Multitasking trong IELTS Reading và cách cải thiện Multitasking trong quá trình làm bài

Bài viết này sẽ giới thiệu thế nào là multitasking trong IELTS reading, các dạng câu hỏi yêu cầu khả năng đa nhiệm cao và các giải pháp hỗ trợ học viên cải thiện multitasking, giảm áp lực thời gian làm bài và từ đó giúp học viên đọc hiểu tốt hơn
author
Nguyễn Minh Ân
01/06/2022
multitasking trong ielts reading va cach cai thien multitasking trong qua trinh lam bai

Phần thi IELTS Reading và Speaking là hai kĩ năng yêu cầu nhiều kĩ thuật làm bài và cần thực hiện trong khoảng thời gian ngắn. Cũng như phần thi Speaking, nhiều dạng câu hỏi trong IELTS Reading yêu cầu học viên có khả năng multitask (khả năng thực hiện nhiều hoạt động cùng lúc trong một khoảng thời gian ngắn). Vì vậy, bài viết này sẽ giới thiệu thế nào là multitasking trong IELTS Reading, các dạng câu hỏi yêu cầu khả năng đa nhiệm cao và các giải pháp hỗ trợ học viên cải thiện Multitasking, giảm áp lực thời gian làm bài và từ đó giúp học viên đọc hiểu tốt hơn.

Key takeaways:

  • Multitasking trong IELTS Reading là khi người học tập trung vào nhiều việc khác nhau cùng một lúc khi làm bài.

  • Các dạng câu hỏi yêu cầu học viên phải đa nhiệm liên tục là: matching paragraph information; sentence completion và summary completion; True False Not given hoặc Yes No Not given; và table completion, flow chart completion và diagram completion.

  • Để cải thiện khả năng multitasking khi làm bài IELTS Reading, học viên có thể cải thiện lượng kiến thức về tự vựng và ngữ pháp của bản thân, luyện tập và làm bài từ dễ đến khó trong 60 phút, cải thiện khả năng skimming và scanning, và luyện tập multitasking khi làm bài IELTS Reading.

Thế nào là multitasking trong IELTS Reading?

Trong phần thi đọc, học viên sẽ có ba phần với ba đoạn văn chính khác nhau, và cần trả lời 40 câu hỏi trong khoảng thời gian 60 phút. Khác với phần thi nghe, IELTS Reading cho học viên toàn quyền lựa chọn thứ tự bài làm, thoải mái đọc lại và ghi chép trên đề bài trong giới hạn thời gian của bài thi. Tuy nhiên không phải vì thế mà học viên có thể dễ dàng hoàn tất bài thi mà không gặp bất cứ khó khăn gì với kĩ năng đa nhiệm. Mặc khác, học viên sẽ phải thực hiện nhiều hoạt động khác nhau với những yêu cầu khác nhau khi thi đọc hiểu so với thi nghe IELTS.

Nhìn chung, trong các phần thi IELTS Reading, thời gian và khả năng kiểm soát thời gian là một trong những đặc tính quan trọng mà học viên cần chú ý, vì áp lực từ multitasking khi làm bài thi Reading chủ yếu liên quan đến yếu tố thời gian. Học viên thường sẽ phải thực hiện những hoạt động sau để tiết kiệm thời gian và trả lời đúng các câu hỏi, như: đọc lướt qua các đoạn văn để hiểu ý chính, đọc câu hỏi và tìm từ khóa, đọc chi tiết bài văn để tìm câu trả lời, … Tuy nhiên, học viên có thể không hoàn thành bài một cách tốt nhất nếu chỉ đọc câu hỏi và lướt nhanh tìm câu trả lời mà không kết hợp nhuần nhuyễn các kĩ năng khác nhau. Nhìn chung, câu hỏi càng chi tiết và càng khó để xác định đáp án thì áp lực multitasking càng cao.

Sau đây là một vài dạng câu hỏi yêu cầu cao về khả năng đa nhiệm của học viên:

1. Matching paragraph information:

image-altHọc viên vừa phải đọc hiểu nội dung chi tiết mà câu hỏi đề cập, sau đó đọc sâu vào các chi tiết có trong các đoạn của bài thi. Dạng bài này sẽ khó hơn khi một câu trả lời có thể sử dụng nhiều hơn một lần (như trong ảnh). Ví dụ đáp án đoạn A có thể trả lời cho nhiều câu hỏi vì đoạn A chứa nhiều thông tin chi tiết được đề cập. Từ đó, áp lực thời gian, tìm kiếm thông tin và yêu cầu multitasking cao có thể khiến học viên gặp nhiều khó khăn hơn.

2. Sentence completion and summary completion:

 Sentence completion multitasking-trong-ielts-readingHọc viên sẽ phải sử dụng chính xác những từ vựng có trong đoạn văn để hoàn chỉnh các câu hoặc đoạn với ý nghĩa phù hợp và chính xác. Câu hỏi của dạng bài này thường có giới hạn về số lượng từ tối đa mà học viên có thể sử dụng. Như vậy, dạng bài này yêu cầu khả năng đa nhiệm cao hơn vì học viên không chỉ tìm và hiểu nội dung chi tiết trong bài đọc mà còn phải xác định chính xác loại từ và số lượng từ cần chọn để có câu trả lời phù hợp. Đặc biệt với dạng câu hỏi ở ảnh dưới, học viên còn cần phải đọc hiểu và chọn chính xác từ cho sẵn có trong ô để điền vào đoạn vì hầu hết các từ cho trong ô là từ đồng nghĩa và có phần khó hiểu hơn so với từ vựng trong bài.

cach-cai-thien-multitasking

3. True False Not given hoặc Yes No Not given

True False Not given hoặc Yes No Not givenHọc viên sẽ phải quyết định và đánh giá thông tin trong câu hỏi trùng, không trùng khớp hoặc không được đề cập đến trong bài. Học viên sẽ phải vừa đọc và hiểu câu hỏi, lướt tìm nội dung trên đoạn và đánh giá sự giống và khác nhau giữa 2 nội dung. Dạng bài này cần có khả năng đọc hiểu và lướt đoạn nhanh vì thường chi tiết trong câu hỏi không được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống nhất định. Hơn nữa, do áp lực thời gian và khả năng so sánh chi tiết cùng với yêu cầu đa nhiệm liên tục, học viên có thể hiểu sai, suy diễn ý tưởng và áp đặt cách hiểu của mình vào bài, từ đó trả lời không chính xác.

4. Table completion, flow chart completion và diagram completion:

Table completionSo với dạng câu hỏi 1 ở trên, những dạng đề này có phần dễ hơn ở khâu tìm nội dung trong đoạn. Tuy nhiên, học viên phải đọc và hiểu nhiều thông tin cùng một lúc vì dạng câu này thường hỏi về một quá trình được miêu tả trong nhiều đoạn trong bài thi. Việc học viên phải hiểu nhiều thông tin theo thứ tự cùng lúc và phải chọn chính xác loại từ cần điền vào nhiều chỗ trống cùng lúc sẽ tăng áp lực của kỹ năng đa nhiệm lên nhiều lần. Hơn thế nữa, chỉ cần học viên chọn sai một đáp án vì xác định sai vị trí câu trả lời, rất có thể các đáp án còn lại ở dưới cũng sẽ sai theo vì đáp án và nội dung được trình bày theo thứ tự nhất định.

Một số đề xuất giúp cải thiện khả năng Multitasking trong IELTS Reading

Học viên có thể tham khảo thêm giải pháp “cải thiện lượng từ vựng và kiến thức” và “cải thiện khả năng tập trung” được đề cập chi tiết trong bài viết “MULTITASKING TRONG PHẦN THI NGHE IELTS”. Hai phương pháp trên không những giúp học viên cải thiện khả năng đa nhiệm trong IELTS Listening mà còn trong IELTS Reading.

Cải thiện lượng kiến thức về từ vựng và ngữ pháp

Nhìn chung tác dụng và lợi ích của phương pháp này đối với phần thi nghe và đọc hiểu IELTS tương đối giống nhau. Tuy nhiên, so với lượng kiến thức từ vựng và ngữ pháp của Listening, Reading tập trung vào từ vựng nghiêm trang hơn (formal) và phù hợp với văn viết. Về ngữ pháp, bài đọc thường sử dụng nhiều ngữ pháp cao cấp hơn và khó hiểu hơn nhiều so với Listening. Các bạn có thể tham khảo thêm các bài đọc sau để tìm hiểu:

Học viên có thể tìm hiểu và học cách sử dụng từ mới có sẵn trong bài đọc. Tuy nhiên, học viên không nên vừa làm bài vừa dùng từ điển tra và học từ vì điều này có thể khiến học viên phụ thuộc nhiều vào từ điển mà không luyện tập được các kỹ năng cần có để làm bài Reading. Hơn nữa, việc này cũng có thể khiến học viên hình thành thói quen xấu, vì học viên không thể tra từ điển khi thi IELTS thật. Khi đã trau dồi thêm được kiến thức về từ vựng và ngữ pháp, học viên có thể giảm bớt áp lực multitasking khi thi đọc hiểu. Hơn nữa, đây cũng là một trong những giải pháp lâu dài và hữu ích nhất, giúp học viên có thể đọc hiểu bài thi dễ dàng hơn và ít áp lực hơn.

Luyện tập và làm bài từ dễ đến khó trong 60 phút

Tương tự với các kĩ năng khác, học viên nên luyện tập với các bài đọc phù hợp với khả năng của mình. Đặc biêt với phần thi Reading,học viên phải đọc 3 bài khác nhau chỉ trong 60 phút, nghĩa là phải hoàn thành 1 đề đọc trong khoảng 20 phút. Thông thường, mức độ khó sẽ tăng dần từ bài đầu đến bài cuối, nhưng cũng có thể ngược lại. Vì thế, học viên cần lướt nhìn sơ cả 3 bài đọc để xác định bài đọc dễ nhất. Với phương pháp này, học viên có thể hoàn tất 1 đến 2 bài dễ đầu tiên chỉ dưới 40 phút, để giảm áp lực thời gian và multitasking khi làm bài đọc khó nhất, giúp tăng độ chính xác của câu trả lời. Ví dụ, đề thi có 3 bài đọc, với bài đầu tiên khó nhất và giảm dần về sau. Nếu học viên ngay lập tức làm bài đầu tiên khi mở đề, áp lực độ khó, đa nhiệm và thời gian từ bài 1 có thể khiến học viên không thể đa nhiệm và hoàn thành tốt các bài kế tiếp.

Học viên cần luyện tập trong một khoảng thời gian giới hạn, ví dụ chỉ được phép dành nhiều nhất 20 phút cho một bài đọc. Vì khi luyện tập nhiều với áp lực thời gian ở nhà, học viên không những sẽ dần quen với áp lực đó mà còn có thể điều chỉnh tốc độ làm bài của bản thân để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất khi làm bài thi Reading.

Cải thiện khả năng skimming và scanning

Hai kỹ năng này vô cùng quan trọng trong phần thi đọc vì hai kỹ năng đọc lướt tìm ý chính (skimming) và đọc tìm nội dung chi tiết (scanning) giúp học viên đọc hiểu và trả lời câu hỏi nhanh và chính xác.Học viên có thể tham khảo các bài viết sau đây để tìm hiểu thêm:

Luyện tập multitasking khi làm bài IELTS Reading

Có rất nhiều phương pháp luyện tập đọc hiểu IELTS khác nhau để cải thiện khả năng đa nhiệm. Sẽ không có phương pháp đọc nào chính xác nhất, hiệu quả nhất cũng như đúng cho tất cả trường hợp bài làm và đối tượng học viên. Vì vậy, học viên có thể tham khảo và linh hoạt thay đổi những giải pháp sau đây để áp dụng một cách hài hòa và phù hợp với bản thân hơn. Những đề xuất sau đây sẽ tập trung hướng dẫn những nhiệm vụ chính mà học viên cần thực hiện để có thể trả lời tốt cho hầu hết các dạng câu hỏi điển hình của phần thi Reading. Vì não bộ con người chỉ có thể đa nhiệm hiệu quả 2 hoạt động cùng lúc, mỗi đề xuất sau đây sẽ hướng dẫn học viên thực hiện các bước theo thứ tự với mỗi bước sẽ bao gồm hai hoạt động chính mà học viên cần thực hiện trong khoảng thời gian ngắn:  

Bước 1: Đọc kỹ câu hỏi và tìm từ khóa:

Nhìn chung, học viên cần đọc kỹ đề, yêu cầu của câu hỏi và xác định từ khóa quan trọng của câu. Học viên có thể tìm hiểu thêm thế nào là “keyword technique” và cần làm gì để xác định từ khóa khi làm bài IELTS reading: Phương pháp Keyword technique là gì? Cách áp dụng vào bài IELTS Reading (zim.vn).

Tuy nhiên, không nên đọc hết một lượt 13 câu hỏi vì trí nhớ ngắn hạn (Short-term memory) không thể nhớ cùng lúc nhiều chi tiết. Ngược lại, học viên chỉ nên đọc và tìm từ khóa trong khoảng 5 đến 7 câu hỏi cùng lúc vì thông tin trong câu hỏi thường được sắp xếp theo thứ tự của nội dung trong bài đọc. Ví dụ, từ câu 1 đến câu 5 thường có thể được đề cập theo thứ tự từ trên xuống từ đoạn A đến đoạn C. Vì thế, việc đọc 5 đến 7 câu đầu giúp học viên có cái nhìn cơ bản về chủ đề, loại thông tin, ý tưởng chủ đạo của bài đọc trước khi bắt đầu đọc bài thi, từ đó giúp học viên đọc nhanh hơn và hiệu quả hơn. Mỗi dạng câu hỏi sẽ có cách đọc và phân tích keywords khác nhau.

  • Dạng câu hỏi Matching Paragraph:

Với dạng câu hỏi này, học viên cần lựa chọn tiêu đề phù hợp với ý chính của đoạn hoặc chọn đúng đoạn văn có đề cập đến một chi tiết có trong câu hỏi. Nhìn chung, học viên cần đọc kỹ và xác định từ khóa từ các tiêu đề có sẵn hoặc các chi tiết được đề hỏi đến.

Dạng đề lựa chọn tiêu đề phù hợp cho từng đoạnDạng đề lựa chọn tiêu đề phù hợp cho từng đoạn

  • Dạng câu hỏi Completion (dạng đề điền từ):

Học viên cần đọc kĩ giới hạn số lượng từ được điền cũng như tiêu đề của đoạn văn đục lỗ. Với dạng câu hỏi này, học viên cần tập trung xác định loại từ cần điền cũng như các từ khóa quan trọng giữa các câu đục lỗ. Vì học viên luôn phải chọn từ có sẵn trong bài đọc, học viên cần xác định loại từ cần điền là danh từ (Noun), tính từ (Adj) hoặc động từ (Verb), … để dễ dàng chọn đúng đáp án. Hơn nữa, thường các câu hỏi điền từ cũng được đề cập gần nhau theo một trật tự nhất định trong bài đọc, học viên cần xác định các từ khóa quan trọng hoặc các trạng từ nối ý như however, in contrast, therefore, although, … để có thể xác định vùng có chứa đáp án dễ dàng hơn cũng như chọn đáp án chính xác theo đúng trật tự.

  • Dạng câu hỏi True/False/Not given hoặc Yes/No/Not given

Học viên cần đọc kỹ và xác định từ khóa của những câu nhận định được hỏi trong đề. Trong ví dụ ở dưới, học viên sẽ cần đọc lướt hết các câu 32 đến 35 và xác định keywords.

image-alt

  • Dạng câu hỏi Multiple choice:

Học viên chỉ nên đọc kỹ và phân tích các câu hỏi có trong đề vì việc đọc hết nhiều đáp án cùng lúc sẽ khiến học viên mất nhiều thời gian để đọc hiểu và phân tích cũng như khiến học viên xao lãng và hiểu sai ý của bài đọc. Trong ví dụ ở dưới, học viên không nên đọc chi tiết các đáp án từ A đến E, mà hãy tập trung xác định từ khóa trong câu hỏi.

image-alt

  • Dạng câu hỏi Short answer:

Học viên cần đọc kỹ giới hạn số từ được viết và các từ hỏi. Các từ hỏi thường có dạng “Wh-words” như what, whose, where, when, how…, từ đó học viên có thể dễ dàng xác định chính xác loại từ và đối tượng cần tập trung trong bài để chọn đáp án chính xác.

image-altBước 2: Skimming ý chính các đoạn và đọc hiểu chi tiết:

Học viên nên đọc lướt hết đoạn đầu tiên của bài vì đây là đoạn quan trọng nhất của bài đọc. Đoạn đầu luôn giới thiệu chung ý tưởng, chủ đề và quan điểm của tác giả trong bài viết.

Sau đó, học viên tiếp tục đọc đoạn 2. Học viên bắt đầu đọc và tìm ý tưởng chính của đoạn, thường sẽ nằm trong câu đầu và câu cuối của đoạn. Tùy vào năng lực và khả năng xác định ý chính của bản thân cũng như mức độ dễ hay khó đọc của đoạn, học viên có thể lướt nhanh hoặc đọc đủ cả 2 câu này. Tuy nhiên, học viên nên đọc lướt nhưng không bỏ bất kì từ vựng nào trong câu. Học viên không nên đọc thầm thành chữ mà chỉ cần lướt mắt qua các câu chữ từng từ một. Học viên nên đọc đủ câu vì chỉ cần bỏ bớt vài từ cũng có thể khiến học viên hiểu sai ý nghĩa, từ đó khiến học viên hiểu sai ý tưởng chủ đạo của toàn đoạn văn. Việc hiểu lầm ý nghĩa có thể khiến học viên suy diễn nội dung, và tệ hơn là chọn sai đáp án. Hơn nữa, việc cố gắng vừa đọc lướt, vừa rút bỏ chữ cũng như phân tích ý nghĩa của câu văn có thể khiến học viên đọc lâu hơn, khó hiểu ý tưởng chủ đạo và càng nhanh chóng mệt mỏi và mất tập trung hơn. Học viên chỉ cần thả lỏng đọc lướt toàn câu để hiểu nội dung, chứ không cần phải rút gọn hoặc tìm từ khóa trong bước này.

Sau khi nắm sơ bộ ý chính đoạn 2, học viên bắt đầu đọc vào các chi tiết của đoạn này. Học viên vẫn tiếp tục đọc lướt nhanh qua các câu mà không bỏ sót chữ nào. Với cách đọc này, học viên sẽ dễ dàng liên kết ý tưởng chủ đạo, nội dung và các chi tiết có trong đoạn với nhau dễ dàng và nhanh chóng. Từ đó, học viên không cần lo lắng đọc thiếu ý thông tin, cũng như phải skimming và scanning lại nhiều lần để trả lời từng câu hỏi. Đọc cả đoạn giúp học viên nắm rõ thông tin một cách mạch lạc và từ đó, sẽ tự tin hơn khi trả lời nhiều câu hỏi có liên quan đến đoạn văn. Nếu đoạn văn tương đối ngắn, ý chính cô đọng và dễ đọc hiểu để chọn đáp án, học viên có thể rút ngắn quá trình đọc chi tiết để tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, với những đoạn văn dài, khó đọc hiểu cũng như ý chính mơ hồ và nhiều nội dung, học viên cần chú ý thực hiện các bước sau đây để cải thiện khả năng đọc hiểu cũng như giảm bớt áp lực thời gian và đa nhiệm:

  • Học viên nên đánh số vào mỗi đoạn để dễ dàng đọc lại và tìm thông tin trong các đoạn nếu cần thiết. Ngoại trừ các đề có dạng câu hỏi matching paragraph, hầu hết các đoạn trong bài đọc sẽ không được đặt tên hay đánh số thứ tự.

  • Học viên cần xác định các từ nối ý tưởng (however, therefore, moreover…) để có thể vừa lướt đoạn nhanh hơn vừa dễ dàng liên kết nội dung. Hơn nữa, đôi khi các từ nối như moreover hoặc however có thể báo các chi tiết quan trọng hoặc một phần nội dung chính của đoạn.

  • Thông thường những đoạn dài và khó đọc hiểu ý chính, học viên có thể tập trung nhiều hơn vào các ví dụ được cho trong bài vì ví dụ là những thông tin cụ thể chi tiết giúp hình dung và làm rõ những nội dung mơ hồ và trừu tượng.

  • Tập trung kĩ hơn vào những câu nói được trích dẫn trong bài vì đôi khi những câu trích có thể giúp học viên mường tượng hoặc hình dung khái quát về ý tưởng cốt lõi cũng như quan điểm của tác giả vì thông thường tác giả sẽ trích dẫn câu nói của nhiều nhân vật có cùng quan điểm để làm nổi bật hoặc chứng minh quan điểm của người viết bài.

