”

A: “Sadly I don’t. At first, my neighbors were really friendly and kind to me, but they’ve somehow turned over a new leaf and started to gossip about my personal life lately.”

Suy ra: Người học đã sử dụng “turn over a new leaf” với đại ý “thay đổi” mà không hiểu rõ ý nghĩa cụ thể của quán ngữ này là dùng để chỉ những sự thay đổi theo hướng tích cực. Do vậy, câu nói trên có thể gây khó hiểu cho người nghe và vô tình tạo cảm giác gượng gạo trong việc vận dụng quán ngữ.

Phiên bản tự nhiên, phù hợp về nghĩa hơn sử dụng quán ngữ “change one’s mind” (to change one’s original opinion, choice, or plan):

Q: “Do you get on well with your neighbors?”

A: “Sadly I don’t. At first, my neighbors were really friendly and kind to me, but they’ve somehow changed their mind and started to gossip about my personal life lately.”

Style and Collocation (Văn phong và kết hợp từ)

“Style” (hay “register”) được hiểu là độ phù hợp của ngôn ngữ trong ngữ cảnh, thường được chia ra thành hai hướng: formal (trang trọng) và informal (không trang trọng). Trong bài thi IELTS Speaking, tùy thuộc vào tính chất câu hỏi ở các phần thi, người học cũng nên lựa chọn văn phong sao cho phù hợp. Ví dụ như ở Part 1, các chủ đề câu hỏi đều chủ yếu dựa trên ngữ cảnh quen thuộc, gần gũi để đánh giá khả năng giao tiếp trong những ngữ cảnh đó và do vậy, ngôn ngữ của người nói có thể có đôi chút yếu tố “informal”, như sử dụng một số từ lóng, từ thông tục. Tuy nhiên, ở Part 3, các chủ đề câu hỏi đã chuyển sang những chủ đề xã hội trừu tượng, vĩ mô hơn với mục tiêu đánh giá khả năng nhận định, lập luận, đánh giá vấn đề trong những tình huống tương ứng nên người nói nên điều chỉnh văn phong của ngôn ngữ sao cho “formal” để phù hợp hơn.

Collocation là những sự kết hợp từ một cách tự nhiên mà người bản xứ sử dụng. Không có quy luật cụ thể nào cho những sự kết hợp từ này và thông thường rất khó để đoán được ý nghĩa của chúng duy chỉ thông qua mặt chữ nên việc tiếp cận và làm quen với collocation đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ người học. Chúng được tiếp thu thông qua quan sát và kinh nghiệm.

Xét ví dụ sau:

Q: “What can parents do to encourage their children to learn hard?”

A: “In my opinion, parents can largely reward their children, you know, through toys, clothes or special meals. The young will be motivated to make their best.”

Suy ra: Người học đã sử dụng một số kết hợp từ chưa chuẩn xác như “largely reward … through …” hay “make their best”. Người nghe vẫn có khả năng đoán và hiểu được đại ý của người nói, tuy nhiên vẫn sẽ tạo ra sự khó hiểu nhất định.

Phiên bản sử dụng kết hợp từ chuẩn xác

Q: “What can parents do to encourage their children to learn hard?”

A: “In my opinion, parents can generously reward their children, you know, with toys, clothes or special meals. The young will be motivated to do their best.”

Phân tích ví dụ tổng hợp

Dưới đây là một số câu trả lời mẫu ứng với hai band điểm 6 và 7 cho tiêu chí Lexical resource kèm theo phân tích, giải thích của tác giả. Phần lớn từ/cụm từ vận dụng vào câu được tham khảo từ các ấn phẩm chính thức của trang web ielts.org (xem thêm tại đây) và British Council (xem thêm tại đây):

Ví dụ 1:

Q: “Why do people like reading books?”

A: “I believe many people enjoy reading because books are gonna present many things to think about. They may wanna relieve themselves after work by reading.” (Band 6)

A: “I believe that books always send some food for thought to avid readers. They can relieve stress after work by reading.” (Band 7)

  • Hai câu trả lời trên đều cùng trình bày một ý tưởng về lí do yêu thích đọc sách nhưng có sự khác biệt trong cách sử dụng từ vựng. Với band điểm 6, người nói đã paraphrase thành công với “enjoy” thay vì sử dụng động từ “like” như ở câu hỏi. Các từ/cụm từ “present”, “think about” đủ giúp thể hiện ý tưởng rõ ràng về chủ đề này, tuy vẫn có sự lựa chọn chưa chuẩn xác như “relieve themselves”. Người nói còn chưa thể hiện nhận thức về văn phong khi sử dụng liên tục những từ không trang trọng như “gonna”, “wanna” ở câu hỏi Part 3 này nhưng nhìn chung, người nghe không gặp khó khăn nào trong việc hiểu câu trả lời. Với band điểm 7, người nói đã sử dụng được quán ngữ “food for thought” và thể hiện nhận thức về kết hợp từ như “avid reader” để paraphrase câu hỏi rất hiệu quả hoặc như “relieve stress”, tuy vẫn có sự lựa chọn chưa chuẩn xác như “send to” thay vì “give” theo đúng cấu trúc người bản ngữ sử dụng.

Ví dụ 2:

Q: “What are some advantages and disadvantages of being famous?”

A: “Speaking of the good thing, well-known people usually receive a lot of kinda free stuff, like clothes, cosmetics or technological machinery and advertise those products to have money. About the bad thing, famous people may reduce their privacy.” (Band 6)

A: “Speaking of the benefit, celebrities usually receive a lot of products for free, like clothes, cosmetics or technological devices and in return, advertise them to earn money. About the drawback, those who are in the public eye may lose their privacy, which is quite annoyed I guess.” (Band 7)

  • Hai câu trả lời trên đều cùng trình bày một ý tưởng về lợi ích và bất lợi của sự nổi tiếng nhưng có sự khác biệt trong cách sử dụng từ vựng. Với band điểm 6, người nói đã paraphrase thành công câu hỏi với “well-known people”, “good thing” và “bad thing”. Các từ “receive”, “advertise”, “products”, “privacy” đủ giúp thể hiện ý tưởng rõ ràng về chủ đề này, tuy vẫn có sự lựa chọn chưa chuẩn xác như “technological machinery”, “have money” hay “reduce privacy”. Người nói còn chưa thể hiện nhận thức về văn phong khi sử dụng từ không trang trọng như “kinda”, “stuff” nhưng nhìn chung, người nghe không gặp khó khăn nào trong việc hiểu câu trả lời. Với band điểm 7, người nói đã paraphrase câu hỏi hiệu quả với “celebrities”, “benefit” và “drawback”. Bên cạnh đó, người nói còn sử dụng được quán ngữ “in the public eye” và thể hiện nhận thức về kết hợp từ như “for free”, “technological devices”, “earn money” hay “lose privacy”. Tuy nhiên, vẫn có sự lựa chọn chưa chuẩn xác như tính từ “annoyed” thay vì “annoying”.

Ví dụ 3:

Q: “What can be some causes of stress among students?”

A: “One reason I can think of is the big workload. These days, most students are asked to read books, make research or even write essays. Another cause can be friends’ pressure, I mean… students have to compete a lot.”

A: “One major source of stress I can think of is the heavy workload. These days, most students are asked to read reference books, do research or even write essays. Another reason can be peer pressure, I mean…students have to compete to their friends a lot.”

  • Hai câu trả lời trên đều cùng trình bày một ý tưởng về nguồn gốc của sự căng thẳng ở học sinh nhưng có sự khác biệt trong cách sử dụng từ vựng. Với band điểm 6, người nói đã paraphrase thành công câu hỏi với “reason” và các từ “workload”, “books”, “research”, “essays”, “pressure”, “compete” đủ giúp thể hiện ý tưởng rõ ràng về chủ đề này. Tuy vẫn có sự lựa chọn chưa chuẩn xác như “big workload”, “make research” hay “friends’ pressure”, nhìn chung người nghe không gặp khó khăn nào trong việc hiểu câu trả lời. Với band điểm 7, người nói đã thể hiện nhận thức về kết hợp từ như “source of stress” để paraphrase câu hỏi hiệu quả hoặc như “heavy workload”, “reference books”, “do research” hay “peer pressure”, tuy vẫn có sự lựa chọn chưa chuẩn xác như “compete to” thay vì “compete against/with”.

Gợi ý một số hướng cải thiện theo tiêu chí Lexical resource 

3-cach-cai-thien-lexical-resource3 cách cải thiện Lexical Resource

Tăng đầu vào từ vựng theo chủ đề

Như đã đề cập ở trên, để đạt được band điểm 7, người học cần thể hiện sự linh hoạt và chuẩn xác trong việc sử dụng ngôn ngữ của mình. Một trong những cách cải thiện vốn từ vựng hiệu quả chính là học từ vựng theo chủ đề. Người học có thể tổng hợp các nhóm chủ đề lớn thường gặp trong bài thi IELTS Speaking, ví dụ như: Science and Technology, Education, Work and Business, Culture, Health, … và sử dụng chúng như ngữ cảnh chung, sau đó chia nhỏ ra thành nhiều khía cạnh chi tiết hơn nữa để làm cơ sở tiếp thu từ vựng.

Ví dụ: chủ đề lớn “Science and Technology” có thể được chia nhỏ thành “Biology”, “Engineering”, “Computers”,… hay chủ đề lớn “Health” có thể được chia nhỏ thành “Fitness”, “Illness”, “Medicine”,…

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, người học có thể tận dụng công cụ Từ điển chủ đề https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/topic/ để hỗ trợ quá trình học tập. Khi lựa chọn chủ đề, những danh sách từ vựng tương ứng sẽ được cung cấp và từ đó, người học có thể kiểm tra từ những khía cạnh cơ bản như nghĩa, phát âm, từ loại, cấp độ theo khung CEFR cho đến văn phong, kết hợp từ và cách chúng được vận dụng vào câu. Người học còn có thể theo dõi series bài viết Học từ vựng theo ngữ cảnh hay tham khảo bộ sách Understanding Vocab for IELTS Speaking của Anh ngữ ZIM – tài liệu đã vận dụng phương pháp học từ vựng qua ngữ cảnh.

Dù band điểm 7 vẫn cho phép tồn tại vài sự lựa chọn từ vựng chưa chuẩn xác, vẫn sẽ tốt hơn nếu người học có thể hạn chế số lượng lỗi này hết mức có thể và việc tiếp thu cũng như tạo thói quen sử dụng chính xác ngay từ đầu sẽ đảm bảo bước đầu thành công cho mục tiêu này.

Học cách paraphrase hiệu quả

Để có thể paraphrase hiệu quả và đạt band điểm 7 trong bài thi IELTS Speaking, người học nên xây dựng vốn từ vựng và cấu trúc đủ rộng và linh hoạt để thực hiện kỹ thuật này một cách tự nhiên thay vì cắt ghép, áp dụng rập khuôn. Người học nên luôn ưu tiên yếu tố súc tích khi paraphrase, nghĩa là sử dụng lượng ngôn ngữ tối thiểu nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo được nguyên vẹn ý tưởng muốn truyền đạt. Nếu khiến người nghe cảm thấy khó khăn để hiểu, việc paraphrase đã được vận dụng không hiệu quả. Người học có thể tham khảo bài viết paraphrase phân tích chuyên sâu về 4 cách thực hiện kỹ thuật này gồm: Sử dụng từ Đồng nghĩa/Trái nghĩa, Thay đổi từ loại, Thay đổi cấu trúc câu và Thay đổi chủ ngữ.

Chuyển hóa từ vựng thụ động thành chủ động

Để sử dụng những kiến thức ngôn ngữ nạp được nhờ hai bước trên, người học cần có sự luyện tập để vận dụng chúng vào việc sản xuất ngôn ngữ. Vấn đề chuyển hóa từ vựng thụ động thành chủ động đã được phân tích chuyên sâu ở bài viết Học từ vựng tiếng Anh: Chuyển đổi từ vựng thụ động thành chủ động. Tựu trung lại, chìa khóa đến với tính linh hoạt chính là sự lặp lại, bởi nếu người học biết rất nhiều từ vựng hữu ích đáp ứng được tất cả những tiêu chí ở band 7 nhưng lại không thể chủ động vận dụng chúng vào câu trả lời thì hoàn toàn không tạo được cơ sở cho giám khảo đánh giá.

Tổng kết

Bài viết trên đã phân tích sự khác biệt trong việc đánh giá tiêu chí Lexical resource ở band 6 và 7 qua các định nghĩa, giải thích và ví dụ để từ đó, gợi ý các phương pháp để cải thiện từ band điểm 6 lên 7. Tác giả hy vọng người học đã có thể nắm được những thông tin, lưu ý cần thiết để từ đó ứng dụng vào quá trình học của mình và tiến gần hơn đến band điểm mong muốn.

Phạm Trần Thảo Vy

Để làm quen với format đề thi IELTS thực tế và tăng sự tự tin trước kỳ thi chính thức, người học có thể tham gia test thử IELTS có ngay kết quả tại ZIM.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu