Banner background

Giải thích các thuật ngữ trong tiêu chí Lexical Resource của IELTS Speaking – Phần 2

Bài viết chia sẻ các thuật ngữ khó hiểu trong tiêu chí Lexical Resource của IELTS Speaking và hướng dẫn cách đạt được thang điểm 6/7/8 của tiêu chí này.
giai thich cac thuat ngu trong tieu chi lexical resource cua ielts speaking phan 2

Tiếp nối phần trước “Các thuật ngữ khó hiểu trong tiêu chí Lexical Resource của IELTS Speaking“, bài viết dưới đây phân tích các thuật ngữ xuất hiện trong tiêu chí Lexical Resource và hướng dẫn cách nâng band điểm tiêu chí này.

Less common vocabulary trong tiêu chí Lexical Resource IELTS Speaking là gì?

Có không ít người học IELTS cho rằng để đạt được thang điểm cao, họ cần phải sử dụng càng nhiều từ ‘cao siêu’ càng tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn vào Bảng mô tả Tiêu chí chấm điểm của Speaking, ở cột tiêu chí Lexical Resource, giám khảo chấm thi hoàn toàn không đánh giá vốn từ vựng của thí sinh dựa theo số từ ‘cao siêu’ đó. Những gì họ cần tìm ở một bài nói chỉ là những từ ‘ít phổ biến hơn’ (less common). Từ vựng ít phổ biến hơn (less common vocabulary) là những từ đa số người học sẽ không dùng tới trong bài nói của họ. Nói cách khác, đấy không phải những từ nào quá khó, nhưng tần suất chúng được sử dụng bởi các thí sinh thi IELTS là rất ít.

Một ví dụ đơn giản cho ‘từ vựng ít phổ biến hơn’ là từ ‘house’. ‘House’ được sử dụng thường xuyên như một danh từ với nghĩa ‘ngôi nhà’, nhưng rất hiếm khi được dùng như một động từ ‘to house’ với nghĩa ‘cung cấp chỗ ở’. Theo từ điển Oxford Learner’s Dictionaries, động từ ‘house’ thuộc trình độ B2. Vì vậy, về bản chất, đây vốn không phải từ quá khó, nhưng ‘to house’ vẫn sẽ được coi là một từ ít phổ biến hơn. Sử dụng ‘house’ với vai trò là động từ trong câu chắc chắn sẽ giúp người học tạo được ấn tượng tốt với giám khảo.

‘Từ vựng ít phổ biến’ sẽ bắt đầu được chú trọng từ thang điểm 7 trở lên. Dưới đây là một số biểu hiện cụ thể hơn của ‘từ vựng ít phổ biến’.

tu-vung-it-pho-bien-la-gi

Idiomatic vocabulary là gì?

Từ vựng mang tính thành ngữ (idiomatic vocabulary) là những cụm từ mà nghĩa của chúng hoàn toàn không liên quan tới nghĩa của từng từ trong cụm từ đó. Nói cách khác, đây là các cụm từ luôn được hiểu theo nghĩa bóng. Khi sử dụng từ vựng mang tính thành ngữ, đôi lúc người nói có thể gợi mở ra một ‘bức tranh’ rất rõ nét trong tâm trí của người nghe.

Từ vựng mang tính thành ngữ có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, dưới đây là một số ví dụ:

Một cặp từ: This book must have changed hands many times before it got to me.

(Tạm dịch: Quyển sách này chắc chắn đã qua rất nhiều đời chủ nhân trước khi đến được tay tôi.)

Cụm từ: I’ve made it to the top 10 of the whole competition. I’m definitely on cloud nine right now.

(Tạm dịch: Tôi đã thành công bước vào top 10 của toàn cuộc thi. Hiện giờ tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.)

Một câu: The tail is wagging the dog.

(Tạm dịch: Vấn đề lớn này đang bị kiểm soát bởi một người không có đủ năng lực để làm vậy.)

Đọc thêm: Các Idioms phổ biến phân loại theo chủ đề trong IELTS Speaking 

Collocation là gì?

Để hình dung dễ hơn về collocation, ta có thể nhìn vào từng thành phần của từ này. Tiền tố co- nghĩa là ‘cùng nhau’ (together), còn ‘location’ là địa điểm. Như vậy, ‘collocation’ có thể hiểu là một sự kết hợp các từ vựng thường đi với nhau. Thông thường, một cụm từ được coi là ‘collocation’ không bởi một lý do cụ thể nào cả, chỉ là người ta hay dùng các từ đó cạnh nhau mà thôi. Sử dụng đúng ‘collocation’ sẽ giúp người nói thể hiện được vốn từ vựng tiếng Anh tốt của mình. Mặc dù vẫn có thể đoán được nghĩa nếu người nói dùng sai ‘collocation’, người nghe sẽ khó có được ấn tượng tốt với người nói, đặc biệt nếu như ‘collocation’ đó là những tổ hợp từ cơ bản và phổ biến.

Dưới đây là một số ví dụ của ‘collocation’:

  • Do a favor (làm giúp việc gì)

  • Make the bed (dọn, sắp xếp giường)

  • Lay the table (sắp xếp đồ vật trên bàn)

  • Take a risk (liều làm một việc gì)

  • Feel free (cứ tự nhiên làm gì)

collocation-trong-ielts-speaking-la-gi

Đọc thêm: Phương pháp học collocations theo ngữ cảnh, giới thiệu một số nguồn học collocations

Precision trong tiêu chí Lexical Resource IELTS Speaking là gì?

Xuất hiện ở thang điểm 8, sự chính xác (precision) nhấn mạnh vào việc người nói sử dụng được đúng từ vào đúng thời điểm. Từ vựng chính xác không nhất thiết phải là từ vựng ‘đao to búa lớn’ hay quá mới lạ, nhưng chúng sẽ giúp người nói truyền tải được nội dung mong muốn với ngữ nghĩa rõ ràng mà không cần phải giải thích quá dài dòng hay gây mơ hồ, khó hiểu cho người nghe.

Dưới đây là ví dụ so sánh:

  • Chưa chính xác (imprecise):

The result of this survey is not reliable. Only some people agreed to attend, and some of them were even ineligible.

(Kết quả của cuộc khảo sát này không quá tin cậy. Chỉ có một số người đồng ý tham gia, và một số trong số đó thậm chí còn không đủ điều kiện tham gia.)

Hạn định từ ‘some’ là một từ mang nghĩa không cụ thể và rất mơ hồ, được sử dụng khi ngữ cảnh đó không có một con số cụ thể nào, có thể là số ít nhưng cũng có thể là số nhiều. Trong ví dụ này, việc người nói sử dụng từ ‘some’ sẽ khiến người nghe nghi ngờ độ chính xác của nội dung mà người nói đang truyền đạt về ‘kết quả của cuộc khảo sát’.

  • Chính xác (precise):

The result of this survey is not reliable. Only few people agreed to attend, and many of them were even ineligible.

(Kết quả của cuộc khảo sát này không quá tin cậy. Chỉ có rất ít người đồng ý tham gia, và rất nhiều trong số đó thậm chí còn không đủ điều kiện tham gia.)

So với ví dụ chưa chính xác bên trên, ví dụ thứ hai truyền đạt nội dung cụ thể và chính xác hơn với hai hạn định từ có sắc thái ít – nhiều rõ ràng là ‘few’ và ‘many’.

precision-la-gi

Đọc thêm: Từ vựng và cách diễn đạt ghi điểm trong IELTS Speaking chủ đề People

Một số hướng dẫn để đạt được điểm 6/7/8 cho tiêu chí Lexical Resource trong IELTS Speaking

Ở thang điểm 6, người học chưa cần quan tâm tới những từ vựng ít phổ biến hơn hay các cách diễn đạt mang tính thành ngữ. Thay vào đó, tập trung vào việc nâng cao độ đa dạng của những từ vựng ở mức độ cơ bản và luyện tập sử dụng chúng để có thể giao tiếp về tất cả các chủ đề một cách rõ nghĩa nhất có thể mới là điều mà người học cần chú trọng để đạt được điểm 6 của tiêu chí Lexical Resource. Thêm vào đó, kỹ năng diễn giải cũng nên được trau dồi. Mặc dù ở thang điểm này, người học vẫn được phép mắc một số lỗi sai về cách dùng hay diễn giải từ, sự rõ ràng của nội dung truyền tải luôn phải được đảm bảo, tránh gây khó hiểu cho người nghe.

Đối với thang điểm 7, ngoài việc cải thiện vốn từ vựng, sự linh hoạt trong cách dùng từ và kỹ năng diễn giải, việc sử dụng các từ vựng ít phổ biến cùng với một số từ vựng mang tính thành ngữ khác trong bài nói cũng nên được chú trọng hơn. Về yếu tố này, có hai điều cần lưu ý như sau. Thứ nhất, như đã nêu ở trên, người học nên tránh cách tư duy rằng từ vựng ở thang điểm 7 phải là những từ khó và ‘cao siêu’. Suy nghĩ này hoàn toàn không đúng với những gì được mô tả trong tiêu chí Lexical Resource, đồng thời khiến cho quá trình học từ vựng trở nên áp lực hơn rất nhiều. Thay vào đó, để có thể đạt được điểm 7, người học nên tìm hiểu những cách dùng khác ngoài cách dùng thông dụng của những từ mình đã biết và áp dụng vào bài nói. Thứ hai, việc sử dụng từ vựng mang tính thành ngữ cần có một sự chọn lọc nhất định. Người học nên tránh dùng các cụm thành ngữ như ‘rain cats and dogs’ và ‘cost an arm and an leg’ bởi đây là các cụm học thuộc mà giám khảo chấm thi thường không có ấn tượng tốt và sẽ không giúp người học lên được thang điểm 7 cho tiêu chí Lexical Resource.

cai-thien-tieu-chi-lexical-resource-trong-ielts-speaking

Đọc thêm: Phân tích và gợi ý hướng cải thiện tiêu chí Lexical Resource từ band 6 lên 7 trong IELTS Speaking

Để đạt được thang điểm 8, ngoài những yếu tố cần có ở thang điểm 7, người học sẽ cần phải luyện tập và để tâm nhiều hơn tới các khía cạnh ít biết tới của từ vựng. Về độ chính xác trong cách dùng từ, không dừng lại ở những tầng nghĩa thông dụng ‘bề mặt’ mà tập trung tìm hiểu kỹ về các sắc thái của từ vựng là điều cần thiết. Ngoài ra, với thang điểm 8, giám khảo chấm thi sẽ mong đợi một thí sinh có khả năng giao tiếp gần như người bản địa. Vì vậy, người học có thể thu thập thêm cho mình một số cách diễn đạt của người bản địa từ các chương trình nước ngoài như Late Night Show để có thể vận dụng trong bài nói của mình.

Tổng kết

Bài viết này đã chia sẻ kỹ hơn về các thuật ngữ khó hiểu trong tiêu chí Lexical Resource của IELTS Speaking, đồng thời đưa ra một số hướng dẫn về cách đạt được thang điểm 6/7/8 của tiêu chí này. Điều mà người học cần lưu ý nhất về tiêu chí Lexical Resource là tránh việc chỉ tập trung học các từ vựng quá khó, bởi các từ vựng ở mức độ cao không phải là yếu tố mà giám khảo ưu tiên sử dụng để đánh giá thí sinh.

Nguyễn Hồng Oanh 

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...