Paraphrasing và cách khắc phục 3 vấn đề thường gặp trong IELTS
Bài viết dưới đây sẽ khái quát các kiến thức về Phương pháp diễn đạt lại và vai trò của phương pháp này trong bài viết IELTS. Bài viết cũng phân tích ba vấn đề thường gặp phải trong IELTS, thông qua phân tích các khía cạnh mà bài thi đánh giá cũng như mặt lợi, mặt hại của việc tập trung vào paraphrasing trong bài viết IELTS.
Phương pháp Diễn đạt lại (Paraphrasing)
Tổng quan về diễn đạt lại (Paraphrasing)
Theo từ điển Cambridge, “paraphrase” có nghĩa là “nhắc lại một điều gì đó được viết hoặc nói, sử dụng cách diễn đạt khác, thường ở một dạng hài hước hoặc một dạng đơn giản và ngắn gọn hơn để khiến ý nghĩa ban đầu rõ ràng hơn”. (to repeat something written or spoken using different words, often in a humorous form or in a simpler and shorter form that makes the original meaning clearer – Cambridge online dictionary)
Theo Ragul Bhagat (MIT), “paraphrase” là “các câu hoặc cụm có ý nghĩa giống nhau nhưng sử dụng cách diễn đạt khác nhau”. (sentences or phrases that convey the same meaning using different wording.)
Từ hai định nghĩa trên, có thể tóm tắt và suy ra:
Paraphrase là việc sử dụng cách diễn đạt khác để thể hiện ý nghĩa tương tự với một từ/cụm từ/câu/cách diễn đạt đã được đề cập trước đó.
Mục đích: khiến thông tin ban đầu trở nên hài hước hoặc đơn giản, ngắn gọn và rõ ràng hơn.
Nói cách khác, diễn đạt lại là một công cụ giúp tăng hiệu quả biểu đạt, hỗ trợ người nói diễn tả thông tin và giúp người nghe hiểu rõ hơn thông tin.
Các cách diễn đạt lại
Các cách diễn đạt thay thế được phân thành hai nhóm chính:
Diễn đạt lại từ vựng, thông qua từ và cụm từ đồng nghĩa và dạng từ khác.
Ví dụ: “It requires huge amounts of state fund to educate illiterate adults.” (Cần lượng ngân sách chính phủ lớn để giáo dục người mù chữ.) có thể được viết lại là “It requires huge amounts of government budget to educate illiterate adults.”
Trong trường hợp trên, “state fund” và “government budget” có thể được coi như cùng một đối tượng. Hai cụm từ trên là cách diễn đạt lại của nhau.
Quan sát ví dụ khác: “Parents need to be educated how to parent.” (Cha mẹ cần được dạy cách làm cha mẹ.) có thể được viết lại là “Parents need to receive parental education.”
Động từ “educated” đã được biến đổi thành dạng danh từ “education”; động từ “parent” được biến đổi thành dạng tính từ “parental”. Cả hai từ đều cần thay đổi vị trí ngữ pháp và kết hợp với các từ khác so với bản gốc.
Diễn đạt lại ngữ pháp (biến đổi cấu trúc câu)
Hai cách thí sinh IELTS thường sử dụng là biến đổi thể chủ động thành bị động và chủ ngữ giả.
Ví dụ:
“People give children a lot of care at early stages of children’s lives.” (Người ta cho trẻ em nhiều sự quan tâm ở những giai đoạn đầu trong đời trẻ.) có thể được viết lại là “Children are given a lot of care at early stages of their lives.” (Trẻ em nhận được nhiều sự quan tâm ở những giai đoạn đầu trong đời.)
“Many people hold the belief that children nowadays are smarter than in the past.” (Nhiều người tin rằng trẻ em bây giờ thông minh hơn trong quá khứ.) có thể được viết lại là “It is believed that children nowadays are smarter than in the past.”
Các cấu trúc diễn đạt lại rộng và linh hoạt hơn thế nữa. Tùy vào mục đích sử dụng, người học có thể sử dụng câu chẻ – cleft sentence (ví dụ: It is hard to do something) hay câu đảo ngữ (However convincing the argument is…) và các cấu trúc ngữ pháp để viết lại câu văn ban đầu.
Để hiểu rõ hơn định nghĩa trên và các Phương pháp Diễn đạt lại, người đọc tham khảo thêm bài viết: Paraphrasing là gì – 4 Cách Paraphrase trong IELTS Writing Task 2
Paraphrasing có ý nghĩa như thế nào trong IELTS Writing?
Xét trong IELTS Writing Band Descriptors (Các bảng mô tả điểm bài viết) ở hai tiêu chí Lexical Resource (Vốn từ) và Grammatical Range & Accuracy (Phạm vi và độ chính xác của ngữ pháp), không có một tiêu chí hoặc yêu cầu cụ thể cho việc viết lại câu. Thay vào đó, dưới đây là các tiêu chí được đánh giá xuyên suốt trong các band điểm của bài Writing:
Phạm vi: thể hiện khối lượng từ và cấu trúc ngữ pháp cho các mục đích diễn đạt khác nhau.
Độ chính xác: thể hiện sự phù hợp của từ và cấu trúc trong từng ngữ cảnh cụ thể.
Độ linh hoạt: thể hiện khả năng điều chỉnh từ vựng và cấu trúc phù hợp với mục đích diễn đạt.
Khả năng kiểm soát: Khả năng sử dụng ngôn ngữ chính xác xuyên suốt bài viết.
Độ tự nhiên: thể hiện ở các kết hợp từ và cấu trúc ngữ pháp giống như cách người bản xứ sử dụng.
Tổng hợp lại các tiêu chí trên, ⅘ tiêu chí cho thấy bài viết IELTS được đánh giá dựa trên một nền tảng: sự hiệu quả trong diễn đạt. Phạm vi kiến thức là nền tảng cho sự hiệu quả. Độ chính xác thể hiện sự hiệu quả khi thí sinh sử dụng được ít ngữ liệu (đầu vào là ngôn ngữ) nhất để diễn tả ý tưởng của mình một cách chính xác nhất. Độ linh hoạt thể hiện sự hiệu quả trong việc lựa chọn và sắp xếp ngôn từ để nhấn mạnh các ý tưởng cần diễn đạt. Khả năng kiểm soát thể hiện sự hiệu quả xuyên suốt trong bài viết.
Kỹ năng Paraphrasing liên quan đến cả 4 tiêu chí trong hiệu quả diễn đạt. Thí sinh thi IELTS có xu hướng sử dụng các cách diễn đạt lại để viết lại phần mở và kết bài dựa vào nội dung trong đề. Paraphrasing cũng thường được ứng dụng ở cấp độ từ và cụm từ xuyên suốt bài viết.
Đôi khi, thí sinh cũng sử dụng các phương pháp paraphrasing khi muốn tự diễn đạt lại ý tưởng mình có trong đầu theo cách khác. Nói cách khác, ở mỗi giai đoạn trong quá trình viết bài, kỹ năng Paraphrasing là cần thiết để giúp thí sinh có những lựa chọn về ngôn ngữ hiệu quả hơn trong bài viết.
Kỹ năng Diễn đạt lại có phải chìa khóa để tăng điểm từ vựng và ngữ pháp trong IELTS Writing?
Dựa vào những tiêu chí trình bày ở phần trên, có thể thấy tầm quan trọng của Paraphrasing đối với việc tăng hiệu quả trong diễn đạt. Theo logic thông thường, nếu tăng hiệu quả trong diễn đạt là chìa khóa để tăng điểm từ vựng hay ngữ pháp IELTS và Paraphrasing chiếm một phần rất quan trọng trong việc tăng hiệu quả diễn đạt, thì có thể kết luận: Paraphrasing cũng là một chìa khóa để tăng điểm từ vựng và ngữ pháp?
Quan điểm này đã gây ra không ít vấn đề cho thí sinh IELTS. Trong phần này, tác giả sẽ làm rõ các vấn đề mà thí sinh IELTS gặp phải khi tập trung vào việc diễn đạt lại. Kết hợp nội dung này với các tác dụng của Paraphrasing đã được đề cập ở phần trên, tác giả sẽ cùng người đọc trả lời câu hỏi lớn của bài viết.
Các vấn đề thí sinh IELTS gặp phải khi đánh giá sai tầm quan trọng của kỹ năng Paraphrasing trong quá trình viết bài
Vấn đề 1: Mất nhiều thời gian khi viết bài
Có những thí sinh dành nhiều hơn khoảng thời gian họ có trong phòng thi để cố gắng nghĩ ra một từ đồng nghĩa với đối tượng chính trong đề bài IELTS thay vì dành thời gian suy nghĩ ý tưởng hoặc bắt tay vào viết bài.
Trong quá trình viết bài, nhiều thí sinh cũng tẩy xóa nhiều lần vì nghĩ cấu trúc câu của bản thân chưa đủ “phức tạp” hoặc chưa “hay”. Những thí sinh này dành nhiều thời gian (viết và tẩy xóa) để phức tạp hóa cấu trúc câu và từ vựng của mình.
Kết quả là, có không ít trường hợp thí sinh không hoàn thành bài viết, gây mất điểm đáng tiếc cho bài viết. Song song đó, thí sinh cũng không có thời gian để đánh giá lại ý tưởng và lập luận của bản thân, làm ảnh hưởng đến điểm số của hai tiêu chí còn lại (Task Response và Coherence and Cohesion). Như vậy, thí sinh đang đánh đổi điểm số trong tiêu chí này để cố gắng tăng điểm tiêu chí khác.
Vấn đề 2: Diễn đạt sai, hoặc sử dụng cách diễn đạt kém hiệu quả
Đây là một vấn đề rất thường gặp trong bài thi, không chỉ với các thí sinh ở trình độ 4 – 5, mà cả với các thí sinh ở trình độ cao hơn. Việc cố gắng sử dụng hoặc lạm dụng paraphrase mà không hiểu bản chất của các cách diễn đạt dẫn đến diễn đạt sai ngữ cảnh, cách diễn đạt kém hiệu quả hơn, hoặc thậm chí gây khó hiểu, gây lạc đề.
Ví dụ: với câu chủ đề “Spoken communication is more powerful than written communication.” (Việc giao tiếp bằng ngôn ngữ nói có sức mạnh lớn hơn giao tiếp bằng ngôn ngữ viết.), có thí sinh đã viết:
“Some people believe that spoken language is more effective than written language.” (Một số người cho rằng ngôn ngữ nói có hiệu quả cao hơn so với ngôn ngữ viết.)
Trong trường hợp trên, thí sinh đã làm thay đổi ý nghĩa của bài viết bằng cách thay từ “powerful” thành “effective”. Điều này làm thay đổi trọng tâm toàn bài. Thay vì nhấn mạnh về ảnh hưởng của ngôn ngữ với người nghe (là một nội dung rất cụ thể), bài viết lại tập trung vào các yếu tố khiến ngôn ngữ nói có hiệu quả cao hơn và thí sinh có thể quên hoàn toàn việc chứng minh ảnh hưởng, gây lạc đề.
Quan sát ví dụ tiếp theo: thí sinh sử dụng “children” để paraphrase cho “young people”. Tương tự ví dụ trên, đối tượng “children” chỉ là một phần trong đối tượng “young people”. Thí sinh đã tự thay đổi phạm vi bài viết (thu hẹp lại phạm vi: thay vì “người trẻ” nói chung, bài viết chỉ tập trung vào nhóm đối tượng “trẻ em”). Kết quả là bài viết bị lạc đề, gây mất điểm Task Response và cả điểm từ vựng.
Ở một trường hợp khác:
(Sách ngoại văn đắt cắt cổ hơn rất rất nhiều so với sách xuất bản tại địa phương.)
Thực chất, tính từ “exorbitant” được sử dụng để nói về giá cả, nhu cầu… quá lớn so với mức bình thường (theo Cambridge Online Dictionary). Như vậy, tính từ này mang cả sắc thái biểu cảm và tính chủ quan (mỗi người có thái độ và tiêu chuẩn khác nhau về mức độ cao – thấp trong giá cả).
Câu viết lại trên còn ngầm biểu đạt “sách trong nước quá đắt đỏ” bên cạnh “sách ngoại văn còn đắt đỏ hơn.” Khi sử dụng từ “exorbitant”, thí sinh đang tạo nên một nghi ngờ từ người đọc về tính chính xác và khách quan của thông tin – một yếu tố quan trọng trong văn nghị luận học thuật.
Nếu không chứng minh được tính “đắt cắt cổ” của cả hai sách này, thí sinh có nguy cơ bị mất điểm đồng thời ở tiêu chí Task Response (do đưa ra thông tin quá chung chung, không thuyết phục) và tiêu chí Lexical Resource (do ngữ cảnh không đủ điều kiện để cho phép thí sinh sử dụng từ “exorbitant”, giám khảo có thể đánh giá thí sinh ở mức điểm thấp hơn).
Vấn đề 3: Thực hiện tác vụ không cần thiết với trình độ và mục tiêu
Việc diễn đạt hiệu quả bắt đầu cần thiết hơn khi thí sinh mong muốn đạt mục tiêu 6.0+. Với mục tiêu dưới mức 6.0, điều thí sinh cần là có thể truyền đạt các ý tưởng của bản thân thông qua ngôn ngữ một cách dễ hiểu. Độ linh hoạt, chính xác, phạm vi, hay khả năng kiểm soát chỉ dừng lại ở mức “truyền tải đủ và rõ thông tin cho người đọc”.
Việc cố gắng diễn đạt hiệu quả hơn không chỉ làm mất thời gian mà còn làm thí sinh quên đi các khía cạnh khác cần tập trung để đạt mức điểm mục tiêu, bao gồm việc trả lời đủ các câu hỏi trong đề, việc đưa ra quan điểm, việc sắp xếp ý và kết nối ý tưởng, hay việc diễn đạt thông tin rõ ràng.
Tương tự, với thí sinh đang ở trình độ dưới 5.0, việc chú tâm vào diễn đạt lại thông tin, dù chỉ ở phần mở bài hay kết bài, có thể tạo ra tâm lý “chỉ cần paraphrase, bài viết sẽ tốt”, từ đó khiến thí sinh xem nhẹ những khía cạnh quan trọng khác, hoặc thậm chí không bồi đắp nền tảng kiến thức ngôn ngữ, cản trở đến tiến trình tăng điểm của thí sinh khi muốn đạt những mục tiêu cao hơn.
Paraphrasing có phải là chìa khóa tăng điểm từ vựng và ngữ pháp?
Nếu Paraphrasing là chìa khóa tăng điểm từ vựng và ngữ pháp trong IELTS Writing, dựa vào các vấn đề kể trên, Paraphrasing cũng có thể là chìa khóa “giúp” giảm điểm từ vựng và ngữ pháp của người học.
Nói cách khác, “chìa khóa” tăng điểm từ vựng và ngữ pháp không nằm ở kỹ thuật Paraphrasing. Việc ứng dụng phù hợp kỹ thuật Paraphrasing giúp thí sinh tăng độ hiệu quả trong truyền đạt, nhưng chỉ ứng dụng kỹ thuật này không đủ để thí sinh đạt điểm số mong muốn.
Thay vào đó, điều quan trọng và thí sinh cần hiểu rõ là trình độ hiện tại của bản thân và những yêu cầu của band điểm mình hướng đến để từ đó thí sinh có cho mình định hướng và phương pháp học hiệu quả. Mục tiêu ở từng band điểm có các tính chất khác nhau, vì vậy, việc áp dụng một “phương pháp vạn năng” cho tất cả là không tối ưu và có thể gây hiệu ứng ngược.
Nên làm gì để tăng điểm từ vựng và ngữ pháp?
Thay vì áp dụng Paraphrasing ở mọi trình độ, người học nên đánh giá lại trình độ hiện tại của bản thân và mục tiêu trong từng giai đoạn.
Với mục tiêu dưới 5.0
Người học nên tập diễn đạt ý tưởng của bản thân một cách đơn giản.
Với từ vựng: người học chủ yếu nên học các từ chỉ sự vật, sự việc thông dụng; các tính từ mang sắc thái chung chung (như good, bad,…); các từ ứng dụng được trong nhiều chủ đề (như các động từ accept, agree,…) và một số cụm từ đơn giản (ngắn gọn, ít âm tiết và dễ ghi nhớ).
Với ngữ pháp: người học nên luyện viết các câu đơn, phức và ghép cơ bản. Các câu này thường có 1 hoặc 2 mệnh đề và có cấu trúc tường minh (chủ ngữ được đặt trước động từ).
Với mục tiêu 5.0 – 6.0
Người học nên tập diễn đạt ý tưởng một cách dễ hiểu. Điều này có nghĩa là người học cần giảm thiểu sự hiểu lầm hoặc bối rối mà câu từ có thể gây ra.
Với từ vựng: người học vẫn học các từ chỉ sự vật, sự việc thông dụng, nhưng cần bổ sung các từ làm rõ sự vật, sự việc hơn. Ví dụ, bên cạnh từ “students” người học có thể làm rõ các đối tượng như “university students” hoặc “undergraduates” (sinh viên chưa tốt nghiệp). Tương tự, để làm rõ cảm xúc, người học có thể sử dụng các từ như “excited” thay cho “good”. Khi đó, giám khảo sẽ hiểu rõ hơn ý tưởng mà người học muốn truyền đạt.
Với ngữ pháp: người học vẫn sử dụng những câu đơn, phức và ghép cơ bản như ở mục tiêu trước. Ở mức điểm này, người học cần chú ý hơn đến những lỗi gây khó hiểu cho giám khảo như câu văn thiếu thành phần chính (sentence fragment) hoặc sai vị trí từ và thành phần.
Với mục tiêu 6.5+
Ở giai đoạn này, người học nên tập cách diễn đạt hiệu quả, tức là thỏa mãn cả 4 tiêu chí về phạm vi, độ chính xác, sự linh hoạt và khả năng kiểm soát.
Từ vựng
Người học nên nghiên cứu mỗi từ cụ thể về các khía cạnh: ý nghĩa thông thường, nghĩa khác, kết hợp từ, trường hợp sử dụng. Đặc biệt ở trình độ này, khi kỹ thuật paraphrase đã bắt đầu cần thiết, người học nên nghiên cứu kỹ và so sánh ý nghĩa của từ gốc và cách diễn đạt thay thế. Các cách diễn đạt thường được giới hạn trong một số ngữ cảnh cụ thể và có một số phạm vi, sắc thái riêng. Nếu người học không sử dụng chính xác ngữ cảnh, phạm vi hay sắc thái, người học có thể “được” mất điểm thay vì tăng điểm.
Người học chỉ nên sử dụng từ vựng khi đã chắc chắn về ý nghĩa.
Nên lựa chọn từ vựng vì sự hiệu quả và phù hợp với ngữ cảnh. Không nên lựa chọn bởi độ phức tạp của từ vựng vì điều này đi ngược với mục tiêu của giao tiếp (truyền đạt thông tin một cách dễ hiểu và hiệu quả). Nên sử dụng một từ phức tạp và chính xác vì ý nghĩa của từ đó khớp với ngữ cảnh mong muốn.
Ngữ pháp
Người học nên tìm hiểu kỹ và sâu về tác dụng của từng cấu trúc ngữ pháp. Ví dụ, trong hầu hết trường hợp của bài viết, người học nên sử dụng câu chủ động để nhấn mạnh sự trực tiếp trong từng hành động, từ đó tăng sức mạnh của luận điểm.
Tuy nhiên, khi diễn tả sự bị động, bất lực của các đối tượng (ví dụ: trẻ em bị bắt làm những việc chúng không thích), người học nên sử dụng câu bị động. Việc sử dụng cấu trúc câu, tương tự với việc sử dụng từ vựng, cần đặt trọng tâm ở mục đích truyền đạt, không phải độ phức tạp.
Luôn tìm những cách sắp xếp cấu trúc hiệu quả nhất cho truyền đạt. Cấu trúc hay không nhất thiết phải phức tạp, mà là cấu trúc diễn đạt tối ưu nhất ý tưởng của người học. Một ví dụ đơn giản: với câu “In the morning, I woke up.”, người học có ý muốn nhấn mạnh thời điểm hành động xảy ra (có thể để trả lời câu hỏi: Anh ngủ dậy lúc nào?).
Tuy nhiên, nếu nói “I woke up in the morning.”, người học lại chuyển trọng tâm đến hành động. Chỉ những sự thay đổi đơn giản như vậy đã có thể tăng đáng kể hiệu quả truyền đạt.
Tổng kết
“It is essential to have good tools, but it is also essential that the tools should be used in the right way.” (Wallace D. Wattle)
“Công cụ tốt cần thiết, nhưng các công cụ này được sử dụng đúng cách cũng cần thiết.”
Như các công cụ khác được ứng dụng trong IELTS Writing, Paraphrasing đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người học đạt hiệu quả cao hơn trong truyền đạt thông tin. Tuy nhiên, chìa khóa thực sự để tăng điểm từ vựng, ngữ pháp là khả năng hiểu trình độ hiện tại của bản thân và sử dụng các công cụ phù hợp.
Hy vọng thông qua bài viết, người đọc sẽ có một góc nhìn khách quan hơn về phương pháp Diễn đạt lại và có những điều chỉnh phù hợp với trình độ của bản thân để đạt mục tiêu của bản thân trong bài thi viết.
Dương Thu Giang
Bình luận - Hỏi đáp