Cách tăng tính tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh – Phần 5

Ngữ cảnh là tình huống diễn ra cuộc giao tiếp. Những tình huống này có vai trò “đóng khung” cuộc hội thoại trong những ràng buộc nhất định về ngôn ngữ và cách bày tỏ thông điệp.
author
ZIM Academy
20/01/2021
cach tang tinh tu nhien trong giao tiep tieng anh phan 5

Trong phần trước “Cách tăng tính tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh” đã tiếp tục đào sâu vào hai yếu tố là Giọng (accent) và cách vận dụng từ vựng giúp tăng tính tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh. Phần cuối của series bài viết, tác giả sẽ khai thác một khía cạnh hay bị lãng quên trong việc học ngôn ngữ, đó là ngữ cảnh.

Cải thiện các yếu tố ngôn ngữ để tăng tính tự nhiên khi giao tiếp

Ngữ cảnh (Context) là gì?

Ngữ cảnh là tình huống diễn ra cuộc giao tiếp. Những tình huống này có vai trò “đóng khung” cuộc hội thoại trong những ràng buộc nhất định về ngôn ngữ và cách bày tỏ thông điệp. Thậm chí, với cùng một cách nói hay bày tỏ, những ngữ cảnh khác nhau đưa đến những cách hiểu khác nhau, ví dụ câu “You look anxious” trong một cuộc gặp gỡ với bạn bè và trong một cuộc phỏng vấn đã có hai hàm ý khác nhau (đùa giỡn – phán xét).

Ngữ cảnh có rất nhiều khía cạnh và cách phân chia. Bài viết sẽ phân tách ngữ cảnh theo lĩnh vực của Phân tích Diễn ngôn (Discourse Analysis). Theo đó, các thành phần của một ngữ cảnh bao gồm:

  • Bối cảnh: bao gồm những người tham gia cuộc hội thoại, mục đích của hội thoại, thời gian và địa điểm cuộc hội thoại

  • Hành vi: bao gồm những hành động và ngôn ngữ hình thể

  • Ngôn ngữ: những người tham gia cuộc hội thoại có thể hiểu ý lẫn nhau do cùng có chung các yếu tố về ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ

  • Ngoại cảnh: những yếu tố vĩ mô bao gồm chính trị, văn hoá, xã hội cũng gián tiếp ảnh hưởng đến nội dung của cuộc giao tiếp / hội thoại

Bốn thành tố trên của ngữ cảnh đều có vai trò quan trọng để tăng chất lượng của cuộc giao tiếp.

ngu-canh-la-gi

Tại sao phải chú ý đến ngữ cảnh?

Như vậy có thể thấy, ngôn ngữ chỉ chiếm một trong bốn phần của một cuộc hội thoại / giao tiếp thông thường. Nói cách khác, để cuộc giao tiếp diễn ra tự nhiên hơn, người học cần chú ý đến các thành tố còn lại của ngữ cảnh giao tiếp – tức bao gồm bối cảnh, hành vi và các yếu tố ngoại cảnh.

Ngoài ra còn có một yếu tố cốt lõi khác về ngữ cảnh. Ngữ cảnh tồn tại trong cả văn nói (spoken language) và văn viết (written language). Trong khi ngữ cảnh trong văn viết thường cố định và không thay đổi (do đã thiết lập để sự vật, sự việc được diễn ra), ngữ cảnh trong văn nói thường linh hoạt, thay đổi nhanh và khó đoán hơn. Do đó, điều này đòi hỏi người học cần nắm bắt nhanh những thay đổi của ngữ cảnh để thích ứng đi theo cuộc hội thoại. Nói cách khác, yếu tố này đòi hỏi người học cần trau dồi khả năng giao tiếp và ứng biến nói chung, chứ không chỉ cụ thể cải thiện các yếu tố về mặt ngôn ngữ.

Đọc thêm: Sự khác biệt giữa phong cách văn nói và văn viết trong bài thi IELTS (P.1)

Phần sau đây sẽ đi sâu vào từng khía cạnh của Ngữ cảnh để người học có thể thích nghi với những thay đổi của ngữ cảnh trong giao tiếp.

Tăng tính tự nhiên giao tiếp tiếng Anh nhờ cải thiện các khía cạnh trong ngữ cảnh

Bối cảnh (Setting)

Đây là thành tố cơ bản nhất định hình thành nên ngữ cảnh của một cuộc hội thoại. Đây không phải là thành tố mà người học có thể thay đổi, mà tuỳ thuộc vào những bối cảnh khác nhau người học sẽ có những vận dụng, thay đổi khác nhau về mặt đối đáp và ngôn ngữ. Bối cảnh được chia ra thành các khía cạnh nhỏ hơn, bao gồm:

Địa điểm và thời gian của cuộc giao tiếp: Trên thực thế, không có bất kỳ một công thức chung nào để cải thiện yếu tố về mặt dàn cảnh để cải thiện tính tự nhiên trong giao tiếp của một người vì về cơ bản, yếu tố này là bất biến. Tuy vậy, người học vẫn có thể tìm hiểu cụ thể các cách để cải thiện giao tiếp trong một môi trường cụ thể nào đó.

Ngoài ra, thành tố này còn đòi hỏi người học cần chú ý đến khía cạnh về tính trang trọng của ngôn ngữ. Để xem xét mức độ trang trọng (formal) của một từ, người học có thể tham khảo cách dò trên từ điển Oxford. Ví dụ:

tang-tinh-tu-nhien-giao-tiep-tieng-anh-nho-ngu-canhVí dụ về cách sử dụng từ điển tra từ trang trọng

Ngoài ra, trong trường sử dụng ngôn ngữ không trang trọng (informal language), người học có thể tham khảo lại phần 3 series “Cách tăng tính tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh” để tìm hiểu cách sử dụng cụm động từ trong giao tiếp (phrasal verbs).

  • Người tham gia cuộc hội thoại: Thường thì người học và người bản xứ sẽ có những “lệch pha” nhất định khi giao tiếp vì yếu tố về văn hoá.

Khiếu hài hước: Một trong những khác biệt đó được thể hiện qua khiếu hài hước (sense of humor). Thông thường, người bản ngữ sẽ đùa theo hai kiểu: đùa theo ngữ cảnh (context jokes) hoặc châm biếm (sarcasm). Sự khác biệt trong yếu tố này dễ dẫn đến tình huống kỳ quặc trong giao tiếp, xuất phát từ việc không hiểu nhau. Không dễ để có thể hoàn toàn hiểu và nắm bắt được yếu tố này vì điều đó đòi hỏi trình độ ngôn ngữ đạt đến một mức độ nhất định.

  • Cách diễn đạt không gây xúc phạm (offense)

Đối với việc giao tiếp đa văn hoá (multicultural communication), việc tiếp cận một cuộc hội thoại mà không gây đụng chạm với người đối diện được xem là một trong các tôn chỉ hàng đầu, không những giúp tăng tính tự nhiên cho cuộc hội thoại mà còn giúp tăng chất lượng của buổi trò chuyện nói chung. Bài viết sẽ đề cập đến một lỗi giao tiếp thường gặp nhất trong các cuộc trò chuyện giữa những người thuộc các văn hoá khác nhau – Stereotype.

Stereotype: hay sự mô tả rập khuôn là một hiện tượng khái quát hoá hình ảnh của một tập thể, một nhóm người hay rộng hơn là một dân tộc nào đó, dựa trên những tính chất đặc trưng hay hành động tiêu biểu của những cá nhân trong tập thể đó.

Ví dụ như:

  • (1) Người châu Á mắt híp

  • (2) Người châu Á ăn thịt chó

Các stereotype này dẫn đến việc giả định trong giao tiếp (assumption) gây khó chịu và có thể xúc phạm đối với người nghe. Ví dụ như:

  • (1) He’s Asian. He has small eyes. Don’t let him drive.

Nó châu Á đó, mắt nó nhỏ lắm, đừng cho nó lái xe. (ý nói người châu Á mắt híp)

  • (2) I lost my dog. I should go ask my Vietnamese neighbor.

Tôi bị mất con chó rồi, để đi hỏi hàng xóm người Việt Nam xem. (ý nói người Việt Nam hay ăn thịt chó)

Những câu như thế này xuất phát thường xuyên trong đời sống thường ngày trong các nền văn hoá; nhưng giữa các cuộc hội thoại liên văn hoá (multicultural communication / cross-culture communication), vấn đề này có thể đặc biệt gây khó chịu cho người nghe, dù chủ ý của người nói có thể là vô tình hay hữu ý. Bản thân người học cần tránh hiện tượng giả định trong giao tiếp, tránh gây mâu thuẫn, đụng chạm không đáng có; cùng với đó là tự ý thức bản thân khi nào đang vướng vào các vấn đề tương tự từ người đối diện để có thể tìm thái độ ứng biến phù hợp tuỳ từng trường hợp.

Hành vi giao tiếp (behavioral communication)

Hành vi giao tiếp là một phương diện khá rộng thuộc về phạm trù tâm lý học đề cập đến việc truyền tải những suy nghĩ, thái độ,… của người nói trong giao tiếp thông qua hành động. Khi giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp với ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, người học có xu hướng tập trung vào ngôn ngữ mình đang nói (câu từ, phát âm,…) mà quên rằng để giao tiếp thành công, người học cần chú ý nhiều hơn chỉ là về ngôn ngữ mình đang nói.

Ngôn ngữ cơ thể (body language): Ngôn ngữ cơ thể là một trong những phương tiện giao tiếp phổ biến và trực tiếp nhất. Theo nghiên cứu từ năm 2010 của Foley và Gentile, biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ hình thể biểu đạt đến hơn 60% khối lượng thông tin chúng ta dùng trong giao tiếp – bao gồm cả những thông tin không được truyền đạt bằng ngôn ngữ (theo bổ sung của Tipper, Signorini và Grafton – 2015). Dù vậy, đây lại là phương tiện ngôn ngữ người nói thường ít ý thức được và bỏ qua khi giao tiếp.

hanh-vi-giao-tiep

Dưới đây là một vài ngôn ngữ hình thể người học nên chú ý để không những có thể tạo nên một không khí tích cực còn giúp bản thân tự tin hơn trong cuộc giao tiếp:

  • Thẳng lưng nhưng thả lỏng vai để trông tự tin nhưng không quá cứng nhắc

  • Hơi nghiêng người về phía người đang hội thoại để tập trung vào cuộc giao tiếp

  • Làm theo một vài cử chỉ của người đối diện để thể hiện sự đồng tình

  • Giữ hai cánh tay mở và không khoanh tay để tạo cảm giác lắng nghe cho người nói

  • Sử dụng cử chỉ tay để minh hoạ, diễn tả khi nói để tạo cảm giác tự nhiên và tăng tín nhiệm cho những gì bản thân đang trình bày – đặc biệt là khi nói trước đám đông (public speaking)

  • Hơi nghiêng đầu sang trái hoặc phải để bớt cảm giác cứng nhắc cơ thể, đồng thời giữ giao tiếp bằng mắt

  • Lặp lại những biểu cảm gương mặt của người đối diện (ví dụ như mỉm cười) khi cần thiết để tạo cảm giác kết nối

  • Điều chỉnh âm lượng giọng của bản thân ở mức phù hợp. Đối với một số người, sự hồi hộp trong giao tiếp tiếng Anh làm họ có xu hướng nói nhanh hơn, không những gây nên bối rối cho người nghe mà còn có thể truyền đạt sai lệch những điều bản thân cần biểu đạt (miscommunication). Do đó, hãy giữ giọng dõng dạc và nói chậm – dù có nói sai.

  • Ngoài ra, người học có thể tham khảo thêm về yếu tố kiểu giọng (accent) và ngữ điệu (intonation) ở các phần trước của series bài viết để có thể luyện tập cải thiện thêm.

  • Để ý ngôn ngữ hình thể của người đối diện. Điều này giúp người học phần nào “đọc vị” được người đối diện (thái độ, mong muốn,..) để từ đó có thể đưa ra những phương cách ứng biến phù hợp

Trên đây là những dấu hiệu cơ bản nhất về ngôn ngữ hình thể, người đọc có thể tham khảo thêm tại Verywell về nhiều biểu hiện khác nhau của ngôn ngữ hình thể, từ đó góp phần giúp người học giao tiếp tự nhiên hơn trong giao tiếp.

Ngôn ngữ nói (Spoken Language)

Như đã trình bày, một trong những ảnh hưởng lớn nhất của ngữ cảnh lên ngôn ngữ là kiểu văn nói (spoken language) so với kiểu văn viết (written language). Ngoài sự khác biệt trong độ linh hoạt của việc thay đổi ngữ cảnh, văn nói cũng sẽ có những khác biệt nhất định so với văn viết về cách sử dụng câu từ giúp tăng tính tự nhiên khi giao tiếp tiếng Anh.

Tham khảo biểu đồ biểu đồ Venn dưới đây của trường Đại học Hamilton về những yếu tố giống nhau và khác nhau giữa văn nói và văn viết:

ngon-ngu-noi-spoken-language

Theo đó, có 6 đặc điểm chính của ngôn ngữ nói người học có thể ghi nhớ để cải thiện ngôn ngữ giao tiếp của bản thân:

  • Sử dụng đại từ danh xưng nhiều hơn

  • Những ý kiến được trình bày ít thành từng phần nhỏ, gọn gàng và dễ theo dõi

  • Lặp lại nhiều từ vựng hơn để nhấn mạnh ý kiến. Những từ vựng này thường quen thuộc và đơn giản (thường là các phrasal verbs).

  • Tông giọng đa dạng và nhiều sắc thái biểu cảm hơn thông qua việc sử dụng từ vựng thông tục, ngôn ngữ địa phương, thành ngữ hoặc viết tắt

  • Sử dụng những từ quen thuộc, thường gặp và dễ hiểu

  • Ít khi sử dụng các dẫn chứng từ nguồn ngoài như văn

Đôi khi xuất phát từ những thói quen trong quá trình học và Đọc – Viết, người học có thể có xu hướng mang ngôn ngữ viết vào ngôn ngữ nói (và ngược lại) gây nên sự mất tự nhiên cho cả hai kiểu ngôn ngữ, dù cả hai đều đòi hỏi cách lập luận và cấu trúc chặt chẽ như nhau.

Người học có thể đối chiếu những khác biệt được trình bày trên qua một ví dụ trích từ một nghiên cứu về ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết của trường Đại học Western như sau:

tang-tinh-tu-nhien-nho-khia-canh-ngu-canh-ngon-ngu-noi

Ngoài ra, dưới đây là một số ví dụ cho từng trường hợp trên:

  • (1) Ngôn ngữ nói sử dụng các đại từ danh xưng nhiều hơn:

Ngôn ngữ nói: I donʼt believe that the results are accurate.

Ngôn ngữ viết: The results are not believed to be accurate.

  • (2) Ngôn ngữ nói chia ý kiến ra thành từng phần nhỏ, vì thế nên dễ theo kịp hơn

Ngôn ngữ nói: I don’t think we should change the plan like that. It’s too difficult to conduct. Also, it’s too risky!

Ngôn ngữ viết: The plan shouldn’t be change due to its risk and complexity

  • (3) Ngôn ngữ nói dùng việc lặp lại từ để nhấn mạnh ý kiến

Ngôn ngữ nói: It’s a won-won-won-wonderful day

Ngôn ngữ viết: It was a undescribably wonderful day

  • (4) Ngôn ngữ nói có tông giọng đa dạng và nhiều sắc thái biểu cảm hơn thông qua việc sử dụng từ vựng thông tục, ngôn ngữ địa phương, thành ngữ hoặc viết tắt

Ngôn ngữ nói: It was raining cats and dogs.

Ngôn ngữ viết: It was raining very heavily.

  • (5) Ngôn ngữ nói sử dụng những từ thường gặp và dễ hiểu

Ngôn ngữ nói: This study research the language characteristics of British English and American English to find out whether they are of “accents” or of “dialects”.

Ngôn ngữ viết: This paper investigates the linguistics features of British English and American English to discover whether they are “accents” or “dialects” of the same language

(Socio Term Paper (British English versus American English) – Sawsan Fawzy)

  • (6) Ngôn ngữ ít dẫn chứng các nguồn ngoài để hỗ trợ cho câu nói

Ngôn ngữ nói: I have read that picking up food within 3 seconds after fall is safe to eat is a big misconception

Ngôn ngữ viết: According to the study of Jillian Clarke during an internship at the University of Illinois at Urbana–Champaign, the bacteria transfer to food immediately after contact. Therefore, the thought that picking up food within 3 seconds after fall is safe to eat is a big misconception.

Đọc thêm: Sự khác biệt giữa phong cách văn nói và văn viết trong bài thi IELTS (P.2)

Ngoại cảnh (Extra-situational)

Có thể hiểu là những yếu tố xuất phát từ văn hoá, xã hội, chính trị,.., mà ngôn ngữ đó bắt nguồn. Tất cả những yếu tố ngoại cảnh đó phần nào cấu thành nên cách mà một người giao tiếp.

Dưới đây là một vài sự khác biệt chính trong cách giao tiếp của người nói tiếng Anh bản xứ so với người học tiếng Anh ảnh hưởng từ văn hoá và xã hội – được tổng hợp bởi trường Đại học Victoria – Houston:

Khác biệt trong phong cách giao tiếp: Phong cách giao tiếp có sự khác biệt theo từng văn hoá và vùng miền, dẫn đến việc những từ và cụm từ cũng có sự khác biệt nhất định trong cách dùng. Ví dụ, “yes” có thể có nghĩa “maybe” hoặc “definitely” (khác biệt về mức độ chắc chắn) ở các nước nói tiếng Anh. Và đối với người bản xứ, ngôn ngữ cơ thể có một vai trò quan trọng trong giao tiếp để thể hiện mức độ thân thiết giữa hai người, từ biểu cảm gương mặt đến ngôn ngữ hình thể, khoảng cách giữa hai người, ngay cả việc sắp xếp chỗ ngồi.

Khác biệt trong cách giải quyết mâu thuẫn: Mâu thuẫn được xem là một điều tích cực hơn là tiêu cực đối với một số văn hoá. Đối với phương Tây và Mỹ, dù mâu thuẫn không phải là một điều được mong đợi, tuy vậy, người bản xứ thường sẽ ủng hộ việc giải quyết công khai và trực tiếp đối với vấn đề. Trong khi văn hoá phương Đông thì chuộng việc giải quyết riêng tư hơn.

Khác biệt về thái độ đối với những vấn đề cá nhân: Những người nói tiếng Anh thường cởi mở hơn về những câu hỏi mang tính riêng tư hơn, bao gồm cả việc bày tỏ cảm xúc. Đây là một vấn đề cần được lưu tâm trong giao tiếp, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cách giao tiếp qua lại cũng như cách đặt câu hỏi của người học khi giao tiếp, đặc biệt là đối với người bản xứ.

su-khac-biet-giua-nguoi-ban-xu-va-nguoi-hoc-tieng-anh

Khi bắt đầu giao tiếp với người bản xứ, người học có thể giảm thiểu những vấn đề từ các khác biệt văn hoá trên bằng các cách sau:

Duy trì phép xã giao ở một mức độ nhất định: Dù có thể người học có cảm giác thoải mái trong cuộc trò chuyện vì thường những cuộc hội thoại này diễn ra cởi mở, việc quá hồ hởi hoặc suồng sã trong giao tiếp có thể làm người học mắc các lỗi giao tiếp trên mà không nhận ra.

Chú ý đến xưng hô: Việc lúc nào nên xưng hô bằng tên (first name) và họ (last name) là một biểu hiện của phép lịch sự trong văn hoá phương Tây. Để biết khi nào nên gọi một người bằng tên hay họ, người học có thể tham khảo bài viết How to Address People in English.

Nói chuyện chậm rãi và dõng dạc, dù có thể sai phát âm và ngữ pháp. Đa phần người bản xứ đều có thái độ ủng hộ đối với người học đang tập giao tiếp bằng tiếng Anh. Tuy vậy, việc nói gấp hay lướt chữ vì sợ sai đôi khi bị xem là không lịch sự, và hơn nữa là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc giao tiếp.

Lắng nghe chủ động: Việc lắng nghe thể hiện sự tôn trọng dù là ở bất kỳ nền văn hoá nào. Hơn thế nữa, hãy đặt các câu hỏi để chắc chắn rằng đã hiểu đúng ý người nói muốn truyền tải.

Thay phiên làm người nói: đây là một lỗi tưởng chừng như cơ bản nhưng rất hay gặp phải khi người học bắt đầu giao tiếp tiếng Anh. Quá tập trung vào những gì bản thân đang truyền đạt (vì người học có xu hướng muốn tập trung vào các diễn đạt ngôn ngữ tiếng Anh của mình) hoặc quá ngại để nói vì sợ sai dễ biến cuộc hội thoại thành một chiều.

Hỏi các câu hỏi mở: Điều này giúp hai bên thu được nhiều thông tin hơn khi giao tiếp, tạo nên không khí gần gũi hơn.

Cẩn thận với những câu đùa: Như đã trình bày nhiều lần ở trên, các văn hoá khác nhau sẽ có những định nghĩa khác nhau thế nào là đùa / hài hước. Đôi khi một câu đùa được xem là vui vẻ và văn minh ở một nền văn hoá này lại bị xem là đụng chạm ở một nền văn hoá khác.

Khuyến khích và cảm thông: Cuối cùng, việc mắc lỗi trong giao tiếp không phải là một vấn đề hiếm thấy. Hãy cởi mở với những lỗi giao tiếp của người đối diện và cầu thị với những lỗi sai của bản thân. Từ đó, người học cũng có quyền mong muốn và yêu cầu một thái độ như thế đến từ người đối diện.

Tổng kết

Bài viết này đã bao quát và phân tích và gợi ý cách học cho những khía cạnh về ngữ cảnh mà người học đôi khi bỏ qua trong quá trình học, từ đó vô hình chung làm ảnh hưởng đến tính tự nhiên khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Hi vọng qua 5 phần của series, người học đã nắm được cách giao tiếp bằng tiếng Anh tự nhiên hơn, từ đó giúp luyện thi IELTS Speaking hiệu quả.

Ngô Phương Thảo

Xem thêm:

Người học cần làm quen với các thao tác và làm bài thi IELTS trên máy tính để giúp tự tin hơn trước ngày thi chính thức. Đăng ký tham gia thi thử IELTS trên máy tính tại ZIM có ngay kết quả.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu