Lộ trình tự học IELTS cho người mất gốc | Phương pháp học và tài liệu
IELTS là một kỳ thi đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh, được chấp nhận rộng rãi trên thế giới. Đối với những người mất gốc, tự học IELTS có thể là một thách thức lớn. Bài viết này sẽ đưa ra lộ trình học IELTS cho người mất gốc, từ việc xây dựng nền tảng tiếng Anh cơ bản cho đến luyện đề để sẵn sàng bước vào kỳ thi.
Key Takeaways |
---|
1. Lộ trình học IELTS cho người mất gốc gồm 3 giai đoạn:
2. Lời khuyên giành cho người mới bắt đầu học IELTS
|
Lộ trình học IELTS cho người mất gốc mất bao lâu?
Theo Cambridge English [1], người học ngôn ngữ cần khoảng 200 giờ học có hướng dẫn để tiến bộ từ trình độ này sang trình độ tiếp theo của Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR). Như vậy, đối với người mất gốc, việc đạt điểm IELTS từ 5.0-6.0 (tương đương mức B2) thường mất khoảng 500 - 600 giờ học có hướng dẫn. Tuy nhiên, việc lên lộ trình học với thời lượng cụ thể ra sao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ ban đầu, mục tiêu điểm số, cường độ học, sự cam kết và khả năng tiếp thu của mỗi người. Tóm lại, lộ trình học IELTS cần được cá nhân hóa để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
Lộ trình học IELTS cho người mất gốc chi tiết
Giai đoạn 1: Xây dựng nền tảng tiếng Anh cơ bản
Ngữ pháp cơ bản
Người học cần tập trung vào các chủ điểm quan trọng như: các thì trong tiếng Anh, các từ loại, câu điều kiện, câu bị động, câu trực tiếp – gián tiếp và mệnh đề quan hệ.
Tài liệu hỗ trợ: English Grammar in Use (Raymond Murphy), Oxford Practice Grammar (John Eastwood).
Từ vựng cơ bản
Học từ vựng theo các chủ đề quen thuộc như gia đình, công việc, du lịch, sức khỏe, giải trí. Phương pháp học gồm: sử dụng flashcards (Quizlet, Anki), học từ đồng nghĩa/trái nghĩa và luyện tập đặt câu với từ mới.
Tài liệu hỗ trợ: Cambridge Vocabulary for IELTS, Oxford Word Skills.
Phát âm
Bắt đầu bằng việc học bảng IPA để nắm cách phát âm. Người học có thể xem các video phát âm trên YouTube như Rachel's English, BBC Learning English để hiểu cách phát âm đúng.
Ngoài ra, người học có thể cải thiện kỹ năng nói của mình thông qua phương pháp shadowing. Để thực hiện phương pháp này, người học lựa chọn nguồn nghe có tốc độ vừa phải so với trình độ của mình rồi lặp lại lời thoại ngay khi người nói vừa dứt câu (cần bắt chước cả phát âm, ngữ điệu và tốc độ).
Tài liệu hỗ trợ: English Pronunciation in Use (Cambridge), American Accent Training (Ann Cook), Ship or Sheep (Ann Baker).
Giai đoạn 2: Phát triển từng kỹ năng IELTS
Sau khi đã xây dựng nền tảng tiếng Anh cơ bản, người học cần tập trung vào việc rèn luyện từng kỹ năng trong bài thi IELTS. Mỗi kỹ năng đều có các chiến lược và phương pháp học riêng.
Kỹ năng Nghe (Listening)
Chọn nguồn nghe phù hợp, nghe từng câu hoặc cụm từ và chép lại chính xác những gì nghe được. Sau đó, so sánh với transcript để phát hiện lỗi sai về từ vựng và cấu trúc.
Tập trung ghi lại từ khóa và ý chính khi nghe, cố gắng hiểu toàn bộ ngữ cảnh, thông điệp và thái độ của người nói. Bắt đầu với các nguồn nghe đơn giản, sau đó chuyển sang bài nghe phức tạp hơn để cải thiện kỹ năng.
Luyện tập các chiến lược làm bài cho các câu hỏi
Học cách nhận diện các dạng câu hỏi và chiến lược xử lý chúng. Dưới đây là một vài ví dụ về chiến lược xử lý các dạng bài phổ biến:
Dạng Map/Plan Labelling | Xem trước các mốc quan trọng trên bản đồ. Lắng nghe chỉ dẫn phương hướng và vị trí như "left", "right", "north", "next to" để điền đúng vào các điểm yêu cầu. |
Dạng Multiple Choice | Đọc kỹ câu hỏi và gạch chân từ khóa. Nghe cẩn thận để nhận diện từ đồng nghĩa hoặc cách diễn đạt khác với những từ khóa đã gạch chân. Tránh mắc bẫy các thông tin gây nhiễu. |
Dạng Sentence Completion | Quan sát vị trí chứa chỗ trống để dự đoán từ loại cần điền. Nghe kỹ từ khóa trước và sau chỗ trống, tập trung vào ngữ cảnh để chọn từ phù hợp. |
Xem thêm: Các dạng câu hỏi và chiến lược làm bài dạng IELTS Listening Part 2 và Part 3.
Kỹ năng Nói (Speaking)
Luyện tập mở rộng câu trả lời IELTS Speaking Part 1
Trong Part 1, câu trả lời thường xoay quanh các chủ đề quen thuộc như sở thích, gia đình, công việc. Để mở rộng câu trả lời, thí sinh có thể trả lời trực tiếp câu hỏi của đề bài sau đó bổ sung thêm các thông tin liên quan thông qua các câu hỏi Who, What, When, Where, Why, How.
Đọc thêm: Dạng bài & bài mẫu các nhóm chủ đề Speaking Part 1
Luyện tập sắp xếp ý tưởng trong IELTS Speaking Part 2
Trong Part 2, thí sinh cần nói liên tục trong 1-2 phút về một chủ đề cho trước. Để sắp xếp ý tưởng tốt, thí sinh có thể chia bài nói thành 3 phần (giới thiệu ngắn gọn, phát triển ý chính, và kết luận). Trước khi nói, hãy viết ra các ý chính như "who, what, where, when, why, how" để dễ dàng triển khai. Nếu câu hỏi liên quan đến một sự kiện, hãy kể theo thứ tự thời gian để dễ sắp xếp ý.
Đọc thêm: Dạng bài & bài mẫu các nhóm chủ đề Speaking Part 2
Cách lên ý tưởng để trả lời các câu hỏi IELTS Speaking Part 3
Part 3 yêu cầu câu trả lời sâu hơn, liên quan đến các vấn đề xã hội hoặc ý kiến cá nhân. Để phát triển ý tưởng, thí sinh có thể áp dụng các phương pháp sau:
Sử dụng cấu trúc PEE (Point, Example, Explain) | Nêu ý chính, đưa ra ví dụ và giải thích chi tiết. |
So sánh, đối chiếu | Nếu câu hỏi yêu cầu quan điểm, bạn có thể so sánh hai khía cạnh khác nhau. |
Kết hợp thực tế xã hội | Thêm những vấn đề thực tiễn, ví dụ từ tin tức hoặc cuộc sống hàng ngày. |
Đọc thêm: Dạng bài & bài mẫu các nhóm chủ đề Speaking Part 3
Kỹ năng Đọc (Reading)
Luyện kỹ năng đọc nhanh và nắm ý chính (Skimming and Scanning)
Tập trung vào tiêu đề, câu mở đầu và từ khóa để xác định chủ đề chính (skimming). Khi cần tìm thông tin cụ thể (ngày tháng, tên), sử dụng kỹ năng đọc lướt (scanning) thay vì đọc chi tiết từng câu. Thực hành với các đoạn văn ngắn để rèn luyện kỹ năng này.
Phát triển kỹ năng phân tích và suy luận (Critical Reading)
Luyện đọc các bài viết học thuật, tập trung vào lập luận, so sánh và quan điểm của tác giả. Đặt câu hỏi về quan điểm và ý nghĩa câu văn để phát triển khả năng suy luận. Luyện trả lời câu hỏi True/False/Not Given để phân biệt thông tin đúng, sai hoặc không đề cập trong bài đọc.
Luyện kỹ năng trả lời câu hỏi theo dạng bài IELTS
Cách thực hiện:
Luyện tập từng dạng câu hỏi riêng biệt: Tìm hiểu cách làm từng dạng câu hỏi một cách chi tiết và luyện tập với các bài tập mẫu trước khi kết hợp vào bài thi hoàn chỉnh.
Hiểu yêu cầu của từng dạng câu hỏi: Mỗi dạng câu hỏi trong bài thi IELTS đều có cách tiếp cận riêng. Ví dụ, với dạng True/False/Not Given, người học cần phải so sánh thông tin trong đoạn văn với câu hỏi để xác định đáp án chính xác, còn với các câu hỏi yêu cầu hoàn thành câu (Sentence Completion), người học cần chú ý đến ngữ cảnh của câu trong bài đọc để tìm từ đúng và đảm bảo câu hoàn chỉnh về ngữ pháp và ý nghĩa.
Đọc thêm: Cách làm các dạng bài IELTS Reading
Tài liệu hỗ trợ
Collins Reading for IELTS
Cambridge IELTS Reading Tests 12-19
Kỹ năng Viết (Writing)
Luyện tập phân tích và chọn số liệu cho Task 1
Trong Task 1 của IELTS Writing, người học cần biết cách phân tích biểu đồ, đồ thị, bảng số liệu và chọn ra những thông tin chính để miêu tả. Các bước luyện tập bao gồm:
Làm quen với các loại câu hỏi: Bao gồm biểu đồ cột, biểu đồ đường, biểu đồ tròn, bảng số liệu và bản đồ.
Phân tích số liệu chính: Tập trung vào các điểm nổi bật, xu hướng chính và sự thay đổi đáng chú ý.
So sánh dữ liệu: Luyện tập việc so sánh các số liệu để viết đoạn văn mạch lạc, súc tích.
Đọc thêm: Hướng dẫn cách viết IELTS Writing Task 1 chi tiết
Luyện tập cách lên ý tưởng trong Task 2
Task 2 yêu cầu người học phát triển ý tưởng và lập luận cho một chủ đề xã hội. Để viết tốt phần này, cần luyện tập:
Làm quen với các dạng đề: Opinion/ Agree hay Disagree, Discussion, Causes and Solutions, Advantages and Disadvantages, Two-part question.
Phát triển ý tưởng: Sử dụng phương pháp lập dàn ý (brainstorming), kết hợp các dẫn chứng, ví dụ và lý lẽ để giải thích quan điểm.
Đảm bảo cấu trúc bài viết rõ ràng: Giới thiệu, phát triển các ý chính và kết luận.
Đọc thêm: Hướng dẫn viết các dạng bài IELTS Writing Task 2 chi tiết
Tài liệu hỗ trợ
Vocabulary for IELTS (Cambridge)
The Official Cambridge Guide to IELTS
Barron’s IELTS Writing
Giai đoạn 3: Luyện đề
Luyện đề theo từng kỹ năng
Trước khi thực hiện bài thi hoàn chỉnh, hãy luyện tập từng kỹ năng riêng biệt. Điều này giúp người học tập trung vào những phần còn yếu và cải thiện chúng một cách có hệ thống.
Xem thêm: Bộ đề IELTS luyện tập theo kỹ năng
Thực hiện bài thi thử toàn bộ kỹ năng (Mock Test)
Sau khi đã luyện tập từng kỹ năng riêng lẻ, hãy thực hiện bài thi thử toàn bộ với đầy đủ các kỹ năng trong thời gian thực để đánh giá khả năng tổng quát của mình.
Luyện đề mỗi ngày
Dành ít nhất 2-3 giờ mỗi ngày để luyện đề từ sách Cambridge IELTS, ngoài ra người học cũng có thể sử dụng trang web IELTS Online Tests để luyện tập trực tuyến và kiểm tra trình độ. Sau khi hoàn thành đề, hãy tự đánh giá sửa lỗi để rút kinh nghiệm.
Lời khuyên giành cho người mới bắt đầu học IELTS
Luyện tập hàng ngày và kiên trì
Học IELTS là một quá trình dài và đòi hỏi sự kiên trì. Dành ít nhất 2-3 giờ mỗi ngày để luyện tập các kỹ năng, đặc biệt chú trọng vào những điểm yếu của mình.
Phân tích và sửa lỗi thường xuyên
Sau mỗi lần luyện tập, hãy dành thời gian xem lại các lỗi sai và phân tích nguyên nhân để tránh lặp lại. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Sử dụng tài liệu luyện thi uy tín
Lựa chọn tài liệu học tập chất lượng là yếu tố quan trọng. Sử dụng các sách chính thống như Cambridge IELTS, Collins hay Barron’s để có nguồn đề thi sát thực tế và các chiến lược luyện tập đúng đắn.
Tổng kết
Việc chinh phục kỳ thi IELTS, đặc biệt đối với người mất gốc, là một hành trình đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. Lộ trình tự học IELTS cho người mất gốc bao gồm ba giai đoạn chính, trong đó, mỗi giai đoạn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành kỹ năng cần thiết để thí sinh tự tin bước vào kỳ thi thực. Hãy nhớ rằng, với sự kiên trì và phương pháp học đúng đắn, người mất gốc hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu mong muốn và chinh phục kỳ thi IELTS thành công.
Hiện nay, Anh ngữ ZIM đang tổ chức Khóa học IELTS cấp tốc giúp người học tiếng Anh nhanh chóng đạt được mục tiêu của mình thông qua những bài học về từ vựng – ngữ pháp – phát âm. T
Nguồn tham khảo
“Guided learning hours.” Cambridge University Press, https://support.cambridgeenglish.org/hc/en-gb/articles/202838506-Guided-learning-hours. Accessed 25 September 2024.
Bình luận - Hỏi đáp