Sử dụng tính nhấn mạnh của đề (Markedness of Theme) để tạo điểm nhấn cho IELTS Writing Task 2 

Bài viết dưới đây phân tích tính nhấn mạnh của đề (markedness of theme), giúp người viết hiểu và vận dụng yếu tố nhấn mạnh này để tạo hiệu ứng nhấn mạnh cũng như kiểm soát trải nghiệm đọc nơi người đọc.
author
ZIM Academy
22/01/2022
su dung tinh nhan manh cua de markedness of theme de tao diem nhan cho ielts writing task 2

Để tạo ra những bài viết học thuật chất lượng, người viết cần chú ý đến không chỉ nội dung mình muốn truyền tải mà còn cả cách mình truyền tải nội dung đó. Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới cách truyền tải nội dung là tạo điểm nhấn cho nội dung. Bài viết dưới đây phân tích tính nhấn mạnh của đề (markedness of theme), giúp người viết hiểu và vận dụng tính nhấn mạnh này để tạo hiệu ứng nhấn mạnh cũng như kiểm soát trải nghiệm đọc.

*Lưu ý: Trong bài viết này, phân tích Đề-Thuyết chỉ nhằm áp dụng vào phần viết, do đó sẽ chỉ xoay quanh việc phân tích câu trần thuật. Những kiểu câu khác (câu nghi vấn, câu hỏi WH) không nằm trong phạm vi bài viết này.

Key Takeaways

  • Bất kể nội dung gì được đặt lên đầu câu đều tạo ra hiệu ứng nhấn mạnh cho nó.

  • Dùng đề chủ đề nhấn mạnh (marked topical theme) để tạo mối liên kết về mặt ý nghĩa với các câu đã được nói và câu đang được nói. Vận dụng linh hoạt đề chủ đề nhấn mạnh/không nhấn mạnh để tăng tính đa dạng câu (sentence variety) cho toàn bài.

  • Chỉ nên dùng 1-2 đề văn bản (textual theme) mỗi đoạn văn của thân bài IELTS Writing. 

  • Dùng đề liên nhân (interpersonal theme) như một cách để rào đón những ngoại lệ.

Cấu trúc đề thuyết (Thematic structure) là gì?

Theo nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Halliday (2013), một mệnh đề được chia làm 2 thành phần chính: phần đề (Theme) và phần thuyết (Rheme). 

Đề là điểm khởi đầu của một mệnh đề, xác định chủ đề của mệnh đề. Trong khi đó thuyết được tính là phần còn lại (sau khi đã xác định được phần đề).

Cùng xét một số ví dụ:

tinh-nhan-manh-cua-de-markedness-of-theme-spring

  • Spring is the first season of a year. (Điểm xuất phát của mệnh đề là “Spring”) (Dịch nghĩa: Mùa xuân là mùa đầu tiên của năm.)

  • On the table there is a lamp. (Điểm xuất phát của mệnh đề là “On the table”) (Dịch nghĩa: Trên bàn có một cái đèn.)

*Chú thích: Đề là phần được in đậm. Phần còn lại là thuyết.

Như đã nói, đề được xác định là “điểm xuất phát của câu”, và điểm xuất phát không nhất thiết phải là chủ ngữ. 

Ví dụ: 

  • Spring is the first season of a year. (Đề là chủ ngữ)

  • On the road there is a dog. (Đề KHÔNG là chủ ngữ)

Tính nhấn mạnh của đề

Tính nhấn mạnh của đề là gì?

Đề luôn đứng đầu câu. Với vị trí đứng đầu như vậy, nó xác lập ngữ cảnh, sắc thái cho mệnh đề và mối liên hệ của nó đối với phần thuyết. Nó có thể mang tính nhấn mạnh hoặc không nhấn mạnh. 

Đề không nhấn mạnh (unmarked theme) là loại đề đóng vai trò như một chủ ngữ thông thường. 

VD: My dog seemed to hear me. (Phần đề không nhấn mạnh ở đây “My dog” đóng vai trò là chủ ngữ.)

(Dịch nghĩa: Con chó của tôi dường như nghe thấy tôi.)

Đề không nhấn mạnh có thể bao gồm: 

  • Đại từ nhân xưng: I, you, he, she, it, we, they.

  • Đại từ vô nhân xưng: it, there,...

  • Đại từ bất định: anybody, nothing,...

  • Ngữ định danh: bike, table, river,...

  • Từ danh hóa: What I told you, That you should eat first, The one you gave me,...

Loại đề còn lại - đề nhấn mạnh (marked theme) - là các loại đề không đóng vai trò như một chủ ngữ thường thấy. 

VD: Today, my dog seemed to hear me. (Đề nhấn mạnh ở đây - trạng từ “today” - KHÔNG đóng vai trò là 1 chủ ngữ).

(Dịch nghĩa: Hôm nay, con chó của tôi dường như nghe thấy tôi.)

Nhìn chung, đề nhấn mạnh có thể là:

  • (Cụm) trạng từ: today, suddenly, once in a blue moon,...

  • Cụm tính từ: on the table, in my opinion,...

  • Bổ ngữ: “this” trong câu “this they should refuse.” (Ít gặp trong văn học thuật.)

Ảnh hưởng của đề tới sắc thái của thông điệp

Đề là điểm xuất phát của một câu, tác động tới sắc thái hay ý nghĩa của câu đó. 

Lấy ví dụ:

tinh-nhan-manh-cua-de-markedness-of-theme-run

  • (1) We run on Tuesday. (Dịch nghĩa: Chúng tôi chạy bộ vào thứ Ba.)

  • (2) On Tuesday, we run. (Dịch nghĩa: Vào thứ Ba chúng tôi chạy bộ.)

Trước hết, cần lưu ý rằng đa số người học ESL có thể gặp khó khăn trong việc cảm nhận sắc thái của nội dung được truyền tải hơn là người bản xứ, do tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của họ và họ không được tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ bé trong môi trường bản xứ. 

Quay trở lại 2 ví dụ trên, trường hợp 1, bối cảnh được mở ra bởi đề ngữ “On Tuesday”, trong khi đó bối cảnh (2) bắt đầu với đề ngữ “We”. Mặc dù những thành phần tham gia của câu không đổi (vẫn là Tuesday và We), tuy nhiên, trình tự thông tin được tiếp nhận mỗi câu khác nhau, do đó dẫn đến những sắc thái khác nhau. 

Cụ thể hơn, trường hợp 1 đi theo một cấu trúc câu xuôi (SVO) theo cách tạo câu mặc định thông thường, với sự xuất hiện của đề không nhấn mạnh “We”. Cấu trúc câu xuôi kiểu này được mặc định coi là không có gì được nhấn mạnh. Nói cách khác, người viết đang không hướng sự chú ý của người đọc vào yếu tố nào trong câu.

Khác với cách tạo câu 1, câu 2 bắt đầu với đề nhấn mạnh "On Tuesday". Sự xuất hiện của đề nhấn mạnh này hướng sự chú ý của người đọc tới yếu tố thời gian của hành động trong câu. Nói cách khác, thời gian là tính nhấn mạnh của đề ở đây, tạo nên sự khác biệt về sắc thái so với câu 1.

Như vậy, người học có thể thấy rằng khi thay đổi trình tự của thông tin, hoặc thay đổi đề của một mệnh đề, người học có thể nhấn mạnh những thành phần khác nhau trong câu, và từ đó, thể hiện được những sắc thái nội dung khác nhau.

Phân loại đề theo chức năng

Dựa vào chức năng của đề, các nhà ngôn ngữ học chia đề thành 3 loại chính: topical theme (đề chủ đề), textual theme (đề văn bản), và interpersonal theme (đề liên nhân).

Đề chủ đề

Đề chủ đề thể hiện thành phần trải nghiệm đầu tiên của thông điệp.

VD: A bird is flying over my house. (Dịch nghĩa: 1 con chim đang bay qua nhà tôi.)

Trong ví dụ trên, ta có 2 thành phần tham gia là “a bird” và “my house”, trong đó “a bird” là thành phần trải nghiệm đầu tiên. 

Đề chủ đề bao gồm 3 loại:

  1. Sung ngữ tình huống (circumstantial adjunct) đề cập tới tình huống (về thời gian hoặc không gian) của thông điệp. 

VD: 

  • On the road there is a dog. (Dịch nghĩa: Trên đường có một con chó.)

  • Tomorrow will be better. (Dịch nghĩa: Ngày mai rồi sẽ ổn thôi.)

  1. Thành phần tham gia (participant) đề cập đối tượng trải nghiệm hành động. 

VD: The program is useful. (Dịch nghĩa: Chương trình khá là hữu ích.)

  1. Quá trình (process) đề cập quá trình hành động xảy ra.

VD: 

  • Making a decision is difficult.  (Dịch nghĩa: Đưa ra quyết định là một điều khó khăn.)

  • Turn on the light!  (Dịch nghĩa: Tắt đèn đi!)

    Đề văn bản

Đề văn bản thể hiện mối liên kết logic hay thời gian của nội dung trong các câu trong đoạn văn đã cho. 

Loại đề này bao gồm các loại từ như:

  1. Từ nối tiếp (Continuative) như yes, no, well… (thường dùng trong văn nói, ít dùng trong văn viết)

VD: No, you can absolutely do that. (Dịch nghĩa: Không, bạn hoàn toàn có thể làm vậy.)

  1. Liên từ (Conjunction): or, but, and… 

VD: I am a student, and you are a teacher. (Dịch nghĩa: Em là học sinh, còn cô là giáo viên.)

*Lưu ý: Câu ghép đẳng lập được tính như 2 câu đơn được ghép với nhau.

  1. Sung ngữ liên kết (Conjunctive Adjunct): as a result, in other words, actually,…

VD: It was raining and Mark forgot to bring an umbrella. As a result, he was absolutely soaked. (Dịch nghĩa: Trời mưa và Mark quên mang ô. Kết quả là anh ta đã bị ướt sũng.)

Đề liên nhân

Đề liên nhân thể hiện thái độ của người viết lên nội dung của phần còn lại trong mệnh đề. Loại đề này bao gồm:

  1. Tác từ động từ chia ngôi (Finite Verbal Operator): do, does, can,... (trong câu hỏi nghi vấn Yes/No )

VD: Doesn’t she know it? (Dịch nghĩa: Cô ấy không biết sao?)

  1. Sung ngữ tình thái (modal / comment adjunct): probably, surprisingly, frankly,…

VD: Probably it’s the best way for now. (Thể hiện thái độ băn khoăn). (Dịch nghĩa: Có lẽ đó là cách tốt nhất trong thời điểm này.)

  1. Hô từ (Vocative): cách xưng hô như tên riêng.

VD: Jules, get out! (Dịch nghĩa: Jules, Ra ngay!)

Lưu ý: 

  • Một câu luôn chỉ có duy nhất 1 đề chủ đề, có thể không có hoặc có nhiều hơn 1 đề văn bản và đề liên nhân.

  • Đề chủ đề không nhất thiết luôn là chủ ngữ. Ví dụ như trong ví dụ trước: “In the sky, the bird is flying” thì “In the sky” là đề chủ đề.

Lấy ví dụ một câu có đầy đủ 3 loại đề trên:

Obviously, as a result, she failed.

(Dịch nghĩa: Hiển nhiên, kết quả là, cô ấy đã thất bại)

  • Obviously là đề liên nhân, thể hiện thái độ của người viết cho rằng đây là một điều hiển nhiên, một lẽ thường mà ai cũng thấy.

  • As a result là đề văn bản, thể hiện mối quan hệ về mặt lập luận logic với (các) câu trước đó. “As a result” báo hiệu câu đang được nói tới là hệ quả của câu trước.

  • She là đề chủ đề, là người tham gia.

Ứng dụng kiến thức về đề vào IELTS Writing

Theo Eggins (2004), một người viết có năng lực là người biết cách dùng yếu tố nhấn mạnh của đề để thể hiện sự liên kết cũng như để thao túng ý nghĩa của thông điệp mà mình muốn thể hiện. Đồng tình với quan điểm trên, Thompson (2004) cũng cho rằng, một người có kỹ năng viết hạn chế thường không thạo dùng đề nhấn mạnh hơn. 

Trong bài viết học thuật, người viết có thể vận dụng đề nhấn mạnh thông qua việc sử dụng đề chủ đề, đề văn bản, và đề liên nhân để thu hút sự chú ý của người đọc.

Dùng đề chủ đề nhấn mạnh trong IELTS Writing Task 2

Khi triển khai nội dung bài viết, người ta thường dùng đề chủ đề nhấn mạnh với 2 mục đích: (1) tạo hiệu ứng nhấn mạnh, và (2) tạo liên kết ngữ vựng (lexical cohesion) với nội dung trước đó. Trong đó, mục đích (2) là mục đích lớn hơn khi áp dụng đề chủ đề nhấn mạnh.

Ngoài ra, người viết có thể vận dụng linh hoạt đề chủ đề nhấn mạnh và không nhấn mạnh để tăng tính đa dạng câu (sentence variety) cho đoạn văn.

Ví dụ:

tinh-nhan-manh-cua-de-markedness-of-theme-medical

They need knowledge as well as experience. (1) While certain types of knowledge can be acquired during work experience, it is essential for a body of knowledge such as medical and engineering information to be acquired beforehand. (2)

(Dịch nghĩa: Họ cần có kiến thức cũng như kinh nghiệm. Mặc dù một số loại kiến thức nhất định có thể được thu thập trong quá trình làm việc, nhưng đối với bộ phận kiến thức như về y tế và kỹ thuật thì việc thu nhận kiến thức từ trước là điều thiết yếu.)

(Nguồn: english-exam.org)

Cùng phân tích đoạn văn trên:

Câu 1: là câu đơn, dùng đề không nhấn mạnh.

Câu 2: là câu phức, dùng đề nhấn mạnh. Việc dùng đề chủ đề nhấn mạnh ở đây có 2 tác dụng: (1) là tạo điểm nhấn vào vế nhượng bộ của câu, và (2) tạo liên kết ngữ vựng bằng cách sử dụng lại thành phần tham gia “experience”, “knowledge” đã từng xuất hiện trong phần thuyết của câu 1.

Dùng đề văn bản nhấn mạnh trong IELTS Writing Task 2

Một trong những cách phổ biến mà người Việt học tiếng Anh thường dùng để tăng tính liên kết giữa các câu (hay nói dưới góc độ ngôn ngữ học là dùng đề văn bản) là dùng liên từ hay trạng từ liên kết. 

Tuy nhiên, có 1 vấn đề lớn nhất thường gặp trong việc sử dụng đề văn bản: lạm dụng đề văn bản.

Ví dụ:

On the one hand, students can visit the canteen during the afternoon to meet friends and study together. Consequently, they can become happier and learn more. As a result, they will perform better in their studies. However, there are some drawbacks to this situation. For example, students could find themselves spending too much time there. Clearly, this is fraught with problems. For one thing, they might not visit the library as much as they should. Therefore, efforts should be made to ensure that the students don't overuse the facilities.

(Nguồn: ted-ielts.com)

(Dịch nghĩa: Một mặt, sinh viên có thể đến căng tin vào buổi chiều để gặp gỡ bạn bè và học tập cùng nhau. Do đó, các em có thể thấy vui hơn và học nhiều hơn. Kết quả là, các em sẽ học tốt hơn. Tuy nhiên, có một số hạn chế đối với tình trạng này. Ví dụ như sinh viên có thể dành quá nhiều thời gian ở đó. Hiển nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề. Một nguyên do là các em có thể không đến thư viện học thường xuyên như đáng lý nên làm. Vì vậy, chúng ta cần nỗ lực để đảm bảo rằng học sinh không lạm dụng cơ sở vật chất đó.)

Mục đích của đề văn bản là để (1) thể hiện mối quan hệ giữa cái đã nói và cái đang được nói về mặt logic và (2) tạo hiệu ứng nhấn mạnh như đã phân tích phía trên. 

Cần lưu ý ở đây là trước khi dùng đề văn bản thì nội dung bài viết vốn đã cần phải đảm bảo tính liên kết về mặt logic. Việc dùng đề văn bản sau đó chỉ để xác nhận rõ hơn mối liên kết người viết muốn thể hiện. Do đó, đề văn bản không nhất thiết phải luôn có mặt trong cả đoạn văn. Việc lạm dụng đề văn bản có thể dẫn tới một bài viết dư thừa tính liên kết và bị nhấn mạnh liên tục. Nó cũng thể hiện một lối mòn, không linh hoạt khi vận dụng cách liên kết ngôn ngữ, do đó có thể bị đánh giá là “máy móc” hay “khiên cưỡng”. 

Theo Ray (2017), một bài chỉ nên có 1-2 từ liên kết về mặt ngữ nghĩa. 

Trong bài viết của mình, cựu giám khảo Ielts Simon còn chia sẻ về sự liên kết cao cấp Liên kết cao cấp - Nghệ thuật liên kết như không liên kết. Trong đó, Simon đảm bảo sự chặt chẽ trong mối liên kết về mặt logic giữa các câu nên ông gần như không dùng thêm bất cứ một đề văn bản nào (ngoại trừ một đề văn bản duy nhất là “so” như đoạn văn phía dưới). 

The trend towards people living alone is perhaps even more damaging because of the psychological effects of reduced human interaction. Individuals who live on their own have nobody to talk to in person, so they cannot share problems or discuss the highs and lows of daily life. They forgo the constant stimulation and hustle and bustle of a large family, and are left to their own devices for extended periods of time. The lack of human contact in the home is necessarily replaced by passive distractions, such as television, video games, online chat rooms or Internet surfing. This type of existence is associated with boredom, loneliness, and feelings of isolation or even alienation, all of which are factors that are known to increase the risk of mental illness.

(Nguồn: Ielts-simon.com)

(Dịch nghĩa: Xu hướng sống một mình của nhiều người có lẽ thậm chí còn gây hại nhiều hơn vì những tác động tâm lý do việc giảm tương tác giữa con người với nhau. Những cá nhân sống một mình không có ai để nói chuyện trực tiếp, vì vậy họ không thể chia sẻ các vấn đề hoặc thảo luận về những thăng trầm của cuộc sống hàng ngày. Họ từ chối sự khích lệ liên tục và sự hối hả nhộn nhịp của một đại gia đình, và chỉ để lại họ với các thiết bị cá nhân trong thời gian dài. Sự thiếu vắng tiếp xúc con người khi ở nhà nhất thiết bị thay thế bằng những thứ gây xao nhãng thụ động, chẳng hạn như tivi, trò chơi điện tử, phòng trò chuyện trực tuyến hoặc lướt Internet. Kiểu tồn tại này gắn liền với sự buồn chán, cô đơn và cảm giác bị cô lập hoặc thậm chí bị xa lánh, tất cả đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần.)

Dùng đề liên nhân nhấn mạnh trong IELTS Writing Task 2

Ứng dụng của đề liên nhân được thể hiện rõ ràng trong Lời rào đón (Qualifying language / Hedging). Lời rào đón là cách vận dụng ngôn ngữ để thể hiện thái độ dè dặt, thận trọng của người viết, cho thấy họ không hoàn toàn chắc chắn vào luận điểm mình đưa ra, hay vẫn muốn giữ thái độ cởi mở với những trường hợp ngoại lệ. 

Trong cuốn IELTS Advantage: Writing Skills, tác giả cũng đề cập rằng một người viết bài học thuật tốt cần tránh những luận điệu mang tính khái quát hóa, tuyệt đối hóa, hay quy chụp. Nói cách khác, cuốn sách khuyên người viết hãy dùng lời rào đón.

Một gợi ý đối với người học IELTS Writing là vận dụng các từ thể hiện lời rào đón là đề liên nhân trong bài như:

  • Trạng từ hội tụ (Focusing Adverbs): generally, in most cases, typically,...

  • Trạng từ thể hiện xác xuất, tần suất: probably, likely, rarely, almost never,...

  • Trạng từ thể hiện quan điểm: personally,...

  • Cụm giới từ: in my opinion, from my perspective,...

Ví dụ:

  • In many cases / the majority of cases, it is extremely difficult at first to integrate in a new society. (Dịch nghĩa: Trong nhiều trường hợp / đa số các trường hợp, việc hòa nhập trong một xã hội mới lúc đầu là vô cùng khó khăn.)

  • For many, the language barrier is a major problem. (Dịch nghĩa: Đối với nhiều người, rào cản ngôn ngữ là một vấn đề lớn.)

  • In my opinion, older people tend to have more experience and are able to give good advice about loss of situations in life.(Dịch nghĩa: Theo ý kiến của tôi, những người lớn tuổi thường có nhiều kinh nghiệm hơn và có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích về những mất mát trong cuộc sống.)

  • Không nên sử dụng: Obviously/Undeniably, the language barrier is a major problem. (Dịch nghĩa: Rõ ràng / Không thể phủ nhận, rào cản ngôn ngữ là một vấn đề lớn.)

Tổng kết

Việc đặt thành phần nào ở đầu câu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xác lập sắc thái cho thông điệp đang được truyền tải. Tùy vào ý đồ của người viết mà câu có thể được mở đầu bằng cách dùng tính nhấn mạnh của đề hoặc đề không nhấn mạnh. Cần lưu ý rằng chỉ nên dùng đề nhấn mạnh khi người viết thực sự muốn nhắc nhở người đọc rằng: đây là nội dung đáng lưu ý.

Dựa trên chức năng của đề trong câu, các nhà ngôn ngữ học chia đề thành 3 loại: đề chủ đề, đề văn bản, và đề liên nhân. 

Khi sử dụng 3 loại đề này cho mục dịch nghĩa nhấn mạnh trong bài IELTS Writing Task 2, người viết cần có thêm một số lưu ý sau đây. Đối với đề chủ đề, người viết nên vận dụng linh hoạt để tạo ra sự liên kết ngữ vựng để đảm bảo tính kết nối trong nội dung toàn bài. Đối với đề văn bản, không nên lạm dụng mà chỉ dùng 1-2 từ liên kết mỗi đoạn thân bài. Đối với đề liên nhân, có thể dùng khi muốn sử dụng yếu tố rào đón để tránh luận điệu quy chụp, khái quát hóa.

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Người học muốn đạt điểm IELTS nhanh chóng trong thời gian ngắn. Tham khảo khóa ôn luyện IELTS cấp tốc tại ZIM, giúp học viên tăng tốc nhanh kiến thức và kỹ năng làm bài, cam kết kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu