Tổng hợp những lỗi viết học sinh thường hay mắc phải trong kỹ năng Writing

Bài viết tổng hợp các lỗi viết phổ biến nhất của người học tiếng Anh, cũng như cung cấp phương pháp giúp người học hạn chế lỗi và từ đó, có thể cải thiện kỹ năng viết của mình.
author
Cao Thị Thuận
12/07/2022
tong hop nhung loi viet hoc sinh thuong hay mac phai trong ky nang writing

Lỗi ngữ pháp là một lỗi không thể tránh khỏi khi viết văn bằng tiếng Anh. Hầu hết các lỗi ngữ pháp đều dễ xử lý, do đó, học sinh hoàn toàn có thể tự sửa được cho bài viết của mình nếu có nền tảng kiến thức ngữ pháp chắc chắn. Bài viết “Tổng hợp những lỗi viết học sinh thường hay mắc phải” nhằm mục đích giúp học sinh nhận thức được lỗi sai của mình, lý do đằng sau lỗi sai đó và đề xuất hướng giải quyết để giúp học sinh cải thiện một cách nhanh nhất.

Key takeaways

13 lỗi viết phổ biến mà thí sinh hay mắc phải

  • Chưa phân biệt được đại từ làm chủ ngữ và tân ngữ.

  • Dùng ngôn ngữ informal trong văn viết.

  • Sử dụng sai mạo từ xác định the và không xác định a/an.

  •  Chia sai dạng động từ bổ ngữ.

  • Thừa giới từ       

  • Dịch từ sát chữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh

  • Thiếu động từ to be

  • Dùng sai tính từ đuôi –ed và –ing

  • Sử dụng British English hoặc American English một cách không nhất quán.

  • Nhầm lẫn giữa các homophones

  • Viết hoa không đúng chỗ

  • Sở hữu cách

  • Nhẫm lẫn which/that trong mệnh đề quan hệ

Cách hạn chế tối đa các lỗi khi viết:

  • Nắm kiến thức ngữ pháp

  • Áp dụng kiến thức ngữ pháp vào viết câu, đoạn (có thể về đời sống cá nhân, các mối quan hệ, cảm xúc,..)

  • Dùng công cụ kiểm tra lỗi. ví dụ MS Word hoặc Google docs

  • Note các lỗi xuống vở, giải thích lỗi sai và review lại nhiều lần.

Tổng hợp các lỗi viết phổ biến của thí sinh

Chưa phân biệt được đại từ làm chủ ngữ và tân ngữ

Một trong những lỗi cơ bản nhất của học sinh ở mức cơ bản đó chính là nhầm lẫn giữa đại từ làm chủ ngữ và đại từ làm tân ngữ.

Xét ví dụ sau:

Mr and Mrs Thornton’s daughters are really well-behaved and polite. I love they so much.

(Các cô con gái nhà ông bà Thornton rất lễ phép và lịch thiệp. Tôi rất yêu quý chúng).

Trong ví dụ trên, từ “they” ở câu số 2 dùng sai vì “they” là đại từ nhân xưng, có nhiệm vụ làm chủ ngữ, cho nên thường đứng đầu câu. Đại từ nhân xưng không thể đứng sau động từ để chịu tác động của động từ đó. Trong trường hợp đó, đại từ nhân xưng làm tân ngữ sẽ chính xác hơn. Cho nên, “they” được sửa thành “them”.

Đại từ nhân xưng làm chủ ngữ

Đại từ nhân xưng làm tân ngữ

I

me

You

you

He

him

She

her

It

it

We

us

You

you

They

them

Bảng đại từ nhân xưng làm chủ ngữ và tân ngữ.

Dùng ngôn ngữ informal trong văn viết

Ngôn ngữ Informal thường được dùng trong giao tiếp, có thể bằng việc nói hoặc viết, với người thân và bạn bè. Email cá nhân và tin nhắn là ví dụ điển hình của ngôn ngữ informal. Trong khi đó, ngôn ngữ formal được dùng trong môi trường học thuật và làm việc. Ngôn ngữ thông tục, dạng rút gọn và ngôi thứ nhất “I” và “We” là những điều học sinh nên tránh trong ngôn ngữ formal.

Ví dụ:

Thay vì viết tắt và sử dụng từ informal như sau: “The improvements can’t be made due to budget cuts.” (Những đề xuất cải thiện không được tiến hành bởi vì ngân sách bị cắt).

Thí sinh nên viết: “Improvements cannot be made due to budget restrictions.”.

Thay vì sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp cho văn viết như: “Professors still count on students to use correct grammar and punctuation in essays.” (Các giáo sư vẫn tin tưởng học sinh sử dụng dấu câu và ngữ pháp chính xác trong bài luận).

Thí sinh nên thay bằng:” Professors expect students to use correct grammar and punctuation in essays.”

Sử dụng sai mạo từ xác định the và không xác định a/an

Khi diễn đạt mô tả sự vật nói chung, người viết nên sử dụng mạo từ. Một danh từ đếm được, số ít cần phải có một mạo từ hoặc hạn định định từ (ví dụ my, her, his hoặc this, that…) kèm theo.

Ví dụ:

Thay vì viết: I live in the small apartment in the suburbs. (Tôi sống trong một căn hộ nhỏ ở ngoại ô).

Thí sinh nên viết: “I live in a small apartment in the suburbs”.

Trong câu trên, cụm danh từ “small apartment” được giới thiệu đầu tiên trong câu, và chỉ một căn hộ nhỏ chung chung, người viết nên dùng mạo từ không xác định “a” trước cụm đó, thay vì mạo từ xác định “the”.

Học sinh cần lưu ý sự khác biệt giữa hai mạo từ: the và a/an. Cụ thể, mạo từ a/an được dùng khi vật/ người được nhắc đến lần đầu, hoặc người nói không mong đợi người nghe/ đọc hiểu chính xác đối tượng đang nhắc đến là đối tượng nào.

Mạo từ xác định “the” được dùng khi vật/ người đã được xác định, hoặc được nhắc đến trước đó.

Chia sai dạng động từ bổ ngữ

Trong tiếng Anh, có hai dạng động từ bổ ngữ cho động từ chính trong câu: to - Verb và V-ing.

Cụ thể, một số động từ đi theo sau nó bởi một động từ bổ ngữ dạng to Verb, ví dụ như plan, intend, want, need, expect,…...Trong khi đó, những động từ khác đi theo sau bởi V-ing, ví dụ start, begin, hate, dislike, enjoy, avoid…..Một số khác có thể đi kèm bởi cả hai dạng với nghĩa không thay đổi, như like, love, hate, begin. Tuy nhiên, học sinh cần lưu ý một số động từ như forget, remember, try vì chúng đều có thể đi kèm bởi to Verb hoặc V-ing, nhưng với hai lớp nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:

  • Forget + To Verb: Quên phải làm điều gì.

Ví dụ: Oh no! I forgot to do my homework. (Ồ không, tôi đã quên làm bài tập về nhà).

  • Forget + V-ing: Quên đã làm điều gì.

Ví dụ: My mother never forgot meeting my father for the first time. (Mẹ tôi không bao giờ quên kỷ niệm lần đầu tiên gặp bố tôi).

Ngoài động từ bổ nghĩa của động từ chính, một số cụm cấu trúc cũng có nguyên tắc về động từ bổ ngữ riêng. Cụ thể:

  • To have trouble/ difficulty + V-ing: gặp khó khăn làm điều gì

Ví dụ: I had a lot of trouble finding the right job after graduation. (Tôi đã gặp nhiều khó khăn tìm công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp).

  • spend + O + V-ing: dành, chi cái gì cho việc gì.

Ví dụ: My younger brother has spent all of his savings buying new computer games. (Em trai tôi đã dành hết tiền tiết kiệm để mua bộ games mới).

Thừa giới từ

Lỗi viết thường gặp tiếp theo là lỗi sử dụng thừa giới từ. Lỗi này có thể xuất phát từ việc phần lớn học sinh dịch tự động từng từ từng chữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Ví dụ:

I was in the cinema the other day and there were a lot of people in there. (Tôi đã ở rạp chiếu phim ngày hôm kia và đã có rất nhiều người ở đó).

Trong câu trên, cụm “in there” có thể viết ngắn gọn thành “there”, vì giới từ “in” có thể lược bỏ.

Ngoài “in there”, học sinh cũng hay mắc lỗi sử dụng cụm “in here”.

Ngoài ra, thí sinh còn hay dùng giới từ sau những động từ mà, trên thực tế, không cần giới từ kèm theo.

Ví dụ:

Social media apps help me contact with my friends, family and co-workers easily. (Các ứng dụng mạng xã hội giúp tôi liên lạc với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp dễ dàng hơn).

Động từ “contact” đi liền với tân ngữ trực tiếp đằng sau nó, mà không cần sử dụng thêm bất cứ giới từ nào.

Ngoài động từ trên, học sinh cũng hay dùng thừa giới từ với những động từ khác như: access (tiếp cận) , discuss (thảo luận), comprise (bao gồm), oppose(chống đối),….

Lưu ý: Những động từ vừa giới thiệu cũng có thể làm danh từ. Khi làm danh từ, chúng đều đi theo sau bởi giới từ riêng biệt, ví dụ contact with (sự liên lạc với), access to (sự tiếp cận đến),….

Dịch từ sát chữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh

Đây là một lỗi mà hầu như học sinh nào cũng đã trải qua. Việc dịch từng từ từng chữ từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang một ngôn ngữ khác là điều hết sức bình thường, đặc biệt ở giai đoạn cơ bản. Tuy nhiên, khi học sinh dần cải thiện về ba mặt phát âm, ngữ pháp và từ vựng, học sinh nên cố gắng tránh việc dịch sát nghĩa. Thay vào đó, học sinh cố gắng hiểu ý nghĩa và hàm nghĩa của ý kiến mình muốn truyền tải để lựa chọn từ vựng chính xác, kèm theo kiến thức ngữ pháp để giúp học sinh viết được câu, hoặc đoạn hoàn chỉnh, đúng ngữ cảnh và tự nhiên.

Xét ví dụ sau:

Unless social networking sites , people will stay focused.

Câu trên có thể tạm hiểu là “Nếu không có những ứng dụng mạng xã hội, con người sẽ có thể tập trung”. Lỗi sai của câu này là mặc dù từ unless (=if not) có nghĩa là “nếu không”, nhưng đi sau unless phải là một mệnh đề. Cho nên, câu trên sẽ được sửa lại thành:

Unless social networking sites exist, people will stay focused. (Nếu các ứng dụng mạng xã hội không tồn tại, con người sẽ tập trung nhiều hơn).

Ngoài ra, khi học từ/ cụm từ nào mới, học sinh cố gắng học những cụm từ thường đi kèm với nhau (collocations) để văn viết trở nên tự nhiên và mượt mà hơn.

Ví dụ: thay vì chỉ học từ “attention” có nghĩa “sự chú ý, quan tâm”, học sinh có thể học thêm cụm

  • pay attention to (v) chú ý tới

  • attention span (n) khả năng tập trung

  • attract someone’s attention (v) thu hút sự chú ý của ai

Thiếu động từ to be

Lỗi thiếu động từ to be là một lỗi khá bất cẩn của học sinh, và cũng là một lỗi học sinh có thể tự sửa được.

Xét câu sau:

   I went to many cities in Viet Nam before and these cities very beautiful. (Tôi đã đi đến nhiều thành phố ở Việt Nam trước đó và những thành phố này xinh đẹp).

Trong câu trên, mệnh đề thứ 2 sau liên từ “and” thiếu động từ chính là to be, cụ thể “are”.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp, học sinh dùng thì hiện tại tiếp diễn, nhưng lại quên điền to be.

Ví dụ:

The dogs playing in the garden behind the house. (Những chú chó đang nô đùa ở sân sau nhà).

Câu trên thiếu động từ “to be” là “are” trước “playing”.

Dùng sai tính từ đuôi –ed và –ing

Học sinh hay nhầm lẫn giữa tính từ có dạng V-ed và V-ing. Cụ thể, học sinh chưa phần biệt được tính từ nào có nghĩa chủ động và tính từ nào mang nghĩa bị động.

Xét câu sau:

However, I felt very boring and sad, so now, I am always with my friends or my family. (Tuy nhiên, tôi cảm thấy chán nản và buồn, vì bây giờ tôi luôn luôn ở với gia đình và bạn bè)

Trong câu trên, tính từ boring (xuất phát từ động từ bore thêm -ing) mang nghĩa chủ động, thường sẽ gây cảm xúc chán nản lên người khác. Vì vậy, “boring” sẽ không được dùng để mô tả cảm xúc của người hay vật.

Đáp án đúng là “bored”

Từ đó, học sinh có thể suy ra, V-ing là tính từ mang nghĩa chủ động, còn V-ed là tính từ mang nghĩa bị động. Thí sinh có thể cân nhắc lựa chọn giữa hai loại tính từ trên bằng cách xem xét xem danh từ chính ở đây là người/ vật bị tác động (V-ed) hay là tác nhân gây tác động lên người khác (V-ing).

Sử dụng British English hoặc American English một cách không nhất quán.

Một lỗi mà học sinh nên chú ý đó chính là chuyển đổi cách viết giữa Anh Anh (BrE) và Anh Mỹ (AmE) một cách ngẫu hứng. Ví dụ điển hình nhất là:

  • - our (BrE) và -or (AmE)

trong “colour” và “color” hoặc “flavour” và “flavor”.

  • -ise (BrE) và -ize (AmE)

trong “organise” và “organize” hoặc “authorise” và “authorize”.

Giải pháp đưa ra là học sinh nên tìm hiểu xem từ/ cụm đó thuộc Anh Anh hay Anh Mỹ trong giai đoạn học từ vựng. Ngoài ra, học sinh cũng có thể dùng tính năng check chính tả của MS Word để giúp tránh mắc lỗi trên.

Nhầm lẫn giữa các homophones

Từ ‘homophone’ có gốc từ tiếng Hy Lạp, trong đó homos (nghĩa là giống nhau) và phone (nghĩa là giọng). Homophones là những từ mà phát âm giống nhau nhưng có nghĩa khác nhau.

Ví dụ:

  • Bad parenting skills effect children’s mental and physical development. (Thiếu kỹ năng nuôi dạy con cái ảnh hưởng sự phát triển thể lực và tinh thần của trẻ).

Câu trên, danh từ “effect” sử dụng không đúng chỗ, nên được thay thế bằng động từ “affect”.

  • Fast fashion clothes are really chip.

    Câu trên, danh từ “chip” bị nhẫm lẫn với tính từ “cheap”.

Affect (v) ảnh hưởng lên

Effect (n) sức ảnh hưởng (đi kèm với giới từ on)

Here (adv) ở đây

Hear (v) nghe thấy

Than (trong cấu trúc so sánh hơn)

Then (sau đó)

Weather (thời tiết)

Whether (có…không)

Cell (căn phòng nhỏ giam giữ tù nhân)

sell (giao hàng để đổi lại tiền) 

hour (thời gian)

our (một vật thuộc về bạn hoặc người khác) 

Bảng một số homophones thường hay bị nhầm lẫn

Viết hoa không đúng chỗ

Học sinh học tiếng Anh thường hay mắc lỗi viết hoa không đúng chỗ. Ngoài những lỗi cơ bản như không viết hoa đầu câu, học sinh cần lưu ý một số nguyên tắc viết hoa sau:

  • Luôn viết hoa từ “I”

  • Danh từ riêng, tên riêng luôn viết hoa

  • Không viết hoa danh từ chỉ sự vật, việc và con người nói chung, ví dụ như car, pen, school.

  • Viết hoa ngày trong tuần, ngày lễ và tháng trong năm.

Ví dụ minh họa khi học sinh viết hoa sai chỗ:

"This year i will be going to london to study at University. my visa application still has to be accepted but i have been told to expect it to arrive in january."

Đoạn văn trên nên sửa thành:

“This year I will be going to London to study at university. My visa application still has to be accepted but I have been told to expect it to arrive in January."

Sở hữu cách

Trong tiếng Anh, có hai cấu trúc sử dụng để chỉ sự sở hữu:

  • Sở hữu cách: cấu trúc A’s B (B thuộc sở hữu của A, B thuộc về A)

Ví dụ: my mother’s handbag (chiếc túi cầm tay của mẹ tôi)

  • Dùng giới từ “of” (của): cấu trúc B of A (B thuộc sở hữu của A)

Ví dụ: the handbag of my mother.

Đa phần học sinh thường hay nhầm lẫn khi sử dụng sở hữu cách, và do đó, viết chưa đúng cấu trúc.

Ví dụ: Thay vì viết Jamie’s notebook, học sinh viết notebook’s Jamie

Nhẫm lẫn which/that trong mệnh đề quan hệ

Cả hai đại từ quan hệ which, that, cùng với who là những đại từ quan hệ thường dùng trong mệnh đề quan hệ. Học sinh thường hay nhầm lẫn giữa đại từ which/ that và nghĩ cả hai có thể thay thế lẫn nhau.

Tuy nhiên, which là đại từ quan hệ cho mệnh đề quan hệ không xác định, trong đó, không xác định tức là mệnh đề đó không thêm thông tin quan trọng, và có thể lược bỏ. Ngược lại, đại từ quan hệ that thường dùng cho mệnh đề quan hệ xác định, tức là mệnh đề quan hệ bổ sung thông tin cực kỳ cần thiết và do đó, không thể lược bỏ.

Ví dụ minh họa:

  • We drove past my old school, which is celebrating its 100th anniversary this year. (Chúng tôi lái xe ngang qua ngôi trường cũ, mà đang tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường).

  • He went to the school (that) my father went to. (Anh ta đi đến ngôi trường mà bố anh ta đã từng học).

Cách hạn chế tối đa các lỗi khi viết

Để hạn chế mắc các lỗi viết cơ bản, học sinh cần phải có một nền tảng kiến thức ngữ pháp vững. Đặc biệt, học sinh cần nắm kĩ các chủ điểm ngữ pháp cực kỳ quan trọng như sau:

  • Thành phần câu

  • Loại từ (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ..) và vị trí từng loại từ.

  • Các thì, cách sử dụng và cấu trúc

Sau khi đã hiểu và nắm rõ các nguyên tắc ngữ pháp cơ bản, học sinh nên áp dụng kiến thức học được vào việc luyện viết câu. Cụ thể, học sinh có thể tìm các câu trong tiếng Việt và chuyển chúng sang tiếng Anh. Khi đã viết thành thạo các câu, học sinh có thể tìm viết những đoạn dài hơn, hoặc cũng có thể tự suy nghĩ ra các câu (đoạn) và dịch chúng sang tiếng Anh.

Ví dụ: học sinh có thể sử dụng kiến thức ngữ pháp để viết nhật ký, kể lại những câu chuyện đã xảy ra với bản thân sau một ngày và kế hoạch cho ngày mới.

Kiến thức ngữ pháp

Nhật ký

Intentions

  • Sử dụng động từ bổ ngữ to Verb sau động từ want, intend, plan…(để nói về ý định)

  • Thì quá khứ đơn

  • Today, I wanted to run 100 miles around my the park. (Hôm nay, tôi muốn chạy 100 mét quanh công viên).

  • Today, I planned to do 100 push-ups. (Hôm nay tôi dự định tập hít đất 100 cái).

  • Today, I planned to go to the supermarket, buy fresh ingredients and cook healthy dinner for myself instead of buying take-aways. (Hôm nay, tôi dự định đi chợ, mua đồ tươi sống và nấu một bữa tối lành mạnh cho bản thân thay vì mua đồ ăn ngoài).

Happenings

  • I was running around the park for 15 minutes and suddenly it rained. (Tôi chạy khoảng 15 phút thì trời đổ cơn mưa).

  • I cooked dinner and invited some friends over. We went to the movies afterwards. (Tôi nấu bữa tối và mời một vài người bạn sang chơi, sau đó chúng tôi đi xem phim.)

Grateful for

  • Sử dụng thì hiện tại đơn để nói về cảm xúc hiện tại

  • Sử dụng động từ tình thái trong cấu trúc feel +adj để nói về cảm xúc

  • I feel grateful for my great friends. They are alway by my side when I need them. (Tôi cảm thấy biết ơn vì những người bạn tuyệt vời. Họ luôn ở bên cạnh tôi khi tôi cần họ).

  • I feel extremely grateful for the life I have and the beloved people that support me . (Tôi cảm thấy cực kỳ biết ơn cho cuộc sống hiện tại và những người thân yêu luôn ủng hộ tôi).

Actions

I will try to start cooking healthy meals at home more regularly. (Tôi sẽ bắt đầu nấu ăn ở nhà nhiều hơn trước).

I am spending a whole day tomorrow learning how to play guitar. (Tôi sẽ dành trọn ngày mai để học cách chơi đàn ghi-ta).

Sau khi viết xong nhiều câu riêng lẻ, hoặc một đoạn ngắn, người học có thể sử dụng chức năng kiểm tra chính tả của Google docs hoặc MS Word để rà soát lỗi sai. Sau đó, dựa vào kiến thức và tìm hiểu, học sinh tìm ra lý do chính xác cho lỗi sai đó và ghi chép lại vào một phần cụ thể của cuốn sổ nhỏ, có thể đặt tên mục đó là “Các lỗi sai ngữ pháp”. Học sinh cố gắng không tái phạm lỗi sai đó trong tương lai, bằng cách review lại mục các lỗi sai và dành 3-4 phút tự kiểm tra chính tả, ngữ pháp sau mỗi lần viết.

Bài tập áp dụng

Tìm ra các lôi ngữ pháp trong những câu sau và sửa lại.

1. She could not bear to talk to that man.

2. Jame is sister hates working in the office.

3. I do not think she need learn cooking because nobody is perfect.

4. That movie effected me greatly.

5. My mothers cabin is next to his' cabin.

6. I'm going to grocery store.

7. nam travels back and forth between paris and new york city for business conventions.

8. I live in London, that has some fantastic parks.

9. My little sister often feels scary when watching horror movies.

10. Last Sunday, my husband took me to the good restaurant.

Đáp án:

Câu 1.

Lỗi sai: chia sai dạng động từ bổ ngữ, vì cụm “can’t bear” (không chịu đựng nổi) đi với V-ing.

Sửa lại: She could not bear talking to that man.

Câu 2.

Lỗi sai: Dùng sai sở hữu cách, dấu phẩy ‘s đặt sau danh từ đầu tiên, nếu danh từ đầu tiên là số nhiều chỉ cần thêm dấu phẩy ngay sau danh từ đó (ví dụ the kids’ bed, the parents’ relationships..)

Sửa lại: James' sister hates working in the office.

Câu 3.

Lỗi sai: Thiếu động từ bổ ngữ, vì need + to V

Sửa lại: I do not think she need to learn cooking because nobody is perfect.

Câu 4.

Lỗi sai: Nhầm lẫn phát âm giữa động từ affect và danh từ effect.

Sửa lại: That movie affected me greatly.

Câu 5.

Lỗi sai: Thừa dấu móc lửng (apostrophe) trong “his’ cabin” và thiếu dấu móc lửng ở “my mothers cabin”.

Sửa lại: My mother ‘s cabin is next to his cabin.

Câu 6.

Lỗi sai: Thiếu mạo từ “the” trước những nơi công cộng.

Sửa lại: I'm going to the grocery store.

Câu 7.

Lỗi sai: Thiếu viết hoa ở tên người, và tên riêng địa chỉ.

Sửa lại: Nam travels back and forth between Paris and New York city for business conventions.

Câu 8.

Lỗi sai: Sử dụng sai đại từ quan hệ, mệnh đề trong bài tập số 8 là mệnh đề không xác định, chỉ dùng để bổ sung nghĩa phụ cho nên dùng which.

Sửa lại: I live in London, which has some fantastic parks.

Câu 9.

Lỗi sai: Nhầm lẫn giữa tính từ mang nghĩa chủ động và bị động. Cụ thể, scary (a) gây cảm giác sợ, trong khi đó, scared (a) cảm thấy sợ.

Sửa lại: My little sister often feels scared when watching horror movies.

Câu 10.

Lỗi sai: Sử dụng sai mạo từ, cụm “good restaurant” chưa xác định, dùng để ám chỉ một nơi chung chung, nên dùng mạo từ “a/an”.

Sửa lại: Last Sunday, my husband took me to a good restaurant.

Tổng kết

Qua bài viết trên, tác giả đã tổng hợp những lỗi sai ngữ pháp phổ biến nhất mà các thí sinh hay mắc phải khi làm bài viết. Tác giả hy vọng bài viết phần nào giúp đỡ học sinh bước đầu nhận ra lỗi sai của mình, hiểu lý do đằng sau những lỗi sai đó, và chủ động sửa sai để lần sau không mắc lại lỗi cũ.

Để làm quen với format đề thi IELTS thực tế và tăng sự tự tin trước kỳ thi chính thức, người học có thể tham gia test thử IELTS có ngay kết quả tại ZIM.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu