Cách khắc phục lỗi thừa và thiếu “s” trong bài thi IELTS Listening

Bài viết sẽ phân tích các nguyên nhân lỗi thừa và thiếu “s” trong bài thi IELTS Listening cũng như giới thiệu một số phương pháp và lưu ý để thí sinh có thể khắc phục hạn chế của mình.
cach khac phuc loi thua va thieu s trong bai thi ielts listening

Các thí sinh thường gặp lỗi điền từ “s” trong IELTS Listening trong dạng bài điền từ. Người học IELTS bất kể trình độ thường mắc lỗi này vì một số nguyên nhân như ảnh hưởng từ Tiếng Việt hay chưa có phản xạ nghe âm cuối và chưa nắm chắc các yếu tố liên quan đến ngữ pháp cũng như ngữ cảnh của bài nghe. Bài viết sẽ phân tích các nguyên nhân này cũng như giới thiệu một số phương pháp và lưu ý để thí sinh có thể khắc phục hạn chế của mình.

Key Takeaways

lỗi điền từ “s” trong IELTS Listening bắt nguồn từ việc người học chưa nghe chủ động hoặc chưa xác định được danh từ số ít và số nhiều. Lỗi này có thể khắc phục bằng các bước như sau:

  1. Bước 1: Trước khi nghe và trong khi đọc đề bài người học cần xác định dạng từ cần điền và đánh dấu sao vào những vị trí có thể là danh từ.

  2. Bước 2: Trong khi nghe người học cần đặc biệt chú ý đến các vị trí đánh dấu sao để có thể chủ động nghe được âm cuối của danh từ.

  3. Bước 3: Sau khi nghe xong người học cần phân tích các yếu tố liên quan đến ngữ pháp và ngữ cảnh cho các đáp án không chắc chắn.

  4. Bước 4: Nếu đang luyện tập ở nhà thì người học nên nghe lại và rút kinh nghiệm cho những câu sai.

Tầm quan trọng của việc xác định danh từ số ít và số nhiều

Trong bài thi IELTS Listening, điền từ là một dạng bài phổ biến trong Section 1 và Section 4. Thí sinh sẽ được cho trước một đoạn tóm tắt bài nghe với những chỗ trống và sẽ được yêu cầu điền vào chỗ trống đó với các từ đã nghe được. Các từ này thường thuộc các dạng: danh từ, động từ, tính từ… Trong đó, đặc biệt ở dạng danh từ, nếu thí sinh xác định sai dạng số ít hoặc số nhiều thì dù đã điền đúng danh từ, thí sinh cũng không được tính điểm cho câu trả lời.

Ví dụ:

  1. (Children only) Making 6…………………………………. (Trích Cambridge 15 - Practice Test 2 – Section 1)

Trong bài nghe thí sinh sẽ nghe được đoạn thông tin: “Another workshop is just for children, and that’s on creating posters to reflect the history of the town.” Sau khi nghe, thí sinh điền được đáp án là “poster” tuy nhiên nếu không điền đúng ở dạng số nhiều là “posters” như trong bài nghe, thí sinh sẽ không được tính điểm cho câu đó. Bởi vậy, việc nghe và xác định danh từ số ít và số nhiều rất quan trọng trong dạng bài điền từ.

Nguyên nhân của lỗi điền từ “s” trong IELTS Listening

Việc thí sinh xác định sai danh từ số ít và số nhiều, hay lỗi điền từ “s” trong IELTS Listening có thể do một số nguyên nhân sau:

image-alt

Do ảnh hưởng từ cách phân biệt số ít và số nhiều trong Tiếng Việt

Tiếng mẹ đẻ thường có ảnh hưởng lớn tới quá trình học ngôn ngữ của con người. Trong Tiếng Việt, nếu muốn truyền tải thông tin về lượng ít hay nhiều của sự vật, hiện tượng, người học chỉ cần thêm các lượng từ vào trước danh từ như: “những”, “các”, “vài”, “mỗi”, “mọi”… Tuy nhiên trong Tiếng Anh, người học cần phải thêm “s” hoặc “es” vào sau các danh từ này để biểu thị số nhiều. Phần này trong ngôn ngữ nói sẽ được phát âm thành các ending sounds (âm cuối) ở ba dạng /s/, /z/ và /iz/.

Ví dụ: hai cụm từ “những con mèo” và “cats” hoàn toàn mang ý nghĩa giống nhau trong hai ngôn ngữ, tuy nhiên điểm khác biệt ở đây là dấu hiệu chỉ số nhiều đứng ở trước hoặc sau danh từ.

Bởi vậy, có thể do ảnh hưởng từ phản xạ trong Tiếng Việt, người học thường chỉ chú ý bản thân danh từ hoặc những từ đứng trước để biểu đạt số nhiều như “many”, “ a number of”, “some”… mà chưa có thói quen để ý tới các ending sounds để phân biệt số lượng, dẫn đến việc điền sai dạng từ hay thừa hoặc thiếu “s” và “es”.

Do chưa có phản xạ nghe âm cuối

Một phần do ảnh hưởng của Tiếng Việt nên trong khi nghe, thí sinh thường chưa chú trọng vào luyện tập việc nghe và xác định số ít và số nhiều. Đặc biệt, một số thí sinh thường có thói quen nghe và bắt keyword. Bởi vậy, khi đã nghe được từ cần điền, người học thường sẽ chỉ tập trung vào từ đó mà không chú trọng việc nghe các âm cuối hoặc các thông tin xung quanh, dẫn đến việc lựa chọn và điền đáp án sai.

Hơn nữa, một số nghiên cứu khoa học liên quan đến bộ não và khả năng nghe như nghiên cứu của Baart và Samuel (2014) chỉ ra rằng não bộ có khả năng dự đoán từ tự động trước khi nghe hoặc sau khi nghe được âm tiết đầu tiên của từ. Ví dụ, để nghe được từ “poster” ở trên, ngay khi nghe được âm “post” trong từ, chỉ trong một thời gian rất ngắn, bộ não có thể tự động đưa ra một số dự đoán như “post”, “postal”, “poster”.

Đây là một chức năng của não bộ để khiến việc nghe hiểu được dễ dàng hơn, xảy ra sau khi não bộ đã có sự tiếp xúc nhất định với một ngôn ngữ. Như vậy, sau khi nghe được từ “poster” như đã dự đoán, thêm vào đó là thói quen từ Tiếng Việt, người học sẽ có xu hướng tập trung vào chính từ đó mà không để ý đến âm cuối của từ đã nghe. Phần sau của bài viết sẽ hướng dẫn người học các bước nghe hiểu và một số phương pháp luyện tập để khắc phục lỗi điền từ “s” trong IELTS Listening.

Do chưa nắm chắc các yếu tố liên quan đến ngữ pháp và chưa để ý tới ngữ cảnh

Trong phần thi Listening nói riêng và việc nghe hiểu nói chung, ngoài việc nghe chủ động các ending sounds để phân biệt dạng danh từ, người học cũng có thể để ý tới ngữ cảnh được sử dụng của từ đó để xác định số ít và số nhiều. Nếu không nghe được âm cuối và chưa nắm chắc các yếu tố về ngữ pháp như mạo từ, động từ “to be”, danh từ đếm được và không đếm được… cũng như ngữ cảnh thì người học khó có thể xác định được dạng đúng của từ. Phần sau của bài viết sẽ giới thiệu cho người học một số cách xác định từ cần điền dựa vào ngữ pháp và ngữ cảnh trong bài nghe.

Cách khắc phục lỗi điền từ “s” trong IELTS Listening

Một số lưu ý về ngữ pháp và ngữ cảnh trong bài nghe giúp xác định từ cần điền

image-alt

Xác định vị trí của danh từ

Trong thời gian đọc đề bài, người học cần xác định được các từ loại cần điền và đặc biệt chú ý những chỗ trống có thể là danh từ để xác định các ending sounds hoặc phân tích nhanh các yếu tố liên quan đến ngữ pháp và ngữ cảnh để điền danh từ số ít hoặc số nhiều. Danh từ thường đứng ở các vị trí sau đây:

Đứng đầu câu làm chủ ngữ và đứng trước động từ chính. Ví dụ:

  1. Insects usually feed on these leaves.

  2. Water was used to wash off dirt.

Đứng sau các tính từ. Ví dụ:

  1. We can find suitable jobs for you.

  2. A lack of awareness is the major factor in the outbreaks of disease.

Đứng ở vị trí tân ngữ, sau động từ. Ví dụ:

  1. The children will make posters for the event.

  2.  I get tickets online.

Đứng sau các mạo từ: “a”, “an”, “the” trong câu. Ví dụ:

  1. I would like to book a room.

  2. The air-conditioner needs to be fixed.

Đứng sau các từ sở hữu như “my”, “your”, “her” … và các từ sở hữu cách. Ví dụ:

  1. You can find our restaurant right after you enter at the gate.

  2. My sister’s shows were broadcasted last month.

Đứng sau các từ hạn định như “this”, “that”, “each”, “every”, “few”, “little”… Ví dụ:

  1. You need to finish these reports.

  2. We only have a few rooms left.

Đứng sau các giới từ như “in”, “on”, “with”, “about”… Ví dụ:

  1. Less time is involved in applying for jobs.

  2. My son is good at Mathematics.

Phân biệt danh từ đếm được và không đếm được

Khi đã xác định được vị trí của danh từ, người học cần xác định loại danh từ. Trong Tiếng Anh, danh từ có thể được chia làm hai loại: danh từ đếm được và danh từ không đếm được. Danh từ đếm được là những danh từ có thể dùng với số đếm, ở dạng số nhiều sẽ cần thêm “s” hoặc “es”. Còn danh từ không đếm được thì ngược lại, người học không thể sử dụng với số đếm và không có dạng số nhiều hay thêm “s” hoặc “es”. Một số danh từ không đếm được thông dụng mà người học có thể mắc lỗi sai khi thêm “s” trong bài nghe là:

  1. Danh từ chỉ chất lỏng: milk, water, juice, tea, wine, oil…

  2. Danh từ chỉ thức ăn và gia vị: sugar, salt, meat, soup, rice…

  3. Danh từ chỉ những khái niệm trừu tượng: help, information, happiness, knowledge, humour…

  4. Danh từ chỉ các lĩnh vực, môn học: music, history, literature… (Ngoài ra đối với các môn như Mathematics, Politics, Physics thì bản thân các danh từ này luôn có “s”)

  5. Danh từ chỉ hiện tượng tự nhiên: thunder, snow, wind, heat, light, air …

  6. Một số danh từ không đếm được phổ biến khác: money, advice, furniture, transportation, equipment, clothing, energy, advertising...

=> Người học cần nắm được các dạng danh từ không đếm được trong Tiếng Anh để tránh mắc lỗi sai khi thêm “s”

Ngoài ra, người học cũng cần chú ý một số quy tắc khi thêm “s” hoặc “es” ở danh từ đếm được:

Danh từ số nhiều tận cùng là “o”, “s”, “x”, “z”, “ch”, “sh” thì cần thêm “es” (Và thường có âm cuối là /iz/) như:

  1. Watch -> watches

  2. Tomato -> tomatoes

  3. Kiss -> kisses

  4. Box -> boxes

Danh từ tận cùng là “f” hoặc “fe” thì bỏ các đuôi này rồi thêm “ves” như:

  1. Knife -> knives

  2. Wolf -> wolves

  3. Leaf -> leaves

Tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ như: roofs, beliefs, cliffs.

Danh từ tận cùng là đuôi “y” thì chia làm hai trường hợp

TH1: Nếu trước “y” là một phụ âm, người học cần bỏ “y” thêm “ies”. Ví dụ:

  1. Sky -> skies

  2. Country -> countries

TH2: Nếu đứng trước “y” là một nguyên âm, người học chỉ cần thêm “s”. Ví dụ:

  1. Boy -> boys

  2. Day -> days

Một số danh từ đặc biệt không thêm “s” ở dạng số nhiều: aircraft, sheep, fish.

Các danh từ còn lại thì người học thêm “s” vào tận cùng như bình thường.

Phân biệt danh từ dựa vào mạo từ

Mạo từ là một trong số những dấu hiệu trong ngữ cảnh bài nghe và câu hỏi giúp thí sinh có thể nhận biết được loại danh từ. Người học có thể lưu ý một số quy tắc sau đây:

  1. Nếu không có mạo từ nào đứng trước danh từ thì từ cần điền thường sẽ là số nhiều, trừ trường hợp danh từ đó là danh từ không đếm được hoặc một số trường hợp đặc biệt khác.

  2. Nếu đứng trước danh từ là các mạo từ không xác định “a” hoặc “an” thì người đọc sẽ điền danh từ số ít đếm được vào chỗ trống.

  3. Nếu đứng trước danh từ là mạo từ “the” thì từ cần điền có thể là cả danh từ số ít và số nhiều nên thí sinh cần xét tới cả những điều kiện khác.

Phân biệt danh từ dựa vào động từ To be

Người học có thể dễ dàng phân biệt loại danh từ số ít hoặc số nhiều dựa vào động từ To be đi kèm với danh từ đó:

Nếu trong bài nghe hoặc trong câu hỏi, danh từ đi kèm với các động từ To be “is” và “was” thì chỗ trống cần điền sẽ là danh từ số ít hoặc danh từ không đếm được. Người học không được thêm “s” trong các trường hợp này. Ví dụ:

  1. Sugar is used as a sweetener all over the world.

  2. There was an accident on this street.

Ngược lại nếu danh từ đi kèm với các động từ To be “are” và “were” thì danh từ đó sẽ là danh từ số nhiều.

Phân biệt danh từ dựa ngữ cảnh

Ngoài những lưu ý liên quan đến ngữ pháp nói trên, người học cũng có thể sử dụng các thông tin trong ngữ cảnh để dự đoán dạng từ cần điền như sau:

Nếu các danh từ xung quanh danh từ cần điền đều có dạng số nhiều thì chỗ trống có nhiều khả năng sẽ là danh từ số nhiều. Ví dụ:

  1. These exercises can help to strengthen your ………………….. and muscles.

Ở câu trên, nếu danh từ người học nghe được là “bone” và chưa kịp để ý tới âm cuối để phân biệt loại danh từ, người học có thể chú ý một số dấu hiệu từ ngữ cảnh và dựa vào kinh nghiệm để điền từ vào chỗ trống. Ở đây, danh từ đứng phía sau là “muscles” (cơ bắp) đang ở dạng số nhiều, và các bài tập thường không thể làm cho một chiếc xương nhất định trong cơ thể săn chắc lên. Bởi vậy, đáp án đúng ở đây có thể là “bones” ở dạng số nhiều.

Ngoài ra người học có thể luyện tập suy luận từ ngữ cảnh trong các bài nghe. Ví dụ:

  1. During the workshop, you can have a chance to meet an expert on …………………….

Nếu nghe được danh từ “insect” và không phân biệt được dạng số ít hoặc số nhiều, người học nên để ý đến những thông tin trong ngữ cảnh nói trên. “An expert” - một chuyên gia về côn trùng thì thường sẽ phải là dạng số nhiều “insects” – những loài côn trùng. Hơn nữa, nếu chuyên gia này chỉ chuyên về một loại côn trùng thì phía trước danh từ cần có thêm mạo từ “a” và phía sau có thể sẽ giải thích thêm loại côn trùng này là gì.

Trong một số trường hợp đặc biệt, người nói có thể nối âm /s/ ở cuối danh từ vào âm /s/ của từ phía sau, khiến người nghe khó có thể xác định dạng đúng của danh từ. Lúc này, việc dựa vào ngữ cảnh để điền đúng danh từ số ít hay số nhiều là rất quan trọng. Ví dụ:

  1. To help the charity, many people are donating money or useful objects like ………………… So if you wish to give something please get in touch.

Ở đoạn thông tin trên, từ mà người học nghe được sẽ là “bicycles”. Tuy nhiên, từ liền ngay sau danh từ “bicycle” lại là từ “so” có âm vị đầu tiên là /s/. Vậy nên trong ngôn ngữ nói, người bản xứ sẽ có xu hướng nối hai âm /s/ lại với nhau, khiến người học khó có thể xác định dạng đúng của danh từ. Trong trường hợp này, khi để ý tới ngữ cảnh, người học sẽ thấy “bicycle” là ví dụ được nêu của “useful objects” ở dạng số nhiều. Hơn nữa, thông tin về việc nhiều người “donate” (quyên góp) cho quỹ từ thiện cũng khiến danh từ “bicycle” ở đây là dạng số nhiều sẽ hợp lý với ngữ cảnh bài nghe hơn.

Các bước làm bài nghe để khắc phục vấn đề

Để khắc phục lỗi thừa và thiếu “s” hay “es” trong bài nghe, người học có thể cân nhắc luyện tập theo các bước sau để có thể làm câu hỏi điền danh từ hiệu quả hơn:

image-alt

  1. Bước 1: Trong thời gian đọc câu hỏi cần xác định các loại từ cần điền

Bước này rất quan trọng để người học có sự chuẩn bị tâm lý trước khi nghe. Trong quỹ thời gian ngắn để đọc đề bài, người học nên đánh dấu sao những vị trí có thể là danh từ để tập trung chú ý hơn, tránh mắc lỗi sai khi nghe câu đó. Người học có thể tham khảo phần trên của bài viết và luyện tập để tối ưu hóa thời gian, xác định đúng các dạng từ cần điền trước khi nghe.

  1. Bước 2: Trong khi nghe cần chú ý vị trí của những danh từ cần điền

Ở những vị trí danh từ đã đánh dấu sao, khi nghe người học cần đặc biệt chú ý hơn và hạn chế phương pháp nghe chỉ bắt keyword để có thể nghe được cả âm cuối của từ. Đối với những danh từ kết thúc bởi các đuôi “o”, “s”, “x”, “z”, “ch”, “sh” đã được đề cập ở phần trên, người học sẽ dễ dàng xác định danh từ số nhiều hơn bởi những danh từ này sẽ được thêm “es” và cộng thêm một âm tiết /iz/ ở cuối. Ví dụ “watch” vốn có một âm tiết là /wɑːtʃ/ tuy nhiên ở dạng số nhiều sẽ được phát âm thành hai âm tiết là /wɑːtʃ - ɪz/ nên rất dễ phân biệt. Tuy nhiên các từ còn lại sẽ chỉ có âm cuối là /s/ hoặc /z/ nên người học cần phải nghe chủ động thì mới có thể nhận biết được âm này.

  1. Bước 3: Trong thời gian điền đáp án cần phân tích thêm những yếu tố liên quan đến ngữ pháp và ngữ cảnh cho những câu trả lời không chắc chắn.

Sau mỗi Section trong bài thi IELTS Listening, người học sẽ được cho thêm 30 giây để kiểm tra lại đáp án hoặc ở phần cuối bài thi cũng có 10 phút để thí sinh điền đáp án vào Answer sheet. Lúc này, người học có thể vận dụng những lưu ý liên quan đến ngữ cảnh và ngữ pháp đã được nhắc đến ở phần trên của bài viết để suy luận dạng đúng của các đáp án còn chưa chắc chắn.

  1. Bước 4: Sau khi làm xong, nếu người học đang luyện tập ở nhà thì nên kết hợp việc nghe lại bài nghe lần thứ hai trước khi so sánh với đáp án để tự kiểm tra lại các từ mà mình đã điền. Nếu người học vẫn mắc lỗi sai thì cần ghi chú lại câu đó và phân tích thêm các yếu tố liên quan đến ngữ pháp và ngữ cảnh, cũng như nghe lại phần bị sai để rút kinh nghiệm ở các bài sau.

Phương pháp để luyện tập thêm kĩ năng nghe xác định số ít số nhiều

Một phương pháp khá truyền thống để luyện tập kỹ năng nghe nói chung và kỹ năng nghe âm cuối nói riêng, nhằm giúp ích cho việc xác định dạng đúng của danh từ là phương pháp nghe chép chính tả. Người học sẽ chuẩn bị trước một bài nghe ngắn và ghi chép lại những gì mình nghe được trong khi tạm dừng bài nghe.

Tuy nhiên, để chủ động luyện tập kỹ năng nghe âm cuối, người học nên chọn một bài nghe có độ dài vừa phải và đặt mục tiêu nghe cẩn thận, không bỏ sót các âm cuối. Sau khi nghe chép chính tả, người học so sánh phần đã chép với transcript của bài nghe để kiểm tra và rút kinh nghiệm.

Đọc thêm: Basic IELTS Listening: Những điều cần lưu ý và hướng dẫn sử dụng sách

Tổng kết

Qua bài viết, người học có thể đã nắm được nguyên nhân của lỗi điền từ “s” trong IELTS Listening. Người học cần luyện tập thêm để khắc phục hạn chế bằng cách luyện tập nghe chủ động cũng như trau dồi các khía cạnh ngôn ngữ liên quan đến ngữ pháp và phân tích ngữ cảnh của bài nghe. Sau khi làm bài xong người học nên tự nghe lại để kiểm tra đáp án và rút kinh nghiệm cho những câu sai để không mắc phải lỗi đó trong các bài tiếp theo.

Tham khảo thêm khóa học IELTS online để được trải nghiệm quá trình học tập theo nhu cầu cá nhân và giải đáp những khó khăn gặp phải.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu