Định hướng động từ là gì và ứng dụng vào hiểu vai trò của các thì tiếng Anh (P.2)

Bài viết dưới đây sẽ mô tả hệ thống định hướng động từ (verb orientation) ở thi tương lai, hình thức hiện tại và quá khứ phân từ.
author
ZIM Academy
18/03/2021
dinh huong dong tu la gi va ung dung vao hieu vai tro cua cac thi tieng anh p2

Tiếp nối phần trước “Định hướng động từ là gì và ứng dụng vào hiểu vai trò của các thì tiếng Anh“, bài viết dưới đây sẽ mô tả hệ thống định hướng động từ ở thì tương lai, hình thức hiện tại và quá khứ phân từ.

Một mô tả về hệ thống định hướng về động từ trong tiếng Anh

Thì tương lai

Khi nói về quá khứ hay hiện tại, chúng ta có thể nói với một sự tự tin nhất định, vì chúng ta biết điều gì đã xảy ra và điều gì đang xảy ra. Điều này sẽ không đúng khi chúng ta nói về một điều gì đó trong tương lai, vì chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc chắn điều gì xảy ra trong tương lai. Khi nói về tương lai, đôi khi chúng ta không thật sự quan tâm đến thời gian diễn ra sự kiện, mà về khả năng xảy ra của sự kiện đó (the likelihood of its occurrence).

Đọc thêm: Các thì trong tiếng Anh – Phần 4 Thì tương lai

Định hướng của động từ nghiên cứu sâu về tính khả thi của sự kiện, thay vì thời điểm xảy ra sự kiện đó. Chúng ta dùng động từ khiếm khuyết (can/could; will/would; may/might; must; shall/should) để thành lập các phát ngôn để thể hiện mức độ khả năng của sự việc:

  • It will take a long time.

  • It may take a long time.

  • It could take a long time.

Cả 3 ví dụ trên mang sự chắc chắn, tính khả thi khác nhau, trong đó, động từ khiếm khuyết ‘will’ được sử dụng rất phổ biến khi nói về tương lai, nên thường được gọi là thì tương lai đơn. Vì ‘will’ được dùng rất thường xuyên nên sẽ khá hữu dụng và dễ dàng để giới thiệu với học sinh kiến thức về ‘will-future’, và dùng ‘will’ để nói về thì tương lai. Mặc dù sự khái quát hóa này cung cấp một điểm khởi đầu tốt, việc diễn giải cách dùng ‘will’ như trên dễ gây hiểu lầm và cần được củng cố về sau. Một cách chính xác hơn, ‘will’, trong hệ thống định hướng động từ, có hai tầng nghĩa như sau:

  • Thứ nhất, ‘will’ mang nét nghĩa ám chỉ sự tiên đoán

Xét các câu ví dụ sau đây:

  1. The children are tired. They’ll probably fall asleep quite soon.

  2. Jack’s playing well. I think he’ll win tomorrow.

  3. It’s Saturday morning. The traffic will be very heavy.

  4. Mary starts scholl tomorrow. I’m sure she’ll enjoy it.

  5. Most of you will know Professor Bryant from his many books and articles.

  6. If it will rain you’ll need your umbrella.

Nhận xét: Câu 1,2 và 4 chỉ về tương lai, 3 và 5 chỉ về hiện tại. Động từ khiếm khuyết will được sử dụng vì nó thể hiện sự tiên đoán, các dự đoán được rút ra / nêu lên ở thời điểm hiện tại.

Câu 6 là một ví dụ của câu sai ngữ pháp. Phần lớn học sinh đã được học về quy tắc rằng: mệnh đề if sẽ không được đi với will. Cách giải thích tiếp cận từ bản chất vấn đề có thể đưa ra cho ví dụ 6 là: vì will phần lớn được sử dụng đê diễn tả sự tiên đoán. Chữ if, ngược lại, được sử dụng khi chúng ta không chắc chắn về một điều gì đó. If được sử dụng để tránh việc đưa ra một tiên đoán. Chính vì vậy, sẽ xảy ra mâu thuẫn về mặt ngữ nghĩa nếu như sử dụng từ tiên đoán ‘will’ trong câu chứa mệnh đề if. Điều này không chỉ đúng với mệnh đề if, mà còn đúng với các mệnh đề thời gian bắt đầu với when, as soon as, until và các liên từ chỉ thời gian khác.

  • Thứ hai, ‘will’ mang nét nghĩa diễn đạt ý chí

Will được sử dụng để diễn đạt sự sẵn lòng để làm một việc gì đó. Chính vì nét nghĩa thứ hai này, will được dùng để diễn đạt một lời hứa hay thực hiện một thỏa thuận nào đó.

  • I will write to you when I get home. (Bằng cách khẳng định sự sẵn lòng để viết, người nói được xem như đang thực hiện sự đồng ý để viết.)

  • Will you help?

Việc hỏi một ai đó để biết xem họ có sẵn lòng giúp đỡ không cũng tương tự giống như việc yêu cầu một sự giúp đỡ. Khi ‘will’ mang nét nghĩa ý chí này, chúng có thể xuất hiện trong mệnh đề if.

If you will help me, I will help you.

Vì vậy, will có thể được dùng trong mệnh đề if, khi nó mang hàm nghĩa là sự sẵn lòng, hay ý chí.

Nhận xét: Việc giới thiệu will như một thì tương lai là một cách đơn giản và khá hiệu quả. Tuy nhiên, có hai bất lợi khi sử dụng cách giới thiệu này. Thứ nhất, người học sẽ không biết rằng, will còn được sử dụng với will khi diễn tả một lời dự đoán ở hiện tại, ví dụ:

Most of you will know Professor Bryant from his many books and articles.

Thứ hai, nếu người học chỉ xem ‘will’ đơn giản để chỉ về tương lai, họ đôi khi có thói quen sử dụng will trong mệnh đề điều kiện if và các mệnh đề thời gian khác. Việc phân tích will với hai nét nghĩa như trên sẽ giúp họ ý thức được nghĩa chính xác của will, và từ đó giúp người học phân biệt will và các cách khác để diễn đạt tương lai, như ở thì hiện tại đơn, going to, và các động từ khiếm khuyết khác.

Định hướng động từ về động từ từ vựng (Lexical verb)

Một cụm động từ, theo hệ thống định hướng động từ, có thể chia thành 2 phần. Phần đầu là các từ đầu tiên trong một cụm động từ, giúp xác định thời điểm là hiện tại, quá khứ hay tương lai. Phần thứ hai – động từ từ vựng, là từ cuối cùng trong một cụm động từ, cung cấp yếu tố từ vựng cho cụm động từ. Chúng đánh dấu hành động, quy trình, hay trạng thái mà chúng ta đang nói hoặc đang viết về.

Xét ví dụ sau:

I was talking to her last week. (với cụm động từ trong câu là ‘was talking’.)

  • Phần thứ nhất: was

  • Chức năng: Ám chỉ một trong các thời gian liên quan đến quá khứ được sử dụng

  • Phần thứ hai: talking

  • Chức năng: Cung cấp yếu tố từ vựng cho cụm động từ, thể hiện hành động nói chuyện

  • Nếu chỉ có một từ duy nhất trong cụm động từ, động từ từ vựng sẽ được chia thì (như: I met her last week, I meet her every day.)

Nếu có nhiều hơn một từ trong cụm động từ thì động từ từ vựng có thể xuất hiện dưới dạng hiện tại phân từ:

  • I am going.

  • I will be going.

  • I might have been going.

Hoặc động từ từ vựng cũng có thể được chia ở dạng quá khứ phân từ:

  • I have gone.

  • I will have gone.

  • I might have gone.

Hai hình thái hiện tại phân từ (Ving) và quá khứ phân từ (V3) có ý nghĩa gì? Điều này sẽ được phân tích ở hai mục nhỏ tiếp theo.

Hình thái hiện tại phân từ (-ing form)

Hiện tại phân từ được sử dụng cho các thì tiếp diễn:

  • I am working

  • I was working

  • I will be working.

Hình thái -ing xác định được thời gian nhờ vào phần đầu tiên của cụm động từ. Ở ví dụ a, ‘working’ được xét ở thì hiện tại, được báo hiệu bởi ‘am’. Ở ví dụ b, hành động ‘working’ ở quá khứ, được báo hiệu bởi ‘was’, và ở ví dụ c, ‘working’ được xét ở tương lai, được báo hiệu bởi ‘will be’. Hình thái –ing được sử dụng hầu hết để diễn tả khía cạnh tiếp diễn trong ngữ pháp. Ngoài ý nghĩa tiếp diễn, ý nghĩa của hình thái –ing của động từ có thể được diễn tả như dưới đây:

Interruptedness (Sự gián đoạn)

The kids are usually watching television when I get home.

The kids will be watching television when I get home.

The kids may be watching television when I get home.

Mặc dù ba ví dụ trên có sự khác nhau về thì sử dụng, cả ba đều diễn đạt một hành động đang diễn ra (bọn trẻ xem ti vi), và bị gián đoạn bởi một hành động khác (khi tôi về nhà).

Repeated actions (Hành động lặp lại)

Cách dùng này thường được sử dụng ở thì hiện tại tiếp diễn: I’m always losing my keys.

Tuy nhiên, nó cũng được sử dụng ở thì quá khứ: He was always losing his keys.

Progressive change (Sự thay đổi dần dần)

Các câu như: Your English is improving, or The children are growing up, được sử dụng để nhấn mạnh quá trình thay đổi dần dần. Một cách tương tự, chúng ta cũng có thể nói: My English was improving, or The children are growing up quickly, …

Temporariness (Sự tạm thời)

Khi sử dụng câu ‘I am living in a rented flat’, người nói có thể đang nhấn mạnh rằng đây là một tình trạng tạm thời. Câu này cũng có thể có hàm ý rằng người nói dự định mua một căn hộ riêng ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Điều tương tự cũng đúng cho câu: I was living in a rented flat, hay I wil be living in a rented flat. Tất cả các cụm động từ trong các câu đều để nhấn mạnh tình trạng tạm thời (chỉ kéo dài trong 1 khoảng thời gian nhất định) của sự việc.

Duration (sự liên tục kéo dài ở một khoảng thời gian)

Nét nghĩa của Duration (khoảng thời gian) khá giống với interuptedness (sự gián đoạn). Khi chúng ta nói: Everyone was enjoying the concert (tất cả đã rất tận hưởng buổi hòa nhạc), câu nói nhấn mạnh sự tận hưởng kéo dài liên tục trong một khoảng thời gian.

Một ví dụ khác: It was time to go home, but everyone was enjoying the concert. (Đã đến lúc đi về nhà, nhưng mọi người đều đang tận hưởng buổi hòa nhạc). Ví dụ trên cũng có thể xem như một cách dùng thể hiện sự gián đoạn, hành động tận hưởng buổi hòa nhạc đang diễn ra, và thời điểm ‘về nhà’ là thời điểm gây gián đoạn.

Hình thái –ing của động từ xác định thời điểm xảy ra là hiện tại hay quá khứ, nhờ vào từ đầu tiên trong cụm động từ. Tuy nhiên, hình thái–ing cũng có thể đứng một mình và được xác định thì nhờ vào một động từ khác lân cận trong mệnh đề, ví dụ:

  • I saw her standing there. (quá khứ)

  • You will find him working in the library. (tương lai)

  • Look, there’s George talking to the chairman. (hiện tại)

  • After shopping we can go for a cup of coffee. (tương lai)

Ở mỗi ví dụ, người viết xác định thời gian cho hình thái -ing nhờ vào các động từ lân cận. Chẳng hạn như ở ví dụ 1, người viết xác định thời điểm quá khứ nhờ vào động từ saw.

Từ đó, hệ thống định hướng động từ đưa ra một số khái quát nhất định về dạng thức –ing của động từ như sau:

Thứ nhất: hình thái hiện tại phân từ được xác định thời điểm xảy ra nhờ vào động từ lân cận.

Thứ hai: hình thái hiện tại phân từ mang nhiều nét nghĩa, trong đó có diễn đạt sự gián đoạn, sự liên tục, sự thay đổi dần, sự tạm thời, và sự lặp lại.

Đọc thêm: Động từ và các vị trí động từ xuất hiện trong câu

Hình thái quá khứ phân từ

Theo hệ thống định hướng động từ, hình thái quá khứ phân từ biểu thị một hành động hay tình huống xảy ra trước dấu mốc (chỉ điểm) thời gian, xét các ví dụ sau:

  • I have seen ‘Reply 1988’. (Tôi đã xem phim ‘Hồi đáp 1988.’)

  • It was 1999. I had lived in Birmingham for ten years.

Ở ví dụ a, từ ‘have’ trong cụm động từ chỉ điểm thời gian ở hiện tại. Tuy nhiên, hành động xem phim diễn ra tại một thời điểm trước hiện tại, vì thế hình thái quá khứ phân từ ‘seen’ được sử dụng.

Ở ví dụ b, câu ‘It was 1999.’ xác định dấu mốc thời gian vào năm 1999. Tuy nhiên, hành động ‘lived’ (sống) đã diễn ra trước năm 1999 được 10 năm. Vì thế, hình thái quá khứ phân từ ‘lived’ được sử dụng.

Quá khứ phân từ được dùng cho các thì hoàn thành. Các thì này được sử dụng:
Dành cho một sự kiện hoặc tình huống trước một thời điểm đã xác lập, nhưng vẫn tiếp tục ảnh hưởng liên quan cho đến thời điểm xác lập đó. Thì hiện tại hoàn thành dùng để chỉ hành động và tình huống mà bắt đầu ở quá khứ, và tiếp tục đến hiên tại: I have lived in Phu Quoc for one year.

Xét các ví dụ sau:

  • I’m tired. I’ve been walking all day.

  • I was exhausted. We had been walking all day.

  • It’s our wedding anniversary next month. We’ll have been married for thirty years.

Nhận xét: Câu a dùng thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn, b dùng thì quá khứ hoàn thành tiếp diễn, c dùng thì tương lai hoàn thành tiếp diễn.

Thì hiện tại hoàn thành ở ví dụ a liên quan tới hành động bắt đầu trong quá khứ và tiếp tục đến hiện tại, vì thế thì hiện tại hoàn thành được sử dụng. HÌnh thái tiếp diễn –ing được sử dụng vì người nói muốn nhấn mạnh tính liên tục của hành động.
Ở câu b, thì quá khứ hoàn thành ám chỉ một hành động bắt đầu trong quá khứ và tiếp tục kéo dài đến một thời điểm trong quá khứ – thời điểm mà người nói phát ngôn. Một lần nữa, dạng thức –ing tiếp diễn được sử dụng, nhằm nhấn mạnh tính liên tục. Ví dụ c chỉ một hành động bắt đầu trong quá khứ và kéo dài tới một thời điểm trong tương lai, cho tới tháng sau.

Quá khứ phân từ còn được dùng để nói về một trải nghiệm tới một thời điểm xác lập, I have read that book three times, diễn tả người nói đang trình bày về tình huống hiện tại và mở một khả năng rằng họ có thể sẽ đọc cuốn sách lần nữa trong tương lai. Tương tự, I had read it twice by the time I left school, diễn tả một tình huống kéo dài tới một thời điểm trong quá khứ – thời điểm tôi rời trường.

Nhận xét: Hình thái quá khứ phân từ sẽ được sử dụng để diễn đạt một sự việc hay tình huống xảy ra trước một dấu mốc thời gian, nhưng vẫn ảnh hưởng liên quan đến thời gian xác lập đó. Sự khái quát này không chỉ đúng cho các thì hoàn thành, mà còn đúng cho các cách dùng khác của quá khứ phân từ:

  • The windows are broken. (Các cánh cửa sổ bị vỡ)

  • Peter was rescued by one of his companions. (Peter được giải cứu bởi một trong những người đồng hành của anh ấy.)

Ví dụ a là ở hiện tại, dựa vào dấu chỉ thời gian ‘are’. Quá khứ phân từ ‘broken’ được dùng để chỉ một hành động xảy ra trước dấu chỉ thời gian, và chính vì thế mô tả trạng thái hiện tại của cửa sổ – bị vỡ. Ở ví dụ b, từ khóa đánh dấu quá khứ là ‘was’, dạng thức quá khứ phân từ ‘rescued’ được dùng để chỉ một hành động xảy ra trước tín hiệu chỉ thời gian, và chính vì thế diễn tả tình trạng hiện tại của Peter.

Đọc thêm: Thì (Tenses) trong tiếng Anh – Phần 3 Thì quá khứ

Tổng kết

Hệ thống động từ trong tiếng Anh khá phức tạp và cần nhiều thời gian để người học nhuần nhuyễn cách sử dụng. Đối với người học trình độ nâng cao và những ai muốn nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ, hệ thống định hướng của động từ sẽ giúp họ xem xét lại các nhận định chưa đầy đủ và chi tiết, các sự so sánh không hiệu quả ở cách tiếp cận truyền thống, cũng như hình thành cái nhìn tổng quát và toàn diện hơn về động từ trong tiếng Anh.

Trần Thị Tuyết Trâm

Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu