Banner background

Hiểu đúng về tốc độ đọc trong IELTS Reading Academic

Bài viết dưới đây lí giải những hiểu lầm phổ biến về tốc độ đọc trong IELTS Reading và giới thiệu các tốc độ đọc khác nhau để áp dụng vào từng dạng bài, dạng thông tin trong bài đọc IELTS.
hieu dung ve toc do doc trong ielts reading academic

IELTS Academic Reading sử dụng ngôn ngữ học thuật, có tính khoa học, chính xác và chuyên ngành. Về mặt hình thức, bài thi gồm 40 câu hỏi dành cho ba bài đọc và kéo dài 60 phút. Dưới áp lực của thời gian, thí sinh không thể đọc quá chậm, nhưng ngược lại nếu đọc quá nhanh thì dễ bị hiểu sai, dẫn đến việc chọn sai đáp án. Khi mới học IELTS Reading, hiểu đúng về tốc độ đọc là điều cần thiết. Hy vọng bài viết dưới đây sẽ hỗ trợ được các bạn mới bắt đầu ôn thi IELTS hiểu đúng về tốc độ đọc và biết cách điều chỉnh tốc độ theo từng dạng bài.

Key takeaways:

Ba hiểu lầm về tốc độ đọc trong kỹ năng Reading của IELTS Academic:

  • Đọc càng nhanh thì càng tốt

  • Chỉ cần đọc ở một tốc độ là đủ

  • Đọc hiệu quả là đọc một mạch, không đọc đi đọc lại

Ba tốc độ đọc trong IELTS Reading:

  • Đọc để tìm chi tiết: là tốc độ đọc nhanh nhất, áp dụng trong hầu hết các dạng bài có từ khóa

  • Đọc nhanh để hiểu ý chính: là tốc độc đọc nhanh thứ hai, áp dụng chủ yếu trong dạng bài tìm tiêu đề cho từng đoạn

  • Đọc chậm để hiểu rõ thông tin: là tốc độ đọc vừa phải, áp dụng khi đọc câu hỏi và lựa chọn đáp án đúng sau khi dùng kỹ năng scanning

Ba hiểu lầm về tốc độ đọc trong IELTS Reading

hieu-dung-ve-toc-do-doc-trong-ielts-reading-academic-sai-lam

Đọc càng nhanh thì làm bài càng tốt

Kỹ năng Reading không chỉ đơn thuần là đọc, mà còn là đọc hiểu. Vì vậy, nếu như chỉ đọc nhanh, nghĩa là đưa mắt qua các từ nhanh, mà lượng thông tin thí sinh hiểu và áp dụng vào trả lời câu hỏi không đủ thì kết quả cũng sẽ không cao.

Theo E2 IELTS (2021), trung bình cả 3 bài đọc IELTS và 40 câu hỏi có khoảng 3000 chữ. Nếu chỉ đọc một lượt từ đầu đến cuối thì chỉ cần đọc ở tốc độ 50 chữ/phút, bằng 1/5 so với tốc độ đọc trung bình của người bản xứ. Tuy nhiên, trên thực tế, thí sinh còn cần thời gian phân tích, suy luận để hiểu rõ nhiều đoạn thông tin và câu hỏi, nên tốc độ có thể dao động trong khoảng 150 chữ/phút đến 350 chữ/phút, hoặc nhanh hơn, tùy vào mục tiêu điểm của cá nhân. Song, cuốn The Official Cambridge Guide to IELTS (2014, trang 46) đưa ra tốc độ khi đọc nhanh là 200 từ/phút - đây là mức độc rất vừa phải, người học hoàn toàn có thể đạt được qua thời gian và các bài luyện đọc.

Bạn có thể kiểm tra tốc độc đọc hiểu của mình tại: http://www.readingsoft.com

Đọc thêm về cách tăng tốc độ đọc: Các phương pháp tăng tốc độ đọc nhanh trong IELTS Reading (zim.vn)

Khi đọc hiểu nhanh hơn, thí sinh sẽ đáp ứng về mặt thời gian tốt hơn, nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều yếu tố quyết định đến điểm số. Do đó, người học có thể chỉ đọc ở tốc độ trung bình nhưng vẫn làm được bài, bởi tốc độ đọc không luôn luôn tỷ lệ thuận với số câu trả lời đúng và chìa khóa của IELTS Reading là “learn to read better, not faster” – “học cách đọc hiệu quả hơn, chứ không phải học cách đọc nhanh hơn” (Simon, 2018).

Chỉ cần duy trì một tốc độ đọc là đủ

Khác với đọc tiểu thuyết hoặc các loại văn bản tương tự để giải trí, mục đích của IELTS Reading là để kiểm tra khả năng đọc học thuật – Academic Reading của thí sinh. Đọc học thuật là để có hiểu biết cơ bản, nâng cao về một chủ đề mới hoặc để tìm hiểu các quan điểm khác nhau về một chủ đề cụ thể, từ đó phục vụ các mục đích nghiên cứu sâu hơn (Moore, 2010). Tương tự như khi nghiên cứu, trong bài Reading sẽ có những thông tin không thiết phải hiểu rõ, chỉ cần đọc lướt nhanh qua là đủ và các đoạn thông tin cần hiểu sâu để trả lời câu hỏi – nên cần đọc chậm, đọc kỹ ở những đoạn này. Vì vậy, đọc hiệu quả nghĩa là thí sinh biết điều chỉnh tốc độ sao cho phù hợp với từng câu hỏi, từng đoạn trong bài đọc.

Đọc hiệu quả nghĩa là đọc một mạch, không đọc đi đọc lại

Khi tìm hiểu về speed reading - đọc nhanh, có thể nhiều người sẽ được gợi ý rằng phải tập trung đọc và tuyệt đối tránh việc đọc lại những câu đã đọc một lần rồi. Tuy nhiên, các bài đọc trong IELTS Reading học thuật được viết bằng ngôn ngữ học thuật. Cụ thể, bài sẽ có những câu văn dài và những cụm từ học thuật, chuyên ngành. Vì vậy, nhiều khi thí sinh sẽ không hiểu nếu chỉ đọc một lần, đặc biệt là ở các câu hỏi và những đoạn thông tin có chứa câu trả lời. Để hiểu, đối chiếu hay suy luận thì việc đọc đi đọc lại một câu hay một đoạn vài lần là hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là thí sinh xác định được chỗ nào cần hiểu kỹ để đọc nhiều lần (đoạn thông tin có chứa đáp án), chỗ nào có thể bỏ qua khi đọc một lần mà không hiểu (đoạn thông tin không phục vụ mục đích trả lời câu hỏi).

Ba loại tốc độ đọc và mục đích của từng loại trong IELTS Reading

Đọc để tìm chi tiết

Đây là tốc độ đọc nhanh nhất mà thí sinh sử dụng. Mục đích của cách đọc này không phải là để hiểu, mà là để tìm kiếm một thông tin cụ thể như tên riêng, số liệu hoặc một trích dẫn trực tiếp trong ngoặc kép. Kỹ năng sử dụng tốc độ này thường được biết đến với tên gọi scanning.

Cụ thể hơn, scanning thường được áp dụng sau khi thí sinh xác định được các từ khóa khó bị diễn đạt lại – thường là tên riêng, số, trích dẫn trực tiếp – có trong câu hỏi và bắt đầu tìm kiếm các từ khóa đó trong bài đọc. Đây cũng là tốc độ đọc mà thí sinh thường xuyên phải sử dụng khi làm hầu hết các dạng bài, đặc biệt là:

  • Multiple choice – lựa chọn các phương án A, B, C, D

  • True/False/Not given hoặc Yes/No/Not given

  • Matching Information, matching features – nối thông tin, đặc điểm

  • Completion – điền từ

  • Diagram Labelling – biểu đồ

Xem thêm về kỹ năng scanning tại Scanning là gì và các yếu tố để Scanning hiệu quả (zim.vn)

Đọc nhanh để hiểu ý chính

Khi sử dụng tốc độ này, thí sinh đọc rất nhanh nhưng vẫn hiểu được nội dung chính và bố cục của bài hoặc của đoạn. Kỹ năng sử dụng tốc độ này thông thường được gọi là speed reading (đọc nhanh), còn trong bài thi IELTS nó thì được biết đến với tên gọi là skimming. Cuốn The Official Cambridge Guide to IELTS (2014) giải thích skimming là đọc nhanh, tập trung vào các từ mang nội dung (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ) để xác định được những ý chính. Cuốn sách cũng gợi ý tốc độ skimming khi làm bài nên là 200 chữ/phút.

Vì mục đích là để hiểu ý chính, nên tốc độc đọc nhanh này được áp dụng vào dạng bài matching headings – tìm tiêu đề cho đoạn văn. Thêm vào đó, skimming cũng nên được sử dụng khi đọc phụ đề (đoạn văn giới thiệu ở đầu bài đọc) hoặc một vài câu đầu để nắm được chủ đề của bài đọc trước khi làm bài.

Xem thêm về kỹ năng skimming tại: Phương pháp Skimming và những yếu tố cần thiết để Skimming hiệu quả (zim.vn)

Đọc chậm để hiểu rõ thông tin

Đây là tốc độ đọc bình thường, hoặc nhanh hay chậm hơn một chút, của người học. Khi đọc chậm, người học có thể vừa đọc vừa gạch chân từ khóa để nhớ và hiểu kỹ thông tin. Ngoài ra, khi cần thiết, thí sinh hoàn toàn có thể đọc một câu, một đoạn vài lần nếu còn thời gian để chắc chắn về đáp án của mình. Đọc chậm, hiểu kỹ còn giúp nhận diện paraphrase – các cách diễn đạt lại ở câu hỏi và bài đọc.

Tốc độ đọc này được áp dụng vào mọi dạng bài:

  • Khi đọc câu hỏi

  • Khi đọc và đối chiếu các đoạn thông tin có chứa câu trả lời với câu hỏi (sau khi dùng kỹ năng scanning)

  • Làm các câu khó chưa làm được hoặc chưa chắc chắn về đáp án ở cuối giờ

Tổng kết

Như vậy, bài thi Reading IELTS không phải là bài kiểm tra tốc độ đọc, mà là bài kiểm tra mức độ đọc hiểu của thí sinh. Để làm bài hiệu quả trong thời gian giới hạn, mục tiêu không phải là để tăng tốc độ đọc càng nhanh càng tốt, mà chính là để biết cách điều chỉnh tốc độ đọc phù hợp với từng phần, từng dạng bài xuất hiện trong đề thi. Ngoài biết cách điều chỉnh tốc độ, người học cũng cần thường xuyên trau dồi ngữ pháp, từ vựng để tăng mức độ hiểu sau khi đọc.

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...