  • Trong một số trường hợp học viên sẽ không thể hiểu liền một chi tiết nào đó, học viên nên đánh dấu lại vì rất có thể đó là nội dung cho một câu hỏi khó nào đó trong bài. Học viên có thể tiếp tục đọc và sau đó quay lại kiểm tra thông tin nếu cần thiết. Nếu có nhiều chi tiết học viên không thể đọc hiểu trong một đoạn, học viên nên đánh dấu lại các chi tiết này và cố gắng nắm rõ ý tưởng chính của toàn đoạn để có thể trả lời câu hỏi và hạn chế chọn sai nhiều đáp án.

Tùy vào độ dài và khả năng đọc hiểu và ghi nhớ của học viên, học viên có thể tiếp tục áp dụng bước 2 để tiếp tục đọc đoạn 3 và 4. Học viên cần lưu ý rằng không đọc hiểu và ghi nhớ quá nhiều kiến thức cùng một lúc vì điều này có thể khiến học viên lẫn lộn và tốn nhiều thời gian để đọc đi đọc lại hoặc nhớ lại thông tin. Vì thế, thông thường sau khi đọc xong đoạn 2 hoặc đoạn 3, học viên nên bắt đầu qua bước sau đây.

Bước 3: Đọc lại câu hỏi và tìm đáp án.

Sau khi nắm rõ các chi tiết trong một hoặc hai đoạn, học viên quay về đọc các câu đã đọc ở bước 1. Học viên đọc lại lần lượt các keywords của các câu từ trên xuống và xác định các câu hỏi có liên quan đến đoạn văn học viên vừa đọc hiểu. Sau khi xác định được câu hỏi liên quan, học viên có thể trả lời ngay lập tức các câu hỏi này. Tuy nhiên nếu cảm thấy thắc mắc hoặc hoài nghi, học viên có thể quay lại và tìm đúng phần nội dung liên quan câu hỏi một cách nhanh chóng và dễ dàng mà không cần phải scan lại toàn bộ đoạn. Sau khi trả lời các câu hỏi, học viên đánh dấu câu hỏi đã chắc chắn lựa chọn đúng đáp án để không tốn thời gian vô ích vì đọc lại những câu hỏi đã hoàn thành.

Với mỗi lần đọc lại các câu hỏi ở bước 3, học viên một lần nữa đọc và ghi nhớ các câu hỏi chưa tìm được câu trả lời. Ví dụ, trước khi đọc bài, học viên đã đọc một loạt câu hỏi từ 1 đến 5. Sau khi đọc đoạn mở đầu và đoạn 2, học viên đọc lại các câu hỏi từ 1 đến 5 và đã có thể chọn đáp án cho câu 2 và 3, vẫn còn câu 1, 4 và 5. Vậy trước khi đọc lướt các đoạn kế tiếp, học viên đã đọc câu hỏi 1, 4 và 5 được 2 lần. Đọc đi đọc lại các câu hỏi giúp học viên nhạy bén hơn và dễ dàng xác định câu trả lời trong mỗi lần đọc đoạn sau đó. Cách đọc này hiệu quả đối với những câu hỏi khó vì việc đọc đi đọc tăng khả năng xác định được đáp án và không lo bỏ sót. Tuy nhiên, nếu đã có thể nhớ các câu hỏi trong lần đầu đọc hoặc cảm thấy không cần thiết, học viên không nhất thiết phải đọc lại câu hỏi nhiều lần để tiết kiệm thời gian.

Sau khi thực hiện bước 3, học viên lại tiếp tục quay lại bước 2 và tiếp tục đọc các đoạn kế tiếp. Và sau khi đọc các đoạn kế tiếp, học viên tiếp tục qua bước 3 và lặp đi lặp lại các bước như trên. Khi đã trả lời hết hoặc gần hết các câu hỏi đầu tiên (Ví dụ: từ câu 1 đến câu 5), học viên tiếp tục quay về bước 1 và đọc các câu hỏi còn lại. Sau khi thực hiện bước 1, học viên tiếp tục lặp đi lặp lại các bước 2 và 3 cho đến khi đọc hết bài đọc và trả lời hết các câu hỏi.

Những bước làm trên đã được sắp xếp và cô đọng thành từng nhóm 2 nhiệm vụ để giúp học viên có thể đa nhiệm tốt hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời cách đọc này hạn chế các tình huống đọc thiếu nội dung và giúp học viên đỡ mất sức hơn vì không cần phải đọc đi đọc lại, skimming và scanning lại nhiều lần để tìm câu trả lời. Mặc dù thông thường các câu hỏi sẽ được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống so với nội dung của bài, vẫn có nhiều trường hợp các câu hỏi khó đề cập nội dung không theo bất cứ trật tự cụ thể nào.

Luyện tập

Học viên hãy dựa vào 3 bước được đề cập ở trên để luyện tập khả năng multitasking khi làm bài đọc sau đây.

luyện tập khả năng multitasking image-alt

luyện tập khả năng multitasking qua đề reading

Hướng dẫn giải bài

Bước 1: Đọc kỹ câu hỏi và tìm từ khóa

Học viên đầu tiên cần tập trung vào số lượng từ giới hạn và tên của đoạn văn cần điền. Trong bài này, học viên chỉ được điền một từ mỗi chỗ trống và đoạn văn tập trung vào chủ đề “children’s play”. Dù có đến 8 câu hỏi, học viên vẫn có thể gộp đọc 8 câu cùng lúc vì 8 câu đầu đều cùng tập trung một chủ đề cũng như cùng thuộc một dạng câu hỏi – dạng câu hỏi Completion.

Học viên sau đó sẽ lướt nhanh qua các subheading có sẵn trong đoạn vì những subheading này không những cung cấp thông tin cần thiết giúp đọc nhanh hơn mà còn giúp học viên nhận biết đáp án và chọn đáp án chính xác. Học viên sẽ tiếp tục đọc sâu từng chỗ trống, xác định từ khóa (keywords) và loại từ cần điền ở mỗi câu.

Đọc kỹ câu hỏi và tìm từ khóaBước 2:

Học viên nên đánh số thứ tự các đoạn trước khi đọc để dễ dàng dõi theo quá trình đọc cũng như thứ tự của thông tin được sắp xếp. Học viên bắt đầu đọc tiêu đề bài và lướt hết toàn đoạn 1 để nắm ý chính, chủ đề cũng như quan điểm của tác giả nếu có. Sau khi đọc, học viên có thể nắm rõ ý tưởng chủ đạo của toàn bài như sau:

tìm từ khóa Sau đó, học viên bắt đầu đọc xuống đoạn 2. Tuy nhiên, đoạn 2 tương đối ngắn về dễ dàng đọc lướt nhanh, học viên có thể tiếp tục đọc lướt qua đoạn 3. Thông thường, học viên cần đọc trước câu đầu và câu cuối từ đoạn 2 trở đi nhưng những đoạn ngắn và ý chính không được thể hiện rõ ràng ở câu đầu và cuối như bài đọc này, học viên có thể đơn giản đọc lướt nhanh cả đoạn để liên kết ý. Học viên cần chú ý các từ nối ý giữa các câu hoặc liên từ nối giữa các mệnh đề. Học viên cũng cần đọc kỹ các câu nói trích dẫn được đề cập. Học viên cần lưu ý rằng những highlight vàng chỉ thể hiện những ý tưởng chính có trong đoạn cần được chú ý, chứ không phải là thao tác tìm keywords vì trong bước này, học viên chỉ đơn giản đọc lướt cả đoạn và hiểu nội dung đại ý. Dù có thể có một vài từ vựng khó nhưng học viên vẫn có thể dễ dàng hiểu được đại ý của toàn bài và chọn chính xác đáp án.

tìm từ khóa đoạn khácBước 3:

Sau khi đọc lướt các đoạn, học viên tiếp tục quay lại các câu hỏi đã đọc để xác định câu hỏi nào đã được đề cập trong các đoạn trên. Thông thường ở bước này, học viên có thể dễ dàng xác định đáp án cho các câu hỏi này nhờ vào các từ đồng nghĩa của các keywords xoay quanh các câu hỏi mà học viên đã xác định ở bước 1 (keyword được tô vàng ở ảnh 1 và từ đồng nghĩa được tô xanh ở ảnh 2). Học viên có thể dễ dàng lướt lại đoạn để kiểm tra kĩ đáp án nếu cần thiết. Những highlight xanh lá sau đây sẽ chỉ ra các từ đồng nghĩa của keyword quan trọng cũng như đáp án của các câu hỏi mà học viên sẽ tìm được sẽ được viết màu đỏ.

xác định câu hỏi nào đã được đề cậpTrong 3 đoạn đầu, học viên có thể tìm được 2 đáp án cho 2 câu đầu. Học viên sẽ không sợ bỏ lỡ đáp án cho câu hỏi khác vì phần lớn câu hỏi sẽ được sắp xếp theo thứ tự bài viết, cũng như các subheading (như recent changes) cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc xác định câu trả lời. 3 đoạn đầu chưa hề đề cập đến các thay đổi nào gần đây. Vì vậy, học viên sẽ tiếp tục quay lại bước 2 và đọc lướt các đoạn kế tiếp.

Bước 2:

image-altHọc viên tiếp tục đọc các đoạn kế tiếp. Các đoạn vẫn tương đối ngắn và dễ đọc hiểu đại ý. Học viên cần lưu ý rằng không cần quá lo lắng những từ mới xuất hiện trong đoạn vì học viên có thể dễ dàng đoán và hiểu được ý tưởng nhờ vào việc đọc trước các câu hỏi ở bước 1 và phương pháp đọc lướt nhanh không bỏ chữ ở bước 2. Việc phải hiểu từng chữ một là không cần thiết. Sau khi đọc 3 đoạn kế tiếp, học viên sẽ nắm được các nội dung chính như trên.

Bước 3:

Tiếp tục quay lại với các câu hỏi kế tiếp, học viên có thể nhận ra dấu hiệu “changing times” trong đoạn 5 chính là từ đồng nghĩa của subheading “recent changes” và tiêu đề “international policies” cũng được đề cập trong đoạn 6. Từ đó học viên có thể xác định đáp cho câu hỏi 3 4 5 6 và 7. Từ đồng nghĩa của các từ khóa quan trọng sẽ được tô xanh và đáp án sẽ được viết màu đỏ.

image-altBước 2:

Vì chỉ còn 1 câu cuối, học viên có thể đọc thêm 2 đoạn ngắn kế tiếp để tìm nốt đáp án cho câu này.

image-altimage-altBước 3:

Học viên có thể xác định được các dấu hiệu đồng nghĩa của keyword cho câu hỏi số 8, và từ đó xác định được đáp án cần điền cho câu này.

image-altVừa rồi, học viên đã có thể đọc hiểu và tìm được đáp án cho 8 câu đầu tiên. Học viên tiếp áp dụng phương pháp này cho các lần luyện tập khác.

Tổng kết

Trong bài viết này, học viên đã tìm hiểu chi tiết thế nào là multitasking trong phần thi IELTS reading, các dạng câu hỏi yêu cầu khả năng đa nhiệm cao và các giải pháp giúp học viên cải thiện khả năng đa nhiệm cùng với các bước cơ bản để đọc hiểu IELTS hiệu quả hơn. Các giải pháp là:

  • Cải thiện lượng kiến thức về từ vựng và ngữ pháp

  • Luyện tập và làm bài từ dễ đến khó trong 60 phút

  • Cải thiện khả năng skimming và scanning

  • Luyện tập multitasking khi làm bài IELTS Reading

  • Các bước hướng dẫn luyện tập multitasking được đề cập trong bài này chưa đi sâu vào cách làm chi tiết cho từng loại câu hỏi và chỉ phù hợp với các học viên có khả năng đọc hiểu và lượng từ vựng trung bình khá. Trong tương lai, cần có nhiều bài viết tập trung vào những khía cạnh nêu trên và phù hợp hơn cho những đối tượng người đọc khác để có thể giúp học viên thi IELTS Reading đạt được kết quả tốt.

Tham khảo thêm khóa học tại trung tâm luyện thi IELTS cấp tốc Anh ngữ ZIM giúp học viên tăng cường kỹ năng, kiến thức trong thời gian ngắn, cam kết đạt kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu