Banner background

Phân tích lỗi phổ biến khi học viên dịch từng từ thay vì hiểu ý tổng quát

Bài viết đưa ra phân tích những lỗi dịch thuật mà người học thường mắc phải, đặc biệt là lỗi dịch từng từ. Từ những phân tích đó, bài viết cung cấp giải pháp cải thiện kỹ năng dịch thuật cũng như đọc hiểu để người học phát triển kỹ năng ngoại ngữ của mình.
phan tich loi pho bien khi hoc vien dich tung tu thay vi hieu y tong quat

Key takeaways

  • Nhiều học viên mắc lỗi dịch từng từ do thói quen tư duy ngôn ngữ mẹ đẻ, hạn chế vốn từ và ngữ pháp. 

  • Các lỗi phổ biến như dịch sai trật tự, hiểu sai ý nghĩa, và tạo ra câu văn không tự nhiên.

  • Để cải thiện, học viên cần tập trung vào việc hiểu ý tổng quát thay vì từng từ.

Trong quá trình học ngoại ngữ, việc trau dồi kỹ năng dịch văn bản đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cách tiếp cận đúng đắn với kỹ năng này, đặc biệt là những người học ngoại ngữ trong giai đoạn đầu. Cụ thể, người học thường có xu hướng dịch từng từ “word-for-word” thay vì dịch theo ngữ cảnh trong câu. Điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên mục đích đọc hiểu “reading comprehension”. Hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng đọc hiểu trong tiếng Anh, bài viết sau sẽ phân tích các lỗi dịch từng từ phổ biến trong kỹ năng dịch Anh - Việt của người học Việt Nam và cung cấp giải pháp cải thiện kỹ năng này.

Các lỗi dịch phổ biến với người học Việt Nam

Theo nghiên cứu của Popescu (2013) (trích trong Common errors committed by linguistic students when translating from English into Vietnamese, bởi Pham Thi Kim Cuc, Truong Thi Thuy Ninh), lỗi dịch phổ biến bao gồm 3 loại: linguistic errors (tạm dịch: lỗi ngôn ngữ), comprehension errors (tạm dịch: lỗi đọc hiểu), and translation errors (tạm dịch: lỗi dịch thuật). Và theo tác giả, 2 lỗi dịch phổ biến nhất của người học ngôn ngữ là lỗi ngôn ngữ và lỗi dịch thuật.

Trong một nghiên cứu khác về các lỗi dịch của người học Việt Nam, tác giả Lan Le (2006) đã chỉ ra lỗi dịch “không tự nhiên” (the translation unnaturalness) từ tiếng Anh sang tiếng Việt thường xuyên được bắt gặp trong quá trình học ngoại ngữ, một lỗi gây cho người đọc sự khó hiểu và bối rối, chứ không hoàn toàn dịch sai với nguyên bản. Theo tác giả, nguyên nhân đến từ 2 khía cạnh: năng lực ngoại ngữ và văn hoá.

Các yếu tố về năng lực ngoại ngữ, sự giới hạn cả ngôn ngữ nước ngoài và ngôn ngữ mẹ đẻ là một trong những nguyên nhân chủ chốt gây cản trở kỹ năng dịch của người học.

Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hoá cũng đem lại những khó khăn đáng kể, khi người dịch không hiểu rõ ngữ cảnh của bài đọc vì thiếu kiến thức về phong cách sống cũng như phong tục của người bản xứ.

Tác giả Do (2018) cũng đã tiến hành nghiên cứu những bài tập dịch thuật của sinh viên Việt Nam và đánh giá tính chính xác của những sản phẩm này. Sau khi xem xét, kết quả cho thấy rằng có một lượng lớn những lỗi sai dịch thuật gây ra do kỹ thuật dịch từng từ và sự ảnh hưởng của tiếng Việt.

Trong các nghiên cứu trên, các tác giả cũng phân tích nguyên nhân dẫn đến thói quen dịch từng từ của người học Việt Nam. Một trong những lý do chính dẫn đến thói quen dịch theo đơn vị từ là do tư duy theo ngôn ngữ mẹ đẻ.

Cụ thể, khi học ngoại ngữ, đa số người học có xu hướng dựa vào cách hiểu của ngôn ngữ mẹ đẻ để trình bày ý tưởng. Việc này dẫn đến sự tập trung quá mức vào nghĩa của từng từ thay vì cân nhắc ngữ cảnh chung của cả câu.

Ví dụ, một vài người học thường cố gắng dịch từng từ thay vì phân tích ngữ cảnh của cả câu điều này làm giảm khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt của người học.

Bên cạnh đó, sự hạn chế về vốn từ vựng và cấu trúc ngữ pháp cũng góp phần lớn vào thói quen dịch từ sang từ. Trong tình huống người học không có vốn từ đa dạng, đặc biệt chưa biết nhiều từ đồng nghĩa hay cụm từ (collocation), họ sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong việc đọc hiểu và biểu đạt câu một cách tự nhiên.

Hạn chế về kiến thức ngữ pháp cũng gây ra khó khăn trong việc xác định chức năng và mối quan hệ giữa những từ trong câu, điều này sẽ dẫn đến việc dịch sai nghĩa và dụng ý của tác giả, cản trở việc đọc hiểu của người học.

Các tác giả cũng lưu ý trong nghiên cứu của mình về áp lực hiểu từng từ của người học trong quá trình học ngoại ngữ, đây cũng là nguyên nhân hình thành thói quen dịch từng từ. Cụ thể, người học thường sợ rằng nếu họ bỏ lỡ việc dịch một từ nhất định sẽ ảnh hưởng đến việc hiểu cả câu.

Sự lo lắng này làm người học luôn muốn dịch từng từ một thay vì tập trung vào thông điệp chung của cả đoạn văn. Kết quả là, họ thường gặp khó khăn trong giao tiếp tiếng Anh hoặc đọc hiểu, do không thể điều chỉnh cách hiểu theo ngữ cảnh thực tế.

Những nguyên nhân trên không chỉ cản trở quá trình phát triển năng lực ngoại ngữ, mà còn làm người học mất đi sự tự tin trong quá trình học. Đặc biệt trong các lớp luyện thi, người học mất nhiều thời gian đọc hiểu một đoạn văn dài do phương pháp dịch không phù hợp.

Vì vậy, họ không đủ thời gian giải quyết các câu hỏi đọc hiểu, dẫn đến giảm sút điểm số.

Phân tích chi tiết các lỗi dịch

Các lỗi dịch phổ biến

Lỗi ngữ pháp

Trong một bài viết của của trang Localize, tác giả Rod Austin đã phân tích lỗi dịch từ ở góc nhìn ngữ pháp. Cụ thể, tác giả nêu ra sự khác biệt về cú pháp (syntax) và ngữ pháp giữa những ngôn ngữ, điều mà người dịch cần đặc biệt lưu ý trong quá trình dịch. Trong khi dịch, họ phải ghi nhớ sự khác biệt về chính tả, sự hoà hợp chủ ngữ, tân ngữ và động từ và cấu trúc câu.

Đôi khi, đều sử dụng một ngôn ngữ, các vùng khác nhau sẽ có cách hình thành câu theo trật tự ngữ pháp và cú pháp một cách riêng biệt. Tác giả Rod Austin cũng đưa ra ví dụ về tiếng Anh-Anh và Anh-Mỹ.

Trong tiếng Anh-Mỹ, danh từ tập hợp (collective noun) thường được xem là số ít, như “the band is playing”, ngược lại, người Anh thường nhìn nhận những danh từ này là số nhiều “the band are playing”.

Trong nghiên cứu của Pham Thi Kim Cuc và Truong Thi Thuy Ninh (2020), các tác giả đã phân tích lỗi dịch cho chưa nắm rõ cấu trúc câu của người học. Với câu “Of remote Madagascar, the wider world holds two principal landscape impressions”, người học đưa ra bản dịch như sau: “Ở vùng Madagascar xa xôi, thế giới rộng lớn thu bé trọn vẹn trong hai cảnh tượng chính”.

Ở ví dụ câu này, tác giả muốn truyền tải rằng “điều khiến Madagascar xa xôi gây ấn tượng với thế giới rộng lớn chính là hai cảnh quan chính”. Trong một buổi phỏng vấn với học viên mắc lỗi này, họ chia sẻ rằng họ không thể xác định chức năng của cụm “of remote Madagascar” trong câu. Do đó, câu văn này rất khó hiểu với người học, dẫn đến việc dịch sai xảy ra.

Nguyên nhân một lần nữa do những hạn chế về kiến thức ngữ pháp và vốn từ vựng gây ra việc khó nắm bắt mối liên hệ giữa các thành phần trong câu. Việc dịch sát từng từ mà không xem xét ngữ cảnh cụ thể cũng góp phần vào việc hiểu sai ý nghĩa. Trong cùng một bài viết, các tác giả tiếp tục cung cấp thêm các ví dụ lỗi dịch sai do việc phân tích sai cấu trúc câu:

Câu gốc: “But there is another dimension of Madagascar little known to the world outside and even to most of Malagasy people ...”

Bản dịch sai: “Nhưng có một nơi khác của Madagascar nhỏ bé mà thế giới và mọi người Malagasy đều biết đến ...”

Trong trường hợp này, người học không hiểu chức năng của cụm “little known to the world outside and even to most of Malagasy people ...” như một thành phần bổ nghĩa cho cụm danh từ “dimension of Madagascar”. Thay vào đó, đa số người học nghĩa rằng từ “little” bổ nghĩa cho “Madagascar”, dẫn đến việc dịch sai thành “Madagascar nhỏ bé”.

Trong phỏng vấn phục vụ cho bài nghiên cứu, người học thừa nhận rằng họ không nhận ra đây là cấu trúc mệnh đề quan hệ rút gọn, và đây chính là nguyên nhân gây ra sự hiểu sai và dịch sai câu văn này. Nếu câu gốc được viết đầy đủ thành “But there is another dimension of Madagascar which is little known to the world outside and even to most of Malagasy people ...”, thì người học sẽ dịch chính xác thông điệp mà tác giả muốn truyền tải hơn.

Ví dụ này cho thấy rằng, việc thiếu kiến thức cấu trúc ngữ pháp phức tạp, chẳng hạn như mệnh đề quan hệ rút gọn, khiến học viên dễ rơi vào việc dịch từ một và hiểu sai ý nghĩa tổng thể.

Lỗi ý nghĩa

  • Bỏ sót sắc thái ngữ nghĩa

Tổng hợp từ bài viết của các tác giả, có thể thấy người học có thể bỏ qua việc phân tích bối cảnh và cách sử dụng từ trong câu, từ đó hiểu sai nội dung cần dịch. Chẳng hạn, từ “run” thường mang ý nghĩa là “chạy”, tuy nhiên khi nằm trong cụm “run a meeting” thì lại mang nghĩa là “điều hành”.

Nếu không hiểu đúng ngữ cảnh, bản dịch có thể bị sai lệch nghiêm trọng, truyền tải một mảng nghĩa khác hoàn toàn so với bản gốc của tác giả. Điều này cũng áp dụng với các cụm từ mang tính ẩn dụ hoặc cách nói thông dụng, khiến ý nghĩa truyền tải không đầy đủ.

  • Hiểu sai nội dung vì nghĩa đen của từ

Một số người học cũng có xu hướng dịch từng từ theo nghĩa đen, dẫn đến việc hiểu sai ý nghĩa tổng thể của câu. Ví dụ, nếu từ “dimension” trong cụm “another dimension of Madagascar” có thể bị nhầm thành “kích thước” thay vì “khía cạnh”, điều này đi ngược lại dụng ý của tác giả.

Lỗi văn phong

  • Câu dịch thiếu tự nhiên, không theo phong cách ngôn ngữ đích

Với những người học có thói quen dịch từng từ, nội dung bản dịch thường chưa truyền tải đúng phong cách viết của ngôn ngữ đích. Bởi lẽ, một bản dịch tốt không chỉ đúng về nghĩa mà còn cần tính tự nhiên và phù hợp với phong cách của ngôn ngữ bản xứ. Nếu bản dịch quá rập khuôn và giữ quá nhiều cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ gốc, nó sẽ trở nên khó hiểu và thiếu tự nhiên.

Ví dụ, với câu “it is difficult to submit the application via this channel.” khi người học dịch từng từ sẽ trở thành “nó là khó khăn để nộp hồ sơ thông qua kênh này.” Tuy nhiên để câu được truyền tải một cách tự nhiên, người học nên viết “việc nộp đơn qua kênh này thì khó khăn”.

  • Dịch sai do thiếu nghiên cứu

Sai sót trong dịch thuật thường đến từ việc dịch giả không tìm hiểu kỹ hoặc không biết rõ sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ ở các vùng địa phương.  Ví dụ, việc sử dụng sai từ “tram” thay cho “train” ở một quốc gia không có dịch vụ xe điện sẽ dẫn đến sự nhầm lẫn nghiêm trọng.

Ngoài ra, các từ dễ gây nhầm lẫn giữa các ngôn ngữ cũng là một nguyên nhân phổ biến. Ví dụ: từ “rope” trong tiếng Anh có nghĩa là “dây thừng”, nhưng trong tiếng Tây Ban Nha, từ “ropa” lại có nghĩa là “quần áo”.

Xem thêm: Thiết kế hoạt động dạy Đọc phù hợp với đa dạng tính cách học viên

Giải pháp cải thiện kỹ năng dịch hiệu quả

Tăng cường khả năng hiểu ý tổng quát

Tăng cường khả năng hiểu ý tổng quát

  • Tập trung đọc lướt và tìm ý chính

Trước khi bắt đầu dịch, việc nắm bắt ý chính của văn bản là điều cần thiết. Đọc nhanh để xác định nội dung cốt lõi giúp người dịch hiểu tổng thể và tránh sai lầm trong việc dịch từ ngữ riêng lẻ mà không xem xét ngữ cảnh.

  • Học cụm từ và mẫu câu thông dụng

Việc nắm vững cách sử dụng các cụm từ và mẫu câu phổ biến trong cả ngôn ngữ nguồn và ngôn đích giúp người dịch xử lý văn bản hiệu quả hơn. Cách này cũng cải thiện khả năng sử dụng từ trong các tình huống cụ thể, giúp bản dịch tự nhiên hơn.

Dịch ý chứ không dịch từ: Tập trung vào việc truyền tải ý nghĩa thay vì chỉ chuyển đổi từng từ. Bên cạnh đó, người học cần thực hành viết và nói bằng ngôn ngữ đích. Thói quen này sẽ giúp người học quen thuộc với cấu trúc và phong cách ngôn ngữ tự nhiên của ngôn ngữ đích.

  • Sử dụng công cụ hỗ trợ hợp lý

Người học nên tận dụng từ điển song ngữ và từ điển giải thích, lưu ý chọn từ điển phù hợp với mục đích dịch thuật để hiểu rõ nghĩa của từ trong từng ngữ cảnh. Bên cạnh đó, người học có thể ứng dụng công cụ hoặc nền tảng hỗ trợ dịch thuật, nhưng cần kiểm tra và chỉnh sửa cẩn thận. Trong quá trình sử dụng công cụ, hãy lưu ý cách dịch và ghi chép những từ vựng mới để cải thiện kỹ năng dịch và vốn từ vựng của mình.

Sau đây là một số công cụ người học có thể tận dụng trong quá trình học ngoại ngữ của mình:

  • Từ điển song ngữ và từ điển giải thích:

    • Oxford Learner's Dictionary: Cung cấp giải thích nghĩa từ vựng chi tiết, ví dụ, và cách dùng trong ngữ cảnh thực tế.

    • Cambridge Dictionary: Hỗ trợ cả giải thích nghĩa và ví dụ minh họa, phù hợp với học viên mới học dịch thuật.

    • Lạc Việt (Việt - Anh, Anh - Việt): Một từ điển phổ biến tại Việt Nam, giúp tra cứu nhanh nghĩa từ trong ngữ cảnh song ngữ.

  • Công cụ dịch thuật trực tuyến:

    • Google Translate: Nhanh chóng dịch văn bản, nhưng cần kiểm tra và chỉnh sửa câu dịch để đảm bảo sự tự nhiên và chính xác.

    • DeepL Translator: Cung cấp các bản dịch thường mượt mà hơn, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ và ngữ cảnh cụ thể.

    • Microsoft Translator: Hỗ trợ dịch theo ngữ cảnh, có thể tích hợp với các ứng dụng khác.

  • Công cụ ghi chú và quản lý từ vựng:

    • Quizlet: Ứng dụng giúp tạo flashcard từ vựng, hỗ trợ học viên ghi nhớ và ôn tập từ mới hiệu quả.

    • Notion: Nền tảng quản lý nội dung, nơi người học có thể lưu trữ các cụm từ, câu dịch, và ghi chú về cách dùng từ.

Ứng dụng sư phạm trong đào tạo dịch thuật

  • Tăng cường kỹ năng đọc hiểu

Đọc hiểu văn bản nguồn là bước nền tảng trong dịch thuật. Do đó, chương trình đào tạo nên tập trung phát triển kỹ năng đọc hiểu, đặc biệt đặt trọng tâm vào từ vựng và cấu trúc ngữ pháp. Giáo viên có thể thiết kế các bài tập đọc hiểu dựa trên văn bản gốc để học viên hiểu sâu nội dung, từ đó cải thiện chất lượng bản dịch.

Ví dụ, giáo viên có thể khai thác nội dung bài đọc trong các chương trình IELTS hoặc TOEIC, những câu hỏi như “what is the main topic/ idea of the passage?” nên được khai thác nhiều hơn ở lớp. Vận dụng các kỹ thuật đọc hiểu như skimming, để xác định nội dung chính một cách hiệu quả hơn.

Hoặc các câu hỏi nghĩa của từ vựng trong ngữ cảnh như “What does the word 'liquidity' mean in this context?” cũng cần được đưa vào hoạt động phát triển kỹ năng đọc hiểu của học viên.

  • Rèn luyện dịch thực tế

Các lỗi dịch được nêu bên trên có thể được khắc phục qua thiết kế bài tập phù hợp. Giáo viên nên tạo cơ hội cho học viên phát triển kỹ năng dịch trong những tiết học 4 kỹ năng: nghe nói đọc viết. Sử dụng các ví dụ và mô phỏng lỗi sai thường bắt gặp sẽ giúp người học khác phục các lỗi chuyển nghĩa, và đánh giá được tính tự nhiên trong câu dịch của mình tốt hơn. Hãy sử dụng các bài tập có bối cảnh phù hợp với nhu cầu học của học viên.

Giáo viên có thể cho học viên tiến hành hoạt động nhóm với dạng rèn luyện này. Giáo viên chuẩn bị các nội dung dịch hiểu gây hứng thú cho học viên, như các xu hướng trên mạng xã hội hoặc phương pháp nâng cao kỹ năng học tập.

Sau đó, giáo viên chia lớp thành nhiều nhóm để dịch mỗi đoạn khác nhau trong cùng 1 văn bản. Sau khi mỗi nhóm trình bày bài dịch của mình, các bạn trong nhóm khác sẽ nhận xét, và nêu ra những điểm tốt và điểm cần cải thiện cho nhau.

  • Phân tích và giải quyết lỗi dịch

Các lỗi như lược bỏ, thêm ý, chọn sai từ vựng và không đúng trọng tâm chiếm tỷ lệ lớn trong các bài dịch. Để khắc phục, giáo viên nên:

  • Phân tích chi tiết từng trường hợp cụ thể trong lớp.

  • Giới thiệu các chiến lược và kỹ thuật giải quyết vấn đề, chẳng hạn như cách xác định ngữ cảnh, phân tích nghĩa và lựa chọn từ phù hợp.

Với các kỹ thuật trên, kỹ năng dịch thuật của học viên có thể được cải thiện đáng kể, từ đó giảm thiếu sai sót và nâng cao chất lượng bài dịch.

Xem thêm: Điều chỉnh phương pháp luyện nghe phù hợp với phong cách nhận thức của học viên

Lời kết

Việc cải thiện kỹ năng dịch thuật không chỉ là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì mà còn cần sự định hướng rõ ràng và các phương pháp đào tạo phù hợp. Những lỗi dịch phổ biến như bỏ sót sắc thái ngữ nghĩa, hiểu sai ý vì dịch nghĩa đen hoặc dịch thiếu tự nhiên thường xuất phát từ thói quen dịch từng từ. Để khắc phục, người học cần tập trung phát triển tư duy ngôn ngữ mục tiêu, rèn luyện khả năng đọc hiểu và áp dụng linh hoạt các chiến lược dịch thuật. Bên cạnh đó, vai trò của giáo viên và chương trình đào tạo dịch thuật là rất quan trọng. Giáo viên không chỉ cung cấp lý thuyết mà còn cần hướng dẫn học viên thông qua các bài tập thực tế và phân tích lỗi dịch. Việc ứng dụng công nghệ và công cụ hỗ trợ cũng là góp phần nâng cao kỹ năng dịch của người học.

Cuối cùng, dịch thuật không đơn thuần chỉ là sự chuyển ngữ mà còn là nghệ thuật truyền tải ý nghĩa và sắc thái một cách chính xác và tự nhiên. Do đó, người học cần không ngừng trau dồi kỹ năng, hiểu biết văn hoá và ngôn ngữ để tránh lỗi dịch từng từ, nâng cao khả năng đọc hiểu, từ đó bổ trợ cho quá trình học ngoại ngữ của mình.

Ngoài ra, người học có thể truy cập zim.vn thường xuyên để khám phá thêm các bài viết học thuật và tài liệu hỗ trợ học tập hiệu quả.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...