Key Takeaways |
---|
1. Tháp học tập (Learning Pyramid) liệt kê nhiều phương pháp học tập khác nhau và tỷ lệ tiếp nhận tương ứng. Trong đó:
2. Mô hình tháp học tập của National Training Laboratories nhấn mạnh rằng học viên có thể ghi nhớ 90% thông tin nếu họ có cơ hội học tập chủ động. 3. Tuy nhiên, mô hình tháp học tập không loại trừ hoàn toàn các phương pháp học tập “thụ động”. Nó chỉ ra rằng việc kết hợp các phương pháp và tài liệu học tập sẽ cải thiện khả năng ghi nhớ và nhớ lại thông tin của học viên. |
Tháp học tập là gì?
Khái niệm
Tháp học tập, hay Kim tự tháp học tập (Learning Pyramid), là một mô hình miêu tả các phương pháp học tập khác nhau và mức độ ghi nhớ tương ứng của mỗi phương pháp này. Nó có hình một kim tự tháp, với các phương pháp học tập được sắp xếp theo các tầng khác nhau.
Khái niệm này được đề ra để giúp người học hiểu rõ hơn về cách thức con người tiếp thu và ghi nhớ thông tin, từ đó lựa chọn những phương pháp học tập phù hợp và hiệu quả nhất.
Lịch sử hình thành
Kim tự tháp học tập lần đầu tiên được giới thiệu bởi chuyên gia giáo dục Edgar Dale vào những năm 1940 với tên gọi ban đầu là “Cone of Experience”. Sau đó, nó được phát triển thêm và đổi tên thành “Kim tự tháp học tập” bởi National Training Laboratories.
Mặc dù Tháp học tập đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều thập kỷ, nhưng gần đây, các nghiên cứu đã phát hiện rằng tỷ lệ ghi nhớ cụ thể trong mỗi cấp độ của tháp có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như độ tuổi của người học, chủ đề học, và phương pháp giảng dạy …
Vai trò của kim tự tháp học tập trong giáo dục
Nhận ra sự khác biệt về mức độ ghi nhớ: Tháp học tập giúp người học và giáo viên hiểu rằng không phải tất cả các phương pháp học tập đều mang lại hiệu quả giống nhau.
Hướng dẫn lựa chọn phương pháp học tập: Mô hình này giúp người học và giáo viên áp dụng những phương pháp học tập phù hợp để đạt được mục tiêu học tập.
Khuyến khích các phương pháp chủ động: Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động tương tác, thực hành và trải nghiệm thực tế trong quá trình học tập.
Xem thêm:
Ứng dụng phương pháp Audio-lingual method vào việc học Tiếng Anh
Cách ứng dụng phương pháp (TPR) Total Physical Response vào việc học tiếng Anh
Đặc điểm của các tầng/ cấp độ trong mô hình learning pyramid
Dưới đây là đặc điểm của mỗi cấp độ trong kim tự tháp học tập, cùng với tỷ lệ tiếp nhận của chúng:
Lecture - Giảng bài (Tỷ lệ tiếp nhận: 5%)
Đây là phương pháp truyền thống - giảng viên truyền đạt thông tin bằng lời nói, và học viên tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghe thụ động dẫn đến tỷ lệ lưu giữ thấp vì không khuyến khích học viên tham gia tích cực (Sousa, 2011). Ngoài ra, học viên ít tham gia hoặc tương tác với tài liệu học tập. Ví dụ: Các buổi giảng bài ở đại học hoặc các lớp học truyền thống.
Reading - Đọc (Tỷ lệ tiếp nhận: 10%)
Ở cấp độ này, học viên sẽ tự học qua việc đọc tài liệu. Do đó, học viên có thể tự quản lý thời gian và tốc độ đọc. Tỷ lệ lưu giữ cao hơn so với giảng bài vì nó cho phép học viên tự điều chỉnh và ôn lại. Đọc sách kích thích quá trình nhận thức nhiều hơn so với nghe, nhưng vẫn chủ yếu là thụ động (Willingham, 2010).
Audio Visual - Học qua âm thanh, hình ảnh (Tỷ lệ tiếp nhận: 20%)
Tại cấp độ này, bài giảng đã có sự kết hợp các yếu tố nghe và nhìn để truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Ví dụ bao gồm video, phim tài liệu, và các bài thuyết trình đa phương tiện. Điều này tiên tiến hơn hai cấp độ kia ở việc nâng cao sự hiểu biết bằng cách thu hút nhiều giác quan.
Demonstration - Trình bày (Tỷ lệ tiếp nhận: 30%)
Đây là cấp độ cuối cùng của phương pháp học thụ động. Học viên sẽ trình bày cách thức hoạt động hoặc thực hiện một việc gì đó. Ngoài ra, học viên có thể kết hợp giải thích với hình ảnh/âm thanh hoặc ví dụ thực tế. Điều này giúp thu hút sự chú ý của học viên hơn so với giảng bài hoặc đọc sách vì có bao gồm các giác quan và bài tập ứng dụng thực tế.
Group Discussion - Thảo luận nhóm (Tỷ lệ tiếp nhận: 50%)
Từ cấp độ này trở đi, học viên bắt đầu học tập một cách chủ động. Các hoạt động ở cấp độ này bao gồm giao tiếp tương tác giữa các học viên. Giáo viên khuyến khích tư duy phản biện, diễn đạt ý tưởng, và sự hợp tác của học sinh. Vì thế nên tỷ lệ lưu giữ cao hơn do có sự tham gia tích cực và tương tác xã hội trong lớp học.
Practiced By Doing - Thực hành (Tỷ lệ tiếp nhận: 75%)
Ở cấp độ Thực hành, học viên được học tập thông qua kinh nghiệm thực tế và tại cấp độ này, học viên có thể tạo ra một sản phẩm nào đó. Ví dụ cho các hoạt động trong cấp độ này là thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, hội thảo, và mô phỏng … Điều này dẫn đến tỷ lệ lưu giữ cao do học viên được trải nghiệm và nhận phản hồi tức thì từ người xung quanh.
Teaching Others - Dạy người khác (Tỷ lệ tiếp nhận: 90%)
Đây là phương pháp mang lại kết quả lưu trữ cao nhất, bao gồm các hoạt động như việc học viên giảng dạy lại tài liệu cho người khác. Điều này đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về chủ đề để giải thích một cách hiệu quả. Cuối cùng, nó có tỷ lệ lưu giữ cao nhất vì học viên được củng cố kiến thức thông qua việc diễn đạt và giải thích.
Cách ứng dụng mô hình tháp học tập vào lớp học tiếng Anh hiệu quả
Mô hình tháp học tập của National Training Laboratories nhấn mạnh rằng 90% kiến thức sẽ có thể được tiếp nhận nếu học viên được tham gia vào các hoạt động học tập chủ động.
Tuy nhiên, giáo viên không nên loại trừ hoàn toàn các phương pháp học tập “thụ động”. Tháp học tập chỉ ra rằng việc kết hợp phương pháp và tài liệu học tập sẽ cải thiện khả năng ghi nhớ và nhớ lại kiến thức của học viên.
Vậy cách học nào là hiệu quả nhất trong tháp học tập? Sau đây là ví dụ cụ thể về cách áp dụng kim tự tháp học tập vào việc dạy và học tiếng Anh, các thầy cô có thể hướng dẫn và thiết kế các hoạt động cho học viên về cách viết đoạn mở đầu Introduction cho bài thi IELTS Writing.
Lecture - Giảng bài (Tỷ lệ tiếp nhận: 5%)
Học viên có được kiến thức cơ bản về cấu trúc và mục đích của phần mở đầu IELTS Writing.
Hoạt động:
Tham dự và nghe giảng tại các buổi do giáo viên IELTS hướng dẫn.
Đăng ký khóa học trực tuyến bao gồm các bài giảng video về IELTS Writing.
Reading - Đọc (Tỷ lệ tiếp nhận: 10%)
Học viên hiểu sâu về cách viết hơn thông qua việc đọc tài liệu viết và ví dụ.
Hoạt động:
Đọc các phần về cách viết phần mở đầu trong sách luyện thi IELTS. Tìm các chương cung cấp hướng dẫn từng bước và ví dụ.
Tham khảo các blog và bài viết từ các trang web luyện thi IELTS uy tín. Tìm các bài phân tích phần mở đầu mẫu và giải thích lý do tại sao chúng hiệu quả.
Phân tích các bài viết IELTS đạt điểm cao, chú ý kỹ đến phần mở đầu: các cụm từ phổ biến, từ nối, cấu trúc …
Audio Visual - Học qua âm thanh, hình ảnh (Tỷ lệ tiếp nhận: 20%)
Học viên nâng cao hiểu biết thông qua việc học bằng hình ảnh và âm thanh.
Hoạt động:
Xem video hướng dẫn chi tiết giải thích cách viết phần giới thiệu.
Nghe podcast đề cập đến các chiến lược viết IELTS hoặc sách nói giải thích về các kỹ thuật viết bài writing.
Demonstration - Trình bày (Tỷ lệ tiếp nhận: 30%)
Học viên thể hiện kiến thức đã học qua việc trình bày và giải thích cấu trúc, cách viết đoạn mở đầu.
Hoạt động:
Trình bày về cách viết đoạn mở đầu trong bài viết của mình trong nhóm hoặc trước lớp.
Tiếp thu nhận xét và sửa lại (nếu có) để đoạn mở đầu được tốt hơn.
Group Discussion - Thảo luận nhóm (Tỷ lệ tiếp nhận: 50%)
Học viên tham gia hoạt động cộng tác và điều chỉnh sự hiểu biết thông qua thảo luận trong nhóm.
Hoạt động:
Tham gia hoặc thành lập nhóm học tập với các bạn đang chuẩn bị cho kỳ thi IELTS. Thảo luận về các chiến lược khác nhau để viết phần giới thiệu, chia sẻ tài nguyên và xem lại bài làm của nhau.
Tham gia các diễn đàn trực tuyến dành riêng cho IELTS.
Practiced By Doing - Thực hành (Tỷ lệ tiếp nhận: 75%)
Học viên áp dụng kiến thức thông qua thực hành viết để củng cố các kiến thức và kỹ năng.
Hoạt động:
Thực hành viết phần mở đầu cho nhiều topic IELTS Writing Task 2 khác nhau.
Viết phần mở đầu trong một khoảng thời gian nhất định.
Sau khi viết, tự đánh giá phần mở đầu của mình so với các mẫu có điểm cao.
Tìm kiếm nhận xét từ giáo viên, bạn bè để sửa bài viết
Teaching Others - Dạy người khác (Tỷ lệ tiếp nhận: 90%)
Học viên đạt được sự thành thạo bằng cách giải thích và dạy lại cho người khác.
Hoạt động:
Giúp bạn bè hoặc bạn cùng lớp hiểu cách viết phần giới thiệu.
Tạo các tài liệu hướng dẫn như bài đăng trên blog, video hướng dẫn … để giải thích cách viết phần mở đầu cho bài thi Writing.
Xem thêm:
Communicative Language Teaching (CLT): Phương pháp dạy Ngôn ngữ giao tiếp
Lớp học Đảo ngược (Flipped Classroom) | Giới thiệu & Ứng dụng
Active learning là gì? Cách ứng dụng các phương pháp học tập tích cực
Học thông qua chơi (game-based learning) và ứng dụng trong giảng dạy
Tổng kết
Việc ứng dụng Tháp học tập vào lớp học tiếng Anh không chỉ giúp học viên tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn mà còn giúp học viên phát triển kỹ năng ngôn ngữ, ghi nhớ và áp dụng kiến thức thực tế hon. Bằng cách kết hợp các phương pháp học tập khác nhau và tạo cơ hội cho học sinh học tập chủ động, giáo viên có thể tạo ra một môi trường học tập phù hợp.
Hiện tại, ZIM đang khai giảng các Khóa học tiếng Anh giao tiếp. Khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM giúp học viên tăng cường khả năng giao tiếp và mở rộng cơ hội trong học tập, công việc và cuộc sống. Chương trình học được phân bổ các khóa học từ cơ bản đến nâng cao đáp ứng mọi trình độ học viên muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.
Tài liệu tham khảo
Sousa, David A. "How the brain learns: Corwin." (2011).
Willingham, Daniel T. Why don't students like school?: A cognitive scientist answers questions about how the mind works and what it means for the classroom. John Wiley & Sons, 2021.
Lalley, J., and R. Miller. "The learning pyramid: Does it point teachers in the right direction." Education 128.1 (2007): 16.
Bình luận - Hỏi đáp