Việc xác định quyền tác giả trong bài báo khoa học là một vấn đề quan trọng và nhạy cảm trong cộng đồng khoa học. Ngày nay, các nghiên cứu khoa học thường là kết quả của sự hợp tác giữa nhiều người trong một nhóm đa ngành. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của việc xác định và sắp xếp thứ tự tên tác giả một cách chính xác và công bằng. Bài viết sẽ cung cấp cho người đọc cách xác định được những thành viên có thể trở thành tác giả của một công trình nghiên cứu khoa học.
Key takeaways |
---|
|
Xem các phần trước:
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 1: Văn bản khoa học
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 2: Các cấu trúc văn bản khoa học
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 3: Bài báo khoa học sơ cấp
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 4: Tạp chí khoa học
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 5: Cơ sở dữ liệu uy tín
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 6: Các giai đoạn khi viết bài báo khoa học
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 7: Một số lưu ý khi sử dụng tiếng Anh
Những điều cẩn biết khi viết bài báo khoa học phần 7 (tiếp): Một số lưu ý khi sử dụng tiếng Anh
Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 8: Các cấu trúc câu
Định nghĩa về quyền tác giả
Trong các lĩnh vực không phải khoa học, một người được coi là tác giả chỉ đơn giản là khi họ là chủ nhân của một bản thảo nào đó. Hầu hết trong các lĩnh vực này thì mỗi một tác phẩm thường sẽ chỉ có một tác giả duy nhất. Ví dụ như tác giả của một bài thơ, một vở kịch hay một bài báo là người nghĩ ra ý tưởng và viết ra nội dung đó. Điều này có thể hiểu được quyền tác giả ở đây không chỉ là người đặt bút và viết ra các thông tin, mà nó còn bao gồm cả phần sáng tạo ra ý tưởng đó nữa.
Khi khoa học bắt đầu phát triển, các nghiên cứu hoặc thí nghiệm khoa học cũng chỉ thường có sự tham gia của một người duy nhất. Tuy nhiên ngày nay, rất hiếm để chúng ta bắt gặp được công trình nghiên cứu nào mà chỉ có sự đóng góp của một người duy nhất. Điển hình là các nghiên cứu về lâm sàng thường đòi hỏi một sự nỗ lực chung của cả tập thể, thông thường là một nhóm đa ngành.
Do đó, không phải ai đặt bút viết bài thì mới được coi là tác giả của một bài báo khoa học. Tác giả của một bài báo khoa học bao gồm những người đóng góp cho công trình nghiên cứu, bao gồm từ ý tưởng tổng quan (conceptualization), thiết kế nghiên cứu (study design) cho tới việc thực hiện nghiên cứu (execution). Vì vậy, việc một tác giả có thể hiểu chi tiết được hết toàn bộ nội dung của nghiên cứu, từng bước tiến hành cụ thể là một điều không thực tế. Tuy nhiên, các tác giả của một bài báo khoa học cần có trách nhiệm về mặt tri thức cho phần kết quả của mình và tên của họ nên được liệt kê theo thứ tự đóng góp cho nghiên cứu đó.
Tiêu chí xác định tác giả trong bài báo khoa học
Một số tạp chí yêu cầu ghi rõ những đóng góp cụ thể của từng tác giả, ví dụ như ai là người làm nghiên cứu, ai là người lấy số liệu, ai là người phân tích số liệu. Và các thông tin này được tạp chí công bố rộng rãi khi xuất bản bài báo. Việc làm này sẽ có ít nhất hai lợi ích, đầu tiên là nó đảm bảo rằng không tác giả nào bị bỏ lại phía sau, và ngoài ra nó sẽ giúp người đọc biết được người cần liên hệ nếu như muốn tìm hiểu về một số thông tin cụ thể trong bài báo.
Tuy nhiên, đối với các tạp chí khoa học khác mà không yêu cầu ghi rõ cụ thể những đóng góp của tác giả, bởi lẽ các nghiên cứu khoa học thường tiến hành trong một thời gian khá dài, và có số lượng người tham gia vào các công việc trong nghiên cứu cũng khá lớn.
Do đó, dưới đây là một số tiêu chí mà người đọc có thể tham khảo để xác định được tác giả trong nghiên cứu của mình.
Ý tưởng và thiết kế nghiên cứu: Ai là người đưa ra ý tưởng ban đầu, ai là người đưa ra thiết kế nghiên cứu này?
Thực hiện nghiên cứu: Ai là người trực tiếp tham gia vào các thí nghiệm, thu thập và phân tích dữ liệu.
Viết bài báo: Ai là người tham gia viết và chỉnh sửa bản thảo.
Tuy nhiên, điều này vẫn khá là mơ hồ, bởi lẽ trong một phòng thí nghiệm thường sẽ có rất nhiều kĩ thuật viên để làm. Để làm rõ hơn về tiêu chí thực hiện nghiên cứu, người đọc có thể tham khảo ví dụ dưới đây để có thể áp dụng được trong trường hợp cụ thể của mình.
Một nhà khoa học A thiết kế một loạt các thí nghiệm có thể mang lại những kết quả quan trọng cho cộng đồng khoa học. Nhà khoa học A hướng dẫn kĩ thuật viên B từng bước cụ thể để thực hiện thí nghiệm. Nếu các thí nghiệm thành công và được xuất bản, nhà khoa học A nên là tác giả duy nhất, mặc dù kĩ thuật viên B thực hiện tất cả các công việc thực tế.
Tuy nhiên, nếu các thí nghiệm ban đầu không thành công, và kĩ thuật viên B đề xuất một số thay đổi như điều chỉnh nhiệt độ xuống 24 độ C và thêm một chút albumin, sau đó nhà khoa học A đồng ý và thí nghiệm thành công, thì trong trường hợp này, cả nhà khoa học A và kĩ thuật viên B đều nên được ghi danh là tác giả của công trình nghiên cứu.
Trong một tình huống khác, nhà khoa học A dự đoán rằng chất thí nghiệm có thể trở thành một mầm bệnh khi tiến hành trong điều kiện cụ thể, mặc dù các tài liệu y văn trước đây không ghi nhận chất này có tính chất gây bệnh. Nhà khoa học A đã tham khảo ý kiến nhà khoa học C, một chuyên gia về y sinh, để kiểm tra khả năng gây bệnh của chất này. Nhà khoa học C kiểm tra trên chuột và kết luận rằng chất này là một mầm bệnh, và kết luận này được đưa vào bài báo khoa học. Trong trường hợp này, nhà khoa học A và kĩ thuật viên B nên được xem là tác giả của nghiên cứu, trong khi tên của nhà khoa học C chỉ nên xuất hiện trong phần lời cảm ơn.
Tuy nhiên, nếu nhà khoa học C quan tâm đến thí nghiệm này và thực hiện một số thí nghiệm khác để chứng minh rằng chất này có khả năng gây bệnh trên người, và khi xuất bản bài báo, một số bảng kết quả được đưa vào để chứng minh nhận định này, thì cả ba người đều nên được xem là tác giả của nghiên cứu.
Thứ tự khi sắp xếp tên của các tác giả
Thông thường, thứ tự sắp xếp tên của các tác giả sẽ phụ thuộc vào đóng góp của họ trong nghiên cứu. Chúng ta sẽ thường quan tâm tới tác giả đầu tiên (first author), tác giả liên hệ (corresponding author) và các đồng tác giả (co-authors).
First author (tác giả chính)
First author là tác giả chịu trách nhiệm chính cho nghiên cứu, và tên của họ sẽ xuất hiện đầu tiên trong bài báo khoa học. Khi bài báo được trích dẫn ở trong các nghiên cứu khác, thì tên của first author sẽ luôn được trích dẫn. Ví dụ như một nghiên cứu của Hieu LT, Linh NQ và Son H (và nhiều các tác giả nữa), thì sẽ được trích dẫn dưới dạng Hieu et al. Tuy nhiên, nếu như bài báo chỉ có hai tác giả thì cả hai người sẽ trở thành đồng tác giả đầu tiên (co-first authors), và sẽ được trích dẫn theo tên cả hai người (ví dụ như “Hieu LT and Linh NQ”).
First author là người đầu tiên đề xuất ý tưởng nghiên cứu tới các thành viên của nhóm nghiên cứu. Người này không chỉ có nhiệm vụ bao quát công trình nghiên cứu từ đầu tới cuối, mà họ còn phải viết bản thảo nháp đầu tiên của bài báo khoa học cũng như là người thực hiện việc nộp công trình này tới các tạp chí.
Với những vai trò ở trên, first author không nhất thiết phải là một người có bằng cấp cao. Ví dụ như một sinh viên đại học vẫn có thể trở thành first author cho một bài báo nếu như sinh viên này có thể hoàn thành tốt được vai trò của mình.
Corresponding author (tác giả liên hệ)
Tác giả liên hệ là người chịu trách nhiệm liên hệ với tạp chí và trả lời các băn khoăn từ độc giả. Thông thường, đây là người hướng dẫn cho tác giả chính, hoặc có thể vừa đồng thời là tác giả chính của bài báo khoa học. Tác giả liên hệ thường cần cung cấp cụ thể địa chỉ email, thông tin cũng như viết các thư phản hồi tới tổng biên tập cho một tạp chí. Thông thường, đây sẽ là vị trí yêu cầu tác giả phải có một học hàm học vị cao, vì nó sẽ liên quan trực tiếp mức độ uy tín của bài báo khoa học. Đây cũng là người sẽ trả lời các câu hỏi của độc giả khi có thắc mắc về nghiên cứu khoa học
Định danh tác giả trong bài báo khoa học
Cách viết tên tác giả truyền thống và sự bất cập
Trong các bài báo khoa học, cách ghi tên tác giả thường được ưu tiên là “Tên chính, chữ cái đầu của tên đệm, và tên họ” (Ví dụ: Hieu T. Le). Nếu một tác giả chỉ dùng các chữ cái đầu của tên, điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn trong các bài báo khoa học. Ví dụ, nếu có hai người cùng tên là Hieu T. Le, các cơ quan truy xuất dữ liệu có thể phân biệt họ bằng địa chỉ của tác giả. Tuy nhiên, nếu viết thành H. T. Le, thì số lượng người có tên thật trùng với cách viết này là nhiều vô kể. Ví dụ điển hình đó chính là sự khác nhau giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài. Ở Việt Nam, chúng ta đặt tên theo thứ tự là “Tên họ - Tên đệm – Tên riêng”, còn ở các nước khác thì họ thường đặt theo thứ tự “Tên riêng – Tên đệm – Tên họ”. Do đó, khi các tác giả Việt Nam viết tên theo quy chuẩn quốc tế thì tên riêng sẽ phải đặt lên đầu. Và nếu như ta viết tắt tên theo kiểu “H. T. Le” hoặc “L. Q. Nguyen” thì những cái tên này sẽ đúng với hàng trăm hàng vạn người Việt Nam, do tên họ của người Việt Nam thường rất ít và đa số giống nhau. Như vậy, các cơ sở dữ liệu truy xuất thông tin thường gặp khó khăn trong quá trình định danh tác giả của bài báo. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học quốc tế thường tránh thay đổi tên (ví dụ như sau khi kết hôn) để tránh gây nhầm lẫn trong các bài báo khoa học.
Ảnh trên là thông tin của một nhà khoa học khi được tìm trên google scholars. Nhà khoa học này nghiên cứu ở trong lĩnh vực về sử dụng thuốc, tuy nhiên nếu để ý kĩ thì các bài báo bên dưới lại có những bài báo nghiên cứu về vật liệu. Và khi đọc kĩ thì các bài báo này đều không phải do nhà khoa học này mà là của nhà khoa học khác cùng tên.
Tuy nhiên, sẽ có một vài độc giả thắc mắc rằng thay vì sử dụng theo format “Tên - Chữ cái đầu của tên đệm - Tên họ” (Hieu T. Le), liệu các nhà khoa học có nên viết đầy đủ tên đệm ra hay không (Hieu Trong Le). Thông thường, điều này là không nên. Quá trình truy xuất dữ liệu được thực hiện bởi máy tính, và điều này có thể dễ dàng bị nhầm lẫn do máy tính không biết nên lưu tên tác giả là "Hieu" hay "Hieu Trong". Bên cạnh đó, với mỗi quốc gia hoặc nền văn hoá khác nhau thì tên của người dân cũng có độ dài khác nhau. Và đối với các tác giả quốc tế, việc biết cách ghi tên trong bài báo khoa học tiếng Anh có thể là thách thức do các ngôn ngữ khác nhau có các quy tắc khác nhau về cách viết tên và có thể có nhiều phương pháp chuyển tự. Dù chọn cách ghi tên nào, nhà khoa học nên sử dụng nhất quán trong tất cả các bài báo tiếng Anh của mình, thay vì sử dụng các biến thể khác nhau như Trong-Hieu Le, Tronghieu Le và Hieu T. Le. Như vậy, để dễ dàng trong quá trình định danh, người ta thường thống nhất cách viết “Tên - Chữ cái đầu của tên đệm - Tên họ”.
Còn trong trường hợp nếu như có hai nhà khoa học có tên giống hệt nhau, thì các dịch vụ truy xuất dữ liệu, hoặc người đọc, có thể phân biệt họ dựa trên địa chỉ nơi công tác.
Cách viết địa chỉ liên hệ của tác giả
Nguyên tắc liệt kê địa chỉ rất đơn giản nhưng thường bị vi phạm. Vì vậy, không phải lúc nào tác giả cũng ghi đúng địa chỉ liên hệ. Vấn đề địa chỉ này (affiliation) vẫn luôn là một vấn đề nhạy cảm trong giới khoa học, tuy nhiên, bài viết chỉ đề cập tới những sai sót khách quan có thể xảy ra khi các tác giả điền thông tin về địa chỉ nơi làm việc của mình.
Thông thường, mỗi một tác giả sẽ có một hoặc nhiều địa chỉ đang công tác, và tất cả các đại chỉ này nên được ghi cụ thể trong bài. Ví dụ, tác giả X xuất bản một bài báo khi đang công tác tại trường đại học A và viện nghiên cứu B, thì địa chỉ của trường A và viện B có thể được nêu cụ thể trong bài báo khoa học. Còn nếu như tác giả này vẫn đang là nhân viên của trường A và viện B, nhưng thực hiện nghiên cứu ở địa điểm C, thì trong phần địa chỉ liên hệ, tác giả X vẫn cần ghi địa chỉ cụ thể của trường A và viện B chứ không phải là địa điểm C.
Tuy nhiên, nếu trước khi xuất bản, tác giả đã chuyển đến một địa chỉ khác, địa chỉ mới phải được chỉ định bằng “địa chỉ hiện tại” chú thích. Khi có hai hoặc nhiều tác giả được liệt kê, mỗi tác giả ở một cơ quan khác nhau, địa chỉ nên được liệt kê theo thứ tự như các tác giả. Còn trong trường hợp có ba tác giả nhưng chỉ đến từ hai tổ chức khác nhau, thì ở trên phần tên của mỗi tác giả sẽ được đánh dấu (bằng số thứ tự, kí tự) ví dụ như 1, 2 hoặc , * để phân biệt địa chỉ công tác của mỗi tác giả. Việc ghi như này sẽ tuỳ theo quy định của tạp chí, đôi khi tạp chí yêu cầu ghi như định dạng trên, hoặc đôi khi họ yêu cầu ghi rõ cụ thể từng tên và địa chỉ của từng tác giả một, và sau đó tạp chí sẽ tự định dạng lại sau.
Mục đích của việc ghi địa chỉ liên hệ
Việc ghi địa chỉ liên hệ sẽ có hai mục đích. Đầu tiên, nó sẽ giúp định danh tác giả trong cộng đồng khoa học. Giả sử có hai nhà khoa học cùng tên, nhưng ở hai lĩnh vực khác nhau thì địa chỉ liên hệ là điểm có thể nhận biết hai tác giả này. Do đó, khi tìm kiếm thông tin về một tác giả nào đó, ta có thể dễ dàng tìm được và xem các công trình nghiên cứu mà họ đã công bố. Ngoài ra, việc ghi địa chỉ liên hệ sẽ giúp cho nơi công tác của tác giả được tăng hạng trong bảng xếp hạng học thuật. Ở các trường đại học hoặc viện nghiên cứu, số lượng bài báo khoa học được xuất bản bởi nhân viên thuộc diện quản lý của mình có vai trò quan trọng trong việc đánh giá xếp hạng.
Giải pháp định danh tác giả hiện nay
Việc định danh các tác giả đôi khi vẫn sẽ gặp khó khăn, đặc biệt nếu hai nhà khoa học có cùng tên làm việc tại cùng một cơ quan. Hơn nữa, một số nhà khoa học chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác hoặc không sử dụng cùng một tên trong tất cả các bài báo của họ qua các năm, khiến việc theo dõi công trình của họ trở nên khó khăn. May mắn thay, hiện nay đã có một công cụ giúp xác định rõ ràng từng tác giả.
Công cụ này là ORCID, viết tắt của “Open Researcher and Contributor ID.” ORCID là một mã số nhận dạng duy nhất mà bạn có thể đăng ký và sử dụng trong các bài báo khoa học. Đây có thể được coi là hộ chiếu của các nhà khoa học. Khi người dùng đăng ký tại trang web của ORCID, họ sẽ nhận được một mã số nhận dạng duy nhất và tạo một hồ sơ ORCID trực tuyến. Bạn có thể liên kết mã số này với các bài báo, đề xuất tài trợ và các tài liệu khác của mình, cả trong tương lai và cả những công trình đã công bố trước đây. Hiện nay, nhiều tạp chí yêu cầu các tác giả cung cấp mã số ORCID của họ. Thông tin về công cụ ORCID và liên kết để đăng ký mã số ORCID có thể được tìm thấy tại trang web orcid.org
Cách viết phần lời cảm ơn (Acknowledgement)
Phần lời cảm ơn trong bài báo khoa học là nơi bạn ghi nhận sự giúp đỡ của những người đã hỗ trợ bạn trong quá trình nghiên cứu, ngoại trừ các tác giả chính. Dưới đây là các bước để viết phần này một cách chính xác và lịch sự:
Trước tiên, hãy ghi nhận bất kỳ sự trợ giúp kỹ thuật quan trọng nào từ cá nhân khác, dù họ làm việc trong phòng thí nghiệm của bạn hay ở nơi khác. Đồng thời, ghi rõ nguồn gốc của các thiết bị đặc biệt, nguyên vật liệu hoặc các hỗ trợ tương tự mà bạn đã nhận được. Ví dụ, bạn có thể viết: "Chúng tôi xin chân thành cảm ơn J. Henry vì đã hỗ trợ thực hiện các thí nghiệm và R. Harry vì những thảo luận có giá trị."
Tiếp đến, đừng quên ghi nhận mọi sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, bao gồm các khoản trợ cấp, hợp đồng hoặc học bổng mà bạn đã nhận được cho nghiên cứu của mình. Ví dụ: "Chúng tôi cảm ơn Đại học Y vì đã hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu này."
Điều quan trọng là bạn phải lịch sự và chân thành khi viết lời cảm ơn. Nếu ai đó đã cung cấp ý tưởng, thiết bị hoặc nguồn cung cấp quan trọng, bạn nên thừa nhận công lao của họ một cách rõ ràng và cụ thể. Trước khi đề cập đến ai đó trong lời cảm ơn, bạn nên xin phép và đảm bảo rằng họ đồng ý với cách bạn ghi nhận sự đóng góp của họ. Điều này giúp tránh những hiểu lầm không đáng có và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp.
Cuối cùng, hãy sử dụng ngôn ngữ rõ ràng và tránh những từ ngữ mập mờ. Thay vì viết “Tôi muốn cảm ơn Stephen”, bạn nên viết “Tôi cảm ơn Stephen” để đảm bảo sự rõ ràng và chân thành.
Ví dụ về phần lời cảm ơn có thể là: "Chúng tôi xin chân thành cảm ơn J. Thomas vì đã hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực hiện thí nghiệm. Chúng tôi cũng cảm ơn R. Tom vì những cuộc thảo luận có giá trị và Đại học Y vì sự hỗ trợ tài chính."
Như vậy, phần lời cảm ơn trong bài báo khoa học không chỉ thể hiện sự lịch sự mà còn là sự ghi nhận đúng mức những đóng góp quan trọng của những người đã giúp bạn trong nghiên cứu. Hãy viết phần này một cách cụ thể, chân thành và lịch sự để thể hiện lòng biết ơn của bạn.
Xem tiếp: Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 10: Tối ưu tiêu đề
Kết luận
Việc xác định và công nhận đúng mức đóng góp của từng tác giả trong các bài báo khoa học là một yếu tố then chốt để đảm bảo tính liêm chính khoa học. Các tiêu chí và quy tắc cụ thể giúp đảm bảo rằng không ai bị bỏ sót và mỗi cá nhân đều nhận được sự công nhận xứng đáng với đóng góp của mình. Sự ra đời của các cơ chế định danh như ORCID đã giải quyết phần lớn các khó khăn trong việc theo dõi và xác định tác giả, giúp cộng đồng khoa học hoạt động hiệu quả hơn. Tóm lại, việc hiểu và thực hiện đúng các quy tắc về quyền tác giả không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn thúc đẩy sự hợp tác và phát triển khoa học một cách bền vững.
Tài liệu tham khảo
Gastel, Barbara, and Robert Day. How to Write and Publish a Scientific Paper. Greenwood, 2015.
Carmichael, Stephen W. “Authorship.” A Guide to the Scientific Career, 18 Oct. 2019, pp. 357–360
Wager, Elizabeth. “Recognition, reward, and responsibility: Why the authorship of Scientific papers matters.” A Guide to the Scientific Career, 18 Oct. 2019, pp. 361–368.
Bình luận - Hỏi đáp