Banner background

Ứng dụng câu phức để cải thiện chất lượng câu văn trong IELTS Writing Task 2

Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đến người đọc về ứng dụng viết câu phức hiệu quả trong IELTS Writing Task 2 dựa theo tiêu chí chấm điểm về sự đa dạng ngữ pháp. Từ đó, thí sinh có cái nhìn tổng quát và cách áp dụng hiệu quả giúp cải thiện band điểm của mình lên band 7.0+.
ung dung cau phuc de cai thien chat luong cau van trong ielts writing task 2

Writing được coi là một trong các kĩ năng khó nâng band nhất trong 4 kĩ năng của kì thi IELTS. Ngoài việc phải phát triển ý tưởng, luận điểm tốt thì bài viết của thí sinh cần sử dụng đa dạng cấu trúc câu. Cụ thể hơn, thí sinh cần viết câu chặt chẽ, cú pháp rõ ràng và có sự linh hoạt giữa các vế câu chứ không dừng lại ở câu đơn đơn giản. Trong đó, câu phức là một trong những cấu trúc được sử dụng thường xuyên, đặc biệt là trong phần Writing của IELTS. Vì vậy, hiểu rõ về cách sử dụng câu phức sẽ giúp thí sinh có thể nâng band điểm của mình trong bài thi IELTS Writing Task 2. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đến người đọc về ứng dụng viết câu phức hiệu quả trong IELTS Writing Task 2 dựa theo tiêu chí chấm điểm về sự đa dạng ngữ pháp. Từ đó, thí sinh có cái nhìn tổng quát và cách áp dụng hiệu quả giúp cải thiện band điểm của mình lên band 7.0+.

Key takeaways

1. Theo tiêu chí Grammar Range and Accuracy, thí sinh có mục tiêu nâng điểm IELTS Writing Task 2 lên 7.0+ cần sử dụng đa dạng các cấu trúc câu. Do đó, việc sử dụng câu phức trong bài viết là cần thiết.

2. Câu phức nên được thí sinh viết khi trình bày luận điểm mở rộng, đưa ra ví dụ hoặc giải thích để bài viết được mạch lạc và rõ ràng hơn.

3. Có 4 cách phổ biến để ứng dụng viết câu phức vào bài IELTS Writing Task 2:

4. Có 3 lỗi thường gặp khi viết câu phức gồm có lỗi viết câu thiếu mệnh đề chính, thiếu từ nối và viết câu cụt.

Tìm hiểu về tiêu chí chấm điểm trong bài IELTS Writing Task 2 band 7.0

Bài thi IELTS Writing Task 2 được chấm theo bốn tiêu chí: Task Response, Coherence and Cohesion, Lexical Resource, Grammatical Range and Accuracy. Thí sinh cần hiểu rõ về tiêu chí chấm điểm để biết cách rèn luyện kĩ năng đúng hướng. Điều này giúp thí sinh đạt được điểm số mong đợi trong bài thi Writing task 2 của mình.

Khi làm bài thi, thí sinh thường gặp hai vấn đề chính là bí ý tưởng (vấn đề tư duy) và không diễn đạt được câu văn một cách mạch lạc và trôi chảy (vấn đề ngôn ngữ). Trong đó, vấn đề tư duy tương ứng với tiêu chí thứ nhất là Task Response và vấn đề ngôn ngữ tương ứng với các tiêu chí còn lại.

Khi xét riêng tiêu chí Grammatical Range and Accuracy, hãy so sánh một chút về tiêu chí cho IELTS Writing band 6.0 và 7.0.

Criteria

Band 6.0

Band 7.0

Grammatical Range and Accuracy

• uses a mix of simple and complex sentence forms

• makes some errors in grammar and punctuation but they rarely reduce communication

• uses a variety of complex structures

• produces frequent error-free sentences

• has good control of grammar and punctuation but may make a few errors

Tiêu chí này chỉ ra rằng ngoài tính chính xác về ngữ pháp, bài viết phải sử dụng nhiều câu phức. 

  • Band 6.0: sử dụng phối hợp câu đơn và câu phức (a mix)

  • Band 7.0: sử dụng đa dạng các câu phức (uses a variety of complex structures)

Tiêu chí này chỉ ra phạm vi cấu trúc ngữ pháp mà thí sinh sử dụng rộng hay hẹp và câu phức có đa dạng hay không. Vì vậy, nếu bài viết của thí sinh không có lỗi ngữ pháp nghiêm trọng thì căn cứ để giám khảo cho điểm chính là việc sử dụng cấu trúc câu. Do đó, để cải thiện điểm Writing Task 2 lên 7.0+, thí sinh cần nắm chắc cách sử dụng đa dạng các loại câu phức. Trong phần tiếp theo của bài viết này, tác giả đưa ra các cách viết câu phức để bài viết của thí sinh đáp ứng tiêu chí đa dạng cấu trúc ngữ pháp.

Ứng dụng viết câu phức để cải thiện chất lượng câu văn trong IELTS Writing Task 2

Phân loại các cấu trúc câu

Theo từ điển Cambridge, về mặt cấu trúc, câu được chia thành 3 loại :

Câu đơn (simple sentences): các thành phần trong câu đều do từ hoặc cụm từ đảm nhiệm, câu chỉ có một kết cấu chủ vị. 

Ví dụ: We’re going on holiday tomorrow. (Ngày mai chúng tôi sẽ đi nghỉ)

Câu ghép (compound sentences): các thành phần trong câu đều do từ hoặc cụm từ đảm nhiệm, câu có hai kết cấu chủ vị ( mệnh đề) trở lên, các mệnh đề không phụ thuộc lẫn nhau.

Ví dụ: I phoned her but she wasn’t there. (Tôi gọi cho cô ấy nhưng cô ấy không có ở đó)

Câu phức (complex sentences): là sự kết hợp của một mệnh đề độc lập (independent clause) và một hay nhiều mệnh đề phụ thuộc ( dependent clause). 

Ví dụ:  I got up earlier than usual because I had to get the 6.30 train.(Tôi dậy sớm hơn mọi khi vì phải đi chuyến tàu 6h30) 

image-alt

Cần viết bao nhiêu câu phức là đủ?

Để cải thiện điểm Writing lên band 7.0+, thí sinh cần sử dụng đa dạng các cấu trúc câu phức. Tuy nhiên, khi xét tiêu chí chấm điểm thì thấy rằng không có quy chuẩn cụ thể cho việc phải viết bao nhiêu câu phức trong một bài. Mặt khác, nhiều thí sinh lại cố gắng phức tạp hoá các câu trong bài viết vì cho rằng càng phức tạp thì mới đạt điểm cao. Điều này có thể gây mất điểm ở nhiều phần không chỉ ở điểm Grammar. Vậy, thay vì xét số lượng câu phức trong bài, thí sinh nên cân nhắc các vị trí sử dụng câu phức cho phù hợp. 

Đối với IELTS Writing Task 2, thí sinh nên sử dụng các câu đơn khi tạo các luận điểm chính (thông thường ở đầu đoạn văn). Các câu phức nên được sử dụng để viết phần luận điểm mở rộng cho luận điểm chính, khi đưa ra ví dụ hoặc giải thích. Việc phân bố vị trí câu phức như trên giúp cho bài viết trở nên mạch lạc và rõ ràng hơn.

Ứng dụng viết câu phức để cải thiện chất lượng câu văn trong IELTS Writing Task 2 band 7.0+

Dùng liên từ phụ thuộc (subordinating conjunctions)

Liên từ phụ thuộc là những từ có chức năng nối hai mệnh đề hoặc hai câu thành một câu với ý nghĩa tương đương. Liên từ này nối giữa các mệnh đề khác nhau trong đó có: 

  • 1 mệnh đề chính (mệnh đề độc lập): là mệnh đề có chủ ngữ, vị ngữ mà diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa, có thể đứng một mình làm câu đơn.

Ví dụ: Globalization is changing the world. 

  • Mệnh đề phụ: bắt đầu bằng một liên từ nối và không diễn đạt một ý trọn vẹn, không thể xuất hiện một mình.

Ví dụ: as it enables more trade to take place. 

Đây là mệnh đề phụ thuộc vì vẫn chưa đầy đủ nghĩa. Vì vậy, để tạo thành một câu phức hoàn chỉnh, mệnh đề phụ cần đặt sau mệnh đề chính như sau: 

Globalization is changing the world as it enables more trade to take place. (Toàn cầu hoá đang làm thay đổi thế giới vì nó giúp hoạt động thương mại diễn ra nhiều hơn)

  • Các liên từ phụ thuộc thường sử dụng trong câu phức:

image-alt

Dùng mệnh đề quan hệ

Theo từ điển Cambridge, mệnh đề quan hệ là một mệnh đề đứng sau một danh từ, có chức năng bổ nghĩa cho danh từ và rút gọn số từ trong một câu. Vì vậy, việc sử dụng mệnh đề quan hệ giúp cho bài viết của thí sinh được mạch lạc và logic hơn.

Ví dụ: The destruction of the environment is continuing at a faster pace. Most people are against this. (Sự tàn phá môi trường đang diễn ra rất nhanh. Hầu hết mọi người thì phản đối điều này)

Đây là hai câu đơn và hoàn toàn không sai về mặt ngữ pháp. Tuy nhiên, khi viết lại chúng thành một câu phức sử dụng mệnh đề quan hệ thì câu văn nghe sẽ hay hơn và mạch lạc hơn nhiều. Khi đó, câu văn sẽ thành như sau: 

The destruction of the environment, which most people are against, is continuing at a fast pace. (Sự tàn phá môi trường, điều mà hầu hết mọi người đang phản đối, đang diễn ra rất nhanh)

Các đại từ và trạng từ quan hệ trong mệnh đề quan hệ

Để tạo nên mệnh đề quan hệ thì không thể thiếu những đại từ và trạng từ quan hệ. Dưới đây là những đại từ và trạng từ được dùng trong mệnh đề quan hệ:

Đại từ/Trạng từ quan hệ

Cách dùng & Ví dụ

Who

Làm chủ ngữ hoặc tân ngữ, thay thế cho danh từ chỉ người.

Ví dụ: My mom who is a dedicated teacher is the person I love the most in this world.

Whom

Làm tân ngữ, thay thế cho danh từ chỉ người.

Ví dụ: Do you know the man who/ whom my dad is talking to?

Which

Làm chủ ngữ hoặc tân ngữ, thay thế cho danh từ chỉ vật.

Ví dụ: I really want to travel to Korea which has a lot of delicious street food.

That

Làm chủ ngữ hoặc tân ngữ, thay cho cả danh từ chỉ người và danh từ chỉ vật.

Ví dụ: Sarah keeps talking about the film which / that she saw yesterday.

Chú ý các trường hợp không dùng that:

- Trong mệnh đề quan hệ không xác định

- Sau giới từ

Whose

Chỉ sự sở hữu của cả người và vật.

Ví dụ: Mr. Holland whose son has received a scholarship is very proud.

When

(= on / at / in which): Thay cho danh từ chỉ thời gian

Ví dụ: Tell me the time when (= at which) we can depart.

Where

(= at/ in/ from/ on which): Thay cho danh từ chỉ nơi chốn

Ví dụ: Next month I will come back to the place where my mom was born.

Why

(= for which): Dùng để chỉ lý do, thay cho the reason, for that reason.

Ví dụ: That is the reason why (= for which) the flight was delayed.

Dùng mệnh đề quan hệ rút gọn

Ở một số trường hợp, có thể lược bỏ các đại từ quan hệ để tạo nên các mệnh đề quan hệ rút gọn. Đây là một trong những cấu trúc ngữ pháp tuy thông dụng nhưng cũng độc đáo, giúp thí sinh tránh được sự đơn điệu khi lặp lại mệnh đề quan hệ một cách liên tục.

Thông thường, có 5 cách rút gọn mệnh đề quan hệ như sau:

image-alt

  • Rút gọn mệnh đề quan hệ về dạng Ving

Thí sinh có thể rút gọn về dạng Ving trong trường hợp mệnh đề ở dạng chủ động. Khi đó, thí sinh giản lược bằng cách bỏ đại từ quan hệ, trợ động từ hoặc “ to be” sang dạng V-ing. 

Ví dụ: Films or TV series which contain excessive violent scenes may cause negative impacts on the emotional and mental development of viewers.

=> Films or TV series containing excessive violent scenes may cause negative impacts on emotional and mental developments of viewers. (Những phim truyền hình có nhiều cảnh bạo lực có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển về mặt cảm xúc và tinh thần của người xem)

  • Rút gọn mệnh đề bằng cách dùng V-ed

Trong trường hợp mệnh đề quan hệ ở dạng bị động, đại từ quan hệ sẽ được lược bỏ và giữ nguyên động từ chính ở dạng quá khứ phân từ II.

Ví dụ: The problems of city life which have been caused by urban overpopulation can only be solved by encouraging people to move to other smaller regional towns.

=> The problems of city life caused by urban overpopulation can only be solved by encouraging people to move to other smaller regional towns. 

(Các vấn đề của cuộc sống đô thị do dân số quá đông chỉ có thể được giải quyết bằng cách khuyến khích người dân chuyển đến các thị trấn nhỏ khác trong khu vực)

  • Rút gọn mệnh đề quan hệ bằng to + Verb

Dùng khi danh từ mà mệnh đề quan hệ bổ nghĩa có các từ sau đây đứng trước: first, last, only, second, so sánh nhất, mục đích… Câu được rút gọn bằng cách bỏ đại từ quan hệ, bổ trợ động từ/ to be nên động từ trở về dạng to + Verb.

Ví dụ: He is the only man who can solve this problem

—> He is the only man to solve this problem (Anh ấy là người duy nhất giải quyết được vấn đề này)

  • Rút gọn mệnh đề quan hệ có tính từ/ cụm tính từ

Câu được rút gọn bằng cách loại bỏ mệnh đề quan hệ và to be. Mệnh đề quan hệ không xác định có dấu phẩy ngăn cách.

Ví dụ: People who are interested in team sports are usually extrovert and sociable.

=> People interested in team sports are usually extrovert and sociable. (Những người thích chơi thể thao thường là người hướng ngoại và hoà đồng)

Một số các cụm từ có giới từ đi kèm mà thường được dùng trong task 2: in connection with, in relation to, in accordance with, in comparison with, on the basis of, etc. Câu được rút gọn bằng cách bỏ đại từ quan hệ và to be, giữ nguyên giới từ.

Ví dụ: The illnesses which are in connection with over-nutrition are usually obesity, heart disease, and gout.

=> The illnesses in connection with over-nutrition are usually obesity, heart disease and gout. (Các bệnh liên quan đến dinh dưỡng quá mức thường là béo phì, bệnh tim và bệnh gút)

Dùng mệnh đề danh ngữ

  • Mệnh đề danh ngữ đóng vai trò tân ngữ 

Tân ngữ (Object) thuộc thành phần vị ngữ của câu, là từ hoặc cụm từ để chỉ đối tượng bị tác động bởi chủ ngữ. Tân ngữ sẽ đứng sau động từ, liên từ hoặc giới từ. 

Ví dụ: This means that change is not always a personal option, but an inescapable fact of life. 

(Điều này có nghĩa rằng thay đổi không phải lúc nào cũng là một lựa chọn cá nhân, mà là một thực tế không thể tránh khỏi của cuộc sống.)

=> Trong ví dụ này, cụm gạch chân là mệnh đề danh ngữ đóng vai trò tân ngữ. Ở đây, là tân ngữ bổ nghĩa cho động từ “mean”.

  • Mệnh đề bắt đầu bằng Whether/ That/ What đóng vai trò chủ ngữ

Ví dụ 1: Whether mobile phones bring more harm than good to us has caused a heated debate.

(Liệu điện thoại di động có mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích cho chúng ta hay không đã gây ra một cuộc tranh luận kịch liệt.)

=> Cụm gạch chân bắt đầu bằng whether là mệnh đề danh ngữ đóng vai trò như chủ ngữ

Ví dụ 2: It is obvious that we are living in an Information Age. (=That we are living in an Information Age is obvious.)

(Rõ ràng là chúng ta đang sống trong thời đại Thông tin. = Việc chúng ta đang sống trong thời đại Thông tin là điều hiển nhiên)

=> Cụm từ gạch chân chính là mệnh đề danh ngữ đóng vai trò như chủ ngữ của câu

Ví dụ 3: What governments should do is to create policies to encourage low-carbon development.

(Điều mà các chính phủ nên làm là tạo ra các chính sách khuyến khích phát triển các-bon thấp.)

=> Trong ví dụ trên, câu gạch chân là mệnh đề danh ngữ đóng vai trò là chủ ngữ của cả câu

Ví dụ 4: What most companies and workforces need is not robots, but creative people who can contribute ideas.

(Điều mà hầu hết các công ty và lực lượng lao động cần không phải là robot, mà là những người sáng tạo có thể đóng góp ý tưởng.)

=> Cụm gạch chân đóng vai trò là chủ ngữ. Mệnh đề bắt đầu bằng WHAT + NOT … BUT…. Được dùng để bác bỏ quan điểm đối lập. 

  • Mệnh đề danh ngữ đóng vai trò đồng vị ngữ

Mệnh đề danh từ đóng vai trò đồng vị ngữ sẽ giải thích cho danh từ hoặc cụm danh từ đứng trước.

Ví dụ: The fact that we have different languages demonstrates that we have different cultures.

(Thực tế là chúng ta có các ngôn ngữ khác nhau chứng tỏ rằng chúng ta có các nền văn hóa khác nhau.)

=> Mệnh đề danh ngữ that we have different languages được dùng để giải thích cho danh từ fact.

  • Mệnh đề danh ngữ đóng vai trò bổ ngữ

Ví dụ:  This is because it is the rich and powerful people in our society who are able to impose changes.

(Điều này là do chính những người giàu có và quyền lực trong xã hội của chúng ta mới có thể áp đặt những thay đổi.)

=> Cụm gạch chân trong câu là bổ ngữ cho động từ to be.

Mệnh đề trạng ngữ

  • Mệnh đề bắt đầu bằng If

Mệnh đề bắt đầu bằng if được sử dụng trong câu điều kiện. Câu điều kiện là câu diễn tả một sự việc nào đó xảy ra trước sẽ dẫn đến một kết quả nào đó.

Ví dụ: If I had studied the lessons, I could have answered the questions.

(Nếu tôi đã học các bài học, tôi đã có thể trả lời các câu hỏi.)

  • Mệnh đề bắt đầu bằng While

Mệnh đề bắt đầu bằng While chỉ sự đối lập, dùng để so sánh và đối chiếu những ý tưởng. Chúng ta thường sử dụng while ở đầu câu.

Ví dụ: While she didn’t study very hard, she still got good grades in her exams. 

(Mặc dù cô ấy không chăm chỉ học hành cho lắm, cô ấy vẫn đạt điểm cao trong kì thi.)

=> Trong ví dụ trên, chúng ta đang nhắc đến một ý tưởng đối lập với ý tưởng ở mệnh đề thứ hai.

Các lỗi thường gặp khi viết câu phức

Lỗi viết mệnh đề phụ mà không có mệnh đề chính

Lỗi này phổ biến ở các câu bắt đầu là ‘after’, ‘although’, ‘before’, ‘if’, ‘since’, ‘until’, ‘when’, ‘where’, ‘while’, ‘why’ , ‘because’,… và phải đi liền sau là một mệnh đề độc lập khác

Ví dụ: Incorrect: While he was driving at a fast speed

=> Đây chỉ mới là mệnh đề phụ, không hề có mệnh đề chính nào

Correct: The accident happened, while he was driving at a fast speed. (Tai nạn xảy ra, trong lúc anh ta đang chạy xe với tốc độ nhanh)

=> Đầy đủ mệnh đề chính và phụ

Lỗi thiếu từ nối

Ví dụ: Incorrect: Driving a car is similar to playing the piano it starts from the smallest levels.

Correct: Driving a car is similar to playing the piano since it starts from the smallest levels.

(Lái xe ô tô cũng tương tự như chơi piano vì nó bắt đầu từ những cấp độ nhỏ nhất.)

Lỗi viết câu cụt trong complex sentence 

Có thể khắc phục lỗi này bằng cách thêm từ nối vào

Ví dụ: Incorrect: Henderson’s family is poor. He tried to overcome difficulties. He eventually became captain of Liverpool football club

Correct: Henderson’s family is poor, but he tried to overcome difficulties, so he eventually became captain of the Liverpool football club.

(Gia đình Henderson nghèo, nhưng anh ấy đã cố gắng vượt qua khó khăn nên cuối cùng anh ấy đã trở thành đội trưởng của câu lạc bộ bóng đá Liverpool.)

Tổng kết

Như vậy, để thí sinh cải thiện điểm Writing của mình từ band 6 lên band 7 ở phần Grammar Range and Accuracy, thí sinh cần thiết phải sử dụng đa dạng và linh hoạt các câu phức. Do đó, thí sinh cần nắm rõ được cách viết câu phức đa dạng nhưng cũng cần đúng ngữ pháp để đáp ứng tiêu chí chấm thi. Bài viết trên tác giả đã giới thiệu các cách viết câu phức hiệu quả và một số lỗi thường gặp khi viết câu phức. Từ đó, thí sinh có thể áp dụng luyện tập viết các bài viết của mình để cải thiện band điểm của mình trong phần thi IELTS Writing Task 2.

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...