6 lỗi ngữ pháp tiếng Anh thường gặp nhất và cách khắc phục
Dù các khó khăn khi học ngoại ngữ của mỗi người là khác nhau, có một số lỗi ngữ pháp tiếng Anh mà phần lớn người Việt thường mắc phải, mà nguyên nhân đến từ các điểm khác biệt giữa hai ngôn ngữ này. Cụ thể, các ngôn ngữ đều có sự khác nhau nhất định trong lối tư duy, thể hiện qua trật tự từ trong câu, cách thể hiện các thì khác nhau của động từ..v..v. Dù vậy, nhiều người thường suy nghĩ trước bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt), rồi sau đó dịch sang ngôn ngữ đích (target language), đặc biệt là trong thời gian đầu học. Khi dịch trong đầu như vậy, người học sẽ vô thức bị ảnh hưởng bởi lối tư duy của tiếng mẹ đẻ và do đó mắc các lỗi ngữ pháp khi sử dụng ngôn ngữ đích.
Bài viết sau đây sẽ liệt kê và giải thích nguyên nhân của các lỗi ngữ pháp tiếng Anh người Việt hay mắc phải. Từ đó, người đọc có thể nhận thức rõ hơn lý do mắc các lỗi và chỉnh sửa cách tư duy khi sử dụng tiếng Anh.
Không chia/chia sai động từ trong quá khứ
Biểu hiện của lỗi ngữ pháp tiếng Anh này
Lỗi không chia hoặc chia sai động từ, đặc biệt là ở các thì quá khứ, là một lỗi rất phổ biến với người Việt Nam khi học tiếng Anh. 85% học sinh được khảo sát mắc các lỗi liên quan đến chia động từ, ví dụ như quên thêm hình thái “-d”, “-ed” khi nói về quá khứ. Ví dụ, để nói câu Cô ấy đã đến trong tiếng Anh, nhiều học sinh sẽ bỏ quên đuôi “-d” và nói She arrive thay vì She arrived. Bên cạnh đó, nhiều người Việt lúng túng trong việc phân biệt các hình thái của động từ, dẫn đến việc bừa bãi dùng hiện tại phân từ (V-ing), thể bị động, động từ nguyên mẫu (to V) thay cho “-d”, “-ed” khi diễn tả hành động ở quá khứ.
Nguyên nhân
Một phần lý do nhiều người Việt mắc lỗi chia động từ là bởi sự khác nhau trong biểu đạt thời gian giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Để biểu đạt các thì khác nhau, tiếng Việt sẽ không biến đổi động từ mà chỉ thêm các yếu tố chỉ thời gian. Nói cách khác, các thì khác nhau trong tiếng Việt được đánh dấu bằng cách thêm các phó từ trước động từ, như Tôi đang học tiếng Anh, hay Tôi sẽ học tiếng Anh. Thậm chí, việc thêm các phó từ này là không bắt buộc, đặc biệt khi đã có các từ chỉ thời gian cụ thể như bây giờ, ngày mai, hôm qua...
Ví dụ:
Hai câu với ý nghĩa tương tự nhau
Trong khi đó, để diễn đạt các thì khác nhau, tiếng Anh sẽ biến đổi trực tiếp các động từ bằng cách thêm các hình thái (morphemes) như “-ed”, “-ing” (ví dụ: I talked to him hay I was talking to him) hoặc biến đổi gần như hoàn toàn động từ (ví dụ: Don’t buy it. I bought one already). Việc thêm các hình thái hay biến đổi động từ sẽ thay đổi hoàn toàn nghĩa của câu. Ví dụ: câu I watch a movie và I watched a movie diễn tả 2 hành động ở 2 thời điểm khác nhau.
Do sự khác biệt trong lối tư duy tiếng Việt và tiếng Anh, nhiều người Việt khi miêu tả hành động, sự kiện trong quá khứ bằng tiếng Anh thường bỏ quên đuôi “-ed” ở cuối các động từ.
Tham khảo cách khắc phục
Động từ và các vị trí động từ xuất hiện trong câu | Anh Ngữ ZIM
Giới thiệu về danh động từ (Gerunds) trong tiếng Anh | Anh Ngữ ZIM
Lỗi thiếu/chia sai động từ To Be
Biểu hiện của lỗi ngữ pháp tiếng Anh này
Khi viết/nói tiếng Anh, một số học sinh thường bỏ quên động từ to be, ví dụ: Playing sports good for health thay vì Playing sport is good for health, She very sad thay vì She is very sad. Một lỗi phổ biến khác là chia sai thì của động từ to be, ví dụ dùng is thay cho was trong quá khứ như She is here yesterday thay vì She was here yesterday (một biểu hiện khác của lỗi chia động từ như đề cập ở phần 1).
Ngoài ra, nhiều học sinh thêm động từ to be trước động từ thường để biểu đạt các thì (ví dụ: He was go here yesterday thay vì He went here yesterday), hay dùng động từ to be thay cho trợ động từ
Lỗi động từ kép (double-verb).
Nguyên nhân
Tương tự như phần một, các lỗi này có thể được giải thích bởi cấu trúc khác nhau của tiếng Việt và tiếng Anh. Trong tiếng Việt, có nhiều cấu trúc với không yêu cầu dùng động từ to be, nhưng tiếng Anh thì có. Ví dụ, trong các câu Cô ấy trẻ (She young), Anh ta 30 tuổi (He 30 years old), không hề xuất hiện động từ. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, một câu hoàn chỉnh luôn cần có động từ: She is young, He is 30 years old. (Ho, 2003).
Tham khảo cách khắc phục
Lỗi bất đồng Chủ ngữ – Động từ (Lack of Subject – Verb agreement)
Biểu hiện của lỗi ngữ pháp tiếng Anh này
Sử dụng tiếng Anh mắc lỗi không chia động từ phù hợp với chủ ngữ. Phổ biến nhất là quên thêm “-s” sau các động từ với chủ ngữ là đại từ số ít (He/she/it).
Nguyên nhân
Trong tiếng Anh, động từ phải được biến đổi tương ứng với chủ ngữ (theo số lượng và đại từ nhân xưng). Ví dụ, động từ sau các danh từ số ít và đại từ ngôi số ít phải thêm đuôi “-s” hoặc “-es”. Ngược lại, các động từ trong tiếng Việt luôn giữ nguyên dù cho chủ ngữ có thay đổi.
Ví dụ:
Tôi sống ở Hà Nội: I live in Hanoi
Anh tôi sống ở Hà Nội: My brother lives in Hanoi
Chúng tôi sống ở Hà Nội: We live in Hanoi.
Có thể thấy trong các câu tiếng Việt, động từ “sống” trong các câu tiếng Việt không hề biến đổi dù chủ ngữ thay đổi, còn trong các câu tiếng Anh, động từ “live” được biến đổi tùy theo chủ ngữ.
Tham khảo cách khắc phục
Các quy tắc về sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ trong Tiếng Anh (zim.vn)
Lỗi thiếu -s/-es ở cuối danh từ số nhiều
Biểu hiện của lỗi ngữ pháp tiếng Anh này
Lỗi thiếu s/es
Ngoài lỗi thiếu “-s”, “-es” ở cuối động từ, nhiều học sinh Việt Nam khi học tiếng Anh cũng quên thêm “-s”, “-es” sau các danh từ số nhiều, như these pen, one of the best way, many peach (cách viết đúng: these pens, one of the best ways, many peaches).
Nguyên nhân
Khác với tiếng Anh, danh từ tiếng Việt không biến đổi theo số lượng. Nói cách khác, cách danh từ trong tiếng Việt không diễn đạt bất cứ ý nghĩa nào về số lượng (Ho, 2003). Để biểu thị số lượng, thay vì thêm các tiền tố, hậu tố vào danh từ, tiếng Việt đặt các lượng từ như những, các, vài, từng, mỗi… đằng trước các danh từ.
Tham khảo cách khắc phục
Các quy tắc ngữ pháp tiếng Anh dễ bị nhầm lẫn (P.2) | Anh Ngữ ZIM
Lỗi thiếu/dùng sai mạo từ
Biểu hiện của lỗi ngữ pháp tiếng Anh này
Hai lỗi chính liên quan đến cách sử dụng mạo từ là thiếu mạo từ và dùng lẫn lộn các mạo từ.
Đầu tiên, người Việt thường gặp khó khăn trong việc xác định khi nào cần sử dụng mạo từ “the”, ví dụ viết number of students thay vì the number of students.
Thứ hai, người Việt hay bị lẫn lộn giữa mạo từ xác định “the” và mạo từ không xác định “an/a” (ví dụ: A capital of Vietnam is Hanoi thay vì The capital of Vietnam is Hanoi), cũng như lúng túng trong việc sử dụng “a” và “an (ví dụ: a hour hay vì an hour hay an university thay vì a university.
Nguyên nhân
Các lỗi trong việc sử dụng mạo từ có thể giải thích bằng việc tiếng Việt không có các mạo từ tương đương với “a, an, the”. Thay vào đó, tiếng Việt sử dụng hệ thống số từ và loại từ,
Ví dụ:
Cái nhà (loại từ + danh từ)
Một quả cam (số từ + loại từ + danh từ)
Hai con chó (số từ + loại từ + danh từ)
Chính vì sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt này khiến cho nhiều người Việt khi dùng tiếng Anh gặp khó khăn trong việc phân biệt cách dùng “a, an, the”. Nhiều học sinh Việt Nam dùng lẫn lộn hay thậm chí là bỏ luôn các mạo từ này khi nói và viết tiếng Anh.
Tham khảo cách khắc phục
Mạo từ là gì? Phân loại và cách dùng chính xác | Anh Ngữ ZIM
Cách sử dụng mạo từ chính xác trong IELTS Writing Task 2 (zim.vn)
Lỗi sai trật tự từ
Theo một khảo sát ở trường đại học Trà Vinh, 100% sinh viên khi được cho làm bài kiểm tra tiếng Anh mắc các lỗi liên quan đến trật tự từ, hay nói cách khác là sắp xếp các từ lộn xộn, không đúng quy tắc (Nguyen 2020). Từ đó có thể thấy, đây là một lỗi rất phổ biến với người Việt khi sử dụng tiếng Anh.
Các lỗi sai liên quan đến trật tự từ sẽ được chia có thể được chia làm 3 nhóm chính là danh từ, tính từ và phó từ. Phần tiếp theo của bài viết sẽ lần lượt đề cập đến 3 lỗi sai liên quan đến trật tự từ nêu trên.
Sai trật tự bổ ngữ của danh từ
Biểu hiện
Nhiều học sinh Việt Nam bị lúng túng trong việc sắp xếp các từ đúng thứ tự trong 1 cụm danh từ và mắc các lỗi như This car red thay vì This red car hay service counselling student thay vì student counselling service.
Nguyên nhân
Dù tiếng Việt và tiếng Anh đều có 3 thành phần trong các cụm danh từ (tiền bổ ngữ, danh từ gốc, hậu bố ngữ), vị trí các thành phần này khác hẳn nhau trong 2 ngôn ngữ. Với cụm danh từ tiếng Việt, từ biểu thị nội dung chính sẽ đứng trước, các từ bổ sung ý nghĩa sẽ đứng sau. Ví dụ: Trong từ “bò sữa”, sự vật chính là con bò, còn sữa là hậu bổ ngữ để giải thích rõ hơn con bò đó là giống gì. Ngược lại, trong từ “sữa bò”, sự vật chính ở đây là sữa, còn bò là hậu bổ ngữ cụ thể hóa sữa đó thuộc loại gì. Mức độ quan trọng của nội dung sẽ giảm dần từ trái sang phải, ví dụ trong cụm “sữa bò tươi”, từ tươi là hậu bổ ngữ cho từ sữa bò.
Ngược lại, trong tiếng Anh, trật tự trong cụm danh từ đối lập hoàn toàn với tiếng Việt: từ biểu thị nội dung chính sẽ đứng cuối, các từ bổ sung ý nghĩa sẽ lần lượt đứng trước.
Ví dụ: Từ “sữa bò” trong tiếng Anh là “cow milk”, sự vật chính là milk, còn cow là từ tiền bổ ngữ, làm rõ hơn cho milk.
Tham khảo cách khắc phục
Áp dụng phương pháp phân tích cụm danh từ khi làm bài IELTS Reading
Sai trật tự tính từ-danh từ
Biểu hiện
Trong khảo sát tương tự ở Đại học Trà Vinh, các sinh viên cũng mắc cả lỗi viết sai trật tự từ trong các cụm tính từ – danh từ. Cụ thể, nhiều sinh viên viết books useful thay vì useful books hay tuition fees high thay vì trật tự đúng là high tuition fees.
Nguyên nhân
Lỗi sai này cũng có thể được giải thích bởi sự khác nhau trong cách sắp xếp danh từ và tính từ trong tiếng Việt và tiếng Anh. Nếu trong tiếng Việt, các tính từ đứng sau danh từ (ví dụ: người phụ nữ đẹp), thì trong tiếng Anh, các tính từ đứng trước danh từ (ví dụ: a beautiful woman – đẹp người phụ nữ). Vì lẽ đó, nếu giữ nguyên cách tư duy của tiếng Việt khi sử dụng tiếng Anh, các học sinh Việt Nam sẽ dễ sai trật tự tính từ-danh từ.
Tham khảo cách khắc phục
So sánh cấu trúc của cụm danh từ trong Tiếng Anh và Tiếng Việt (zim.vn)
Sai trật tự phó từ
Biểu hiện
Một số người Việt khi dùng tiếng Anh thường mắc lỗi lạm dụng phó từ very, thêm very vô tội vạ vào trước mọi động từ (ví dụ: “very disappoint”, “very love singing”). Mặt khác, nhiều học sinh Việt cũng lúng túng trong việc đặt very trong một câu, dẫn đến các lỗi sai như:
Lỗi sai với very
Nguyên nhân
Điều này một phần cũng là do sự khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng Anh về vị trí phó từ trong các cụm động từ và tính từ. Cụ thể, người Việt thường xuyên sử dụng hai phó từ chỉ sắc thái là rất và lắm. Dù hai từ này đều có thể dịch sang là very trong tiếng Anh, vị trí của chúng trong câu là khác nhau (Diep 2005). Ví dụ, một vài phó từ như rất và hơi luôn đứng trước động từ và tính từ, như rất thích, hơi ghét, rất đẹp, hơi xấu… Mặt khác, các phó từ như lắm và quá lại đứng sau tính từ và động từ, ví dụ: thích lắm, ghét lắm, đẹp quá, xấu quá. Vì tất cả các phó từ như rất, quá, lắm, cực kì đều tương đương với từ very trong tiếng Anh, các học sinh Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc đặt very đúng vị trí trong câu.
Tham khảo cách khắc phục
Những lưu ý khi sử dụng trạng từ chỉ mức độ (Adverb of Degree)
Tổng kết
Bài viết đã đề cập tới lỗi ngữ pháp tiếng Anh hay gặp phải của người Việt. Chung quy lại, các lỗi này đều bắt nguồn từ sự khác nhau giữa cấu trúc của tiếng Việt và tiếng Anh. Để khắc phục các lỗi này, người Việt Nam khi sử dụng tiếng Anh cần tập suy nghĩ theo lối tư duy của tiếng Anh, tránh việc nghĩ bằng tiếng Việt trước rồi dịch word-by-word sang tiếng Anh.
Xem thêm: Dịch Word - By - Word: Nguyên nhân chính và giải pháp khắc phục
Tham khảo thêm:
→ ĐĂNG KÝ NGAY: Kiểm tra trình độ tiếng Anh miễn phí tại ZIM → sắp lớp học theo đúng định hướng và nhu cầu học tập: Anh ngữ ZIM chuyên luyện thi IELTS, TOEIC, TAGT - Cam kết đầu ra bằng văn bản - Miễn phí học lại nếu không đạt target: ***Xem ngay: |
---|
Bình luận - Hỏi đáp