Tentative language (từ ngữ thận trọng) trong IELTS Writing Task 2
Một trong những lỗi sai thường gặp ở người học tiếng Anh nói chung và IELTS nói riêng chính là việc sử dụng từ ngữ mang tính tuyệt đối trong bài viết học thuật (ví dụ như: must, always, never,...) vì ngôn ngữ này có thể dễ tạo ra những luồng ý kiến gây tranh cãi, trái chiều. Bài viết này sẽ cung cấp cho người học định nghĩa, phân loại và đi sâu vào phân tích lý do vì sao nên sử dụng từ ngữ thận trọng thay vì từ ngữ tuyệt đối trong những bài viết học thuật.
Key takeaways
Lý do sử dụng từ ngữ thận trọng: Để thể hiện rằng những thông tin trong bài có thể không đúng trong mọi trường hợp.
Ngôn ngữ thận trọng được dùng khi phần lớn nội dung bài viết xuất phát từ ý kiến chủ quan của người viết và không có căn cứ khoa học cụ thể.
7 loại từ ngữ thận trọng là: câu tường thuật, động từ từ vựng, động từ khiếm khuyết, trạng từ chỉ tần suất, trạng từ khiếm khuyết, tính từ khiếm khuyết và danh từ khiếm khuyết.
Tổng quan về Tentative Language (từ ngữ thể hiện sự thận trọng)
Lý do sử dụng từ ngữ thận trọng
Người học nên sử dụng từ ngữ thận trọng khi phần lớn nội dung của bài viết xuất phát từ ý kiến chủ quan của người học, thay vì từ nghiên cứu khoa học hoặc kiến thức từ tổ chức có thẩm quyền. Đây là vì ý kiến của người học có thể không đúng tuyệt đối trong mọi trường hợp.
Khi sử dụng từ ngữ thận trọng thay vì từ ngữ tuyệt đối, người học có thể tránh lỗi khái quát hoá quá mức, giúp đảm bảo tính khách quan và độ chính xác của nội dung bài viết.
Định nghĩa Tentative Language
Theo định nghĩa, “tentative” có nghĩa là không dứt khoát, không rõ ràng, không quả quyết. Trong từ điển Cambridge, “tentative” còn là sự không đồng thuận (not agreed) hay sự thận trọng (said or done in a careful way).
Như vậy, ngôn ngữ thận trọng thường được dùng khi người học không chắc chắn về độ chính xác của ý tưởng, vấn đề hay sự vật/hiện tượng mà mình đang đề cập đến (có thể là vì những ý tưởng đó chưa được kiểm chứng bởi cơ sở lý luận khoa học/ cơ quan pháp lý, hoặc người học chưa đủ thẩm quyền để lập luận như vậy).
Ngoài ra, sử dụng phương pháp này cũng sẽ giúp người học có thể đưa ra những lập luận chủ quan, giả định dựa trên thông tin và kinh nghiệm của bản thân và tránh được những luồng ý kiến trái chiều.
Người học hãy nhìn vào hai ví dụ dưới đây:
Cold water turns into ice faster than hot water.
Cold water might turn into ice faster than hot water.
Dịch: Nước lạnh chuyển thành đá nhanh hơn nước nóng.
Câu thứ nhất thể hiện sự lập luận một cách tuyệt đối và chắc chắn, vì thế nên sẽ cần phải có thêm những dẫn chứng và cơ sở khoa học rõ ràng đi kèm thì mới có thể kết luận được. Tuy nhiên, ở ví dụ thứ hai, câu đã thêm từ “might” (từ ngữ thận trọng) để thể hiện sự không chắc chắn và vẫn còn hoài nghi về độ chính xác của ý tưởng. Sự thật là, nước nóng có thể chuyển thành đá nhanh hơn nước lạnh (đã được khoa học chứng minh - Mpemba Effect), vì vậy nếu người học sử dụng câu thứ nhất trong bài viết thì sẽ dễ gây ra luồng ý kiến trái chiều.
Phân loại và cách dùng
Từ ngữ thận trọng (tentative language) được chia ra làm 7 loại chính với những cách dùng khác nhau:
Introductory verbs (câu tường thuật)
Seem (dường như)
Trong Tiếng Anh, “seem” là một động từ có nghĩa là “dường như”, “có vẻ như”. Đây là cấu trúc thích hợp khi người học muốn biểu đạt một ý tưởng không chắc chắn. Người học có thể tham khảo một số cấu trúc phổ biến của “seem” khi sử dụng trong văn viết học thuật:
It seems that + clause (sau “that” là một mệnh đề có chủ ngữ - vị ngữ)
VD: It seems that Covid situation is under control in some European countries.
Dịch: Có thể thấy rằng dường như thực trạng Covid đang được kiểm soát ở một số nước Châu Âu.
S + seem(s) to be + noun phrase (thường đứng trước cụm danh từ và danh từ). Người học cần lưu ý đối với những danh từ số nhiều thì sẽ không chia động từ “seem”, còn danh từ số ít sẽ chia động từ (thêm “s” sau từ “seem”).
VD:
Japan seems to be the cleanest country in the world.
Dịch: Nhật Bản có vẻ như là nước sạch sẽ nhất thế giới.
S + seem(s) to V (để thể hiện hành động của chủ thể nhưng không chắc chắn, theo suy nghĩ chủ quan của người nói). Người học cũng cần lưu ý chia động từ “seem” đối với danh từ số ít và không chia đối với danh từ số nhiều.
VD: She seems to work in a big tech company.
Dịch: Cô ấy dường như làm việc ở một công ty công nghệ lớn.
Appear to be (trông như, có vẻ như, dường như)
Trong Tiếng Anh, “Appear to be” là một cụm động từ mang nghĩa là “có vẻ như”, cụ thể là sự vật/ hiện tượng trông như thế nào. Ngoài “seem” thì đây cũng là một cấu trúc phù hợp để sử dụng trong văn viết học thuật. Dưới đây là cách dùng của “appear to be” mà người học có thể tham khảo:
S + appear(s) to be + N/ Adj (tức sau “appear to be” có thể là danh từ, cụm danh từ hoặc tính từ để chỉ tính chất của sự vật/ hiện tượng được nói đến trong câu)
VD: That solution appears to be the best of all.
Dịch: Cách giải quyết đó dường như là tốt nhất trong tất cả.
Người học ngoài ra có thể sử dụng “appear” với những chủ ngữ giả như “It”, “There”, cụ thể:
It appears that + clause (sau “that” sẽ luôn là một mệnh đề có chủ ngữ và vị ngữ)
VD: It appears that she’s the smartest in our class.
Dịch: Dường như cô ấy là người học giỏi nhất lớp tôi.
There appears to be + N/adj (sau “to be” sẽ phải là danh từ, cụm danh từ hoặc tính từ)
VD: There appears to be a problem with my assignment.
Dịch: Có vẻ như đã có một vấn đề với bài tập của tôi.
Lexical verbs (động từ từ vựng)
Suggest (đề xuất)
Cấu trúc “suggest” thường được sử dụng trong văn viết học thuật để đưa ra một đề xuất, hay một lời đề nghị nào đó. Người học có thể tham khảo một số cách dùng của “suggest” như dưới đây:
It is suggested that + clause (sau “that” sẽ biểu thị một mệnh đề gồm đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ)
VD: It is suggested that the government should impose taxes on fast food.
Dịch: Có đề xuất cho rằng chính phủ nên áp đặt thuế đối với đồ ăn nhanh.
S + suggest that + clause (sau “that” cũng sẽ phải là một mệnh đề gồm đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ, thể hiện rằng chủ thể S đang đề xuất một cái gì đó)
VD: I suggest that the government should impose taxes on cigarettes.
Dịch: Tôi đề xuất rằng chính phủ nên áp đặt thuế đối với thuốc lá.
Modal verbs (động từ khiếm khuyết)
Would (có thể)
Ngoài vai trò là động từ chia thì quá khứ của “will” hoặc làm thành phần trong câu điều kiện “if”,“would" cũng có thể được sử dụng như một từ ngữ thận trọng. Người học cần lưu ý sử dụng “would” đằng trước động từ chính trong câu.
VD: The charity organization would open a donation campaign in the near future.
Dịch: Tổ chức từ thiện có thể sẽ mở chiến dịch quyên góp trong tương lai gần.
May/Might (có lẽ, có thể)
“May”, “might” cũng là một cặp từ cũng rất được ưa chuộng khi sử dụng trong văn viết học thuật. “May” và “might” sử dụng khả năng diễn ra sự vật/ hiện tượng nào đó trong tương lai mà không biết chắc chắn. Người học cần lưu ý sử dụng may/might đằng trước động từ trong câu.
VD: Japan may/might become the most wealthy country in the world.
Dịch: Nhật Bản có thể trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới.
Could (có lẽ)
“Could” giống như “would” hay “may/might” cũng là để thể hiện khả năng của một sự vật hay hiện tượng nào đó. Người học có thể sử dụng “could” để tránh bị lặp từ “would” hay “may/might” quá nhiều.
VD: I could take the responsibility, but it’s too dangerous.
Dịch: Tôi có thể đảm đương nhiệm vụ đó, nhưng nó quá nguy hiểm.
Adverbs of frequency (trạng từ chỉ tần suất)
Often (thông thường)
Trạng từ “often” chắc hẳn đã rất quen thuộc đối với người học tiếng Anh, tuy nhiên “often” cũng hoàn toàn có thể sử dụng trong văn viết học thuật. Tuy nhiên, người học nên lưu ý sử dụng “often” cho những hành vi/ hành động theo thói quen (hay còn được hiểu là ‘thường xuyên vào những dịp khác nhau’)
VD: Paparazzis often show up and take lots of celebrities’ pictures to post on their e-magazines.
Dịch: Thợ săn ảnh thông thường lộ diện và chụp rất nhiều ảnh từ người nổi tiếng để đăng lên tạp chí của họ.
Sometimes (thi thoảng): trạng từ “sometimes” được sử dụng khi tần suất của sự vật/ hiện tượng được nói đến xuất hiện ít hơn, chỉ thi thoảng mới xuất hiện.
VD: Sometimes a good thing happens in a bad situation.
Dịch: Thi thoảng một điều tốt xảy đến trong một hoàn cảnh xấu.
Modal adverbs (trạng từ khiếm khuyết)
Possibly (có khả năng)
Trạng từ “Possibly” được sử dụng để chỉ một sự vật hiện tượng có khả năng xảy ra, nhưng không phải tuyệt đối sẽ xảy ra)
VD: There are possibly more than a thousand attendees at the concert.
Dịch: Có khả năng là có hơn một nghìn người đến tham dự buổi hòa nhạc.
Perhaps (có lẽ)
Trạng từ “Perhaps” giống với “Possibly” cũng đều dùng để chỉ một sự vật/ hiện tượng có khả năng xảy ra nhưng không phải chắc chắn hoàn toàn. So với “Maybe” thì “Perhaps” mang tính trang trọng hơn vì vậy “Perhaps” có thể được sử dụng trong bài viết học thuật.
VD: Perhaps passenger pigeons will go extinct in the future.
Dịch: Có lẽ chim bồ câu viễn khách sẽ tuyệt chủng trong tương lai
Conceivably (có thể tin được/ có thể hình dung được):
Trạng từ “Conceivably” cũng giống với nghĩa của hai từ trên và người học hoàn toàn có thể sử dụng đan xen để tránh việc bị lặp từ.
VD: Airplane fees could conceivably affect the airline’s growth rate.
Dịch: Phí máy bay có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của hãng hàng không.
Modal adjectives (tính từ khiếm khuyết)
Possible (có thể)
“Possible” là tính từ thể hiện khả năng xảy ra của một sự vật/ hiện tượng. Cách dùng của “possible”:
It is possible that + clause (sau “that” là một mệnh đề đầy đủ chủ - vị, để chỉ sự vật hiện tượng nào đó có khả năng xảy ra)
VD: It is possible that we will have to take the IELTS test again next year.
Dịch: Có khả năng rằng chúng ta sẽ phải làm lại bài thi IELTS vào năm sau.
Modal nouns (danh từ khiếm khuyết)
Assumption (cho rằng)
Người học có thể tham khảo cụm “make assumptions about” (được Cambridge Dictionary đánh giá là C1 - trang trọng và phù hợp trong bài viết học thuật). Cách dùng:
S + make assumptions about + noun/noun phrase (sau “make assumption about” có thể là danh từ, hoặc cụm danh từ)
VD: They made assumptions about the economy's increased growth rate which is incorrect.
Dịch: Họ cho rằng nền kinh tế đang đi lên và điều đó là sai.
Probability/likelihood (khả năng)
Probability và likelihood đều thể hiện sự có khả năng xảy ra một việc gì đó (từ vựng C1 - trang trọng theo như Cambridge Dictionary), Người học có thể sử dụng từ vựng này theo cách dưới đây:
There is a probability/likelihood that + clause (sau “that” là một mệnh đề đầy đủ chủ - vị, để chỉ khả năng xảy ra của một sự việc nào đó.
VD: There is a probability/likelihood that she will debut in another group.
Dịch: Có một khả năng xảy ra là cô ấy sẽ ra mắt ở một nhóm khác.
Cách áp dụng từ ngữ thận trọng trong bài viết học thuật (IELTS Writing Task 2)
Tentative language đóng vai trò quan trọng trong bài văn viết học thuật của thí sinh. Cụ thể, việc sử dụng ngôn từ tuyệt đối khi không có căn cứ xác thực có thể khiến người khác không đồng tình và hoài nghi với luận điểm, luận cứ của bài văn và cho rằng người học đang quy chụp và đưa ra thông tin sai sự thật. Để tránh đưa ra những thông tin sai lệch mang tính tuyệt đối như vậy (false information), người học cần “bỏ túi” cho bản thân vài từ ngữ thận trọng (tentative language) và học cách sử dụng chúng sao cho hợp lý trong bài viết học thuật.
Trước tiên, người học hãy nhìn vào ví dụ đề mẫu dưới đây:
Q: Some people think that governments should ban dangerous sports, while others think people should have freedom to do any sports or activity. Discuss both views and give your own opinion.
A: (trích đầu phần thân bài): Advocates of banning dangerous sports believe that people face a risk of severe injuries due to the nature of the activity. Extreme sports accompanied by heights, distances and speeds are so hazardous that the participants could put their lives in danger. For example, skydivers might suffer from extreme physical injuries like broken limbs or concussion when their parachute fails to function properly.
(Trích từ Giải đề IELTS Writing Task 1 và Task 2 band 7 đề thi ngày 05/06/2021)
Người học có thể thấy trong hai câu đề mẫu Writing Task 2 band 7, người viết đã sử dụng từ ngữ thận trọng (cụ thể là “could” và “might”) để thể hiện ý tưởng cần truyền tải. Người học hãy nhìn và phân tích kĩ nghĩa của cả đoạn văn:
Bản dịch của đoạn mẫu trên: Những người ủng hộ việc cấm các môn thể thao nguy hiểm tin rằng mọi người phải đối mặt với nguy cơ bị thương nặng do tính chất của hoạt động này. Các môn thể thao mạo hiểm đi kèm với độ cao, khoảng cách và tốc độ rất nguy hiểm đến mức người tham gia có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ, những người nhảy dù có thể bị chấn thương nghiêm trọng về thể chất như gãy tay chân hoặc chấn động khi chiếc dù của họ không hoạt động bình thường.
Ở bài mẫu trên là góc nhìn đến từ người ủng hộ việc cấm các môn thể thao mạo hiểm (extreme sports) bởi vì nó có thể khiến mọi người bị thương. Tuy nhiên, không phải ai chơi môn thể thao mạo hiểm này cũng bị chấn thương nguy hiểm đến tính mạng. Sự thật là trên thế giới có khá người chơi các môn thể thao mạo hiểm khác nhau (như parkour, dù lượn, đua mô tô địa hình,...) và hoàn toàn chinh phục được những giải thưởng danh giá (như lập kỷ lục Guinness, hay tham gia các cuộc thi lớn nhỏ). Người viết tinh ý nhận biết được điều đó và thể hiện ý tưởng của mình rằng:
“Extreme sports accompanied by heights, distances and speeds are so hazardous that the participants could put their lives in danger.”
(Dịch: Các môn thể thao mạo hiểm đi kèm với độ cao, khoảng cách và tốc độ rất nguy hiểm đến mức người tham gia có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.)
Việc sử dụng từ “could” khác biệt hơn rất nhiều so với việc sử dụng từ “must” hay “have to”. “Could” là để chỉ sự có thể xảy ra với một khả năng nhất định, chứ không phải như “must” hay “have to” là bắt buộc sẽ xảy ra trong bất kì trường hợp nào. Vì vậy, người học cần thận trọng khi biểu đạt ý tưởng của bản thân mình, tránh sử dụng những từ ngữ mang tính quá tuyệt đối mà không được kiểm chứng. Sử dụng từ ngữ thận trọng như trên sẽ góp phần khiến bài viết của thí sinh chặt chẽ hơn trong ý tưởng và được đánh giá cao trong việc triển khai ý.
Người học có thể “bỏ túi” cho bản thân vài từ ngữ thận trọng đã được liệt kê ở bảng phía trên và đồng thời lưu ý cách sử dụng chúng sao cho phù hợp với ý nghĩa và cấu trúc ngữ pháp.
Tổng kết
Tentative language đóng vai trò quan trọng trong bài văn viết học thuật của thí sinh. Cụ thể, việc sử dụng ngôn từ mang tính tuyệt đối (như must, have to,...) mà không có căn cứ xác thực nhiều khi sẽ khiến người khác hoài nghi với luận điểm, luận cứ của bài văn và cho rằng người học đang quy chụp và đưa ra thông tin sai sự thật. Để tránh đưa ra những thông tin sai lệch mang tính tuyệt đối như vậy (false information), người viết cần “bỏ túi” cho bản thân vài từ ngữ thận trọng (tentative language) và học cách sử dụng chúng sao cho hợp lý trong bài viết học thuật. Người học có thể tham khảo thêm các bài viết khác của ZIM, cũng là về những phương pháp tăng thêm tính học thuật cho bài viết của mình.
Nguyễn Quỳnh Anh
Đọc thêm: Viết học thuật là gì – Từ và những cụm từ cần tránh trong viết học thuật
Bình luận - Hỏi đáp