Banner background

Ứng dụng chiến lược đánh dấu vị trí (Mapping) vào bài thi IELTS Reading

Bài viết giới thiệu chiến lược làm bài hiệu quả cho phần Đọc trong kỳ thi IELTS, nhấn mạnh việc đánh dấu vị trí thông tin trước khi trả lời câu hỏi. Phương pháp này giúp thí sinh quản lý thời gian, giảm tải nhận thức, và tập trung vào chi tiết quan trọng, từ đó nâng cao hiệu suất. Được hỗ trợ bởi lý thuyết về phong cách tư duy và mã hóa kép, bài viết phân tích cách thực hiện, đối tượng phù hợp, và các hạn chế của chiến lược.
ung dung chien luoc danh dau vi tri mapping vao bai thi ielts reading

Key takeaways

  • Chiến lược: đọc câu hỏi trước, lập bản đồ thông tin, đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi.

  • Đánh dấu vị trí thông tin trước khi trả lời giúp giảm tải nhận thức và tăng độ chính xác trong bài thi IELTS Reading.

  • Chiến lược này phù hợp nhất với người có phong cách tư duy phân tích, phản xạ

Phần Đọc của kỳ thi IELTS thường là một thử thách lớn đối với thí sinh do độ dài và độ phức tạp của các đoạn văn. Với thời gian giới hạn 60 phút để hoàn thành ba đoạn văn và 40 câu hỏi, thí sinh cần một chiến lược hiệu quả để tối ưu hóa hiệu suất. Một kỹ thuật nổi bật đã được phát triển để giải quyết vấn đề này: đọc câu hỏi trước, lập bản đồ thông tin, đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi. Phương pháp này giúp tiết kiệm thời gian, tăng độ chính xác bằng cách tập trung vào thông tin quan trọng, giảm sự phân tâm và quản lý tải nhận thức một cách hiệu quả. Bài viết này sẽ trình bày cơ sở lý thuyết của chiến lược, các bước thực hiện cụ thể, cùng với phân tích tính ứng dụng và hạn chế, nhằm cung cấp một tài liệu toàn diện cho thí sinh và giáo viên.

Tổng quan lý thuyết

Bài thi IELTS Reading

Bài thi IELTS Reading trong phiên bản Academic là một công cụ đánh giá khả năng đọc hiểu học thuật, yêu cầu thí sinh xử lý thông tin phức tạp trong thời gian giới hạn. Bài thi bao gồm ba đoạn văn với độ dài tổng cộng khoảng 2.500 từ, được trích từ các nguồn như bài báo, nghiên cứu khoa học, hoặc tài liệu học thuật [1]. Mỗi đoạn văn đi kèm với một loạt câu hỏi, tổng cộng 40 câu, phải được hoàn thành trong 60 phút, tạo ra áp lực đáng kể về quản lý thời gian [2].

Cấu trúc và dạng câu hỏi

Các đoạn văn trong bài thi IELTS Reading thường có độ khó tăng dần, từ các chủ đề quen thuộc như xã hội học đến các nội dung chuyên sâu như khoa học tự nhiên hoặc kinh tế học [3]. Các dạng câu hỏi phổ biến bao gồm:

  • Short Answer Questions: Yêu cầu trả lời ngắn gọn (một hoặc hai từ) dựa trên thông tin cụ thể trong bài, kiểm tra khả năng xác định chi tiết [4].

  • Sentence Completion: Điền từ hoặc cụm từ vào chỗ trống để hoàn thành câu, đòi hỏi sự hiểu biết về ngữ cảnh và khả năng paraphrase [5].

  • True/False/Not Given: Đánh giá tính chính xác của phát biểu so với bài đọc, yêu cầu phân biệt thông tin có sẵn, không có, hoặc mâu thuẫn [6].

  • Matching Information: Ghép thông tin với đoạn văn phù hợp, thường không theo thứ tự, đòi hỏi khả năng nắm bắt tổng thể và chi tiết[7].

IELTS Reading

Thách thức chính

Thí sinh phải đối mặt với ba thách thức lớn:

  1. Quản lý thời gian: Với trung bình 1,5 phút cho mỗi câu hỏi, việc phân bổ thời gian hợp lý là yếu tố sống còn [8].

  2. Xử lý lượng thông tin lớn: Tổng cộng 2.500 từ với nhiều chi tiết đòi hỏi khả năng lọc thông tin nhanh chóng [9].

  3. Phân biệt thông tin liên quan và nhiễu: Các đoạn văn thường chứa thông tin không cần thiết, làm tăng độ khó trong việc tìm kiếm đáp án chính xác [10].

Chiến lược đánh dấu vị trí được thiết kế để giải quyết những thách thức này bằng cách giúp thí sinh tập trung vào thông tin quan trọng, giảm thời gian tìm kiếm và tăng độ chính xác.

Phong cách tư duy (Cognitive Style)

Phong cách tư duy đề cập đến cách mỗi cá nhân tiếp cận, xử lý và tổ chức thông tin, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm bài thi [11]. Dưới đây là các phong cách tư duy chính liên quan đến chiến lược đánh dấu vị trí:

Field-Dependent vs. Field-Independent

  • Field-Independent: Những người có phong cách này có khả năng tách biệt chi tiết khỏi ngữ cảnh tổng thể, tập trung vào thông tin cụ thể mà không bị phân tâm bởi các yếu tố xung quanh. Nghiên cứu của Witkin et al. [12] chỉ ra rằng kiểu tư duy này đặc biệt hiệu quả trong các nhiệm vụ phân tích, như xác định vị trí thông tin trong bài đọc IELTS.

  • Field-Dependent: Ngược lại, những người thuộc nhóm này dễ bị ảnh hưởng bởi ngữ cảnh tổng thể, có xu hướng nhìn bài đọc như một khối thống nhất, dẫn đến khó khăn khi cần tập trung vào chi tiết cụ thể [13].

Holistic vs. Analytic

  • Analytic: Người có tư duy phân tích chia nhỏ vấn đề thành các phần để xử lý, phù hợp với việc giải quyết từng câu hỏi một cách có hệ thống. Lux et al. [14] nhấn mạnh rằng kiểu tư duy này cải thiện hiệu suất trong các nhiệm vụ yêu cầu sự chú ý đến chi tiết, chẳng hạn như tìm kiếm thông tin trong bài IELTS Reading.

  • Holistic: Người có tư duy tổng thể nhìn vấn đề như một bức tranh lớn, có thể gặp khó khăn khi cần tập trung vào từng chi tiết riêng lẻ [15].

Reflective vs. Impulsive

  • Reflective: Những người thuộc nhóm này suy nghĩ kỹ lưỡng và lập kế hoạch trước khi hành động, phù hợp với việc đánh dấu vị trí và trả lời câu hỏi một cách cẩn thận. Donati et al. [16]cho thấy kiểu tư duy này giúp tăng độ chính xác trong các nhiệm vụ phức tạp như đọc hiểu học thuật.

  • Impulsive: Người có tư duy bốc đồng thường quyết định nhanh dựa trên trực giác, có thể bỏ qua các bước lập kế hoạch, dẫn đến sai sót trong bài thi [17].

Ý nghĩa đối với chiến lược

Chiến lược đánh dấu vị trí đặc biệt phù hợp với những người có phong cách Field-Independent, Analytic, và Reflective, vì nó yêu cầu khả năng tập trung vào chi tiết, xử lý thông tin có hệ thống, và lập kế hoạch cẩn thận. Tuy nhiên, người thuộc các phong cách khác có thể điều chỉnh cách tiếp cận để tận dụng chiến lược này hiệu quả hơn.

Phong cách tư duy

Tải nhận thức

Tải nhận thức là lượng thông tin mà bộ nhớ làm việc phải xử lý cùng lúc, ảnh hưởng đến khả năng học tập và hiểu biết [18]. Theo lý thuyết tải nhận thức của Sweller [19], tải nhận thức được chia thành ba loại:

  • Tải nội tại (Intrinsic Load): Độ khó vốn có của nội dung, chẳng hạn như mức độ phức tạp của từ vựng và cấu trúc câu trong bài đọc IELTS.

  • Tải ngoại vi (Extraneous Load): Nhiễu không cần thiết, như thông tin không liên quan hoặc cách trình bày rối mắt trong bài thi.

  • Tải germane (Germane Load): Nỗ lực học tập hiệu quả, như tập trung vào thông tin quan trọng để xây dựng hiểu biết.

Trong bài thi IELTS Reading, tải nội tại cao do các đoạn văn chứa nội dung học thuật phức tạp, trong khi tải ngoại vi xuất hiện khi thí sinh phải lọc bỏ thông tin không liên quan để tìm đáp án[20]. Chiến lược đánh dấu vị trí giúp:

  • Giảm tải ngoại vi: Bằng cách xác định và tập trung vào thông tin cần thiết, loại bỏ nhiễu từ các chi tiết không quan trọng.

  • Giảm tải nội tại: Chia nhỏ nhiệm vụ đọc hiểu thành các bước cụ thể (đọc câu hỏi, đánh dấu, trả lời), giúp bộ nhớ làm việc xử lý thông tin hiệu quả hơn.

  • Tăng tải germane: Khuyến khích thí sinh tập trung vào việc hiểu và ghi nhớ thông tin quan trọng [21].

Tải nhận thức

Bouchefra [22] đã áp dụng lý thuyết tải nhận thức vào đọc hiểu ngoại ngữ, chứng minh rằng việc giảm tải nhận thức thông qua các chiến lược như đánh dấu vị trí cải thiện khả năng hiểu và ghi nhớ thông tin. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh áp lực thời gian của bài thi IELTS.

Xem thêm: Ba chiến lược tăng tốc độ đọc hiểu từ band 4/5 và lên band 6 IELTS Reading

Dual-Coding Method

Phương pháp mã hóa kép (Dual-Coding), được phát triển bởi Paivio[23], cho rằng bộ não xử lý thông tin qua hai kênh độc lập: lời nói (verbal)hình ảnh (visual). Việc kết hợp cả hai kênh tăng cường khả năng ghi nhớ và truy xuất thông tin [24].

Trong bài thi IELTS Reading, chiến lược đánh dấu vị trí tận dụng mã hóa kép bằng cách:

  • Kênh lời nói: Ghi nhớ từ khóa hoặc cụm từ liên quan đến câu hỏi.

  • Kênh hình ảnh: Lập bản đồ tinh thần về vị trí của thông tin trong bài đọc (ví dụ: đoạn 1, dòng 5).

Sự kết hợp này giúp thí sinh truy xuất thông tin nhanh chóng và chính xác hơn khi trả lời câu hỏi. Ví dụ, khi đọc câu hỏi trước, thí sinh có thể hình dung vị trí của từ khóa trong bài, sau đó kiểm tra lại đoạn văn đã đánh dấu để xác nhận đáp án [25].

Clark và Paivio[26]đã chứng minh rằng phương pháp mã hóa kép đặc biệt hiệu quả trong giáo dục, cải thiện khả năng học tập và ghi nhớ trong các nhiệm vụ đọc hiểu. Điều này khẳng định giá trị của việc sử dụng đánh dấu vị trí như một công cụ hỗ trợ trí nhớ trong bài thi IELTS Reading.

Lý thuyết mã hóa kép (Dual-Coding Theory)

Chiến lược làm bài đánh dấu vị trí

Phần Đọc của kỳ thi IELTS thường là một thử thách lớn đối với thí sinh do độ dài và độ phức tạp của các đoạn văn. Để vượt qua thử thách này, tài liệu dưới đây giới thiệu một kỹ thuật đọc hiệu quả: đọc câu hỏi trước, lập bản đồ thông tin, đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi. Kỹ thuật này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tăng độ chính xác bằng cách tập trung vào thông tin quan trọng, giảm sự phân tâm và quản lý tải nhận thức một cách hiệu quả.

Kỹ thuật này bao gồm bốn bước cụ thể để tối ưu hóa quá trình đọc hiểu trong kỳ thi IELTS:

  • Bước 1: Đọc câu hỏi trước
    Đọc kỹ các câu hỏi trước khi bắt đầu đọc đoạn văn để xác định thông tin cần tìm. Gạch chân các từ khóa quan trọng như tên riêng, ngày tháng, hoặc sự kiện cụ thể để dễ dàng nhận diện trong đoạn văn.

  • Bước 2: Đọc đoạn văn và lập bản đồ vị trí toàn bộ các câu hỏi
    Đọc lướt đoạn văn để nắm sơ bộ nội dung và cấu trúc tổng quát. Đánh dấu vị trí (locate) của các thông tin có liên quan tới từ khoá của câu hỏi. Ví dụ, nếu câu hỏi 1 hỏi về một sự kiện lịch sử, thí sinh thấy rằng thông tin này nằm ở đoạn 1 thì lập tức đánh dấu vào đề hoặc tưởng tượng trong đầu. Tiếp tục cho đến khi hoàn chỉnh việc đánh dấu vị trí toàn bộ câu hỏi.
    Ở bước này, thí sinh ưu tiên xác định vị trí của các câu hỏi, vì vậy có thể dựa vào các từ khoá dễ tìm kiếm như tên riêng hoặc năm để scan vị trí một cách nhanh chóng.
    Khác với cách làm bài thông thường, phương pháp này ưu tiên việc đánh dấu vị trí cho TOÀN BỘ câu hỏi trước khi tiến hành viêc đọc hiểu và làm bài. Điều này cho phép học viên bắt đầu một cách chậm rãi (chưa phải đọc hiểu) và khi đã xác định được vị trí cho từng câu, học viên sẽ làm bài một cách có chiến lược hơn.
    (Đối với học sinh có trình độ thấp, việc đánh dấu các câu hỏi trước khi làm sẽ giúp học viên tập trung vào các câu hỏi mà họ có thể tìm ra vị trí dựa vào các từ khoá dễ tìm kiếm. Điều này có thể giúp họ tiết kiệm thời gian hơn thay vì tốn thời gian vào câu hỏi khó.)

  • Bước 3: Đọc hiểu
    Bắt đầu đọc kỹ đoạn văn. Sử dụng các ký hiệu đã lập hoặc bản đồ đã tưởng tượng trong đầu để tập trung vào các phần thông tin chính liên quan đến từng câu hỏi. Điều này giúp thí sinh tránh lãng phí thời gian vào các chi tiết không cần thiết.

  • Bước 4: Trả lời câu hỏi
    Dựa vào các vị trí đã ghi nhớ và nội dung đọc hiểu ở bước 3, phân tích và đưa ra câu trả lời một cách chính xác, từng câu hỏi một.
    Tiếp tục bước 3 cho câu hỏi tiếp theo.

Chiến lược làm bài đánh dấu vị trí

Ví dụ minh hoạ

Người đọc tham khảo bài đọc trong sách luyện đề Cambridge IELTS 19, Test 1, Passage 1.

Bước 1: Đọc câu hỏi trước

Trước tiên, bạn cần đọc kỹ các câu hỏi để biết mình phải tìm thông tin gì. Dưới đây là một số câu hỏi ví dụ từ bài đọc:

  • Câu 1: Người ta đã dự đoán Andy Murray sẽ trở thành tay vợt số một thế giới ít nhất năm năm trước năm 2016 hay không?

  • Câu 2: Sự thay đổi mà Andy Murray thực hiện với vợt của mình đã thu hút nhiều sự chú ý.

  • Câu 3: Hầu hết các tay vợt hàng đầu đều mang theo người căng vợt chuyên nghiệp khi thi đấu.

  • Câu 4: Mike và Bob Bryan sử dụng vợt nhẹ hơn so với đa số các vợt khác.

  • Câu 5: Werner Fischer đã chơi với vợt "spaghetti-strung" do chính ông thiết kế.

  • Câu 6: Thời tiết có thể ảnh hưởng đến cách các tay vợt chuyên nghiệp điều chỉnh dây vợt.

  • Câu 7: Người ta tin rằng sự thay đổi Pete Sampras thực hiện với vợt đã góp phần vào cú giao bóng mạnh của ông.

  • Câu 8-13: Điền từ vào chỗ trống liên quan đến các thay đổi của vợt tennis (ví dụ: "paint," "spin," "nutrition," "intestines," "weights," "grips").

Cách thực hiện:

  • Thí sinh đọc hiểu từng câu hỏi

  • Gạch chân các từ khóa quan trọng trong câu hỏi, ví dụ như "Andy Murray," "five years before 2016." "Mike và Bob Bryan," "Werner Fischer," "weather" "Pete Sampras.",

  • Điều này giúp thí sinh nhận diện nhanh thông tin cần tìm khi đọc bài.

Bước 2: Xác định vị trí thông tin trong bài đọc

Tiếp theo, đọc lướt qua bài để nắm cấu trúc và nội dung chính, ghi nhớ nơi có thể chứa câu trả lời. Bạn không cần hiểu hết mọi chi tiết, chỉ cần biết thông tin nằm ở đâu.

Ví dụ từ bài đọc:

  • Đoạn 1: Nói về Andy Murray và thành tựu của ông.

  • Đoạn 2: Thay đổi dây vợt của Andy Murray.

  • Đoạn 3: Các tay vợt chuyên nghiệp tùy chỉnh vợt, ví dụ Mike và Bob Bryan.

  • Đoạn 4: Lý do thay đổi vợt và tầm quan trọng của nó.

  • Đoạn 5: Lịch sử thay đổi vợt, ví dụ Werner Fischer và vợt "spaghetti-strung."

  • Đoạn 6: Các yếu tố ảnh hưởng đến dây vợt, như thời tiết.

  • Đoạn 7: Vật liệu dây vợt, từ ruột động vật đến synthetic.

  • Đoạn 8: Thay đổi khung vợt, ví dụ Pete Sampras thêm trọng lượng.

  • Đoạn 9: Thay đổi về grip, ví dụ Gonçalo Oliveira.

Cambridge IELTS 19, Test 1, Passage 1
Cambridge IELTS 19, Test 1, Passage 1

Cách thực hiện:

  • Trong giai đoạn này, quan trọng nhất là thí sinh đọc lướt nội dung bài đọc và xác định vị trí các thông tin chính cho từng câu hỏi.

  • Đối với những câu hỏi có từ khoá dễ scan, có thể áp dụng scanning để tìm vị trí một cách nhanh chóng hơn.

  • Có thể ký hiệu vào bài đọc hoặc tưởng tượng trong đầu để tạo thành một bản đồ ảo về cấu trúc bài đọc và cách thiết kế đề thi này

Bước 3 và 4: Đọc kỹ bài và trả lời từng câu hỏi

Sau khi đã xác định vị trí thông tin, đọc lại bài một cách kỹ lưỡng, tập trung vào các phần liên quan đến câu hỏi. Lúc này, bạn biết mình cần tìm gì và ở đâu, giúp tiết kiệm thời gian.

Ví dụ:

  • Đoạn 1: Đọc kỹ để xem có thông tin nào về việc dự đoán Andy Murray trở thành số một từ 5 năm trước hay không (liên quan đến câu 1).

  • Đoạn 2: Chú ý xem sự thay đổi dây vợt của Murray có được nhắc đến là thu hút sự chú ý hay không (liên quan đến câu 2).

  • Đoạn 8: Tìm chi tiết về việc Pete Sampras thêm trọng lượng vào vợt và ảnh hưởng đến cú giao bóng (liên quan đến câu 7).

Cách thực hiện:

  • Tập trung vào các từ khóa đã gạch chân ở bước 1 để tránh đọc lan man.

  • Đối với những câu hỏi khó, có thể đánh dấu hoặc ghi chú các câu trả lời dự kiến bên lề bài đọc.

Cuối cùng, dựa vào thông tin đã tìm thấy, trả lời từng câu hỏi một cách chính xác.

Ví dụ:

  • Câu 1:"Người ta đã dự đoán Andy Murray sẽ trở thành tay vợt số một thế giới ít nhất năm năm trước năm 2016 hay không?"

    • Đoạn 1 nói Murray là "talented outsider" và chưa từng thắng giải lớn trước đó, không có thông tin về dự đoán từ 5 năm trước. Trả lời: NOT GIVEN.

  • Câu 2:"Sự thay đổi mà Andy Murray thực hiện với vợt của mình đã thu hút nhiều sự chú ý."

    • Đoạn 2 ghi "pass more or less unnoticed," tức là không thu hút chú ý. Trả lời: FALSE.

  • Câu 7:"Người ta tin rằng sự thay đổi Pete Sampras thực hiện với vợt đã góp phần vào cú giao bóng mạnh của ông."

    • Đoạn 8 ghi "much of the serving power of Pete Sampras was attributed to the addition of lead weights," tức là người ta tin như vậy. Trả lời: TRUE.

  • Câu 8:"Mike and Bob Bryan made changes to the types of 8 ...................................used on their racket frames."

    • Đoạn 3 đề cập họ thử nghiệm với "different kinds of paint." Trả lời: paint.

Xem thêm: Lập bản đồ tư duy trong IELTS Reading dành cho người có tư duy phân tích

Khung thời gian dự kiến

Để quản lý thời gian hiệu quả trong phần Đọc của kỳ thi IELTS, dưới đây là đề xuất cho khung thời gian cho một bài đọc (khoảng 800-900 từ, với 13-14 câu hỏi). Tổng thời gian cho mỗi bài đọc là khoảng 20 phút (trong tổng 60 phút cho 3 bài đọc):

  • Đọc câu hỏi (2-3 phút):
    Dành 2-3 phút để đọc kỹ các câu hỏi, xác định từ khóa (ví dụ: tên riêng, ngày tháng, sự kiện) và hiểu rõ yêu cầu của từng câu. Thời gian này đủ để bạn nắm bắt thông tin cần tìm mà không bị lãng phí.

  • Mapping vị trí các câu hỏi vào bài đọc (3-4 phút):
    Dành 3-4 phút để đọc lướt bài và xác định vị trí tiềm năng của các câu trả lời. Bạn có thể ghi chú số thứ tự đoạn văn bên cạnh câu hỏi (ví dụ: "đoạn 1", "đoạn 3") để dễ dàng tra cứu sau. Bước này giúp tiết kiệm thời gian khi trả lời.

  • Đọc và trả lời câu hỏi (13-15 phút):
    Sau khi trừ thời gian đọc câu hỏi (2-3 phút) và mapping (3-4 phút), bạn còn lại khoảng 13-15 phút để đọc kỹ bài và trả lời từng câu hỏi. Sử dụng bản đồ đã lập để tập trung vào các đoạn liên quan, đảm bảo trả lời chính xác và nhanh chóng.

Lưu ý: Khung thời gian này có thể điều chỉnh tùy theo độ khó của bài đọc và kỹ năng của từng thí sinh.

Khung thời gian dự kiến

Tính ứng dụng lên các dạng bài

Kỹ thuật đọc câu hỏi trước và lập bản đồ thông tin có hiệu quả khác nhau tùy thuộc vào dạng bài trong phần Đọc của IELTS. Dưới đây là phân tích chi tiết:

  • Áp dụng tốt cho các dạng bài có câu hỏi xuất hiện theo thứ tự:
    Kỹ thuật này rất hiệu quả với các dạng bài mà câu hỏi được sắp xếp theo trình tự của bài đọc, bao gồm:

    • Câu hỏi ngắn (short answer): Trả lời trực tiếp các câu hỏi cụ thể dựa trên thông tin trong bài.

    • Hoàn thành câu (sentence completion): Điền từ hoặc cụm từ vào chỗ trống theo nội dung bài đọc.

    • Đúng/Sai/Không có thông tin (True/False/Not Given): Đánh giá tính chính xác của các phát biểu so với bài đọc.
      Với các dạng này, việc mapping vị trí câu hỏi giúp bạn tìm câu trả lời tuần tự mà không cần đọc lại toàn bộ bài, tiết kiệm thời gian đáng kể.

Áp dụng không tốt cho dạng bài matching information:
Đối với dạng bài matching information (ví dụ: đoạn văn nào chứa thông tin sau), các câu hỏi không theo thứ tự của bài đọc, và thông tin thường rải rác khắp bài. Kỹ thuật mapping trở nên kém hiệu quả vì khó xác định chính xác vị trí của từng câu trả lời ngay từ đầu. Trong trường hợp này, đề xuất:

  • Làm các dạng bài còn lại trước

  • Đọc kỹ các câu hỏi để nắm rõ nội dung cần tìm kiếm.

  • Sau đó, scan từng đoạn văn để tìm thông tin phù hợp với câu hỏi.

Cách tiếp cận này giúp thí sinh tránh bị rối và duy trì độ chính xác khi xử lý dạng bài phức tạp.

Các dạng câu hỏi đọc hiểu trong IELTS Reading

Nền tảng khoa học của phương pháp

Kỹ thuật này dựa trên các nguyên tắc khoa học về cách bộ não xử lý thông tin khi đọc. Dưới đây là bốn khía cạnh lý giải tại sao kỹ thuật này hiệu quả:

Đọc với mục đích

Việc đọc câu hỏi trước giúp thiết lập một mục đích rõ ràng cho việc đọc, từ đó tăng cường sự tập trung và khả năng hiểu biết. Theo Pressley và Afflerbach (1995) [27], những độc giả thành thạo thường đặt câu hỏi trước khi đọc để định hướng tư duy và cải thiện hiệu quả đọc hiểu. Vì vậy việc đọc qua câu hỏi trước để xác định các thông tin quan trọng sẽ tạo ra mục đích cho lần scan đầu tiên. Đối với lần đọc thứ hai, người học đọc để trả lời câu hỏi. Vì vậy việc đọc câu hỏi trước rồi mới đọc bài là một bước quan trọng trong chiến lược này.

Hiệu ứng hình dung

Lập bản đồ thông tin (Mapping vị trí các câu hỏi vào bài đọc) trong đầu liên quan đến việc hình dung cấu trúc của đoạn văn, giúp cải thiện khả năng ghi nhớ và tìm lại thông tin. Lý thuyết mã hóa kép của Paivio (1971) [24] giải thích rằng việc kết hợp thông tin bằng lời (câu hỏi) và hình ảnh (bản đồ tinh thần) tăng cường khả năng xử lý và lưu trữ thông tin trong trí nhớ. Chiến lược này không những hỗ trợ những học viên cảm thấy mệt mỏi khi phải đọc bài đọc quá dài mà còn giúp tạo ra cho họ một kênh trực quan (dù chỉ là trong đầu) để lưu trữ và truy vấn thông tin, có thể hỗ trợ hiệu quả cho các phong cách học tập và phong cách tư duy khác nhau.

Đọc ít hơn – làm nổi bật nội dung cần đọc

Khi lập bản đồ, thông tin quan trọng trở nên dễ nhận biết hơn, giảm sự phân tâm từ các chi tiết không liên quan. Rõ ràng những đoạn văn không được đánh dấu thì người học hoàn toàn có thể bỏ qua hoặc đọc lướt giúp họ thực sự tập trung vào thông tin cần đọc. Thực tế, việc vẽ bản đồ (mapping) này sẽ giúp người học thu hẹp phạm vi tìm kiếm đáp án một cách đáng kể, có thể chỉ cần phải đọc một đoạn hoặc thậm chí một - hai câu văn cho mỗi câu hỏi. Nghiên cứu của Sweller (1988) [28] chỉ ra rằng việc loại bỏ các yếu tố gây nhiễu giúp người đọc tập trung vào thông tin cốt lõi, từ đó nâng cao hiệu quả. Ngược lại, nếu phải đọc nội dung dài hoặc không biết sẽ phải đọc đến lúc nào có thể khiến thí sinh làm bài trong mơ hồ và dễ thấy có thể tăng cảm giác lo âu trong phòng thi.

Giảm tải nhận thức

Chia nhỏ quá trình đọc thành các bước cụ thể giúp quản lý tải nhận thức, làm cho nhiệm vụ trở nên dễ dàng hơn. Như đã nói ở trên, việc đánh dấu câu hỏi thành công sẽ giúp thí sinh phải đọc lượng nội dung ít hơn và theo lý thuyết tải nhận thức của Sweller (1988) [28], việc phân chia thông tin thành các phần nhỏ giảm tải nội tại (liên quan đến độ khó của nội dung) và tải ngoại vi (liên quan đến cách trình bày), từ đó cải thiện hiệu suất học tập. Ngược lại, nếu phải đọc nội dung dài mà thiếu định hướng sẽ khiến thí sinh quên dần nội dung dù mới vừa đọc, gây tốn thời gian và thậm chí giảm khả năng trả lời câu hỏi.

Kỹ thuật đọc câu hỏi trước và lập bản đồ thông tin là một chiến lược hiệu quả để nâng cao khả năng đọc hiểu trong kỳ thi IELTS. Bằng cách kết hợp các nguyên tắc khoa học như đọc có mục đích, hình dung, làm nổi bật thông tin và giảm tải nhận thức, thí sinh có thể cải thiện cả tốc độ lẫn độ chính xác khi trả lời câu hỏi. Đồng nghiệp được khuyến khích thực hành kỹ thuật này thường xuyên và điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu cá nhân để đạt kết quả tốt nhất.

Ai nên áp dụng phương pháp này?

Phương pháp tiếp cận bài đọc này là một chiến lược hiệu quả dành cho những người có phong cách tư duy và kỹ năng phù hợp với cách làm việc có hệ thống, chú trọng chi tiết và kiên nhẫn. Để hiểu rõ hơn về đối tượng phù hợp, chúng ta cần phân tích chi tiết các đặc điểm của phương pháp, các yêu cầu cụ thể mà nó đặt ra, và những kiểu tư duy tương thích nhất với cách làm này.

Đặc Điểm Của Cách Tiếp Cận Bài Đọc

Cách tiếp cận bài đọc trong phương pháp này được thiết kế để tối ưu hóa hiệu quả trả lời câu hỏi trong các bài kiểm tra đọc hiểu. Nó bao gồm hai bước chính, mỗi bước đòi hỏi những kỹ năng và phẩm chất riêng biệt:

1. Xác Định Vị Trí Toàn Bộ Câu Hỏi Trước
  • Cách thực hiện: Thí sinh đọc lướt (skimming) toàn bộ bài đọc để tìm và đánh dấu vị trí thông tin liên quan đến từng câu hỏi. Quá trình này dựa vào việc nhận diện từ khóa hoặc cụm từ quan trọng trong câu hỏi và đối chiếu chúng với nội dung bài đọc.

  • Kỹ năng cần thiết:

    • Định vị thông tin nhanh chóng: Người áp dụng cần có khả năng nhận diện các đoạn văn chứa thông tin cần thiết mà không bị cuốn vào việc đọc hiểu toàn bộ nội dung ngay từ đầu.

    • Tư duy chọn lọc: Tập trung vào các yếu tố quan trọng mà không bị phân tâm bởi các chi tiết không liên quan.

2. Làm Từng Câu Với Phạm Vi Đọc Thu Hẹp
  • Cách thực hiện: Sau khi xác định vị trí, thí sinh tập trung đọc kỹ (scanning) từng đoạn nhỏ liên quan để trả lời câu hỏi một cách chính xác và cẩn thận. Thay vì đọc toàn bộ bài, họ chỉ xử lý thông tin trong phạm vi hẹp xung quanh vị trí đã đánh dấu.

  • Kỹ năng cần thiết:

    • Tập trung cao độ vào chi tiết: Yêu cầu khả năng phân tích kỹ lưỡng từng câu, từng từ trong đoạn văn để tìm ra đáp án chính xác.

    • Kiên nhẫn và tính hệ thống: Quá trình này đòi hỏi sự chậm rãi, cẩn thận và khả năng làm việc theo một trình tự rõ ràng.

Yêu Cầu Chung Của Phương Pháp

Dựa trên hai bước trên, cách tiếp cận này đòi hỏi người thực hiện phải sở hữu:

  • Khả năng định vị thông tin cụ thể: Tìm kiếm và khoanh vùng dữ liệu liên quan một cách hiệu quả.

  • Sự tập trung vào chi tiết thay vì toàn bộ bài đọc ngay từ đầu: Không bị áp lực bởi việc phải hiểu toàn bộ nội dung mà chỉ cần xử lý từng phần nhỏ.

  • Sự kiên nhẫn và tính hệ thống trong quá trình xử lý: Làm việc theo từng bước, không vội vàng, đảm bảo độ chính xác cao.

Các kiểu tư duy phù hợp với phương pháp

Dựa trên các đặc điểm và yêu cầu của cách tiếp cận này, phương pháp đặc biệt phù hợp với ba phong cách tư duy sau đây. Mỗi phong cách đều có những đặc trưng riêng giúp người thực hiện tận dụng tối đa chiến lược này.

Field-Independent (Kiểu Tư Duy Độc Lập Với Bối Cảnh)

  • Đặc điểm: Người có kiểu tư duy Field-Independent giỏi tách biệt thông tin cụ thể khỏi ngữ cảnh xung quanh. Họ có khả năng tập trung vào các chi tiết riêng lẻ mà không bị ảnh hưởng bởi bức tranh tổng thể hoặc các yếu tố gây nhiễu khác.

  • Sự phù hợp với phương pháp:

    • Trong bước xác định vị trí câu hỏi trước, họ có thể nhanh chóng nhận diện từ khóa và tìm ra đoạn văn liên quan mà không bị phân tâm bởi các phần khác của bài đọc.

    • Khả năng này giúp họ định vị thông tin một cách chính xác và hiệu quả, biến bước đọc lướt thành một lợi thế lớn.

  • Ví dụ thực tế: Khi đối mặt với một bài đọc dài với nhiều thông tin không liên quan, họ vẫn có thể tập trung vào câu hỏi cụ thể và bỏ qua những phần dư thừa.

Analytic (Kiểu Tư Duy Phân Tích)

  • Đặc điểm: Người có kiểu tư duy Analytic thích chia nhỏ vấn đề thành các phần để xử lý từng bước một. Họ thường tập trung vào chi tiết và giải quyết vấn đề theo cách có hệ thống, logic, thay vì cố gắng nắm bắt toàn bộ bức tranh ngay lập tức.

  • Sự phù hợp với phương pháp:

    • Cách tiếp cận này cho phép họ xử lý từng câu hỏi và từng đoạn văn liên quan một cách độc lập, phù hợp với thói quen phân tích chi tiết của họ.

    • Thay vì bị quá tải bởi khối lượng thông tin lớn, họ có thể tập trung vào từng phần nhỏ, đảm bảo độ chính xác cao trong từng câu trả lời.

  • Ví dụ thực tế: Khi trả lời một câu hỏi yêu cầu tìm thông tin cụ thể trong một đoạn, người Analytic sẽ phân tích kỹ lưỡng từng câu để đảm bảo không bỏ sót chi tiết quan trọng.

Reflective (Kiểu Tư Duy Phản Xạ)

  • Đặc điểm: Người có kiểu tư duy Reflective thích lập kế hoạch và suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi hành động. Họ thường làm việc chậm rãi, cẩn thận nhưng đạt được kết quả chính xác nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

  • Sự phù hợp với phương pháp:

    • Bước xác định vị trí câu hỏi trước cho phép họ có thời gian lập kế hoạch, xác định chiến lược trả lời trước khi đi sâu vào chi tiết.

    • Sau đó, họ có thể tập trung làm từng câu một cách cẩn thận, phù hợp với phong cách làm việc chậm mà chắc của mình.

  • Ví dụ thực tế: Một người Reflective sẽ dành vài phút đầu để đọc lướt và đánh dấu, sau đó trả lời từng câu với sự bình tĩnh và chính xác, không bị áp lực thời gian làm ảnh hưởng.

Phương pháp xác định vị trí toàn bộ câu hỏi trước và làm từng câu với phạm vi đọc thu hẹp là lựa chọn lý tưởng cho những người có phong cách tư duy Field-Independent, Analytic, và Reflective. Những người này sở hữu khả năng định vị thông tin cụ thể, tập trung cao độ vào chi tiết, và làm việc một cách kiên nhẫn, có hệ thống. Đây là các phẩm chất giúp họ tận dụng tối đa chiến lược này để đạt hiệu quả cao trong các bài kiểm tra đọc hiểu.

Tuy nhiên, những người thuộc các kiểu tư duy khác (như Field-Dependent, Holistic, hay Impulsive) có thể gặp khó khăn với phương pháp này do sự khác biệt trong cách xử lý thông tin. Dẫu vậy, với sự luyện tập và điều chỉnh phù hợp, họ vẫn có thể thích nghi và áp dụng chiến lược này một cách hiệu quả.

Các kiểu tư duy phù hợp với phong cách học tập

Hạn chế và lưu ý

Mặc dù kỹ thuật đọc câu hỏi trước và lập bản đồ thông tin là một phương pháp hiệu quả để tiếp cận bài đọc trong kỳ thi IELTS, nó không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Dưới đây là một số hạn chế mà học viên có thể gặp phải, cùng với các giải pháp để sử dụng kỹ thuật này một cách tối ưu:

Tốn nhiều thời gian cho việc mapping

  • Hạn chế: Một số học viên có xu hướng dành quá nhiều thời gian để lập bản đồ thông tin hoặc cố gắng ghi nhớ vị trí của từng câu hỏi trong bài đọc. Điều này làm giảm thời gian dành cho việc đọc hiểu chi tiết và trả lời câu hỏi, dẫn đến hiệu suất tổng thể kém hơn trong kỳ thi.

  • Giải pháp: Để khắc phục, học viên nên rèn luyện kỹ năng scanning (đọc lướt để tìm thông tin cụ thể) và skimming (đọc nhanh để nắm ý chính). Hãy đặt ra giới hạn thời gian cho bước lập bản đồ, ví dụ không quá 3-4 phút cho mỗi bài đọc, và thực hành thường xuyên để tăng tốc độ. Giáo viên có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp các bài tập định thời gian để học viên làm quen với áp lực thời gian thực tế.

Đánh dấu sai vị trí

  • Hạn chế: Đôi khi, học viên có thể đánh dấu nhầm vị trí thông tin hoặc nhầm lẫn giữa các đoạn văn có nội dung tương tự nhau. Điều này dẫn đến việc tìm kiếm thông tin không chính xác khi trả lời câu hỏi, gây mất điểm không đáng có.

  • Giải pháp: Học viên cần tập trung vào việc nhận diện từ khóacụm từ quan trọng trong câu hỏi, đồng thời chú ý đến các dấu hiệu như tiêu đề hoặc câu chủ đề của mỗi đoạn văn. Việc luyện tập với các bài đọc mẫu, sau đó kiểm tra chéo với đáp án, sẽ giúp cải thiện độ chính xác trong việc lập bản đồ thông tin.

Không phải giải pháp toàn diện

  • Hạn chế: Kỹ thuật lập bản đồ vị trí (xác định vị trí) này không phù hợp với tất cả các dạng bài, đặc biệt là dạng matching information, nơi thông tin phân bố rải rác và không theo thứ tự cố định. Nếu cố áp dụng, học viên có thể bị rối và mất thời gian vô ích.

  • Giải pháp: Học viên cần hiểu rõ và linh hoạt điều chỉnh chiến lược theo từng dạng bài.

Kỹ thuật đọc câu hỏi trước và lập bản đồ thông tin là một công cụ hữu ích, nhưng để tận dụng tối đa, học viên cần nhận thức rõ các hạn chế và chủ động khắc phục thông qua luyện tập. Bằng cách rèn luyện kỹ năng scanning, skimming, và linh hoạt điều chỉnh chiến lược theo dạng bài, học viên sẽ sử dụng kỹ thuật này hiệu quả hơn, từ đó nâng cao điểm số trong phần đọc của kỳ thi IELTS.

Hạn chế và lưu ý của chiến lược đánh dấu vị trí (mapping)

Xem thêm: Phương pháp làm bài giúp tiết kiệm thời gian và đạt điểm tối đa IELTS Reading

Tổng kết

Kỹ thuật đọc câu hỏi trước và lập bản đồ thông tin là một chiến lược hiệu quả và mang tính khoa học nhằm nâng cao khả năng đọc hiểu trong kỳ thi IELTS. Phương pháp này không chỉ hỗ trợ thí sinh trong việc quản lý thời gian một cách tối ưu mà còn cải thiện đáng kể độ chính xác khi xử lý các câu hỏi phức tạp. Dựa trên những nguyên tắc nền tảng như đọc có mục đích, hình dung thông tin, làm nổi bật nội dung quan trọng, và giảm tải nhận thức, kỹ thuật này giúp thí sinh tập trung vào những yếu tố cốt lõi của bài đọc, giảm thiểu sự phân tâm và nâng cao hiệu suất làm bài.

Việc đọc câu hỏi trước khi bắt đầu bài đọc giúp thí sinh thiết lập một mục tiêu rõ ràng, từ đó định hướng tư duy và tăng cường khả năng nắm bắt thông tin cần thiết ngay từ đầu. Tiếp theo, bước lập bản đồ thông tin – dựa trên lý thuyết mã hóa kép – cho phép thí sinh hình dung cấu trúc bài đọc, xác định và ghi nhớ vị trí của các thông tin quan trọng. Điều này hỗ trợ quá trình truy xuất dữ liệu nhanh chóng và chính xác hơn trong lúc trả lời câu hỏi. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp giảm tải nhận thức bằng cách chia nhỏ quá trình đọc thành các bước cụ thể, biến một nhiệm vụ phức tạp thành công việc dễ quản lý hơn, đặc biệt trong điều kiện áp lực thời gian gắt gao của kỳ thi IELTS.

Tóm lại, kỹ thuật đọc câu hỏi trước và lập bản đồ thông tin là một công cụ mạnh mẽ, được xây dựng trên cơ sở khoa học, giúp thí sinh cải thiện cả tốc độ lẫn độ chính xác trong bài thi IELTS Reading. Giá trị của phương pháp nằm ở khả năng kết hợp các nguyên tắc như đọc có mục đích, hình dung thông tin, làm nổi bật nội dung và giảm tải nhận thức, từ đó mang lại sự tự tin và hiệu quả trong quá trình làm bài. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tối ưu, thí sinh cần đầu tư thời gian luyện tập đều đặn, khắc phục các hạn chế tiềm ẩn và linh hoạt điều chỉnh chiến lược theo từng tình huống cụ thể. Khi được áp dụng đúng cách, phương pháp này không chỉ giúp vượt qua thử thách của kỳ thi mà còn trang bị cho thí sinh những kỹ năng đọc hiểu giá trị, hữu ích cho học tập và công việc trong tương lai.

Nếu người học muốn nâng cao kỹ năng đọc hiểu IELTS một cách có hệ thống, Combo IELTS Reading Techniques and Strategies là tài liệu hữu ích. Bộ sách cung cấp phương pháp làm bài chi tiết, chiến lược tiếp cận từng dạng câu hỏi và bài tập thực hành có hướng dẫn, giúp thí sinh cải thiện kỹ năng đọc một cách hiệu quả. Đây là nguồn tài liệu phù hợp để học viên rèn luyện và nâng cao điểm số trong bài thi IELTS Reading.

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
GV
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...