Tư duy phản biện và cách ứng dụng vào việc viết đoạn văn phản đề

Qua bài viết, người đọc có thể khám phá cách ứng dụng tư duy phản biện vào việc viết đoạn văn phản đề trong IELTS Writing Task 2.
tu duy phan bien va cach ung dung vao viec viet doan van phan de

Với sự đa dạng và phức tạp của thông tin ngày nay, người viết cần đối mặt và xử lý những quan điểm đối lập một cách khách quan, rõ ràng và thuyết phục. Trong bối cảnh này, ứng dụng tư duy phản biện vào việc viết đoạn văn phản đề trở thành một kỹ năng quan trọng. Tư duy phản biện không chỉ giúp người viết đối mặt với quan điểm đối lập một cách hiệu quả mà còn tạo ra một lập luận đầy đủ, chặt chẽ trong việc bảo vệ quan điểm của người viết.

Bài viết sau sẽ cung cấp cho người viết các bước cần thiết để áp dụng lối tư duy phản biện vào việc viết đoạn văn phản đề ở thân bài của IELTS Writing Task 2, từ đó giúp tạo ra bài văn có sức thuyết phục, phản ánh khả năng suy luận sâu sắc và đối mặt với sự đa dạng của quan điểm.

Key takeaways

Tư duy phản biện là khả năng tự lập và chủ động trong quá trình suy nghĩ, đánh giá thông tin, và đưa ra quan điểm dựa trên lý luận và bằng chứng.

Mục tiêu của đoạn văn phản đề là đối mặt với quan điểm đối lập bằng cách sử dụng lập luận, bằng chứng, và tư duy phản biện.

Các bước ứng dụng tư duy phản biện vào việc viết đoạn văn phản đề:

  • Đưa ra quan điểm đối lập

  • Ứng dụng tư duy phản biện để phân tích quan điểm đối lập

  • Phản bác bằng lập luận

  • Liên kết với quan điểm chính

Tư duy phản biện là gì?

Tư duy phản biện (Critical Thinking) là quá trình suy nghĩ phân tích, đưa ra đánh giá hợp lý, xây dựng lập luận logic và xem xét cẩn thận thông qua khả năng đặt những câu hỏi như tại sao, làm thế nào, bằng cách nào, như thế nào,... nhằm tìm hiểu sâu sắc và chi tiết về vấn đề hoặc thông tin cụ thể.

Trong IELTS Writing Task 2, việc sử dụng tư duy phản biện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ quan điểm cá nhân. Tư duy phản biện trong đoạn văn phản đề đòi hỏi người viết không chỉ hiểu rõ về quan điểm chính, mà còn phải có khả năng nhìn nhận các góc độ khác nhau của vấn đề. Đồng thời, tư duy phản biện cũng giúp người viết có khả năng xử lý mâu thuẫn giữa quan điểm chính và quan điểm đối lập, làm cho bài viết trở nên toàn diện và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đề bài.

Xem thêm: Tư duy phản biện và ứng dụng trong xây dựng lập luận.

Đoạn văn phản đề là gì?

Theo từ điển Oxford, Đoạn văn phản đề (Counterargument) là một phần trong bài văn, thường thấy ở phần thân bài, trong đó người viết sử dụng các luận cứ, lý lẽ và dẫn chứng để bác bỏ một quan điểm nào đó trái ngược với quan điểm của mình.

Đoạn văn phản đề thường bắt đầu bằng việc giới thiệu một quan điểm đối lập một cách rõ ràng, sau đó phát triển lập luận để phản bác hoặc điều chỉnh quan điểm đó. Thông qua việc sử dụng tư duy phản biện, người viết cố gắng tập trung vào tính hợp lý và sức thuyết phục trong quan điểm của mình ở bối cảnh đối lập.

Ví dụ:

  • Mục tiêu của bài viết: Chứng minh việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học là không cần thiết.

  • Luận điểm phản đề: Việc tiếp cận các ứng dụng giáo dục và tài liệu trực tuyến thông qua điện thoại có thể nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.

  • Phản bác: Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng việc sử dụng điện thoại trong lớp học cũng làm tăng khả năng truy cập vào mạng xã hội và các ứng dụng giải trí, dẫn đến việc mất tập trung của học sinh trong giờ học (giảm chất lượng học tập).

Việc sử dụng đoạn văn phản đề trong IELTS Writing Task 2 đóng vai trò quan trọng và mang lại nhiều lợi ích sau đây cho bài viết của thí sinh:

  • Tăng tính thuyết phục: Sử dụng đoạn văn phản đề có thể làm cho bài viết trở nên thuyết phục hơn bằng cách làm rõ những yếu điểm của quan điểm đối lập.

  • Thể hiện tư duy đa chiều: Đoạn văn phản đề thể hiện khả năng của người viết không chỉ trong việc bảo vệ quan điểm cá nhân mà còn trong việc đối mặt và xử lý những quan điểm đối lập.

  • Thể hiện kỹ năng ngôn ngữ: Áp dụng đoạn văn phản đề là cơ hội để thể hiện kỹ năng sử dụng từ vựng và ngữ pháp một cách linh hoạt và chính xác.

Xem thêm: Phản đề “counterarguments” có thể được đặt ở đâu?

Ứng dụng tư duy phản biện trong việc viết đoạn văn phản đề

Bước 1: Đưa ra quan điểm đối lập

Để tạo nền tảng cho việc phản đối trong đoạn văn phản đề, người viết đưa ra một quan điểm đối lập có thể thách thức quan điểm chính của bài.

Bước 2: Ứng dụng tư duy phản biện để phân tích quan điểm đối lập

Người viết phân tích các lập luận và ý kiến của quan điểm đối lập, tập trung vào các nhược điểm nhằm hiểu rõ sự mẫu thuẫn và lựa chọn những khía cạnh cụ thể để phản bác.

Để tự kiểm tra sự mâu thuẫn của một quan điểm, người viết có thể sử dụng các câu hỏi sau, được điều chỉnh từ ý tưởng của Rowman và Littlefield (2019):

Câu hỏi về mục đích (Purpose)

Quan điểm đối lập đang cố gắng đạt được điều gì?

Mục tiêu chính của quan điểm là gì?

Câu hỏi về vấn đề (Question)

Quan điểm đối lập đang đưa ra vấn đề gì?

Quan điểm đối lập đang giải quyết vấn đề gì?

Còn lý do/cách giải quyết nào khác cho vấn đề đó không?

Câu hỏi về các giả định (Assumptions)

Quan điểm đối lập dựa trên những giả định nào để dẫn đến kết luận?

Câu hỏi về góc nhìn (Point of view)

Quan điểm đối lập đang được phân tích từ góc nhìn nào?

Còn góc nhìn nào khác mà quan điểm đó bỏ qua không?

Câu hỏi về thông tin (Information)

Quan điểm đối lập dựa trên những thông tin nào để đưa ra kết luận?

Chúng có phù hợp, liên quan và nhất quán không?

Câu hỏi về các khái niệm (Concepts)

Các khái niệm/định nghĩa/nguyên tắc/giả thuyết mà quan điểm đối lập đã sử dụng?

Câu hỏi về diễn giải, lập luận (Inference)

Người viết đã phân tích toàn diện mọi khía cạnh của lập luận ở quan điểm đối lập?

Có lập luận nào trong quan điểm đối lập cần được xem xét thêm không?

Câu hỏi về hàm ý (Implication)

Quan điểm đối lập đang ngụ ý điều gì?

Nguồn: The Miniature Guide to Critical Thinking Concepts and Tools.

Bước 3: Phản bác bằng lập luận

Người viết sử dụng tư duy phản biện để phản đối mạnh mẽ quan điểm đối lập, chứng minh rằng quan điểm ban đầu của người viết là lựa chọn hợp lý hơn thông qua lập luận và chứng cứ thuyết phục.

Một vài điều cần lưu ý khi sử dụng tư duy phản biện để phản đối quan điểm đối lập:

  • Tập trung vào tư duy logic để xây dựng các lập luận chặt chẽ và liên kết giữa các ý.

  • Chỉ ra những tình huống hoặc ngữ cảnh mà quan điểm đối lập không thể giải quyết hiệu quả.

  • Tránh đưa ra kết luận mà không có bằng chứng hoặc các bước lập luận hợp lý.

  • Đảm bảo rằng mỗi bước của lập luận đều dẫn đến kết luận cuối cùng.

  • Tránh phạm vào các lỗi nguỵ biện trong tư duy phản biện.

Bước 4: Liên kết với quan điểm chính

Người viết liên kết đoạn văn phản đề với quan điểm chính ban đầu, nhằm đảm bảo sự nhất quán trong lập luận và tạo ra một dòng logic liên tục, từ đó làm tăng tính thuyết phục của bài viết. Ngoài ra, nếu không có sự liên kết, người đọc có thể nghĩ rằng phần phản đối là một quan điểm chính mới, làm mất đi tính rõ ràng của lập luận.

Các bước viết đoạn văn phản đề trong Writing

Ví dụ

Ví dụ 1

Topic: Some people think that the government should tax unhealthy foods, while others believe that a ‘fat tax’ is unfair and unnecessary.

Giả sử ở một đoạn văn thân bài, người viết đang muốn chứng minh quan điểm: “Chính quyền không nên đánh thuế vào đồ ăn không lành mạnh.”

Bước 1: Đưa ra quan điểm đối lập.

Để thách thức quan điểm chính, người viết có thể đề cập một quan điểm đối lập như sau:

“Một số người cho rằng việc đánh thuế làm tăng giá tiền sản phẩm, từ đó góp phần làm giảm sự tiêu thụ đồ ăn không lành mạnh ở người dân.”

Bước 2: Ứng dụng tư duy phản biện để phân tích quan điểm đối lập.

Quan điểm trên mắc phải một loại lỗi nguỵ biện gọi là Nguỵ biện Nhân quả sai (Causal Fallacy).

Chúng ta có thể nhận thấy một yếu điểm trong lập luận liên quan đến giả định rằng việc đánh thuế sẽ làm giảm sự tiêu thụ đồ ăn không lành mạnh. Trong trường hợp này, quan điểm giả định một mối liên kết nhân quả trực tiếp giữa việc đánh thuế và giảm sự tiêu thụ, nhưng không xem xét đến những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự tiêu thụ thực phẩm.

Liệu có phải tất cả những người tiêu thụ đồ ăn không lành mạnh là bởi vì chúng có giá thành rẻ không? Phải chăng còn yếu tố nào khác dẫn đến sự tiêu thụ đó? Câu trả lời là quyết định tiêu thụ còn nằm ở sở thích cá nhân, nhu cầu dinh dưỡng và ý thức của mỗi người.

Do đó, quan điểm đối lập có thể chưa phản ánh đủ sự đa dạng của lựa chọn tiêu thụ thực phẩm, bởi sự giảm tiêu thụ không nhất thiết chỉ xuất phát từ giá cả. Việc phân tích thêm về những yếu tố khác có thể làm sáng tỏ hơn về mâu thuẫn trong quan điểm.

Bước 3: Phản bác bằng lập luận.

Sau khi nắm rõ lỗ hổng trong quan điểm đối lập, người viết tập trung phản đối bằng lập luận, tư duy phản biện và chứng cứ thuyết phục:

“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc tiêu thụ đồ ăn không lành mạnh không chỉ phụ thuộc vào giá cả mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ ý thức cá nhân của mỗi người. Theo thông tin từ Bộ Tài chính năm 2023, các mặt hàng thuốc lá, bia rượu ở Việt Nam hiện nay tuy đang được đánh thuế, thế nhưng việc tiêu thụ các mặt hàng này thậm chí không giảm đi mà ngược lại còn có xu hướng gia tăng.”

Bước 4: Liên kết với quan điểm chính.

Người viết đưa ra kết luận từ lập luận trước đó, đồng thời liên kết lại với quan điểm ban đầu:

“Vì vậy, có thể thấy rằng việc áp thuế lên những sản phẩm này không hoàn toàn ngăn chặn hành vi hút thuốc và uống rượu bia ở người tiêu thụ, điều này tạo ra mối lo ngại về sự hiệu quả của biện pháp đánh thuế lên đồ ăn không lành mạnh.”

Từ đó, chúng ta có thể viết hoàn chỉnh một luận điểm phản đề trong thân bài như sau:

Some argue that imposing taxes raises the cost of products, thereby curbing the consumption of unhealthy food among the population. However, I assert that the consumption patterns of such food items are not solely contingent on pricing dynamics but are equally influenced by individual self-awareness. As of the data from the Ministry of Finance in 2023, despite the taxation levied on tobacco and alcoholic beverages in Vietnam, their consumption not only fails to decrease but also shows a discernible inclination to increase. Consequently, the imposition of taxes on these products does not fully impede the habits of smoking and drinking among consumers, prompting concerns about the effectiveness of taxing as a measure against unhealthy dietary practices.

Tư duy phản biện và cách ứng dụng vào việc viết đoạn văn phản đề

Ví dụ 2

Xét một ví dụ khác trong cùng chủ đề, nhưng giả sử lúc này quan điểm chính của người viết là: “Chính quyền nên đánh thuế vào đồ ăn không lành mạnh.”

Bước 1: Đưa ra quan điểm đối lập.

Quan điểm đối lập được đề ra như sau: “Những người phản đối cho rằng việc tăng giá tất cả thực phẩm không lành mạnh có thể gây khó khăn trong chuỗi cung ứng, dẫn đến sự chênh lệch và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.”

Bước 2: Ứng dụng tư duy phản biện để phân tích quan điểm đối lập.

Quan điểm trên mắc phải một loại lỗi nguỵ biện gọi là Ngụy biện Song Đề Sai (False Dichotomy Fallacy).

Khi áp dụng một biện pháp như đánh thuế lên thực phẩm không lành mạnh, quan trọng là ta phải có kế hoạch kiểm soát và quản lý cẩn thận để tránh những hậu quả không mong muốn.

Trong trường hợp này, quan điểm chỉ tập trung vào khả năng tăng giá tất cả thực phẩm không lành mạnh và dẫn đến khó khăn trong chuỗi cung ứng, mà không xem xét khả năng có các biện pháp kiểm soát và quản lý hiệu quả. Lỗi này làm giảm tính toàn diện và đầy đủ của quan điểm, vì nó giới hạn phạm vi của vấn đề khi không xem xét tất cả các khía cạnh có thể xảy ra trong tình huống đó.

Bước 3: Phản bác bằng lập luận.

Sau khi phân tích, người viết tập trung vào lỗ hổng đó để đưa ra lập luận:

“Tuy nhiên, chính quyền có thể bắt đầu việc tăng giá đối với một số sản phẩm có chọn lọc và thường được tiêu thụ mỗi ngày như bánh ngọt, đồ ăn chiên ngập dầu hay đồ ăn chế biến sẵn vì chúng có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ.”

Bước 4: Liên kết với quan điểm chính.

“Biện pháp này cho phép thực hiện một cách dần dần và dễ quản lý, từ đó giải quyết được việc tiêu thụ đồ ăn không lành mạnh.”

Từ đó, chúng ta sẽ có một luận điểm phản đề như bên dưới:

Critics assert that implementing across-the-board price hikes would pose logistical difficulties and potentially result in economic disparities. However, I would argue that advocating for selective raises in the cost of items such as sugary treats, deep-fried delicacies and processed foods, which are prevalent and contribute significantly to health issues, may offer a more targeted and viable strategy. This targeted approach allows for a gradual and manageable implementation while addressing the most significant contributors to detrimental dietary patterns.

Tổng kết

image-alt

Nhìn chung, sự kết hợp giữa tư duy phản biện và đoạn văn phản đề đóng vai trò quan trọng trong việc viết một bài viết thuyết phục và có tính logic. Thông qua tư duy phản biện, người viết có thể phân tích sự mâu thuẫn trong lập luận của quan điểm đối lập bằng các câu hỏi, từ đó có thể bảo vệ quan điểm chính một cách rõ ràng và toàn diện.

Ngoài ra, trong quá trình luyện viết đoạn văn phản đề trong IELTS Writing Task 2, người học có thể sử dụng IELTS Correct để chấm và chữa bài chi tiết. Công cụ được cấu hình và bảo trợ chuyên môn bởi ZIM, giúp người học phân tích các lỗi sai, nhận xét và chấm điểm 4 tiêu chí: TR, CC, LR, và GRA theo IELTS Writing Band Descriptors bản cập nhật mới nhất năm 2024.

Xem thêm: Ứng dụng Critical Thinking vào Academic Writing.


Nguồn tham khảo

Elder, Linda, and Richard Paul. Miniature Guide to Critical Thinking Concepts and Tools. 8th ed., S.L., Rowman & Littlefield, 2019.

Tham khảo thêm khóa học luyện thi IELTS cấp tốc tại ZIM, giúp học viên tăng tốc kỹ năng làm bài, bổ sung kiến thức nhanh chóng, rút ngắn thời gian đạt điểm IELTS mục tiêu.

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
Giáo viên
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (3 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu