Cách tránh lỗi kết luận để cải thiện điểm Task Response 6.0 lên 7.0 trong Writing Task 2
Trong IELTS Writing, khi nhắc đến khái niệm ‘kết luận’ (conclusion), người học thường nghĩ ngay đến phần kết bài. Thế nhưng, kết bài thì chỉ có một, trong khi IELTS Band Descriptor lại đề cập đến lỗi ‘unclear or repetitive conclusions’ (số nhiều) ở tiêu chí Task Response 6.0 . Điều này cho thấy phần kết luận cần xuất hiện nhiều lần trong bài viết, không chỉ là ở đoạn kết bài. Hơn nữa, những phần kết luận này cần phải rõ ràng và không được trùng lặp. Nếu không đáp ứng được 2 tiêu chí trên, điểm Task Response của người học sẽ dừng lại ở band 6.0, thậm chí có thể rơi xuống band 5.0, kể cả khi người học viết được một đoạn kết bài hay. Vì vậy bài viết này sẽ hướng dẫn người đọc cách khắc phục một số lỗi kết luận phổ biến để cải thiện điểm Task Response 6.0 lên band 7.0.
Key takeaways
Bất cứ quan điểm nào của người viết được củng cố bằng lý do thì sẽ gọi là kết luận.
Lỗi ‘unclear or repetitive conclusions’ và ‘inadequately developed/unclear ideas’ là để chỉ những lỗi với phần kết luận và lý do trình bày ở thân bài, không phải ở mở bài hay kết bài.
Có 5 lỗi về kết luận thường gặp ở band 6.0, bao gồm: Dùng từ không chính xác, đề cập đến quá nhiều vấn đề trong kết luận, trùng lặp ý tưởng, lập luận không hợp lệ, và lý do ẩn.
Để khắc phục các vấn đề trên, người học nên kiểm tra thân bài theo thứ tự sau: (1) Từ vựng dùng trong câu kết luận, (2) Nội dung câu kết luận, (3) Nội dung lý do, (4) Cách diễn đạt ở phần lý do, và (5) Mối quan hệ giữa các ý trong đoạn.
Kết luận là gì?
Trong logic học, khi một ý kiến được củng cố bởi các lý do (reasons), ý kiến đó được gọi là kết luận. Những lý do có thể là sự thật, giả thuyết hoặc niềm tin; và chúng được đưa ra để chứng minh kết luận là đúng. Thiếu đi phần này, ý kiến được trình bày được gọi là quan điểm – tức có thể đúng hoặc sai tùy mỗi người.
Hãy xem ví dụ sau:
Children should drink milk because it promotes bone growth.
Kết luận: Children should drink milk
Lý do: It (milk) promotes bone growth
Trong câu trên, kết luận (Children should drink milk) là một ý kiến mà người viết muốn thuyết phục người đọc. Và để làm được điều này này, người viết đưa ra lý do (it promotes bone growth). Nếu không có phần lý do, ví dụ trên sẽ không có kết luận, mà chỉ có một quan điểm (Children should drink milk).
Đọc thêm: Hướng dẫn viết kết bài IELTS Writing Task 2 từ band 5 đến band 8
Kết luận trong IELTS Writing Task 2
Trong Writing Task 2, người viết cần trình bày lập trường của mình ở mở bài và giải thích, chứng minh cho lập trường đó trong thân bài. Việc này được thực hiện qua việc người học đưa ra các ý kiến dựa trên kinh nghiệm và kiến thức cá nhân. Tuy nhiên, để những ý kiến này có sức thuyết phục, người học cần bổ sung thêm các lý do, biến các ý kiến thành kết luận. Do đó, khái niệm kết luận (conclusion) trong IELTS Writing là dùng để chỉ những ý kiến được trình bày trong phần thân bài.(Cullen, 2020)
Đối với band 5.0, người viết có thể bỏ quên phần lý do mỗi khi đưa ý kiến, dẫn đến lỗi ‘no conclusions drawn’. Còn đối với band 6.0+, ý kiến và lý do luôn đi đôi. Sau đây là ví dụ của kết luận trong một bài Writing Task 2 band 7.0+
Technological advancement nowadays has made it possible to view artefacts and artworks digitally, thus begging the question that museums and galleries will one day be obsolete. I firmly disagree with this idea since I believe that these places still hold significant values to the art viewing experience and society.
Đây là một đoạn mở bài trong Writing Task 2. Trong đó, người viết trình bày lập trường (I firmly disagree). Có thể thấy lý do này chưa có sức thuyết phục do đây là niềm tin của người viết chứ không phải là một sự thật. Do đó, người viết cần dùng thân bài để chứng minh lập trường của mình.
(Kết luận) More than just a place to see arts and crafts, exhibition spaces benefit society in many ways. (Lý do 1) Firstly, they serve as central landmarks that add economic value to a country. Major museums, such as the Louvre in France, house several valuable artefacts that attract thousands of visitors every year. With such a large number of tourists comes strong demand for multiple goods and services, thereby generating employment and millions for the national budget [..]. (Lý do 2) Secondly, these venues facilitate community connection. Museums and art galleries are the places where people can meet like-minded peers, engage in conversations about the artwork, and expand their social circle. (Nhắc lại kết luận) Given the mentioned benefits, the role of exhibition spaces is still crucial to society despite however advanced technology becomes.
Để chứng minh cho lập trường được nêu ở mở bài (I firmly disagree that museums and galleries will one day be obsolete), ở thân bài người viết đưa ra một kết luận (exhibition spaces benefit the society in many ways) và củng cố cho nó bằng cách đưa ra 2 lý do được báo hiệu bằng từ nối Firstly và Secondly. Trong mỗi lý do, người viết dùng các sự thật và cách suy luận nguyên nhân – hệ quả để dẫn dắt người đọc hiểu và tin vào kết luận của anh ta. Một khi người đọc tin vào kết luận này, cùng với những kết luận khác trong phần thân bài còn lại, họ sẽ bị thuyết phục bởi lập trường được đưa ra.
Qua việc phân tích ví dụ trên, ta có thể đúc kết được một số điểm sau về kết luận trong Writing Task 2:
Mỗi khi người viết đưa ra một ý kiến và dùng lý do để chứng minh, ý kiến đó được gọi là kết luận.
Khái niệm ‘conclusions’ trong Band descriptor được dùng để chỉ những ý kiến được trình bày trong thân bài để chứng minh, giải thích cho lập trường.
Cách người học hình thành kết luận và lý do trong thân bài sẽ quyết định đến tính thuyết phục của lập trường và của cả bài viết.
Các lỗi về kết luận và cách khắc phục để cải thiện điểm Task Response 6.0 lên 7.0 trong Writing Task 2
Theo IELTS Band descriptor, có hai lỗi liên quan đến kết luận ở band 6.0, đó là:
The conclusions may become unclear or repetitive: Các kết luận trong thân bài không rõ ràng hoặc bị trùng lặp.
Some main ideas may be inadequately developed/unclear: Các lý do không được diễn giải đầy đủ hoặc không rõ ràng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hai lỗi trên, một số phổ biến nhất bao gồm:
Dùng từ không chính xác
Đề cập đến quá nhiều vấn đề trong kết luận
Trùng lặp ý tưởng
Lập luận không hợp lệ
Lý do ẩn
Sau đây ta sẽ tìm hiểu cụ thể về từng vấn đề và cách cải thiện điểm Task Response 6.0.
Dùng từ không chính xác
Trước tiên, ta cần cân nhắc đến cách diễn đạt của phần kết luận. Đôi lúc, người học sử dụng từ vựng mà không hiểu rõ về ý nghĩa và điều này khiến cho người đọc hiểu sai về kết luận.
Để làm rõ ý trên, hãy cùng phân tích câu kết luận sau:
Students would face some catastrophic problems while studying abroad.
Theo từ điển Cambridge, từ ‘catastrophic’ được định nghĩa là ‘very bad’ kèm theo ví dụ ‘She had to put her catastrophic Olympic performance out of her mind’ (Cô ấy phải thôi nghĩ về phần thi đấu tại Olyimpic đầy thảm họa/rất tệ hại). Đây là nghĩa người viết muốn diễn đạt trong đoạn trên.
Tuy nhiên, từ điển Oxford định nghĩa từ này là ‘causing a lot of problems for many people’. Trong khi đó, từ điển Merriam-Webster lại đưa ra định nghĩa ‘being a devastating event’ hoặc ‘being an utter failure’. Tổng hợp từ 3 định nghĩa trên, ta có thể hiểu từ ‘catastrophic’ mang nghĩa: rất tệ hại, sẽ ảnh hưởng tiêu cực hoặc để lại hậu quả to lớn lên nhiều người. Do vậy, ví dụ của từ điển Oxford mới dùng từ ‘catastrophic’ để miêu tả ‘Olympic performance’ chứ không phải một phần thi đấu tại một giải thể thao bình thường.
Bây giờ, ta hãy dùng định nghĩa trên để phân tích mức độ phù hợp của kết luận và lý do trong đoạn sau:
(Kết luận) Students would face some catastrophic problems while studying abroad.
(Lý do) One of the major issues is that those students with poor language skills might find it hard to integrate into the local community and therefore, it might create a language barrier for those students, which drives them to the verge of depression.
Khi đọc câu kết luận, người đọc mong chờ phần lý do sẽ giải thích về những hậu quả kinh khủng sẽ ảnh hưởng đến nhiều người của việc du học. Tuy nhiên, đón chờ họ ở phía sau là những tác động rất cá nhân (language barrier, depression). Sự mâu thuẫn giữa kết luận và lý do này khiến người đọc khó hiểu, dẫn đến lỗi ‘unclear conclusions’. Không những vậy, ở đây người viết còn mắc lỗi ‘use uncommon vocabulary but with inaccuracy’ (dùng từ không chính xác) trong tiêu chí Lexical Resource.
Để khắc phục lỗi dùng từ này, người học cần thay đổi tư duy khi học từ vựng. Trong tiếng Anh có rất ít cặp từ đồng nghĩa tuyệt đối, mà hầu hết sẽ có sự khác biệt ở đâu đó. Và như minh họa trong phần phân tích ví dụ, mỗi từ điển sẽ định nghĩa một từ theo cách khác nhau. Do đó, khi học một từ mới, người học nên đọc kỹ ví dụ để hiểu ngữ cảnh sử dụng, đồng thời tra cứu trên nhiều từ điển Anh - Anh để đối chiếu nghĩa, từ đó đúc kết được định nghĩa cụ thể nhất. Cách học này không những giúp người học tăng điểm Lexical Resource lên band 7.0, nó còn giúp người học diễn đạt kết luận chính xác hơn, từ đó cải thiện điểm Task Response 6.0.
Đề cập đến quá nhiều vấn đề trong kết luận
Ngoài cách diễn đạt, ta cũng cần phải xem xét đến nội dung của kết luận.
Một kết luận được xem là rõ ràng khi tất cả vấn đề trong kết luận đó được chứng minh đầy đủ thông qua phần lý do. Việc này là rất khó nếu như có quá nhiều vấn đề cần phải giải thích trong phần kết luận.
Hãy cùng phân tích ví dụ sau:
(Kết luận) Taking a gap year before university to work and travel provides young people with a lot of precious experiences that help them a lot with their studies or the jobs in the future. (Lý do) During this time, they have chances to meet different kinds of people, they get opportunities to explore more about this life so they can figure out many life lessons which they can hardly get from school
Trong câu kết luận, người viết đề cập đến những vấn đề sau: nghỉ gap year để đi học và du lịch, có kinh nghiệm quý báu, kinh nghiệm sẽ giúp ích cho việc học hoặc làm sau này. Như vậy, trong phần lý do, người viết cần chỉ ra cụ thể những kinh nghiệm quý báu đó là gì, và phân tích riêng một mặt là lợi ích cho việc học, mặt còn lại là lợi ích cho công việc sau này. Có thể thấy, trong câu lý do, người viết đã không thể giải thích được đầy đủ các ý trên. Kết luận này do đó đã mắc lỗi ‘unclear conclusions’.
Nguyên nhân cho lỗi trên nằm ở việc người viết gộp lợi ích của việc nghỉ gap year để đi du lịch và đi làm để giải thích chung. Mỗi một lựa chọn sẽ đem lại những kinh nghiệm khác nhau, và mỗi kinh nghiệm đó sẽ có những lợi ích riêng đối với việc học và công việc. Việc giải thích chúng đầy đủ trong một câu là gần như không thể. Để khắc phục lỗi này, ta cần tách ý ra và trình bày thành 2 phần lý do riêng biệt.
(Kết luận)On the one hand, students can enjoy many benefits when they take a gap year to find jobs or go travelling.(Lý do 1)If they choose to work over the break, young people can gain real-life experience in many fields and develop transferable skills such as customer service or negotiation. Since such skills cannot be taught in academic settings, gap year takers can gain an advantage over their peers in future interviews. (Lý do 2)Spending a year travelling is also beneficial for students. During this time, they can meet different people, explore cultures and make meaningful relationships, all of which diversify students’ life experience. They will then enter university with a more mature thinking and can thus put academic knowledge into broader contexts.
Như vậy, để tránh mắc lỗi ‘unclear conclusions’, người viết cần phân tích rất kỹ đến những đối tượng, hành động được đề cập trong câu kết luận. Mỗi một đối tượng hoặc hành động thì nên được giải thích bằng một lý do riêng.
Trùng lặp ý tưởng
Sau khi xác định những vấn đề cần được giải thích, người học cần kiểm tra kỹ nội dung của lý do. Đôi lúc dưới áp lực bài thi, người học sẽ trình bày nhiều lý do nhưng lại có cùng một ý. Sau đây là dàn bài của một đoạn văn mắc lỗi này. Trước tiên, hãy đọc toàn bộ cột lý do 1, và sau đó là toàn bộ cột lý do 2.
Bây giờ, hãy so sánh từng câu trong mỗi lý do với nhau. Ta có thể thấy ý nghĩa của các chúng có phần tương tự nhau, và do vậy hoàn toàn có thể tóm gọn lại. Điều này khiến cho bài mắc lỗi ‘The conclusions may become repetitive’.
Nếu đọc từng lý do riêng lẻ, người học có thể sẽ không nhận thấy được sự trùng lặp này. Tuy nhiên, việc lập dàn bài trước khi viết sẽ giúp người học so sánh các ý tưởng và phát hiện lỗi này dễ dàng. Từ đó, ta có thể phân biệt đâu là ý giải thích, đâu là ý ví dụ để dùng từ nối thích hợp và loại bỏ ý thừa. Tổng thể phần lý do nhờ vậy sẽ súc tích và có sức thuyết phục hơn. Áp dụng điều này, ta có đoạn văn được cải thiện từ dàn bài trên như sau:
(Kết luận)Social media also has a negative impact on users’ real-life relationships.(Lý do) Many people nowadays rely too much on these platforms for communication. Meanwhile, they make little effort for face-to-face interactions and mutual understanding,without which relationships will deteriorate. For example, youngsters can chat with friends for hours on Facebook, yet they are not willing to spare a couple of minutes to have conversations with their parents. As a result, family connections will break down, creating an unbridgeable generation gap.
Lập luận không hợp lệ
Sau khi cân nhắc về nội dung trong phần lý do, người học cần chú ý đến cách diễn đạt của phần này. Nếu sự liên quan giữa lý do và kết luận không được thể hiện rõ qua câu chữ, người học sẽ dễ mắc lỗi lập luận không hợp lệ - tức lý do và kết luận không liên quan tới nhau.
Dưới đây là ví dụ của một đoạn văn mắc lỗi này. Trước tiên, hãy đọc đoạn sau và chỉ ra lợi ích của việc không quy định độ tuổi nghỉ hưu.
(Kết luận) On the one hand, there are two benefits of not enforcing retirement age […] (Lý do) Second, working is an important source of livelihood for the seniors because a country's pension scheme is not always adequate for people to maintain a decent living standard. For instance, a Vietnamese’s pension normally lies under 3 million VND a month, which proves to be hard for living comfortably.
Phần lý do không trực tiếp nêu ra lợi ích là gì. Do vậy, ta không thể kết luận rằng việc việc không quy định độ tuổi nghỉ hưu mang lại lợi ích dựa trên lý do này. Đoạn này được gọi là một lập luận không hợp lệ và được quy vào lỗi ‘unclear conclusions’.
Một đoạn có lập luận hợp lệ (kết luận được suy ra từ lý do) sẽ như sau:
(Kết luận) On the one hand, there are two benefits of not enforcing retirement age […] (Lý do) Second, non-mandatory retirement allows the elderly to maintain a decent living standard. As people get older, they require more medical care and more nutritious diets, yet most pension schemes barely meet the minimum wage. Therefore, such costly needs can only be afforded if retirement-age people continue working and earn stable income. Otherwise, senior citizens will become a financial burden for their families and society.
Để tránh lỗi này, phần lý do cần có một câu để nêu trực tiếp vấn đề được nhắc đến trong kết luận (Ví dụ như ta kết luận rằng có nhiều lợi ích thì cần có một câu nêu thẳng lợi ích đó là gì). Những ý triển khai và lật ngược vấn đề có thể để ở phía sau. Người học có thể tham khảo một số cấu trúc lập luận như P.I.E (Point – Illustration – Explanation) để hỗ trợ việc tư duy và trình bày lý do được dễ dàng hơn.
Lý do ẩn
Đôi lúc, các lý do của một kết luận không cần được nêu lên một cách tường minh. Đó là khi lý do là một sự thật, hoặc một quan điểm đã được chứng minh từ trước, hoặc được mọi người ngầm hiểu.
Ví dụ: Tiền được làm ra khi chúng ta lao động. Vì vậy để làm ra tiền thì rất cực khổ.
Nếu chỉ xét riêng lý do và kết luận, ta thấy hai ý này không liên quan đến nhau. Việc chúng ta làm ra tiền khi lao động không cung cấp đủ thông tin để kết luận rằng việc đó rất cực khổ. Thế nhưng, ta vẫn bị thuyết phục với lập luận này. Nguyên nhân là có một lý do được ngầm hiểu giữa người viết và người đọc, đó là ‘Lao động thì rất cực khổ’.
Trong Writing Task 2, việc lược bỏ không nhắc đến các lý do ngầm hiểu như trên là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó giúp lập luận trở nên ngắn gọn và súc tích vì ta không cần lặp lại những thứ quá hiển nhiên. Mặt khác, nó có thể khiến lập luận trở nên không rõ ràng, thiếu thuyết phục. Đó là vì lý do ẩn có thể hiển nhiên với người viết, nhưng chưa chắc sẽ như thế đối với người đọc. Để làm rõ cho vấn đề này, hãy cùng phân tích một đoạn lập luận sau trong bài viết của thầy Simon – cựu giám khảo IELTS:
(Kết luận) On the one hand, I believe that newspapers will continue to be a vital source of information, even in the Internet age. (Lý do) Firstly, newspapers are the most traditional means of communicating the news, and not everyone wants to or is able to use the Internet instead. For example, old people or those in rural areas might not have the ability or opportunity to get online, while many of us simply prefer newspapers even if we do have Internet access. (Nguồn: ielts-simon.com)
Khi đọc đoạn trên, ta sẽ phải đặt câu hỏi:
- Sự liên quan giữa việc báo chí tồn tại từ rất lâu và việc một số người không thể dùng Internet là gì?
- Tại sao 2 việc trên lại chứng minh được cho kết luận về tầm quan trọng của báo chí?
Mối liên hệ không rõ ràng này có thể khiến ta thấy bức bối, vì dù cảm thấy lập luận hợp lý nhưng lại không thể bị thuyết phục hoàn toàn. Ví dụ trong đoạn cũng không giúp lý giải được lỗ hổng này. Đây là do trong đó tồn tại một lý do ẩn là: Những người không dùng Internet thì sẽ dùng báo vì nó là thứ trước nay ta vẫn quen dùng.
Thực tế thì không phải ai cũng có thể ngầm hiểu được lý do ẩn trên. Vì thế, lý do này nên được trình bày trực tiếp trong đoạn như sau:
(Kết luận)On the one hand, I believe that newspapers will continue to be a vital source of information, even in the Internet age. (Lý do) Firstly, newspapers are the most traditional means of communicating the news. Therefore, anyone who does not want to or is unable to use the Internet can resort to newspapers to stay updated. For example, old people or those in rural areas might not have the ability or opportunity to get online, while many of us simply prefer newspapers even if we do have Internet access.
Việc tồn tại quá nhiều lý do ẩn, hoặc lý do ẩn là một kiến thức xa lạ với người đọc, sẽ khiến lập luận có cảm giác không trọn vẹn và rõ ràng. Lỗi lý do ẩn vì vậy thuộc phạm trù của lỗi ‘inadequately developed/unclear ideas’.
Để nhận ra sự tồn tại của lý do ẩn và bổ sung chúng vào bài đòi hỏi người viết phải có tư duy logic tốt. Như đã nói ở phần trước, việc áp dụng những cấu trúc tư duy như P.I.E hoặc P.E.E.L vào bài viết sẽ hỗ trợ giải quyết phần nào vấn đề này. Ngoài ra, người học có thể bắt đầu bằng việc tự kiểm tra chuỗi logic trong bài viết của mình mỗi khi viết xong theo các bước sau đây:
Bước 1: Xác định các ý được nhắc đến trong đoạn
Bước 2: Xác định quan hệ giữa chúng (lý do - kết luận, ví dụ, phản biện,…). Hãy chắc chắn rằng không có ý nào đứng độc lập với các ý khác. Nếu phát hiện được, hoặc là người học bổ sung từ nối hoặc ý để liên kết, hoặc là lược bỏ hoàn toàn ý đó.
Bước 3: Kiểm tra tính hợp lệ của từng cặp lý do - kết luận, tức kết luận được suy trực tiếp từ lý do. Nếu có lỗi, hãy bổ sung nguyên nhân / kết quả trực tiếp.
Để ví dụ cho các thao tác trên, ta hãy cùng phân tích lại đoạn văn của của thầy Simon theo từng bước:
Bước 1 & 2: Xác định các ý trong đoạn và xác định quan hệ
Có thể thấy các ý đều được liên kết với nhau, không có ý nào đứng độc lập trong đoạn.
Bước 3: Xác định tính hợp lệ của 2 cặp lý do – kết luận
(2) Newspapers are the most traditional means of communicating the news => (1) Newspapers will continue to be a vital source of information.
(3) Not everyone wants to or is able to use the Internet => (1) Newspapers will continue to be a vital source of information.
Khi xét riêng từng cặp, người học cần đặt câu hỏi về sự liên quan giữa các ý:
Việc báo chí tồn tại lâu đời nhất có liên quan gì đến kết luận về tầm quan trọng?
Việc mọi người không dùng Internet có liên quan gì đến kết luận về tầm quan trọng?
Hai lý do này có liên quan tới nhau không?
Từ đây, nếu người học phát hiện được lý do ẩn thì có thể bổ sung để làm rõ kết luận. Tuy nhiên, nếu quá khó, người học có thể thay đổi cách diễn đạt hoặc thay đổi luận điểm. Ví dụ, ý (1), (2) và (3) có thể đổi thành:
Newspapers will continue to be a vital source of information. Firstly, newspapers are easy to use and accessible everywhere. Thanks to it, people who are unable to use the Internet, like the elderly or people living in rural areas, can still keep up with the news.
So với lập luận ban đầu của thầy Simon thì ý tưởng trên có phần đơn giản hơn. Thế nhưng nó đảm bảo được sự rõ ràng về mặt lập luận. Để đạt 7.0 Task response, người học trước tiên nên hướng đến sự rõ ràng này trong bài viết.
Tổng kết
Kết luận (conclusions) được đề cập trong IELTS Band Descriptor là để chỉ những ý kiến được người viết đưa ra trong thân bài và được chứng minh bởi các lý do. Có rất nhiều lỗi liên quan đến vấn đề này khiến cho người học không thể cải thiện điểm Task Response 6.0. Các bước người học cần thực hành để hạn chế một số lỗi phổ biến nhất sẽ được tóm tắt trong bảng sau.
Các lỗi được phân tích trong bài viết là những lỗi phổ biến nhất theo quan sát của tác giả, ngoài ra còn rất nhiều lỗi về lập luận mà người học có thể mắc phải. Do đó, người học nên tham khảo thêm loạt bài về tư duy lập luận trong IELTS của ZIM để xác định được chính xác vấn đề của bản thân. Người học cũng cần lưu ý rằng bài viết đã thay đổi tên gọi của một số thuật ngữ (ví dụ tiền đề thành lý do) để phù hợp với định nghĩa trong IELTS Band descriptor, cũng như là để nội dung thân thiện hơn với người đọc. Khi tham khảo các tài liệu khác người học nên chú ý quy đổi khái niệm để không bị nhiễu loạn kiến thức.
- Task response
- IELTS Writing Opinion essay: Cách cải thiện từ 5.0 lên 6.0 tiêu chí Task Response
- Tiêu chí Task Response trong Writing Task 2 – Phân tích chuyên sâu theo Band 4, 5, 6
- Cách tránh lỗi kết luận để cải thiện điểm Task Response 6.0 lên 7.0 trong Writing Task 2
- Các yếu tố để đạt 7.0 IELTS Writing - Phần 1: Yếu tố Address all parts of the task
Bình luận - Hỏi đáp