Banner background

Cách diễn đạt thông dụng trong giao tiếp ở 4 nước nói tiếng Anh – Phần 1

Bài viết tổng hợp và cung cấp các cách diễn đạt phổ biến ở 2 quốc gia là Anh, Mỹ kèm theo giải thích nghĩa và ví dụ minh họa.
cach dien dat thong dung trong giao tiep o 4 nuoc noi tieng anh phan 1

Với mục đích đảm bảo hiệu quả giao tiếp cao khi sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào nói chung và đối với tiếng Anh nói riêng, việc hiểu biết các cách diễn đạt thông dụng là vô cùng cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp và cung cấp các cách diễn đạt phổ biến ở 4 quốc gia nói tiếng Anh chính: Anh, Mỹ, Úc và Canada kèm theo giải thích nghĩa và ví dụ minh họa.

Xem thêm: Ngôn ngữ trang trọng và không trang trọng trong tiếng Anh giao tiếp – Phần 1

Tổng quan về các nước nói tiếng Anh (English-speaking countries)

Theo Ethnologue: Languages of the World – một ấn phẩm thường niên về các ngôn ngữ “sống” trên thế giới được xuất bản bởi SIL International, vào năm 2019, tiếng Anh là ngôn ngữ có tổng lượng người nói (total number of speakers) cao nhất với con số 1,268 tỉ. Ngôn ngữ này cũng đứng hạng 3 khi xét đến số người nói bản xứ (first language – L1 speakers), chỉ sau tiếng Quan thoại (Mandarin Chinese) và tiếng Tây Ban Nha (Spanish).

Có cội nguồn từ đất nước Anh, nhưng tiếng Anh không chỉ được sử dụng ở duy chỉ đất nước này mà còn là ngôn ngữ chính thức của các quốc gia khác như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và cũng được sử dụng rộng rãi ở vùng Caribbe, Châu Phi và Nam Á. Chính vì vậy, rất nhiều biến thể khác nhau đã xuất hiện và người đọc có thể tham khảo bài viết “Language variations – Biến thể trong Tiếng Anh” để có cái nhìn sâu hơn về hiện tượng này. Với sự hội nhập ngày càng lớn rộng, việc tiếp xúc và làm quen với đa dạng các biến thể này là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với những ai có nhu cầu đi du học hoặc định cư ở các quốc gia nói tiếng Anh. Các mục dưới đây của bài viết tập trung vào các cụm diễn đạt thường gặp trong giao tiếp tiếng Anh hằng ngày, bao gồm chủ yếu các quán ngữ (idioms) và tiếng lóng (slangs) ở Anh, Mỹ, Úc và Canada.

Một số cách diễn đạt thông dụng ở Anh

Tiếng Anh – Anh (British English / UK English) là ngôn ngữ chuẩn của tiếng Anh được sử dụng ở Vương quốc Anh. 

“Have got”

Đây là một cách diễn đạt mang tính khá trang trọng, lịch sự và thường được sử dụng thông dụng bởi người Anh. Về ý nghĩa, cụm này không có sự khác biệt nào so với động từ “have” thông thường. Lưu ý, với chủ ngữ số ít, “have” sẽ được chia thành “has” thành “has got”. Tuy nhiên, cụm từ này chỉ có dạng thức ở thì hiện tại, còn trong quá khứ thì động từ “had” sẽ được sử dụng như thường. 

Ví dụ:

  • I’ve got a new computer. (Tôi có một cái máy tính mới.)

  • Alice’s got long, brown hair. (Alice có mái tóc dài màu nâu.)

  • My brother is quite upset since he hasn’t got his books yet. (Anh trai tôi đang khá khó chịu vì anh ấy chưa có sách.) 

  • Have you got everything you need? (Bạn có mọi thứ mình cần chưa?)

“Bloody”

Không ít người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cảm thấy bối rối khi nghe từ “bloody” trong câu nói của người Anh bản xứ và thường tự hỏi tại sao lại xuất hiện “máu” (blood)? Thực chất, từ này như một trạng từ gần tương tự “very” hay “really” – có chức năng nhấn mạnh hay để thể hiện cảm xúc (thường là tức giận) của người nói.

cum-tu-tieng-anh-pho-bien

Ví dụ:

  • I’ve just had a bloody awful day. (Tôi vừa có một ngày thật sự quá tồi tệ.)

  • This laptop is bloody useless! It’s driving me crazy! (Cái laptop này thật sự quá vô dụng! Nó khiến tôi phát điên mất!)

  • Hey! Cheer up! Life would be bloody boring if nothing ever went wrong! (Này! Phấn chấn lên! Cuộc đời sẽ vô cùng nhàm chán nếu mọi việc đều tốt đẹp cả!)

“Chuffed”

“Chuffed” là một tính từ chỉ cảm xúc hài lòng, tự hào, thường là về một thành tích. Đây là từ lóng phù hợp trong giao tiếp hằng ngày. 

Ví dụ:

  • Congratulations! You must be really chuffed about your promotion. (Chúc mừng! Chắc hẳn bạn rất tự hào về việc được thăng chức.)

  • He was chuffed to learn that he had won the match. (Anh ấy rất hài lòng khi biết rằng mình đã thắng trận đấu.)

“Take the mickey/mick (out of)”

Với quán ngữ “take the mickey/mick out of”, không ít người nghe có lẽ sẽ liên tưởng đến một nhân vật hoạt hình Disney. Thế nhưng, về ý nghĩa, quán ngữ này không có sự liên quan nào tới chú chuột Mickey; thay vào đó, nó được người Anh sử dụng để chỉ hành động đùa giỡn hay trêu chọc, đem ai/cái gì đó ra làm trò cười.

Ví dụ:

  • Laura has never shown respect to the managers. She’s always taking the mick! (Laura chưa bao giờ thể hiện sự tôn trọng với những người quản lý. Cô ấy luôn trêu chọc!)

  • Josh was devastated to know that the group had been taking the mickey out of him all the time. (Josh vô cùng tuyệt vọng khi biết rằng nhóm của anh ấy đã luôn đem anh ấy ra làm trò cười.)

cum-tu-tieng-anh-pho-bien

“Knackered”

Để chỉ trạng thái mệt mỏi, phần lớn người học có lẽ đã quen thuộc với tính từ “tired”; tuy nhiên, người Anh còn sử dụng tính từ “knackered” mang nghĩa “extremely tired” trong trường hợp này.

Ví dụ:

  • I was knackered after a stressful day at work. (Tôi đã mệt nhoài sau một ngày làm việc căng thẳng.)

  • Anne is too knackered to go out this evening. (Anne quá mệt mỏi để đi chơi tối nay.)

Một số cách diễn đạt thông dụng ở Mỹ

Tiếng Anh bắt đầu được “giới thiệu” vào nước Mỹ vào thế kỷ XVII khi người Anh đặt chân đến vùng đất này. Tiếng Anh – Mỹ (American English/ U.S. English) được sử dụng bởi người Mỹ và theo Engel, Matthew (2017), đây cũng được cho là biến thể của tiếng Anh có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Xem thêm: Ngữ pháp của Anh – Anh và Anh – Mỹ có gì khác biệt? – Phần 1

“Blue plate special”

Đây là một thuật ngữ được dùng trong các nhà hàng, quán café ở Mỹ, ám chỉ một bữa ăn giá rẻ, giá giảm thay đổi theo ngày. Cụm này được cho là bắt đầu trở nên thông dụng từ những năm 1920, với chính sách “không đổi món” (no substitutions) thường được áp dụng lên loại bữa ăn này.

cum-tu-tieng-anh-pho-bien

“Ballpark figure”/ “(be) in the ballpark”

Cách nói này được cho là có nguồn gốc từ môn thể thao bóng chày, với ý nghĩa “con số ước tính” và được sử dụng thông dụng ở Mỹ. 

Ngoài ra cụm (be) “in the ballpark” cũng có nghĩa khá tương đồng – “gần với con số thực tế”. Hơn nữa, người Mỹ còn sử dụng nó để nói về tình trạng không cùng trình độ, đẳng cấp.

Ví dụ:

  • I set aside a ballpark figure of 10% from my monthly salary for donation. (Tôi dành riêng khoảng chừng 10% tiền lương mỗi tháng để quyên góp từ thiện.)

  • The project will cost our company 1 million dollars, as a ballpark figure. (Công ty chúng ta sẽ tốn ước tính khoảng 1 triệu dollar cho dự án này.)

  • Please try again. Your answer is not even in the ballpark. (Xin hãy thử lại. Câu trả lời của bạn thậm chí còn không gần với con số thực tế.)

  • Daisy is just not in the same ballpark as the other dancers in the crew. (Daisy không ở cùng trình độ với những vũ công khác trong đoàn.)

“For the birds”

Cách nói “for the birds” ám chỉ tính nhỏ nhặt, không có giá trị hay không gây hứng thú. Đây là tiếng lóng bắt nguồn từ Quân đội Mỹ vào giai đoạn cuối Thế chiến thứ hai và chỉ được sử dụng rộng rãi ở quốc gia này. Trạng từ “strictly” có thể đi kèm để tăng mức độ.

Ví dụ:

  • This conference is for the birds. We’d better leave soon! (Hội nghị này thật vô ích. Chúng ta nên rời khỏi đây sớm!)

  • Going fishing? That’s strictly for the birds, in my view. (Đi câu cá? Nó thật không có gì hứng thú với tôi cả.)

Xem thêm: Các Idioms phổ biến phân loại theo chủ đề trong IELTS Speaking

“Shoot the breeze”

Ở Mỹ, hành động “shoot the breeze” được hiểu là “tán gẫu”.

cum-tu-tieng-anh-pho-bien

Ví dụ:

  • This morning, David and I sat in the park, just shooting the breeze. (Sáng nay, David và tôi ngồi trong công viên và tán gẫu.)

  • My sister is doing what she enjoys the most: shooting the breeze about her love life. (Chị gái tôi đang làm điều mà chị ấy thích nhất: tán gẫu về chuyện tình cảm.)

“Pass the buck”

Nghĩa thông dụng nhất của danh từ “buck” chính là tiếng lóng cho đồng dollar Mỹ. Tuy nhiên, “pass the buck” ở đây được cho là ám chỉ một điều luật trong Poker – một trò chơi trở nên thông dụng ở Mỹ từ nửa sau thế kỷ XIX. Quán ngữ này mang nghĩa “thoái thác, trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác”.

Ví dụ:

  • Don’t try to pass the buck! You made this mistake and everyone knows that! (Đừng cố gắng trốn tránh trách nhiệm! Bạn đã gây ra lỗi lầm này và tất cả mọi người đều biết điều này!)

  • My managers are arguing and passing the buck to one another. (Những người quản lý của tôi đang cãi vả và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.)

Tổng kết

Trong phần này, tác giả đã đề cập đến các cụm từ giao tiếp thông dụng ở Anh và Mỹ. Phần tiếp theo sẽ thảo luận cách diễn đạt trong giao tiếp tại Úc, Canada, giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về sự khác nhau về cấu trúc, ngữ pháp giữa các quốc gia nói tiếng Anh.

Phạm Trần Thảo Vy

Xem thêm: Cách diễn đạt thông dụng trong giao tiếp ở 4 nước nói tiếng Anh – Phần 2

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...

Hướng dẫn tra từ

Cách 1: Chọn từ hoặc cụm từ cần tra, sau đó nhấn chuột phải và chọn "Tra cứu từ" từ menu.

Cách 2: Nhấn đúp chuột vào từ cần tra.

Lưu ý: Nếu bạn dùng điện thoại hoặc máy tính bảng, hãy giữ ngón tay trên từ cần tra khoảng 1 giây để hiển thị menu và chọn "Tra cứu từ".