Người học hướng nội - Vấn đề và chiến lược học Speaking phù hợp
Speaking là một trong bốn kỹ năng quan trọng trong việc học ngôn ngữ, là công cụ giúp người học truyền tải ý tưởng, cảm xúc, và những thông điệp cụ thể. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng Speaking, một trong số đó là tính cách của người học. Dựa trên mức độ sẵn sàng tương tác xã hội, tính cách có thể chia làm hai xu hướng, người học hướng nội và hướng ngoại. Bài viết này đưa ra một số chiến lược Speaking phù hợp để giải quyết những vấn đề cho người học hướng nội.
Key takeaways |
---|
|
Đặc điểm người học hướng nội
Eysenck (1985) đã mô tả người hướng nội như những người trầm lặng, dè dặt, lên kế hoạch trước và không thích sự phấn khích. Các người hướng nội có được năng lượng thông qua thời gian yên tĩnh một mình. Khi họ dành thời gian để thực hiện các hoạt động cùng nhiều người trong thời gian dài, năng lượng của họ sẽ bị cạn kiệt. Suliman (2014) cho rằng người hướng nội là một tính cách quan tâm và tập trung nhiều hơn vào cảm giác bên trong hơn là những vấn đề bên ngoài.
Đa số các lớp học luôn có sự tham gia của người học hướng nội, họ có thể dễ dàng nhận biết qua các đặc điểm: ít nói, suy nghĩ cẩn thận trước khi phát biểu, thích học tập một cách độc lập hoặc chỉ với một-hai người bạn, gặp vấn đề khi thiết lập các mối quan hệ mới. Tuy vậy, họ cũng có những ưu điểm riêng, như giải quyết vấn đề thấu đáo, đọc hiểu và nghiên cứu tốt.
Những khó khăn của người học hướng nội khi học speaking
Thiếu tự tin (lack of self-confident)
Gurler (2015) cho rằng nói là một kỹ năng giao tiếp quan trọng và sự tự tin là yếu tố tạo điều kiện để hành động nói được bắt đầu. Vì vậy, speaking đòi hỏi sự tự tin ở mức độ cao. Tuy nhiên, người hướng nội thường thiếu tự tin. Khi nói, họ có thể tạo thành những câu cấu trúc tốt, cũng có thể phát âm tốt. Tuy nhiên, tốc độ nói lại rất chậm và thiếu sự thu hút, khiến họ không thể trở thành một người nói lưu loát. Hoặc ở trường hợp khác, sự thiếu tự tin gây khó khăn cho việc trình bày, giải thích ý tưởng.
Sự ngại ngùng (shyness)
Suliman (2014) cho rằng học sinh hướng nội cảm thấy ngại ngùng và không tích cực tham gia lớp học tiếng Anh. Họ dường như tránh sự tương tác trong quá trình học tập ngôn ngữ trong lớp vì sợ hoạt động có sự tham gia của nhiều người. Sự ngại ngùng có thể ảnh hưởng đến tổ chức của bài nói (Awelia,S.A. et al, 2023), vì có thể khiến người nói quên một số điểm quan trọng, hạn chế nội dung người nói muốn truyền đạt.
Vấn đề ngôn ngữ (Linguistic problems)
Những vấn đề ngôn ngữ gây khó khăn cho người nói hướng nội bao gồm: phát âm sai, thiếu từ vựng và kiến thức ngữ pháp (Hanifa, N., Anita, A., & Suaidi, A.,2022).
Học sinh hướng nội, với tính cách ngại nói và sợ sai lầm, sẽ gặp khó khăn hơn trong việc học phát âm. Đó chắc chắn là một vấn đề vì nếu không phát âm tốt, ý nghĩa của một từ không những không thể được chuyển tải mà có thể bị hiểu sai và tạo ra sự hiểu lầm (Pusfarani, Mukhrizal, & Puspita, 2021).
Việc thiếu từ vựng và ngữ pháp sẽ gây khó khăn cho người nói dù với tính cách hướng nội hay hướng ngoại, tuy nhiên với người hướng nội, những vấn đề về kiến thức ngôn ngữ có thể làm trầm trọng hơn sự thiếu tự tin và ngại ngùng, vì vậy ảnh hưởng đáng kể hơn tới sự thể hiện của họ.
Nỗi sợ đánh giá tiêu cực của người học hướng nội
Những người học hướng nội chịu đựng những lo ngại về sự đánh giá tiêu cực từ người khác, khiến họ cảm thấy khó nói tiếng Anh. Việc mắc lỗi khi nói và bị người khác nhận xét là một trải nghiệm không tốt, thậm chí mang tính tổn thương đối với người hướng nội. Để tránh bị đánh giá, họ sẽ cần nhiều thời gian để chuẩn bị cho bài nói và các ý tưởng, ghi chú cẩn thận và dịch từ ngôn ngữ của họ sang tiếng Anh (Jalili & Amiri, 2015). Nếu không có đủ thời gian chuẩn bị, người học hướng nội có xu hướng im lặng để giáo viên và bạn bè không đưa ra đánh giá về họ.
Những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng Speaking của người học hướng nội
Thiếu luyện tập
Việc luyện tập thường xuyên rất quan trọng để cải thiện kỹ năng nói. Rất nhiều khó khăn của người học được tìm ra bởi lý do thiếu cường độ luyện tập: mau quên từ vựng, ngữ điệu và phát âm không tự nhiên, thiếu tự tin và sự lưu loát khi truyền đạt nội dung.
Mất động lực
Động lực có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học ngôn ngữ. Ít động lực có thể khiến người học trở nên dễ từ bỏ việc theo đuổi mục tiêu học tập. Những người học hướng nội thường không thấy được nhu cầu thực sự trong nói tiếng Anh, hoặc nếu có, những nhu cầu đó không thể vượt qua những rào cản tồn tại trong chính họ (ngại giao tiếp với đám đông, sợ bị đánh giá tiêu cực, sợ mắc sai lầm). Sự thỏa hiệp với bản thân khiến họ đánh mất động lực phát triển và vượt qua giới hạn của mình.
Xem thêm: Giải quyết vấn đề chán nản, mất hứng thú trong học tập
Yếu tố môi trường
Daniel et al., 2018 cho rằng học sinh sẽ học tốt hơn nếu họ cảm thấy ở trong môi trường tích cực và hỗ trợ. Trong phạm vi lớp học, môi trường được tạo nên chủ yếu từ hai nhân tố: sự tương tác với bạn học và giáo viên. Galton & Hargreaves (2009) đã kết luận rằng để các đồng niên tương tác để có kết quả học tập ý nghĩa, học sinh phải phát triển sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Theo Eddine,G,S,D. sự phản hồi từ giáo viên là rất quan trọng trong học tập, ảnh hưởng đến sự tham gia và mức độ cải thiện kỹ năng nói, tuy nhiên sự nhận xét của giáo viên cần tránh sự gián đoạn vì có thể gây ức chế cho người hướng nội. Vì vậy, khi học sinh cảm thấy tin tưởng và thoải mái trong sự tương tác với lớp học, những khó khăn của họ có thể suy giảm, và ngược lại.
Tính cách người học hướng nội
Loại tính cách có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập, đặc biệt là kỹ năng nói. Người hướng nội thích đọc, viết, bài giảng và các dự án nghiên cứu hơn là làm việc bằng lời nói trong lớp. Người có tính cách này quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của chính họ. Khi nói, nội dung trình bày của họ có thể bị hạn chế vì không muốn chia sẻ thông tin cá nhân cho người khác.
Chiến lược cải thiện kỹ năng Speaking cho người học hướng nội
Khó khăn của người nói hướng nội có thể được giải quyết qua các chiến lược học ngôn ngữ. O’Malley and Chamot (1990) chia các chiến lược học ngôn ngữ thành ba loại chính: Chiến lược nhận thức( cognitive strategies), chiến lược siêu nhận thức (metacognitive strategies), và chiến lược tác động cảm xúc - xã hội (socio-affective strategies).
Chiến lược nhận thức
Chiến lược nhận thức là những hành động mà người học áp dụng một cách có ý thức, một cách có kiểm soát và có chủ đích nhằm tối ưu hóa sự tiếp thu, xây dựng, củng cố và chuyển hóa các kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ. Đối với người hướng nội, những chiến lược nhận thức phù hợp với họ có thể là:
Luyện tập trước gương:
Nghiên cứu từ (Hanifa, N., Anita, A., & Suaidi, A.,2022) kết luận rằng việc nói trước gương có thể giúp học sinh giải quyết vấn đề khi nói, đặc biệt là cải thiện sự tự tin và giảm bớt sự nhút nhát. Điều này cũng cho phép họ nhận ra các biểu cảm trên gương mặt, cách phát âm, và điều chỉnh sự thể hiện của mình một cách phù hợp.
Học qua các nền tảng mạng xã hội:
Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, người học có thể cải thiện kỹ năng qua rất nhiều hoạt động, bao gồm:
Nghe bài hát Tiếng Anh: Các bài hát có thể là phương tiện truyền thông tốt để học ngôn ngữ thứ hai. Theo Supeno (2018), bài hát giúp người học nắm được các đặc điểm phát âm quan trọng. Thông qua việc nghe các bài hát, học sinh có thể nâng cao kỹ năng tiếng Anh của mình không chỉ ở kỹ năng nghe mà còn làm chủ được từ vựng, phát âm và kỹ năng nói.
Chơi game online: Trò chơi là một trong nhiều công cụ tuyệt vời để học ngôn ngữ. Có các trò chơi có thể nâng cao kiến thức từ vựng và cải thiện 4 kỹ năng; nói, đọc, viết và nghe như Duolingo, Memrise, v.v.cho phép họ không chỉ học từ vựng mà còn cho họ không gian để thực hành bối cảnh có ý nghĩa, điều này sẽ giúp họ tạo kết nối về cách sử dụng những lời này trong tương lai (Sevy-biloon, 2017)
Ghi chú những từ chưa quen thuộc:
Ghi chú được coi là một cách hiệu quả để tạo điều kiện cho người học học một ngôn ngữ (Oxford, 1990). Theo (Hanifa, N., Anita, A., & Suaidi, A.,2022), việc lưu ý những từ không quen thuộc và sau đó nghiên cứu các ghi chú vào những thời điểm khác nhau có thể là một chiến lược thay thế giúp người học hướng nội tăng vốn từ vựng kiến thức để luyện nói tốt hơn.
Chuẩn bị trước sơ đồ tư duy: Như đã đề cập, người học cần có sự chuẩn bị trước khi nói, vì vậy tổ chức ý tưởng qua sơ đồ tư duy là cách khả thi và tiết kiệm thời gian mà họ nên áp dụng. Bằng cách đó, người nói sẽ cảm thấy tự tin và biết những gì nên nói tiếp theo trong trường hợp họ gặp phải vấn đề tâm lý khi trình bày.
Xem thêm: Từ nhận thức của mỗi người đi đến lựa chọn cách học ngoại ngữ hiệu quả
Chiến lược siêu nhận thức
Chiến lược siêu nhận thức nói đến việc phân tích cũng như theo dõi, đánh giá, lập kế hoạch và tổ chức học tập để đạt hiệu quả cao hơn. Chiến lược này, theo Basalama & Bay (2021), rất phù hợp với tính cách của người nói hướng nội vì họ có thể kiểm soát và điều chỉnh bản thân, có nhiều khả năng nhận thức được quá trình học tập của mình hơn.
Người nói áp dụng chiến lược siêu nhận thức thông qua việc:
Quan sát người khác khi nói để rút kinh nghiệm, học hỏi.
Học qua những lỗi sai của bản thân. Trong việc nói, việc tự giám sát là quan trọng, nhưng người học không nên sửa từng lỗi phát âm và mong đợi có một bài nói hoàn hảo vì nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp trôi chảy và động lực (Citra, M., & Zainil, Y., 2021).
Lên kế hoạch luyện nói: tự đưa ra mục tiêu, cách thức thực hiện trong khung thời gian cam kết.
Kiểm tra tiến độ, tự đánh giá bản thân: tham gia các bài kiểm tra, các ứng dụng hỗ trợ để đánh giá kết quả đạt được
Tìm người cùng luyện tập: tìm đối tượng phù hợp, đáng tin cậy để bản thân tin tưởng và trao đổi kỹ năng giao tiếp. Có thể tận dụng AI và các nền tảng mạng xã hội.
Chiến lược tác động cảm xúc - xã hội
O’Malley và Chamot (1990) định nghĩa chiến lược chiến lược tác động cảm xúc - xã hội là chiến lược giúp người học điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc, động cơ và thái độ đối với việc học và giúp đỡ người học học thông qua tiếp xúc và tương tác với người khác. Các chiến lược cụ thể mà Fandino (2007) tóm tắt, bao gồm:
Tác động cảm xúc
Giảm bớt lo lắng: Sử dụng phương pháp thư giãn tăng dần, hít thở sâu hoặc thiền định; sử dụng âm nhạc và sử dụng tiếng cười.
Tự khuyến khích: Tạo động lực cá nhân bằng cách tự thưởng cho bản thân khi hoàn thành hoạt động học ngôn ngữ. Đôi khi, người học cũng nên đưa ra một lời động viên tích cực cho bản thân.
Tác động xã hội
Đặt câu hỏi: người nói hỏi đặt câu hỏi để làm rõ những điều mình chưa biết về tài liệu, về bài tập, và chủ đề nói. Sự sáng tỏ giúp họ tự tin hơn và hạn chế lỗi sai. Bên cạnh đó, hãy xin phép giáo viên sửa sai và góp ý những mặt hạn chế. Điều này có thể giúp người hướng nội cảm thấy an tâm hơn vì cuộc tương tác với giáo viên không quá nhiều người tham gia, bên cạnh đó cũng giảm đi cảm giác bị đánh giá tiêu cực.
Tham gia các hoạt động chung: người hướng nội gặp khó khăn trong việc hình thành những mối quan hệ mới, vì vậy các hoạt động chung sẽ tạo điều kiện để họ vượt qua rào cản giao tiếp. Những việc làm cùng nhau sẽ tạo tình huống tự nhiên để họ làm quen, chia sẻ với bạn bè, giáo viên ở mức độ quan hệ cá nhân. Từ đó, giúp họ cởi mở hơn khi trao đổi các vấn đề học thuật, ngôn ngữ.
Thông cảm với người khác: Phát triển văn hóa và nhận thức và thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của người khác là cách gắn kết người hướng nội với những mối quan hệ xung quanh. Khi họ cảm thấy mọi người đều gần gũi và có những mặt tốt, việc kết nối và trò chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Hợp tác với bạn học: thừa nhận rằng người nói hướng nội có khả năng tự đánh giá tốt, tuy nhiên, sự hợp tác của tập thể cũng mang lại những kết quả khả quan. Làm việc cùng với bạn bè để giải quyết vấn đề, tổng hợp thông tin, kiểm tra nhiệm vụ học tập, luyện tập một hoạt động ngôn ngữ, hoặc nhận phản hồi về phần trình bày của mình, giúp người hướng nội trở nên hòa nhập và hoạt ngôn hơn.
Tham khảo thêm:
6 chiến lược trả lời IELTS Speaking part 1| Phần 1: Yes,…but…
6 chiến lược trả lời câu hỏi IELTS Speaking Part 1: Phần 3 (PPF - Past Present Future)
Làm sao để vượt qua nỗi lo khi nói tiếng Anh cho IELTS Speaking?
Bài viết đưa ra những trở ngại, đặc biệt là về mặt tâm lý mà người học hướng nội thường sẽ gặp phải trong việc học Speaking, và hướng đến mục tiêu chia sẻ những khó khăn đó với họ thông qua các chiến lược học tập phù hợp. Tuy nhiên, trong phạm vi tham khảo và nghiên cứu, bài viết chỉ tập trung vào ba chiến lược gợi ý cho các vấn đề được nhắc tới. Hy vọng, nhiều bài viết sau này sẽ bổ sung thêm các chiến lược thú vị, phù hợp với người học hướng nội.
References:
Awelia, S. A. et al (2023). An Analysis of Introverted Students' Difficulties in Speaking English at Vocational High Schools. PINISI JOURNAL OF EDUCATION, 3(6), 211-224. https://ojs.unm.ac.id/PJE/article/view/52940/23526
Citra, M., & Zainil, Y. (2021). Language learning strategies in speaking classroom activity: Extrovert and introvert learners. Advances in Social Science, Education and Humanities Research. https://doi.org/10.2991/assehr.k.210325.030
Daniel, K., Núñez, H., Domingo, S., & Dom, R. (2018). Environmental Factors Affecting the English Proficiency of Students of EFL in the Extracurricular Courses at UASD (Issue May 2018).
Eddine, G. S. D. (n.d.). Motivating Introvert Students to Enhance Their Speaking Skills in EFL Classroom. DSpace de l'université Ibn khaldoun de Tiaret. https://dspace.univ-tiaret.dz/bitstream/123456789/1035/1/TH.M.ENG.2019.41.pdf
Eysenck, M. (1985). Personality and individual differences: A natural science approach. Springer
Fandiño Parra, Y. J. (2007). The Explicit Teaching of Socio-Affective Language Learning. Strategies to Beginner EFL Students at the Centro Colombo Americano: An Action Research Study.
Galton, M., & Hargreaves, L. (2009). Introduction: Group work: Still a neglected art? Cambridge Journal of Education, 39(1), 1–6.
Gurler, I. (2015). Correlation between Self Confidence and Speaking Skill of English Language Teaching and English Language and Literature Preparatory Students. Curr Res Soc Sci, 1(2), 14-19.
Hanifa, N., Anita, A., & Suaidi, A. (2022). Introverted learners problems and solving strategies in speaking English. English Education: Jurnal Tadris Bahasa Inggris, 15(2), 282-295. https://doi.org/10.24042/ee-jtbi.v15i2.13449
Jalili, S., & Amiri, B. M. (2015). The difference between extrovert and introvert EFL teachers' classroom management. Theory and Practice in Language Studies, 5(4), 826-836. http://dx.doi.org/10.17507/tpls.0504.19
O'Malley, J. M., & Chamot, A. U. (1990). Learning strategies in second language acquisition. Cambridge University Press.
Pusfarani, W., Mukhrizal, & Puspita, H. (2021). Students' Pronounciation Errors in English Silent Letters. Journal of English Education and Teaching, Vol. 5 (3), 453-467.
Sevy-biloon, J. (2017). Different Reasons to Play Games in an English Language Class. Journal of Education and Training Studies, 5 (1). doi: 10.11114/j
Suliman, F. H. A. (2014). THE ROLE OF EXTROVERT AND INTROVERT PERSONALITY IN SECOND LANGUAGE ACQUISITION. In International Conference on Social Sciences and Humanities.
Supeno. (2018). Using Songs to Improve Students’ Pronunciation. Proceeding of the 65th TEFLIN International Conference, 65 (44), 93–108.
Yusuf, A., Basalama, N., & Bay, I. W. (2021). Language learning strategies used by extrovert and introvert students in English as a foreign language speaking classes. Jambura Journal of English Teaching and Literature, 2(2), 97-112. https://doi.org/10.37905/jetl.v2i2.11540
Bình luận - Hỏi đáp