Phân biệt các danh từ đồng nghĩa chủ đề Work và ứng dụng trong IELTS Writing

Bài viết nêu một số cặp từ đồng nghĩa chủ đề Work (Việc làm) dễ nhầm lẫn, cung cấp định nghĩa, nhận diện những chi tiết khác biệt giữa chúng và trình bày ví dụ để người đọc hiểu rõ hơn.
author
Ngô Nguyễn Bảo Ngọc
02/10/2021
phan biet cac danh tu dong nghia chu de work va ung dung trong ielts writing

Nhằm đáp ứng được các yếu tố để đánh giá tiêu chí Vốn từ (Lexical resource) trong bài thi IELTS Writing như phạm vi và tính linh hoạt, thí sinh thường sử dụng công cụ Paraphrase (diễn đạt lại) với các từ đồng nghĩa. Đây là một công cụ hữu hiệu, nhưng có thể gây hiệu quả ngược nếu thí sinh sử dụng không hợp lý. Các từ đồng nghĩa tuy có nghĩa tương đương nhau nhưng lại tồn tại những khác biệt về sắc thái, mức độ trang trọng và đặc điểm ngữ pháp. Để đảm bảo được tính chính xác và phù hợp ngữ cảnh khi sử dụng từ, người học cần nắm chắc những điểm khác biệt này. Bài viết dưới đây sẽ nêu một số cặp từ đồng nghĩa chủ đề Work (Việc làm) dễ nhầm lẫn, cung cấp định nghĩa, nhận diện những chi tiết khác biệt giữa chúng và trình bày ví dụ để người đọc hiểu rõ hơn.

Key takeaways

·        Đều có nghĩa là nghề nghiệp, tuy nhiên Occupation mang sắc thái trang trọng hơn Work, còn Profession chỉ ngành nghề được trọng vọng, yêu cầu trình độ học vấn cao.

·        Income là thu nhập, có thể đến từ nhiều nguồn như công việc, hoạt động đầu tư, … Salary là khoản tiền lương hàng tháng cho nhân viên văn phòng, người lao động trí óc còn Wage là khoản tiền công trả hàng tuần cho người lao động chân tay.

·        Employee là danh từ chỉ một nhân viên, trong khi đó Staff là toàn bộ nhân viên của một doanh nghiệp/tổ chức, còn Labor là lực lượng lao động của một tổ chức hay quốc gia.

·        Degree là tấm bằng đạt được sau khi hoàn thành giáo dục đạo học hoặc cao đẳng, trong khi Qualification là bằng cấp nói chung để chứng nhận một cá nhân đã hoàn thành một chương trình hoặc đạt một trình độ nào đó.

·        Unskilled có nghĩa là phổ thông, không yêu cầu trình độ hay đào tạo chuyên môn, còn Blue-collar chỉ những công việc yêu cầu sử dụng thể lực trong các ngành công nghiệp.

Xu hướng ra đề chủ đề Work

Đầu tiên, bài viết sẽ nêu các vấn đề thường được đem ra phân tích trong đề bài Work, giải thích xu hướng ra đề và cung cấp thêm các đề bài tham khảo, từ đó giúp người đọc hình dung rõ ràng hơn về tính ứng dụng của các cặp từ gần nghĩa được nêu trong bài viết.

Đầu tiên, những biến chuyển trong thị trường việc làm là những chất liệu thường thấy của bài thi IELTS Writing Task 2 chủ đề Work. Một số xu hướng nổi bật có thể kể đến như sau: sự chuyển dịch nguồn lao động từ nông thôn tới thành phố, sự phổ biến của phương thức làm việc từ xa (remote working) hay hiện tượng nhiều chuyên gia lựa chọn ra nước ngoài làm việc. Việc khuyến khích thanh thiếu niên làm các công việc bán thời gian cũng thường xuyên được đưa vào đề bài.

Một số đề bài đặt ra vấn đề liên quan tới điều kiện làm việc và tính chất công việc, ví dụ như: thời gian làm việc, mức độ hài lòng trong công việc, khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đặc điểm của môi trường làm việc,... Chế độ đãi ngộ nhân viên cũng thường được đưa ra bàn luận thông qua những câu hỏi như: “tiền lương có nên là yếu tố tiên quyết khi lựa chọn công việc?” hay “có nên trả tất cả nhân viên mức lương tương tự?”

Bài thi IELTS Writing cũng yêu cầu thí sinh đánh giá những quan điểm về những yếu tố ảnh hưởng tới cơ hội kiếm việc làm như: việc sở hữu bằng đại học, vốn kinh nghiệm và kỹ năng mềm phù hợp, hay khả năng tạo ấn tượng đầu tốt đẹp với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.

Bên cạnh đó, các ngành nghề với tính chất khác nhau (ví dụ: bác sĩ, giáo viên – nghệ sĩ, vận động viên) cũng có thể được đem ra so sánh trong bài thi IELTS Writing Task 2, và nhiệm vụ của thí sinh sẽ là đánh giá tính hợp lý của phép so sánh đó.

Đọc thêm: 25 Collocations chủ đề Work/ Employment trong IELTS Writing Task 2

Phân biệt các cặp từ đồng nghĩa chủ đề Work

Work – occupation – profession - career

tu-dong-nghia-chu-de-work-work

Định nghĩa

Work (danh từ không đếm được) được định nghĩa là một công việc mà một người làm để kiếm tiền, đặc biệt là liên tục trong một thời gian dài.

Occupation (danh từ đếm được) có nghĩa là nghề nghiệp.

Profession (danh từ đếm được) có nghĩa là nghề nghiệp trong những ngành nghề yêu cầu đào đào tạo về chuyên môn hoặc kỹ năng đặc thù, thường được xã hội coi trọng vì người trong ngành cần đạt được trình độ học vấn cao. Một số ví dụ về profession là những nghề như: bác sĩ, luật sư, kỹ sư, ...

Career (danh từ đếm được) có nghĩa là sự nghiệp – tức là chuỗi những công việc với trách nhiệm lớn dần theo thời gian mà một người đảm nhiệm trong một ngành nghề cụ thể.

Lưu ý khi sử dụng

Tuy tương tự về mặt ngữ nghĩa nhưng người viết cần lưu ý rằng workoccupation có sự khác biệt về đặc điểm ngữ pháp và sắc thái: Work là danh từ không đếm được và không đứng sau mạo từ (a, an, the). Trong khi đó, occupation là danh từ đếm được và có thể đi kèm số từ (ví dụ: one, two, ...) và lượng từ (ví dụ: many, most, a lot of, ...). Bên cạnh đó, occupation mang sắc thái trang trọng hơn work.

Đồng thời, workoccupation là hai danh danh từ chung chỉ nghề nghiệp, nhưng profession nói đến những ngành nghề được trọng vọng, đòi hỏi trình độ chuyên môn và tay nghề cao. Vì vậy, những tính từ mang nét nghĩa “trình độ sơ cấp, phố thông” như “low-skilled” hoặc “elementary” chỉ có thể kết hợp với workoccupation, chứ không thể đi kèm với danh từ profession

Ví dụ

  1. She started work as a teacher in the local primary school. (Cô ấy bắt đầu công việc làm một giáo viên ở trường tiểu học ở địa phương. )

  2. Nowadays, a wide range of occupations require at least a Bachelor’s degree. (Ngày nay, rất nhiều nghề nghiệp yêu cầu ít nhất là bằng Cử nhân.)

  3. Only having undergone years of training can graduates enter the medical profession. (Chỉ có trải qua nhiều năm đào tạo thì sinh viên tốt nghiệp mới có thể bước vào nghề y)

Bên cạnh đó, người viết cần lưu ý rằng career mang sắc thái thời gian lâu dài, do gây dựng mà nên, vì vậy người viết không thể sử dụng bổ ngữ là các tính từ mang sắc thái thời gian ngắn hạn như temporary (tạm thời) hay part-time (bán thời gian). Những động từ mang sắc thái dài hạn như “gây dựng”, “phát triển” cũng có thể được sử dụng với danh từ career nhưng lại không phù hợp với những danh từ nghề nghiệp nói chung như work hay occupation.

Ví dụ: Some people go abroad to further their career after finishing college in Vietnam. (Một số người ra nước ngoài để phát triển sự nghiệp sau khi học xong đại học ở Việt Nam.)

Income – salary – wage

Định nghĩa

Income: là nguồn thu nhập của một người nào đó.

Salary: khoản tiền lương mà một người được nhận khi hoàn thành công việc của mình, thường được chi trả mỗi tháng,

Wage: khoản tiền công được trả theo tuần cho người lao động.

Lưu ý khi sử dụng

Người viết trước hết cần lưu ý rằng danh từ income không có nghĩa tương đương với wagesalary, bởi thu nhập không nhất thiết phải gắn liền với nghề nghiệp. Thu nhập của một cá nhân không chỉ đến từ công việc (tiền lương) mà còn có thể đến từ hoạt động đầu tư. Vì vậy, salarywage chỉ là một phần trong cấu trúc thu nhập của một cá nhân.

Đều là khoản tiền chi trả cho một người sau khi hoàn thành công việc nhưng giữa salarywage tồn tại những điểm khác biệt cơ bản như: tính chất công việc và tần suất chi trả. Các công việc hưởng tiền lương (salary) thường yêu cầu trình độ chuyên môn và học vấn nhất định hoặc làm công việc văn phòng. Trong khi đó, những công việc hưởng tiền công (wage) thường liên quan đến một kỹ năng đặc biệt hoặc cần thể chất tốt, không yêu cầu bằng cấp. Ví dụ: sinh viên đại học thường đi làm thêm và hưởng tiền công (wage). Bên cạnh đó, xét về tần suất, khoản tiền lương (salary) được chi trả hàng tháng còn tiền công (wage) được nhận theo từng tuần.

Ví dụ

  1. Investment in the stock market can be a potential source of income besides one’s permanent work. (Đầu tư vào thị trường chứng khoán có thể là một nguồn thu nhập tiềm năng bên cạnh công việc cố định của một người.)

  2. For some people, salary is a crucial factor to consider when selecting jobs, while for others, a healthy working environment is more important. (Đối với một số người, tiền lương là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn công việc trong khi đối với những người khác, môi trường làm việc lành mạnh còn quan trọng hơn.)

  3. The workers in the factory may cease production if they are paid low wages. (Các công nhân trong nhà máy có thể ngưng sản xuất nếu họ bị trả tiền công thấp.)

tu-dong-nghia-chu-de-work-factory

Employee – staff – labor

Employee (danh từ đếm được): một người nhân viên.

Staff (thường dùng ở dạng số ít, không đếm được) chỉ toàn bộ nhân viên trong một doanh nghiệp, tổ chức nào đó.

Labor (danh từ không đếm được): lực lượng lao động của một quốc gia hay doanh nghiệp, tổ chức nào đó.

Lưu ý khi sử dụng

Ba danh từ này đều miêu tả nhân viên nhưng ở quy mô khác nhau: employee là cá nhân người lao động, trong khi staff chỉ toàn thể nhân viên của một doanh nghiệp, còn labor chỉ nguồn lao động của cả một khu vực, hay một đất nước, một xã hội. Nói cách khác, labor bao hàm staff, còn staff bao hàm employee. Người viết cần lưu ý về phạm vi vấn đề/hiện tượng mà đề bài bàn tới và quan điểm của đề bài được đưa ra ở góc nhìn của một người lao động, của doanh nghiệp/tổ chức hay của chính phủ/cơ quan có thẩm quyền; từ đó sử dụng danh từ phù hợp.

Ví dụ

  1. A new employee must participate in training to become familiar with their duties and working environment. (Một nhân viên mới phải tham gia đào tạo để làm quen với các nhiệm vụ và môi trường làm việc của họ.)

  2. Virtual meetings are important for companies to connect with their staff in the context of COVID-19. (Các cuộc họp trực tuyến rất quan trọng để các công ty kết nối với toàn thể nhân viên của họ trong bối cảnh COVID-19.)

  3. Providing free access to education can improve the quality of the labor force of a country. (Cung cấp cơ hội tiếp cận giáo dục miễn phí có thể cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia.)

Degree – qualification

 tu-dong-nghia-chu-de-work-degree

Định nghĩa

Degree (danh từ đếm được) là bằng cấp mà sinh viên đạt được sau khi tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng.

Qualification (danh từ đếm được) được từ điển Cambridge định nghĩa là bằng cấp cho thấy một người đã hoàn thành một khóa đào tạo hoặc bằng cấp chứng nhận trình độ của người đó ở một lĩnh vực nào đó.


Lưu ý khi sử dụng

Giữa degreequalification có sự khác biệt về đối tượng và phạm vi áp dụng. Degree chỉ là tấm bằng do trường đại học hoặc cao đẳng cấp cho sinh viên đã hoàn thành chương trình học, trong khi qualification là danh từ có nét nghĩa chung hơn: bất cứ ai cũng có thể nhận bằng cấp do bất cứ tổ chức nào cấp phát, sau khi họ hoàn thành một khóa đào tạo hay đạt trình độ nào đó được tổ chức đó kiểm chứng và ghi nhận. Ví dụ, một giáo viên hoàn thành khóa đào tạo về nghiệp vụ sư phạm do Hội đồng Anh tố chức có thể nhận được bằng cấp (qualification) xác nhận sự tham gia của người đó.

Ví dụ

  1. Many people pursue a degree in Banking because they believe that job opportunities in the banking sector are abundant. (Nhiều người theo đuổi tấm bằng đại học ngành Ngân hàng vì họ tin rằng cơ hội việc làm trong lĩnh vực ngân hàng rất phong phú.)

  2. It is believed that the more qualifications one has, the more likely he is to get a well-paid job. (Nhiều người tin rằng càng có nhiều bằng cấp thì người đó càng có khả năng cao kiếm được một công việc trả lương hậu hĩnh. )

Unskilled – blue-collar

Định nghĩa

Unskilled (tính từ) được định nghĩa là: phổ thông, không đòi hỏi kỹ năng đặc biệt hay đào tạo chuyên môn.

Blue-collar (tính từ) thường được dùng để chỉ những công việc yêu cầu thể lực trong một ngành công nghiệp nào đó.

Lưu ý khi sử dụng

Cả hai từ đồng nghĩa chủ đề Work này đều thường được dùng cùng danh từ chỉ nghề nghiệp như work hay occupation. Tuy nhiên, người viết cần lưu ý rằng yêu cầu của công việc mà hai tính từ này mô tả là khác nhau: công việc không yêu cầu kỹ năng đặc biệt thì khác với công việc đòi hỏi thể lực trong ngành công nghiệp như sản xuất, xây dựng. Ví dụ, người bồi bàn tại nhà hàng làm trong ngành dịch vụ đang thực hiện “unskilled work” trong khi người công nhân xây dựng làm việc tại công trường thì đang đảm đương “blue-collar work” bởi anh ấy phải làm công việc nặng nhọc sử dụng thể lực. 

Ví dụ

  1. Due to the closure of restaurants and malls in the context of COVID-19, many unskilled workers lose their income. (Do tình trạng đóng cửa các nhà hàng và trung tâm thương mại trong bối cảnh COVID-19, nhiều lao động phổ thông bị mất thu nhập.)

  2. Blue-collar workers typically work in factories or on construction sites. (Người lao động chân tay thường làm việc trong các xí nghiệp hoặc trên các công trường xây dựng.)

Đọc thêm: Những từ đa nghĩa chủ đề Work thường dùng trong IELTS Writing Task 2

Tổng kết

Bài viết trên đã phân tích định nghĩa, lưu ý cách sử dụng và đưa ra ví dụ để hỗ trợ người đọc phân biệt các từ đồng nghĩa chủ đề Work và ứng dụng trong IELTS Writing Part 2. Người đọc nên tham khảo các phương pháp ghi nhớ từ mới như Spaced Repetition và Mnemonics hoặc phương pháp học từ mới theo ngữ cảnh để nhớ các từ đã cho lâu hơn và sử dụng chúng một cách nhuần nhuyễn trong bài viết.

Để đánh giá chính xác trình độ IELTS hiện tại của bản thân, tham gia thi thử IELTS tại ZIM Academy với format bài thi chuẩn thi thật.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

3.5 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu